Thứ Tư, 28 tháng 10, 2020

Đóng góp mô hình quản lý mới cho đảng CSVN của tiến sĩ Vũ Trọng Khải.

Lưu Trọng Văn

                                                                 Vũ Trọng Khải

(Đảng CSVN cần lập một Ban tiếp nhận nghiên cứu các góp ý trên Cộng đồng mạng).

Vũ Trọng Khải , Chuyên gia độc lập về chính sách phát triển nông nghiệp, con trai của luật sư Vũ Trọng Khánh bộ trưởng bộ Tư pháp chính phủ Hồ Chí Minh và là một trong các tác giả Hiến pháp 1946- Hiến pháp tiến bộ và dân chủ nhất của VNDCCH vàCHXHCNVN.

Ông Khải vừa gửi bản góp ý Văn kiện ĐHĐ 13. Gã rất chú ý đến mô hình quản lý quốc gia trong thực tiễn đảng CSVN vẫn độc tôn cầm quyền. Đây là mô hình tiệm cận Dân chủ nhưng đảng CSVN vẫn không sợ mất vai trò lãnh đạo của mình.

Để chuyển qua hoàn toàn Dân chủ tất yếu theo ông Khải cần đi từng nấc thay đổi mô hình thể chế theo tinh thần của ông Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề cho Ban chấp hành trung ương Đảng thảo luận:

"Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không? Đổi mới chính trị là đổi mới hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy, nhân sự, phương thức, lề lối làm việc”.

Ông Vũ Trọng Khải đề xuất mô hình mới như sau:

1.Đổi mới cấu trúc của đảng để có thể “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”

a) Luật về đảng trước hết phải bảo đảm triệt để dân chủ, mọi đảng viên đều bình đẳng trước luật và điều lệ đảng: được quyền phát biểu, tranh luận, bảo lưu ý kiến, quan điểm của mình,nếu thuộc thiểu số trong tổ chức đảng, mà không bị quy chụp là thoái hóa ,biến chất; mọi đảng viên đều có quyền tự do ứng cử ,tranh cử bằng chương trình hành động,và bầu cử các cấp lãnh đạo của đảng.

b) Ban Chấp hành trung ương đảng nên có cơ cấu và chức năng, nhiệm vụ như là thượng viện ở các nước theo chế độ đại nghị. Các ủy viên trung ương hoạt động chuyên trách, hưởng lương thượng nghị sĩ và có kinh phí hoạt động thực thi nhiệm vụ. Và do đó đương nhiên Tổng Bí thư sẽ kiêm chức Chủ tịch thượng viện. Các ban giúp việc của Ban chấp hành trung ương đảng chuyển thành các ủy ban chuyên trách của thượng viện và được nhận lương từ ngân sách nhà nước. Do đó ,các ủy viên Bộ chính trị sẽ đảm nhiệm chức vụ chủ nhiệm các ủy ban của Thượng viện

c) Ủy ban Kiểm tra của đảng không do Ban Chấp hành bầu ra như hiện nay mà phải do đại hội đảng trực tiếp bầu ra, để có thể xóa bỏ tất cả vùng cấm trên thực tế, tương tự như Ban Kiểm soát của công ty cổ phần. Do vậy, Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng sẽ kiêm nhiệm Chánh tòa bảo hiến, các ủy viên Ủy ban Kiểm tra là thẩm phán của Tòa án này và đương nhiên Ủy ban Kiểm tra đảng sẽ không ăn lương của đảng. Việc xử lý sai phạm của thành viên Ủy ban Kiểm tra do một Tòa án đặc biệt được thiết lập cho từng trường hợp cụ thể, theo luật định.

2. Đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước, nhân sự và phương thức lề lối làm việc

2.1. Thành lập Hạ viện.

a. Quốc hội hiện nay nên đổi thành Hạ (nghị) viện. Số đại biểu quốc hội (Hạ nghị sĩ) được bầu với số lượng nhiều, ít phụ thuộc vào dân số của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và có ưu tiên cho các tỉnh có nhiều sắc tộc thiểu số.

b. Do vậy, cần xóa bỏ cơ chế “Đảng cử, mặt trận Tổ quốc giới thiệu, dân bầu” như bấy lâu nay. Mọi công dân từ 21 tuổi trở lên, vận động được đủ số công dân giới thiệu (ví dụ có thể 500 công dân ở thành phố lớn, 200 công dân ở nông thôn, 100 công dân ở vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt), đều có quyền tự do ứng cử Hạ nghị sĩ.

c. Hạ nghị sĩ phải hoạt động chuyên nghiệp được hưởng lương, tuyệt đối không được tham gia làm việc có thù lao của bất kì tổ chức hành pháp, tư pháp các cấp, từ trung ương đến xã, thôn, ấp, bản. Mỗi Hạ nghị sĩ và các thành viên của ủy ban chuyên trách các lĩnh vực được cấp một khoản kinh phí để thuê tư vấn soạn thảo hay phản biện các dự án luật trước khi trình Hạ viện thảo luận, biểu quyết.

d. Như vậy, các Hạ nghị sĩ và Chủ tịch Hạ viện không nhất thiết phải là đảng viên Cộng sản.

e. Các ứng viên được tự do tranh cử bằng mọi cách theo luật định, nhất là bằng các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

g. Hạ nghị sĩ có thể đồng thời là thành viên của hội đồng nhân dân các cấp, nơi họ cư trú thường xuyên.

e.Không còn các ủy viên ban thường vụ Quốc hôi như hiện nay mà thay bằng chức vụ chủ nhiêm các ủy ban của Hạ viện.

2.2. Quốc Hội: Quốc hội bao gồm lưỡng viện thượng viện và hạ viên. Quốc hội không có cấp trên,cấp dưới. Các nghị sĩ dều bình đẳng và có 1 phiếu biểu quyết hay bầu cử. Do vậy, quốc hội không có ủy ban thường vụ và không ban hành pháp lệnh, như hiên nay. Mổi viện chỉ cần 1 phó chủ tịch để giúp chủ tịch điểu hành khi chủ tịch vắng mặt. Văn phòng thượng viện và hạ viện chỉ có chức năng hành chính, hậu cần, bảo đảm điều kiện cho lưỡng viện và các nghị sĩ hoạt động. Các ủy ban chuyên môn của mỗi viện đảm trách soạn thảo, phản biện các dư án luật được trình lưỡng viện biểu quyết. Moi công dân, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp đều có quyền soạn thảo và phản biện các dự án luật

2.3. Chủ tịch nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

a) Cần xóa bỏ định chế của Chủ tịch nước. Bởi vì vai trò Chủ tịch nước theo hiến pháp nước ta qui định rất lớn (tổng chỉ huy lực lượng vũ trang, trưởng ban cải cách tư pháp, đại diện Nhà nước về đối nội đối ngoại, kí quyết định phong hàm cấp trưởng và các danh hiệu khen thưởng cấp quốc gia…), nhưng không rõ thuộc hệ lập pháp, hành pháp, tư pháp, hay trên tất cả các nhánh quyền lực này.

b) Thủ tướng Chính phủ đứng đầu cơ quan hành pháp ở cấp trung ương do 2 viện bầu ra trong số thượng nghị sĩ, thông qua thể thức ứng cử và tranh cử bằng chương trình hành động của mỗi ứng viên.

Các Bộ trưởng không thể đồng thời là nghị sĩ ở lưỡng viện và không nhất thiết phải là đảng viên đảng Cộng sản. Thủ tướng Chính phủ đệ trình lưỡng viện phê duyệt và bãi miễn thành viên Chính phủ. Lưỡng viện có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm của cả Chính phủ hay của từng thành viên Chính phủ.

c) Bộ trưởng với tư cách là thành viên Chính phủ phải là cấp trên, thay mặt Chính phủ đối với cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bộ trưởng không có chức năng tham mưu cho Chính phủ như hiện nay, mà phải là người thay mặt Chính phủ quản lý ngành, chịu trách nhiệm trước 2 viện của Quốc hội, trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

2.4. Xóa bỏ cấp trung gian phụ trách khối ngành là Phó thủ tướng, nếu Bộ trưởng có vai trò như trên. Bởi vì, không có Phó thủ tướng nào phụ trách khối ngành lại giỏi hơn Bộ trưởng trong lĩnh vực của họ. Chỉ cần 1 Phó thủ tướng kiêm Tổng thư ký Chính phủ để giúp Thủ tướng điều hành mang tính hành chính. Còn chuyên môn thuộc lĩnh vực nào do Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực đó thực thi. Như vậy, Thủ tướng Chính phủ mới không trở thành một vị “đốc công cấp cao” hàng ngày xử lý việc vặt như hiện nay.

2.5. Thay định chế UBND các cấp hiện nay bằng định chế tỉnh trưởng, thị trưởng,quận (huyện) trưởng, xã trrưởng, thôn (ấp, bản) trưởng do người đứng đầu cấp hành chính cấp trên trực tiếp bổ nhiêm và kỉ luật, bãi miễn, có tham khảo ý kiến của HĐND cùng cấp. Bí thư đảng các cấp giữ chức vụ chủ tịch HĐND cung cấp. Tất cả các vị trí quyền lực thuộc các câp nhà nước địa phương phải do ngưởi không có cùng quê hương của “tứ thân phụ mẫu” đảm trách."

Đảng kêu gọi toàn Dân góp ý Văn kiện của đảng, rất nhiều trí thức tâm huyết với đất nước là đảng viên CS hay người không ủng hộ CS đã lên tiếng trên tinh thần phản biện xây dựng như ông Nguyễn Trung, Tương Lai, Vũ Trọng Khải...

Rất tiếc những ý kiến rất sáng và có ích thật sự cho đất nước này không có báo chí chính thống nào đăng tải hết. Gã kiến nghị TBT Nguyễn Phú Trọng lập một "ban tiếp nhận và nghiên cứu các ý kiến trên cộng đồng mạng" và nghiêm túc tìm hiểu, trả lời, phản biện trung thực công khai các ý kiến trên.

Nếu đảng không làm việc này thì lời kêu gọi toàn Dân góp ý cho Văn kiện ĐHĐ chỉ là hình thức không thật tâm cầu thị vì Dân tộc.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét