Thứ Hai, 9 tháng 9, 2019

Nhập-Trung hay Thoát-Trung?


Mai Thái Lĩnh
Không phải mãi đến ngày nay, “nhập-Trung hay thoát-Trung?” mới trở thành vấn đề sinh tử đối với vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Cách đây một thế kỷ, nó đã từng là vấn đề gây tranh cãi trong phong trào cánh tả của người Việt tại Pháp. Đại diện cho hai lập trường khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau, là hai nhân vật hàng đầu của phong trào yêu nước tại Pháp: Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh.
Phần I - Quan niệm của Phan Văn Trường về nền văn minh Trung Hoa và chủ nghĩa thực dân Pháp
Quan niệm của Phan Văn Trường về nền văn minh Trung Hoa, về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa thực dân - mà tiêu biểu là chủ nghĩa thực dân Pháp, đã được trình bày khá rõ nét trong cuốn hồi ký - tự truyện Une histoire de conspirateurs annamites à Paris ou la vérité sur l’Indochine (Câu chuyện về những người Việt mưu phản tại Paris hay sự thật về Đông Dương). Vị luật sư họ Phan đã hoàn thành cuốn hồi ký này vào tháng 10 năm 1923 và công bố lần đầu tiên dưới dạng các bài báo đăng thành nhiều kỳ (feuilleton) trên tờ La cloche fêlée - từ ngày 30 tháng 11 năm 1925 đến ngày 15 tháng 3 năm 1926. Hai năm sau (1928), cuốn hồi ký này đã được xuất bản thành sách tại Sài-gòn. Trong bài viết này, chúng tôi dựa vào ấn bản do nhóm Đệ Tứ (trotskiste,Trotskyist) tái bản tại Pháp vào năm 2003.[1]
Đọc thiên hồi ký này, chúng ta có thể thấy được những nét chính trong nhãn quan của Phan Văn Trường:
1) Về nền văn minh Trung Hoa: - Liên hệ thân thuộc giữa Việt Nam và Trung Hoa:
Theo Phan Văn Trường, xét về nguồn gốc và lịch sử của sự bành trướng lãnh thổ, từ hàng ngàn năm trước tổ tiên của người Việt Nam đã từ miền Trung của Trung Hoa đến định cư tại vùng phía nam và hòa trộn (fusionner) với các chủng tộc bản địa để làm nên dân tộc Việt Nam ngày nay. Do đó, người Trung Hoa và người Việt Nam “có cùng một chủng tộc, cùng một nguồn gốc, cùng một lịch sử”.
Có lẽ Phan Văn Trường dựa vào truyền thuyết “Kinh Dương Vương” đã được Ngô Sĩ Liên đưa vào bộ Đại Việt Sử ký Toàn thư vào thế kỷ 15 (sđd, tập I, tr. 131-132). Vào năm 1923, Léonard Aurousseau - một học giả người Pháp thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội, đã đưa ra giả thuyết cho rằng người Việt ngày nay có nguồn gốc từ nước Việt của Trung Hoa thời Chiến Quốc (thuộc địa bàn tỉnh Chiết Giang ngày nay). Người dân nước Việt đã di cư đến đồng bằng nước ta sau khi nước Việt bị Nhà Tần tiêu diệt (khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên).[2]
Ông viết như sau:
“Chính từ sự hòa trộn (fusion) hay hấp thụ (absorption) một cách tiệm tiến giữa chủng tộc Trung Hoa với các chủng tộc bản địa đã sinh ra dân tộc Việt Nam và đến phiên dân tộc này đi dần xuống phía nam để cuối cùng hình thành nên đế quốc Việt Nam (empire d’Annam).[3] Kết quả là người Trung Hoa và người Việt Nam rõ ràng là cùng một chủng tộc (la même race), có cùng nguồn gốc và cùng lịch sử. Vả lại, sự đồng nhất về phong tục là bằng chứng vật chất thuyết phục nhất cho thấy mối quan hệ họ hàng mật thiết của hai dân tộc, và chúng ta sẽ thấy rằng Việt Nam trong thực tế chỉ là một phần lãnh thổ khi thì bị bao gồm vào Trung Quốc - tạo thành một tỉnh, khi thì tách ra để thành lập một Nhà nước độc lập dưới quyền bá chủ về tinh thần (hégémonie morale) của nước mẹ (mère patrie)”. (Phan Van Truong, sđd, tr. 23)

Theo Phan Văn Trường, đất nước Việt Nam chỉ tồn tại về mặt lịch sử kể từ khi những di dân người Trung Hoa đầu tiên đến định cư tại đây vào khoảng 2879 năm trước Công nguyên, và kể từ thời đó cho đến triều đại nhà Triệu - nghĩa là khoảng năm 111 trước Công nguyên, tất cả các vua Việt Nam đều có nguồn gốc Tàu. Triệu Đà, người sáng lập ra nhà Triệu, vốn là một công chức cao cấp của Trung Hoa đi làm nhiệm vụ ở biên giới Việt Nam. Ông đã lợi dụng những xáo trộn đang xảy ra ở Trung Hoa vào cuối triều đại nhà Tần, đầu triều đại nhà Hán để chiếm lấy Việt Nam và tự xưng làm vua, sau đó mở rộng vương quốc bằng cách sáp nhập một số nước nhỏ lân cận, trong số đó có Đông Âu (ngày nay là tỉnh Phúc Kiến) và Việt Đông (ngày nay là tỉnh Quảng Đông).
Từ đó về sau, trạng thái xen kẽ tương tự được lặp lại nhiều lần: Việt Nam - vào lúc khởi thủy của lịch sử là một quốc gia do người Trung Hoa dựng lên, khi thì trở thành một tỉnh của Trung Hoa, khi thì trở thành một quốc gia độc lập. Nhưng hiện tượng xã hội đó có một điểm đáng lưu ý: mặc dù sự chia tách không phải lúc nào cũng được thực hiện một cách hòa bình (nghĩa là phải thông qua một cuộc đấu trang vũ trang), nhưng Việt Nam không tách ra khỏi Trung Hoa như một quốc gia bị trị buộc phải tìm cách thoát ra khỏi ách áp bức của quốc gia thống trị, mà như một đứa con trai tách ra khỏi gia đình để thiết lập một nơi ăn chốn ở riêng trong khi vẫn giữ gìn các mối quan hệ thân thuộc một cách thành kính. Bằng chứng là tất cả các vua của Việt Nam ngay khi lên ngôi đều thực hiện một thủ tục - không phải chỉ như một vinh dự, mà như một nghĩa vụ: phải nhận được sự thụ phong từ triều đình Trung Hoa. Phan Văn Trường coi đây là điều làm nên “thiên tài của nền văn minh Trung Hoa” (le génie de la civilisation chinoise)” (tr. 23-24).
- Quan hệ Việt - Trung trong lịch sử chưa bao giờ là quan hệ thống trị - bị trị:
Trong nhãn quan của Phan Văn Trường, sự thay đổi về mặt nhà nước không hề làm thay đổi các điều kiện xã hội của nhân dân Việt Nam. Khi Việt Nam bị lọt vào nước Trung Hoa để trở thành một tỉnh, các tổng đốc người Trung Hoa đã cai trị tỉnh này hoàn toàn giống như mọi tỉnh khác của Trung Hoa, nghĩa là dù tốt hay xấu, không hề có sự phân biệt giữa người Trung Hoa và người Việt Nam, tất cả đều là công dân của Đế quốc Trung Hoa. Và khi Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập, người Tàu và người Việt đều phục tùng tuyệt đối cùng một thứ luật lệ và tuân phục nhà cầm quyền một cách không phân biệt. Sự chuyển tiếp dễ dàng đến mức hai nước có cùng một thứ luật lệ, cùng một thứ tổ chức công quyền, dựa trên những nguyên tắc căn bản giống nhau.
Ông khẳng định: “Chính trong các điều kiện đó, thật là không phù hợp khi nói rằng dân An Nam nhiều lần chịu ách thống trị của Trung Hoa: trong thực tế chỉ có các giai đoạn thống nhất (périodes d’union) và các giai đoạn phân ly (périodes de sécession)”. (tr. 25)
Phan Văn Trường ví quan hệ giữa Việt Nam và Trung Hoa tương tự như quan hệ giữa xứ Écosse (Scotland) với nước Anh, hoặc như quan hệ giữa các vùng Bretagne và Bourgogne với nước Pháp. Bác bỏ lập luận cho rằng Việt Nam đã từng là thuộc địa của Trung Hoa, ông kết luận: “Từ những sự kiện và nhận định trên đây, có thể kết luận rằng dân tộc Việt Nam trước khi bị nước Pháp chinh phục, chưa bao giờ nằm dưới ách thống trị của một cường quốc bên ngoài”. (tr. 26)
- Phương thức bành trướng của văn minh Trung Hoa là bành trướng một cách hòa bình (expansion pacifique):
Bỏ qua tất cả những khuyết nhược điểm, những mặt xấu của của nền văn minh Trung Hoa - nhất là về mặt chính trị, Phan Văn Trường ca ngợi nền văn minh này như đỉnh cao của nền văn minh nhân loại. Theo ông, trong thực tế đế quốc Trung Hoa (với dân số lúc đó là 450 triệu) đã vượt qua mọi sự đảo lộn, mọi thăng trầm chính trị để làm nên một thế giới trong toàn thế giới (un monde dans le monde) mà không hề đánh mất sức mạnh bành trướng hòa bình của nó. Bí quyết thành công của đế quốc đó chính là cái mà ông gọi là chủ nghĩa tự do Trung Hoa (libéralisme chinois).
Ông viết như sau:
“Điều chắc chắn là Trung Hoa đã không phải ngay lập tức trở thành một nước rộng lớn như chúng ta đang thấy; nó cũng đã từng là một quốc gia nhỏ bé được mở rộng một cách dần dà; nhưng nhờ vào các lý tưởng của đường lối chính trị truyền thống vốn loại bỏ mọi thành kiến về chủng tộc và dân tộc tính, nó đã biết đồng hóa mọi chủng tộc mà nó chinh phục được và hòa nhập dần dần với họ để tạo nên một chủng tộc thuần nhất (une race homogène) có cùng truyền thống và cùng phong tục.
Cùng với Trung Hoa bất tử - người mẹ của nền văn minh của chúng ta, với lý tưởng là nguyên tắc cao cả về tình hữu nghị phổ quát đã được diễn dịch thành một công thức cực kỳ mạnh mẽ và ngoạn mục: “Trong bốn biển, mọi người đều là anh em” (Tứ hải giai huynh đệ), thật thú vị khi so sánh nó với Đế quốc La Mã phù du - nguồn cội của nền văn minh phương Tây, một đế quốc đã không biết xây dựng các xã hội vững bền bởi vì nó đã luôn xây dựng chúng thành nhiều tầng bậc, với phương châm chính trị là “Chia để trị” (Divide ut imperes)”. (tr. 26)
- Bí quyết thành công của quá trình bành trướng hòa bình kiểu Trung Hoa là “khai hóa”:
Đối với các dân tộc thuộc nền văn minh Trung Hoa - như dân tộc Việt Nam, khai hóa (civiliser, văn minh hóa) có nghĩa là dạy dỗ, giáo dục (instruire) . Người ta tìm thấy bằng chứng về điều này trong hai từ tiếng Hoa nhằm để dịch chữ civiliser: “giáo hóa”, giáo dục (instruire) và làm biến đổi (transformer) (tr.50).
Chủng tộc Trung Hoa, khi mở rộng ra phía nam để định cư trên đất Giao Chỉ, đã hòa trộn dần dần với chủng tộc bản địa để hình thành nên dân tộc Việt Nam. Họ đã ban tặng cho dân tộc Việt một cách hào phóng tất cả nền văn minh của họ bằng cách giáo dục dân Việt một cách không hạn chế trong nghệ thuật, trong phong tục tập quán, trong văn chương và các học thuyết triết lý.
Do ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa, Việt Nam là một dân tộc mà con người được coi trọng không phải do sự giàu có mà do đạo đức và kiến thức. Cũng như ở Trung Hoa, giáo dục ở Việt Nam ngày xưa (trước khi người Pháp đến) là một nền giáo dục hoàn toàn miễn phí và các chức vụ khác nhau của hành chính công quyền được mở rộng cho tất cả mọi người. Do đó, dân tộc này là một dân tộc hiếu học và thèm khát giáo dục. Đó là một dân tộc mà trẻ em yêu quý và tôn trọng người thầy ngang hàng với cha mẹ mình. (tr. 50-51)
Trong nhãn quan của Phan Văn Trường, mục đích của chinh phục không phải là để làm giàu cho mình bằng cách khai thác, bóc lột đất nước bị chinh phục và người dân ở đó. Vì vậy, giáo dục phải được coi là mục tiêu chính, thậm chí phải coi là mục đích duy nhất của chinh phục. Ông đánh giá rằng trên trái đất này chỉ có một cường quốc duy nhất có thể tự hào về chính sách này: đó là Trung Hoa. Ông viết:
“Chúng ta có thể nói, với lịch sử trong tay, rằng Trung Hoa chưa bao giờ chinh phục một quốc gia để khai thác người bản địa và làm giàu trên mồ hôi nước mắt của họ. (…) chính quyền Trung Hoa, trong tất cả các cuộc chinh phạt của mình, chỉ theo đuổi mục tiêu cao cả là làm việc vì sự vĩ đại về đạo đức của Trung Hoa - bằng cách truyền bá nền văn minh Trung Hoa. Chính sách đồng hóa trên quy mô lớn đó, với tính chất thẳng thắn, trung thực và nhân đạo, có thể nói đó là bí quyết của sức mạnh cốt tủy đã khiến cho đế chế này trở nên bất diệt, thúc đẩy sự bành trướng lãnh thổ một cách vô hạn. Điều chắc chắn là Trung Hoa đã không trở thành một đế chế vĩ đại cùng một lúc, tạo ra “một thế giới trong toàn thế giới” và tiếp tục sống sót, trải qua tất cả các cuộc cách mạng bên trong và bên ngoài, trong khi các đế chế khác chỉ mở rộng để rồi sau đó điêu tàn vì sự vĩ đại giả tạo của chúng. Nó cũng từng là một hạt nhân đã phát triển dần dần, nhưng trong khi mở rộng, nó đã hòa nhập một cách hòa bình và tiệm tiến với các chủng tộc bản địa để tạo thành một chủng tộc đồng nhất (une race homogène) thay vì tiêu diệt họ hoặc giam giữ họ dưới ách thống trị tàn bạo và ích kỷ để biến họ thành kẻ thù”. (tr. 52-54)
2) Về nền văn minh phương Tây và chủ nghĩa thực dân:
Trong khi lý tưởng hóa Nho giáo và nền văn minh Trung Hoa đến mức không nhìn thấy thực chất của ý thức hệ đó, không thấy rõ mặt trái của nền văn minh đó, Phan Văn Trường lại có một cái nhìn hoàn toàn ác cảm đối với nền văn minh cũng như chế độ dân chủ tại phương Tây - mà tiêu biểu là nước Pháp. Trong cuốn hồi ký nói trên, chúng ta đọc được nhiều đoạn văn cho thấy ông chịu nhiều ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx:
- Chủ nghĩa tư bản - hay nói cách khác là nền văn minh châu Âu, là một nền văn minh hư hỏng vì coi đồng tiền là giá trị cao nhất:
“Nếu ngày nay, ở châu Âu tư bản chủ nghĩa này, một người nào đó dám ca ngợi sự khinh miệt của cải như một đức tính cao quý, người ta sẽ không quên cười nhạo anh ta, coi anh ta là ngây thơ, là ngây ngô khờ khạo, và nói với anh ta một cách châm biếm rằng anh ta đã ở một thế kỷ khác. Đó là bởi vì duới triều đại của chủ nghĩa tư bản, tiền bạc không chỉ là động lực của chiến tranh (le nerf de la guerre). Nó còn là một thứ gì đó tốt hơn phục vụ được rất nhiều ngay cả trong thời bình: đó là “tấm thẻ trắng” [4], đó là chiếc “chìa khóa vạn năng” (passe-partout) mở ra cho chủ nhân của nó tất cả các cánh cửa, đó là sự quyến rũ thu hút tất cả những nhân vật danh giá của giới thượng lưu”. (tr. 15)
- Xã hội hiện đại là một xã hội thối nát:
“Tóm lại, ăn và uống, những thú vui xác thịt, tất cả trong tiện nghi hiện đại lớn nhất, đó là lý tưởng của xã hội chúng ta hiện nay. Để có được điều đó, bạn cần phải có tiền, nhiều tiền hơn và nhiều tiền hơn nữa”. (tr. 16)
- Chế độ thực dân Pháp làm cho dân tộc Việt Nam sa đọa, đánh mất các giá trị tinh thần cao quý thừa hưởng từ nền văn minh Trung Hoa:
So sánh công chức dưới chế độ thuộc địa với các công chức dưới chế độ cũ (tức quan lại dưới thời quân chủ), ông viết: “Tôi đã nói về sự vĩ đại của tâm hồn và tinh thần xả kỷ (quên mình) của các vị quan ngày xưa đã sống trong nghèo khó một cách có chủ ý để - bằng tấm gương của họ, dạy cho đám đông quần chúng rằng phẩm giá con người là cao hơn của cải vật chất. Phải chăng sự cao quý về nhân cách đó đã biến mất trong chủng tộc Việt kể từ khi nó gục ngã - lần đầu tiên, dưới sự thống trị của một thế lực ngoại bang?” (tr. 30)
Khi viết “chủng tộc Việt lần đầu tiên gục ngã dưới sự thống trị của một thế lực ngoại bang”, Phan Văn Trường một lần nữa đã khẳng định: trước khi người Pháp đến, Việt Nam chưa bao giờ bị ngoại bang xâm lược, thống trị. Nói cách khác, chủ nghĩa thực dân chỉ có thể là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản phương Tây mà thôi!
Như vậy, ít nhất là từ sau Đại hội Tours (1920) cho đến khi Phan Châu Trinh qua đời (tháng 3 năm 1926), có thể gọi quan điểm của Phan Văn Trường là con đường “nhập-Trung” (nhập vào Trung Hoa) hay “hoàn-Trung” (trở về với Trung Hoa).
Nhưng cần lưu ý điều này: không chỉ có Phan Văn Trường mà rất nhiều trí thức Việt Nam vào thời đó, mặc dù thuộc giới tinh hoa, có điều kiện du học ở Pháp và các nước Tây Âu, nhưng trong chiều sâu của tâm hồn, họ vẫn là những nhà nho “lý tưởng” giàu chất lãng mạn. Chính tâm lý bài ngoại (chủ yếu là bài-phương Tây), lòng tự ái dân tộc và tinh thần bảo thủ đã dẫn họ đến chỗ tiếp thu chủ nghĩa Marx - ít nhất là về mặt nhận thức và lý thuyết, mặc dù chỉ có một số ít người trở thành cộng sản, số còn lại không phải là cộng sản hoặc nếu gia nhập Đảng Cộng sản thì cũng không thể trở thành người cộng sản thuần thành. Chính tầng lớp yêu nước một cách lãng mạn và không kém phần mù quáng này đã góp phần quan trọng đem tại tính chính danh (légitimité, legitimacy) cho Đảng Cộng sản, giúp cho chủ nghĩa cộng sản giành thắng lợi tại Việt Nam trong thế kỷ 20.
(còn tiếp)
M.T.L.
__________
Chú thích
[1] Phan Van Truong, Une histoire de conspirateurs annamites à Paris ou la vérité sur l’Indochine, Éditions L’Insomniaque, Montreuil - France, 2003.
[2] Thuyết này được nhà sử học người Mỹ Keith Weller Taylor gọi là “Thuyết di trú của người nước Việt” (The The Yüeh Migration Theory). Xem: Keith Weller Taylor, The Birth of Vietnam, University of California Press, 1983, Appendix E .
[3] Trong nguyên bản, tác giả dùng từ Annam (An-nam). Đó là tên người ta dùng thời đó để chỉ nước Việt Nam. Người Việt được gọi là người An-nam (Annamite). Trong bài viết này, tôi dùng tên Việt Nam để độc giả trẻ ngày nay dễ hiểu.
[4] Nguyên văn: carte blanche, ám chỉ quyền tự do hành động theo ý muốn. Chúng ta có thể hiểu tấm thẻ trắng là một tấm thẻ đã có chữ ký của cấp có thẩm quyền, người được cấp thẻ có thể ghi trên đó bất cứ điều gì mình muốn và nội dung đó đương nhiên có giá trị pháp lý.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét