Nguyễn Duy Nghĩa
Tác giả gửi tới Dân Luận
Nghe tin Cơ quan quản lý đã thu hồi quyết định
về việc tạm dừng cấp phép phổ biến 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975, tạm yên
lòng. Nói “tạm” vì có lèo thêm sẽ tiếp tục thu thập tư liệu các bài hát
sáng tác trước năm 1975 chưa được phổ biến để thẩm định, cho phép phổ biến (*).
Xem chừng sẽ có bài hát tới đây chịu trận. Những công bộc sau khi bị “kiểm
điểm, nghiêm khắc rút kinh nghiệm” chắc sẽ mài sắc tinh thần, bới lông tìm vết
những bài hát cũ thì không biết việc gì sẽ xảy ra.
Sau năm
1975 là đến năm nào
Những bài hát sáng tác trước năm 1975, tức là
trong những tháng năm Miền Nam bị kìm kẹp bởi bọn cướp nước, bè lũ bán nước,
các nhạc sỹ ở thời đó do không được thấm nhuần đường lối văn hóa cách mạng đang
lưu hành ở Miền Bắc, là đương nhiên. Ca từ, giai điệu của các ca khúc đó không
đùng đoàng như tiếng súng át tiếng bom, chẳng rầm rập khí phách đoàn quân xẻ
dọc Trường Sơn đi cứu nước mà ủy mỵ, sướt mướt, con tim anh, nụ hôn em… Nhưng
có lẽ cũng nhờ vậy mà đã ru ngủ những chiến binh của chế độ Sài Gòn, khiến họ
mềm lòng, mờ mắt, gục ngã trước đội quân bách chiến, bách thắng. Thế thì càng
tốt chứ sao. Nếu cho rằng những bài hát trước 75 ở Miền Nam là không hợp “khẩu
vị” tại sao không bắt bẻ từ những ngày đó cùng với việc đưa những người gọi là
“ngụy quân, ngụy quyền” đi cải tạo. Tính đến việc soi từng bài hát ở Miền Nam
sau 42 năm thống nhất nước nhà, là kỳ thị, trái với tinh thần hòa hợp dân tộc,
xóa bỏ quá khứ, hướng tới tương lai.
Ngay thời nay, khi “Tổ quốc
ta chưa đẹp thế bao giờ”, cả nước đã chan hòa niềm tin tất thắng, thử xem ngoài
những buổi ca múa nhạc theo đặt hàng của Tổ chức thì đâu đó thiếu gì lời ca ướt
át, ủy mỵ, siêu lòng, bờ môi, khóe mắt có khác gì trước 1975 ở Miền Nam, thậm
chí hóa trang, phong cách biểu diễn của các ca sỹ ngày nay uốn éo, hở hang, nhố
nhăng, thác loạn “sáng tạo, tinh anh” hơn thời trước.
Sau các bài hát sẽ đến lượt những gì nữa đây. Và
sau năm 1975 thì khóa thời hạn đến bao giờ còn chưa rõ. Lùi lại về 1954, 1945,
1930, hay thế kỷ XIX thậm chí xa xưa nữa. Cứ cách xăm soi từng câu chữ để tìm
ra nơi thế lực thù địch ẩn nấp thì không chừng có ngày Đại thi hào Nguyễn Du
cũng sẽ bị lục vấn khi dựng lên hình tượng Từ Hải “Dọc ngang nào biết trên đầu
có ai”. Trong gầm trời này, trên đầu luôn có lãnh đạo. Từ cấp nhỏ tới đỉnh cao
chói lọi đều phải có “đầu” để vạch đường vô cùng sáng suốt, chỉ lối duy nhất
đúng dắn, toàn diện, triệt để.
Lẽ nào
lại cuộc bể dâu mới
Dù đã qua hơn 60 năm - những năm 50 của thế kỷ
trước, nhiều người hẳn chưa quên cuộc bể dâu mang tên chống “Nhân Văn Giai
Phẩm” mà bị tội tình đều là những tên tuổi gạo cội trong giới văn hóa nghệ
thuật, tri thức thời ấy. Có người theo kháng chiến 9 năm, cũng có người hân
hoan đón đoàn quân từ “năm cửa ô tiến vào”, lại có người theo lời kêu gọi
thiêng liêng từ bỏ vinh hoa phú quý bên trời Tây trở về hưởng bom đạn, măng
rau, sốt ngàn. Đến ngày hòa bình, do không nhìn thấy ánh sáng chói lòa của mặt
trời cách mạng các vị liền bị quy chụp, không bị tù đày mà chỉ bị cải tạo dạy
dỗ cho “sáng mắt, sáng lòng”. Nhưng rồi các vị cũng được sửa sai khi đã thân
tàn ma dại, có người đã xuống mồ chưa kịp minh oan. Nay đến lượt những bài hát
ở miền Nam trước năm 75 lại bị moi móc để tìm ra nhưng âm mưu chống phá chế độ
đương đại - huy hoàng bậc nhất trong lịch sử nước non này.
Lẽ nào lại một cuộc bể dâu mới với văn nghệ sỹ,
trí thức vì những dấu hiệu phát động đã bắt đầu. Nhiều cây viết bị bắt giam,
khởi tố, tức tuởi mất việc, mất chức, đình bản….chỉ vì có đôi câu, vài bài, một
tiểu thuyết dám phạm húy, liều mạng húc đầu vào thành trì, chung quy là làm lộ
bí mật quốc gia chưa… như thế bao giờ.
Khóa mồm,
bịt tai, che mắt
Sản phẩm văn hóa, nghệ thuật muôn đời là của
nhân dân, sản sinh từ cuộc sống. Đơn đặt hàng không thể đẻ ra những tác phẩm để
đời. Công chúng mới là người phán xét, không thể một nhóm người nhân danh quyền
lực định đoạt số mệnh các tác phẩm văn hóa nghệ thuật. Tác phẩm văn hóa, nghệ
thuật được lòng người thì trường tồn, nhờ bản năng này mà biết bao tác phẩm từ
thời “phong kiến thối nát”, “|thực dân tàn ác”, vượt qua “lưỡi gươm, làn đạn” kiểm
duyệt, lưu truyền đến ngày nay. Tác phẩm văn hóa, nghệ thuật là sản phẩm của
trí tuệ của mỗi người. Muốn triệt từ gốc là phải lọc từng sợi thần kinh để kiểm
định sự trung thành, tính kiên định, trình độ giác ngộ để ai ai cũng trong
sạch, tổ chức nào cũng đều vững mạnh. Khi đó, mọi câu văn, lời hát phải đúng
hành lang, trôi xuôi theo quy trình, cấm lội ngược dòng.
Ra được lệnh cấm dễ ợt. Nhưng cấm được không dễ.
Chỉ tại cái công nghệ mới, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật từ lúc ra lò tới công
chúng ngày nay không cần đến nhà xuất bản trong biên chế, sân khấu cũng như loa
đài chính tắc. Ở bất cứ đâu, bất luận ai, bất kể lúc nào, với đa phương tiện
cũng có thể thưởng ngoạn. Làm sao khóa mồm, bịt tai, che mắt công chúng. Tác
phẩm ở “trong lao”, nhưng hồn cốt của nó mãi ở “ngoài lao”. Vào thời đoạn này,
thì một quyết định dù nhỏ những không hợp thời thế càng đẩy lòng tin đang chao
đảo tới chỗ tan hoang.
Để an toàn từ nay chỉ nên ngâm thơ Tỗ Hữu, đọc
cuốn “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng…”. của Lê Duẩn và hát bài ca “Kết đoàn chúng
ta là sức mạnh…” nhập cảng từ Trung Quốc. Những sản phẩm đã được kiểm chứng qua
80 năm máu lửa.
__________
(*) Theo “Vụ cấm 5 bài hát trước 1975: Cục NTBD:
“Chúng tôi xin nhận trách nhiệm”- trang ANTD.VN ngày 15/4/2917
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét