FB Ngô Nhật Đăng
Một chế độ chuyên chế thường được hiểu như một bộ máy quan liêu
chính trị, một nhóm nhỏ giành quyền lực quốc gia bằng bạo lực. Dù họ có dùng
một ý thức hệ để xây dựng tính chính danh cho mình như thế nào thì suy cho cùng
nó vẫn phải dựa vào nhà tù, súng đạn và số cảnh sát chìm nổi, mật vụ chỉ điểm
đông đảo, tức là trực tiếp dựa vào sức mạnh bạo lực.
Khác với các chế độ chuyên chế cổ điển, hệ thống toàn trị ngày
nay điều hành một ý thức hệ nghiêm ngặt, dể hiểu và mềm dẻo. Nó cung cấp một
đáp án cho mọi câu hỏi, nó bắt người ta phải chấp nhận toàn bộ cái ý thức hệ
đó. Hệ tư tưởng này có một sức hấp dẫn nhất định, nó từng làm mê hoặc cả một
phần thế giới. Từ những kẻ bần cùng, lang thang đến những trí thức, nó hứa với
kẻ đang lang thang một ngôi nhà, người tá điền không tấc đất cắm dùi những thửa
ruộng màu mỡ. Nó đưa ra công cụ “biện chứng duy vật” để những trí thức thấy
mình có cơ hội cải tạo thế giới đầy bất công bằng lý trí. Đứng về mặt triết học
bản chất của việc này chính là loại bỏ những băn khoăn muôn thuở như : Con
người sinh ra từ đâu ? Sinh ra để làm gì ? Ý nghĩa của đời sống vv…Ý thức hệ là
sự thay thế cho những câu trả lời, được đơn giản hóa tối đa, và, vì chúng là
duy lý nên không thể xung đột với nhau nó sẽ tạo thành một hệ thống hài hòa mà
trong đó chân lý sẽ thắng thế và rồi tự do, hạnh phúc, mọi cơ hội sẽ đến với
tất cả mọi người.
Nó kết hợp với chủ nghĩa yêu nước nhưng lại đặt quyền lợi nhà
nước cao hơn quyền lợi con người.Nó chuyển toàn bộ các tư liệu sản xuất tập
trung vào tay nhà nước tạo điều kiện cho cơ cấu này kiểm soát được toàn thể
cuộc sống mọi công dân.Điều này tạo cho cơ cấu quyền lực một khả năng to lớn
không thể kiểm soát, kể cả việc đầu tư cho chính nó.
Công dân chỉ cần chấp nhận ý thức hệ này thì lập tức cuộc sống
trở nên đơn giản, mọi câu hỏi, sự băn khoăn, nỗi cô đơn…đều biến mất. Cái giá
phải trả cho điều này là từ bỏ lương tâm và trách nhiệm, tóm lại là hãy giao
lương tâm cho lãnh đạo.
Cốt lõi của cơ chế này là trung tâm quyền lực cũng chính là
trung tâm của chân lý.Các điều luật đặt ra đều có những khe hở mênh mông để cho
người thực thi luật pháp có thể chuyên quyền một cách ngẫu nhiên, độc đoán và
chẳng theo một luật lệ nào. Như một bà luật sư từng cay đắng : “Chúng ta có một
rừng luật, nhưng xử sự theo luật rừng”.
Cái gì đã tạo nên một xã hội quái gở như vậy ? Đó chính là ý
thức hệ. Tôi sẽ cố gắng giải thích một cách đơn giản nhất cái được gọi là ý
thức hệ và cách mà người ta phải chấp nhận nó. Ý thức hệ tạo ra cho người ta
cái ảo tưởng về bản sắc, về văn hóa, đạo đức, phẩm giá…và oái oăm thay cũng
đồng thời tạo điều kiện cho người ta dễ dàng từ bỏ nó.
Người nông dân treo bức ảnh lãnh tụ trong nhà mình với khẩu hiệu
: “Lãnh tụ vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.Ông ta đóng thêm một
tấm biển trước cửa nhà : “Gia đình văn hóa”. Ông ta muốn tỏ cho tất cả biết
rằng ông tin tưởng vào cái tinh thần của lãnh tụ sẽ sống mãi cùng chính ông ta
? Ông hãnh diện với hàng xóm rằng gia đình mình là một tập hợp tuyệt vời đầy
tính văn hóa ?
Chúng ta đều có thể khẳng định rằng, tuyệt đại đa số những người
nông dân này đều không nghĩ đến nội dung bức ảnh, câu khẩu hiệu hay tấm biển và
lại càng không bao giờ dùng chúng để thể hiện quan điểm của mình, những thứ đó
đều phải mua từ chính quyền xã, ấp như phải mua những đồ vật vô ích nhưng lại bắt
buộc phải có vì những tác dụng khác. Ông ta phải làm việc đó vì tất cả làng xóm
đều làm, và phải làm, nếu từ chối thì ngay lập tức ông ta sẽ bị rắc rối. Ông ta
cần phải làm như vậy nếu muốn được yên thân, một trong muôn ngàn những việc
phải làm để hòa hợp với xã hội.
Tuy nhiên việc này không phải không có động cơ, ông ta muốn gửi
một thông điệp : “ Tôi đã làm cái việc mà mọi người muốn tôi làm, tôi đáng tin
cậy và hãy tin tôi” để tránh rắc rối và được yên thân. Thông điệp này được gửi
đến những người cao hơn, những người trong hệ thống quyền lực dù nhỏ bé như gã
trưởng ấp chẳng hạn. Do đó ý nghĩa của bức ảnh lãnh tụ, câu khẩu hiệu, tấm biển
sẽ bám rễ vào cuộc sống của ông ta. Là lợi ích sống còn của ông ta.
Thử tưởng tượng, nếu người nông dân phải treo một khẩu hiệu bắt
buộc : “ Vì sợ hãi gia đình tôi cam kết sẽ chấp hành mọi chủ trương chính sách
của nhà nước !” Việc gì sẽ xảy ra ? Ông ta sẽ phải chú ý đến nội dung câu khẩu
hiệu vì nó phản ánh đúng SỰ THẬT. Ông ta sẽ xấu hổ vì câu khẩu hiệu đã vạch trần
sự mất phẩm giá của mình. Ông ta là con người, ông ta cũng có lòng tự trọng và
có cảm nhận về phẩm giá của mình. Ông ta sẽ phải tìm cách biện bạch cho lý do
mà ông ta treo ảnh lãnh tụ, câu khẩu hiệu và tấm biển. “ Lãnh tụ đã hy sinh
toàn bộ cuộc sống riêng tư của mình cho đất nước, đã làm cho tổ quốc biết bao
nhiêu điều, tôi tôn vinh ông ấy có gì sai ?”- Ông ta tự gán điều đó như là một
niềm tin không vụ lợi. Cách biện bạch này giúp ông ta che dấu cái hèn nhát của
mình và đồng thời cũng che dấu luôn cái hèn nhát của quyền lực, của nhà nước.
Sự hèn nhát giấu sau lưng một điều gì đó rất cao sang.
Và cái điều gì đó rất cao sang đó chính là ý thức hệ.
Tóm lại, một sự cần thiết của các chế độ toàn trị là phải có Ý
thức hệ, nó chính là một công cụ để đối xử với những người trung thực, dũng cảm
luôn có trong bất cứ thời đại nào, những người luôn đặt ra các câu hỏi cho các
vấn đề xã hội, Ý thức hệ loại bỏ các câu hỏi ra khỏi đầu óc anh ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét