Thứ Tư, 18 tháng 3, 2020

Hưởng ứng Nguyễn Trung


Nguyễn Đình Cống

Giáo sư Nguyễn Đình Cống
Vừa qua ông Nguyễn Trung viết bài: “Sức mạnh của chúng ta là dám đối mặt với sự thật”. Ngoài việc đăng báo mạng (Viet-Studies ngày 13/3) ông còn gửi cho các lãnh đạo cao cấp. Bài gồm 3 đoạn:
+ Đoạn 1- Về việc chúng ta đối mặt với sự thật trong công cuộc chống đại dịch Covid 19.
+ Đoạn 2- Một số đề xuất với ĐCSVN nhân dịp họ chuẩn bị  ĐH 13.
+ Đoạn 3- Về tự do cho nhân dân.
Tôi không bàn gì về đoạn 1, chỉ đề cập đến đoạn 2 và 3.

Ông Nguyễn Trung
Ông Nguyễn Trung là người rất quan tâm đến vận mệnh đất nước, đã từng có nhiều bài gửi lãnh đạo, trong đó có những ý kiến sắc sảo, chính xác, tâm huyết. Lần này ông đề xuất một số vấn đề khi ĐCS chuẩn bị ĐH 13. Trong đó có một số ý như sau:
Đoạn 2:
+ Bài học đối mặt với sự thật trong chống đại dịch cần áp dụng cho ĐH 13.
+ Sự thật trong hơn 30 năm qua, tuy kinh tế có phát triển, nhưng người dân chủ yếu đi làm thuê, đất nước trở thành thứ cho thuê. Con đường XHCN là chệch hướng. ĐCSVN phải chịu trách nhiệm về hiện tình yếu kém của đất nước.
+ Khi ĐCS dám đối mặt với sự thật, dám cải cách thể chế chính trị, giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ, Đảng sẽ được toàn dân khoan dung và ủng hộ.
+ Chất lượng cán bộ là quan trọng, nhưng liệu ĐH 13 có tạo ra được nó không?
+ Ông Nguyễn Phú Trọng định viết văn kiện ĐH 13 như văn bia. Sẽ có bia, nhưng là bia vinh quang hay chỉ là cột mốc trên con đường tha hóa?
Đoạn 3:

+ Đất nước có độc lập nhưng nhân dân chưa có tự do. Nó không phải là quà biếu mà nhân dân phải tự giành lấy.
Tôi hoan nghênh các ý kiến của ông Nguyễn Trung. Xin bàn thêm vài điều, gọi là “tát nước theo mưa”, may ra có ai quan tâm đến.
 Điều quan trọng nhất khi chuẩn bị ĐH là đánh giá đúng thực trạng xã hội. Ông Trung dùng từ mạnh hơn là đối mặt với sự thật. ĐH 6 đã nhìn thẳng vào sự thật và có bước chuyển tốt. Nhưng xem ra để chuẩn bị cho ĐH 13, lãnh đạo Đảng lại đang cố tình né tránh sự thật. Ngoài một số vấn đề tiêu cực về phát triển kinh tế, những sự kiện ô nhục Đồng Tâm, Thủ Thiêm như ông Trung đã nêu, thì còn là những đánh giá về ổn định xã hội, về lòng tin của dân đối với Đảng, về tình trạng môi trường bị tàn phá, về những gian dối trong các báo cáo, v.v.
Mặc dầu đã lập ra ban này ban nọ, tổ chức các hội thảo, các buổi lấy ý kiến của người này người kia, chi hết nhiều tiền của, nhưng rồi vẫn không có cách gì tìm ra được bản chất  sự thật đang bị che giấu chứ đừng nói đối diện với nó. Vì sao vậy?
Vì sự thật có 2 mặt, mặt có lợi và mặt có hại cho Đảng. Sự thật có phần được phô bày ra, nhiều người thấy, có phần bị giấu kín, phải nghiên cứu kỹ, đúng phương pháp mới thấy được. Mà bản chất thường bị che giấu.
Lãnh đạo rất muốn biết mặt có lợi để tuyên truyền, không muốn nói đến mặt có hại. Họ chỉ muốn và cần nghe những lời ca ngợi, vì thế họ chỉ dựa vào những cán bộ, những trí thức của Đảng hữu danh vô thực, có tài xu nịnh, bẻ cong ngòi bút theo ý cấp trên. Những cán bộ như vậy đã bị vòng kim cô ý thức hệ che mắt bịt tai, ngăn cản suy nghĩ, làm sao tìm được phần sự thật có hại cho Đảng mà phần lớn bị giấu kín. Thảng hoặc có người nới lỏng được vòng kim cô, có biết được một phần mặt trái thì cũng không dám viết ra, không dám nói ra. Những tấm gương tày liếp của nhiều bậc đàn anh vẫn còn đó!
Nếu lãnh đạo muốn biết đúng sự thật thì hãy mời những trí thức phản biện, những nhà hoạt động xã hội dân sự đến thuyết trình hoặc đối thoại. Chưa thể đối thoại công khai thì tổ chức trong phạm vi nội bộ. Đảng sợ gì loại người phản biện! Họ nói đúng, có lý lẽ, có dẫn chứng thì nghe. Nếu họ vu không, bịa đặt, có dấu hiệu phản quốc thì chiếu luật hình sự, đọc lệnh bắt liền, lập tòa án xử ngay.
Vấn đề cán bộ. Ông Nguyễn Phú Trọng cũng như ông Trần Quốc Vượng có vẻ lo lắng, quan tâm, mong tìm được người vừa hồng vừa chuyên cho đội ngũ cán bộ chiến lược. Lòng mong ước là thật, nhưng cách làm sai về cơ bản, nên Đảng rất khó tìm được những tinh hoa (mặc dầu trong dân vẫn có). Đảng tìm được chủ yếu những kẻ cơ hội, kém trí tuệ, thiếu trung thực mà có nhiều mưu mô. Đó là vì đường lối cán bộ của Đảng có những điều phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học.
Đất nước độc lập nhưng nhân dân chưa có tự do. Ông Trung đã chỉ ra sự thật phủ phàng,  viết rằng có nhiều nguyên nhân, nhưng “nguyên nhân đầu tiên của tình trạng chưa có tự do phải nói trước hết là do chúng ta” với nghĩa tự do không bao giờ là một quà biếu hay là một ân sủng, mà phải tự giành lấy!
Tôi cho rằng không phải là “chưa có tự do” mà là đã bị cướp mất tự do.
Tại sao? Vì rằng Tự do thuộc nhân quyền do Tạo hóa ban tặng.  Trong Tuyên ngôn độc lập Hồ Chí Minh viết: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai được xâm phạm. Trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Người ta có thể bị luật pháp tước quyền tự do khi phạm tội. Khi không phạm tội, không bị kết án mà mất tự do chỉ là bị cướp đoạt. Khi chúng ta bị cướp đoạt tự do, suy cho cùng chúng ta có một phần lỗi nào đó chứ không thể nào bảo rằng: “nguyên nhân đầu tiên của tình trạng chưa có tự do phải nói trước hết là do chúng ta”. Phải tìm nguyên nhân đầu tiên từ phía những người cướp đoạt. Phải chỉ đích danh là ĐCS đã cướp đoạt quyền dân.
Để cho dân được tự do có 2 con đường.
- Một là ĐCS tự nhận ra sự cướp đoạt của mình, tìm cách trả lại bằng việc cải cách thể chế chính trị như ông Trung đề nghị. Như vậy ĐH 13 sẽ dựng nên bia vinh quang.
- Hai là ĐCS không chịu trả thì dân buộc phải đấu tranh để đòi lại, như ông Trung đã viết: “Cả dân tộc ta phải dám đối mặt với sự thật quyết liệt này, bằng cách mỗi người phải vượt lên nỗi sợ trong riêng mình, vượt lên mọi yếu kém của chính bản thân mình, phải hòa giải với chính mình và với mọi thành viên trong cộng đồng dân tộc mình, với quyết tâm cùng nhau phục hồi lại danh dự và lòng tự trọng một dân tộc nào cũng phải có! Từng người phải tự học hỏi và rèn luyện để cùng nhau thực hiện bằng được. Đấy chính là con đường dân tộc ta đi tới tự do!”.  Và như vậy ĐH 13 chỉ dựng tiếp cột mốc trên con đường tha hóa để cuối cùng bị đánh đổ trong nhục nhã.
Riêng về đầu đề, tôi nghĩ rằng, để dám đối mặt với sự thật thì chúng ta cần có trí tuệ và một phần dũng cảm, chứ chưa cần huy động sức mạnh. Có thể là “Dám đối mặt với sự thật chứng tỏ chúng ta có sức mạnh”.
N.Đ.C.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét