Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

Hậu báo “Văn nghệ” và “Nỗi buồn chiến tranh” (Kỳ 5)

 Nguyên Ngọc

Phần này đọc đã. Mọi thứ bày ra, trắng phớ, kinh hoàng. Càng kính trọng Chú Ngọc, không có bộ óc thiết kế giải [thưởng] như “đánh một trận” kiên cường, nền văn học này đã không thể có đỉnh cao Nỗi buồn chiến tranh. Hậu giải buồn hơn bản thân tiểu thuyết nữa, vì sự trở cờ của nhiều tên tuổi nghĩ rằng mình vang lừng lắm và vang lừng mãi mãi. Đến giờ, dư luận chính giới vẫn chưa thừa nhận Nỗi buồn chiến tranh, việc này VN còn phải học Tàu, họ vun vén, quảng bá cho nhà văn quan chức Mạc Ngôn được ẳm Nobel, TQ phải có Nobel văn học. Xin lỗi, mấy lão VN hay tự kéo nhau xuống, kệ mẹ nó văn chương và mấy gã nhà văn quèn, kệ mẹ chúng! Đáng đời cái xó VN.

Dạ Ngân

 

NỖI BUỒN CHIẾN TRANH là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của văn học ta, ít nhất là về đề tài chiến tranh. Trước nó, chủ yếu chỉ là sử thi. Sử thi thì độc thoại. Và độc đoán. Bởi vì đấy là phát ngôn dõng dạc, là tuyên bố nghiêm trang và khẳng khái của cộng đồng, truyền bá những chân lý tuyệt đối, không cho phép ai được cãi lại.

Đọc kỹ Bảo Ninh mà xem. Hầu như câu nào của anh cũng là tự đối thoại, tự cãi nhau, tự nghi ngờ chính điều vừa thốt ra. Anh nói: “Nỗi buồn được sống sót”, “Bây giờ thì đã qua cả rồi, tiếng ồn ào của xung đột đã im bặt. Gió lặng cây dừng, và vì chúng ta đã chiến thắng nên đương nhiên là chính nghĩa đã thắng. Tuy nhiên, cứ nghĩ mà xem, cứ nhìn vào sự sống sót của bản thân mình, cứ nhìn kỹ nền hòa bình thản nhiên kia và nhìn cái đất nước đã chiến thắng này mà xem: đau xót chua chát và nhất là buồn xiết bao.

Một người ngã xuống để những người khác sống, điều đó chẳng có gì mới, thật thế. Nhưng khi mà tôi và anh thì còn sống mà tất cả những người ưu tú nhất, tốt đẹp nhất, những người xứng đáng hơn ai hết sống trên cõi đời này đều gục ngã, bị nghiền nát, bị xô đẩy, bị cỗ máy đẫm máu của chiến trận chà đạp, đày đọa, bị bạo lực tăm tối hành hạ, làm nhục rồi giết chết, bị chôn vùi, bị quét sạch, bị tuyệt diệt thì sự bình yên này, cuộc sống này, cảnh trời yên biển lặng này là cả một nghịch lý quái gở, một sự trống rỗng thê thảm, một sự vô lý đến tột cùng, oái oăm và điên đảo gần giống như là một sự phản bội vậy...”.

Anh đi tìm, hôm nay, và anh tự trả lời: “… Có vẻ như anh đã tìm ra cuộc đời mới của mình, đấy chính là cuộc đời đã qua, là tuổi trẻ đã mất đi trong nỗi đau buồn chiến tranh. Đối với tôi, tương lai đã nằm lại ở phía sau xa kia rồi… trong những cánh rừng nguyên thủy của chiến tranh,… trong một sự nghiệp vừa được ghi nhớ vĩnh hằng vừa không ngừng bị lãng quên...”, “... và cứ thế, nửa điên rồ, [tôi] lao vào chiến đấu lại cuộc chiến đấu của đời mình... một cách đơn độc, một cách phản hiện thực, cay đắng và tuyệt vọng, đầy rẫy va vấp và lầm lạc... Có lẽ từ nay, [tôi] thầm nghĩ, cuộc đời mình sẽ luôn luôn là thế này đây: tối tăm, đau khổ và rạng ngời hạnh phúc. Và cứ giữa mơ và tỉnh mà mình sẽ đi tiếp đoạn đời còn lại.”

Có lần Bảo Ninh nói với tôi: “... Sau tất cả những điều ghê gớm như vậy, sao hôm nay lại thế này?”. Đó là anh hỏi về xã hội và về chính anh.

Cuốn sách nặng nề của anh không bi quan. Vẫn thấm sâu ở đâu đó trong từng kẽ chữ của nó một âm hưởng hy vọng tiềm tàng, chính là vì thế. Anh đi tìm, nghĩa là anh còn hy vọng.

Cuối sách, Bảo Ninh viết: “nhưng… tôi tin rằng anh [tức là nhân vật Kiên, người viết cuốn tiểu thuyết trong cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh] vô cùng hạnh phúc trên con đường hướng mãi về quá khứ. Không bị sự lãng quên xói mòn, tâm hồn anh sẽ mãi mãi được sống trong mùa xuân của những tình cảm mà ngày nay đã bị mai một hoặc đã già cỗi và biến tướng. Anh sẽ được trở lại với tình yêu, tình bạn, tình đồng chí, những tình cảm đã giúp chúng ta vượt qua muôn ngàn đau khổ của chiến tranh… Anh sẽ vĩnh viễn được sống trong những ngày đau thương nhưng huy hoàng, những ngày bất hạnh nhưng chan chứa tình người, những ngày mà chúng ta biết rõ vì sao chúng ta phải bước vào chiến tranh, chúng ta cần phải chịu đựng tất cả và hy sinh tất cả. Ngày mà tất cả đều còn rất son trẻ, trong trắng và chân thành.”

Tôi có chép Bảo Ninh quá dài không? Có thể tiếp tục đọc mãi đọc mãi. Bởi vì Bảo Ninh là người viết quá hay, từ trong máu của mình anh biết tỷ trọng tinh vi của từng từ hiện ra trên mặt giấy, và cũng tự trong máu anh biết khi từ này đứng cạnh từ kia được chọn đến tinh vi tối đa thì hiệu ứng tạo nên sẽ rung lên như thế nào trong tâm hồn người đọc. Chẳng phải ngẫu nhiên mà anh là con trai của ông Hoàng Tuệ, người cống hiến cả đời mình cho tiếng Việt. Và thật tình tôi nghi Chánh Chủ khảo Vũ Tú Nam đã liều lĩnh nói một câu khẳng định chắc nịch đến thế ngay từ đầu phiên chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991 là vì anh đã bị văn của anh chàng vốn vô danh Bảo Ninh đánh gục. Có lần tôi nói với Bảo Ninh nhược điểm duy nhất của cậu là câu nào, từ nào cũng hay, quá trau chuốt đến tuyệt đối hoàn chỉnh, đọc một tác phẩm như thế khiến người ta phải căng mình quá sức với cái đẹp và dễ mệt. Thỉnh thoảng phải cố tình buông lỏng một chút, thậm chí thoáng sai ngữ pháp một chút… Thấy Bảo Ninh hình như còn chưa thật hiểu hay chưa thật đồng tình, tôi nói thêm: Một cô gái đẹp có hàm răng thật đều là tuyệt, nhưng giá lại thêm một chiếc răng khểnh thì sẽ duyên hơn. Và chàng trai sẽ chết mê chết mệt vì chính chiếc răng khểnh ấy…

Buổi bảo vệ tốt nghiệp ở Trường Nguyễn Du còn hay và xúc động hơn cả phiên họp chung khảo cuối cùng. Cả ba cuốn tiểu thuyết được giải đều hay, nhưng cũng rất rõ ràng Nỗi buồn chiến tranh là trọng điểm. Chung khảo không có gì căng. Hai người không muốn trao giải cho Bảo Ninh chỉ vì còn băn khoăn về cái gọi là “lập trường chính trị”.

Ngay từ khi vừa ra đời ở nhà xuất bản, khi có dư luận trao đổi về giải thưởng hằng năm của Hội, tác phẩm đã gây xôn xao. Trên báo Văn nghệ, lúc này do Hữu Thỉnh cầm chịch, Ngô Văn Phú đã viết: “… Cuốn tiểu thuyết này nếu được giải thưởng là một thắng lợi của văn chương. Đây đích thực là văn chương…”. Trần Đình Sử, người rất uyên bác, theo dõi chặt chẽ đời sống văn chương và nổi tiếng cẩn trọng, thì khẳng định, sớm định vị vị trí của tác phẩm trong sự phát của tiến trình văn học: “Đây là tiểu thuyết về nhà văn, về sự hình thành một kiểu nhà văn, dự báo những đổi thay đáng kể của ý thức văn học. Không nghi ngờ gì, Bảo Ninh đã đóng góp đáng kể nhiều mặt cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại…”.

Đến khi Giải thưởng 1991 được chính thức công bố, thì thực sự là một cuộc nổi sóng, cả hai phía khen chê, đều tập trung chủ yếu vào Nỗi buồn chiến tranh. Xin thử trích một số trong hàng trăm ý kiến, rộn rịp trên các báo và trong các cuộc hội thảo, có thể dài song ít nhất cũng là tư liệu lịch sử một thời.

ĐÀO HIẾU

Đây là một trong những tác phẩm viết về chiến tranh dữ dội, bi thương và lẫm liệt nhất mà tôi được đọc. Bảo Ninh, một tên tuổi mới, một tác giả trẻ, một người đi sau nhưng đã bứt lên, qua mặt nhiều người dù tiếng vỗ tay trên khán đài còn lác đác...

HOÀNG HƯNG

… chính nỗi buồn phân biệt con người cầm súng với con thú hoặc cỗ máy giết chóc, Kiên bước vào cuộc chiến với niềm háo hức và ra khỏi đó với nỗi buồn, đó là cái được của anh trong cuộc chiến để làm người.

… Nó là ký ức tự hành của kẻ mộng du. Nghĩa là một ký ức rối loạn thời gian và không gian. Sự rối loạn giúp con người vụt nhận ra những điều bị che khuất trong một thời gian tuyến tính, một không gian phẳng. Nghĩa là một hòa hợp thực + ảo, sự kiện + tâm trạng, tỉnh + mê, khách quan + chủ quan, ý thức + tiềm thức. Những thành phần thứ hai lâu nay bị lấp liếm, hóa ra có sức phát giác không thể xem thường, và quan trọng nhất là phát giác đời sống bên trong con người – điều người ta thật sự cần ở văn học nghệ thuật.

HOÀNG NGỌC HIẾN

Trong truyện của Bảo Ninh, những ngày tháng sau hòa bình không có “hoa”, chỉ có “nỗi buồn chiến tranh”. Đó là “nỗi buồn được sống sót” (tr.227). Đó là “ngọn gió buồn vô hạn của tình yêu và tự do” từ chân trời dĩ vãng thổi tới, cứ “thổi mãi thổi hoài” như một niềm tiếc nuối khôn nguôi... Đó là tình thương vô hạn với tất cả những người đã nằm xuống không phân biệt “người vinh kẻ nhục”, “người hùng kẻ nhát”, “người đáng sống kẻ đáng chết”... với cả “những người anh em khốn khổ, bạc phước ra đi trong nhục nhã chẳng được ai đoái hoài”... Nỗi buồn chiến tranh – “một nỗi buồn cao cả, cao hơn hạnh phúc và vượt trên đau khổ” (tr.282).

Ba đề tài về chiến tranh, tình yêu và đam mê sáng tạo nghệ thuật thực chất níu vào nhau.

Chiến tranh “có sức mạnh hủy diệt, sức mạnh biến tất cả thành tro bụi của nó”, nhưng cuối cùng thì chiến tranh “không tiêu diệt được gì hết”. Có thể hiểu được nghịch lý này. Chiến tranh (cũng như đời thường hậu chiến) “không tiêu diệt được gì hết”, miễn là không bị hủy diệt những giấc mơ. Đam mê văn chương của Kiên bắt nguồn từ nhu cầu “làm bừng sáng lại những giấc mộng xưa”. Những nghịch lý làm vật vã nhân vật đáng thương của Bảo Ninh thực ra cũng gần gũi với lẽ sống thông thường nhất của con người, với kinh nghiệm sinh tồn sơ đẳng và vĩnh cửu của loài người.

Tôi cho rằng đây là một trong những cuốn sách hay nhất trong những năm gần đây, có giá trị văn học đích thực. Có cảm giác hình như Bảo Ninh đã rút hết ruột gan ra mà viết. Các trang viết của anh ở trạng thái gần như mộng du, đau đớn dằn vặt về lẽ sống đẹp trên đời khiến cho tác phẩm có sức truyền cảm rất mạnh.

NGÔ NGỌC BỘI

Ba tập (sách được trao giải) này tôi đều đã đọc rồi. Tôi thấy Thân phận của tình yêu phải được xếp giải nhất: Vì qua sự chiêm nghiệm của tầm thẩm mỹ của tôi, hai tập kia đọc xong tôi không cần giữ sách. Còn Thân phận của tình yêu tôi trân trọng xếp vào tủ riêng khóa lại. Để hy vọng còn có thể đọc nhiều lần. Nó được xếp vào tủ sách nghiệp vụ của tôi.

NGUYỄN KIÊN

- Một cuốn sách gây xúc động, buộc phải suy nghĩ. Một cuốn sách hay.

- Không phải sử thi theo kiểu truyền thống. Đây là cái thế giới bên trong, là tâm trạng, là những gì người lính trải qua trong và sau chiến tranh.

- Những người lính này tự nguyện, sự chịu đựng và hy sinh của họ là tự nguyện. Nhưng chiến tranh là chiến tranh, nó có sức mạnh tàn phá dữ dội. Đây cũng là hiện thực của chiến tranh.

- Tác giả từng là lính chiến. Sách được viết ra do sự thôi thúc nội tâm, có thể tranh luận, khen chê... nhưng cũng rõ ràng là tác giả có sự thành tâm mong muốn mọi người chớ lãng quên cuộc chiến vừa qua, trong đó có bao nhiêu đau đớn…

Đây là một cách viết. Nó là một bằng chứng về sự trưởng thành của văn xuôi ta. Mỗi nhà văn có một cách nhìn, đối với mình là tốt nhất, đóng góp vào sự phát triển.

VŨ TÚ NAM

Tôi lưu ý các anh chị tấm ảnh tác giả ở bìa sau cuốn sách: Tấm ảnh một người lính, một anh binh nhì. Tác giả là một binh nhì, đã làm tròn nhiệm vụ trong chiến tranh. Anh cũng là một “binh nhì” trong văn chương và cũng đã làm hết sức mình cho văn chương. Không thể phủ nhận sự thành tâm của tác giả mong muốn mọi người đừng bao giờ quên những người đã hy sinh cho thắng lợi của cuộc chiến tranh chống Mỹ vừa qua. Cuốn sách có nhiều ưu điểm như các anh chị đã nói. Tuy nhiên không nên tuyệt đối hóa, cho là cái gì cũng hay cả. Cuốn sách còn có những nhược điểm, thiếu sót, cần trao đổi thêm, như một số đồng chí đã nói. Nhưng Bảo Ninh hoàn toàn khác với những ai muốn phủ nhận cuộc kháng chiến chống Mỹ. Anh viết rất tâm huyết, điều đó đã được bạn đọc trân trọng và ghi nhận. Không nên chỉ trích dẫn vài dòng trong sách rồi phê phán, vì làm như vậy là thiếu khoa học và không công bằng.

NGUYỄN VĂN BỔNG

… Chúng ta vui mừng đọc của Bảo Ninh một tác phẩm hay thực nảy ra từ cuộc sống và chiến đấu dữ dội của anh trên chiến trường, và cuộc sống và chiến đấu không kém phần dữ dội trong lòng anh lúc viết.

TÔN PHƯƠNG LAN

… Tôi ở gần nhà Bảo Ninh, nên có dịp chuyện trò tâm sự với bà cụ sinh ra anh. Kể lại những ngày anh viết cuốn sách, giọng bà cụ đầy trắc ẩn. “Dạo ấy nó cứ như người mộng du. Nó lấy đêm làm ngày, viết như bị ma ám, rút ruột ra mà viết”. Đúng như ý kiến của các anh chị đã nhận xét, Bảo Ninh đã viết với tất cả máu thịt của mình.

Nếu ở Đại hội lần thứ tư Hội Nhà văn, như Nguyễn Duy đã nói rất hay trong trường ca bi hài của anh, có một phái vui tươi và một phái hằm hằm, thì lần này cũng vậy, và phái hằm hằm phen này vừa rất hung dữ vừa phức tạp xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau.

Hồi còn làm báo Văn nghệ, có lần tôi nhận được bài của một nhà lý luận phê bình ký cái tên rất kỳ: “Đỗ Văn Khang – Lưỡng quốc Tiến sĩ”, hỏi ra mới biết ông này từng có Tiến sĩ mỹ học ở Liên Xô, lại có Tiến sĩ văn học ở Việt Nam. Lần này ông là chiến sĩ tiên phong số một trên trận tuyến quyết đánh chết người. Bài viết của ông có tên “Nghĩ gì khi đọc Thân phận của tình yêu”. Phạm Xuân Nguyên lập tức có bài trả lời “Nghĩ gì khi đọc Nghĩ gì khi đọc Thân phận của tình yêu”. Anh chỉ ra chỗ sai cơ bản của ông Khang: Ông lẫn lộn nhân vật với tác giả. Không biết các thầy Liên Xô dạy thế nào mà ông lưỡng quốc Tiến sĩ này coi Dostoievski chính là tay giết người Raskolnikov trong Tội ác và hình phạt. Vận dụng nguyên xi bài học thuộc lòng từ Nga, ông tuyệt đối coi Kiên, nhân vật đau khổ và trăn trở đích thị là Bảo Ninh, và dùng mọi mánh khóe để chửi tác giả tới thậm tệ, nếu không muốn nói là trịch thượng đến hỗn xược. Ngay từ đầu ông đã sử dụng vu cáo: “Phải thừa nhận là Bảo Ninh khéo viết nên đã làm đôi bạn bạn đọc dễ bị lầm về ý đồ tiểu thuyết của anh. Vì anh đã tiếp thu thủ pháp quen thuộc của nghệ thuật thế giới và đã dựng được cuốn “tiểu thuyết của tiểu thuyết”. Viết theo cách này tác giả đã lẩn đi tới hai lần. Nói rõ hơn: truyện của Bảo Ninh là do anh chàng Kiên viết trong lúc mất ngủ và uống quá nhiều rượu. Trước hết xét về cảm hứng chủ đạo của tiểu thuyết Thân phận của tình yêu. Không rõ sơ ý thế nào mà Bảo Ninh viết sẵn, làm chúng ta đỡ phải tìm tòi: “Đây là một sáng tác dựa trên cảm hứng chủ đạo của sự rối bời. Tôi không muốn nói là điên rồ”…” Rồi ông thản nhiên đánh đồng luôn: “Cách viết của Bảo Ninh [tôi nhấn mạnh – NN] dựa trên “cảm hứng chủ đạo của sự rối bời”. Tôi không muốn nói là “điên rồ” thì cách viết sẽ là “cách mượn chén”, nghĩa là thật giả lẫn lộn; đen tối và ánh sáng nhập nhòe, chính nghĩa và phi nghĩa chẳng ra sao cả… Ở đây, phương pháp là dùng hệ luận. Nó thế này, khi cảm hứng chủ đạo là “rối bời”, “bất định” thì tư tưởng rõ ràng là hoang mang, không tin vào chính mình, vào chính lời của mình, dễ rơi vào phủ định… Như vậy, xu hướng “lố bịch hóa” (được hiểu theo nghĩa rộng kiểu người Pháp [? – NN]) là xu hướng chính trong tiểu thuyết của Bảo Ninh. Và như thế, anh đã vi phạm quy luật của nghệ thuật mà anh không biết…”.

Cuối cùng, ông lên án tử: “Trong Kiên [mà ông đã đồng nhất hoàn toàn với tác giả Bảo Ninh] rõ ràng có mầm bẩm sinh của độc ác, của thói nhẫn tâm khô rắn, lạnh lùng. Một sự trống rỗng bất hạnh và tệ mạt”.

Phạm Xuân Nguyên đã kết thúc bài trả lời của mình khá đích đáng, anh viết: “Xin chép tặng ông Khang hai câu danh ngôn về sự thật. Bertolt Brecht (Đức) nói: “Kẻ nào không biết sự thật, kẻ đó là một thằng ngốc. Nhưng kẻ nào biết sự thật mà lại gọi nó là giả dối, kẻ đó là một tên tội phạm”.”

Lực lượng tấn công Nỗi buồn chiến tranh rất hùng hậu, tập trung ở Tạp chí Cộng sản và các báo Công an từ Nam đến Bắc. Lạ thay, họ giống nhau đến khác thường. Ở Tạp chí Cộng sản, một người ký tên là Trần Duy Châu bắt đầu bài tường thuật khá dài của mình bằng vu cáo, lần này độc địa hơn là lập lờ vu cáo chính trị: “Gần đây Nỗi buồn chiến tranh được một số tờ báo nước Anh trao giải thưởng trên cơ sở bản dịch tiếng Anh của một dịch giả người Anh, dường như có ý muốn xóa nhòa ranh giới giữa chiến tranh cứu nước và chiến tranh xâm lược”. Nhẹ nhàng nhé, chỉ “dường như” thôi, nhưng có thể chết người. Hay đây là chiến thuật riêng của tờ tạp chí trang trọng này? Người ta gọi nó là lối phê bình chỉ điểm. Ông Trần Duy Châu trích dẫn ý kiến của một bạn đọc mà không hề nói rõ là của ai. “Không thể nào thực hiện được bằng những tư tưởng, những suy luận sáng sủa rõ ràng, Bảo Ninh phải cầu viện đến sự rối rắm, mơ hồ, hỗn độn của cái gọi là “trực giác” “vô thức” để tạo nên một hình ảnh đảo ngược của hiện thực, chuyển đổi các giá trị, biến trắng thành đen, thay khúc ca khải hoàn của toàn dân tộc thành tiếng hát bi thương của bài ai điếu của những kẻ lạc loài. Người viết (cũng như nhân vật) phải biến mình thành một kẻ mộng du lang thang chập chờn với cái tâm trí huyền thuật (mentalité magique) của người mơ mộng, đúng hơn là của kẻ mắc bệnh tâm thần, nghĩa là những người được “miễn truy cứu trách nhiệm” trước tòa án lương tâm thời đại, được miễn trừ sự phán xét của lý trí lành mạnh, tỉnh táo của bạn đọc xa gần. Vì vậy, theo tôi, cái siêu nhiên, cái hoang đường trong Nỗi buồn chiến tranh chỉ là thuần túy kỹ thuật – một sự khéo tay nếu có – nó không hề mang lại một ý nghĩa nào có giá trị trên bình diện triết học, cũng như trên bình diện thẩm mỹ… Họ là “những kẻ xa lạ” trên mảnh đất đã sinh ra và nuôi dưỡng họ. Do đó họ không tìm thấy chỗ đứng trong cuộc sống chung của dân tộc. Tình yêu trở thành nơi ẩn náu duy nhất của họ để phản ứng lại cái mà họ xem là phàm tục... Kết cục tình yêu ấy đã bị chiến tranh vùi dập.

Bằng sự bôi nhọ sự nghiệp chống Mỹ của nhân dân ta, Bảo Ninh không chỉ xúc phạm đến những người đang sống, đang tiếp tục đi theo con đường lớn mà cuộc chiến tranh cách mạng đã tạo nên một “đột phá khẩu”, “một cái đã sống” để đi lên và đi xa. Tác giả Nỗi buồn chiến tranh còn muốn giết chết hẳn những người đã vĩnh viễn nằm xuống để cho “dân tộc quyết sinh”. Lần thứ nhất, những cái chết của họ là sự hy sinh cao cả – những người có lương tri cần phải biết ơn, không chỉ bằng tượng đồng bia đá, mà cả suy nghĩ, hành động, xử thế hằng ngày. Còn lần sau? Đó là sự khai tử của một ngòi bút quá nhẫn tâm đã coi họ là vật hy sinh mù quáng cho những cuồng vọng của con người. Và hãy nhìn vào những gia đình liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh… họ sẽ như thế nào khi mất đi những giá trị làm vật chống đỡ cho cuộc đời bất hạnh của họ? Chẳng lẽ đó không phải là chủ nghĩa nhân đạo, là vấn đề của con người?…”.

Chắc tôi đã làm người đọc quá mệt, đành dừng lại ở đây thôi. Chỉ xin kể tiếp một cuộc tôi đã phải trực tiếp đối mặt. Tôi có quen anh Lư Giang, một cán bộ quân sự cấp cao Nam tiến từ đầu kháng chiến chống Pháp, từng chiến đấu ở một chiến trường vào loại gian nan, khó khăn nhất nước là vùng Cực Nam Trung Bộ, còn gọi là Khu 6, gồm Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, sau mới ra Khu 5, cả thời chống Mỹ. Sau 1975, anh có lúc làm Tư lệnh Quân khu Thủ đô. Hình như vào dịp Tết cuối 1991 đầu năm 1992, dù đã rời Bộ Tư lệnh Thủ đô nhưng vẫn còn nhiều gắn bó, anh gọi điện rủ tôi mồng 2 Tết đến chơi uống rượu trò chuyện cùng một số bạn bè ở các chiến trường xưa. Tôi đến thì thấy toàn các tướng, có cả ông Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng có một số người quen, tôi là anh lính bét nhất, cấp đại tá. Đúng là chỉ uống rượu xuân và nói chuyện vui, mỗi người nhắc lại một vài kỷ niệm chiến tranh. Tài nhất là tướng Hoàng Đan, anh rất giỏi hài hước, chuyện tiếu lâm thì bất tận. Không khí đang rất vui. Bỗng anh Lư Giang gọi: Còn ông Ngọc, văn chương có gì hay, kể cho anh em nghe với. Nói sau Hoàng Đan là rất bất lợi. Tôi hơi lúng túng một chút, rồi tôi kể tôi có một anh bạn là cựu chiến binh Mỹ, từng đánh nhau ở Việt Nam, anh cũng là nhà thơ có tiếng. Nghe một trường đại học ở bang Texas lưu giữ được nhiều tư liệu về chiến tranh Việt Nam, anh tìm đến và đã đọc được ở đấy một số tay lính Mỹ lấy từ các ba lô của chiến sĩ ta hy sinh trên mặt trận, trong đó anh ngạc nhiên thấy có rất nhiều thơ của những người lính Việt Nam. Anh nhờ người biết tiếng Việt dịch thô cho anh hiểu nghĩa. Rất bất ngờ và xúc động, anh cặm cụi suốt mấy năm ròng dịch lại thành một tập thơ hoàn chỉnh và cho xuất bản, gây tiếng vang, thậm chí, anh bảo, kinh ngạc, trong dư luận Mỹ… Cuộc họp xôn xao lên một lúc. Hay nhỉ, hay nhỉ, có người nói. Bỗng Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên tiếng, ông gằn giọng: Chứ không phải như cái cuốn Nỗi buồn chiến tranh các anh vừa trao giải thưởng chứ gì!… Như một cái tát thẳng vào mặt. Lúc ra về, anh Lư Giang tiễn tôi đến cổng. Anh bảo: Tớ đã đọc cuốn sách ấy rồi, rất tuyệt. Các cậu đã làm đúng. Đừng ngại gì cả. Tôi trả lời anh: Tôi cũng đã có trận đi cùng anh, anh biết tôi rồi mà…

Tôi còn có lần trực tiếp gặp lại ông Đại tướng. Hôm ấy chúng tôi rủ nhau đi chơi Đồ Sơn, có cả anh Chu Hảo và anh Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Hạt nhân Đà Lạt, lúc ghé Hải Phòng lại kéo Bùi Ngọc Tấn đi cùng. Anh Hiển là bạn thân của chị Hồng Anh, cùng học Vật lý ớ Liên Xô, chị là con gái ông Giáp với bà Quang Thái, người đã hy sinh trong nhà tù Pháp. Anh Hiển tình cờ gọi cho chị Hồng Anh, chị mừng reo lên: Bố con em cũng đang ở đây. Ông Giáp bảo mời tất cả chúng tôi cùng sang chơi. Rất vui vẻ. Ông hỏi Bùi Ngọc Tấn: Nghe nói anh có cuốn Chuyện kể năm 2000 hay lắm, lúc nào anh cho chúng tôi đọc với. Bà Hà vợ ông còn đùa: Được giải Nobel, anh nhớ chia cho chúng tôi với nhé… Có lúc ông Giáp hỏi nhỏ riêng tôi: Anh ở Văn nghệ quân đội có biết một anh tên là Lê Chân trước ở báo Quân đội nhân dân, nay còn sống không, ở đâu, ra sao? Lê Chân thì tôi biết rõ, anh là biên tập viên báo Quân đội, từng cùng nhiều anh em ở báo, như các anh Trần Thư, Mai Luân… bị bắt nhiều năm tù không án, nghĩa là có thể vô tận, vì bị coi là tay chân của tướng Giáp, trong vụ án bí hiểm “làm tay sai cho bọn xét lại Liên Xô”, thậm chí “có âm mưu đảo chính”, do Lê Đức Thọ khét tiếng một thời dựng lên, và không bao giờ được làm rõ, cho đến tận bây giờ. Tôi nói cho ông biết Lê Chân vẫn may mắn còn sống, lầm lũi, im lặng, ở tận quê. Ông bảo nếu anh có gặp Lê Chân, hay anh em nào nữa trong số bị nạn đó, nói hộ tôi có lời hỏi thăm…

Vậy đó, một ông Đại tướng lừng danh thế giới…

Còn Bùi Ngọc Tấn thì chỉ vài hôm sau đã trân trọng mang bộ sách nổi tiếng của mình, vẫn chỉ được in ở nước ngoài, đến kính tặng ông Đại tướng, và tranh thủ chụp cùng ông một bức ảnh đứng thật gần và cười rất tươi, về phóng to hơn cái mặt bàn, treo chính giữa nhà, làm bùa yểm mấy anh công an vẫn đến thăm đều đặn.

Hồi bấy giờ nhà tôi ở khu tập thể 8 Lý Nam Đế, cạnh nhà Khương Thế Hưng, con trai cụ Khương Hữu Dụng và em ruột Khương Thế Xương bạn thân của tôi từ bé ở Hội An. Hưng chính là nhân vật M của Thùy Trâm. Thời đánh Pháp, Hưng chiến đấu ở Cực Nam Trung bộ, đến chống Mỹ, từng làm chính trị viên tiểu đoàn đặc công Quảng Ngãi, đánh giặc giỏi, lại rất tài hoa, đặc biệt thông hiểu sâu Kinh Dịch, giỏi bói toán. Có hôm tôi sang chơi nhà Hưng, tình cờ gặp chị Hồng Anh đang ở đấy. Tôi có hỏi Hưng vì sao lại quen biết chị Hồng Anh. Thì ra khi đang gặp khó khăn trong vụ “xét lại”, cụ Đại tướng đã sai con gái tìm đến thầy bói Hưng hỏi vận rủi may. Mới hay con người phức tạp đến dường nào. Cũng không quá khó hiểu việc cụ thật sự giận Nỗi buồn chiến tranh của tay lính trận quèn Bảo Ninh. Nó xúc phạm niềm vinh quang lớn nhất của đời cụ, cụ hiểu thế và không thể chịu nổi…

Cánh hằm hằm đánh Bảo Ninh không đông, lý lẽ cũ và cùn, nhưng thế lực lại lớn. Nỗi buồn chiến tranh bị cấm tái bản suốt 10 năm. Nhưng lần nữa, nó là thứ đốt không cháy, nung không chảy, càng bị vùi dập chôn sâu càng vươn lên sừng sững. Sách in lậu trong nước tràn lan, in từ nước ngoài đưa về không sao ngăn nổi. Được dịch ra 15 ngôn ngữ ở 20 quốc gia, riêng tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc mỗi nơi đều có hai bản dịch, được bảy giải thưởng và đề cử ở sáu quốc gia, riêng tại Mỹ đã có khoảng gần 30 trường đại học sử dụng cuốn tiểu thuyết này như một tài liệu trong giảng dạy… Giáo sư lịch sử Tôn Lai Thần (Sun Laichen) ở Đại học California cho rằng Nỗi buồn chiến tranh đã giành được sự quan tâm không chỉ của các nhà nghiên cứu văn chương mà còn của các sử gia, chính trị gia, các nhà tâm thần học…

Đặc biệt gần đây, nó đã khiến một nhà văn nổi tiếng Trung Quốc sửng sốt khi được đọc qua bản dịch của Hạ Lôi. Ông tên là Diêm Liên Khoa (Yan Lianke) thuộc số ít nhà văn Trung Quốc hàng đầu hiện nay, có sách được dịch ở hơn 20 nước trên thế giới, được trao gần 30 giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế, trong đó có giải Lỗ Tấn, giải Lão Xá, giải Hoa ngữ quốc tế Hoa Tung, giải Franz Kafka… Ông viết: “So sánh với văn học quân đội Trung Quốc hay đơn thuần là tiểu thuyết chiến tranh Trung Quốc, thì trong khi chúng ta tôn thờ chủ nghĩa anh hùng như một đấng thiên thần của văn học quân đội, Bảo Ninh của Việt Nam đã coi bản tính của con người và bản thân sự sống là thần thiêng của sáng tác. Thì ra, ở một đất nước có chế độ giống chúng ta, cùng đọc và hấp thụ dưỡng chất cao cả trong văn học quân đội của Nga (Liên Xô cũ), Bảo Ninh đã vượt qua, đưa tác phẩm của anh giao lưu và đối thoại với sáng tác về chiến tranh của văn học thế giới. Trong khi sáng tác về chiến tranh của chúng ta cho đến hôm nay vẫn còn dở dang ở hành trình “văn học quân sự cách mạng Liên Xô” của 70 năm về trước thì Bảo Ninh từ cách đây 25 năm đã đến từ con đường ấy rồi cũng từ con đường ấy vượt qua nó chỉ trong một bước chân. Sự vượt thoát ấy, không chỉ trong cốt truyện, nhân vật, tình tiết và miêu tả đối với chiến tranh, mà chủ yếu ở chỗ, anh đã đặt chiến tranh vào số phận của cả nhân loại để nhận thức về nó và về con người. Nhận thức về văn học Việt Nam của chúng ta hôm nay vẫn còn dừng lại ở những kí ức đông cứng và cũ kĩ của mấy mươi năm trước, vẫn tưởng rằng trên thế gian này, ngoài mấy cây bút lông và cả rừng bút sắt của hai nền phú hộ là Trung Quốc và phương Tây kia ra, thế giới không đâu còn bút nghiên giấy mực gì nữa. Cũng nhân đây, cho phép tôi bày tỏ sự áy náy và hổ thẹn, vì để cho tiện, cũng đã hẹp hòi như ai, đặt Nỗi buồn chiến tranh vào trong dòng tiểu thuyết chiến tranh của phương Đông để mà trình bày và so sánh. Bởi lẽ bất luận từ góc độ nào, Nỗi buồn chiến tranh cũng đều vượt lên và tràn ra khỏi những ý nghĩa đó, cũng đều là một sáng tác hiếm có của châu Á trong văn học thế giới.

Nghiền ngẫm Nỗi buồn chiến tranh với tư cách là một tiểu thuyết chiến tranh phương Đông trong bối cảnh văn học thế giới và so sánh nó với dòng văn học chiến tranh mà chúng ta có thể đọc được của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, rõ ràng Nỗi buồn chiến tranh đánh dấu tầm cao của một thứ văn học mới. Một tác phẩm cực hiếm của một nhà văn châu Á phương Đông, hiếm có trong những miêu tả, nhận thức, phê phán thẩm mĩ đối với chiến tranh, hiếm có trong những lý giải và tình yêu đối với con người, những suy tư về nhân tính, hiếm có cả trong biểu đạt nghệ thuật – một phương diện cá tính nhất, quan trọng nhất đối với một nhà văn”.

Và ông thành thật ân hận: “Thậm chí có thể nói, nếu như có thể kịp thời dịch và giới thiệu Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh (sớm hơn), thì văn học quân đội Trung Quốc ngày ấy và bây giờ đều rất có thể đã mang một cảnh sắc và sinh khí khác”…

Tôi biết trích khá dài Diêm Liên Khoa tôi đã có thể làm phiền người đọc, nhưng ấy là vì trước đó đã diễn ra một việc đáng xấu hổ không thể không nói: trước sức ép của phái hằm hằm ngày càng hung hăng, không ít người trong Ban Chung khảo – và cả trong Ban Chấp hành tự coi là mình cũng có trách nhiệm liên quan – vội thú tội và sám hối “đã trót sơ hở về lập trường chính trị địch ta”, khi trao giải cho tác phẩm của Bảo Ninh, phản thùng lại chính lá phiếu của mình. Chỉ có ba người kiên định giữ nguyên ý kiến từ đầu: Vũ Cao, Lê Ngọc Trà, và tôi. Vũ Quần Phương thì bảo tôi chỉ tán thành cho cuốn sách ấy giải B, trong khi điều lệ giải không hề có quy định A, B, C. Và tất cả những người đã sám hối, kể cả Chánh Chủ khảo, đều thanh minh có chiếu cố trao giải nhằm khuyến khích một nhà văn trẻ sớm bộc lộ biểu hiện ít nhiều tài năng.

Tôi ở Tây Nguyên lâu, tôi biết người Jörai, cũng như các dân tộc có nền văn hóa chủ yếu truyền khẩu, thường rất tinh tế trong lời ăn tiếng nói, ngôn từ của họ rất giàu có. Họ có một từ rất hay tha, chỉ người có uy tín nhất trong làng, thực tế là người lãnh đạo thật của làng, dù không có chức vị cụ thể gì. Tha có nghĩa là cứng, già, chín, đối nghĩa với mda; mềm, trẻ, xanh. Và người Jörai phân biệt hai loại tha khác nhau: yuh-tha những người “già dặn”, với tha-röma ông già lụ khụ. Các tha-röma không còn giữ vai trò gì trong hệ thống Jörai, vốn không theo mô hình chính quyền bô lão. Cà phê đặc được gọi là tha, Yuh-Tha là những người đang ở giai đoạn đỉnh cao của cuộc đời – ở tuổi 40 với 4, 5 con và mái tóc hoa râm, người ta là yuh-tha… Một nhà nghiên cứu uyên thâm về Jörai viết: “Trong làng tha nói thì người ta nghe”. Vậy trong văn chương, với Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh là tha, yuh-tha, cứng, chín, già, trong khi có bao nhiêu người cầm bút bạc đầu vẫn chỉ là tha-röma, ông già lụ khụ. Trong văn chương không có chính quyền bô lão.

Ở trên tôi có nói là với cương vị thường trực Ban Chung khảo, tôi đã cẩn thận yêu cầu các thành viên chung khảo viết ý kiến của mình ra giấy rõ ràng. Không chỉ nói miệng. Đến khi có cuộc sám hối của quý vị, tôi định công bố mọi thứ, nhưng tờ báo đã ở trong tay Hữu Thỉnh, tôi đã giao tất cả tài liệu cho Thế Thanh bấy giờ còn làm Tổng biên tập báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, chưa bị cách chức, cô đã hứa chắc sẽ công bố… Rồi cô… đánh mất! Gần đây gặp nhau nhắc lại chuyện xưa, cô bảo em nhớ ra rồi, bà Kim Hạnh cầm hết, bả đòi mãi, em đưa hết. Nhưng lúc ấy Kim Hạnh đã bị cách chức ở báo Tuổi trẻ rồi, còn giao làm gì, tôi vẫn cái tội không chừa được, rất dễ tin đàn bà!

Vả đến hôm nay thì không cần ai phải bảo vệ Nỗi buồn chiến tranh nữa. Nó đã sừng sững trong tiến trình văn học hiện đại, không chỉ như một tiểu thuyết về chiến tranh, và cũng không chỉ ở Việt Nam.

Vậy mà 30 năm đã qua.

Ngày đó, khi còn xôn xao, báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh có phỏng vấn Nguyễn Đình Thi về vụ giải thưởng của Bảo Ninh, dù lúc ấy anh không còn ở trong Ban Chấp hành. Bài trả lời của anh có tên là “Tôi hy vọng anh em tỉnh táo hơn, có trách nhiệm về những gì mình viết, mình suy nghĩ”. Nghĩa là, nghe sang trọng, nhưng cũng không khác mấy ông lưỡng quốc tiến sĩ đã nhắc tới trên kia, anh cho là Nỗi buồn chiến tranh đã được người lính từ chiến trận trở về viết ra trong lúc không tỉnh táo, lại vô trách nhiệm.

Lúc nào cũng vậy, anh rất cao đạo. Đứng trên, và không cần kín đáo lắm, dạy bảo và khinh miệt.

 


Nhà văn Bảo Ninh

2-2021

N.N.

PS: Tất nhiên giải 1991 Hội Nhà văn còn hai tiểu thuyết đặc sắc. Xin hẹn kỳ sau.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét