Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

Phản biện ông Trần Quốc Vượng


Nguyễn Đình Cống
Vừa qua, tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư khẳng định vấn đề thành hay bại chính là nằm ở công tác cán bộ cho cấp ủy các cấp nhiệm kỳ tới. Ông nói rằng:“Sự sụp đổ của Thành trì XHCN có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản là nguyên nhân công tác cán bộ…. chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta."
Phát biểu của ông Vượng phạm phải nhầm lẫn về triết học, tuy vậy được nhiều báo tường thuật và có ý ca ngợi. Tôi định cho qua, nhưng gần đây, trong bài “Sức mạnh của chúng ta là dám đối mặt với sự thật (Viet-Studies ngày 13/3), Nguyễn Trung có nhắc lại ý trên của ông Vượng nên tôi đành viết vài lời phản biện về 3 ý:
  • Thứ nhất, ông Vượng cho rằng “vấn đề thành hay bại chính là nằm ở công tác cán bộ”. Hình như ý của câu này được Stalin nói lần đầu tiên:“Cán bộ quyết định tất cả”, sau đó Hồ Chí Minh có nhắc lại, còn Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Cán bộ là vấn đề quyết định, là then chốt của then chốt. Phải chăng cứ Stalin và Hồ Chí Minh nói là chân lý tuyệt đối. Không phải, đó chỉ là một nhận xét có điều kiện khi một đảng cách mạng đang lãnh đạo phong trào. Khi đảng đã trở thành thống trị, độc quyền, nắm giữ toàn bộ công tác cán bộ thì tình hình có khác. Lúc này tuy năng lực, phẩm chất cán bộ có tác động lớn đến công việc của đất nước, nhưng sự quyết định nằm ở đường lối của những cá nhân ở vị trí chóp bu.  Với tình hình VN hiện tại, khi ĐCS vẫn kiên trì Mác Lê và chuyên chính vô sản, vẫn dùng đường lối cán bộ có những điều phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học thì không có cách gì tạo lập được đội ngũ cán bộ có năng lực và liêm khiết, xứng đáng là nguyên khí của quốc gia. Với đường lối như hiện tại ĐCS chỉ tạo ra được đội ngũ cán bộ mà phần lớn là bọn cơ hội, kém trí tuệ, thiếu trung thực, nhưng lắm mưu mô.
Nói rằng cán bộ có tác dụng thành hay bại của vấn đề là khi mà họ có phẩm chất tốt thì sự việc thành, còn khi họ có phẩm chất kém thì sẽ bại. Để sự việc thành thì ngoài  phẩm chất cán bộ còn cần có tự do tư tưởng. Thế mà phần lớn cán bộ của ĐCSVN đã bị nhồi sọ, bị tẩy não theo Mác Lê hoặc chúng là bọn cơ hội. Như vậy có thể khẳng định luôn rằng, với chủ thuyết ấy, với cán bộ ấy thì chỉ chuốc lấy thất bại. Có một vài thành công đạt được là nhờ những nguyên nhân khác chứ cơ bản không nhờ Mác Lê, không nhờ bọn cơ hội;
  • Thứ hai, nguyên nhân sụp đổ của thành trì XHCN có nhiều, có gần, có xa, có chính, có phụ. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì “phẩm chất cán bộ” là một trong những nguyên nhân phụ còn nguyên nhân chính nằm ở bản chất của chủ thuyết Mác Lê với đấu tranh giai cấp, vô sản chuyên chính, độc tài đảng trị, kinh tế nhà nước. Khi nhận định vừa rồi là đúng thì ông Vượng đã lấy phụ làm chính, phạm lỗi ngụy biện đánh tráo. Khi chủ thuyết là đúng, đường lối là sáng suốt, tổ chức vững mạnh thì từ đâu sinh ra một số rất đông cán bộ làm sụp đổ chế độ;
  • Thứ ba, cho rằng:“Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta”. Nghe qua thì thấy có lý, nhưng  sai về bản chất. Có việc tự phê bình, tự đấu tranh bản thân, tự ta thắng ta (để trở nên tốt hơn). Tự ta lật đổ ta nghe không hợp lý, không thuận.  Phải chăng là nếu ta không làm tốt thì sẽ tạo tiền đề, tạo cơ hội để ta bị lật đổ, cũng như có ý cho rằng chống tham nhũng là ta chống ta. Ở đây có sự đánh tráo khái niệm TA. Có ta làm lật đổ và ta bị lật đổ, có ta tham nhũng và ta chống tham nhũng. Hai ta ấy cùng ở trong đảng nhưng không đồng nhất. Có nhận xét rằng ĐCS không thể bị thế lực bên ngoài làm sụp đổ mà bị lực lượng từ bên trong. Nếu gọi những kẻ không làm tốt để bị lật đổ là TA, thì những người lật đổ TA không phải là TA nữa. Họ là một lực lượng khác, về hình thức họ đang ở trong đảng, nhưng thực chất họ chống đối lại đường lối độc tài đảng trị, chống lại những việc làm phản dân hại nước. Khi những kẻ thống trị tự xưng là TA thì những người lật đổ nó không phải là TA.
Một người có trí tuệ, am hiểu triết học nên thay “Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta" bằng câu “Ta không làm tốt thì ta sẽ tự sụp đổ” hoặc câu “Ta không làm tốt thì tự tạo điều kiện để bị người khác lật đổ, người đó có thể từ trong nội bộ của Đảng”.
N.Đ.C.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét