Thứ Tư, 18 tháng 9, 2019

CHÍNH QUYỀN NHẮC ĐẾN CỤ BÙI BẰNG ĐOÀN VÀO LÚC NÀY ĐỂ LÀM GÌ?


Bài của Diễm Thi Rfa


Hôm 16/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh cố Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (19/9/1889 – 19/9/2019).
Kỷ niệm suông hay khơi gợi lòng yêu nước?
Cụ Bùi Bằng Đoàn từng là một quan triều Nguyễn học rộng tài cao, nổi tiếng đức độ, thanh liêm, chính trực, lo cho dân. Sau Cách mạng Tháng 8/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần viết thư mời cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia giúp nước, làm cố vấn cho Chính phủ.
Trong chính quyền mới, cụ Bùi Bằng Đoàn từng giữ các chức vụ: Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Trưởng ban Thanh tra đặc biệt Chính phủ, Cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Báo chí trong nước trích dẫn một trong những lá thư do ông Hồ Chí Minh viết gửi cụ Bùi Bằng Đoàn.
“Thưa Ngài,

Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc. Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe.
Kính thư".
Việc Chính phủ chọn năm nay tổ chức kỷ niệm 130 năm ngày sinh một nhân sĩ trí thức như vậy, trong bối cảnh Việt Nam đang đối diện với nhiều vấn đề, từ lũng đoạn nội bộ nhân sự đến việc bị xâm lấn lãnh hải do tàu Trung Quốc quấy nhiễu tại Bãi Tư Chính khiến nhiều người đặt câu hỏi, có phải Chính quyền VN muốn kêu gọi sự đóng góp xây dựng đất nước của các nhân sĩ trí thức ngày nay?
Giáo sư Nguyễn Đình Cống khẳng định khi trả lời RFA về vấn đề này rằng cộng sản vẫn thích những chuyện như mít tinh, tuyên truyền, kỷ niệm… và đây chỉ là một kiểu tuyên truyền:
“Đây không phải là dấu hiệu chứng tỏ rằng họ đang muốn kêu gọi trí thức đâu, bởi muốn kêu gọi trí thức phải bằng những chuyện khác kia. Thỉnh thoảng người ta vẫn tổ chức những dịp kỷ niệm như thế để chứng tỏ rằng người ta cũng tôn trọng, cũng có làm việc này việc kia chứ tôi không nghĩ đây là một dấu hiệu để họ muốn tranh thủ trí thức đâu. Đây là một cái kiểu tuyên truyền của họ. Thế thôi!”
Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Mai - nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Ban Dân vận Trung ương nhận định, việc tổ chức kỷ niệm là chính quyền muốn quay về quá khứ để họ ru ngủ mọi người rằng lãnh đạo Chính phủ đã từng có việc kết nối được với giới thượng lưu, trí thức.
“Họ tưởng họ đưa những vấn đề như thế thì xã hội thấy là họ cũng đang có chủ trương tìm đến trí thức, đến những người yêu nước không phải cộng sản. Đấy chỉ là dân túy, là mị dân thôi. Vấn đề hiện nay là họ có dám đối thoại với các trí thức trong và ngoài nước đang đau đáu về vấn đề sửa đổi cái chế độ này để nó bớt tham nhũng, bớt độc tài, bớt tàn ác với dân, hay không?”
Ông nói thêm rằng, ngay cả những nhân vật trong triều đình hoặc những nhân vật trí thức cao cấp một thời mà họ thuyết phục được thì sau này họ cũng loại trừ, cũng gạt bỏ mà thôi.
Điều này cũng được Nhà báo Ngô Nhật Đăng viết trên facebook cá nhân của ông hôm 17/9/2019 rằng, sau đại hội tháng 2/1951 của đảng CS, ông Hồ Chí Minh thông báo đổi tên thành đảng Lao động và phát động phong trào “Chỉnh huấn” gồm : chỉnh quân, chỉnh phong và chỉnh đảng. Mở màn cuộc đấu tố “chỉnh huấn trí thức”, phát súng đầu tiên là nhằm vào cụ Bùi Bằng Đoàn.
Ông Ngô Nhật Đăng trích dẫn lời ông Hồ Chí Minh nói với cụ Bùi Bằng Đoàn tại Hội Nghị:
“Thời trước cụ làm thầy giáo thì không có gì là tham ô, lãng phí của nhân dân, vì dạy bao nhiêu giờ lĩnh bấy nhiêu tiền.
Nay xét lại:
Lúc đó dạy thì dạy gì, đào tạo người thì đào tạo cho ai? Vì “tôn sư trọng đạo”, cụ ở địa vị ông thầy, nên được lớp trí thức trọng cụ, dân cũng trọng cụ. Nhưng ông thầy lúc ấy nói gì? Nói chống Tây thì nó đá đít. Dù muốn hay không, cũng phải nói đế quốc, phong kiến là tốt. Như thế là có thể có tội với nhân dân rồi. Tôi nghe ở đây có đến 4 đời là học trò cụ, như thế là tứ đại nô lệ”.
Lãnh đạo có nghe góp ý của giới trí thức?
Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Cụ là một trong những tấm gương tiêu biểu của tầng lớp nhân sĩ, trí thức Việt Nam đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc”; “Bất luận trong hoàn cảnh nào, cụ cũng đứng về phía nhân dân, hết lòng bảo vệ người dân”.
Vậy với giới trí thức hiện nay luôn đứng về phía nhân dân thì có được chính quyền trọng dụng hay không, Giáo sư Nguyễn Đình Cống bày tỏ:
“Nhân sĩ trí thức họ không được trọng dụng vì họ không xu nịnh, họ không ca ngợi đảng, họ không chịu lụy đảng. Họ đứng về phía nhân dân, thẳng thắn vạch ra những sai lầm của đảng. Thế thì đảng không dùng họ đâu!”
Theo vị giáo sư này, trí thức ở trong nước cũng có nhiều người giỏi nhưng chính quyền cho rằng đấy là thế lực thù địch, bởi những người ấy không chịu “khom lưng quỳ gối” để phục vụ, để ca ngợi đảng cộng sản. Họ muốn loại bỏ những chủ thuyết của cộng sản, thì sao cộng sản dùng họ được?
Ông dẫn chứng trường hợp Luật sư Nguyễn Mạnh Tường - một nhà trí thức rất lớn - nhưng vì nói thẳng, góp ý thẳng và phê bình những sai lầm của đảng nên đảng tìm cách diệt ông ngay.
Ông Nguyễn Mạnh Tường sinh năm 1909 tại phố Hàng Đào, Hà Nội. Khi mới 22 tuổi ông trở thành người Việt đầu tiên đỗ hai bằng tiến sĩ tại Pháp.
Sau năm 1954, ông từng giữ những chức vụ quan trọng như Giám đốc Đại học Luật, Phó Giám đốc Đại học Sư Phạm, Chủ tịch Hội đồng Luật sư Hà Nội. Ông được phong Giáo sư, và tham gia giảng dạy tại các Trường đại học Văn khoa, Sư phạm, Tổng hợp Hà Nội...
Ngày 30/10/1956, tại một cuộc họp của Mặt Trận Tổ Quốc ở Hà Nội, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã đọc một bài diễn văn phân tích những sai lầm của Đảng và Nhà nước trong vụ “Cải Cách Ruộng Đất” và đề ra hướng để nhà nước tránh mắc lại sai phạm. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông bị sa thải khỏi đại học và không được hành nghề luật sư. Ông và gia đình bị cô lập với xã hội chung quanh, không được làm bất cứ nghề gì để kiếm tiền.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai nhận xét rằng cho đến bây giờ, đảng cộng sản Việt Nam vẫn “điếc” không muốn nghe bất cứ góp ý nào để thay đổi chế độ, vì chế độ này cho họ cái quyền “cướp bóc” của dân, nhất là với chính sách đất đai sai lầm. Ông nói thêm:
“Hiện nay họ đang có cái chủ thuyết sai lầm và họ muốn kiên trì với nó. Cái chủ thuyết đó lâu nay đã cho họ cướp bóc dân. Nếu họ vẫn khư khư giữ cái chế độ có khả năng cướp bóc nhân dân như thế, thì làm sao họ có thể có tình cảm và ý chí để đối thoại tử tế với những con người vì dân vì nước thật sự được!”
Ông nhấn mạnh, điều quan trọng là hiện nay chính quyền có dám trao đổi và tranh luận với giới trí thức - những người có tài có đức và có tầm nhìn hết sức sáng suốt mà lại không có tư lợi gì - hay không?. Đó và vấn đề.
Cùng với những trăn trở của giới trí thức trước vận mệnh đất nước hiện nay, Giáo sư Nguyễn Đình Cống thẳng thắn đề nghị ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban tuyên giáo trung ương rằng: “Có gì cứ đối thoại với chúng tôi, chúng tôi sẽ góp ý kiến thẳng thắn cho đảng, chỉ ra những sai lầm của đảng. Ông có chịu nghe không?”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét