Nguyễn Tường Thụy
Thế
đang lên của phe xã hội chủ nghĩa giữa thế kỷ trước
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, một loạt nước XHCN (xã hội chủ
nghĩa) ra đời. Nếu trước đó chỉ có Liên Xô và Mông Cổ, thì lúc này phe XHCN
(còn gọi là phe “dân chủ”) có 13 quốc gia, trở thành một hệ thống bao phủ 1/3
bề nổi trái đất. Tuy nhiên, Nam Tư đã nhanh chóng bị loại ra khỏi phe XHCN vì
đường lối độc lập, không thần phục Liên Xô của tổng thống Josip Broz Tito. Khi
đó, báo Nhân Dân có bài “Ti Tô là con lợn”, ký một bút danh của Hồ Chí Minh.
Tới 1959 khi cộng sản thắng lợi ở Cu Ba thì phe XHCN trở lại 13
nước. Đó là Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam (Bắc Việt Nam và sau này là cả nước),
Triều Tiên (Bắc Triều Tiên), Mông Cổ, Cu Ba và 7 nước Đông Âu là Ba Lan, Tiệp
Khắc, Đông Đức, Anbani, Bulgaria, România, Hungari.
Thực ra, các nước đã từng theo XHCN là trên 30, nhưng khối XHCH
13 nước ở đây là bao gồm các nước triệt để chủ nghĩa Mác - Lê Nin nhất, theo
cương lĩnh của Đệ tam quốc tế là lật đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chế độ xã
hội chủ nghĩa. Tuy nhiên sự phân biệt này cũng chỉ là tương đối.
Vào thời kỳ những năm 50 của thế kỷ trước, phe XHCN giành được
thế và lực cao nhất trong lịch sử tồn tại của khối này. Cộng với sự lạc quan
tếu, thói kiêu ngạo của người cộng sản, người ta tưởng thế giới đại đồng đến
nơi, có lẽ không phải đợi sang thế kỷ 21. Chủ nghĩa tư bản đang bị ép đến chân
tường và chỉ còn chờ chết. Người ta nhận định, Liên Xô đã hoàn thành giai đoạn
chủ nghĩa xã hội và chuẩn bị tiến vào giai đoạn cộng sản chủ nghĩa.
Khắp nơi tràn ngập không khí lạc quan, phấn khởi cho dù miền Bắc
đói vàng mắt và thiếu thốn đủ mọi thứ. Họ tin rằng, cứ thắt lưng buộc bụng, chỉ
cần mo cơm quả cà là xây dựng thành công CNXH. Nào là thơ, nào là ca khúc ca
ngợi thế đang lên của phe XHCN, hừng hực khí thế từ thành thị đến nông thôn.
Những cụm từ Tình hữu nghị Việt - Xô, Tình hữu nghị Việt -
Trung, Tình hữu nghị Việt - Trung - Xô, Tình hữu nghị Việt - Triều, Tình hữu
nghị Việt - Trung - Triều được nhắc với tần suất rất cao. Người ta còn khắc những
cụm từ trên vào dấu gỗ, để có thể bôi chút mực đỏ rồi chụp vào bất cứ đâu.
Những bài hát ca ngợi phe XHCN tưng bừng khắp miền Bắc. Tôi chưa
biết chữ, nhưng được nghe từ lời hát của bà chị gái hay đi sinh hoạt thiếu nhi,
còn nhớ được mấy câu:
"Thắm thiết tình Việt – Trung - Xô,
Đế quốc ngày càng thêm lo,
Đó là tình người lao động,
Mối tình tràn ngập núi sông,
Cố công xây đắp tình Việt – Trung - Xô!"
Đế quốc ngày càng thêm lo,
Đó là tình người lao động,
Mối tình tràn ngập núi sông,
Cố công xây đắp tình Việt – Trung - Xô!"
Người ta tin chủ nghĩa Mác Lê Nin là bách chiến bách thắng, là
học thuyết duy nhất đúng, chẳng phải nhọc công tìm ra lối đi nào khác có thể
đưa con người qua đau khổ, thoát khỏi áp bức, bóc lột. Nó giống như khi phát
hiện ra trái đất hình tròn thì nó không thể vuông hay méo được nữa.
Này này đế quốc biết hay chăng?
Ngươi đã già nua, ta trẻ măng
Trái đất ngươi ôm, ôm chẳng nổi
Trời kia, ta với cả cung trăng
Ngươi đã già nua, ta trẻ măng
Trái đất ngươi ôm, ôm chẳng nổi
Trời kia, ta với cả cung trăng
Ngươi ơi ngươi đã trở về già
Trái đất non sông này trả ta
Cửa kín tường cao bưng bít mấy
Ta nhìn vũ trụ vẫn bao la!
Trái đất non sông này trả ta
Cửa kín tường cao bưng bít mấy
Ta nhìn vũ trụ vẫn bao la!
(Không giam được trí óc - Xuân Thủy)
Trong khối XHCH ấy, đương nhiên, hai ông kễnh Liên Xô và Trung
Quốc được tôn làm anh cả, anh hai và hai ông làm gì, nói gì cũng chuẩn tới mức
tôn sùng. Theo ông Nguyễn Minh Cần từng làm phó chủ tịch Hà Nội, xin tị nạn ở
Liên Xô thì ông Hồ Chí Minh đã “công khai nói trước hội nghị cán bộ (1950) tại
chiến khu Việt Bắc để chuẩn bị cho đại hội 2 của ĐCS sẽ họp năm sau là:
"Các cô các chú nên biết rằng: ai đó thì có thể sai, chứ đồng chí Stalin
và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể nào sai được" (bài đăng trên RFA)
Hoặc bài thơ khóc Xtalin của Tố Hữu, đặt tên quân phiệt này ở
đỉnh cao nhất của nhân loại: “Ngôi sao sáng nhất trời cao băng rồi”. Sau này có
người thấy ngượng liền tự ý sửa lại nhưng hết sức ngô nghê: “Làm sao, Ông đã...
làm sao, mất rồi!”.
Mà nói gì tới Liên Xô, Trung Quốc, ngay ở Việt Nam, trong thơ Tố
Hữu, Hồ Chí Minh được tôn vinh tới mức:
Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng
Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người.
Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người.
Hai anh em “sinh đôi”
Quan hệ Việt Nam - Triều Tiên được xây dựng trong bối cảnh thế
của phe XHCN đang lên nói trên. Cả hai đều là nước XHCN, có diện tích và dân số
không hơn kém nhau mấy, lại cùng bị chia cắt và cùng ở Châu Á nên nói hai nước
có nhiều điểm tương đồng là vậy.
Với Việt Nam, quan hệ mật thiết sau Liên Xô, Trung Quốc thì đến
Triều Tiên. Triều Tiên là nước thứ 3 lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam sau
Liên Xô và Trung Quốc.
Nếu với Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam tỏ lòng ngưỡng mộ, kính
trọng và tin cậy tuyệt đối thì với Triều Tiên, là sự yêu quí, cảm thông, thân
thiết như anh em ruột.
Qua bài thơ “Hai anh em” của Tố Hữu có thể hình dung được mối
quan hệ này
Triều Tiên và Việt Nam
Ta là hai anh em
Sinh đôi cùng một mẹ
...........
Kim Nhật Thành - Hồ Chí Minh
Hai chúng ta là một
Qua Trung Hoa
Chúng ta liền khúc ruột
Với Liên Xô
Chúng ta một mái nhà.
Ta là hai anh em
Sinh đôi cùng một mẹ
...........
Kim Nhật Thành - Hồ Chí Minh
Hai chúng ta là một
Qua Trung Hoa
Chúng ta liền khúc ruột
Với Liên Xô
Chúng ta một mái nhà.
Về cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 -1953, không một người dân
nào biết Triều Tiên cộng sản là thủ phạm phát động chiến tranh mà chỉ căm thù
Nam Triều Tiên và đế quốc Mỹ đã xâm lược Bắc Triều Tiên, gây ra bao đau thương
cho nhân dân Triều Tiên:
Em bé Triều Tiên ơi
Mẹ của em đâu rồi?
Tìm đâu mẹ của em
Có ai đây mà hỏi
Giặc bồn bề lửa khói
Xác ai nằm ngổn ngang...
Mẹ của em đâu rồi?
Tìm đâu mẹ của em
Có ai đây mà hỏi
Giặc bồn bề lửa khói
Xác ai nằm ngổn ngang...
Anh của em đã đến đây rồi
Anh chí nguyện
Con bác Mao đã đến
Anh đã đến bên nôi em cháy dở
Với cha em giết hết loài man rợ...
Anh chí nguyện
Con bác Mao đã đến
Anh đã đến bên nôi em cháy dở
Với cha em giết hết loài man rợ...
(Em bé Triều Tiên – Tố Hữu)
Những ca từ ca ngợi đất nước Triều Tiên tươi đẹp và anh dũng:
Xuân về trên đất nước Triều Tiên anh dũng
Hoa đào nở thắm ven sông
Những cô gái Triều Tiên áo trắng...
Hoa đào nở thắm ven sông
Những cô gái Triều Tiên áo trắng...
Người đầu tiên cho tôi biết thủ phạm gây nên cuộc chiến tranh
Triều Tiên 1950-1953 là một thầy giáo dạy toán, vào năm 1976: “Chiến tranh
Triều Tiên là do Bắc Triều Tiên xâm lược Nam Triều Tiên chứ đâu phải Lý Thừa
Vãn và Mỹ phát động...”
Cuộc chiến tranh ấy nếu không có Mỹ và Liên Hiệp Quốc can thiệp
thì Hàn Quốc đã bị xóa sổ. Chiến tranh nhanh chóng biến thành cuộc đối đầu
Trung – Mỹ, với cả những trận giáp lá cà đẫm máu.
Trong 20 năm chiến tranh Việt Nam 1955-1975, tuy nghèo nhưng
Triều Tiên cũng có nhiều nỗ lực giúp đỡ Việt Nam. Triều Tiên tham gia trực tiếp
vào chiến tranh, gửi khoảng 100 phi công sang VN để huấn luyện, chiến đấu. Có
14 phi công Triều Tiên tử trận tại chiến trường Bắc VN khi đối đầu với không
quân Mỹ, hiện vẫn còn chôn cất ở Việt Nam.
Có nguồn tin cho biết Triều Tiên còn huy động ít nhất 2 trung
đoàn pháo phòng không để bảo vệ vùng trời Hà Nội. Ngoài ra còn có lực lượng bộ
binh tham chiến trực tiếp cùng quân đội Bắc Việt.
Triều Tiên viện trợ cho Việt Nam những mặt hàng dân dụng như
thuốc men, phân bón, xi măng, sắt thép... Triều Tiên còn viện trợ cho Việt Nam
cả gạo là mặt hàng thiết yếu hàng đầu mà Triều Tiên luôn luôn thiếu. Gạo Triều
Tiên gần giống như nếp chiêm của VN, ăn dẻo và thơm ngon. Thời kỳ 1974, lính
chúng tôi bị hạ tiêu chuẩn xuống 0,61 kg/ngày (trước đó là 0,74 kg/ngày). Tiêu
chuẩn đã thấp mà gạo Triều Tiên lại không nở nên đói rạc người. Có lúc lính
trốn, chúng tôi 3 đứa được ăn cả một mâm 6 nhưng vẫn hết.
Theo RFI thì giá trị hàng viện trợ của Triều Tiên cho Việt Nam
thời kỳ 1966-1969 lên đến 20 triệu rup mỗi năm. Đây là khoản tiền đáng kể đối
với một nước nhỏ và nghèo như Triều Tiên.
Vào thời kỳ 1969 – 1970, bộ đội phải mặc quần áo may bằng vải
Triều Tiên, rất xấu. Nghe nói Triều Tiên viện trợ vải này để lau súng, nhưng vì
thiếu thốn nên quân nhu dùng may quần áo cho bộ đội mặc, như kiểu hạt bo bo
Liên Xô, Ấn Độ viện trợ (hoặc bán) để chăn nuôi nhưng người phải ăn. Tân binh
mới vào phải mặc quần áo Triều Tiên cũ của lớp đi chiến đấu trước để lại. Xong
khóa huấn luyện tân binh, đi B (vào Nam) thì được phát quần áo mới, để lại quần
áo cũ cho lớp tân binh sau. Tôi từng được phát 2 bộ quần áo Triều Tiên cũ, sau
được bổ sung 1 bộ mới. Trong chiến tranh, các nước XHCN đều nhận đào tạo sinh
viên cho VN. Triều Tiên cũng thế, có khoảng vài trăm sinh viên VN sang học các
ngành khác nhau.
Sau này (vào những năm 199x), Triều Tiên gặp nạn đói, thiếu
lương thực trầm trọng, Việt Nam cũng nhiều lần viện trợ cho Triều Tiên, mỗi lần
từ 1000 đến 5000 tấn gạo. Đó là gạo cho tặng. Năm 1996 Triều Tiên mua của VN 2
vạn tấn gạo nhưng vẫn chưa thanh toán. Số tiền lãi và gốc đến nay lên gần 20
triệu Mỹ kim. Khoản này có lẽ cho qua vì Triều Tiên không có khả năng trả, còn
Việt Nam thì nghĩ đến ân tình trước đây Triều Tiên đã viện trợ cho mình.
Tuy nhiên, quan hệ Việt Nam - Triều Tiên không ít thăng trầm. Ở
đây chỉ nhắc về quan hệ chính trị.
Thời kỳ vàng son của phe XHCN giữa thế kỷ trước nhanh chóng qua
đi để bước vào giai đoạn rạn nứt trong khối này. Chủ nghĩa Mác - Lê Nin bắt đầu
bộc lộ những điểm yếu không thể lấp liếm và khối XHCN đi đến tan rã.
Vào đầu những năm 60 thế kỷ trước, mâu thuẫn nội tại trong phe
XHCN bắt đầu biểu hiện công khai trước hết là giữa Liên Xô và Trung Quốc và mâu
thuẫn giữa các nước XHCN khác với nhau cũng nảy sinh xung quanh mâu thuẫn này.
Những mâu thuẫn đó lúc thì gay gắt, lúc tạm hòa hoãn.
Việt Nam theo Trung Quốc chống chủ nghĩa xét lại ở Liên Xô, Việt
Nam chống lại sự áp đặt của Trung Quốc về các vấn đề như đường lối chiến tranh
với miền Nam, với Khmer đỏ. Với Triều Tiên thì quan hệ cũng lắm thăng trầm.
Khi ngồi vào đàm phán với Mỹ ở Paris năm 1968, Việt Nam bị Triều
Tiên phản đối. Triều Tiên muốn thành lập khối quốc gia cộng sản riêng cho Châu
Á do Trung Quốc đứng đầu nhưng không được Việt Nam ủng hộ. Triều Tiên không
muốn Liên Xô thông qua Việt Nam để với bàn tay xuống phía Nam. Đây cũng là ý
muốn của Trung Quốc, nên họ gọi Liên Xô là đại bá, Việt Nam là tiểu bá, Việt
Nam là tên lính xung kích của Liên Xô ở khu vực Đông Nam Á.
Mâu thuẫn giữa hai nước căng thẳng nhất là khi Việt Nam tiến
hành chiến tranh biên giới Tây Nam lật đổ nhà nước Campuchia dân chủ do đồ tể
Pol Pot cầm đầu. Cùng với Trung Quốc, Triều Tiên đã phản đối rất mạnh mẽ, không
công nhận Cộng hòa Nhân dân Campuchia do Việt Nam dựng lên. Lúc này, Quốc vương
lưu vong Norodom Sihanouk tị nạn tại Bình Nhưỡng. Tại đây, Norodom Sihanouk lên
truyền thông kịch liệt phản đối Việt Nam, ủng hộ Khmer Đỏ, thậm chí kêu gọi
Liên Hiệp Quốc đem quân đến Campuchia để đuổi quân Việt Nam về nước. Thời điểm
đó, báo chí Việt Nam dùng những cụm từ họ đã “bán linh hồn cho quỷ dữ” ám chỉ
Triều Tiên, cho việc Triều Tiên để cho Sihanouk sử dụng truyền thông lên án
Việt Nam là “làm ảnh hưởng đến uy tín của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều
Tiên”. Cũng như với Liên Xô, Việt Nam kiềm chế tới mức đó, chứ không gay gắt
vạch mặt chỉ tên, dàn quân đánh nhau chí tử như với Trung Quốc và Khmer Đỏ.
Khi Việt Nam tiến hành đổi mới vào năm 1986 và đạt được một số
thành tựu kinh tế thì Việt Nam và Triều Tiên đi theo 2 con đường khác nhau. Nếu
Việt Nam cho phép phát triển kinh tế thị trường nhiều thành phần và mở cửa với
các nước thì Triều Tiên vẫn trung thành với mô hình kinh tế tập trung và khép
kín. Theo đường lối mở cửa, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao (1992) và hợp
tác chặt chẽ với Hàn Quốc (kẻ thù của Triều Tiên) trên nhiều lĩnh vực làm Triều
Tiên rất cay cú, cho là bị Việt Nam phản bội. Việt Nam phải từ bỏ “người anh em
sinh đôi” để theo đuổi con đường của mình chứ không thể ngồi chờ đợi, “anh đi
đằng anh tôi đằng tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi”. Tuy vậy, quan hệ này
chưa bao giờ dẫn tới đối kháng quyết liệt như quan hệ Việt - Trung.
Trong dịp Kim Jong Un sang thăm Việt Nam đầu tháng 3/2019, báo
chí Việt Nam cũng điểm lại quan hệ giữa hai nước trong 7 thập niên qua nhưng
những mảng tối, những câu chuyện buồn đầy nước mắt trong mối quan hệ này thì
tuyệt nhiên không nhắc đến. Đó là đặc thù của truyền thông XHCN.
Ít năm sau khi khối XHCN sụp đổ, tới cuối thế kỷ 20, quan hệ
Việt - Triều dần dần trở lại bình thường. Có lẽ, sự cô đơn của mấy nước cộng
sản khiến họ thương nhau hơn, tuy không được nồng ấm như hồi Việt Nam có chiến
tranh với Mỹ. Chuyến thăm Việt Nam của Kim Jong Un vừa qua nhằm củng cố quan hệ
giữa hai nước, dẫu chỉ là kết hợp cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, một công đôi
việc. Có lẽ, cả đôi bên đều cần giữ lại người đồng chí hiếm hoi còn sót lại, để
có thể nói với quốc tế rằng, trên thế giới này, cộng sản đâu chỉ mình tôi.
HẾT
5/3/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét