Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

Xu hướng đa đảng sắp trở thành xu thế ở Việt Nam?

Đại nghị hay Tổng thống lưỡng tính?
Ngày 17/5/2017, Tạp chí Tia sáng (thuộc Bộ Khoa Học Công nghệ) - một tờ báo nhà nước được xếp vào số ít ỏi cơ quan báo chí mang quan điểm phản biện và có hơi hướng cấp tiến, đã chính thức đăng bài viết “Nhất thể hóa: Phân tích để lựa chọn mô hình” của tác giả Nguyễn Sĩ Dũng - cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Khi còn đương chức, ông Nguyễn Sĩ Dũng là người làm công tác nghiên cứu cho Quốc hội, thường đề cập đến các vấn đề về cơ chế, chính sách, nhưng vẫn theo “đường lối chủ trương” mà chưa “xé rào”.
Còn hiện thời, tuy khởi đầu bằng việc phân tích chủ trương nhất thể hóa của đảng cầm quyền, nhưng bài viết trên của quan chức về hưu Nguyễn Sĩ Dũng lại đề cập đến một vấn đề được xem là “rất nhạy cảm” đối với thể chế độc đảng ở Việt Nam: chọn mô hình đại nghị hay mô hình Tổng thống lưỡng tính?
Trước đây, trên mặt báo chí nhà nước thỉnh thoảng cũng có vài bài viết đề cập đến “đa nguyên” hay bóng gió về “đa đảng”, nhưng hàm lượng và tính rõ ràng là khá mờ nhạt.
Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên xuất hiện một bài viết trên báo nhà nước mang tính hàm ý rõ ràng đến thế.
Do tính quan trọng và tính “tín hiệu” của bài viết này, dưới đây xin trích dẫn phần lớn nội dung bài “Nhất thể hóa: Phân tích để lựa chọn mô hình” để độc giả tham khảo:

Mô hình Thủ tướng chế còn được gọi là mô hình đại nghị gồm cộng hòa đại nghị và quân chủ đại nghị… Trong mô hình đại nghị, đảng nào thắng cử và có đa số trong Quốc hội, thì đảng đó đứng ra thành lập Chính phủ. Nghĩa là, đảng thắng cử vừa nắm cả quyền lập pháp và cả quyền hành pháp ở trong tay. Chính vì vậy, không có sự phân lập hay kiểm soát lẫn nhau rõ ràng giữa quyền hành pháp và quyền lập pháp trong mô hình đại nghị. Thực tế là trong mô hình này, quyền lập pháp và quyền hành pháp hòa lẫn (fusion) vào nhau. Đây là mô hình rất cần được cân nhắc khi tiến hành nhất thể hóa vì các lý do sau đây:
Một là, mô hình đại nghị đã mang lại sự thịnh vượng và phát triển cho nhiều nước nhất trên thế giới. Chúng ta có thể kể ra đây các nước như Anh, Úc, Canada, New Zealand, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Nhật Bản, Singapore…
Hai là, cách thức tổ chức hệ thống của chúng ta đang có khá nhiều điểm tương đồng với mô hình này. Có thể kể ra đây một số điểm tương đồng như: Đảng có đa số trong Quốc hội nên Đảng lựa chọn nhân sự cho Chính phủ và thực chất là thành lập Chính phủ; Đảng nắm cả quyền lập pháp và quyền hành pháp; Chính phủ hình thành trên cơ sở Quốc hội và chịu trách nhiệm trước Quốc hội…
Mô hình Tổng thống chế còn được gọi là mô hình Cộng hòa Tổng thống. Trong mô hình này, Chính phủ không hình thành trên cơ sở của Quốc hội và cũng không chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Người dân bầu trực tiếp ra Tổng thống và trao quyền hành pháp cho Tổng thống. Người dân cũng bầu ra Quốc hội và trao quyền lập pháp cho Quốc hội. Nhiều người gọi đây là mô hình phân quyền cứng vì không có sự hòa lẫn giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp. Tuy nhiên, cũng cần chú ý là trong mô hình này, nguyên tắc cơ bản vẫn không hoàn toàn là tam quyền phân lập, mà là cân bằng và kiểm soát lẫn nhau giữa các quyền. Ví dụ Quốc hội thông qua luật thì Tổng thống có quyền phủ quyết luật và Tòa án có quyền phán xử về tính hợp hiến của luật. Mô hình Cộng hòa Tổng thống chỉ nên được coi là một mô hình được nêu ra để tham khảo. Lý do là vì ngoài nước Mỹ ra, mô hình này gần như đã không đưa lại sự thịnh vượng và phát triển cho bất kỳ một nước nào khác.
Sự kết hợp giữa mô hình Đại nghị và mô hình Tổng thống đã cho ra đời một mô hình thiết kế hệ thống thứ ba được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Đó là mô hình Tổng thống lưỡng tính. Đặc điểm nổi bật của mô hình này là Chính phủ vừa có Tổng thống và vừa có Thủ tướng. Quyền hành pháp được phân chia cho hai yếu nhân nói trên theo những tỷ lệ khác nhau tùy vào mỗi nước. Tuy nhiên, quyền hoạch định những chính sách lớn và quyền về quốc phòng, an ninh và ngoại giao thường thuộc về Tổng thống. Trong mô hình này, Tổng thống thường có vị thế độc lập với Quốc hội, nhưng Thủ tướng và nội các của Thủ tướng lại phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Đây là mô hình mà Liên bang Nga và đa số các nước cộng hòa xô-viết trước đây đã lựa chọn trong quá trình chuyển đổi. Đối với chúng ta, đây cũng là mô hình rất cần tham khảo vì những lý do sau.
Một là, đây là mô hình duy nhất mà lịch sự hiện đại của thế giới đã ghi nhận là đưa được Hàn Quốc và Đài Loan từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất. Không có một mô hình thể chế nào khác nữa làm được điều này, ngoại trừ trường hợp mô hình đại nghịđối với Singapore. Tuy nhiên, Singapore thực chất là một thành phố vì quốc gia này rất nhỏ bé.
Hai là, thực chất chúng ta đã từng có mô hình Tổng thống lưỡng tính theo Hiến pháp năm 1946. Trong Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời đó chúng ta đã từng có Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đều nắm quyền hành pháp.
Như vậy, thực chất là có hai mô hình chúng ta có thể lựa chọn để nhất thể hóa giữa Đảng và Nhà nước. Đó là mô hình Đại nghị và mô hình Tổng thống lưỡng tính…
Nếu nhất thể hóa là việc Đảng hóa thân vào Nhà nước, thì lựa chọn mô hình để nhất thể hóa là điều đầu tiên quan trọng nhất chúng ta phải làm. Bởi vì rằng, nếu chúng ta lựa chọn mô hình Thủ tướng chế thì người đứng đầu Đảng sẽ phải làm Thủ tướng nhưở Anh, ở Nhật… Nếu chúng ta lựa chọn mô hình Tổng thống chế thì người đứng đầu Đảng phải làm Tổng thống như ở Mỹ, ở Indonesia…
Bế tắc
Đáng chú ý, Nguyễn Sĩ Dũng đã đăng bài “Nhất thể hóa: Phân tích để lựa chọn mô hình” trên facebook của ông trùng với thời gian diễn ra Hội nghị Trung ương 5 của đảng cầm quyền.
Việc tạp chí Tia sáng “dũng cảm” đăng bài viết “Nhất thể hóa: Phân tích để lựa chọn mô hình”, như một công bố chính thức trên hệ thống truyền thông, có thể được xem là một tín hiệu về những thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam trong tương lai, mà gần nhất có thể trong 1-3 năm tới.
Bài viết trên xuất hiện trong bối cảnh vừa âm ỉ, vừa râm ran dư luận về khả năng có thể hình thành thể chế “đảng trong đảng” ở Việt Nam. Từ năm 2016, đã xuất hiện những cuộc trao đổi trong giới quan chức cao cấp hưu trí và giới trí thức “phản biện trung thành” về khả năng đổi tên Đảng Cộng sản trở về tên Đảng Lao động như trong quá khứ xa. Hoặc có thể “tách đảng” thành hai - vừa Đảng Cộng sản vừa Đảng Lao động trong tương lai gần.
Từ trước Tết nguyên đán 2017, lại râm ran dư luận trong giới “phản biện trung thành” về khả năng có thể đề nghị hình thành thể chế “đảng trong đảng”, nhưng với một cái tên mới hoàn toàn cho đảng cầm quyền.
Dường như chưa bao giờ, kể từ thời Liên Xô sụp đổ vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, không khí và nhu cầu về đa nguyên và đa đảng lại cấp thiết như lúc này ở Việt Nam.
“Bế tắc” là từ ngữ không còn lấp ló nơi cửa miệng của giới quan chức, mà đã được một số quan chức can đảm và bạo miệng nhất nói ra hoặc thốt ra. Vào năm 2015, Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh đã trở thành một trong số những người dám nói thẳng ngay trong một cuộc tập huấn chính trị “có thứ đó đâu mà tìm”, khi ông được học viên hỏi về tương lai của chủ nghĩa xã hội.
Quan chức đã thế, nhưng giới trí thức có hơi hướng cấp tiến còn mạnh miệng hơn nhiều. Nói đủ thứ, từ chuyện nội bộ “đảng nát như tương” đến chuyện kinh tế suy sụp, xã hội nhiễu loạn, còn lý tưởng xã hội chủ nghĩa hay “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của ông Nguyễn Phú Trọng đã không còn ăn nhập gì với một hiện thực đầy dẫy bế tắc…
Nguồn gốc của căn bệnh quá trầm kha, rốt cuộc được cho rằng chủ yếu do cơ chế một đảng gây ra. Cho đến giờ này, chống tham nhũng đã trở nên vô phương ở Việt Nam. Độc đảng chính là nguồn cơn sinh ra quốc nạn tham nhũng.
Chỉ còn cách đa đảng thì may ra mới cứu vãn được dân tộc, người nghèo và đương nhiên cứu cả giới quan chức đương chức lẫn về hưu.
Xu thế
Nhưng không chỉ phản ứng đối với ý thức hệ giáo điều, tự thân “xung đột nội bộ” cũng góp phần đẻ ra nhu cầu hướng đến đa đảng.
Sau Đại hội 12 vào đầu năm 2016, những nhóm quyền lực cũ và mới song song tồn tại và sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều. Nhưng cốt tử hơn, những nhóm này – trong mối kết nối chặt chẽ với các nhóm lợi ích cũ và mới – đang ngày càng nhận ra tương lai hoàn toàn bế tắc nếu cứ cắm đầu tuân theo những bản nghị quyết vô hồn về “chủ nghĩa xã hội” hoặc “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Một trong những lý do đơn giản nhất là ngày càng lo sợ sự bùng nổ phản kháng và hành động trả thù của dân chúng, đặc biệt từ những người dân đã bị biến thành nạn nhân khốn cùng của chế độ. Một bài toán rất thực tế: giới quan chức tìm đâu ra lối thoát chính trị và lối thoát sinh mạng ở Việt Nam và cả trên “trường quốc tế”, trong khi tài sản và thân nhân của họ đã hiện diện ở khắp các nơi – Mỹ, Canada, Úc, Tây Âu…?
Bài viết “Nhất thể hóa: Phân tích để lựa chọn mô hình” của tác giả Nguyễn Sĩ Dũng là một chỉ dấu đầu tiên cho thấy nhu cầu đa đảng đã không chỉ chìm ẩn trong não trạng, không chỉ mấp mé nơi cửa miệng, không chỉ đã được phát ngôn với sự bức xúc nhất định, mà còn bắt đầu được khơi mào bằng truyền thông.
Để có thể đưa chúng ta đến một kết luận sơ bộ về bầu không khí chính trị - xã hội Việt Nam: xu hướng đa đảng đang và sẽ trở thành xu thế, có thể là xu thế lan rộng, chỉ trong ít năm nữa.
Tuy nhiên trong vài ba năm tới, xu thế đa đảng không phải xuất phát từ “thế lực thù địch” hay “xã hội dân sự” chính quyền thường quy kết, mà có thể bắt nguồn từ chính nội bộ đảng. Xu thế này đang và sẽ mang tính xác đáng đủ lớn để những quan chức như ông Trương Minh Tuấn không thể viện lý do “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa” để ngăn chặn. Thậm chí đến một lúc nào đó, cả những người cực kỳ bảo thủ như Nguyễn Phú Trọng cũng có thể phải chép miệng “Đành vậy, không còn cách nào khác…”.
P.C.D.
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét