Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

LỜ MỜ CUỘC CHIẾN KHỐC LIỆT GIỮA CÁC BĂNG NHÓM QUA MỘT VÀI VỤ ÁN GẦN ĐÂY

Phạm Viết Đào
Qua một vài vụ án được khởi tố, đang được tiến hành nổi cộm gần đây thật sự thu hút dư luận cho thấy: mức độ khốc liệt của cuộc chiến băng nhóm ngày càng lộ diện, leo thang cả về chiều rộng lẫn chiều nấc cao, sâu.
Đây là các cuộc chiến thanh sát nhau mất còn giữa các băng nhóm nằm trong nội bộ bộ máy chính quyền nhằm tranh đoạt các nguồn lợi ích, tài nguyên. Bài viết không bàn tới các cuộc chiến giữa lực lượng chức năng chính quyền với thế giới tội phạm như những chuyện vẫn xảy ra xưa nay và hàng ngày được đưa trên ANTV.
Những vụ thanh tra, kết luận kiểm toán, khởi tố điều tra liên quan tới một loạt doanh nghiệp ngành dầu khí cho thấy không đơn thuần những cá nhân, tập đoàn dính án do họ vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền hạn để bòn rút tiền ngân sách từ các dự án không hiệu quả… mà liên quan tới băng nhóm nào đang lợi thế, thất thế.
Xin đi sâu vào 2 vụ nổi cộm đằng sau ẩn chứa những xung đột khốc liệt giữa các băng nhóm lợi ích.
Vụ thứ nhất: Vụ thanh tra và khởi tố đất Đồng Tâm
Khởi tố “Vụ Đồng Tâm” lúc đầu nhiều người cho rằng đây là thủ tục bắt buộc, mang tính hình thức, hành chính để hợp thức cho nó đúng ql  uy trình về các vụ xảy ra ở Đồng Tâm do sự nổi dậy phản kháng… Thao tác này nhằm đẹp cái bộ mặt pháp chế Việt Nam thời kinh tế thị trường.

Nhưng xem các động thái liên quan, nhất là sau khi xem chương trình TV thời sự tối qua 25/6/2017 buổi 19h đưa tin về cuộc hội nghị của Hà Nội gặp các nhà đầu tư; qua hình ảnh TV thấy khuôn mặt của CT Nguyễn Đức Chung rộc đi, xọp đi, thần sắc của “Chung con” không được linh lợi, sáng, sung mà có vẻ u ám cho thấy thần thái của “Chung con” có vấn đề, có vẻ như đang suy sau vụ khởi tố Đồng Tâm.
Theo người viết bài này, quyết định khởi tố Vụ Đồng Tâm chắc chắc mục tiêu chính mà lực lượng đứng sau ép cái quyết định này không nhắm vào nông dân Đồng Tâm và nhắm vào “Chung con”.
Đây là một mũi tên hiểm độc để xem bản lĩnh “Chung con”, khả năng hóa giải mũi tên độc này như thế nào?
Liệu “Chung con” có rơi vào cái tình thế giống như Quan Vân Trường buộc phải rút chạy qua con đường Mạch Thành để rồi bị Phan Chương một tiểu tướng Đông Ngô dùng câu liêm lôi cổ xuống, mặc dù Quan Vũ vẫn còn cưỡi ngựa Xích Thố và cầm trong tay Yển Nguyệt Đao chém người như chém bùn.
Quyết định đưa vụ Đồng Tâm ra khởi tố đã đẩy “Chung con” phải hứng chịu búa rìu dư luận mà không có cách nào để hé răng đỡ đòn, thanh minh… “Chung con” bị ném đá tứ phía, bị đánh đòn hội chợ và đã có lúc lộ ra sự lung túng.
Ép khởi tố vụ Đồng Tâm cho thấy thế lực đứng sau cái quyết định này rất có thể là thế lực liên quan tới khu đất được coi là đất quốc phòng. Thế lực đang bị nhân dân Đồng Tâm vô hiệu, đã thua dân Đồng Tâm.
Đây là lần đầu tiên người nông dân đứng lên một cách có tổ chức, có tính toán, biết dùng mưu: lấy nhân nghĩa thắng hung tàn nên đã giữ được đất, vô hiệu được đội quân lấn đất, xưa nay vẫn được coi là quân xâm lược trang bị hùng hậu, võ nghệ thâm hậu… Thắng lợi này thuộc về nhân dân Đồng Tâm không do sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Nội do Bí thư Hoàng Trung Hải đứng đầu.
Có điều những đội quân xâm lược, cướp đất này trong lịch sử xưa nay thường đến từ phương bắc; trong thời buổi cơ chế thị trường định hướng XHCN đội quân cướp đất này nảy nòi ra ngay trong nội bộ quân ta, trong các lực lượng hàng ngày vẫn hô vang: trung với nước, hiếu với dân.
Chú ý đặc thù này nên nếu chú ý từ đầu thông tin cho thấy CT NDC đã đề nghị BCA vào cuộc; chắc “Chung con” nhận ra đây là cuộc chiến đến từ nhóm lợi ích nhân danh quốc phòng. Các chiến sĩ cảnh sát cơ động cũng sớm nhận ra điều này nên họ đã tìm cách đứng về phía nhân dân Đồng Tâm.
Vậy khởi tố vụ án Đồng Tâm, thế lực đứng sau vụ này tung ra miếng võ giết gà dọa khỉ, mục tiêu nhắm vào tấn công vào cái cuộc thanh tra đất đai do CT NDC ký quyết định thành lập và ký Kết luận thanh tra?
Theo những thông tin mà người viết bài này nắm được, nếu tuân thủ đúng pháp luật thì kết luận của cuộc thanh tra này phải kết luận: việc Bộ Quốc phòng giao đất Đồng Tâm cho Viettel là vi phạm pháp luật.
Vi phạm này không chỉ dừng ở 49ha cơi nới lấn ra ruộng của bà con Đồng Tâm mà ngay cả trên 217ha xin để xây dựng Miếu Môn, theo Nghị định số 09/CP Hà Nội, ngày 12 tháng 02 năm 1996 thì lý ra Bộ Quốc phòng từ lâu phải làm thủ tục trả Chính phủ; không được xin đất làm sân bay rồi quay sang làm việc khác sử dụng sai mục đích lúc đi xin. Chỉ Thủ tướng mới có thẩm quyền giao, cắm đất quốc phòng cho quân đội để phục vụ mục đích quốc phòng.
Như vậy, đòn khởi tố vụ Đồng Tâm giống như một cú “đá song phi” nhằm vào hạ bộ của “Chung con”. Sau cú song phi đau điếng này, giống như Quan Vũ dính mũi tên nhúng độc, liệu “Chung con” có gượng lên cầm bút như Quan Vân Trường nắm Yển Nguyệt Đao để ký một kết luận thanh tra theo đúng nghĩa chỉ tuân thủ pháp luật.
Để khỏi bị cô lập, bị đẩy vào con đường tử địa Mạch Thành, liệu tướng “Chung con” có chùng tay khi đặt bút ký Kết luận thanh tra Đồng Tâm buộc Bộ Quốc phóng phải trả đất cho dân Đồng Tâm. Điều này phụ thuộc rất nhiều thế lực của NDC mối tương quan giữa các thế lực hậu thuẫn phía sau… Chắc chắn cuộc chiến vẫn đang còn tiếp chiến khốc liệt… Xem hồi sau sẽ rõ.
Vụ thứ 2: vụ “khởi nghĩa” Yên Bái
Yên Bái là một tỉnh miền núi, nghèo, dân cư thưa thớt nhưng đây lại là địa bàn ẩn chứa, sự thao túng của các băng nhóm lợi ích… Yên Bái sau vụ nổ súng của Đỗ Cường Minh hạ sát Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch HDND tỉnh cho thấy cuộc chiến nội bộ ở đây khốc liệt mất còn.
Hậu quả, di chứng do vết thương của vụ này chưa lành da thì nổ ra việc báo chí phanh phui một số biệt phủ tư gia đồ sộ của một số quan chức đứng đầu tỉnh, trong đó có GĐ Sở Tài nguyên - Môi trường là em của đương nhiệm BT Tỉnh ủy… Báo chí nhảy vào phanh phui chắc chắc có sự mời gọi của các băng nhóm ở ngay tại Yên Bái mời kéo vào.
Trong khi BT Tỉnh ủy Phạm Thanh Trà phải nghiến răng để chỉ đạo việc ra quyết định thanh tra tư dinh của em trai mình. Đây là một thao tác luật pháp cay đắng, một cú vượt vũ môn pháp quyền.
Liệu BT Tỉnh ủy Yên Bái có giống với loài chim tự làm vỡ bọng đái một cách đau đớn để cất cánh bay lên, làm một cánh chim độc lập tự tìm sự sống, bầu trời xanh cho mình hay tìm cách ôm túm với nhau để rồi cũng chết cả ổ vì không bay lên được.
Chắc chắn đây sẽ là một bài toán khó, hóc hiểm không phù hợp lắm với tư chất nữ nhi thường tình: bên tình bên lý bên nào trọng hơn… Có tìm được cách nào giữ vẹn tròn được cả tình lẫn lý không: giữ được tài sản cho em mà không bị phe nhóm khác, nhân danh Đảng đì cho? Đây thực chất là cuộc đấu trong nội bộ của tỉnh Yên Bái giữa các phe nhóm đang chi phối các nguồn đặc sản của cái vùng núi ma thiêng nước độc này… Nếu kẻ nào run tay, nếu không xuất huyết não thì rất có thể đâm ôtô xuống vực thẳm.
Yên Bái đang tìm cách hóa giải vụ đất đai của em BT Tỉnh ủy chưa có hồi kết; chưa đâu thì lại bùng nổ ra thêm vụ biệt phủ của người thân của GĐCA Yên Bái bị báo Giáo dục phanh phui. Rồi nổ ra tiếp việc khởi tố, bắt quả tang nhà báo Lê Duy Phong người đưa các biệt phủ của quan chức Yên Bái lên báo, bị tố: ép doanh nghiệp chi tiền… mãi bút. Liệu đây là mặt trái, tại họa nghề nghiệp của cái nghề cầm bút hay đây là một màn dàn dựng hiểm ác, nhằm vô hiệu, triệt hạ lẫn nhau giữa phe đương quyền và phe chống đối tại Yên Bái.
Trong những ngày nằm trong trại giam CA Yên Bái, chắc Lê Duy Phong chắc sẽ bị ép khai ra ai, băng nhóm nào đã mời gọi, cung cấp thông tin cho báo Giáo dục và Phong vào cuộc, viết về khoảng tối của chính trường Yên Bái.
Với tư chất của một nhà báo “bạch diện thư sinh” để xem bản lĩnh của Lê Duy Phong tự bảo vệ mình như thế nào trong cảnh tù tội khắc nghiệt của nhà tù; khi các lực lượng giải cứu chưa tiếp cận được?
Với việc liên tục nổ ra các sự cố nóng chắc chắn xô đẩy các cuộc chạy đua của các phe nhóm đang đấu nhau tại chiến trường Yên Bái phải dốc bóng vào các cuộc tỷ thí mất còn này.
Nếu cuộc đấu làm minh bạch sự đúng sai của việc xây tư dinh của em trai BT Tỉnh ủy là cuộc đấu mang tính chất nội bộ của các phe nhóm “quân ta” ở Yên Bái thì cuộc chiến giữa CA Yên Bái với báo Giáo dục sẽ kéo theo hàng loạt các cơ quan ở trung ương bị rơi vào tỉnh cảnh: cháy thành vạ lây buộc phải nhảy vào lửa để dập lửa… để cứu mình để bảo vệ thanh danh và cái uy của phe nhóm?
Vụ Yên Bái rồi sẽ khép lại như thế nào? Là một người duy lý, ngoài cuộc, khách quan không bị lôi kéo chi phối bởi nhóm lợi ích nào cũng cảm thấy bó tay, chịu không đoán ra được hồi kết của tấn bi hài kịch này: ai thắng, ai thua.
Đành chờ xem chắc chắc các chiến tướng sẽ đấu hay, mọi nhẽ theo luật pháp, luật tù mù (luật rừng) hay cùng quay lại ca bài ca “kết đoàn chúng ta là sức mạnh”?!
Mặc dù trong các văn kiện chính thống và cửa miệng của những vị nắm quyền sinh quyền sát đất nước vẫn hô to: Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải luôn coi chừng thế lực thù địch gây bạo loạn lật đổ nhà nước, chế độ và sự lãnh đạo của Đảng.
Hiện nay lẻ tẻ lại thấy xuất hiện một vài kẻ được cho là đại diện cho thế lực thù địch, đó là một số bloger?!
Những gì đám này gây ra chắc còn lâu mới sánh được với những gì ai đó đã gây ra vụ Đồng Tâm, ai đó đã làm nên tiếng súng Yên Bái báo hiệu sự chấm dứt sự bình yên của các quan chức đầu tỉnh; những biệt phủ ngất trời tại Yên Bái mọc lên giữa vùng dân chạy ăn từng bữa.
Còn tại các tập đoàn kinh tế trọng điểm do Chính phủ thành lập và cấp hàng trăm ngàn tỷ VNĐ từ ngân sách do Quốc hội duyệt và phê chuẩn thì có vẻ đám này chỉ mang tội không biết chi tiêu tiền cho hiệu quả! Chúng nó can tội ngu chứ chúng không bao giờ bị vào thế lực thù địch, tự chuyển biến, tự chuyến hóa… vì chúng đốt phá tiền chứ không phá Đảng, phá chế độ?!
Tóm lại cho dù kẻ nào thắng trong cuộc chiến khốc liệt này thì người thua cuộc đau đớn nhất, kẻ gánh chịu mọi hệ lụy của cuộc chiến vẫn sẽ là NHÂN DÂN!


1 nhận xét: