Tương Lai
Những gì ta yêu phải cứu thoát ra,
Tự mình ta, tự mình ta
Il faut libérer ce qu’on aime
Soi même soi même soi même
Louis Aragon
Cái “đôi điều tản mạn” này đã nung nấu từ lâu, và sự kiện Fidel
chỉ là cú hích đáng kể để đủ biến những mông lung suy ngẫm thành từ ngữ, câu
chữ. Tuy nhiên, gộp những tản mạn trong mông lung suy ngẫm ấy thành hình hài
thì lại đòi hỏi không chỉ một cú hích!
Vì, cũng đã khá lâu, dễ có đến gần 20 năm rồi trong câu chuyện tào
lao nhân rủ nhau đi Phú Thọ thăm một người bạn học cũ nghe đâu đang ngồi viết
sớ ở Đền Hùng, Hồ Ngọc Đại nói với tôi: “Phải trút bỏ thần tượng đang ngự
trị trong đầu thì may ra mới dám tìm tòi suy nghĩ được một cái gì mới cậu ạ”.
Ý nghĩ ấy dội vào tâm trạng đúng lúc tôi đang cân nhắc việc từ chức Viện trưởng
Viện Xã hội học vì cảm thấy ngột ngạt và vô nghĩa quá nếu vẫn tự trói mình
trong cái mớ bùng nhùng dở ông dở thằng của cái cơ chế tệ hại này.
Đây không phải là lần đầu Đại đề cập đến
chuyện này. Trong nhiều bài viết Đại đưa cho tôi trước đó nhiều năm, hắn đã bộc
lộ khá rõ cái ý ấy. Mặc dầu hắn trích dẫn rất nhiều câu và ý của Marx trong các
bài viết, nhưng điều tôi lưu tâm là trong “Phạm trù người” đưa cho tôi,
hắn viết một lèo ba tiểu mục với nhan đề: 74. “Nhân một thiếu sót của Marx
và F. Engels”; 75. “Nhân một sai lầm thứ hai của Marx”; 76. “Nhân
một sai lầm nữa của Marx” để rồi tô đậm hai câu của chính Marx “Le mort
saisit le vif, người chết níu lấy người sống” và rằng “truyền thống của
các thế hệ đã qua đè rất nặng lên đầu óc những người đang sống”.
Thế rồi “sự trầm tư” sau “cơn địa chấn Trump” vừa
viết trong Mênh mông thế sự 52 thì sự kiện Fidel càng thôi thúc phải
viết ra cái ý “trút bỏ thần tượng” trong câu chuyện tào lao với bạn tôi
dạo nào như một định đề triết lý dẫn dắt tư duy của chính mình.
Sẽ không lún sâu vào những gì mà báo chí thế giới đã viết, trong
đó có nhiều thông tin đáng tin cậy về nhân vật Fidel, dù muốn hay không vẫn
phải xem đây đã là một hiện tượng của thế giới. Không chìm vào cái mê hồn trận
của tranh luận đúng sai về một hiện tượng nổi cộm nằm vắt ngang giữa thế kỷ 20
sang hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21 này sẽ làm rối mờ đi chủ đề muốn nói, song
không thể không tìm trong đó những dữ liệu cần thiết.
Chẳng hạn, nghĩ sao đây về câu nói xúc động thấu đến mọi trái tim
Việt Nam buổi ấy của Fidel “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của
mình”, nhưng rồi khi đọc được rằng: “Tờ Wall Street Journal trong một
bài viết ngày 30/12/2005 cho biết: Ngày 27/05/1966, theo lệnh của Fidel Castro,
166 người tù đã bị rút ba lít rưỡi máu mỗi người và bán cho nước Việt Nam cộng
sản với giá 100 đô la một lít. Sau khi bị lấy máu, 166 tử tội trong tình trạng
thiếu máu não, tê liệt và bất tỉnh, bị đưa đi trên các băng-ca và giết chết.” (1)
Linh mục gặp tử tội
trước lúc hành quyết. Ảnh tư liệu của cubanet.org
Và rồi thực hư ra sao câu chuyện “Cả cuộc đời”, Fidel
Castro khẳng định ông không có tài sản, “chỉ có một chiếc lều câu cá”.
Mỉa mai thay, những “chiếc lều” của nhà lãnh tụ Cuba là một hệ thống biệt thự
sang trọng, huy động những phương tiện hậu cần khổng lồ, chiếm trọn hải đảo
Cayo Piedra, thực ra là hai đảo nằm gần nhau và để đi lại dễ dàng Fidel cho xây
một chiếc cầu dài 215 mét nối hai đảo Nam và Bắc. Để cho ba chiếc du thuyền của
gia đình ông cập bãi cát mịn, nhà cách mạng đã cho đào một con kênh dài một cây
số. Đây là một đoạn trên tờ tuần báo L’Express trích ra từ La Vie cachée de Fidel Castro,
cuốn sách do Juan Reinaldo Sanchez sĩ quan cận vệ suốt 17 năm của Fidel và một
đầu bếp tiết lộ.
Du thuyền này dành riêng cho Fidel và gia đình, họa hoằn lắm mới
có vài khách đặc biệt được mời cùng đi trên du thuyền, trong đó có García
Márquez, nhà văn được giải Nobel. Họ “nói chuyện trong chiếc xuồng du lịch
nhanh hay du thuyền Acuaramas của ông.” Vợ García Márquez “đặc biệt
thích thú những dịp này bởi vì Fidel có cách cư xử đặc biệt với phụ nữ, luôn
luôn chu đáo với một cử chỉ ga lăng theo phong cách cũ khiến người ta vừa vui
thích vừa hãnh diện” (2). Kiểm nghiệm sự thực hư có lẽ là trách nhiệm của
những sử gia với bề dày kiến thức và sự trải nghiệm cộng với tính trung thực,
nhưng điều có thể chẳng cần tranh cãi đúng sai vì chúng vừa diễn ra mới đây
thôi trước mắt mọi người là hình ảnh và những quyết sách của Raul Castro, người
em ruột của Fidel.
Đó là người thực sự được trao quyền không phải là năm 2006 với
quyền Chủ tịch Nước mà phải là hai năm sau mới chính thức là Chủ tịch, nhưng
rồi phải đợi thêm ba năm nữa Fidel mới trao chức vụ Bí thư thứ nhất Đảng Cộng
sản Cuba cho ông em. Thế là từ năm 2007 với bài diễn văn gây chấn động “phải
cải cách tận gốc rễ từ cấu trúc cho đến học thuyết kinh tế. Hoặc chúng ta đổi
mới, hoặc sẽ bị tụt hậu” (Orectificamos, o nos hundimos) nhưng phải mất gần
10 năm sau, ở 83 tuổi, Raul Castro mới có thể “bẻ
gãy lời nguyền, tự giải phóng mình” khỏi cái bóng của ông anh “để mang
lại nụ cười và hy vọng cho một dân tộc mỏi mệt, kiệt quệ vì một chế độ độc tài
lố bịch” như nhận định của tuần báo cánh tả Pháp Người Quan Sát (L’Obs). Đừng quên rằng bài
diễn văn nói trên của Raul được đọc khi Fidel đã phải nằm dài trong bệnh viện.
Còn khi Raul cho tiến hành chín cuộc gặp gỡ bí mật ở Canada và ở Vatican qua sự
giúp đỡ của Giáo hội Công giáo Cuba và Toà Thánh trong tiến trình lặng lẽ
thương lượng với nước Mỹ của Barack Obama từ năm 2013 thì Fidel hoàn toàn không
hay biết gì. Nói một cách bỗ bã như tờ L’Express ngày 2.1.2015 “thằng em nhỏ”
sau 50 năm nhẫn nhịn chờ thời, đã“giết chết ông anh lớn hơn mình 5 tuổi”.
Cũng khó mà nói nếu không có một ngẫu nhiên lịch sử về cái chết
của Hugo Chavez, và cuộc khủng hoảng kinh tế, lương thực, chính trị làm rung
chuyển Venezuela khiến cho 80.000 đến 100.000 thùng dầu mỗi ngày mà Chavez tặng
không cho Fidel nhằm “xây dựng thành trì của chủ nghĩa xã hội ở Tây bán cầu”
cũng theo chân nhà độc tài Venezuela mà về bên kia thế giới, thì không hiểu ông
Raul đã đủ sự quyết tâm “bẻ gãy lời nguyền” không? Raul phải “ẩn nhẫn”
50 năm núp bóng ông anh để có ngày phục hận như nhà báo Pháp Serge Raffy viết
trên L’Obs ra ngày 15.4.2015.
Đúng ra cần nói là phải bẻ gãy lời nguyền trong tình thế “đổi
mới hay là chết” của một Cuba lao đao sau khi Liên Xô sụp đổ và kiệt quệ
khi nguồn dầu mỏ từ Venezuela không còn nữa. Trong tình thế ấy, Raul phải đưa
ra quyết sách đổi mới kinh tế. Muốn đổi mới kinh tế thì phải giải tỏa cấm vận.
Muốn cấm vận được giải tỏa thì phải hoà giải với kẻ thù. Không thể có cách nào
khác. Đó là những bước đi tất yếu. Vậy là, xét đến cùng, cái ngẫu nhiên bao giờ
cũng tuân theo một quy luật nội tại ẩn giấu trong dòng chảy của cuộc sống.
Có một sự thật là khá nhiều người dân Cuba đổ ra đường phố biểu tỏ lòng
ngưỡng mộ, thương tiếc Fidel mà cả hệ thống truyền thông nhà nước ở ta đang mẫn
cán loan tin. Nhưng cũng có những thông tin mà chỉ báo chí và truyền thống quốc
tế đưa tin và báo mạng “lề trái” Việt Nam rộn ràng đăng tải. Trong một xã
hội bưng bít thông tin kéo quá dài, đầu óc con người đã bão hòa những thông tin
dối trá bịa tạc để lừa bịp, được cả hệ thống từ trung ương đến cơ sở ngang
nhiên áp đặt, thì chỉ xét dưới góc độ tâm lý thông thường, người ta háo hức tìm
đến những thông tin “lề trái” là đương nhiên!
Có thể những đầu óc tỉnh táo dễ dàng nhận thấy ở đó không hiếm
những nhảm nhí, ẩn giấu những âm mưu, những toan tính đen tối, nhưng cùng với
những điều đó là những sự thật bị giấu kín mà chỉ hé lộ chút ít là bị trấn áp
ngay. Trường hợp nhà báo “lề phải” Phùng Hiệu, Quyền đại diện báo Nhà báo &
Công luận (Cơ quan trung ương Hội Nhà báo Việt Nam) là một ví dụ nóng hổi! Sự phân
cực này là điều dễ hiểu, nhà cầm quyền dù có cay cú thì cũng buộc phải làm ngơ,
vì họ đã nhận ra được rằng đừng dại dột chọc vào tổ ong bò vẽ mà họ không sao khống
chế được trong thời đại kỹ thuật số khi Việt Nam đã bị liệt vào một trong những
nước kiểm duyệt mạng nghiêm khắc nhất trên thế giới, vừa bị xếp hạng 76 trên 88
quốc gia về “Tự do Internet”.
Nhưng tránh chuyện nọ thì họ lại xọ sang chuyện dại dột tày đình
khác với việc tổ chức “quốc tang” cho Fidel. Đây là một quyết định tùy tiện đã
đổ thêm dầu vào lửa, làm khuếch đại thêm sự phân cực nói trên trong đời sống xã
hội, thể hiện một tầm nhìn thiển cận từ cấp cao nhất. Phải chăng đây là một thứ
“đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”? Đúng hơn, có lẽ là “đồng
bệnh tương lân”! Có điều, chỉ cần có chút ít nhạy cảm chính trị và một tí
ti thông minh để biết được phần nào tâm trạng xã hội thì chắc người ta tránh
được quyết định dại dột bắt cả nước để tang một người chỉ “đồng thanh, đồng khí
và đồng bệnh” với ông Nguyễn Phú Trọng và bộ sậu của ông. Một “nhân vật lịch
sử” mà chính con gái ruột của ông, bà Alina Castro đã cải chính với báo chí Mỹ
khi họ gọi Fidel là “nhà độc tài” rằng: “Không, ông ấy không phải là một nhà
độc tài… mà là một bạo chúa”!
Ít nhất thì sự nhắc lại một cách ngô nghê câu nói của một thời
hoang tưởng về hai tiền đồn
phía Dông, phía Tây đang canh giữ cho hệ thống xã hội chú nghĩa chỉ nên xem là sự bốc đồng của một
chính trị gia non nớt!Quên đi sớm ngày nào đỡ xấu hổ ngày ấy khi mà cái hệ
thống ấy đã sụp đổ tan tành và Cuba của Raul thì đang cố làm lành với Mỹ để
gắng thoát khỏi tình thế hiểm nghèo. Thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận, cử bà Ngân
bay sang Tây bán cầu để viếng tang cho phải đạo cũng là đủ. Còn định làm sống
lại chuyện “anh ngủ tôi thức” để triệu về cái bóng ma “tiền đồn phe xã hội chú
nghĩa” thì quả là quá dốt nát về chính trị mà rồi cái giá phải trả sẽ khó mà
tính.
Tình hình Cuba ra sao để khiến Raul Castro phải giấu biệt “ông anh
lãnh tụ tối cao” để lặng lẽ “bẻ lời nguyền” mà nhờ Giáo hoàng Francis làm
cầu nối đến với Mỹ thì cả thế giới đều biết. Nhiều người Việt Nam cũng biết,
đặc biệt là giới trí thức và những người biết sử dụng mạng Internet. Báo chí
thế giới dạo ấy dồn dập tô đậm lời gan ruột của Raul nói với Đức Giáo hoàng
tháng 5.2015: “Nếu Ngài tiếp tục đường lối như thế, sớm hay muộn tôi sẽ bắt
đầu cầu nguyện trở lại và tôi sẽ trở về với giáo hội Công giáo” và ông Bí
thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba hứa: “Khi Đức Giáo hoàng tới Cuba tôi sẽ
tham dự Thánh lễ của Ngài với lòng mãn nguyện!”. Và rồi nhân dân La Habana
biến ngày đón Giáo hoàng Francis thành một ngày hội! Vào dịp này, tờ báo Pháp Le Mondekết thúc bài bình luận
với câu “Mọi huyền thoại đều có hồi kết”. Đúng. Hồi kết của một “hoang
tưởng”, theo cách nói của cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine.
Tai ác thay, những đầu óc “hoang tưởng” ở Việt Nam lại quyết
lờ đi cái “hồi kết” đó. Họ “cố đấm ăn xôi”, cho dù nắm xôi đã
thiu mốc chứ không chỉ “ẩm”. Không làm sao có thể nhè ra cái đang cố nuốt bằng
được cho dù “khạc chẳng ra cho, nuốt chẳng vào” những gì thâu tóm được
nhờ cái ghế quyền lực mà có. Ừ, “độc tài” hay “bạo chúa” thì đã
sao nào? Chẳng phải ai đó đã thật thà để hồn nhiên nói toẹt ra cái động lực
thật sự của việc giữ bằng được thể chế toàn trị phản dân chủ vì “bỏ điều 4
trong Hiến pháp là tự sát” đó sao.
Nhắc đến hai từ “hoang tưởng”, lại nhớ buổi nói chuyện của
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Hà Nội cách nay đã 25 năm mà tôi “hân hạnh” có
mặt. Từ Berlin trở về, ông Linh vẫn cao giọng ngợi ca “Đông Đức vững vàng
xây dựng chủ nghĩa xã hội và sự sáng suốt của Erich Honecker, Bí thư thứ nhất
ĐảngThống nhất xã hội chú nghĩa Đức” mà chỉ sau đó mấy ngày bị
buộc phải từ chức để Egon Krenz thay thế, và rồi chỉ một thời gian sau đó “Bức
tường Berlin”sụp đổ, sản phẩm của chính Honecker đang phải lang thang trốn chạy!
Xem ra cỡ tư duy “hoang tưởng” này được lặp lại cũng không tệ hơn
với tuyên bố của Nguyễn Phú Trọng ngày 13.11.2016 vừa rồi: “…nhìn tổng quát
lại đất nước ta có bao giờ được thế này không? Triển vọng phát triển còn tốt
lắm, sắp tới thực hiện một loạt hiệp định kinh tế tự do thế hệ mới nữa thì
chúng ta còn có điều kiện phát triển đi lên nữa”.
Quả đúng là nhìn tổng quát, nếu bỏ đi từ “được”, thì “chưa
bao giờ thế này”! Còn nếu hiểu theo kiểu “biện chứng” mà Trọng sính dùng
thì đúng là “được” khi mà cái “nhìn tổng quát” ấy khúc xạ qua thủy tinh
thể đã bị đục (dân gian thì gọi là thong manh). Còn nói đúng chữ nghĩa cho có
vẻ “biện chứng” thì đó chính là “trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập
quán thần thánh hoá” theo cách diễn đạt của Hegel. Và càng “được”
hơn nữa nếu hiểu rằng “Ở đâu mà sự xa hoa lên đến tột đỉnh thì sự khốn quẫn
và sự sa đọa cũng lớn ngang như thế ở mặt kia” cũng là chỉ dẫn của Hegel! (3)
Nhân nói về Hegel, xin trở lại với câu chuyện tào lao với Hồ Ngọc
Đại đã mở đầu cho bài viết nghiêm túc này. Cũng hôm ấy, tiếp tục chủ đề “trút
bỏ thần tượng”, tôi hỏi lại Đại câu chuyện có lần hắn buột miệng nói ra
giữa đám bạn bè thân quen khiến vài người nhăn mặt. “Trong buổi nói chuyện
tại Hội trường của Bộ Công An, khi bàn về chuyện chống tiêu cực [dạo ấy khái niệm này dùng để nói
về tham nhũng], tớ nói toẹt ra một cách thô thiển nhưng dễ hiểu cái cốt lõi
trong biện chứng của sự phát triển: bây giờ nói chống tiêu cực thì đúng thôi,
nhưng nói là triệt được nó thì còn sớm quá, bao giờ tiêu cực lên đến cấp cao
nhất, lên đến Bộ Chính trị thì rồi may ra mới có giải pháp cơ bản được”.
Tôi dội cho hắn gáo nước lạnh: “Nếu cậu không phải là con rể ông Duẩn thì tớ
đảm bảo là chúng nó gô cổ cậu ngay trên bục và cho ngay vào Hỏa Lò cũng chỉ gần
gần đấy thôi. Cậu nhớ câu thơ của Lê Đạt mà cậu và tớ vừa mời anh ta ngồi uống
bia tán dóc hôm rồi chứ: ‘Đem bục
công an đặt giữa tim người. Bắt tình cảm ngược xuôi theo luật lệ đi đường nhà
nước’”. Đại cười hề hề: “Thì rồi cậu cứ chờ xem tớ nói có đúng không”.
Và rồi 20 năm qua đi, tôi chẳng chờ, cũng chẳng đợi để hôm qua,
nhận được điện thoại của Đại, tôi nhắc lại chuyện xưa, vẫn giọng cười ấy, Đại
kể thêm: “Dạo nói chuyện với tay Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng viện gì
đấy của Bộ Công an, ông ta nhắc lại đúng chuyện cậu vừa gợi ra đấy: ‘Với trách nhiệm nghiên cứu, tôi
phải nghe lại cuốn băng anh đã nói với cán bộ Bộ Công an dạo ấy. Nói như thế mà
anh chẳng việc gì cả thì họ cũng tốt đấy chứ nhỉ’”. Đương nhiên, ông thiếu
tướng hiểu vì lẽ gì “họ tốt”, chỉ có điều ông ấy không bỗ bã nói ra cái
mà tôi đã nói với bạn thân của mình mà thôi.
Vả chăng, điều ấy chẳng có ý nghĩa gì cả giữa dòng suy tưởng đang
nung nấu trong tôi: nói hay chưa nói, hoặc không bao giờ nói, thì cái logic tất
yếu của cuộc sống vẫn tồn tại và phát triển như nó đã và đang như thế. Phải đủ
độ chín muồi cho cái cũ bộc lộ đầy đủ lý do cần phải loại bỏ nó để cái mới ra
đời. Khi đã đến giới hạn ấy rồi thì mọi sự che chắn đều vô nghĩa. Dù có cố níu
kéo, thậm chí “thần thánh hóa” nó bằng sự lừa mị bịp bợm của cả một hệ thống
chằng chịt từ trên xuống dưới được trả lương hậu hĩnh để mê hoặc số đông thiếu
hiểu biết, thì cái gì đến cũng phải đến thôi. Mà nào chỉ hôm nay, chẳng phải
cách nay cả nghìn năm các cụ ta từng giảng giải câu chuyện thịnh suy của các triều đại chỉ như “hạt
sương treo trên đầu ngọn cỏ” đó sao (Thịnh suy như lộ thảo đầu phô – Thiền sư Vạn Hạnh).
Vào buổi mạt triều của tiến trình hưng vong của các triều đại kế
tiếp nhau thì những nhiễu nhương thối nát phơi bày ra, khi thì được che đậy khi
thì lộ liễu đầy rẫy trong các trang bi thương của lịch sử cũng chẳng khác là
bao những gì đang diễn ra. Các vai hề múa may, quay cuồng trên sân khấu chính
trị của những khúc quanh khi màn chưa hạ xuống, xét cho cùng thì cũng thế cả.
Cái đáng nói là, cái đám công chúng vỗ tay reo hò hay nhổ nước bọt quay đi, cần
được phân tích một cách thấu đáo để đo được cái độ chín muồi đã đến cữ nào rồi.
Điều này không đơn giản song không hẳn là thần bí. Có chăng chỉ ở sự phức tạp
của chuyện “trút bỏ thần tượng” trong đầu óc con người, và rộng ra,
trong kết cấu hạ tầng tâm lý xã hội của các thời đoạn giữa dòng chảy của lịch
sử. Tuy nhiên, cũng phải mở một dấu ngoặc để chêm vào một ý: chuyện “trút bỏ
thần tượng” này tuyệt đối không vương chút hơi hám nào của những lời sám hối
cấp tập được dùng làm sính lễ cho một cuộc dạm ngõ muộn mằn để được chính thức
chấp nhận cho cuộc hôn phối được âm thầm chuẩn bị nhưng khi trình làng thì lại
không che được cái thân phận chiêu hồi buồn thảm.
Câu trả lời thản nhiên của Pierre Simon Palace, nhà toán học và
thiên văn học người Pháp thế kỷ 18 “Tôi không cần đến giả thuyết đó” (Je
n’avais pas besoin de cette hypothèse) khi Napoléon hỏi “Tại sao ngay cả tên
của Đấng Tạo hóa cũng không được nêu trong đó” sau khi đọc tác phẩm Cơ học thiên thể của ông, là một minh chứng sống động
về bản lĩnh đáng tự hào của người làm khoa học. Đến thần tượng Đấng Tạo hóacũng
không thể can dự vào quá trình tìm tòi sáng tạo của nhà khoa học! Câu nói của Palace
xứng đáng là một tượng đài kiêu hãnh của tất thảy những ai muốn dấn thân vào
con đường đầy chông gai cao cả này.
Ấy thế nhưng ở thế kỷ 21 này, nhà văn lớn người Colombia mà tên
tuổi gắn liền với “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo”, người được trao giải
thưởng Nobel văn chương năm 1982, lại cúi rạp mình dưới cái bóng của Fidel: “Chúng
ta không thể nào hình dung chúng ta có thể sẽ là gì nếu không có ông”. Dữ dằn và lố bịch hơn nữa: “Riêng mình ông là dân tộc”.
Thế rồi cái “hiện thực huyền ảo” đã dẫn tới cảm hứng nghệ thuật để
García Márquez say sưa viết về thần tượng của mình: “Mọi người Cuba hình như
nghĩ rằng nếu một ngày nào đó không còn ai ở lại trên đất Cuba, thì một mình
anh ta, dưới sự lãnh đạo của Fidel Castro, sẽ tiến hành cuộc cách mạng, đưa nó
đến một kết cục hạnh phúc. Đối với tôi, nói thẳng ra, hiện thực này là kinh
nghiệm phấn khích nhất và quan trọng nhất mà tôi từng có”. (4)
Tôi không hề muốn xúc phạm đến một tài năng lớn của thế giới, ông
cũng đã từng đến Việt Nam, dẫn ra đôi câu của Márquez chỉ để thấy được rõ hơn
việc trút bỏ thần tượng sẽ vấp phải những trở lực lớn đến cỡ nào! Nói như Enrique Krauzelà, tác giả bài viết về Marquez mà tôi
đã nhặt ra những câu trích dẫn “…sẽ là một sự công bằng đầy chất thơ nếu,
trong mùa thu của cuộc đời mình và trên đỉnh cao chói lọi của vinh quang, ông
tự tách mình ra khỏi Fidel Castro và dùng ảnh hưởng của mình để phục vụ cho
những thuyền nhân Cuba. Tất nhiên chẳng có hy vọng gì cho một sự chuyển biến
như thế. Những chuyện như thế chỉ xảy ra trong các tiểu thuyết của García
Márquez mà thôi”. (5)
Lúc này đây tôi chưa muốn đọc tiểu thuyết, tôi muốn đọc về cuộc
đời của dân tộc mình trong những thách đố hết sức nghiệt ngã này. Trên báo chí
chính thống, trên màn hình tivi ngày ngày đập vào mắt triệu triệu con người
đang nhẫn nại sống, đã hối hả và lộ liễu nhồi nhét những liều thuốc an thần
được sao tẩm vội nhằm kịp phát miễn phí. Để gì? Để đám đông cứ tiếp tục im
lặng. Cái đám đông luôn là gạch lát đường cho ý chí của những cá nhân “muốn làm
nên lịch sử”, nên phải làm cho chính những thân phận gạch lát đường ấy lại tự
thấy mình quá nhỏ bé trước những “nhà lãnh đạo” để cúi đầu cam chịu, thậm chí
còn thắp hương cúng vái người ngồi trên đầu trên cổ mình! Và thật là bi kịch
khi không thiếu những người thành kính thật sự trong chuyện “cúng vái” ấy!
Muốn ru ngủ đám đông, phải bằng mọi cách dựng lên thần tượng. Quá
khó để có được thần tượng của thời buổi những “thế phẩm” được chọn ra trong các
giải phảp thỏa hiệp mang tính tình huống của một thể chế toàn trị phản dân chủ
loại bỏ hoàn toàn vai trò của người dân, thì đành phục dựng lại thần tượng vậy.
Để đẩy tới quy trình phục dựng này thì phải khuyến mại hết cỡ cho món hàng bán
rao thần tượng, bất chấp cái hệ quả trực tiếp của sự tô vẽ và tân trang một
cách buông tuồng vội vã để sao kiếm chác được càng nhiều càng tốt từ quy trình
ấy.
Biết quá rõ thân phận của chính mình khi “quyền” và “uy”
không còn chút gì vì đều đã bị băng hoại trong sự tha hóa của quyền lực theo
đúng quy luật “quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng cũng tuyệt đối” mà
chiêu bài chống tham nhũng để thanh
toán đối thủ chính trị trong cuộc chiến quyền lực đang bộc lộ sự bấn loạn hết cỡ, thì
bằng mọi cách gọi dậy những bóng ma của quá khứ từng là thần tượng trong đầu óc
của đám đông để hà hơi tiếp sức cho những hoang
tưởng. Phải chăng chuyện quốc tang cho người từng được tạo dựng là thần
tượng của “tiền đồn phía tây” xa xôi kia là nằm trong sự bấn loạn của
những hoang tưởng chưa chịu là “hồi kết” của một vở kịch
đã kéo quá dài như chính trị gia phương Tây nhận định về Cuba? Đáng buồn thay,
đó lại là vở diễn đang chưa chịu hạ màn ở cái “tiền đồn phía đông” lố
bịch và khốn khổ mà nhà đạo diễn hạng bét vốn chỉ biết tụng niệm Mác - Lê lại
không nhớ được rằng chính Marx từng cảnh báo rằng chớ có “sợ hãi mà cầu viện
đến những linh hồn của quá khứ… để
rồi đội cái lốt đáng kính ấy của người xưa và dùng những lời lẽ vay mượn đó để
trình diễn màn mới của lịch sử”.
Ông đạo diễn hạng bét ơi, “đừng buộc cái bóng ma của nó phải
lang thang một lần nữa” và “phải để cho những người đã chết chôn cất
những người chết của họ, để làm sáng tỏ cho mình cái nội dung của chính mình”
(6) như Marx khuyên. Khi đã tự biết “cái nội dung của chính mình” chỉ là
một mớ tạp nham ruỗng nát phải sống sượng mà triệu hồn những bóng ma trở về cấp
cứu, thì dù tự mình cầu nguyện hay bắt cả nước cầu nguyện cũng chẳng thể cứu
được một cơn đột quỵ.
Lịch sử nghiêm khắc và sòng phẳng lắm.
Ngày 4.12.2016
T. L. _________________
(1) “Counting
Castro’s Victims” http://www.wsj.com/articles/SB113590852154334404
(2) Dưới bóng trưởng
lão. Gabriel García Márkez và những ma quỷ của thời đại ông-2.
Văn Việt 1.tháng12.2016
(3) Hegel. "Các nguyên lý của triết học
pháp quyền”. Hà Nội: Tri Thức, 2010, tr. 562.
(4) Dưới bóng trưởng
lão, bđd.
(5) Dưới bóng trưởng
lão, bđd.
(6) C.Mác và Ph.Angghen, Toàn
tập, tập 8. Hà Nội: Chính trị Quốc gia - Sự Thật, 1993, tr 145, 147, 149.
Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét