Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

BIẾN CỐ ĐỒNG TÂM và QUAN HỆ VIỆT NAM-HOA KỲ!

  -Nguyễn Đăng Quang-

      Sự kiện Đồng Tâm ở Mỹ Đức, thành phố Hà Nội (14-22/4/2017) phải được gọi đúng tên và bản chất của nó. Đó không phải là sự cố, mà là một biến cố xã hội! Vâng, nó là biến cố mang tên Đồng Tâm. Rồi đây biến cố này sẽ được ghi vào sử sách nước nhà như một bước ngoặt mang đến sự thay đổi về nội trị của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực: từ thể chế kinh tế, mô hình xã hội, chính trị nội bộ đến luật pháp (chắc chắn Luật Đất đai sẽ phải thay đổi, sẽ phải áp dụng hình thức “đa sở hữu” đất đai trong đó có “sở hữu tư nhân” thay vì duy nhất một hình thức sở hữu là “sở hữu toàn dân” mù mờ và tai hại như hiện thời)! Đồng Tâm là biến cố nội trị của Việt Nam, song nó còn liên quan đến chính sách đối ngoại của Việt Nam nữa!
    Báo chí và dư luận đã bàn luận khá đầy đủ về biến cố này. Năm năm trước (2012), chính quyền cảm thấy hãnh diện vì đã thắng được người dân khi sử dụng “phương thức bạo lực cực đoan” trong các biến cố xã hội, như vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng), vụ Ecopark ở Văn Giang (Hưng Yên) và ngay cả vụ Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội). Nhưng mấy năm gần đây, tình thế đã thay đổi, không còn như xưa nữa! Trong biến cố Đồng Tâm, chính quyền không dám mạo hiểm với “phương thức vũ lực truyền thống” như trước, mà thay vào đấy là “phương thức hòa giải ôn hòa”! Tình hình chính trị nội bộ và bối cảnh xã hội hiện nay ở Việt Nam đang diễn biến khá nhanh và khó lường. Đây chính là yếu tố chủ yếu khiến chính quyền không dám sử dụng “phương thức bạo lực cực đoan” được nữa. Thay vào đó, chính quyền phải tính đến “phương thức hòa giải ôn hòa”! Đây là sự lựa chọn khôn ngoan. Phương thức WIN-WIN, tức các bên cùng thắng, là phương thức tối ưu lúc này, không thể khác! Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế khá phức tạp như hiên thời, tôi cho rằng, việc tháo ngòi nổ Đồng Tâm như vừa qua, ngoài yếu tố nội trị như đã phân tích, tôi thấy thấp thoáng có “yếu tố về Hoa Kỳ” khá đậm nét. Tôi nói “yếu tố về Hoa Kỳ” chứ không phải “yếu tố của Hoa Kỳ”. Nếu nói vậy thì chẳng nhẽ Hoa Kỳ lại can thiệp thô thiển vào công việc nội bộ của Việt Nam ư? Không, tôi không nghĩ như vậy. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh, biến cố Đồng Tâm đã được tháo ngòi, song vấn đề quan trọng hơn là “Bản cam kết 3 điểm” của Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải được thực thi một cách nghiêm túc và phải thật thành tâm, có vậy mới góp sức làm cho quan hệ Việt Nam và Mỹ dịch chuyển suôn xẻ và đúng hướng trên lộ trình vừa mới được thiết lập. Nếu không, chắc chắn nó sẽ có tác dụng ngược và hoàn toàn bất lợi cho phía Việt Nam! Tại sao tôi lại nói vậy? Xin mời quý độc giả xem xét 2 động thái dưới đây:

    1/. Như đã được chính thức loan báo, sáng ngày 20/4/2017 tại Washington, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao thư của Chủ tịch nước Trần Đại Quang mời Tổng thống Donald Trump tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 29 được tổ chức vào tháng 11/2017 ở Đà Nẵng và thăm chính thức Việt Nam. Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster khẳng định Tổng thống Donald Trump sẽ thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Trong buổi gặp trên, phía Mỹ cũng đã chuyển thư của Tổng thống Donald Trump mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Hoa Kỳ. Mọi người có thể cho là chuyện này đâu có liên quan đến Đồng Tâm. Vâng, có thể như thế, và nếu ai nói vậy thì cũng không sai. Người viết bài này sẽ bàn thêm chuyện tế nhị này cùng quý vị ở phần cuối bài viết.
     2/. Động thái tiếp theo là, ngay sau đấy, trong cuộc họp báo chiều 20/4/2017 tại Hà Nội, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về vụ việc đang xảy ra ở Đồng Tâm. Đây là hiện tượng lạ, chưa có tiền lệ từ trước đến nay! Trước khi nói về “hiện tượng lạ” này, tôi xin lưu ý điều sau đây: Trong 8 ngày xảy ra biến cố Đồng Tâm (từ 15 đến 22/4/2017), các Bộ ngành có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến biến cố Đồng Tâm đều án binh bất động, tất cả đều im lặng, không một cơ quan nào lên tiếng về trách nhiệm và sự dính dáng của mình trong biến cố này cả! Đầu tiên là Bộ Quốc phòng, rồi đến Bộ Công an, xong đến Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Thông tin-Truyền thông, v.v… tất cả đều giữ im lặng một cách khó hiểu, cứ như đang ngóng chờ điều gì đó! “Wait and see” mà!
      Điều đó có thể là đây: Đó là lời tuyên bố có tính định hướng của Bộ Ngoại giao chiều ngày 20/4/2017 về tình hình Đồng Tâm, sau khi đã có tin chính thức từ thủ đô Washington D.C! Người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố như sau: “Hiện nay các cơ quan chức năng Thành phố Hà Nội đang giải quyết tình hình theo đúng quy định của pháp luật, và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan”. Nhiều người hiểu tuyên bố này là một tín hiệu không chỉ cho nội bộ mà còn là một thông điệp đối ngoại rất rõ của chính phủ Việt Nam! Tôi thấy nhận định đó là đúng, nhưng xin phép được nói sâu hơn ở phần cuối. Bây giờ tôi xin mở ngoặc nói về mặt đối nội qua phân tích thuật ngữ “bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan”. Các bên liên quan ở đây tức là người dân, là quyền lợi chính đáng của người dân. Điều này phải được xét đến và bảo đảm thực chất, chứ không thể bỏ qua như trước đây. Mấy năm trước, người ta chỉ bảo đảm quyền lợi của chính quyền và nhà đầu tư thôi, chứ họ đâu có nghĩ đến quyền lợi của người dân! Câu tuyên bố trên có thể là pháo hiệu để cấp có thẩm quyền là Chủ tịch Thành phố Hà Nội ngày 22/4/2017 phải đích thân về tận thôn Hoành trực tiếp thương thảo với người dân và giải quyết biến cố Đồng Tâm chỉ trong có vỏn vẹn có 2 tiếng đồng hồ theo phương thức WIN-WIN, tức các bên cùng thắng! Người dân thắng và chính quyền không thua!
     Tôi xin trở lại với những tiến triển trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian hiện nay. Như chúng ta đã biết, Tổng thống Donald Trump đã chuyển thư mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Hoa Kỳ. Tôi nghĩ Thủ tướng Phúc sẽ sớm sang thăm Mỹ, có thể ngay trong tháng 5/2017 này, vì ngay từ đầu năm nay, ông Phúc đã tuyên bố là “sẵn sàng thăm Mỹ”! Tiếp đến, tháng 11/2017, Tổng thống Donald Trump sẽ thăm Việt Nam và dự Hội nghi thượng đỉnh APEC 2017 ở Đà Nẵng. (Ông Donald Trump thăm VN trước khi hay sau khi tham dự Hội nghị APEC, điều này  phụ thuộc chủ yếu vào phía Mỹ, chứ không phải phía VN. Nhưng nếu Tổng thống Mỹ sắp xếp thăm VN trước, rồi sau đó tham dự APEC 29 thì điều này sẽ làm cho nước chủ nhà cảm thấy vinh hạnh và đẹp mặt hơn!). Và theo thông lệ của nghi thức ngoại giao, trong chuyến thăm VN tới, Tổng thống Mỹ sẽ mời Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm chính thức Hoa Kỳ. Tôi chắc ông Trump sẽ mời đích danh ông Trần Đại Quang chứ không mời ông Nguyễn Phú Trọng, cho dù thời điểm đó ông Trọng có thể thành công trong nỗ lực giữ vững được chiếc ghế Tổng Bí thư. Chắc chắn Chủ tịch nước VN sẽ vui vẻ nhận lời mời của Tổng thống Mỹ, và chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch Trần Đại Quang có thể sẽ diễn ra vào khoảng giữa năm 2018. Hẳn chuyến thăm này của Chủ tịch Trần Đại Quang sẽ khác rất nhiều so với chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng với tư cách là Tổng Bí thư ĐCSVN hồi tháng 7/2015 trước đây!
      Tôi cầu mong tiến trình trên được diễn ra đúng như kế hoạch đã định. Nhưng chúng ta thử tưởng tượng xem, nếu vì lý do nào đó, ví như chính phủ Mỹ thấy “các cam kết riêng” hoặc “thỏa thuận miệng” (nếu có) mà bị vi phạm, hay do sức ép nội bộ, chẳng hạn như của nhóm Vietnam Caucus gồm những nghị sỹ Mỹ xừng xỏ hay từ Đạo luật Nhân quyền Magnitsky nổi tiếng mà không ít cá nhân ở Việt Nam e ngại, phía Mỹ buộc phải nói “Sorry, chúng tôi rất tiếc là không thể nghênh tiếp ngài Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Hoa Kỳ như dự kiến được!” hoặc “Chính phủ Hoa Kỳ lấy làm tiếc và thành thực xin lỗi chính phủ VN là Tổng thống Donald Trump không thể đến thăm VN và tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 như dự định trước đây được!”. Đây chỉ là giả định, khó có khả năng xảy ra, song không phải là không thể xảy ra! Trong mối quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ, cả 2 bên đều có lợi ích và cần lẫn nhau, song tôi nghĩ VN cần Hoa Kỳ nhiều hơn là Hoa Kỳ cần VN! Do vậy tôi tin VN sẽ cố gắng không để kịch bản như trên xảy ra. Tôi tin chắc như vậy! Trước luồng dư luận cho rằng “Bản cam kết 3 điểm” mà ông Chung ký với người dân Đồng Tâm là không khả thi và rất dễ bị bội ước, vì ông Chung chỉ là người đứng đầu cơ quan hành pháp của Thủ đô, ông cam kết như vậy là lạm quyền, ông không thể quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của ngành tư pháp được. Nói như vậy không sai, nhưng tôi không nghĩ ông Chung sẽ hành xử như vậy. Cam kết của ông Chung không chỉ là cam kết của cá nhân ông Chung với tư cách là người đứng đầu chính quyền Thành phố Hà Nội, mà còn hơn thế nữa! Việt Nam sẽ không dại gì mà dễ dàng làm mất đi lợi ích đối ngoại rất lớn đang hiển hiện ở ngay trước mắt mình!
     Cách đây 2 ngày tôi có đọc trên mạng một bài báo rất hay của tác giả Hiệu Minh, một chuyên gia hàng đầu về công nghệ thông tin, hiện đang sống và làm việc ở thủ đô Hoa Kỳ (Washington D.C). Bài báo có nhan đề: “Donald Trump tháo ngòi nổ ở…Đồng Tâm?”. Tôi xin mạn phép anh Hiệu Minh được lấy tiêu đề bài báo trên của anh làm lời kết cho bài viết này của tôi. Xin cảm ơn anh Hiệu Minh nhiều.

                                                                                             Hà Nội, ngày 25/4/2017.
                                                                                                            N.Đ.Q.
                                                  
   


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét