Thứ Tư, 10 tháng 2, 2021

GS TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia, đạo văn?

 

Viet-studies

8-5-2018

Thử so sánh vài bài của GS TS Nguyễn Xuân Thắng (Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) và vài bài của các tác giả khác đã viết trước

So sánh “V.I Lê-nin với sự vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện lịch sử cụ thể của nước Nga” (Nhân Dân 23-4-2018) của GS TS Nguyễn Xuân Thắng với “Chính sách kinh tế mới của V.I Lê-nin – một cơ sở quan trọng của đổi mới ở Việt Nam” (Tạp Chí Cộng Sản 21-4-2015) của PGS TS Nguyễn An Ninh

1- Nguyễn Xuân ThắngĐể huy động các nguồn lực cho những nhu cầu cấp thiết, các biện pháp mệnh lệnh hành chính thiên về việc sử dụng quyền lực nhà nước đã được ban bố và thực hiện. Mục đích là để trưng thu, tịch thu lương thực, thực phẩm và các tư liệu sản xuất nhằm phục vụ cho nhu cầu quốc phòng và dân sinh.

Nguyễn An Ninh: Để huy động các nguồn lực cho những nhu cầu cấp thiết, các biện pháp mệnh lệnh hành chính thiên về việc sử dụng quyền lực nhà nước để trưng thu lương thực, thực phẩm và các tư liệu sản xuất, kiểm soát việc sản xuất và phân phối sản phẩm nhằm phục vụ cho nhu cầu quốc phòng và dân sinh… đã được ban bố và thực hiện.

2- Nguyễn Xuân ThắngNhiều nguồn lực cho nhu cầu quốc phòng và dân sinh cấp thiết đã được huy động, qua đó giúp củng cố và phát triển sức mạnh của chính quyền Xô-viết. Song mặt khác, nhiều hạn chế, bất cập cũng đã bộc lộ: phương pháp mệnh lệnh hành chính, ý chí chủ quan muốn xây dựng ngay CNXH đã không được thực tế chấp nhận.

Nguyễn An Ninh: Nhiều nguồn lực cho nhu cầu quốc phòng và dân sinh cấp thiết đã được huy động, qua đó giúp củng cố và phát triển sức mạnh của chính quyền Xô-viết. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, phương pháp mệnh lệnh hành chính đã bộc lộ bất cập trong hoàn cảnh cụ thể của nước Nga đương thời.

3- Nguyễn Xuân Thắng: Tháng 3 năm 1921, Đại hội lần thứ X Đảng Cộng sản Nga, do V.I. Lê-nin lãnh đạo đã chuyển từ “Chính sách cộng sản thời chiến” sang “Chính sách kinh tế mới” viết tắt là NEP… Cần hiểu rằng NEP không chỉ là một chính sách mới để quản lý vĩ mô về kinh tế mà còn là một cải cách có tính tổng thể về mô hình chủ nghĩa xã hội, gồm nhiều nội dung.

Nguyễn An Ninh: Từ mùa xuân năm 1921, V.I. Lê-nin đã khởi xướng cuộc cải cách đầu tiên về mô hình và biện pháp xây dựng CNXH thông qua NEP. Cần hiểu rằng, NEP không chỉ là một chính sách quản lý vĩ mô về kinh tế, mà là một cải cách có tính tổng thể về CNXH, gồm nhiều nội dung.

4- Nguyễn Xuân Thắng: Những bất hợp lý của Chính sách “cộng sản thời chiến” bị bãi bỏ, chế độ “trưng thu lương thực thừa” được thay bằng thuế lương thực với tư cách là khâu đầu tiên, là “liệu pháp cấp tốc, cương quyết nhất, cấp thiết nhất” để phát triển lực lượng sản xuất nông nghiệp. Thực hiện chế độ thuế, tự do buôn bán, trao đổi hàng hóa, sử dụng quan hệ hàng – tiền trong xây dựng CNXH là “đòn xeo” chủ yếu để phát triển kinh tế, là hình thức cơ bản của các mối liên hệ kinh tế giữa công nghiệp với nền nông nghiệp hàng hóa, giữa thành thị với nông thôn.

Nguyễn An Ninh: Một là, những bất hợp lý của “Chính sách cộng sản thời chiến” bị bãi bỏ, chế độ “trưng thu lương thực thừa” được thay bằng thuế lương thực với tư cách là “liệu pháp cấp tốc, cương quyết nhất, cấp thiết nhất” để phát triển sản xuất. Việc trao đổi hàng hóa trên cơ sở của nguyên tắc thị trường được thừa nhận và phục hồi, quan hệ hàng – tiền là “đòn bẩy” kinh tế, là hình thức cơ bản của các mối liên hệ giữa công nghiệp với nông nghiệp, giữa thành thị với nông thôn.

5- Nguyễn Xuân Thắng: Phát triển “chủ nghĩa tư bản nhà nước” – mắt xích “trung gian quan trọng để xây dựng chủ nghĩa xã hội”. V.I. Lê-nin đặt câu hỏi: …“liệu có thể kết hợp, liên hợp, phối hợp Nhà nước Xô-viết, nền chuyên chính vô sản, với chủ nghĩa tư bản nhà nước được không? Tất nhiên là được”. Người cho rằng, việc tìm cách ngăn cấm, triệt để chặn đứng mọi sự phát triển của trao đổi tư nhân, của CNTB – một sự phát triển không thể tránh được khi có hàng triệu người sản xuất nhỏ, “chính sách ấy là một sự dại dột và tự sát đối với đảng nào muốn áp dụng nó”. Từ đó, Người chủ trương: …“chúng ta phải lợi dụng chủ nghĩa tư bản (nhất là bằng cách hướng nó vào con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước) làm mắt xích trung gian giữa nền tiểu sản xuất và chủ nghĩa xã hội, làm phương tiện, con đường, phương pháp, phương thức để tăng lực lượng sản xuất lên”.

Nguyễn An Ninh: Hai là, phát triển “chủ nghĩa tư bản nhà nước” – mắt xích “trung gian quan trọng để xây dựng CNXH”. V.I. Lê-nin đặt câu hỏi, đồng thời khẳng định rằng: “Liệu có thể kết hợp, liên hợp, phối hợp Nhà nước Xô-viết, nền chuyên chính vô sản, với chủ nghĩa tư bản nhà nước được không? Tất nhiên là được.”(2)… Tìm cách ngăn cấm, triệt để chặn đứng mọi sự phát triển của trao đổi tư nhân, của chủ nghĩa tư bản (CNTB) – một sự phát triển không thể tránh được khi có hàng triệu người sản xuất nhỏ, “chính sách ấy là một sự dại dột và tự sát đối với đảng nào muốn áp dụng nó”. Và thái độ đúng đắn là “Chúng ta phải lợi dụng chủ nghĩa tư bản (nhất là bằng cách hướng nó vào con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước) làm mắt xích trung gian giữa nền tiểu sản xuất và chủ nghĩa xã hội, làm phương tiện, con đường, phương pháp, phương thức để tăng cường lực lượng sản xuất lên”

6– Nguyễn Xuân Thắng: Phải học tập và sử dụng những giá trị của chủ nghĩa tư bản; kiên quyết phản đối việc “đem chủ nghĩa tư bản đối lập một cách trừu tượng với chủ nghĩa xã hội”. Theo V.I. Lê-nin: “lùi một bước” và “thỏa hiệp” bằng việc thu phục và trả lương cao cho chuyên gia tư sản là giải pháp tốt nhất xúc tiến CNXH. Người cho rằng, không có sự chỉ đạo của các chuyên gia am hiểu các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và có kinh nghiệm tổ chức quản lý, thì không thể nào chuyển lên CNXH được.

Nguyễn An Ninh: Ba là, phải học tập và sử dụng những giá trị văn minh nhân loại được tạo ra từ CNTB; kiên quyết phản đối việc “đem chủ nghĩa tư bản đối lập một cách trừu tượng với chủ nghĩa xã hội”. Theo V.I. Lê-nin, ở một nước kinh tế lạc hậu thì giải pháp hiện thực để có được kinh nghiệm, tri thức quản lý hiện đại là học hỏi bằng việc thuê và trả lương cao cho chuyên gia tư sản. V.I. Lê-nin cho rằng, không có sự chỉ đạo của các chuyên gia am hiểu các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và có kinh nghiệm tổ chức quản lý, thì không thể nào chuyển lên CNXH được.

7. Nguyễn Xuân Thắng: Củng cố chính quyền Xô-viết, tăng cường vai trò của quản lý, kết hợp chặt chẽ hành chính, tổ chức và kinh tế là biện pháp tốt nhất để xây dựng chủ nghĩa xã hội

Nguyễn An Ninh: Năm là, củng cố chính quyền Xô-viết, tăng cường vai trò của quản lý, kết hợp chặt chẽ các biện pháp hành chính, tổ chức với biện pháp kinh tế để xây dựng CNXH.

So sánh “Giá trị tư tưởng, lý luận và sức sống của chủ nghĩa Mác trong thời đại ngày nay” (Báo Xã hội, 5-5-18) của GS TS  Nguyễn Xuân Thắng với Bài tập cá nhân của sinh viên Đàm Đình Mạnh sinh ngày 19/8/1991 lớp k54H trường Đại học công nghệ Đại học quốc gia Hà Nội  

8– Nguyễn Xuân ThắngVận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử vào nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, C. Mác đã vạch ra những quy luật kinh tế của xã hội tư bản chủ nghĩa, nhìn nhận chủ nghĩa tư bản trong cả quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong của nó. Một trong hai phát kiến vĩ đại của Mác là việc phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư

Sinh viên Đàm Đình MạnhBằng cách vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử vào việc nghiên cứu nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, học thuyết kinh tế của Mác vạch ra những quy luật kinh tế của xã hội tư bản chủ nghĩa, vạch ra quá trình phátsinh, phát triển và diệt vong của nó. Một trong những phát hiện vĩ đại của Mác, là việc phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư

9– Nguyễn Xuân ThắngVới hai phát kiến khoa học vĩ đại là chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, C.Mác đã đặt nền móng vững chắc cho việc hiện thực hóa tư tưởng về chủ nghĩa xã hội khoa học – học thuyết về sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng loài người khỏi mọi hình thức nô dịch, áp bức, bóc lột và tha hóa. V.I.Lê-nin đã nhận định rằng, điểm cốt yếu của học thuyết Mác là soi sáng vai trò lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân với tư cách là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa thay thế xã hội tư bản.

Nhờ có thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp luận khoa học, C.Mác đã phát hiện ra quy luật phát triển của xã hội và lực lượng xã hội có thể đấu tranh xóa bỏ chế độ tư bản và xây dựng thành công xã hội mới, đó là giai cấp vô sản. C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã chỉ cho giai cấp vô sản hiểu rõ rằng, trước hết họ phải tự mình vùng lên giải phóng khỏi ách thống trị của chế độ tư bản chủ nghĩa. Trong cuộc đấu tranh đó, giai cấp vô sản phải đoàn kết xung quanh mình tất cả những người lao động.

Sinh viên Đàm Đình Mạnh: Với hai phát kiến khoa học vĩ đại là chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, Mác đã đặt nền móng cho chủ nghĩa xã hội khoa học, học thuyết về sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng loài người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột và tha hóa. Lê-nin cho rằng điểm cốt yếu của học thuyết Mác là nó đã soi sáng vai trò lịch sử thế giới của giai cấp công nhân là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa thay thế xã hội tư bản.

Nhờ có thế giới quan khoa học, chủ nghĩa Mác đã tìm ra quy luật phát triển của xã hội và lực lượng xã hội có thể tiêu diệt chế độ tư bản và sáng tạo xã hội mới,đó là giai cấp vô sản. Mác và Ăng-ghen chỉ ra cho giai cấp vô sản là trước hết phải tự mình vùng lên đánh đổ chế độ tư bản chủ nghĩa.  trong cuộc đấu tranh đó, giai cấp vô sản phải đoàn kết chung quanh mình tất cả những người lao động

So sánh Giá trị tư tưởng, lý luận và sức sống của chủ nghĩa Mác trong thời đại ngày nay” (Báo Xã hội, 5-5-18) của GS TS Nguyễn Xuân Thắng với đề dẫn Hội thảo khoa học “Sức sống của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới” (ĐHCT 11-9-15) Cục Tuyên huấn/Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Chính trị tổ chức

10 Nguyễn Xuân Thắng: Vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào điều kiện lịch sử cụ thể ở nước Nga trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, bước đầu bắt tay xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực, V.I.Lê-nin đã bổ sung, phát triển, tạo nên giai đoạn Lê-nin trong sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác và hình thành nên chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Với thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917, chủ nghĩa xã hội từ một học thuyết trở thành một chế độ chính trị – xã hội hiện thực; chủ nghĩa Mác từ một “bóng ma ám ảnh châu Âu” đã được hiện thực hóa trong phong trào công nhân, mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Sự hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đã tác động mạnh mẽ đến tiến trình phát triển của loài người, là chỗ dựa cho các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc đứng lên đấu tranh tự giải phóng, xóa bỏ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Những thắng lợi to lớn của chủ nghĩa xã hội đã làm thay đổi bộ mặt thế giới, là minh chứng hùng hồn cho sức sống mãnh liệt, trường tồn của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, học thuyết khoa học và cách mạng, nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Đề dẫn Hội thảo khoa học: Vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào điều kiện ở nước Nga lúc bấy giờ, V.I.Lênin đã bổ sung, phát triển xây dựng nên chủ nghĩa Mác – Lênin. Kể từ khi chủ nghĩa Mác ra đời, lịch sử nhân loại đã có nhiều sự thay đổi to lớn. Với thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917, chủ nghĩa xã hội từ một học thuyết trở thành một thực thể chính trị – xã hội; chủ nghĩa Mác từ một “bóng ma ám ảnh châu Âu” đã được hiện thực hóa trên thực tế, mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Sự hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đã tác động mạnh mẽ đến tiến trình phát triển của loài người, là chỗ dựa cho các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc đứng lên đấu tranh tự giải phóng, xóa bỏ “vết nhơ thống trị” của chủ nghĩa thực dân trong lịch sử nhân loại. Những thắng lợi to lớn của chủ nghĩa xã hội đã làm thay đổi bộ mặt thế giới, là minh chứng hùng hồn cho sức sống mãnh liệt, trường tồn của chủ nghĩa Mác – Lênin, học thuyết khoa học và cách mạng, nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét