Nguyễn Đình Cống
Nguyễn Trung nhận thẩy ở Nguyễn Phú Trọng có một vài đức
tính và lợi thế có thể dương cao ngọn cờ Diên Hồng. Theo tôi xác suất này quá
bé. Ông Trọng là kẻ bảo thủ hạng nặng, thiếu cả trí và thần, chỉ có lắm mưu
mô. Những bài phát biểu dài dòng, được chuẩn bị sẵn của ông thường chỉ
tạo nên nhàm chán vì phần lớn nội dung rỗng tuếch, được trình bày không có
sinh khí, còn vài phát biểu bất chợt, ứng khẩu lại để lộ tim đen chịu lệ thuộc
vào Tàu cộng, là không thật sự tin vào dân, xem phần đông nhân dân là thù địch.
Tôi trông chờ vào khả năng có một Gorbachov, một Ensin hoặc một Walessa của
Việt Nam. Người này đang ẩn giấu, sẵn sàng xuất hiện khi thời cơ đến, có thể
thay thế Nguyễn Phú Trọng chứ không thể là Trọng và giữ vai trò trong
thời gian chuyển giao quyền lực về tay nhân dân.
N.Đ.C.
|
Vừa qua ông Nguyễn Trung đã gửi Hồi ký “TÔI LÀM CHÍNH
TRỊ” cho bạn bè và đăng Viet- Studíes. Tôi đã có vài ý kiến với tác giả,
nay xin trao đổi rộng rãi hơn.
Hồi ký gồm 4 phần . Phần 1 : Vào đời. Ông Trung sinh 1935, học
trường Tân Trào, Việt Bắc. Năm 1955 làm ở Bộ Ngoại giao, tham gia Cải cách ruộng
đất và sửa sai. Từ !957 học đại học ở Đức. Làm việc tại Đại sứ quán Đông Đức, Tây
Đức và nước Đức thống nhất khoảng 20 năm. Về nước làm Chánh văn phòng Bộ Ngoại
giao, quyền Đại sứ tại Úc, Vụ trưởng Vụ Châu Á 2, Đại sứ tại Thái Lan. Từ
1994 trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông đã có nhiều nghiên cứu, tổng kết về
phát triển kinh tế, về đường lối ngoại giao, viết nhiều báo cáo gửi Chính phủ và
Đảng.
Phần 2- Kẻ thất bại toàn diện. Nguyễn Trung rất cảm phục
Võ Văn Kiệt, đã giúp ông Kiệt viết thư gửi Bộ Chính trị, ngày 9/8/1995. Vì
nó ông Kiệt sớm mất chức Thủ tướng, một số người bị tù. Vô cùng trăn trở với đất
nước, ông Trung đã có nhiều đóng góp trong Viện Nghiên cứu phát triển (IDS),
trong chủ trương về kinh tế hạ nguồn, trong hoạt động của nhóm 72 về Hiến pháp
2013, nhóm 61 về Đại hội 12 ĐCS, trong các việc cụ thể như Formosa, bô xit Tây
nguyên, khai thác ti tan, làm thủy điện, về luật đặc khu v.v. nhưng rồi
IDS bị giải thể, các kiến nghị và điều trần bị xếp xó, không có phản hồi.
Cùng với ý đề đạt lên lãnh đạo, ông Trung cố tác động vào nhận
thức và tình cảm của nhiều người bằng cách viết những vấn đề phản ánh hiện thực
xã hội. Ông đã viết tài liệu Thời cơ vàng của dân tộc, các tiểu thuyết Hiến
dâng, Dòng đời, Lũ (2 tập), tổng cộng nhiều vạn trang, nhưng rồi chẳng được
như hạt cát ném xuống ao bèo. Ông Trung tự đánh giá là người “Hữu trí vô mưu”.
Phần 3- Suy ngẫm. Tác giả cho rằng ĐH 12 ĐCS là một thất
bại lớn của dân tộc, rằng chế độ chính trị càng tha hóa, càng xung đột và mâu
thuẫn với dân. Tuy vậy ông vẫn “lựa chọn con đường cải cách chính trị đi qua ĐCSVN”,
bằng việc hợp tác giữa những đảng viên thật lòng yêu nước với những người hoạt động
vì dân chủ, nhân quyền. Cần cải cách với tinh thần “không hồi tố”. ĐCSVN phải
thay đổi, biến thành đảng của dân tộc. Trung Quốc đang phục hưng đế chế với nhiều
thủ đoạn nham hiểm, có nhiều bí ẩn. Vấn đề không phải ta theo ai, chống ai mà
phải tự cường để thoát khỏi sự nô dịch.
Phần kết- Đất nước có triệu người vui và cũng có triệu người
buồn. Cần nhìn thẳng vào sự thật rất bi đát của dân tộc, đừng tiếp tục lừa dối,
đàn áp. Cần hiểu đúng thế giới hiện tại. Chế độ toàn trị là vòng kim cô ép đất
nước vào trong lạc hậu, là nguyên nhân cơ bản làm mất nước. Ông Trung đặt hy vọng
vào TBT Nguyễn Phú Trọng, người có khả năng phất cao ngọn cờ Diên Hồng, thật lòng
hòa hợp dân tộc, giành lấy cho quốc gia vị thế phải có. Nếu ông Trọng ném bỏ ngọn
cờ thiêng liêng này để bảo vệ chế độ toàn trị, chống lại quốc gia, nhân dân và
lịch sử sẽ lên án. Dù lựa chọn nào dân cũng sẽ là người có tiếng nói cuối cùng
và quyết định tất cả.
2- Bình luận
Nguyễn Trung cùng thế hệ với tôi. Cảm nhận đầu tiên, ông
có khả năng làm việc rất đáng nể phục, hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ,
tiếp nhận được nhiều kiến thức giá trị cao, có được nhiều quan hệ tôn quý, để lại
nhiều ý tưởng và kỷ niệm tốt. Đó là những thành công không hề nhỏ. Trong thế hệ
chúng tôi, số bạn bè thông minh, trung thực, liêm khiết có nhiều, nhưng gặp
được may mắn như Nguyễn Trung là khá ít. Tôi cảm phục những suy nghĩ, những việc
đã làm được của ông, tôi tán thành trên 95% nội dung ông viết trong hồi ký,
trong đó có nhiều điều tâm đắc. Tuy vậy có vài việc muốn trao đổi.
Tôi không tán thành đề mục phần 2. Nếu Nguyễn Trung là kẻ thất
bại toàn diện thì những Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Minh Chính,
Trần Độ, và hàng ngàn người khác tương tự còn thất bại đến đâu. Tôi nhận định
những người vừa kể, đã chịu sự đối xử oan nghiệt và bất công của lãnh đạo ĐCSVN,
họ chưa thành công nhưng không thất bại. Người ta chỉ thất bại hoàn toàn
khi tự bỏ cuộc, mà Nguyễn Trung thì đang hăng say tiếp tục. Về lâu dài thì kẻ
chịu thất bại là ĐCS chứ không phải những người như Nguyễn Trung.
Về ĐCS. Tôi cho rằng muốn tồn tại thì phải cải cách thành
một đảng chính trị chứ không phải thành đảng của dân tộc. Đảng chính trị
là tổ chức của những người cùng chí hướng, bình đẳng với các đảng chính trị khác,
có thể trở thành đảng cầm quyền khi được tín nhiệm của đa số cử tri. Đảng của dân
tộc phải chăng là đội tiên phong của dân tộc, giữ vai trò lãnh đạo. Như thế không
sớm thì muộn sẽ xẩy ra độc quyền. Đảng chính trị có thể lấy tên là đảng Dân
tộc nhưng không phải lả đảng của dân tộc. Đảng chính trị có mục tiêu, điều lệ,
tổ chức khác hoàn toàn với ĐCS.
Nguyễn Trung thấy rất rõ sự khác nhau giữa đảng trước đây và
bây giờ. Và rồi nhiều người mong ước quay trở về với đảng như trước đây. Tôi
cho rằng đó là một nhầm lẫn lớn. Khi nhìn vào đảng người ta thường nhìn vào
phẩm chất và hoạt động của đảng viên, ít quan tâm đến bản chất. Đảng trước đây
và bây giờ khác nhau chủ yếu ở phẩm chất đảng viên còn về bản chất vẫn giống
nhau, vẫn là đội tiên phong của giai cấp, vẫn theo Mác Lê Mao, vẫn độc tài toàn
trị, vẫn con đường XHCN. Vậy sự khác nhau giữa phẩm chất đảng viên là do đâu.
Phải chăng những đức tính tốt đẹp là do những người yêu nước mang vào, còn những
thói hư tật xấu chủ yếu do đảng tạo ra.
Nguyễn Trung nhận thẩy ở Nguyễn Phú Trọng có một vài đức tính
và lợi thế có thể dương cao ngọn cờ Diên Hồng. Theo tôi xác suất này quá bé. Ông
Trọng là kẻ bảo thủ hạng nặng, thiếu cả trí và thần, chỉ có lắm mưu mô. Những bài
phát biểu dài dòng, được chuẩn bị sẵn của ông thường chỉ tạo nên nhàm chán
vì phần lớn nội dung rỗng tuếch, được trình bày không có sinh khí, còn vài phát
biểu bất chợt, ứng khẩu lại để lộ tim đen chịu lệ thuộc vào Tàu cộng, là không
thật sự tin vào dân, xem phần đông nhân dân là thù địch. Tôi trông chờ vào khả
năng có một Gorbachov, một Ensin hoặc một Walessa của Việt Nam. Người này đang ẩn
giấu, sẵn sàng xuất hiện khi thời cơ đến, có thể thay thế Nguyễn Phú Trọng
chứ không thể là Trọng và giữ vai trò trong thời gian chuyển giao quyền lực về
tay nhân dân.
3. Vài lời cuối
Tôi quen biết Nguyễn Trung hơi muộn, từ 2014, đã đọc ông khá
nhiều và cũng đã nhiều lần đối thoại trực tiếp, tay đôi hoặc trong một nhóm bạn.
Tôi cảm phục, quý mến ông mặc dầu giữa chúng tôi vẫn tồn tại vài ý kiến bất đồng.
Ông tỏ ra tôn trọng và tham khảo các ý kiến đó. Tuy Nguyễn Trung đã hoàn thành được
một khối lượng công việc đồ sộ, có được một số thành công, nhưng phần lớn năng
lực của ông và của những người như ông đã bị hủy hoại một cách rất đáng tiếc. Cái
vòng kim cô trùm lên dân tộc Việt, tuy không bóp chết được những người như Nguyễn
Trung, nhưng đã kìm hãm họ và đè bẹp, hủy diệt thành phần tinh hoa của dân tộc.
Giá như thoát được vòng kim cô ấy thì những người như Nguyễn Trung đã đóng góp được
cho xã hội nhiều hơn. Thực tế thì nhiều người Việt đã sớm nhận ra, thoát được
vòng kim cô ấy và đã trở thành công dân ưu tú của thế giới.
Về cuốn Hồi ký, Tô Văn Trường đã công bố một bài khá hay: “Hồi ký của Nguyễn Trung - Tiếng chim hót
trong bụi mận gai” (trang Bauxite Việt Nam, ngày 2/7/2018). Tôi tâm đắc với
nhận xét của ông Trường: “Ý tưởng cốt lõi của Hồi ký Nguyễn Trung là muốn cả nước
đứng lên cùng nhau tiến hành cải cách thể chế chính trị để đổi đời chính mình và
đổi đời đất nước, nó phải là một cuộc cải cách của học tập, của giác ngộ và trưởng
thành trên tinh thần đoàn kết, hòa giải dân tộc”.
Nguyễn Trung xứng đáng được xếp sau các vị tiền bối như Nguyễn
Trường Tộ, Võ Văn Kiệt. Mong rằng cuốn Hồi ký và các tác phẩm của ông sẽ được
nhiều người quan tâm, đọc, suy ngẫm và tổ chức được những buổi trao đổi, thảo
luận.
N.Đ.C.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét