Nguyễn Tường Thụy
Kỷ niệm ngày Quốc tế ủng hộ các nạn nhân bị tra tấn (26/6), Hội
Cựu Tù Nhân Lương Tâm đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Vấn nạn bạo hành của nhà
cầm quyền đối với giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức
cùng ngày tại Hà Nội và Sài Gòn.
Tại Hà Nội, tham gia hội thảo ngoài các thành viên Cựu Tù nhân
Lương tâm, có đại diện của các tổ chức xã hội dân sự: Hội Nhà báo Độc lập Việt
Nam, Phong trào Chấn hưng Nước Việt, Phong trào No-U, Hội Phụ nữ nhân quyền,
Hội Bầu bí tương thân, Mạng lưới bloger, tổ chức Người bảo vệ nhân quyền… Ông
Yann Righetti, tùy viên nghiên cứu, Đại Sứ quán Thụy Sĩ có mặt tham dự.
Hội thảo tập trung vào các nội dung:
- Tình trạng bạo hành nói chung và bạo hành người bất đồng chính
kiến ở Việt Nam.
- Nguyên nhân của tình trạng bạo lực trong xã hội và vấn nạn bạo
hành đối với giới bất đồng chính kiến.
- Làm thế nào để hạn chế, ngăn chặn vấn nạn bạo hành đối với
người bất đồng chính kiến.
Tuy Việt Nam là nước đã ký kết Công ước Chống tra tấn ngày
07/11/2013 và phê chuẩn Công ước ngày 05/02/2015 nhưng điều trớ trêu là bạo
hành ở Việt Nam lại là vấn đề nhức nhối trở thành vấn nạn. Điều này nói lên một
xã hội thiếu vắng tình yêu thương, thiếu vắng luật pháp và khả năng thực thi
luật pháp. Bạo hành xảy ra ở khắp nơi, với đủ mọi thành phần xã hội, đặc biệt
ngay ở cả học đường. Nhưng tệ hại hơn cả và là gốc rễ cho bạo hành phát sinh
lại chính là bạo hành của công an với người dân.
Theo báo cáo của Bộ Công an chỉ trong 3 năm, từ Tháng10/2011 đến
Tháng 9/2014 đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trên
toàn quốc (con số có thể còn thấp so với thực tế). Những thông tin người dân
chết trong các đồn công an, người bất đồng chính kiến bị đánh trên khắp cả nước
xảy ra ngày càng nhiều.
Với người bất đồng chính kiến ở Việt Nam, ngoài việc có thể bị
bắt giam bất cứ khi nào, còn phải đối diện với tình trạng bạo lực, bạo hành của
nhà cầm quyền. Ngày 19/6/2017 vừa qua, tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế (HRW)
công bố bản phúc trình về việc nhiều nhà hoạt động nhân quyền và
các blogger ở Việt Nam thường xuyên bị hành hung, đe dọa. Trong khi đó,
thủ phạm của các vụ bạo lực nhằm vào những người bất đồng chính kiến
không hề bị truy cứu trách nhiệm. Tổ chức phi chính phủ theo dõi nhân
quyền đã yêu cầu “chính quyền Việt Nam cần ra lệnh chấm dứt tất cả mọi hành
vi tấn công và truy cứu trách nhiệm những người liên quan”.
Dưới tiều đề “Không chốn dung thân cho các nhà hoạt động
nhân quyền: Các nhà vận động dân chủ và blogger ở Việt Nam bị hành
hung”, bản phúc trình của HRW nêu ra 36 trường hợp những người hoạt
động nhân quyền và blogger bị những kẻ mặc thường phục tấn công, đánh
đập, nhiều người bị thương tích nặng, trong khoảng thời gian từ tháng
1/ 2015 đến tháng 4/2017.
Những tham luận cũng chỉ ra nguyên nhân của tình trạng bạo lực
trong xã hội và vấn nạn bạo hành đối với giới bất đồng chính kiến. Hai nguyên
nhân chính dẫn đến tình trạng này được nêu ra: yếu tố lịch sử - tâm lý - văn
hóa của con người Việt Nam và môi trường xã hội của chế độ cộng sản là nơi nuôi
dưỡng và khuyến khích bạo lực.
Với giới đấu tranh, bất đồng chính kiến, nhà cầm quyền đối với
người dân nhằm tạo ra sự sợ hãi để giữ quyền thống trị. Việc đàn áp những người
bất đồng chính kiến nhằm ngăn chặn những hoạt động của người đấu tranh, dằn mặt
hoặc trả thù. Tuy nhiên những biện pháp này thường không mấy hiệu quả, bằng
chứng là đội ngũ những người đấu tranh ngày càng đông lên, đặc biệt là trong
giới trẻ.
Về vấn đề làm thế nào để hạn chế, ngăn chặn vấn nạn bạo hành đối
với người bất đồng chính kiến, các ý kiến thảo luận nhấn mạnh đến việc cần phải
tố cáo kịp thời tới các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, tới dư luận thế giới
và trong nước. Những người hoạt động cần có những biện pháp tự bảo vệ mình,
trang bị thêm kiến thức pháp luật, lường trước những tình huống xảy ra để chủ
động đối phó…
Không một ý kiến nào đề cập việc phải tố cáo, khiếu nại đến các
cơ quan nhà nước. Có thể giải thích điều này vì những tố cáo, khiếu nại về các
vụ bạo hành đối với người đấu tranh chưa bao giờ được giải quyết vì nhà cầm
quyền chính là thủ phạm mà tố cáo tới thủ phạm là điều không thể. Tuy nhiên,
trong các vụ việc lớn và có thể, hãy nên kiên quyết tố cáo với nhà cầm quyền,
tận dụng pháp luật, quyền công dân để tự bảo vệ mình, ít ra cũng có bằng chứng
để vạch mặt họ vi phạm Luật Khiếu nại, tố cáo.
Buổi Hội thảo có rất nhiều ý kiến tâm huyết và đầy bức xúc, phẫn
nộ của các đại biểu: Nguyễn Chí Tuyến, Trần Thị Thảo, Vũ Quốc Ngữ, Lê Dũng, Cựu
Tù nhân Lương tâm Vũ Hùng v.v… Vũ Quốc Ngữ hướng dẫn cách cụ thể tỉ mỉ cách tố
cáo đến các tổ chức nhân quyền quốc tế. Cựu TNLT Lê Thị Công Nhân nhấn mạnh vấn
nạn bạo hành đối với phụ nữ. Ngoài đánh đập gây đau đớn, di hại về thân thể ,
chúng còn sỉ nhục, xúc phạm đến nhân phẩm phụ nữ, gây ảnh hưởng tinh thần lâu
dài.
Điều cần nói thêm là buổi hội thảo diễn ra thành công và đảm bảo
an toàn. Không có ai bị ngăn chặn, theo dõi và không thấy bóng an ninh lảng
vảng quanh địa điểm Hội thảo. Điều này chứng tỏ thông tin về Hội thảo đảm bảo
được bí mật tuyệt đối để không bị đánh phá. Đây cũng là một kinh nghiệm cho
việc tổ chức các sự kiện sau này.
Việt Nam Thời báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét