Lê Phú Khải
Ngày nhỏ đi học lớp 1, lớp 2,... cứ mỗi lần được thầy giáo
kêu lên bục xóa bảng, hoặc sai đi giặt khăn lau bảng là tôi sung sướng cả ngày
hôm đó. Thầy giáo nhớ tên mình, gọi tên mình... Chao ôi là vinh hạnh, không sướng
sao được. Có lần tôi đi dự đám cưới một người chị họ, gặp thầy giáo của tôi đến
cùng dự đám cưới, dù là đứa trẻ vốn tính tình nhút nhát, tôi cũng rẽ đám đông đến
trước mặt thầy tôi, khoanh tay lễ phép chào: Con chào thầy ạ! Thầy giáo đã xoa
đầu tôi trước hai họ. Tôi hãnh diện vô cùng. Đã hơn nửa thế kỷ đi qua, vậy mà đến
giờ, tôi vẫn nhớ cái buổi chiều hôm đó, nhớ như in cái cầu thang mà tôi đã vội
leo lên thành cầu để tụt xuống, len đến trước mặt thầy tôi... Trong con mắt trẻ
thơ của tôi lúc đó, thầy giáo thiêng liêng lắm. Thầy Mạnh Tử bên Tàu hơn hai
ngàn năm trước từng nói: “Cái phong phú được gọi là cái đẹp”, “Cái cao cả được
gọi là cái thiêng liêng” là gì? Vậy thầy giáo của tôi ngày ấy là một người cao
cả, vì cao cả nên thầy thật thiêng liêng với học trò.
Thế mà bây giờ thằng cháu nội tôi lại bĩu môi nói với ông nội
nó: Cô giáo của con mới mua xe Attila đó! Tôi hiểu nó muốn nói, vì bắt nó và bạn
bè của nó phải học thêm để cô giáo thâu tiền... Xe Attila mới mua của cô giáo
là tiền bố mẹ nó phải oằn lưng ra đóng góp cho con học thêm. Có lần tôi đã mắng
mẹ nó, vì sao cứ phải cho con đi học thêm, trong khi nhà thì túng thiếu. Mẹ nó
phân trần: Thằng T [tên thằng cháu tôi] nó bảo, nếu không đi học thêm, cô giáo
sẽ tấn công nó trong lớp học. Tôi hỏi: Tấn công như thế nào? Mẹ nó trả lời: Bắt
lên bảng làm toán, rồi đe nẹt, thằng T sợ lắm, khóc đòi mẹ cho đi học thêm. Vì
những đứa học thêm không bị cô giáo đối xử như thế. Chữ “tấn công” là từ miệng
thằng cháu nội tôi nói ra.
Cô giáo đã hết cao cả thì còn thiêng liêng
cái nỗi gì? Một thế hệ con trẻ đi học không có cảm nhận về cái thiêng liêng, lại
thấy thầy cô giáo của mình là những kẻ thấp hèn, khi nói đến họ nó phải bĩu môi
ra thì còn gì để nói!
“Kinh khủng” hơn là một lần ngồi cà phê trước một trường đại
học, tôi thấy các sinh viên “vô tư” gọi thầy giáo nó là thằng này, thằng kia.
Tôi đem câu chuyện này về hỏi thằng con tôi đang theo học một lớp đại học tại
chức. Nó giải thích: Sinh viên phải chung tiền cho thầy giáo mỗi lần thi cử, phải
rủ thầy đi nhậu... nên nó xưng hô như thế đó ba ạ!
Chuyện về sự suy thoái của nền giáo dục Việt Nam thì còn nhiều
lắm, nhưng chuyện của ngành y tế thì còn tàn nhẫn hơn. Vừa qua tại Năm Căn tỉnh
Cà Mau, nhân dân đã kéo đến đập phá, đuổi đánh các thầy thuốc ở bệnh viện vì đã
bỏ mặc một bệnh nhân gái 16 tuổi được chở đến cấp cứu, dù gia đình nạn nhân này
đã quỳ xuống lạy, van xin các bậc lương y này cứu chữa. Các vị “từ mẫu” này phải
có tiền nộp đã thì mới ra tay cứu độ! Em gái đã chết trước thềm bệnh viện, khi
nhân dân phẫn nộ kéo tới thì các vị “thầy thuốc như mẹ hiền” này đã hốt hoảng cởi
bỏ hết áo trắng trên người để chạy trốn như những lũ chuột bị rắn đuổi!
Có lẽ trong lịch sử ngành y tế thế giới, chưa có đâu diễn ra
màn kịch kiểu này. Cả ông Marx không còn đất sống ở trời Tây, có lẽ vì thế chủ
nghĩa “duy lợi” (chữ Hà Sĩ Phu) vội di trú đến những mảnh đất rừng rú còn sót lại
ở Châu Á để nương thân, và Việt Nam là một trong những điểm dừng chân của nó. Tất
cả được tính ra “lợi quyền”, lợi lộc, không còn cái gì là thiêng liêng nữa, dù
là làm nghề thầy, thầy giáo, thầy thuốc...
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, hồi còn sống, có lần kể cho tôi
nghe về tư cách người thầy thuốc. Ở Pháp, thầy thuốc chỉ được khám bệnh, cho
toa (đơn)... không bao giờ được phép chìa tay ra cầm tiền của bệnh nhân. Tiền
khám bệnh sẽ được người nhà của bác sĩ thu ở chỗ khác, khi bệnh nhân ra về. Ông
giải thích: Nếu bác sĩ cầm tiền từ tay bệnh nhân thì về tâm lý, hình ảnh thầy
thuốc “cứu nhân độ thế” hết thiêng mất rồi. Khi người bệnh đến với thầy thuốc,
thì tâm trạng của họ đến với một vị cứu nhân, người đó sẽ đem hết tinh thần cao
cả của người thầy thuốc để cứu họ. Chỉ riêng tâm trạng đó đã là liều thuốc tinh
thần để người bệnh tự giúp mình khỏi bệnh đến 50%. Vì thế các trường đào tạo thầy
thuốc ở Pháp giảng dạy rất kỹ lưỡng rằng, không để đồng tiền xuất hiện giữa thầy
thuốc và bệnh nhân. Dù rằng thầy thuốc vẫn cần tiền để tồn tại.
Vậy mà tôi thấy ở tỉnh X, thầy thuốc đã bán thuốc cho bệnh
nhân. Thuốc còn được nghiền nát ra để bệnh nhân không biết đó là thuốc gì, mác
gì, ở đâu sản xuất... để bệnh nhân không thể so đo đắt rẻ...
Chỉ có hai nghề cao quý, được ông bà ta kêu bằng “thầy”. Dắt
đứa con đến cửa nhà thầy, người mẹ ngày xưa nói: Đến ăn mày thầy dăm chữ để
cháu làm người!
Ôi sao mà thiêng liêng quá!
Bây giờ cả thầy giáo và thầy thuốc đều lấy học trò và bệnh
nhân làm đối tượng để làm tiền thì cái thiêng liêng không cánh mà bay khỏi cái
xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam mất rồi! Chỉ còn lại sự dối trá vô lương đến lộng lẫy
“thiêng liêng” mà thôi!
L. P. K.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét