Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

THÔNG ĐIỆP TỪ MỘT ĐÊM TRĂNG & TÂM SỰ CỦA CHÁU NỘI HỌC GIẢ NGUYỄN VĂN VĨNH

 Nguyễn Quang Thiều

Mấy ngày trước, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện gửi cho tôi bài viết của ông Nguyễn Lân Bình, cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh về bài THÔNG ĐIỆP TỪ MỘT ĐÊM TRĂNG của tôi đã in trên báo từ 16 năm trước. Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện đề nghị tôi đưa lại bài viết của tôi trên FB nhân dịp trung thu, mùa trăng đặc biệt nhất trong một năm.

Bài viết của ông Nguyễn Lân Bình là sự đồng cảm sâu sắc với những suy nghĩ của tôi về cuộc đời này. Tôi xin bày tỏ sự biếta ơn tới ông Nguyễn Lân Bình và xin phép ông được đưa lại bài viết của ông trên FB của tôi.

Nhân dịp này, tôi cũng đưa lại bài THÔNG ĐIỆP TỪ MỘT ĐÊM TRĂNG ở phần dưới bài của ông Nguyễn Lân Bình.

NỘI DUNG BÀI VIẾT CỦA ÔNG NGUYỄN LÂN BÌNH:

Thưa các quý vị và các bạn!

Tôi giữ bài viết “Thông điệp từ một đêm trăng” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã từ rất nhiều năm. Bài viết cũng đã được các báo từng giới thiệu với độc giả, báo Tia Sáng năm 2006, Tuần Việt Nam VNN năm 2011… Còn tôi, hôm nay đã là 2020, mới đủ tự tin để xin được một lần nữa đóng vai trung chuyển tới bạn đọc.

Tôi đọc lại bài viết vì chợt nghĩ, vài ngày nữa là Tết Trung Thu, một khái niệm thanh bình và đẹp đẽ với bất kỳ ai, kể cả với những người vô tâm nhất ở đời. Nhưng với tôi, Tết Trung Thu còn là một kỷ niệm run rẩy suốt đời khi nghĩ đến.

Năm 1972, đúng Rằm Trung Thu, đơn vị tôi vượt dòng Sông Lam, Nghệ An để sang Hà Tĩnh. Ơn Trời, hôm ấy bầu trời sáng lắm, ánh trăng lung linh, hài hòa tỏa rộng khắp mặt sông, trời lại chỉ có gió nhẹ, nên không khí ôi thôi là dễ chịu, và tôi đã ngơ ngẩn nói với mấy đồng đội, rằng: “Không biết dòng sông Đa nuýp ở châu Âu đẹp đến đâu, chứ dòng sông Lam đêm rằm Trung Thu, chắc cũng chẳng thua kém bao nhiêu…”. Tôi xin phép lần này, không nói về lý do mà tôi và các đồng đội của mình đã run rẩy vì lý do gì….

Nhưng hôm nay, đọc lại bài “Thông điệp từ một đêm trăng” của Nguyễn Quang Thiều, tôi không phải chỉ vì vương vấn với cái kỷ niệm chiến tranh của riêng mình, mà tôi còn nhận ra, Nguyễn Quang Thiều không phải chỉ là nhà văn, mà hình như ông ta còn là nhà chính trị, nhà triết học, nhà tiên tri…. khi trong bài viết của mình, ông đã nhắc lại câu thơ ‘kinh hồn’ của Việt Phương, từ lúc nền chính trị ở nước ta còn rất ấu trĩ, và Việt Phương, một người rất quan trọng trong hệ thống chính trị lúc đó, đã mỉa mai khi so sánh ‘Ông Trăng Trung Quốc’ và ‘Ông Trăng nước Mỹ’…

Hẳn là Nguyễn Quang Thiều rất yêu cái đẹp tự nhiên, thuần khiết của thiên nhiên, mà ở đây là ‘Ông Trăng’, ông xác định, cái đẹp là của mọi người, nên ‘Khi một quyền lực nào đó định chiếm hữu cái đẹp, thì cái đẹp biến mất’… Quá đúng, tôi cũng nghĩ như ông!

Rồi Nguyễn Quang Thiều còn rứt ruột tả lại cái tiếng con cuốc trong đêm, và ông ta bảo,‘Kêu như lời của một kẻ tri âm…’, ôi… sao đúng thế! Tôi cũng từng nghĩ vậy.

Chưa hết, Nguyễn Quang Thiều còn nói như lời truyền tụng, rằng ‘Sẽ có một thay đổi lớn lao hay một sự bất trắc khủng khiếp trong đời sống của chúng ta chăng?… Con người sẽ phải chịu những hậu họa khủng khiếp do chính con người gây ra…’.

Thật không cãi được ông nhà văn ạ, khi cái năm 2020 bắt đầu bằng một đêm Giao thừa rùng rợn trong mưa gió, sấm chớp não nùng, và một ngày Mồng Một Tết tan hoang, lạnh lẽo vì… Giời phạt và bắt đầu một năm bệnh tận bấn loạn.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều còn ‘tự thú’ giản dị và rất thật, rằng ‘Tai họa sẽ giáng xuống đầu chúng ta bởi chính tội lỗi của chúng ta…’. Ông mãi đúng!

Hay nhất, theo tôi khi ông ta viết một câu thật ai oán: “Nhưng tôi biết có rất ít người suy nghĩ về câu chuyện ấy…”.

Vâng, còn rất nhiều những tình tiết khác mà tôi không tiện để chia sẻ với các quý vị và các bạn độc giả, vì biết đâu, các quý vị và các bạn còn hiểu ra nhiều điều hơn tôi về bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, bởi tôi không phải là kẻ chuyên môn.

Vài dòng xin gửi gắm với các quý vị và các bạn nhân Tết Trung Thu của một năm đầy tai họa với nhân loại này.

Xin mời các quý vị và các bạn suy ngẫm thêm, về bài viết thật chua chát và rất thật về thế thái nhân tình, mà hình như hôm nay, người viết đang cố gắng để cái tư chất nhân văn kia không bị mai một vì, cũng đang đứng ở vị trí trách nhiệm không nhẹ với xã hội.

Dù gì, chúng ta, tất cả người lớn, cũng phải chúc cho trẻ em ở mọi miền sẽ đón một cái Tết Trung Thu ấm áp, trong lành bên người thân!

Trân trọng

Nguyễn Lân Bình

Cháu nội của Tân Nam tử Nguyễn Văn Vĩnh

TOÀN VĂN BÀI :’’ THÔNG ĐIỆP TỪ MỘT ĐÊM TRĂNG’’

Đêm qua tôi chợt tỉnh giấc. Ngay lúc đó tôi nhận ra căn phòng tôi ở tràn ngập ánh trăng. Tôi ngồi dậy đến bên của sổ. Đêm nay có lẽ sắp rằm. Trăng tròn quá và trong quá. Đây là lần đâu tiên tôi nhìn trăng trên bầu trời từ một xứ sở xa lạ. Vầng trăng có gì khác khi tôi nhìn từ nơi này? Không có gì khác cả. Chỉ có nỗi nhớ cố hương từ nơi này trong một đêm trăng im ắng. Và lúc đó, tôi chợt nhớ đến câu thơ của nhà thơ Việt Phương: Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ.

Thật hài hước và thật đau đớn. Nhà thơ đã nói đúng nỗi đau đớn ấy của chúng ta. Tại sao chúng ta lại có những năm tháng như thế? Tại sao? Dù có trả lời được thì tôi vẫn cứ phải hỏi tại sao? tại sao? Vầng trăng, một biểu tượng của cái đẹp. Cái đẹp không thuộc quyền sở hữu của một quốc gia nào, của một quyền lực nào. Khi một quyền lực nào đó định chiếm hữu cái đẹp thì cái đẹp biến mất. Cái đẹp ấy luôn luôn ở trên mọi quyền lực, toả sáng chúng ta, ngự trị chúng ta và cứu rỗi chúng ta. Tôi ngắm trăng khi đang ở trên nước Mỹ. Và những người thân của tôi ngắm trăng từ mảnh đất cố hương tôi. Chúng tôi cùng nhận ra vẻ đẹp ấy và cùng chiêm ngưỡng. Tại sao chúng ta lại có những tháng năm như thế. Và tại sao chúng ta lại không nói như thế về những tháng năm tương tự của chúng ta.

Tôi có viết một chuyện ngắn có tên: Chạy Trốn Khỏi Vầng Trăng. Chuyện kể về một người đàn bà goá chồng bởi chiến tranh. Chị cố trốn chạy khỏi tình yêu của một người đàn ông dành cho chị. Nhưng đêm đêm, vầng trăng lại mọc trên đỉnh đồi trước nhà chị. Trăng đẹp quá và chị không chịu nổi sự cô đơn và một điều gì đó thức dậy trong lòng chị. Chị không thể thờ ơ trước những điều kỳ diệu trong đời sống. Chị lao theo tiếng gọi của tình yêu. Nhưng những lời thị phi và cái phẩm hạnh phong kiến như đám mây đen trong khoảng khắc nào đó lại che khuất vầng trăng trong lòng chị. Nhưng trăng lại hiện ra, lại toả sáng lộng lẫy, và chị lại lao ra khỏi nhà, vừa chạy chị vừa khóc trong hạnh phúc, trong đau đớn dằn vặt. Chị muốn có hạnh phúc, nhưng chị sợ hãi. Chị nghĩ: chỉ có một con đường là chị chạy trốn khỏi vầng trăng. Nghĩa là chị phải chạy trốn khỏi cái đẹp. Chị bỏ nhà vào sống trong hang núi tối tăm. Nhưng cái đẹp đã ở trong tâm hồn chị, vầng trăng luôn luôn ngự trị trong tâm hồn chị. Bởi thế, với những người như chị, càng ở trong tăm tối nó càng toả sáng rực rỡ.

Trong một đêm mùa hạ ở quê, tôi cùng cha tôi ngồi ngoài sân rất khuya. Làng quê trong đêm trăng yên tĩnh trở nên huyền bí và mênh mang vô tận. Trăng vằng vặc trên sân nhà soi rõ cả những con kiến lang thang trong đêm. Thi thoảng, những ngọn gió mùa hạ từ cánh đồng thổi về làm xôn xao những vòm lá trong vườn. Cả vòm cây lấp lánh như dát vàng. Và trong những cơn gió thổi về, tôi nghe tiếng cuốc từ cánh đồng xa buồn bã. Lâu lắm rồi tôi mới lại nghe tiếng cuốc. Có những năm tháng dài, những con cuốc không biết đi đâu. Tôi hỏi thì cha tôi bảo người ta săn bắn chim chóc nhiều quá đến chẳng còn một con nào. Nhưng đêm ấy, tôi lại được nghe cuốc kêu. Tiếng cuốc kêu đều đều suốt đêm. Kêu như lời của một kẻ tri âm. Kêu như một nỗi buồn đau dằng dặc. Kêu như đang xé từng mảnh phổi của mình. Kêu như những bước chân tiến dần về cái chết. Kêu như nỗi oan ức của mọi thời đại. Và kêu…

Hai cha con tôi ngồi im lặng trong đêm trăng của làng quê. Cha tôi lúc đó đã tám mươi tuổi. Tôi đã ngoài bốn mươi. Cả hai người đàn ông ấy đã đủ thời gian sống để biết im lặng. Bỗng cha tôi quay về phía tôi và nói: Nếu hai anh em con có tiền thì xây một trái nhà lên hai ba tầng, thành phố loạn lạc thì vợ chồng con cái về làng mà ở, nếu nước lớn thì có nơi mà chạy nước. Hai anh em cố mà làm sớm, con ạ. Khi cha tôi vừa nói xong thì tôi cảm thấy một luồng khí lạnh tràn qua người tôi. Cha tôi là một người nông dân, sau này tham gia cách mạng và về hưu, nhưng bản chất cha tôi vẫn là một người nông dân. Tôi chưa bao giờ nghe cha tôi nói những điều như vậy. Cha tôi không có ngôn ngữ ấy. Cái ông thường xuyên nói, nói cả đời là đạo làm người. Ông nói một cách đơn giản và cụ thể. Những gì ông nói từ trước tới giờ không ngoài những việc cụ thể hàng ngày và với những người cụ thể trong làng, trong họ và trong gia đình. Câu nói của cha tôi đêm ấy là một thông điệp. Ai đó từ chốn cao xanh đã mượn cha tôi, một người già tám mươi tuổi, để truyền đi thông điệp ấy chăng? Sẽ có một thay đổi lớn lao hay một sự bất trắc khủng khiếp trong đời sống của chúng ta chăng? Có, tôi tin là có. Con người sẽ phải chịu những hậu hoạ khủng khiếp do chính con người gây ra.

Khi cha tôi đi nằm vì ngồi lâu ông thấy đau lưng, tôi ngồi một mình giữa sân nhà giàn dụa ánh trăng. Những con kiến vẫn đi. Lúc nào những con kiến cũng vội vã. Chúng đi không ngưng nghỉ từ lúc sinh ra cho tới lúc chết. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy lũ kiến ngủ. Ngày còn bé, tôi hỏi mẹ: mẹ ơi, những con kiến không ngủ hở mẹ? Mẹ tôi không trả lời được câu hỏi của tôi. Tôi ngồi im lặng trong tiếng cuốc kêu đều đều từ cánh đồng xa vọng về. Tôi đã kể câu chuyện về cha tôi cho một số người nghe. Nhưng tôi biết chỉ một hai người trong số đó suy nghĩ về câu chuyện ấy. Những người khác nghĩ tôi lãng mạn, nghĩ tôi bị bệnh tâm thần trong một giây khắc nào đó, nghĩ tôi là kẻ tuyệt vọng và có thể là kẻ hão huyền. Tôi không đợi chờ lòng tin của họ vào câu chuyện ấy. Nhưng với tôi, đó hoàn toàn là một thông điệp. Tôi đã nghe được thông điệp ấy và tôi có nghĩa vụ chuyển tiếp thông điệp ấy cho người khác. Tai hoạ sẽ giáng xuống đầu chúng ta bởi chính tội lỗi của chúng ta. Dù chúng ta vẫn ngày ngày đọc lời biện minh cho những tội lỗi ấy.

Đã một lần cha tôi nói về việc xây dựng nhà cửa. Đó là năm 1986, khi tôi đang học ở Cuba. Tôi nhận được thư cha tôi. Trong thư có đoạn: Bố vừa mới xây xong được chái bếp, để sau này bố có mất đi thì anh em có chỗ mà đun nấu. Tôi đã rơi nước mắt khi đọc đến đoạn ấy. Cha tôi đi thoát ly hơn bốn mươi năm rồi về hưu. Ông trở về làng vì đấy là nguyện ước của ông. Nếu ở lại thành phố ông cũng không có một nơi nào để ở. Khi về hưu, ông được tặng một chiếc tủ đựng quần áo đánh vécni vàng như bôi nghệ có lẽ đóng bằng gỗ gạo, một loại gỗ mà tôi gọi là “gỗ giả dối” vì hầu như nó chẳng dùng được vào việc gì. Sau ba năm, chiếc tủ bị mọt gần hết. Cha tôi ngậm ngùi chẻ ra làm củi đun nhưng chỉ có khói mù mịt mà không có lửa. Sau này, những người khác làm quan quá sung sướng. Những người về hưu tay trắng như cha tôi tự an ủi: mình hy sinh làm cách mạng cho thế hệ sau sung sướng mà. Đúng, thế hệ những người cách mạng như cha tôi đã mang lại lòng tin bất diệt cho nhân dân. Tôi khó có thể tìm được những người cách mạng như thế sau thế hệ cha tôi. Vì thế khi về hưu, ông bắt tay nuôi lợn nái và dành dụm tiền nong để tám năm sau ông mới có cơ hội xây được gian bếp tạm tươm tất. Và ông hạnh phúc.

Công việc xây dựng nhà cửa của cha tôi gần hai mươi năm trước là công việc chuẩn bị cho điều kiện sinh hoạt. Còn ý định xây dựng nhà cửa của cha tôi gần hai mươi năm sau là thông điệp về những tai hoạ của kiếp người một ngày nào đó có thể giáng xuống.

( tranh dưới : Trăng, sơn dầu trên toan, nằm trong bộ sưu tập của nhà thơ lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành )



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét