Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

Trao đổi với Kiều Dung


Nguyễn Đình Cống
Trang Bauxite Việt Nam ngày 30/12 đăng «LỘ TRÌNH DÂN CHỦ HÓA CHO VIỆT NAM», bài của Nguyễn Kiều Dung. Bài báo có những đánh giá tình hình thực tế và phân tích nguyên nhân tương đối đúng, đề ra những việc cần làm theo từng bước  nghe có vẻ hợp lý. Điều đó phần nào chứng tỏ tác giả là người có tâm huyết với dân tộc, có trăn trở với vận mệnh quốc gia, có suy nghĩ nhiều đến các biện pháp cần làm, có dũng cảm viết ra những điều không nhằm phụ họa đường lối của lãnh đạo.
Tuy thế Kiều Dung đã hơi bị mơ hồ nên có phần nào thoát ly thực tế, làm cho những đề xuất về Lộ trình dân chủ hóa chỉ còn lại hình thức sáo rỗng, như một cái cây có hoa lá nhưng không có gốc rễ vững chắc. Những việc đề ra tuy có lớp lang, trình tự rõ ràng nhưng hình như chỉ để nói cho vui chứ chưa phải để bắt tay vào làm được. Vì sao vậy?
Để làm việc gì phải thỏa mãn hai điều kiện cơ bản: điều kiện cần và điều kiện đủ. Trong Lộ trình dân chủ hóa, những đề xuất của Kiều Dung mới chỉ là một phần của điều kiện đủ. Chưa bàn gì một chút nào về điều kiện cần, mà phần chính, rất cơ bản là: Ai làm và dựa vào cái gì để làm.
Ai làm?
Theo TS Hà Sĩ Phu thì hiện có 2 Việt Nam: Việt Nam B là một VN với danh nghĩa chính thức, do nhà cầm quyền cộng sản đại diện trước quốc tế và toàn quyền điều hành trong nước. Một Việt Nam A là VN của nhân dân VN, mang hồn cốt của dân tộc VN mà đại diện là tầng lớp Dân chủ tiến bộ hiện nay. Đó là 2 Việt Nam khác nhau, sinh lộ của anh này là tử lộ của anh kia, lối thoát của anh này thì anh kia chống lại.

Lấy thí dụ công việc Kiều Dung nêu ra: Chấm dứt chính trị hóa hệ thống nghiên cứu và giảng dạy; Xây dựng nhà nước pháp quyền (tam quyền phân lập);  Bổ nhiệm những người có tư tưởng cấp tiến vào đội ngũ lãnh đạo cao nhất. Đổi tên nước, tên đảng; Trung lập hóa quân đội, v.v.
Ai sẽ làm khi mà đảng viên nào nói đến tam quyền phân lập, nói đến trung lập hoá quân đội sẽ bị khai trừ, khi mà đảng viên nào bị nghi ngờ có tư tưởng cấp tiến, là phần tử tự diễn biến sẽ bị loại ngay khỏi quy hoạch cán bộ, khi mà có ai nói đến việc đổi tên nước sẽ bị quy là thế lực thù địch, bị kết án hàng  chục năm tù ?
Không biết khi đề xuất Lộ trình dân chủ hóa, Kiều Dung đã xem xét kỹ các QĐ của đảng nhằm trói buộc đảng viên như QĐ 90, QĐ 102, QĐ 105,  QĐ về những điều cấm đảng viên, đã xem những bản án nặng nề giáng lên số phận của những bạn trẻ bị quy là chống đối chế độ hay chưa.
Tại các nước đã xây dựng được chế độ dân chủ với tam quyền phân lập, hình như không ai bàn đến dân chủ hóa. Nó là nhu cầu chỉ có tại những nơi mà chính quyền giữ vai trò thống trị, còn đa số người dân thuộc tầng lớp bị trị. Trong những đất nước như vậy mâu thuẩn chủ yếu của xã hội là giữa thống trị và bị trị. Giải quyết mâu thuẩn này là con đường dẫn tới dân chủ hóa. Nó có thể đạt được bằng nhiều biện pháp: Từ trên xuống, từ sự hợp thương, từ dưới lên, từ sự can thiệp bên ngoài. Có thể diễn ra bằng đường lối hòa bình hoặc bằng bạo lực.
Một số dân VN hy vọng vào biện pháp từ trên xuống. Đó là sự giác ngộ của lãnh đạo ĐCS để thay đổi từ đảng cách mạng thành đảng chính trị cầm quyền, từ một đảng kiên trì chủ nghĩa Mác Lê, chủ trương độc tài toàn trị thành một tổ chức biết tôn trọng quyền làm chủ của dân. Việc này đã xảy ra ở Mông cổ, nhưng với VN, khả năng này hiện nay là quá bé. Phải chăng chỉ là hy vọng hảo huyền. Phải chăng chỉ là co vai rụt cổ, tìm chỗ ẩn nấp và tự huyễn hoặc rằng vẫn nuôi hy vọng.
Vậy ai sẽ là lực lượng chủ yếu thực hiện Lộ trình, dựa vào chính quyền nào để thực hiện ? Nếu không trả lời được thật rõ ràng thì Lộ trình mà Nguyễn Kiều Dung trình ra chỉ là điều chỉ để nói cho vui mà thôi.
N.Đ.C.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét