Thứ Tư, 17 tháng 4, 2019

Cải cách giáo dục: Sự đổ vỡ trong trứng nước


Chu Mộng Long

Thực lòng, tôi là người khát khao cải cách giáo dục nhất. Tại một hội thảo về giáo dục, tôi nói, thời cơ đã chín muồi cho một cuộc cải cách, vì điều kiện quan trọng nhất là khát khao cháy bỏng về một sự thay đổi của người dân.
Nhưng sau đó, tại cuộc nói chuyện về đổi mới giáo dục của Phó ban Tuyên giáo trung ương Vũ Ngọc Hoàng, tôi thất vọng mà nói thẳng với ông, rằng cải cách sẽ thất bại. Khi chính ông cán bộ tuyên giáo này lắc đầu với việc đa dạng chương trình và sách giáo khoa thì cái gọi là “dạy học phát triển năng lực” bị đổ vỡ trong trứng nước. Tôi hiểu, chính trị phá hoại giáo dục đến tận gốc, còn lòng dân chẳng là gì cả!
Cứ cho rằng đội ngũ đang làm chương trình và sách giáo khoa đổi mới là những người có hiểu biết và có năng lực giáo dục đi (mà điều này tôi nghi lắm, vì năm rồi họ mời toàn những người không biết gì để phản biện), thì vẫn thất bại không gì cứu vãn nổi.
Sự tác động quan trọng nhất vào đổi mới giáo dục theo hướng “dạy học phát triển năng lực” là thi cử và tuyển dụng, bởi thi cử và tuyển dụng là khâu đánh giá và cũng là điều kiện sinh ra động lực của dạy học phát triển năng lực. Nhưng các quan chức địa phương đã đồng loạt tham gia chơi trò nâng điểm vô tội vạ trong kỳ tuyển sinh vừa rồi (theo tôi không chỉ riêng Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang) thì cái gọi là đề thi đánh giá năng lực kia chỉ là hình thức giả. Chắc chắn họ cũng sẽ chơi trò đó cho con ông cháu cha hoặc nhận hối lộ từ con nhà giàu để tuyển dụng việc làm.
Đến nay thì Bộ Giáo dục và Đào tạo ở thế gà mắc tóc. Nhiều lắm là đuổi các thí sinh ra khỏi trường đại học để vỗ yên dư luận, trong khi bên nhà chức trách thì không kiên quyết xử lý đến nơi đến chốn vì các lý do “nhân văn” với tội phạm.
Sự không kiên quyết ấy càng chứng tỏ nền chính trị – xã hội này không cần năng lực. Khi chính trị tạo ra một xã hội không cần năng lực thì cải cách giáo dục theo hướng “dạy học phát triển năng lực” để làm gì?
Ông Đỗ Ngọc Thống nói, biết là cải cách giáo dục hiện nay chẳng khác tự nắm tóc kéo mình lên, nhưng vẫn phải làm! Tôi nói nó ngốn tiền dân cả ngàn ngàn tỉ, không xót sao? Ông lại nói, dù tốn ngàn tỉ mà có ý nghĩa thì vẫn làm hơn là làm việc vô nghĩa. Tôi thì chưa bao giờ thấy việc tự nắm tóc kéo mình lên là có nghĩa, vì kết quả cuối cùng chỉ có thể là… không còn một sợi tóc!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét