Nguyễn Quang A
Đây là "bài
giảng" bất đắc dĩ cho 3 sĩ quan an ninh đã bắt câu lưu tôi từ 9:30 đến
15 giờ ngày Chủ nhật 8-7-2018. Thực hiện chính sách đảng vận, an ninh vận của
Diễn Đàn XHDS tôi đã trình bày toàn bộ nội dung này (có dân dã hoá chút đỉnh
cho họ dễ nghe), nay bổ sung thêm trích dẫn chính xác cho có vẻ "học
thuật " một chút.
Nguyễn
Quang A
|
Trong 5,5 giờ bị câu lưu tại đồn Công an Nội Bài hôm
8-7-2018 (lần thứ 17 bị câu lưu trái pháp luật từ 23-3-2016), trừ khoảng 20 phút cuối cùng, khi tay tự xưng là Vũ luôn tự hào và luôn nhấn mạnh là đảng viên ĐCS (cứ trong 2 câu thì
hãnh diện nói mình là đảng viên ĐCS trong
một câu), thì hơn 5 giờ tôi ngồi với anh KH (được cho là trung tá
của A67 và đã thử thẩm vấn tôi khoảng 10 lần) và 2 bạn trẻ hơn câu chuyện nói chung là cởi mở. Ngay từ đầu, cũng như những lần khác, tôi đã
nói rõ: các anh bắt tôi trái pháp luật, không tuân thủ các thủ tục của luật Việt Nam và vì thế tôi sẽ nói chuyện vui vẻ với các anh nhưng KHÔNG TRẢ LỜI bất kể câu hỏi nào mà tôi cho
là có ý thẩm vấn và KHÔNG KÝ bất cứ văn bản nào do các anh
tự viết ra.
Khi trung tá KH nói từ 1-1-2019, khi Luật An Ninh Mạng (LANM) có hiệu lực thì theo các điều của luật đó tôi có thể bị trừng trị nếu cứ tiếp tục phát ngôn trên
mạng xã hội (MXH) như vừa qua. Tôi nói, từ nay đến đó tôi sẽ tiếp tục phản đối LANM, và sau đó
vẫn tiếp tục phản đối và tẩy chay LANM (họ ghi hình và tôi
yêu cầu họ để nguyên băng,
không biên tập, cắt bớt và để các cho lãnh đạo cao nhất của Bộ Công An, Chính
phủ và ĐCSVN có thể nghe rõ ý kiến của tôi và tôi sẵn sàng trao đổi với họ trong khung cảnh tôn trọng lẫn nhau, chứ không trong môi trường bị câu lưu như thế này. Bài viết này phản ánh nội dung của cuộc trao đổi 8-7-2018 tại đồn CA Nội Bài (có bổ sung các trích dẫn cho rõ hơn).
Tôi phản đối LANM vì ít nhất 3 lý do:
1) LANM
vi hiến, vi phạm các quyền con người được ghi rõ trong Hiến pháp
Việt Nam. Luật có những quy định mập mờ (nhất là các điều Đ.8.1.b và c;
Đ.16.1., 2. và 3; Đ.17.1.d, đ) có thể hợp pháp hoá sự vi phạm nhân quyền và tạo điều kiện cho CA có thể bắt giữ bất kể ai họ muốn nếu người đó thực hiện các quyền hiến định của mình.
Vi phạm hiến pháp, luật pháp quốc tế là một tội ác và việc tạo cơ hội, hợp pháp hoá sự vi phạm như vậy là không thể chấp nhận được. Tôi có nói rõ
với họ là luật Việt Nam có quá nhiều điều mơ hồ như vậy để hợp pháp hoá sự vi hiến và vi phạm quyền con người (mà điển hình là các điều 79, 88 và 258 của bộ luật hình sự cũ mà nay vẫn giữ nguyên và khắt khe hơn với sự đánh số khác 109, 177 và
331) và như thế đối với giới bất đồng chính , LANM
chỉ làm tăng các
công cụ để “bịt miệng” dân và đàn áp
những người có ý kiến khác ý kiến của ĐCSVN mà thôi,
và như thế họ sẽ có khó khăn hơn nhưng chắc chắn họ sẽ không sợ các quy định thêm này. Nói
cách khác việc huỷ hay sửa các điều như vậy là việc cần phải làm để chặn bàn tay vi phạm hiến pháp và nhân
quyền từ phía các cơ quan chấp pháp.
2) Điều tôi lo hơn là LANM tạo cơ hội cho Công an
(CA) sách nhiễu các doanh nghiệp, gây khó cho
doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước. Rất nhiều hệ thống thông tin của doanh nghiệp thuộc loại Hệ thống Thông tin Quan
trọng về An ninh Quốc gia (thí dụ, Đ.10.2.g. gồm Hệ thống thông tin quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, tài chính,
ngân hàng, viễn thông, giao
thông vận tải, tài nguyên môi
trường, hóa chất, y tế, văn hóa, báo
chí.) Hệ thống thông tin của một doanh nghiệp, thí dụ cung cấp dịch vụ tài chính, ngân
hàng [hay vận tải, hay nhà máy điện, …] có thể là một mắt xích của hệ thống thuộc loại này. Và với quyền lực tập trung cao độ chưa từng có của Bộ CA (được quy định thí dụ trong các Đ.11,
Đ.12, Đ.13, Đ.14; Đ.16.8, 9.; Đ.17.4) sẽ hợp pháp hoá sự lạm dụng quyền lực, sự sách nhiễu doanh nghiệp. Nghiêm trọng hơn, Điều 24 còn cho phép
BCA can thiệp vào các hoạt động chi tiết của hệ thống thông tin
doanh nghiệp (kiểm tra, giám sát,
từ phần cứng, phần mềm, thông tin lưu trữ và truyền tải trong hệ thống, theo
Đ.24.2.a., b. và c.) KHÔNG THUỘC DANH MỤC HỆ THỐNG THÔNG TIN QUAN
TRỌNG VỀ AN NINH QUỐC GIA. Điều 24 này hợp pháp hoá sự can thiệp của BCA vào hệ thống thông tin của TẤT CẢ các doanh nghiệp và tổ chức (chắc Nghị định sẽ phải loại các sứ quán, WB, ADB chẳng hạn ra khỏi việc có thể bị sách nhiễu này). Điều này vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật: cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì luật quy định và dân có thể làm mọi thứ trừ các thứ bị luật cấm và việc cấm không thể mù mờ như Điều 8 của LANM. Việc trao quyền hạn vô biên cho BCA
như vậy đặt ra câu hỏi: họ có đủ nguồn lực để thực thi luật này? Tôi khẳng định họ không có, ngay cả khi tăng thuế, tăng chi ngân
sách cho họ, và như thế LANM chỉ tạo điều kiện, hợp pháp hoá sự can thiệp, sách nhiễu “có chọn lọc” các doanh nghiệp và tổ chức mà họ muốn và rất có thể các doanh nghiệp và tổ chức này sẽ phải “bôi trơn” và đấy là một hệ quả khó tránh khỏi của LANM. Các tổ chức và doanh nghiệp hãy tìm hiểu kỹ và lường trước những thách thức họ phải đối mặt với sự can thiệp được hợp pháp hoá của BCA và hãy lên
tiếng đòi huỷ hay sửa luật này. Không mở miệng ra các doanh
nghiệp sẽ bị tổn thất khá nhiều trong tương lai. Các nhà
soạn thảo LANM, các ông
bà đại biểu quốc hội có bao giờ nghĩ đến các HẬU QUẢ KHÔNG LƯỜNG TRƯỚC của câu chữ, điều luật mà họ viết ra hay thông
qua? (Tôi sẽ còn nêu 2 thí dụ về các Hậu quả không lường tai hại của chính sách về các tập đoàn kinh tế nhà nước và hệ thống ngân hàng và
nhất là điểm 3. dưới đây mà tôi đã
giải thích cho 3
người của A67 tại Nội bài ngày
8-7-2018).
3) Điều tôi lo ngại nhất là LANM tạo ra những LỖI HỆ THỐNG ảnh hưởng NGHIÊM TRỌNG đến bản thân AN NINH QUỐC GIA mà luật này muốn bảo vệ. Sự trao độc quyền vô tiền khoáng hậu cho BCA (mà thực ra sẽ là Cục hay Tổng cục ANM) để thẩm định, kiểm tra, giám sát tất cả các hệ thống thông tin (bất luận thuộc danh mục Hệ thống Thông tin Quan
trọng về An ninh Quốc gia hay không)
trừ Hệ thống Thông tin Quốc Phòng và Cơ Yếu (từ phần cứng, phần mềm, tổ chức hệ thống, các thủ tục, thậm chí tổ chức nhân sự). Toàn bộ hệ thống thông tin của Việt Nam nằm dưới sự kiểm soát của BCA (trừ hệ thống thông tin quốc phòng và cơ yếu). Sự tập trung quá mức này LÀ LỖI HỆ THỐNG NGHIÊM TRỌNG NHẤT làm cho hệ thống tiềm ẩn đầy rủi ro về mọi mặt.
Trong điểm 2. ở trên tôi đã nói
đến các doanh nghiệp và các tổ chức nói chung, tại điểm này tôi chỉ nhắc đến bản thân bộ máy nhà nước và các doanh
nghiệp dịch vụ công ích như điện, nước, giao thông, viễn thông, y tế,… mà thôi. Tôi
khẳng định BCA KHÔNG ĐỦ năng lực để thực hiện các quyền mà họ đã đòi LANM ban
cho họ (để thực thi các điều trong Chương II và Chương III của LANM). Đó là chưa nói đến rủi ro: ông cục trưởng đó bị mua chuộc và toàn bộ thông tin của chúng ta được cập nhật về cho nước nào đó một cách đều đặn mà chúng ta
không lường trước [nếu xài thiết bị, phần mềm của các công ty của nhà nước đó, chứ không phải của các công ty tư nhân). BCA không
đủ năng lực, hệ thống quá tập trung, không có
cơ chế kiểm tra và giám sát
lẫn nhau [phải kéo sự tham gia của các bộ ngành khác, nhất là Bộ Thông tin Truyền Thông, Bộ Khoa học Công nghệ vào] và hệ thống không thể quá tập trung như thế này vì chúng tiềm ẩn các rủi ro chết người đối với cả nước, cả dân tộc, và cả bộ máy nhà nước!
Khi tôi nói những điều trên cho 3 người A67 câu lưu tôi tại Nội Bài, Trung tá
KH bảo bác yên tâm, người ta tính hết rồi. Tôi bảo tôi không thể yên tâm với tư cách một công dân và TÔI
CẢNH BÁO gần 6 tháng trước khi LANM có hiệu lực. Tôi muốn lãnh đạo của các anh nghe,
ghi lại lời cảnh báo của tôi. Vì tôi đã
cảnh báo trước nhiều trường hợp và người ta chỉ nhận ra khi THIỆT HẠI đã không thể chối cãi. Tôi đã giải thích cho 3
nhân viên an ninh này về các hậu quả không lường trước (unintended
consequences) của bất kể chính sách hay
quyết định nào,
bất chấp mục đích đúng đắn hay cao thượng của chính sách hay
quyết định ấy (nói chi đến các chính sách
và quyết định không trong
sáng). Mọi chính sách đều có các hệ quả không lường trước được bởi vì không ai hay
tổ chức nào đủ thông tin, đủ thông minh để đưa ra các chính
sách hay quyết định hoàn hảo không có các hệ quả xấu (hay tốt) không lường trước được. Tôi đã nêu ra
hai thí dụ để giải thích cho 3
nhân viên an ninh đó.
A) Tập đoàn Kinh tế Nhà nước. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa IX) của ĐCSVN có
nêu: “Hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh trên cơ sở các tổng công ty nhà nước, có sự tham gia của các thành phần kinh tế, kinh doanh đa
ngành, trong đó có ngành kinh doanh chính, chuyên môn hóa cao và giữ vai trò chi phối lớn trong nền kinh tế quốc dân, có quy mô
rất lớn về vốn, hoạt động cả trong nước và ngoài nước, có trình độ công nghệ cao và quản lý hiện đại, đào tạo, nghiên cứu triển khai với sản xuất kinh doanh. Thí
điểm hình thành tập đoàn kinh tế trong một số lĩnh vực có điều kiện, có thế mạnh, có khả năng phát triển để cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả như: dầu khí, viễn thông, điện lực, xây dựng...” Chủ trương này được khẳng định lại trong văn kiện Đại Hội ĐCSVN tháng
4-2006. Lúc đó người ta vừa thành lập thí điểm một tập đoàn kinh tế nhà nước và chuẩn bị thành lập cái thứ hai. Đầu tháng 4-2006
tôi có bài viết “Thành lập các tập đoàn có vi phạm pháp luật không?” và được tờ Lao Động đăng ngày
3-4-2006 với tiêu đề “Có nên thành lập các tập đoàn kinh tế?” trong đó tôi cảnh báo đây
là việc làm trái luật hiện hành, người ta muốn biến chúng thành các
“quả đấm thép” và có
nguy cơ biến chúng trở thành các “quả đấm giẻ” như các tổng công ty 90, 91
trước đó thuộc cơ chế Bộ Chủ quản (Bộ thực hành chức năng chủ sở hữu và quản lý). Bài này được Tuổi trẻ đăng lại và nay vẫn có thể truy cập được tại [1]. Tôi cảnh báo các tập đoàn kinh tế nhà nước gây ra sự phân biệt đối xử (chèn ép khu vực tư nhân, sử dụng phung phí nguồn lực hạn hẹp của quốc gia) và có thể gây nhiều rắc rối pháp lý. Sau đó, ở các hội thảo và bài báo tiếp theo tôi phân
tích chắc chắn chủ trương thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ thất bại vì vài lý do
chính như sau: a) mô hình
này sao chép mô hình Keiretsu của Nhật Bản và Chaebol của Hàn quốc trong đầu và giữa thế kỷ trước. Hai mô hình
này nay đã lỗi thời, và quan trọng nhất chúng là các
công ty tư nhân chứ không phải các công ty nhà
nước. Tôi phân tích
mô hình tập đoàn hoạt động theo “cơ chế thủ tướng chủ quản” (từ do tôi phịa ra phỏng theo cơ chế Bộ chủ quản của các tổng công ty 90, 91
trước đó, một cơ chế tồi nên xoá bỏ, xem [3]). Nhưng cơ chế “thủ tướng chủ quản” còn tồi hơn cơ chế Bộ chủ quản rất nhiều do sự tập trung quyền lực vào tay một người, thủ tướng. Hậu quả không lường trước là các Chủ tịch, Tổng giám đốc tập đoàn không còn
nghe, còn chịu sự giám sát nào đó
của các bộ chuyên ngành
khác (như của Bộ Công Thương, Tài Chính, Đầu tư mà trước kia dưới cơ chế Bộ chủ quản họ còn phải để ý). Đây là một lỗi hệ thống và tạo ra các phản khuyến khích chắc chắn dẫn đến nhiều tai hoạ. Rồi người ta cũng nhận ra và trên thực tế đã phải quay lại cơ chế bộ chủ quản khá tồi, nhưng vẫn hơn cơ chế thủ tướng chủ quản [4]. Những cảnh báo được nêu ra từ đầu 2006 rất tiếc đã trở thành hiện thực vào vài năm sau
đó (xem [4]), các rắc rối pháp lý, thua lỗ đã xảy ra ở Vinashin (xem
thí dụ bài Đười ươi giữ ống [5] cho thấy sự lúng túng của Chính phủ và Quốc hội trong việc giải quyết các rắc rối ở Vinashin).
Giá như người ta đã nghe các
chuyên gia thì nền kinh tế Việt Nam đã đỡ đánh mất một thập niên. Ý định thành lập các tập đoàn kinh tế là tốt, song không để cho chúng tự hình thành như được cảnh báo trong [1]
và không để ý đến các hệ quả không lường trước (nhưng được các chuyên gia
cảnh báo) đã khiến cho nền kinh tế bị méo mó (kể cả việc chuyển sang nâng đỡ các tập đoàn tư nhân cũng vậy [6], nền kinh tế phát triển chậm so với tiềm năng. Không ai
đúng 100%, không ai giỏi đến mức ra các quyết định và chính sách
hoàn hảo, phải nghe phản biện là vì thế. Rất tiếc chủ trương xây dựng các tập đoàn kinh
tế nhà nước mạnh đã hoàn toàn
thất bại do chính sách
và chủ trương của ĐCSVN.
B) HỆ THỐNG NGÂN
HÀNG, là thí dụ thứ hai mà tôi nêu
ra cho 3 nhân viên an ninh hôm 8-7-2018 về các hệ quả không lường trước và lỗi hệ thống do chủ trương cho tăng số ngân hàng
thương mại đô thị và Nghị định 141/2006/NĐ-CP
bắt các ngân hàng
tăng vốn đăng ký nhanh
như “Thánh Gióng”.
Trong [7] tôi đã cảnh báo chủ trương của nhà nước để “nâng cấp, thành lập mới ồ ạt” các ngân hàng
đô thị LÀ SAI và việc cho phép thành
lập hàng trăm
công ty chứng khoán tiềm ẩn các rủi ro ‘kinh hoàng’
cho hệ thống tài chính ngân
hàng! Năm 2002 chỉ có 20 ngân hàng
thương mại cổ phần đô thị, nhưng đến 5-2008 đã có 35
ngân hàng tư nhân (trong đó
có 12 ngân hàng nông thôn chỉ hoạt động ở phạm vi tỉnh với vốn đăng ký 10 tỷ đồng được nâng cấp lên ngân hàng
đô thị có phạm vi hoạt động toàn quốc với vốn tối thiểu 70 tỷ đồng; và 3 ngân
hàng cổ phần mới được thành lập). Tôi đã cảnh báo “Đáng báo
động là số ngân hàng mới tăng nhanh… và
còn đáng lo ngại hơn là nhiều tập đoàn đua nhau bỏ vốn vào các ngân
hàng mới này. Do bành trướng về mạng lưới, về quy mô, về nhân sự đã đẩy chi phí nhân
công của các ngân hàng
lên khá cao, nhân lực chưa được đào tạo bài bản, thiếu kinh nghiệm, khả năng quản trị không theo kịp sự phát
triển về quy mô, cạnh tranh gay gắt, nhiều ngân hàng đã
cho vay chứng khoán và bất động sản góp phần tạo ra bong bóng,
tăng tín dụng quá nhanh gây
ra lạm phát. Tất cả những việc này ẩn chứa những rủi ro không nhỏ.”
Rồi về Nghị định 141/2006/NĐ-CP
bắt các
ngân hàng làm “Thánh Gióng” với mục đích rất đúng, rất tốt: tăng vốn của ngân hàng cho
phù hợp với quy mô phát triển và giảm rủi ro hoạt động. Chỉ có điều người ta KHÔNG ĐỂ Ý đến các hậu quả chưa lường trước mà các chuyên
gia, trong đó có tôi, đã cảnh báo. Trong [8] tôi đã cảnh báo “Không thể bắt hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam làm Thánh
Gióng” bởi vì theo Nghị định trên “vào cuối năm 2008 vốn pháp định của các tổ chức tín dụng phải tăng lên mức: 5.000 tỷ đồng đối với Ngân hàng Chính
sách, Ngân hàng Phát triển; 3.000 tỷ đối với các ngân hàng
thương mại nhà nước, ngân hàng đầu tư; và 1.000 tỷ với các ngân hàng
thương mại cổ phần, ngân hàng liên
doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân
hàng hợp tác và quỹ tín dụng trung ương; vào cuối năm 2010, các tổ chức có vốn pháp định 1.000 tỷ phải tăng lên mức 3.000 tỷ đồng.” …
“Hãy cứ coi sự tăng 30 lần rải ra suốt 5 năm, từ 2003 khi bắt đầu nâng cấp các ngân hàng
nông thôn lên ngân hàng đô thị và cho lập các ngân hàng mới, đến 2008. Tăng 30 lần trong 5 năm tương ứng với tốc độ tăng trưởng 187%/năm. Đây
là tốc độ tăng trưởng chóng mặt kinh khủng, dễ dẫn đến đổ vỡ. Do vốn đăng ký tăng,
quy mô hoạt động tăng nên tổng tín dụng của hệ thống ngân hàng cũng
tăng lên kinh khủng trong thời gian đó: Tổng tín dụng năm 1998 bằng khoảng 20% GDP, đã
tăng lên trên 70% GDP vào năm 2006 rồi lên 90% GDP năm 2008 và 113,5% GDP vào cuối 2010. Mức tăng trưởng tín dụng chóng mặt. Trình độ quản lý của bản thân các ngân
hàng thương mại, của các cơ quan nhà nước không thể theo kịp với mức tăng trưởng như vậy! Cũng giống như một thiếu niên có thể mang được 30 kg, sau 5
năm thành thanh niên có thể mang vác 50-60 kg chứ không thể gánh 150 kg, chứ đừng nói 900 kg! Và
đấy hẳn là một trong những nguyên nhân
chính của sự rắc rối trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay. Không những thế, việc tăng vốn rất có thể (nếu không nói là chắc chắn) cũng dựa vào vốn vay. Nếu đúng thế thì vốn thật thấp hơn vốn đăng ký. Việc này làm tăng rủi ro hệ thống một cách đáng kể. Ngân hàng có vốn 1 thì có
thể huy động đến 10 hay thậm chí 15 để hoạt động, tỷ lệ 10 hay 15, đại loại là tỷ lệ đòn bẩy. Nếu vốn thật không phải 1 (mà giả sử chỉ là 0,7) thì tỷ lệ đòn bẩy sẽ cao hơn nhiều (tăng 1,43 lần nếu vốn chỉ là 0,7) và như thế quy mô hoạt động, tổng tài sản và tổng tín dụng cũng tăng lên
với mức tương ứng, khiến cho rủi ro tăng cao. Nếu một số cổ đông lớn, những người điều hành lại lạm dụng quyền lực để dàn xếp cho mình và những người thân cận với mình để vay lòng vòng nhằm tăng vốn, sẽ càng làm tăng sự ‘tập trung’ quyền lực vào tay một số người mà dư luận thường gọi là các ‘đại gia’, thì nguy
cơ thâu tóm quyền lực và lạm dụng và rủi ro càng tăng
cao.”
Giá người ta đã nghe những lời cảnh báo như vậy thì đã không có
việc sở hữu chéo và các vụ đại án Oceanbank,
Ngân hàng Xây dựng, vụ Trầm Bê, vụ Đinh La Thăng và
bao người đã tránh được sự tù tội và hệ thống ngân hàng đã
không bị tan hoang khiến ngân hàng nhà nước phải mua nhiều ngân hàng với giá 0 đồng (thực ra là ngân sách
phải bù cho số vốn âm rất lớn của
chúng). Một chủ trương có vẻ rất đúng, nhưng không hiểu các hệ quả không lường trước có thể dẫn đến tai hoạ như thế nào. Nguyên nhân
từ chí ít 2006 và hậu quả sau 12 năm vẫn chưa giải quyết xong.
Tôi đã dùng 2 thí dụ trên về Tập đoàn Kinh tế Nhà nước và Ngân
hàng để minh hoạ cho 3 nhân viên
an ninh hiểu vì sao tôi PHẢN ĐỐI và SẼ TIẾP TỤC PHẢN ĐỐI Luật An Ninh Mạng vì những phân tích sơ bộ của tôi về những sai lầm của bản thân luật này cũng như lỗi hệ thống và các hậu quả chưa lường trước được của LANM.
Rất tiếc nhân viên an
ninh mang tên Vũ đã không dự được “vài giờ huấn luyện” bất đắc dĩ của tôi tại đồn công an Nội Bài ngày
8-7-2018, nên hắn luôn thô bạo, vu cáo, thậm chí chửi bới tôi, bảo tôi là phản động, bợ đỡ bọn nước ngoài và các thế lực phản động nước
ngoài, hèn hạ như chuột và hắn phải đeo găng tay để tóm và xử tôi cũng như đe doạ “nhân dân” sẽ trị tôi. Cả cho cậu nữa, Vũ, hãy xem lại băng ghi hình
và đọc bài này may ra
hiểu được chút gì đó.
Không thể để LANM gây tai hoạ như chủ trương tập đoàn kinh tế nhà nước và chủ trương phát triển ngân hàng và
Nghị định
141/2006/NĐ-CP, bởi vì tai hoạ chỉ xảy ra sau 5,7 hay
10 năm và lúc đó thì đã QUÁ MUỘN!
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Có nên thành lập các tập đoàn kinh tế, Lao Động 3-4-2006
[2] Nghe các tập đoàn nói, Lao Động, 4-5-2008
[3] Cơ chế Thủ tướng chủ quản, Bee, 2-11-2010
[4] Trở lại cơ chế Bộ chủ quản? Dân
Việt, 6-10-2012
[5] Đười ươi giữ ống, Bee,
16-8-2011
[6] FLC và vấn nạn tập đoàn kinh tế tư nhân, Dân Việt, 2-3-2016
[7] Khu vực ngân hàng tài
chính, Bee, 28-5-2008
[8] Nên giảm vốn đăng ký của các ngân hàng,
Lao Động Cuối tuần, 20-9-2012
N.Q.A.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét