Thứ Hai, 2 tháng 12, 2019

SỰ RA ĐỜI CỦA CHỮ QUỐC NGỮ VÀ HỌC GIẢ NGUYỄN VĂN VĨNH VỚI VIỆC PHỔ CẬP CHỮ QUỐC NGỮ ĐẦU THẾ KỶ 20


Nhà văn Hoàng Quốc Hải
                                                        Ông Nguyễn Văn Vĩnh
Quốc ngữ có nghĩa là chữ của nước nhà. Chữ ấy phải ghi lại được chính xác tiếng nói của người mình. Nước ta có thuận lợi là toàn dân tộc nói cùng một thứ ngôn ngữ. Các vùng miền có thể có những thổ âm khác nhau, nhưng khi đã ghi âm các âm vị ấy thành chữ đọc lên ai cũng hiểu. Đó là thứ chữ chúng ta đang dùng hiện nay.
Thứ chữ như thế từ cổ đại đến cuối thể kỷ 19, nước ta chưa có. Thuần phải mượn chữ của người Trung Hoa để ghi lại tư tưởng, văn chương và lịch sử của giống nòi. Các học giả xưa cũng cố sáng tạo cho dân mình một loại chữ riêng, gọi là chữ NÔM. Nôm có nghĩa là Nam, ý muốn có nghĩa là chữ của ta. Nhưng chữ ấy lại không theo một quy tắc ngôn ngữ nào để phiên âm, mà tùy thuộc vào các nhà nho tự nghĩ ra để cho thêm vào chữ gốc, mỗi người một kiểu. Nhưng chữ gốc lại là chứ Hán. Vậy muốn đọc được chữ Nôm phải thông thạo chữ Hán. Thành thử ta phải học quốc ngữ bằng ngoại ngữ. Đó là một thứ đại bất tiện. Hơn nữa đọc các sách Hán cổ phải nhập tâm ít nhất 5000-7000 từ và phải học sà sã ít nhất từ 5 năm đến 7 năm, nếu không nói là 10 năm như lối dạy ngày xưa.
NGUỒN GỐC CHỮ QUỐC NGỮ
Tôi cam đoan nếu các thầy giáo trong hệ thống trường phổ thông ở nước ta đặt câu hỏi trước các em học sinh: “Chữ quốc ngữ ta đang học có từ bao giờ, và lịch sử ra đời của nó như thế nào”. Chắc chắn trong số 10 em được hỏi thì hơn 9 em không trả lời được. Và nếu như các em đặt lại câu hỏi ấy với thầy cô, chắc chắn sẽ đưa phần lớn các thầy cô vào ngõ cụt.

Thật ra, đấy là công trình của các giáo sĩ người Bồ Đào Nha và người Pháp được chuẩn bị từ đầu thế kỷ 17. Họ nghiên cứu ghi âm tiếng nói của dân bản địa bằng các âm vị La - tinh. Nếu thành công họ sẽ vượt qua các rào cản ngôn ngữ để việc truyền giáo được thuận lợi. Được biết, các giáo sỹ Dòng Tên[1] này không chỉ nghiên cứu và tạo chữ cho người Việt Nam mà họ còn làm cả ở Trung Hoa, Nhật Bản, Cao Ly… nhưng duy nhất chỉ ở Việt Nam là thành công hoàn hảo.
Thời gian đầu các giáo sỹ phương Tây vào truyền giáo tại hai xứ Đàng trong và Đàng ngoài ở nước ta đều không bị cản trở. Đặc biệt xứ Đàng trong các Chúa Nguyễn còn tạo điều kiện giúp các thừa sai của Chúa có chỗ ăn, ở và giảng đạo.
Theo giáo sĩ Cristophoro Borri thì “Chúa Đằng trong không đóng cửa trước một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc” (1).
Chúa Sãi nguyễn Phúc nguyên (1613 - 1635) đã cho phép các giáo sĩ đến Hội An, đến Thanh Chiêm (nay thuộc Quảng Nam - Đà Nẵng) đến Nước Mặn (nay thuộc Bình Định) là những trung tâm thương mại sầm uất để giảng đạo và buôn bán.
Đặc biệt hơn, quan trấn thủ Quy Nhơn lại che chở, bao bọc cho các nhà truyền giáo như làm nhà ở cho các giáo sĩ, cấp lương thực, tiền bạc và dựng cả nhà thờ làm cơ sở giảng đạo. Chính tại các nơi như Hội An, Thanh Chiêm, Nước Mặn… các giáo sĩ như Francisco de Pina, Cristophoro Borri, Gaspard Amiral, Antonio de Barbosa, Antonio de Fontes, Gaspar Luis… và sau này là cha Alexandre de Rhodes là những người đầu tiên nghiên cứu tiếng Việt và đặt cơ sở cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ.
Dấu mốc quan trọng phải kể đến cuốn “Từ điển Annam - La tinh - Bồ Đào Nha của cố Alexandre de Rhodes được công bố năm 1651. Trong lời tựa cố Alexandre de Rhodes có nói dùng tài liệu ở cuốn “Tự vị Annam Bồ Đào Nha” của cố Gaspard Amiral và cuốn “Tự vị Bồ Đào Nha – Annam” của cố Antonio de Barbosa”.[2]
Vậy có thể hiểu, chữ quốc ngữ ta dùng ngày nay là do nhiều giáo sĩ phương Tây nghiên cứu và người hoàn thiện cuối cùng là cha Alexandre de Rhodes. Họ là các thừa sai của Chúa, nghiên cứu thứ chữ cho người bản địa là nhằm mục đích tiếp cận được với người dân bản xứ để truyền đi thông điệp của Chúa. Mục đích của họ là phát triển Đạo Kitô chứ không phải vì mục đích ngôn ngữ học. Ta nên nhớ một chi tiết này để làm rõ các vấn đề lịch sử. Cha Alexandre de Rhodes sinh ngày 15 tháng 3 năm 1591 tại thành phố Avignon nước Pháp và mất ngày mùng 5 tháng 11 năm 1660 tại Isfahan, Ba Tư (Iran ngày nay).
Và thực dân Pháp đặt ách thống trị lên toàn cõi Việt Nam năm 1884. Điều đó có nghĩa là cha Alexandre de Rhodes mất sau 224 năm Pháp mới đặt nền cai trị ở xứ này.
Rõ ràng cha Alexandre de Rhodes không có liên can đến vụ giả danh truyền đạo để dẫn đường cho quân xâm lược Pháp vào Việt Nam. Do đó chúng ta phải nghĩ đến việc tri ân các giáo sĩ này thay vì công kích họ một cách mù mờ.
Chữ Quốc ngữ ngày nay cùng với sự phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, đủ sức diễn giải mọi loại hình khoa học ở mọi cấp bậc học và công cụ giao tế với biết bao tiện ích vì nó nằm trong hệ ngữ La - tinh. Nó là một thứ ngôn ngữ mạnh, nếu các nhà ngôn ngữ học Việt Nam hoàn thiện được bộ ngữ pháp tiếng Việt, chắc chẳng bao lâu nữa tiếng Việt sẽ có chỗ đứng sáng giá hơn.
HỌC GIẢ NGUYỄN VĂN VĨNH
VỚI SỰ NGHIỆP TRUYỀN BÁ CHỮ QUỐC NGỮ
Học giả Nguyễn Văn Vĩnh là người có thiên tư đặc biệt. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo tại số nhà số 46 phố Hàng Giấy Hà Nội vào ngày 15 tháng 6 năm 1882, nguyên quán làng Phượng Vũ, thuộc phủ Thường Tín tỉnh Hà Đông. Do nhà đông con có tới bảy anh chị em, ông lại là con cả. Tám tuổi đã phải đi kéo quạt thuê cho trường thông ngôn của Pháp mở tại đình làng Yên Phụ. Phương pháp dạy chủ yếu là truyền khẩu do một người Pháp thạo tiếng Việt là Andre d’ Argence. Trường có dạy cả chữ cái La - tinh để học viên tập đọc và viết chữ Pháp. Lại dạy cả chữ quốc ngữ. Quốc ngữ thời đó chỉ được dùng trong giáo hội. Học sinh là những người lớn tuổi, có người có chân tú tài, cử nhân khoa học.
Nguyễn Văn Vĩnh kéo quạt ngồi ở cuối lớp chú ý lắng nghe nên ông cũng nói và đọc viết được tiếng Pháp. Hiệu trưởng Andre d’Argence thấy đứa trẻ thông minh nên nhận cho thi tốt nghiệp khi mãn khóa vào lớp thông ngôn ngạch Tòa công sứ. Trong số 40 thí sinh, Nguyễn Văn Vĩnh đỗ thứ 12, năm đó ông mới 10 tuổi. Thầy Andre d’ Argence quý mến nên xin cho học bổng và đặc cách cho vào học lớp tiếp theo, kết thúc khóa học này Nguyễn Văn Vĩnh đỗ thủ khoa năm 14 tuổi, được bổ dụng làm thông ngôn cho Tòa sứ tỉnh Lào Cai.
Tới Lào Cai đúng lúc đoàn chuyên gia kỹ thuật Pháp sang khảo sát lập tuyến đường sắt Hải Phòng - Lào Cai - Côn Minh, Tòa sứ cử ông giúp việc thông ngôn. Khi đoàn chuyên gia về Hải Phòng, ông Vĩnh lại được cử về Tòa đốc lý Hải Phòng, tại đó có các tầu buôn nước ngoài như Anh, Trung Hoa, ông Vĩnh thường xuyên phải giao dịch với họ không chỉ bằng ngôn ngữ mà bằng cả chữ viết.
Do trí thông minh đặc biệt, ý chí cầu tiến lớn lao và sức làm việc bền bỉ phi thường, nên ông làm việc với bất cứ ai đều được họ yêu mến và kính trọng. Nếu tham phú quý, Nguyễn Văn Vĩnh cứ theo ngạch công chức, cộng tác với chính quyền bảo hộ, chắc ông còn tiến xa. Nhưng vài năm sau ông bỏ nghề công chức quay sang làm báo.
Năm 25 tuổi (1907) ông làm chủ bút tờ Đăng cổ Tùng báo, là tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Bắc Kỳ. Ngay số đầu ông đã cổ vũ cho việc học chữ quốc ngữ. “Nước nam ta xưa nay vốn có tiếng nói, mà tiếng Annam lại hay được một điều là cả nước có một thứ tiếng, trừ những người Mán ở rừng rú không kể”.
Nhưng vốn chỉ có tiếng nói, không có chữ viết, rồi mới lấy chữ Tầu ra ghép thành một lối riêng, gọi là chữ Nôm. Chữ Nôm tuy viết quấy quá cũng thành ra dạng chữ nhưng không có mẹo mực gì, ai muốn viết thế nào thì viết, thường thì cao đoán mới đọc được thông.
… Thôi cũng may! Bây giờ nhờ có người phương Tây đến, bày ra chứ quốc ngữ, chắp vần theo như chữ các nước phương Tây, có mẹo mực, ba là ba, bốn là bốn, không thể sai được mà học dễ biết là bao! Sáng ý thì chỉ vài ngày, ngu đần thì trong một tháng cũng phải thông.
Chữ Nho hay cũng nên học, nhưng trước hết phải thông chữ nhà. Còn chữ người học thêm cho rộng, như thể người Châu Âu, học phụ thêm chữ Hy Lạp, chữ Latinh.
Ông nào có tài, làm sách, làm truyện bây giờ nên làm bằng chữ quốc ngữ. Cứ nhiều sách hay tất tiếng nôm ta cũng hóa ra hay.
Ngẫm mà xem! Thơ phú đời sau dùng điển Thúy Kiều, Nhị Độ Mai hay là điển trong các sách hay khác sắp làm ra, kém chi sâu sắc bằng điển lấy trong Tứ thư, Ngũ kinh (Đại Nam Đăng cổ tùng báo số 793 trang 8)[3].
Từ năm 1907 đến năm 1930, trong 30 năm ấy Nguyễn Văn Vĩnh đã làm chủ bút tới 7 tờ báo. Trong đó có tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở nước ta là tờ “Đăng cổ tùng báo” xuất bản năm 1907, tiền thân của nó là tờ công báo của chính quyền thuộc địa in bằng chữ Hán.
Tờ tạp chí đầu tiên in thuần tiếng Việt là tờ Đông Dương tạp chí ra đời năm 1913 do ông Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút.
Tờ tạp chí này quy tụ hầu hết các nhân sĩ nổi tiếng thời đó như Nguyễn Đỗ Mục, Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Tố, Dương Quảng Hàm, Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Ngọc Phách, Doãn Kế Thiện, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh…
Nguyễn Văn Vĩnh cũng là chủ bút tờ nhật báo (báo hàng ngày) ở nước ta là tờ Trung Bắc tân văn xuất bản năm 1919.
Ngoài ra ông còn làm chủ bút ba tờ tiếng Pháp: Notre journal (Báo của chúng ta) xuất bản năm 1908. Tờ Notre Revue (Tạp chí của chúng ta) xuất bản năm 1909. Tờ L’ Annam nouveau (Nước nam mới) xuất bản năm 1932. Thêm nữa, ông còn làm cố vấn cho tờ Lục tỉnh tân văn (1909).
Trong 30 năm viết báo, tổng số các bài trong tất cả các chuyên mục, vị học giả này đã viết gần một vạn bài gồm cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Nội dung các báo, tạp chí do Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương thể hiện cái gì?
Việc đầu tiên, là cổ vũ cho toàn dân học chữ quốc ngữ. Và bất kỳ số báo nào cũng có một bài hướng dẫn cách học chữ quốc ngữ. Ngoài ra là bàn về văn hóa, phong tục tập quán và lịch sử dân tộc. Đặc biệt là lĩnh vực phong hóa, Nguyễn Văn Vĩnh hết sức quan tâm. Ông chú ý đến việc giáo dục gia đình, đến truyền thống dân tộc, cả ăn mặc và giao tiếp vv… thể hiện trên mục “Nhời đàn bà”.
Tuy nhiên ông chú ý đến việc duy trì phong tục tốt đẹp, loại bỏ thói tục lạc hậu. Ông còn dịch và đưa cái hay, cái đẹp của văn hóa phương Tây nhằm cổ vũ cho tư tưởng dân chủ, tiến bộ và cách tân đổi mới.
Ông đứng tên và xin lập ra các hội như:
- Hội Đông Kinh nghĩa thục, trong đó Hội có mở trường riêng, có chương trình giảng dạy riêng, học cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, Nguyễn Văn Vĩnh dành thời gian đến dạy hai môn này.
- Hội Trí Tri cũng có chương trình truyền bá chữ quốc ngữ do Nguyễn Văn Tố làm chủ tịch, Nguyễn Văn Vĩnh đến Hội diễn thuyết và giảng dạy.
- Hội dịnh sách.
- Hội giúp đỡ người Việt du học qua Pháp. Từ năm 1907 trên tất cả các ấn phẩm từ báo chí đến xuất bản thuộc quyền của Nguyễn Văn Vĩnh ông cho ghi dòng chữ: “NƯỚC NAM TA MAI SAU NÀY HAY HAY DỞ CŨNG Ở NHƯ CHỮ QUỐC NGỮ”. Nguyễn Văn Vĩnh cũng có cả nhà in để in báo, ông thường in sách hướng dẫn cho các thầy đồ nho học và dạy chữ quốc ngữ, sách hướng dẫn cho người tự học chữ quốc ngữ.
Loại sách này ông cho người đi phân phát không lấy tiền. Do sự cổ vũ mọi người học chữ quốc ngữ và cũng do sức ép của xã hội đòi bỏ học chữ nho và thi cử theo kiểu nho học, mặt khác chính quyền thực dân cũng muốn chấm dứt sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa nên năm 1915 cho bỏ thi chữ Hán ở Bắc Kỳ và năm 1917 bỏ thi chữ Hán ở Trung Kỳ là chấm dứt hoàn toàn việc thi cử cổ xưa trói chặt giới sĩ phu với chữ nghĩa và văn hóa Trung Hoa.
Tiến lên một bước nữa ngày 18 tháng 9 năm 1924, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định cho phép dạy chữ quốc ngữ 3 năm đầu ở cấp tiểu học 6 năm[4].
Nhân cơ hội, ông Vĩnh viết luôn một bài “Chữ nho nên để hay nên bỏ” đăng trên Đông Dương tạp chí số 31. Sau khi nghị luận về việc nên bãi bỏ cái học chữ nho phiền toái, mất thì giờ, ông khẳng định dứt khoát “Trẻ con xin nhất quyết đừng cho học chữ nho nữa, mà các tràng (trường) Pháp - Việt cũng xin bỏ lối dạy chữ nho đi”.
Từ đây chữ quốc ngữ chiếm địa vị chính thống trong mọi phương diện, thay thế hoàn toàn chữ Hán. Công ấy thuộc về giới sĩ phu cả nước, nhưng công đầu thuộc về giới sĩ phu Bắc Hà mà lão tướng tiên phong chính là học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
Bên cạnh việc làm báo để trau chuốt tiếng Việt, học giả Nguyễn Văn Vĩnh còn lập ra Hội dịch sách. Ông dịch truyện Kim Vân Kiều của Nguyễn Du từ bản Nôm ra bản quốc ngữ từ năm 1913, lại dịch từ quốc ngữ sang tiếng Pháp, mãi năm 1942 tức là 6 năm sau khi ông qua đời, nhà xuất bản Alexandre de Rhodes tại Pháp mới in xong.
Nguyễn Văn Vĩnh có chọn lọc dịch một ít sách tiêu biểu của Trung Hoa, còn phần lớn các sách dịch ông chú trọng vào khu vực Âu tây. Lúc đầu là tư tưởng triết học của Pascal, Descarte, sau ông chuyển dần sang văn chương với những tác giả và tác phẩm nổi tiếng như thơ ngụ ngôn của La Fontaine. Truyện trẻ con của Pesrault. Mai - Nương Lệ - Cốt (Manon Lescaut) của Abbe’ Pre’vost. Ba người ngự lâm pháo thủ của Alexandre Dumas (père). Những người khốn khổ của Victor Hugo. Miếng da lừa của Honore’ de Balzac vv…
Nguyễn Văn Vĩnh không chỉ là người tiên phong tạo ra các thể loại báo chí, mà trên phương diện dịch thuật ông cũng xứng bậc thầy. Đọc văn dịch của ông, ta có cảm giác ông đã Việt hóa nó tối đa nhưng không hề làm mất cái hồn của nguyên tác, đôi khi nó sát nghĩa đến kỳ lạ.
Công việc lúc nào cũng ngập đầu mà ông trau chuốt bản dịch rất công phu. Ví như trong tập thơ ngụ ngôn của La Fontaine, trong đó có bài “Con ve và con kiến” từ năm 1907 ông đã dịch và đã in báo dưới thể thơ lục bát. Nhưng năm 1914 ông dịch lại với thể 5 chữ. Bản dịch này hay tới mức không thể hay hơn và làm nản lòng ai muốn dịch lại ngụ ngôn của Jean de La Fontaine.
Những đóng góp của học giả Nguyễn Văn Vĩnh cho việc hoàn thiện chữ quốc ngữ đã làm cơ sở vững chắc cho thơ mới và cho nền văn xuôi Việt Nam xuất hiện vào những năm 1930 - 1940 của thế kỷ 20.
Trong lĩnh vực chữ quốc ngữ và nền văn hóa Việt Nam cũng như nhân cách của ông trước chính quyền thuộc địa, có nhẽ ta nên xem sự đánh giá của các bậc tiền bối qua hồi ký của nhà văn quá cố Vũ Bằng “ Tôi nhớ lại lúc ông Vĩnh sắp lên đường để tìm vàng, công nợ ngập đầu, mà cứ cố sống cố chết bám vào tờ “ Trung Bắc”, “Học Báo” và Annam Nouveau” để viết.
Toàn quyền Pierre Paskier, một hôm gặp Nguyễn Bá Trác (lúc ấy vừa ở Nhật về) hỏi theo ý Trác thì các nhà cách mạng Việt Nam nào nguy hiểm nhất. Trác trả lời “Nguyễn Văn Vĩnh”.
Toàn quyền Paskier nhờ Sở mật thám điều tra xem ông Vĩnh còn nợ ngân hàng và tư nhân chừng bao nhiêu tiền. Số nợ ấy so với lúc đó thật lớn: từ 60 đến 80.000đ, toàn quyền Paskier nhờ một người thân tín với ông Vĩnh, nói với ông ta rằng: “ Nếu ông Vĩnh bằng lòng thôi không công kích vua Bảo Đại và bút chiến với Phạm Quỳnh, gấp đôi số nợ ấy cũng sẽ được trang trải êm ấm mà không phải bận tâm gì hết”[5].
Nguyễn Văn Vĩnh thà chấp nhận phá sản hoặc ngồi tù chứ ông không thể thôi không công kích vị hoàng đế đại diện cho một quốc gia mà như một con bù nhìn về mặt chính trị và lại chỉ chú trọng đến việc ăn chơi, nhất là săn bắn. Còn ông Phạm Quỳnh lại vận động cho một chế độ quân chủ lập hiến, cũng là thứ bù nhìn nốt, nên rất vừa lòng chính quyền bảo hộ. Trong khi Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương khai dân trí, chấn dân khí nhằm thúc đẩy lòng yêu nước của toàn dân tộc tiến tới thành lập một chế độ cộng hòa, trong đó tự do dân chủ là quyền tối thượng của con người.
Vì vậy, ông Vĩnh từ chối sự ưu ái có điều kiện của chính quyền bảo hộ, cũng như trước đây ông đã hai lần từ chối không nhận huân chương Bắc đẩu bội tinh do chính phủ Pháp trao tặng.
Thật không may ông đã lâm bệnh và qua đời trên con thuyền độc mộc trên dòng sông Se’pol của nước bạn Lào ngày 02 tháng 6 năm 1936, tay còn cầm cây bút viết với cuốn sổ và bài bút ký dở dang “Một tháng với những người tìm vàng”.
Nguyễn Văn Vĩnh ra đi, nhưng sự nghiệp của ông còn rạng rỡ tới muôn sau.
Tuy nhiên, nếu ta biết chữ quốc ngữ từ khi mới hình thành do các giáo sĩ phương Tây nhen nhóm đến sự hoàn thiện trong tiếng Việt ngày nay thì sự khai phá của các bậc tiền bối nhọc nhằn và sáng tạo biết chừng nào. Ta hãy xem một số từ mà các giáo sĩ đã bước đầu hoàn thiện. Ví dụ:
- Nuoecman - Nuocmon - Nuocman = Nước mặn; Cacciam = Kẻ Chàm; doig = đói; scin mocaij = xin một cái; sayc chiu = sách chữ; omgne = ông nghè; Quignin = Quy Nhơn; onsaij = ông sãi; onsaij di lay = ông sãi đi lại; da an nua, da an het= đã ăn nữa, đã ăn hết.
Đây là từ và câu đơn giản, đến câu phức hợp: Con gnoo muon fau thom laom Hoalaom chiam? = Con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa Lang chăng? Hoa Lang là danh từ chỉ đạo của người Châu âu. Đây là những tiếng Việt đầu tiên ghi bằng quốc ngữ của các giáo sĩ Francesco Bujomi, Antonio de Fontes, Cristophoro Borri, Gaspard Amiral, Francisco de Pina, Antonio Barbora vv… Ta nên nhớ cho đến năm 1651 cha Alexandre de Rhodes còn viết: ông sãi= onsaij.
Đi đầu trong việc truyền bá chữ quốc ngữ phải kể đến hai học giả Nam Bộ là cụ Trương Vĩnh Ký và cụ Huỳnh Tịnh Của.
Huỳnh Tịnh Của đã từng có bản điều trần lên vua Tự Đức xin dùng chữ quốc ngữ thay thế chữ Hán, và cho xuất bản báo chí quốc ngữ để giáo dục quần chúng, nhưng vua Tự Đức không chấp nhận. Ông có chừng 17 tác phẩm thuần sáng tác bằng chữ quốc ngữ, mặc dù Hán ngữ và Pháp ngữ ông rất uyên bác. Và thời đó chữ quốc ngữ chưa có vị trí trong xã hội.
Về phía cụ Pe’trus Ký, vị học giả này khi được chính quyền Nam Kỳ cho quản nhiệm tờ Gia Định năm 1865 vốn là tờ công báo, ông đã chuyển nội dung của nó sang việc: Cổ động cho lối học mới. Phát triển chữ quốc ngữ và khuyến khích dân chúng học chữ quốc ngữ. Ông chủ trương viết như nói để mọi người dễ hiểu.
Pe’trus Ký là bậc kỳ tài của nước nhà. Hiện đã công bố 118 tác phẩm viết bằng quốc ngữ và Pháp ngữ, đó là chưa kể nhiều tác phẩm chưa công bố.
Nhận xét về Pe’trus Ký, học giả Nguyễn Văn Tố từng làm chuyên gia tại Viễn Đông bác cổ học viện viết như sau: “Khi lướt qua danh mục những tác phẩm của Pe’trus Ký, những tác phẩm này khiến người ta phải ngạc nhiên, và gần như khiếp đảm bởi số lượng và tính đa dạng của nó”.
Một học giải người Pháp cuối thế kỷ 19, ông Jean Bouchot nhận xét về Trương Vĩnh Ký: “là một nhà bác học duy nhất ở Đông Dương với cả nước Trung Hoa hiện đại, người dân hoàn toàn Nam Kỳ ấy sánh kịp với các nhà thông thái xứng đáng nhất của Âu châu trong đủ ngành khoa học”.
Năm 1862, nhà văn Pháp, ông Emile Lithr’e từng viết: “trên trái đất này khó tìm người thứ hai say mê ngôn ngữ như ông Trương Vĩnh Ký. Gặp người Anh Trương Vĩnh Ký nói tiếng Anh nhuần nhị như người Luân - đôn. Tiếp xúc với người Ý- đại – lợi (Italy) người Y - pha - nho (Espagne) người Bồ - đào - nha (Portugal)… hay người Nhựt - bổn, Malaysia, Xiêm… Trương Vĩnh Ký đều nói đúng theo âm luật của kinh đô nước đó… sự hiểu biết tới 26 ngoại ngữ của Pe’trus Ký đủ để loài người tôn vinh anh như một nhà bác ngữ học vào bậc nhất của thời nay”.
Năm 1874 trương Vĩnh Ký đã được thế giới bình chọn là “nhà bác học về ngôn ngữ” nằm trong danh sách 18 nhà bác học thế giới của thế kỷ 19, được ghi tên vào danh sách danh nhân thế giới trong từ điển Larousse.
Các học giả miền Nam đi đầu trong việc hoàn thiện và phổ cập chữ quốc ngữ, tuy nhiên các cụ không dấy lên được thành phong trào, thành một cuộc cách mạng chữ viết như các học giả ngoài Bắc sau này.
Là lớp con cháu, chúng ta biết ơn tất cả các bậc tiền bối đã đem lại cho cả dân tộc một thứ văn tự phù hợp với ngôn ngữ tiếng Việt với các ưu điểm: Dễ học. Dễ phổ cập. Nghĩ thế nào viết ra được thế. Đọc nghe, mọi người đều hiểu. Nó khác xa với thứ chữ đi mượn trước kia, nếu có ai đọc thông viết thạo, nhưng khi đọc lên, ngoài một số họ hiểu với nhau dân chúng thảy đều ngơ ngác như vịt nghe sấm . Công lao hoàn thiện và trở thành một trào lưu, trở thành một ngôn ngữ chính thống ngay khi còn bị chính quyền thực dân cai trị, có lẽ ta nên tôn vinh cụ Nguyễn Văn Vĩnh giữ công đầu.
Chẳng thế mà khi cụ Vĩnh tạ thế hàng loạt các câu đối của các bậc chí sĩ phúng viếng từ Phan Bội Châu, Á nam Trần Tuấn Khải, Doãn Kế Thiện vv… cụ Hoàng Ngọc Phách có câu đối viếng :
- Phái bình dân sau đó là ai? Danh làm chi mà lợi nữa làm chi? Bể rộng sông dài, ngọn bút vẫy vùng tay chí sĩ.
- Đường giúp nước mỗi người riêng một ngả, thời khó nhỉ mà tài khó nhỉ! Chuông khua trống gióng đèn văn nhớ tiếc tướng tiên phong.
Cụ Lê Thước thì ngậm ngùi:
- Đồng bào hai mươi triệu thơ ngây, chỉ lối đưa đường nào mấy kẻ?
- Tổ quốc bốn nghìn năm cũ kỹ, tô son điểm phấn biết rằng ai?
Còn tuần báo Đông Tây lại gợi lên khí phách sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Vĩnh:
- Chẳng quan mà quý, chẳng phú mà hào, giữa trời Nam gió thổi tung mây, gan óc dễ đâu vùi chín suối.
- Có lưỡi như cồng, có bút như thép, trong làng báo mở cờ khua trống văn chương âu cũng đủ nghìn thu.
Muôn năm cùng với CHỮ QUỐC NGỮ các cụ sống mãi trong lòng chúng ta!
Xóm vắng Pháo Đài Láng
Ngày 3 tháng chạp năm Bính thân. (02.01.2017)
____________________
Chú thích:
[1] Dòng Tên là dòng đạo lấy tên theo tên Chúa Jesu.
[2] Xứ Đàng trong năm 1621 NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh trang 92.
[3] Sau khi hết hạn hợp đồng với chính quyền Đông Dương, tờ Đại Nam đồng văn nhật báo trở thành báo tư nhân với tên gọi mới là Đăng cổ tùng báo, song vẫn tiếp tục lấy số thứ tự theo tờ Đại Nam đồng văn nhật báo (số đầu tiên là số 793). Đại Nam đồng văn nhật báo in bằng chữ Hán, số đầu tiên ra ngày 30/8/1891, vốn là tờ công báo của chính quyền thuộc địa.
[4] Tiểu học từ năm 1924 gồm 6 lớp: Cours enfantin, Cours pre’pa-ratoire, Cours e’le’mantaire. Ba lớp này học xen kẽ tiếng Việt và tiếng Pháp, giờ Pháp văn tăng dần. Tiếp 3 lớp cuối: Cours Mogen I, Cours Mogen II, Cours supe’rieur, 3 lớp này các môn học đều bằng tiếng Pháp, mỗi tuần có 2g làm văn bằng tiếng Việt.
[5] Trang 258 trong cuốn “ 40 năm nói láo” NXB Hồng Đức 2013.
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, cận cảnh và văn bản



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét