Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

Bác kháng nghị án tử hình Hồ Duy Hải là khai tử Pháp chế xã hội chủ nghĩa (Kỳ 3)


Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ
Tiếp theo Kỳ 1Kỳ 2

Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao công bố quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, ngày 8/5/2020. Photo PLO
Hội đồng thẩm phán xét xử trái pháp luật với mặc định Hồ Duy Hải phạm tội
Như đã đề cập tại Kỳ 1 (1) của bài viết này, thủ tục giám đốc thẩm theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự là nhằm “xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án”. Một trong những căn cứ để kháng nghị được quy định tại Khoản 2 Điều 371 là “Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án”.
Điểm o Khoản 1 Điều 4 (Giải thích từ ngữ) Bộ luật này quy đinh: “Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án”. Như vậy, những việc làm mà Cơ quan điều tra đã thực hiện nhưng không tuân đúng và đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Kháng nghị nêu ra là những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm án tử hình Hồ Duy Hải, đại diện VKSNDTC khẳng định các cơ quan tiến hành tố tụng đã có rất nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự, điều này trực tiếp ảnh hưởng đến giá trị chứng minh của chứng cứ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những căn cứ kết luận hành vi phạm tội của Hồ Duy Hải. Đó là: không thu giữ cái ghế inox, cái thớt và con dao là những vật chứng tìm thấy tại hiện trường; điều tra viên vẽ con dao mua ngoài chợ rồi đưa cho Hồ Duy Hải nhận dạng; không làm rõ dấu vân tay thu được tại hiện trường là của ai; không giải thích, làm rõ cơ chế hình thành vết thương trên cơ thể hai nạn nhân Hông và Vân; không trưng cầu giám định thời điểm nạn nhân chết; 4 tháng sau án mạng mới trưng cầu giám định vết máu thu được tại hiện trường (không loại trừ máu của hung thủ) dẫn đến không thể giám định vì máu đã bị phân hủy; không đưa vào hồ sơ vụ án lời khai đầu tiên của Hồ Duy Hải (ngày 20/3/2008), theo đó Hải không nhận phạm tội và lời khai của một số nhân chứng; không trưng cầu giám định thời điểm chết của các nạn nhân; làm một số biên bản nhận dạng không có người chứng kiến; sửa chữa một số biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung mà không có chữ ký xác nhận của người khai; không lấy lời khai của anh Phùng Ngọc Hiếu là nhân chứng đầu tiên phát hiện ra vụ án; không điều tra làm rõ các đối tượng tình nghi khác là Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol…

Những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nói trên đã cấu thành căn cứ để kháng nghị quy định tại Khoản 2 Điều 371 của Bộ luật tố tụng hình sự. Với căn cứ này, đại diện VKSNDTC đã yêu cầu Hội đồng thẩm phán hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên tử hình Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án.
Chắc chắn do thấy rằng không thể bác được căn cứ mà Kháng nghị nêu ra dựa trên Khoản 2 Điều 371 của Bộ luật tố tụng hình sự, Hội đồng thẩm phán bèn sử dụng lập luận “vi phạm tố tụng không làm thay đổi bản chất vụ án”. Quyết định giám đốc thẩm (2) cho thấy rõ điều này:
* Kháng nghị cho rằng một số biên bản nhận dạng không có người chứng kiến, một số biên bản ghi lời khai, hỏi cung có sự sửa chữa. Qua thẩm tra, Hội đồng thấy đây là thiếu sót, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án nên không cần điều tra lại.
* Về nội dung kháng nghị cho rằng một số lời khai của nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án, theo Hội đồng thẩm phán, kiến nghị này là đúng nhưng những sai sót này không làm thay đổi bản chất vụ án.
* Khám nghiệm tử thi ghi nhận “Bụng… dạ dày có chứa thức ăn đã nhuyễn, lượng ít…” (Bl 60), nhưng Cơ quan điều tra không giám định thời điểm chết của các nạn nhân là thiếu sót như Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu… Thiếu sót nêu trên không thay đổi bản chất vụ án nên không cần thiết phải điều tra lại.
* Qua xem xét những tài liệu nêu trên (lời khai của Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol, Phùng Phụng Hiếu), tuy không được lưu trong hồ sơ vụ án theo quy định của pháp luật nhưng nội dung của những tài liệu này không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án nên không cần thiết điều tra lại.
* Đối với nội dung kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng, một số biên bản nhận dạng không có người chứng kiến…một số biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung có sửa chữa, nhưng không có chữ ký xác nhận của người khai ... Qua kiểm tra hồ sơ vụ án và thẩm tra công khai tại phiên tòa giám đốc thẩm thì thấy đây là các sai sót, vi phạm thủ tục tố tụng của Cơ quan điều tra. … những vi phạm, sai sót nêu trên không phải vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và không làm thay đổi bản chất vụ án nên không cần thiết phải điều tra lại.
* Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về những vấn đề nêu trên là đúng. Tuy nhiên, những vi phạm, thiếu sót này không làm ảnh hưởng đến việc xác định bản chất của vụ án.
Để biết được lập luận này của Hội đồng thẩm phán đúng hay trái pháp luật không thể không làm rõ nội hàm của “bản chất vụ án”. Trước khi tiến hành, cần thiết phải làm rõ sự khác biệt giữa “tội phạm” và “người phạm tội” vì không ít người lẫn lộn hai khái niệm này với nhau. “Tội phạm” là “hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự”. “Người phạm tội” là “người thực hiện tội phạm”, thường được gọi là “thủ phạm”, “hung thủ” hay “kẻ thủ ác”.
Hiển nhiên, “bản chất” là điều cần làm rõ trước tiên. Theo định nghĩa chung nhất của các từ điển, “bản chất” là thuộc tính gốc của sự vật, sự việc, hiện tượng. Vậy, “bản chất” của một vụ án hình sự là “tội phạm”. Chẳng hạn, “tội giết người” quy định tại Điều 93., “tội cướp tài sản” quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự 1999. Do đó, “bản chất” của vụ án xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi là “giết người” và “cướp tài sản”, sự thật này không bao giờ thay đổi, bất luận thủ phạm có được tìm ra hay không. Ngược lại, người bị buộc và kết tội hoàn toàn có thể thay đổi. Bằng chứng là các ông Nguyễn Thanh Chấn, Nguyễn Văn Nén, Hàn Đức Long bị kết án tử hình về “Tội giết người” cuối cùng được trắng án vì các hung thủ đầu thú hoặc các chứng cứ ngoại phạm cuối cùng được làm rõ. Tóm lại, “bản chất vụ án” là “tội phạm”, chứ không phải hoặc bao gồm “thủ phạm” hay người bị buộc và kết tội. Thế nhưng, Hội đồng thẩm phán lại quan niệm “bản chất vụ án” một cách khác hẳn.
Tại Hội nghị giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo trung ương ngày 12/5 vừa qua, Phó chánh án TAND tối cao, thành viên Hội đồng thẩm phán Nguyễn Trí Tuệ nói: “Hội đồng xét xử giám đốc thẩm thấy rằng, trong quá trình điều tra Hồ Duy Hải, các cơ quan tố tụng có những vi phạm nhưng không làm ảnh hưởng đến bản chất của vụ án, do vậy không cần phải kiểm tra lại. Ví dụ như chuyện không kịp thu hồi cái thớt, con dao là có sai sót. Tuy nhiên khi xem xét, đối chiếu với những lời khai, chứng cứ khác thì Hội đồng thấy rằng là bị cáo không oan. Bản chất là hành vi “Giết người, cướp tài sản” của Hồ Duy Hải phải bị trừng trị theo quy định của pháp luật” (3). Vậy là rõ, “bản chất vụ án” xảy ra ở Bưu điện Cầu Voi trong quan niệm của Hội đồng thẩm phán là “hành vi giết người, cướp tài sản của Hồ Duy Hải” hay nói cách khác,”Hồ Duy Hải là người phạm tội”.
Với “bản chất vụ án” được xác lập như vậy thì lập luận “vi phạm tố tụng không thay đổi bản chất vụ án” của Hội đồng thẩm phán là trái pháp luật tố tụng hình sự, như chứng minh sau đây.
Điều 1 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định: “Bộ luật tố tụng hình sự quy định trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự”.
Điều 13 (Suy đoán vô tội) Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Điều 17 (Trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng) Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: “Trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh thực hiện quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình. Người vi phạm pháp luật trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật”.
Các quy định pháp luật trên có nghĩa nếu điều tra - hoạt động khởi đầu tố tụng hình sự - không tuân thủ trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự (gọi tắt là thủ tục tố tụng) thì kết quả điều tra không được coi là căn cứ để buộc tội, kết tội và vì vậy phải bị hủy bỏ. Đây cũng là nguyên tắc của tố tụng hình sự của mọi quốc gia trên thế giới. Nói cách khác, thủ tục tố tụng là tiền đề, tìm ra người phạm tội là kết luận. Tiền đề sai thì kết luận sai, không tuân thủ hoặc làm trái thủ tục tố tụng tất không thể xác định được hoặc xác định sai thủ phạm.
Cùng cần nói thêm rằng cho dù không phải lúc nào tuân thủ thủ tục tố tụng cũng dẫn đến kết quả khả quan là tìm ra được kẻ thủ ác, việc chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật này lại bảo vệ được quyền con người khi giúp tránh được làm oan người vô tội, nhất là trong trường hợp tội phạm được xác định có hình phạt đến tử hình. Vụ án Hàn Đức Long một lần nữa chứng tỏ điều này.
Như vậy, với lập luận “vi phạm tố tụng không thay đổi bản chất vụ án” Hội đồng thẩm phán đã lấy “Hồ Duy Hải phạm tội” (kết luận) thay cho “thủ tục tố tụng” (tiền đề) để giải quyết vụ án mạng xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi 12 năm trước. Điều này chẳng những đi ngược lại nguyên tắc “suy đoán vô tội” mà nghiêm trọng hơn hết thảy, đảo lộn, mà thực chất là vứt bỏ, tố tụng hình sự.
Nêu ra một lập luận điên đảo và có tính phủ định Bộ luật tố tụng hình sự như vậy, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cùng 16 thành viên khác của Hội đồng thẩm phán TANDTC rõ là nói xéo Quốc Hội Việt Nam rỗi hơi, thừa giấy nên mới vẽ ra Bộ luật này để bảo đảm quyền con người, không làm oan người vô tội như Hiến pháp quy định!
(Còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét