Posted by adminbasam on 10/12/2016
Nguyễn Đình Cống
10-12-2016
Về sự xuống cấp của nền giáo dục Việt Nam
(GDVN), một số người cho nguyên nhân chủ yếu là thiếu một Triết lý giáo dục
(TLGD). Trong cuộc họp Quốc hội có đại biểu đã chất vấn: “
VN có hay không một TLGD “.
Trong bài “Từ tình trạng bệ rạc trong
hệ thống giáo dục VN, tới nội dung lá thư của một học sinh gửi thầy
giáo cũ”(AnhBaSam 10865) tác giả Trần Phong Vũ nhận xét: “ Tệ
trạng GDVN đã tới đáy” và nguyên nhân là: “ Do
lỗ hổng to lớn về sự thiếu vắng một TLGD “.
Tôi không tán thành đánh giá trên về nguyên
nhân xuống cấp của GD mà cho rằng không phải chúng ta không có TLGD, chỉ là
đang theo một TLGD lạc hậu và sai lầm. Nếu nói thiếu thì đó là thiếu một TLGD
khoa học, tiến bộ.
Trong thế kỷ 20 hình như chưa ai nói đến
TLGD mà chỉ nói Phương châm, Nguyên lý ,Quan điểm về GD. Khái niệm TLGD mới
được dùng rộng rãi những năm gần đây (từ 2010). Phải chăng đó là những cơ sở lý
luận được dựa vào để vạch ra mục tiêu của GD, nội dung chương trình, phương
pháp và tổ chức dạy học. Nếu hiểu như vậy thì Việt Nam chưa bao giờ thiếu TLGD,
chẳng qua là trong các văn bản chính thức không dùng thuật ngữ TLGD mà dùng các
thuật ngữ khác tương đương như Phương châm hoặc Nguyên lý GD. Vấn đề là xem
triết lý đó, về bản chất và cách vận dụng đúng sai ở đâu, như thế nào.
Theo dòng lịch sử chúng ta đã có những
phương châm như: Tiên học lễ hậu học văn; Dân tộc, khoa học, đại chúng, hiện
đại, lấy Chủ nghĩa Mác Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng; Học đi đôi với
hành, giáo dục kết hợp lao động sản xuất, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục
nhà trường gắn liền với giáo dục gia đình và xã hội. Rồi nêu cao khẩu hiệu:
Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Ngoài ra còn nhấn mạnh đến: Nâng cao
dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; Đào tạo con người XHCN, bồi
dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Rồi người ta cũng thường dẫn câu của Hồ Chí
Minh: “Làm sao để nhân dân ai cũng được ăn no, mặc ấm, ai cũng được học hành”.
Cũng có ý kiến chỉ đạo cho rằng TLGD phải xuất phát và thể hiện được Nghị quyết
của Đảng. Mà NQ luôn luôn đề cao việc “Giữ vững định hướng XHCN trong GD”. Mục
tiêu của GD được thể hiện trong Luật Giáo dục là: “Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức,
sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và
chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của
công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Để phân tích xem một TLGD là khoa học, tiến
bộ hay sai lầm, lạc hậu, trước hết cần bàn đến nhận thức về đào tạo con người,
vai trò và định hướng của GD.
VỀ ĐÀO TẠO CON NGƯỜI– Ở phương diện này
có thể chia con người thành 2 loại: con người tự do và con người lệ thuộc. Đi
kèm với TỰ DO là các tính chất như sáng tạo, khai phóng, tự chủ, tự trọng, năng
động, độc lập suy nghĩ v.v.. Đi kèm với LỆ THUỘC là các tính chất như trung
thành, kỷ luật, tin tưởng, phục tùng, sùng bái cá nhân v.v…Vậy chúng ta định
đào tạo ra loại người nào.
Trong các phương châm, mục tiêu của GD theo
đường lối CS mặc dầu cũng đề cập đến con người phát triển toàn diện, nhưng luôn
luôn đề cao lòng trung thành với CNX, tuyệt đối tin tưởng vào CNML, không thấy
đề cập đến Con người tự do. Như vậy phải chăng là muốn đào tạo ra Con người lệ
thuộc. Vậy những tính chất như trung thành, tuyệt đối tin tưởng… có cần không?
Rất cần cho quân đội, cho các tổ chức hoạt động bí mật v.v… còn trong GD, trong
khoa học thì nó thường là kẻ thù của tự do tư tưởng và sáng tạo.
Tại sao lãnh đạo CS không muốn đào tạo Con
người tự do mà chỉ muốn đào tạo Con người lệ thuộc. Điều này chắc nhiều người
đã biết, nếu chưa biết cũng có thể đoán được.
VỀ VAI TRÒ CỦA GD. Một số người thấy
được tầm quan trọng của GD để phát triển đất nước nên đã vận động Đảng, Quốc
hội thông qua phương châm: Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Rồi
trước sự xuống cấp tệ hại của GD Đảng vội ra NQ về đổi mới căn bản và toàn diện
nền GD. Tuy vậy phương châm ấy chỉ tồn tại như một khẩu hiệu trống rỗng, nghị
quyết ấy được viết ra một cách hời hợt và ôm đồm, thiếu sức sống. Vì sao
vậy ? Vì trong sâu thẳm của tâm hồn các vị lãnh đạo ĐCS không cảm nhận
được sự quan trọng của GD, họ chưa và không thể biến phương châm ấy, nghị quyết
ấy thành nhận thức và tình cảm, họ chỉ bị bắt buộc nói đến một cách qua chuyện.
Đối với họ công việc quan trọng và cấp thiết hàng đầu là bảo vệ Đảng và chế độ.
Họ cho rằng làm GD là dễ, GD không quan trọng bằng Công an, Quân đội, Kinh tế,
Ngoại giao v.v… Nhận thức này dẫn đến cẩu thả và sai lầm trong việc chọn một số
người bất tài, dễ sai khiến đứng đầu ngành GD. Họ coi thường đội ngũ thầy cô
giáo nói riêng và trí thức nói chung, họ thù ghét, tìm cách hạn chế đến triệt
hạ thành phần tinh hoa của dân tộc. Họ cho rằng chỉ cần có Kim chỉ nam CNML là
có thể làm được mọi việc trên đời. Dựa vào câu của Hồ Chí Minh, họ xem GD như
một phúc lợi xã hội chứ không phải là động lực để phát triển.
VỀ ĐỊNH HƯÓNG TRONG GD- Đó là việc GD hướng tới cái gì: phát triển con người
(nhân bản) hay bảo vệ chế độ chính trị. Thời gian qua TLGD VN theo định hướng
XHCN, buộc GD phải phục vụ chính trị, nhằm đào tạo ra những con người có giác
ngộ giai cấp, theo ĐCS , trở thành những chiến sĩ CM, phấn đấu, hy sinh cho lý
tưởng CS. Thực tế chứng tỏ rằng CM vô sản dựa trên những hành động đấu tranh
tàn bạo và tuyên truyền dối trá. Như vậy định hướng ấy có phần đi ngược với
tiêu chí Chân, Thiện, Mỹ của GD. Hơn nữa Đảng bắt buộc mọi hoạt động về GD phải
đặt dưới sự chỉ đạo và giám sát của Tuyên giáo. Đó là một vòng kim cô chặn hết
mọi con đường khai phóng. Không những thế, đúng ra trong nhà trường chỉ được
truyền bá sự thật, phải đề lên rất cao đức tính trung thực thì định hướng XHCN,
những phong trào thi đua để tạo thành tích dổm đã làm cho nhà trường thành nơi
huấn luyện kỹ năng dối trá, thầy trò lừa dối lẫn nhau và cùng nhau lừa dối xã
hội. Thế là biến nhà trường thành nơi phản lại GD.
HỆ QUẢ. Từ ba nguồn trên đây dẫn đến TLGD sai lầm và
rồi từ đó làm phát sinh nhiều sai lầm khác trong những công việc cụ thể của GD
hoặc liên quan đến GD. Chỉ xin kể ra một số sai lầm cơ bản :
+Nhà nước xem bằng cấp là 1 tiêu chuẩn để
tuyển chọn, đề bạt, trả lương cho cán bộ. Việc này dẫn đến nhiều người dùng
bằng giả hoặc bằng thật nhưng kiến thức giả, làm loạn nền GD.
+Phát triển quá nhanh, quá nóng số lượng cơ
sở GD bậc cao, làm mất cân đối giữa năng lực của nền kinh tế và phát triển GD,
làm hạ thấp chất lượng và hiệu quả GD. Điều này dẫn đến một mặt là sự lãng phí
lớn, mặt khác là trong một thời gian dài làm bần cùng hóa đội ngũ thầy cô giáo
so với mặt bằng chung của xã hội, làm hạ thấp vai trò, đạo đức, trình độ của
đội ngũ thầy cô giáo.
+Hiểu sai về quyền lợi và sự công bằng trong
GD, làm phát sinh nhu cầu giả tạo được học lên những bậc cao quá lớn.
+Mục tiêu chính của dạy học là nhằm hoàn
thiện nhân cách, phát triển trí tuệ, nhưng nhiều người đã quá quan tâm đến việc
nhồi nhét thật nhiều kiến thức để đi thi, biến việc học, đúng ra là nguồn hạnh
phúc thành nhiệm vụ nặng nề đặt trên đầu, trên vai tuổi trẻ, làm lệch lạc sự
phát triển của tuổi trẻ.
+Để phát triển GD thì một trong những điều
quan trọng hàng đầu là xây dựng được đội ngũ thầy cô giáo có chất lượng cao.
Muốn trò giỏi cần có thầy giỏi. Muốn đào tạo những con người tự do không thể
dùng những thầy cô mang nặng đầu óc lệ thuộc. Trong đội ngũ thầy cô hiện tại
may mắn có được một số ít có lương tâm và trình độ xứng đáng, còn số đông thuộc
loại « chuột chạy cùng sào… », họ là sản phẩm của đường lối sai lầm
của một số người lãnh đạo, coi thường việc và người dạy học.
+ Nhận định không đúng về nguyên nhân làm GD
xuống cấp. Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD và đào tạo viết :
Những hạn chế, yếu kém nói trên (của nền GD) do các nguyên nhân chủ yếu sau: (tóm
lược)
– Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng
và Nhà nước … còn chậm và lúng túng.
– Mục tiêu giáo dục toàn diện chưa được hiểu
và thực hiện đúng. Bệnh hình thức, hư danh, chạy theo bằng cấp… chậm được khắc
phục….
– Việc phân định giữa quản lý nhà nước với
hoạt động quản trị trong các cơ sở giáo dục, đào tạo chưa rõ. Công tác quản lý
chất lượng, thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được coi trọng đúng mức….
Tôi cho rằng những nguyên nhân vừa nêu không
sai nhưng chưa đúng, chỉ mới là hiện tượng bên ngoài chứ chưa phải bản chất,
chưa thấy được hoặc cố tình che giấu nguyên nhân từ gốc.
BÌNH LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ – Trong thời gian qua TLGD của VN tuy cũng có những nội
dung khoa học và tiến bộ như: Tính dân tộc, tính khoa học, học đi đôi với hành,
gắn lý thuyết với thực tiễn, đào tạo con người phát triển toàn diện v.v…, nhưng
CNML và định hướng XHCN đã làm lệch lạc nhận thức của lãnh đạo về vai trò và
mục tiêu của GD. Họ đã áp đặt thô bạo các tham vọng chính trị vào GD mà làm cho
một số tiêu chí có tính khoa học và tiến bộ chỉ còn là ngôn từ trống rỗng, còn
thực chất họ đã đẩy sự phát triển GD đi chệch phương hướng.
Mọi người kêu gọi đổi mới GD. Tôi nghĩ dùng
thuật ngữ CHẤN HƯNG GD có lẽ thích hợp hơn. Trước hiện trạng xuống cấp của GD,
lãnh đạo Đảng không thể làm ngơ mà buộc phải ra Nghị quyết 29 (năm 2013) về đổi
mới căn bản, toàn diện GD. Tuy vậy, như trên tôi đã nhận xét, nghị quyết ấy
được viết ra một cách hời hợt, ôm đồm, thiếu sức sống. Trong tình trạng xã hội
VN hiện nay với sự độc tài toàn trị theo định hướng XHCN, với nạn tham nhũng và
mua quan bán chức tràn lan thì chưa thể nào đổi mới căn bản, toàn diện GD theo
hướng tiến bộ, đào tạo con người tự do được. Nếu cứ cố mà làm thì có nhiều khả
năng tiêu tốn một số lớn tiền của và sức lực để thay một số sai lầm này bằng
các sai lầm khác mà thôi. Theo tôi trước mắt chỉ nên làm một số việc cấp thiết
để ngăn chặn sự hủy hoại, sự sụp đổ.
Về TLGD, để thực sự chấn hưng GD, điều quan
trọng đầu tiên là cởi bỏ được vòng kim cô trói buộc nó, đó là ý thức hệ, là sự
áp đặt của chính trị. Về việc này tác giả Nguyễn Trần Bạt đã có một số kiến
giải « Phi chính trị hóa nền GD » trong những bài viết xoay quanh chủ
đề Cải cách GD. Điều này trước mắt chỉ mới là mơ ước của những người thật sự
quan tâm đến GD, nó chỉ có thể thành hiện thực sau khi có những thay đổi cần
thiết về thể chế chính trị theo hướng dân chủ hóa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét