( Trích Hồi Ký Tống Văn Công)
Tống Văn Công
Ảnh bìa Hồi ký Tống Văn Công. Nguồn: Người Việt
Books
Tôi gặp nhà văn Hà Minh Tuân ngay sau khi ông bị lâm nạn
năm 1962. Bạn tôi, anh Trần Dũng Tiến nguyên là cảm tử quân Hà Nội năm 1946,
phụ trách công tác Tuyên truyền – Thi đua của Nhà máy gỗ Hà Nội ở Bến Chương
Dương, gần bãi sông Hồng. Tôi đến nhà máy gặp anh Tiến tìm tài liệu viết báo và
nhân đó xin mua gỗ vụn làm củi đun bếp. Anh Tiến cho biết, ông Hà Minh Tuân vừa
bị cách chức giám đốc Nhà xuất bản Văn học, đang lao động cải tạo ở đây. Công
việc của ông là khuân gỗ dưới bến sông Hồng xếp lên xe hai bánh, kéo xe về, xếp
gỗ vào kho nhà máy. Lúc giải lao giữa ca, anh Tiến mời ông vào văn phòng uống
nước, trò chuyện với chúng tôi.
Ông hơn tôi một giáp, hoạt động cách mạng từ năm 1943, tham gia khởi
nghĩa tháng Tám ở Hà Nội, rồi vào bộ đội lên đến chính ủy trung đoàn, sau tiếp
quản Hà Nội được bổ nhiệm làm giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Văn học. Nếu
ông cứ chuyên tâm vào việc “gác cổng chính trị” như các vị giám đốc khác thì
hẳn đã leo lên cấp Vụ, cấp Bộ rồi, hoặc ít nhất cũng được yên vị tới lúc hưởng
lương hưu. Nhưng do có máu mê văn chương, năm 1957 ông viết quyển “Trong lòng
Hà Nội”, năm 1960 ông viết “Giữa hai trận tuyến”. Cả hai tác phẩm đều được đánh
giá đã “đóng góp xuất sắc cho nền văn học xã hội chủ nghĩa”.
Ông hăm hở viết một tác phẩm không né tránh, không bóp méo hiện thực,
từng trang nóng bỏng hơi thở cuộc sống, có tựa đề “Vào đời”, một bài học cho
lớp trẻ trong giai đoạn mới. Quyển sách vừa xuất bản thì lập tức bị “ăn đòn hội
chợ” của các nhà phê bình nhân danh “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Số
bài phê bình tốn giấy mực hàng chục lần quyển sách 200 trang của ông. Ông phải
làm bản tự kiểm điểm sai lầm vì đã viết quyển sách bôi nhọ xã hội tốt đẹp dưới
sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và ngồi nghe cấp trên và cả cấp dưới của mình xỉ
vả, rồi nhận quyết định cách chức, đi lao động cải tạo vô thời hạn. Nhà thơ
Xuân Sách có bốn câu thơ đúc kết cho ông về sự kiện này:
“ Bốn
mươi tuổi mới Vào đời,
Ăn đòn hội chợ tơi bời xác xơ.
Ăn đòn hội chợ tơi bời xác xơ.
Giữa hai trận tuyến ngu ngơ,
Trong lòng Hà Nội, bây giờ là đâu”?
Cho đến nay có nhiều bài viết về chuyện ông bị kỷ luật cách chức, đều
bảo là không rõ sau đó ông làm gì ở đâu. Về tuổi tác, cấp bậc ở bộ đội, ở cơ
quan và học vấn tôi thấy mình ở dưới ông rất xa. Từ khi bắt đầu cầm bút tôi chỉ
chuyên tô hồng, cho nên tôi nghĩ là ông sai, nhất là Đảng đã cho rằng ông sai.
Do đó, anh Trần Dũng Tiến và tôi khuyên ông nên cố gắng lao động cải tạo cho
tốt để được phục hồi công tác. Nhưng ông vác gỗ mãi cho tới ngày Mỹ ném bom Hà
Nội mà cấp trên cũng chẳng đoái hoài tới. Ông bỏ việc, biến mất, không ai biết
“Trong lòng Hà Nội, bây giờ là đâu”? Lúc ấy bạn tôi, anh Trần Dũng Tiến chê
trách Hà Minh Tuân vô Đảng sớm mà sao quá thiếu “đảng tính”! Không ngờ tới cuối
đời, bạn tôi, anh Trần Dũng Tiến cùng các cựu chiến binh Hà Văn Quận, Trần Anh
Kim tích cực góp ý “Đảng phải đổi mới chính trị”, đã bị đòn đau hơn Hà Minh
Tuân: Ngồi tù!
*
Nhiều bài viết về nhà văn Hồ Dzếnh đều nói ông chỉ làm thợ hợp đồng ở Nhà máy
Xe lửa Gia Lâm. Có người nói ông chỉ làm ở Nhà máy Cơ khí Hà Nội. Năm 1968 tôi
đến Nhà máy cơ khí Quang Trung Hà Nội (gần Bệnh viện Bạch Mai) để viết về phong
trào “Mỗi người làm việc bằng hai”. Thư ký công đoàn nhà máy là ông Lâm Thành
Keng (người Việt gốc Hoa Chợ Lớn, sau 30–4–1975 làm Chủ tịch công đoàn quận 5)
giới thiệu với tôi có hai tổ đạt danh hiệu Tổ lao động xã hội chủ nghĩa: Tổ đúc
và tổ hàn. Ông nói thêm, đặc biệt tổ đúc có một nhà văn nổi tiếng trước cách
mạng là Hồ Dzếnh, nay là thợ làm khuôn đúc rất giỏi.
Tôi chọn viết về tổ hàn vì từng thích bài “Thợ hàn lò cao” nổi tiếng
của Chính Yên miêu tả những thợ hàn tài hoa như nghệ sĩ. Tuy vậy, tôi cũng gặp
tổ trưởng tổ đúc và ông Hồ Dzếnh để tìm hiểu về những người thợ làm công việc
nặng nhọc nhất. Nghe tôi nói tiếng Sài Gòn ông Hồ Dzếnh vui vẻ bảo ông từng
sống trong ấy và hiện nay có nhiều người ruột thịt của ông ở trong ấy. Tôi thắc
mắc hỏi ông vì sao một nhà thơ, một nhà văn nổi tiếng như ông đến tuổi “ngũ
thập tri thiên mệnh” lại chọn cho mình cái công việc quá nặng nhọc này. Tôi có
quen biết một vài nhà văn nhà thơ thời tiền chiến ở các cơ quan văn hóa văn
nghệ và nghĩ nếu ông ở đó thì thích hợp và có ích cho đất nước hơn.
Ban đầu ông nói úp úp mở mở, có lẽ vì e dè trước một nhà báo của chế
độ. Dần dần thấy sự chân thành ngô nghê của tôi, ông cởi mở kể cho nghe những
éo le oan khuất của mình không dễ gì được thông cảm. Sau khi Hà Nội nổ súng
chống Pháp, số đông văn nghệ sĩ tản cư đã chuyển dần theo hướng lên Việt Bắc.
Ông lại chạy ngược về Thanh Hóa quê ông, rồi xây dựng gia đình với bà Nguyễn
Thị Huyền Nhân, sinh con được bốn tháng thì bà bị thổ tả qua đời. Cuộc sống quá
khó khăn, con không có sữa, ông buộc phải mang con vào Sài Gòn sống nhờ người
anh ruột có cửa hàng xe đạp ở đường Hiền Vương (nay là đường Võ Thị Sáu).
Năm 1954, Hiệp định Geneve quy định đất nước tạm thời chia làm hai
miền. Đang có cuộc sống yên ổn ở Sài Gòn, nhưng ông lại nhất quyết phải mang
đứa con bốn tuổi ra miền Bắc, bởi ngoài đó mới là chế độ mà ông đã góp phần xây
dựng. Ra Bắc, ông “đi bước nữa” với bà Hồng Nhật ở 26B Phố Huế. Vợ chồng ông ở
cả tầng trệt có thể buôn bán kiếm sống. Sau giải phóng Hà Nội, cán bộ quản lý
nhà đất cho rằng gia đình ông ít người mà chiếm khu nhà quá rộng, họ quyết định
lấy tầng trệt phân phối cho cán bộ từ chiến khu về. Ông đến các cơ quan văn hóa
tìm bạn cũ. Lãnh đạo văn nghệ từ Việt Bắc về coi ông là kẻ đã rời bỏ kháng
chiến “dinh tê” về thành, nhìn ông “đầy cảnh giác”!
Ông Trần Đĩnh kể trong cuốn Đèn Cù: “Đại hội văn nghệ năm 1961,
giờ nghỉ, Tố Hữu tìm tôi lắc đầu chán ngán nói ‘chuẩn bị để Hồng Linh nhận hoa
của Bác thì lại thành Hồ Dzếnh’! Tôi nói, có ai bảo Hồng Linh đâu, với lại, tôi
đùa, cũng là người Hoa cả mà anh. Tố Hữu nghiêm mặt: ‘Hồng Linh kháng chiến, Hồ
Dzếnh trong thành, sao lại ‘cũng’ được? Bác mà biết thì ra làm sao”? (Đèn
Cù, trang 172). Để kiếm sống, ông xin ký hợp đồng với Nhà máy Xe lửa Gia Lâm
làm những công việc nặng nhọc không đòi hỏi tay nghề cao và ít ai muốn làm. Sau
khi tiếp quản nhà máy, cán bộ quan tâm đến lý lịch, họ xếp ông vào diện không
đưa vào biên chế để được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Đến khi Mỹ ném bom miền
Bắc, ông xin làm ở Nhà máy cơ khí Quang Trung để được gần nhà, tiện việc đi lại
và chăm sóc vợ con.
Dù có thấy tiếc cho sự không may của ông, nhưng tôi không nhận thức
được sự “bất cận nhân tình” của chế độ mà ông là nạn nhân. Đứng bên ngoài hệ
thống chính trị, Hồ Dzếnh quan sát miền Bắc xã hội chủ nghĩa một cách tỉnh táo
trong hồi ký “Cuốn sách không tên” (Nhà xuất bản Thanh Văn, Hoa Kỳ). Ông nhận
ra cái sai cốt lõi tác hại lâu dài của nền giáo dục: “Bây giờ quy tất
cả các môn học về chính trị”. Ông cũng là người sớm nhận ra “văn
học nô lệ cho chính trị”, do đó “nhà văn không khác gái điếm. Cô gái
chiều khách hàng, nhà văn chiều thời đại”. Và “Tác phẩm của một cá
nhân tuy được mang tên mình, nhưng phải xen vào công trình của tập thể”.
Ông quan sát tình trạng của đất nước: “Lẽ sống dệt bằng khói lửa, người
ta không biết gì hơn là thủ tiêu nhau để hòng thoát ngõ bí. Trong cuộc xáo trộn
Bắc – Nam, có cái gì còn nguyên giá trị cố hữu đâu. Cái quý nhất là con người
không còn quý nữa nếu nó không là thứ xuất phẩm được rèn đúc theo khuôn khổ của
thời đại”.
*
Ngày 20 tháng 8 năm 1970 báo Nhân Dân đăng 5 bài thơ của Lý Phương Liên: “Ca
bình minh”, “Em mơ có một phiên tòa”, “Lời ru với anh”, “Về người cha đã
khuất”, “Thư gửi người bạn gái Mỹ”. Tác giả là công nhân trẻ ở nhà máy cơ khí.
Báo của Đảng ca ngợi: “Một bông hoa vừa nở đã ngát hương”. Tất cả các báo đua
nhau tìm xin thơ Lý Phương Liên coi như đó là giành đẳng cấp về cho tờ báo. Báo
Lao Động bị chậm chân vì người phụ trách việc này là nhà thơ Thái Giang đang
nghỉ phép. Do đó, tôi được giao nhiệm vụ khó khăn này: Phải xin cho được ít
nhất một bài thơ của Lý Phương Liên cho số báo sắp ra.
Tôi đến nhà Lý Phương Liên gặp lúc chị đang tiếp hai người khách, nhà
thơ Minh Giang phụ trách phòng văn hóa văn nghệ của Nhà xuất bản Quân đội Nhân
dân và nhà thơ Phạm Tiến Duật mới từ chiến trường miền Nam ra. Tôi thuộc bài
thơ “Gửi anh bạn Triều Tiên” của Minh Giang từ năm 1950 đến nay mới được gặp
nhà thơ cho nên rất vui. Với tư cách một đàn anh từng trải, hiểu biết, nhà thơ
Minh Giang nhận xét, hiện nay chúng ta có hai nhiệm vụ chiến lược, giải phóng
miền Nam và xây dựng miền
Bắc. Phạm Tiến Duật là nhà thơ tiêu biểu ở chiến trường giải phóng miền Nam . Lý Phương
Liên là nhà thơ tiêu biểu của hậu phương lớn miền Bắc. Lựa lúc thích hợp, tôi
ngỏ ý xin thơ đăng báo thì Lý Phương Liên cho biết, tập thơ chép tay của chị do
bác Huyền Kiêu và bác Hải Như giữ. Các báo muốn đăng thơ của chị đều phải qua
hai bác ấy. Mừng quá, nhà thơ Hải Như là bạn vong niên của tôi (anh hơn tôi
chín tuổi).
Tôi vội vã cáo từ mọi người để đi xin thơ đăng báo. Báo Lao Động đăng
ba bài thơ của Lý Phương Liên có bài bình luận do tôi chấp bút. Ít lâu sau, báo
Văn Nghệ đăng một trang thơ Lý Phương Liên có bài “Nghĩ về Thúy Kiều”. Dư luận
sôi lên cho rằng cho tới lúc ấy, “Nghĩ về Thúy Kiều” là bài thơ hay nhất của Lý
Phương Liên. Nhiều anh em báo Lao Động chê trách tôi không biết chọn thơ hay đã
để sổng mất bài “Nghĩ về Thúy Kiều”. Nhưng ngay hôm sau có tin “một đồng chí
lãnh đạo (nghe nói là Trường Chinh) cho rằng “Nghĩ về Thúy Kiều” ẩn chứa tư
tưởng phản động! Một cây đa cây đề của làng thơ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ông
Hoàng Trung Thông phê phán “Nghĩ về Thúy Kiều” là: “Rắc rối cầu kỳ trong diễn
tả, yếu đuối sướt mướt trong tình cảm, bi quan tăm tối trong tư tưởng ”. Các
nhà tuyên huấn Đảng cho rằng trong xã hội xã hội chủ nghĩa không thể tồn tại
một thân phận Thúy Kiều:
“… Trái đất chúng mình cho đến hôm nay,
Vẫn còn những cuộc đời như nàng chìm nổi.
Thời gian còn nửa ngày là đêm tối.
Còn đồng tiền đổi trắng thay đen.
Còn sắc tài bạc mệnh với hờn ghen.
Còn những Mã Giám Sinh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến.
Còn những đất đai triền miên chinh chiến…”
Trong giới văn chương, nhiều người không đồng ý với những nhận xét áp
đặt của tuyên huấn, nhưng như giáo sư Trần văn Giàu viết trên báo Văn Nghệ ngày
19-9-1987 về tình trạng phê bình trong chế độ xã hội chủ nghĩa: “Lắm
khi để nhận xét độc đoán không cho phép cãi lại”.
Hơn 40 năm sau, nhiều bạn đọc vẫn nhớ và có lời khuyến khích, Lý Phương
Liên đưa in tập thơ của thời tuổi trẻ, mang tên “Ca Bình Minh”, tên của một
trong năm bài thơ in trên báo Nhân Dân lần đầu tiên. Chị thổ lộ: “Tôi
nín lặng suốt 40 năm nay vì lời nguyền bỏ thơ của chính tôi. Mọi hệ lụy xô đẩy
chúng tôi đến bần hàn, cơ cực, không liên quan đến ai. Tôi không thán oán.
Người chịu nhiều cay đắng vì thơ tôi là chồng tôi.” Bạn đọc dễ dàng
cảm nhận vị đắng cay trong những lời “tôi không thán oán” của chị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét