Thứ Ba, 8 tháng 1, 2019

‘3 trong 1’: Bộ Chính trị Đảng ôm sạch lập pháp - hành pháp, tư pháp?


Minh Châu
Mặc dù quyền lực rất lớn và không phải luôn luôn đúng, song cho đến nay Bộ Chính trị chưa chịu một trách nhiệm nào cụ thể trong các quyết định của mình.
Có thật Hiến pháp có hiệu lực pháp lý cao nhất?
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, điều 17.1 cho biết “Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị; bầu Tổng Bí thư trong số Uỷ viên Bộ Chính trị”. Điều 17.2 ghi “Bộ Chính trị lãnh đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương; quyết định những vấn đề về chủ trương, chính sách, tổ chức, cán bộ; quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương; báo cáo công việc đã làm trước hội nghị Ban Chấp hành Trung ương hoặc theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương”.
Nếu thực sự Hiến pháp là văn bản pháp quy cao nhất được ghi tại điều 119.1 “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý”, thì với Hiến định ở điều 4.3 “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, cho thấy Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam không thể có các quyền pháp lý được trao cao hơn cả Hiến pháp.



Bài báo trên Tiền Phong về Metro Bến Thành Suối Tiên bị gỡ


Tuy nhiên trong nhiều trường hợp sự vi hiến công khai dường như đến từ Bộ Chính trị, khi cơ quan này tự cho mình cái quyền đứng trên toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành.
Giữa trưa ngày 4-1-2019, các tòa soạn báo chí đồng loạt nhận được thông tin từ cơ quan Thành ủy TP.HCM, với nội dung tóm lược như sau: Tại phiên họp ngày 20-12-2018, sau khi nghe Ban cán sự Đảng bộ Giao thông vận tải đọc Tờ trình số 481 về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư 2 dự án metro tại TP.HCM và ý kiến các bên liên quan, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án xây dựng tuyến metro số 1 từ 17.388 tỉ đồng, được phê duyệt năm 2009 lên 47.325 tỉ đồng, và tuyến số 2 từ 26.116 tỉ đồng phê duyệt năm 2010, lên 47.891 tỉ đồng.
Bất ngờ khác là đến tối cùng ngày, nội dung ở trên được các báo ‘gỡ bài’ trên trang điện tử, và số báo in phát hành sáng ngày 5-1-2019, mặc dù đã lên bản in, cũng phải ‘bóc ra’. Thế nhưng nội dung các bản tin này đã kịp được cỗ máy Google chụp lưu tự động, và rất nhiều người dân đã bình phẩm sự kiện đó trên trang facebook.
Những người dân quan tâm chính trị nêu ngờ vực không biết Bộ Chính trị có phải là cơ quản quản lý cấp nhà nước, trực thuộc Chính phủ không? Bộ Chính trị có nằm dưới quyền điều hành của thủ tướng như các bộ y tế, giáo dục, ngoại giao… hay chăng? Tại sao Bộ Chính trị không có bộ trưởng; Bộ Chính trị không do Quốc hội phê duyệt lãnh đạo bộ theo đề nghị của thủ tướng như các bộ khác?
“Tự dưng mọc ở đâu ra một cái bộ to như vậy nhỉ? Nó có thể điều khiển được mọi quyết sách của Chính phủ, Quốc hội”… Câu hỏi xem ra đầy cắc cớ vì Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, quả tình không có một dòng nào về Bộ Chính trị. Như vậy, nếu căn cứ vào khẩu hiệu treo ở nhiều cơ quan công quyền là “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, thì phải chăng do Bộ Chính trị không tồn tại trong Hiến pháp, và không có sự điều chỉnh nào từ hệ thống văn bản pháp quy của quốc gia, đồng nghĩa Bộ Chính trị hoạt động ngoài vòng pháp luật?
Hàng loạt câu hỏi đặt ra xoay quanh chỉ một thắc mắc: Bộ Chính trị là ai?
“Một bộ mà không tồn tại trong Hiến pháp và pháp luật, nhưng lại nắm quyền sinh, quyền sát; nắm trong tay vận mệnh của cả đất nước, điều khiển cả Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất do nhân dân bầu ra… Thật là kỳ lạ… Cuối cùng vẫn là một câu hỏi: Bộ Chính trị là cái bộ gì?”. Luật sư Trần Thành kể rằng ông đã phải tự trào như vậy, trước thắc mắc về quyền lực của Bộ Chính trị ở Việt Nam từ một khách hàng là doanh nghiệp đến từ Pháp, mà Văn phòng luật của ông đang nhận dịch vụ tham vấn.
Doanh nghiệp có quốc tịch Pháp này đặt câu hỏi yêu cầu luật sư Trần Thành tham vấn, với những dẫn chứng cụ thể: Ở số báo in của Thanh Niên phát hành ngày 16-1-2018, trong bài viết về vụ án liên quan nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, có tường thuật: “Bị cáo Thăng khai tại tòa rằng: “Việc chỉ định PVC làm nhà thầu của Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 xuất phát từ chủ trương của Bộ Chính trị trong Kết luận 41 về chiến lược phát triển PVN đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025 và xây dựng PVN trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh, đa ngành, trong đó có việc đẩy mạnh, tăng doanh thu của tập đoàn; triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Chỉ thị của Bộ Chính trị trong việc người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, triển khai chủ trương chỉ đạo của Chính phủ về việc phát huy nguồn lực, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”…
“Tại sao Bộ Chính trị không phải ra tòa vì họ là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan? Liệu chúng tôi khi làm ăn ở Việt Nam với một đối tác Việt Nam cũng nhận được chủ trương chính sách gì đó từ Bộ Chính trị, thì liệu khi xảy ra các tranh chấp thưa kiện ở tòa án hay trình tự Trọng tài, có được xem xét yếu tố ‘chủ trương chính sách’ của Bộ Chính trị?”. Doanh nghiệp đến từ Pháp đặt câu hỏi với luật sư Trần Thành.
Một câu hỏi khác cũng đến từ doanh nghiệp kể trên: “Chúng tôi đang là đối tác nơi anh Quang từng làm việc (tức ông Lê Nguyễn Minh Quang, nguyên Tổng giám đốc của công ty Bachy Soletanche chi nhánh Việt Nam; ông Quang vừa từ nhiệm chức vụ Trưởng ban Quản lý Đường sắt Đô thị TPHCM - chú thích của người viết).
Chúng tôi thắc mắc vì sao trong Luật Đầu tư công 2014 của Việt Nam không có từ nào liên quan đến Bộ Chính trị, song báo chí lại đăng là bộ này vừa phê duyệt việc tăng vốn đầu tư cho 2 dự án Metro tại TP.HCM, nơi mà anh Quang từng là trưởng ban? Liệu sau này có gì đó sai vì không tuân thủ đúng trình tự luật định, thì những ai sẽ phải ở tù? Ở Việt Nam có nhiều doanh nghiệp nhận được các chính sách, chủ trương kiểu đó từ Bộ Chính trị không?”.
Luật sư Trần Thành lắc đầu kể với người viết rằng trong nhất thời, ông không biết phải tham vấn thế nào cho doanh nghiệp khách hàng đến từ Pháp kia. “Bộ Chính trị là cơ quan ‘3 trong 1’: lập pháp - hành pháp - tư pháp, nhưng chưa thấy họ chịu trách nhiệm về quyết sách nào do chính họ đưa ra mà khi thực thi cho thấy đó là sai lầm nghiêm trọng!”. Luật sư Trần Thành nhận xét, và điều này thì không thể nào tham vấn cho khách hàng doanh nghiệp.
M.C.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét