Thứ Ba, 5 tháng 5, 2020

NHÂN LOẠI TANG THƯƠNG, VÌ ĐÂU NÊN NỖI? CHÍNH QUYỀN TRUNG QUỐC, TỘI CHỒNG TỘI!


Bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên

Đã hơn 8 tuần từ ngày ca bệnh Covid-19 được chính thức công bố ở Vũ Hán Trung quốc, nhân loại trên toàn cầu có lẽ còn chưa kịp hoàn hồn là chuyện gì đã và đang xảy ra cho họ. Bệnh dịch vẫn còn đang hoành hành mà chưa có dấu hiệu suy yếu, tính đến nay đã có khoảng 3 triệu rưỡi người xác nhận chính thức mắc bệnh với con số tử vong được công bố lên đến 1,4 triệu người.
Trong thời điểm tại nơi khởi điểm vụ dịch ở Vũ Hán Trung quốc với con số được cho là "khủng" đó để chính quyền TQ phải ban bố một lệnh chưa từng có trong lịch sử dịch bệnh trên thế giới từ 100 năm nay, là đóng cửa thành phố của 11 triệu dân. Nhưng những con số và sự kiện đó chưa thấm gì so với phần lớn còn lại trên thế giới hiện nay đang hứng chịu.
Nhìn lại con số của vụ đại dịch cúm A H1N1 toàn cầu năm 2009 (kéo dài 20 tháng từ 01/2009-08/2010), con số báo cáo chính thức là 1.6 triệu người mắc [1] và con số tử vong báo cáo chính thức cho WHO chỉ 18.449 người. [2] Tuy nhiên theo ước tính của một số nghiên cứu thì cho thấy số người mắc cỡ 700 triệu - 1.6 tỷ người mắc (11-21% dân số toàn cầu) [3] và tử vong cỡ 250 nghìn [4]. Hai con số này để nói lên dù AH1N1 2009 được coi là một đại dịch toàn cầu, thế nhưng con số tử vong cũng chỉ bằng cúm mùa hàng năm, theo WHO ước tính là 250-500 nghìn tử vong [5]
Như vậy để thấy, chỉ trong vòng 8 tuần mà con số tử vong chính thức của Covid đã bằng số tử vong của cúm mùa hàng năm hay bằng cả số tử vong ước tính của đại dịch toàn cầu AH1N1 2009 kéo dài trong 20 tháng!

Hơn thế nữa, một thế kỷ trôi qua, nhân loại trên thế giới có lẽ không còn nhớ hoặc đại đa số chưa bao giờ có khái niệm hay biết thế nào là "mất quyền công dân" một cách khơi khơi, đặc biệt là các nước tư bản với quyền tự do cá nhân được tôn trọng tuyệt đối. Vài tỷ người vô tội trên hành tinh, sau lệnh lockdown của chính phủ mình, bỗng chốc trở thành "tù nhân tại gia không án", với một điều kiện sống tối giản đến mức có thể, cho tới nay dân chúng ở nhiều nước đã và đang phải trải qua "6 đến 8 tuần tù tội" như vậy mà chưa thấy tia sáng cuối đường hầm.
Tệ hại hơn, nền kinh tế toàn cầu chỉ sau vài tuần rơi ngay vào vực thẳm suy thoái, nhắc nhớ nỗi kinh sợ trong trí nhớ nhiều chuyên gia nạn Đại suy thoái Kinh tế 1930, và "vết xe đổ" đó có vẻ còn nghiêm trọng hơn và nỗi sợ hãi đang hiện tiền.
Trong khi đó, Trung Quốc sau 79 ngày Vũ Hán bị phong tỏa, tình hình dịch bệnh được báo cáo là yên ổn và lệnh phong tỏa dỡ bỏ. Mừng cho dân chúng Trung quốc được chút hy vọng thì sự oán giận những hành xử của chính quyền Trung quốc của các nước ngày càng tăng lên.
Bao nhiêu câu hỏi đặt ra, quan trọng nhất là COVID-19 ĐẾN TỪ ĐÂU, COVID-19 CÓ ĐÁNG ĐỂ TRỞ THÀNH ĐẠI DỊCH TOÀN CẦU HAY KHÔNG? CHÍNH QUYỀN TRUNG QUỐC CÓ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ VẤN NẠN NÀY KHÔNG? Tất cả đều không phải là không có lý do chính đáng để cần phải đi tìm lời giải đáp.
Điều đầu tiên là về cách cai trị theo kiểu toàn trị tập trung quyền lực của chế độ CS như Trung Quốc vốn chứa đựng nhiều bí ẩn và nguy cơ cũng như thiếu minh bạch đã ngay từ đầu gây mất niềm tin đối với các nước tư bản.
Khởi đầu là sự thiếu minh bạch về nguồn gốc và thời điểm bệnh viêm phổi lạ được phát hiện đầu tiên. Sự ém nhẹm được lộ ra khi một số các bác sĩ ở Vũ Hán lên tiếng thông báo cho các đồng nghiệp thì lập tức bị trừng phạt. Một trong những người đã dũng cảm lên tiếng, bác sĩ nhãn khoa trẻ tuổi Li Wenliang đã mất mạng vì chính Covid-19.
Kế đến, sự thiếu minh bạch và chậm trễ thông tin về khả năng nguy cơ lây nhiễm từ người sang người, làm cho chính WHO cũng không có phương hướng để ra hướng dẫn. Đoàn thị sát của các chuyên viên WHO đến Trung Quốc thì chỉ được 'ngồi uống nước trà' ở Bắc Kinh, còn dịch thì đang ở Vũ Hán!
Không ai khác, Đài-loan- một tiểu đảo quốc không được TQ và WHO thừa nhận, đã đặt nghi vấn về sự mập mờ thông tin của Trung Quốc. Họ đã hiểu quá rõ, "đi guốc trong bụng" Trung Quốc nên âm thầm tự điều tra, tự hành động.
GS Ih-Jen Su, nguyên Giám đốc CDC của Đài loan cho biết Đài loan luôn luôn trong tình trạng đi trước một bước so với thông tin được đưa ra từ Trung quốc. "Khi nghe họ nói dường như là có khả năng bệnh gây lây nhiễm từ người sang người thì chúng tôi đã có ngay linh cảm rằng sẽ có một vụ dịch lây lan giữa người và người bùng nổ lớn" GS Su nói. Và vì thế Đài loan bắt tay vào ngay chuẩn bị cho một tình huống xấu nhất. "Tin sao nổi TC. Họ làm gì có minh bạch thông tin mà dựa vào đó, vì thế mà chúng tôi có kế hoạch của riêng mình và phải đi trước một bước. Tin TC thì chỉ có bán lúa giống" diễn theo lời GS Su. [6]
Ngay cả Việt Nam, một đất nước rập khuông thể chế chính trị của Trung Quốc, "môi hở răng lạnh" với "anh Hai", tuy không nói ra, nhưng thông qua các biện pháp chống dịch Covid-19 lần này thì hẳn phải biết Việt Nam hiểu TC như thế nào.
Đã có tin "Mắt lửa" (FireEye) một tổ chức An ninh Mạng có tổng hành dinh ở California cho rằng thông qua nhóm hacker ATP32- làm việc cho chính phủ Việt Nam, đã cố gắng xâm nhập vào các địa chỉ điện thư của cá nhân cũng như những người có chức trách trong Bộ Xử trí Khẩn cấp của Trung quốc và của chính quyền Vũ Hán để tìm kiếm thông tin. [7] Có lẽ vì thế mà giống như Đài-loan, Việt Nam đã kịp hành động, ra tay sớm và chống dịch quyết liệt. Một phần thành công có lẽ là ở chỗ “không tin TC", bằng mặt nhưng không bằng lòng", vì họ đã quá hiểu nhau. Mặc dù Việt Nam đã lên tiếng là cáo buộc này là không có cơ sở [8]
Hành xử của chính quyền Trung quốc càng ngày càng trở nên trơ trẽn hơn khi mà đợt bùng nổ dịch ở Trung quốc đang vào thoái trào và mở ra nhiều hy vọng, vì số lượng ca mắc gần như không có. Lập tức Trung quốc gần như có hành động ra tay "nghĩa hiệp", trở thành nhà cung ứng [vô tận] mọi trang thiết bị chống dịch Covid-19 cần thiết cho bất kỳ nước nào có nhu cầu. Sự trơ trẽn bắt đầu lộ ra khi các nước nhận trang thiết bị nhận ra là toàn đồ dỏm, kém chất lượng, có khi còn nguy hiểm chết người.
Từ bộ xét nghiệm
Thứ nhất là bộ xét nghiệm. Anh quốc nhận quả đắng không chỉ vì một "tứ cường" dẫn đầu về con số nhiễm (182260 ca) và tử vong (28131) cho tới hôm nay, mà thêm ngậm đắng nuốt cay với 2 triệu bộ xét nghiệm nhập về từ Trung quốc với giá chí ít là 20 triệu đô la Mỹ, giờ bỏ không, không dám xài vì kém chất lượng. [9]
Có riêng đâu mỗi Anh quốc, Tây-ban-nha đã phải lập tức gửi trả ngay cho Trung quốc lô bộ xét nghiệm nhập đầu tiên, nằm trong một hợp đồng khủng với khoảng 466 triệu đô Mỹ để nhập khoảng 5.5 triệu bộ xét nghiệm [10]. Ấn-độ cũng lên tiếng yêu cầu trả lại 500 nghìn bộ xét nghiệm. Một số các quốc gia khác như Tiệp-khắc, Thổ-nhĩ-kỳ và Hà-lan cũng đồng thanh lên tiếng về các bộ xét nghiệm của Tàu kém chất lượng [11]
Chưa dừng lại ở đó, Mỹ dãy nảy lên với 12 nghìn bộ xét nghiệm nhập từ Tàu để tìm virus lại bị nhiễm vi trùng mặc dù đó là một loại vi trùng thường gặp. Viện ĐH Washington đã tài trợ 125 nghìn đô la để tặng cho tiểu bang, trở thành tội đồ "rước voi về dày mả tổ"! [12]
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Úc Petter Dutton cũng đã lên tiếng cảnh báo việc sử dụng các bộ xét nghiệm có thể tự xét nghiệm tại nhà nhập từ Tàu là không đáng tin cậy, còn gây nguy hại. [13]
Đến khẩu trang y tế
Khẩu trang y tế là một bộ phận bảo vệ nhân viên y tế trong mùa dịch không thể thiếu. Tuy nhiên, sự bất lực của các nền y tế vẫn luôn được cho là tân tiến, tiên phong của nhân loại trước một bệnh dịch bùng phát không dự đoán trước được thì việc khủng hoảng thiếu trang thiết bị vật tư là dễ hiểu. Với một nguồn lực sản xuất dồi dào, nhân công rẻ mạt, Trung Quốc đang chưa kịp lấy lại thể diện và còn đang trong vòng nghi vấn thì trở bỗng thành "anh hùng" ra tay cứu nhân độ thế.
Nhưng hỡi ôi, bộ xét nghiệm dỏm thì đã đành, vì có thể còn lấp liếm về những lý do đòi hỏi kỹ thuật cao, virus mới vân vân, nhưng cái đơn giản căn bản như khẩu trang y tế mà cũng gặp vấn đề- không đủ đảm bảo chất lượng bảo vệ- dỏm. Thà cứ để mặt trần còn biết mình đang có nguy cơ tiếp xúc, còn hơn là đeo cái khẩu trang dỏm vô tưởng an toàn thì còn nguy hại hơn!
Cuối tháng 03/2019, Bộ Y tế Hà-lan lập tức cho thu hồi 600 nghin khẩu trang y tế nhập từ Tàu vừa phân phối cho các bệnh viện. Khẩu trang không đeo vừa khớp mặt nhân viên nên gần như không có khả năng ngăn ngừa gì lây nhiễm qua giọt rơi vãi từ đường hô hấp của bệnh nhân. [14]
Ở một không gian khác, Úc thu giữ lô 800 nghìn chiếc khẩu trang y tế với giá trị 1.2 triệu đô la nhập từ Tàu vì lý do kém chất lượng [15] Toronto, Canada cho thu hồi lô khẩu trang hơn 62 nghìn chiếc kém chất lượng trị giá 200 nghìn đô sản xuất từ Trung quốc không rõ đầu ra [16]
Trước hàng loạt phản ứng từ các nước, Trung quốc vội vã ra lệnh thu hồi 89 triệu khẩu trang kém chất lượng [17].
Đau thương chưa dừng ở đó, tới Máy thở
Các bác sĩ ở các bệnh viện Anh kêu trời với 250 máy thở nhập từ Tàu. Dùng nó còn làm tăng nguy cơ tử vong hơn cho bệnh nhân. Các máy này của Tàu được cho là có vấn đề về kỹ thuật: trục trặc trong phân phối oxygen, khó bảo dưỡng, cấu trúc không như những máy thở thường quy và hướng dẫn sử dụng rắc rối, khó hiểu vi thế mà làm tăng nguy cơ tử vong của bệnh nhân [18]
Một mặt cho xuất đi thiết bị kém chất lượng cho các nước, mặt khác Trung quốc lại âm thầm thu gom nhập các trang thiết bị chống dịch [có chất lượng, dĩ nhiên] được sản xuất từ Úc và các nước khác về Tàu.
Một đoạn video clip quay lại được ở sân bay quốc tế Perth (Tây Úc) cho thấy một lô lớn đến 90 tấn hàng trang thiết bị y tế do một công ty Trung quốc chở về Vũ Hán vào khoảng tháng 2/2020. [19] Nguồn tin cho biết Công ty Địa ốc Toàn cầu, Greenland- một doanh nghiệp QUỐC DOANH lớn của Tàu đã cho nhân viên đang làm việc toàn thời của mình bao gồm các nhân viên hành chính, nhân sự, quản lý dự án, hợp đồng đi ra thị trường cũng như các hiệu thuốc ở Úc thu gom các trang thiết bị thiết yếu để chống dịch bao gồm khẩu trang y tế, dung dịch cồn sát khuẩn tay, cặp nhiệt độ, găng tay rồi gửi về Vũ hán.
Trong một ngữ cảnh khác, trên mạng phát tán bức hình do news.com.au cho thấy công ty Risland do Tàu làm chủ ở Úc đã tuyên bố trên mạng một cách tự hào rằng “có 90 tấn (khủng) các thiết bị vật tư y tế chọn lọc” đã được “chuyển trực tiếp từ Sydney về Vũ hán”.
Đoạn video ở phi trường Perth cho thấy các mặt hàng này được chuyên chở về Tàu có liên quan đến một người thuộc công ty Risland một công ty xây dựng nhà dân dụng của Tàu ở Úc, và đây không phải là một doanh nghiệp quốc doanh. Và theo luật, thì một doanh nghiệp không phải quốc doanh của Tàu thì không bị hạn chế trong việc mua chuyển hàng hóa.
Như vậy có thể suy luận rằng nhân viên công ty quốc doanh của Tàu đi thu gom hàng, rồi lại chuyển về Tàu thông qua một công ty phi quốc doanh khác cũng của Tàu để có thể lách luật xuất khẩu của Úc mà tuồn hàng về Tàu. Dĩ nhiên, đâu có chuyện hai công ty lại bắt tay làm ăn với nhau. Hẳn phải có một sự chỉ đạo hợp tác!
Tính từ 24/1/2020 đến 29/02/2020, Trung quốc đã nhập khoản 2.5 tỷ các mặt hàng y tế bao gồm tấm che giọt bắn, khẩu trang, găng tay và cả máy thở, theo nguồn tin từ cán bộ hải quan quốc gia của Tàu, làm cho các nhân viên Y tế các nước khác phải lâm vào tình trạng thiếu thốn trang thiết bị bảo vệ cá nhân.[20] Hậu quả như thế nào thì đã rõ.
Trong vòng 2 tháng qua, riêng tại Mỹ có hơn 9000 nhân viên y tế bị mắc Covid-19 và đã có hàng tá người tử vong. [21] . Ở Anh mặc dù NIH thông báo là có 47 nhân viên y tế bị tử vong do Covid-19, thế nhưng theo tờ The Guardian đã ghi nhận 144 trường hợp.[22]
Tại Ý, một dữ liệu cho thấy khoảng 9% số bệnh nhân Covid-19 là nhân viên y tế! [23]
Nhưng những con số trên đây vẫn có lẽ là chưa đủ phản ánh đúng thực tế. Và ai cũng có thể hình dung được tại sao nhân viên y tế- những người ở ngay chiến tuyến hàng giờ, hàng ngày tiếp cận với không chỉ bệnh nhân Covid-19 mà còn thường xuyên tiếp xúc với môi trường đậm đặc nhiễm bẩn có thể mắc bệnh bất cứ lúc nào. Thiếu thốn trang thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) có thể được coi là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tiêu hao lực lượng bảo vệ chăm sóc và chữa trị cho người bệnh.
Dĩ nhiên, sự thiếu thốn trang thiết bị đó không thể đổ riệt tội cho Tàu vì tội vơ vét đầu cơ nguồn này từ các nước khác, nhưng không thể nói không!
Và chưa biết sẽ còn có sự cố gì nữa trong đại dịch Covid-19 với anh Tàu!
Cho nên, việc các quốc gia tây phương lên tiếng cần phải điều tra lại toàn bộ vụ dịch để xem trách nhiệm liên đới của chính quyền Trung quốc đến đâu. Nói thì nói, nhưng đâu dễ dàng gì mà nhận sự "hợp tác trong sáng, minh bạch" của Tàu. Chính vì thế nên mới có chuyện cần phải có gián điệp.
Trong chuyện quy kết trách nhiệm cho chính quyền Trung quốc về nạn đại dịch Covid-19, Tổng thống Mỹ Donald Trump, ban đầu rất kiên định dùng từ "Chinese virus", rồi hàng loạt công bố về các nghi vấn đến điều tra, đến áp chế quan hệ v..v...
Tuy gọi là nước phát triển, nhưng Úc không phải là một cường quốc, lại có quan hệ song phương với Trung quốc trên nhiều lĩnh vực nếu không nói Trung quốc là "đối tác chiến lược" của Úc, thế mà đã uất ức phải lên tiếng. kiên định kêu gọi các quốc gia đồng lòng để điều tra rõ ràng nguồn gốc đại dịch Covid-19 vì không chịu nổi cảnh dân tình lâm bệnh theo cấp số, người chết đếm mỗi ngày; dân chúng ngủ một đêm dậy mất việc cả nửa triệu. Chưa kịp hồi tỉnh sau đại thảm nạn cháy rừng thì nền kinh tế Úc lại bị giáng thêm một đòn trí mạng hơn bởi Covid-19, không biết vài thập niên nữa có ngóc dậy nổi không.
Giờ thì có lẽ không lạ gì tại sao các lãnh đạo các nước tây phương rất mạnh miệng lên tiếng. Mới đây tờ Telegraph Thứ Bảy của Úc đã nhận được một tập hồ sơ 15 trang, tạo nên một nền tảng chứng cứ về sự ẩu tả gắn liền với trách nhiệm của Trung Quốc [24]
Nhóm Tình báo Đồng minh "Năm Con mắt" (Five Eyes) là một liên minh Tình báo của 5 nước: Mỹ, Canada, Anh, Úc và New Zeland đã thu thập chứng cứ tố cáo Trung Quốc đã ém nhẹm vụ dịch conornavirus, và khẳng định rằng Trung Quốc đã cố tình hủy các bằng chứng có liên quan đến vụ đại dịch này.
Theo hồ sơ mà các nước Tây phương đã soạn thảo về vụ dịch Covid-19 thì Chính quyền Trung quốc cố tình dấu giếm hoặc đã tiêu hủy bằng chứng về vụ dịch coronavirus, dấu nhẹm về tình trạng lây nhiễm từ người sang người là một hành động “làm tổn hại tính minh bạch quốc tế”, là mấu chốt để cho các nước trên thế giới không kịp trở tay khi dịch lan mạnh ra khỏi lãnh thổ Trung quốc, gây hậu quả làm thiệt mạng hàng chục vạn sinh linh.
Bản báo cáo xác định rằng: “Các nước khác trên thế giới ở trong tình trạng nguy hiểm” do Chính quyền Trung quốc đã che giấu thông thông tin. Buộc các bác sĩ những người đã gióng chuông cảnh tỉnh phải im tiếng hoặc làm “mất tích”. Chính quyền Bắc kinh đã cố gắng cho thế giới bên ngoài biết là tình trạng dịch không nghiêm trọng nhưng mặt khác thì bí mật xóa sạch các dấu vết của vụ dịch. Chiến dịch này bao gồm 'tiêu hủy' các mẫu virus trong phòng thí nghiệm, tẩy rửa sạch sẽ chợ hải sản, kiểm duyệt bỏ toàn bộ các bằng chứng về 'người mang mầm bệnh không triệu chứng' và không cung cấp mẫu virus sống cho các nhà khoa học quốc tế những người đang nỗ lực tìm ra vaccine.
Hồ sơ cũng có nêu rằng các đội ngũ các nhà khoa học Trung quốc đã từng được chính phủ Úc tài trợ và đào tạo họ là chuyên viên của phòng thí nghiệm, đã tiến hành làm thay đổi cấu trúc di truyền của các loại coronavirus chết người mà vì thế nó có thể truyền bệnh từ dơi sang người và hẳn là không có cách chữa trị, và hiện nay đang là đối tượng của quá trình điều tra nguồn gốc gây ra đại dịch Covid-19.
Các cơ quan tình báo đang điều tra việc liệu có phải virus đã bị rò rỉ không cố ý từ phòng thí nghiệm Vũ Hán hay không, và đội ngũ cùng như các nghiên cứu do nhà khoa học Shi Zhengli chủ trì đang là chủ đề được nêu lên trong hồ sơ mà các chính quyền Tây phương đã đặt quan ngại trong một số nghiên cứu họ đã thực hiện.
Bản tin dài khoảng 3500 từ, rất dài, sẽ dịch lại toàn bộ sau, ở đây chỉ tóm tắt lại các mốc thời gian chính mà Nhóm Tình báo Đồng minh "Năm Con mắt" ghi nhận là nạn đại dịch Covid-19 đã bị chính quyền Trung quốc che đậy:
09/11/ 2015: Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán đăng tải một nghiên cứu mà họ đã tạo ra một dòng virus mới trong phòng thí nghiệm từ virus SARS-CoV [loại gây ra dịch SARS năm 2002-2003]
06/12/2019: Năm ngày sau khi một người đàn ông có liên đới với chợ hải sản Vũ hán biểu hiện các triệu chứng bệnh của viêm phổi, thì vợ ông bị mắc bệnh, đầu mối cho thấy khả năng lây nhiễm giữa người sang người.
27/12/2019: Giới chức Y tế Trung quốc công bố bệnh dịch mới, có khoảng 180 bệnh nhân do một loại coronavirus mới gây nên.
26-30/12/2019: Bằng chứng virus mới làm dịch bùng phát theo dữ kiện trên bệnh nhân ở Vũ hán.
31/12/2019: Giới chức quản lý mạng của Trung quốc bắt đầu kiểm duyệt bỏ các từ khóa tìm kiếm trên các bộ phận truy tìm thông tin trên mạng xã hội các từ có liên quan đến viêm phổi Vũ hán.
01/01/2020: Tám (8) bác sĩ ở Vũ hán, những người cảnh báo về virus mới gây bệnh đã bị giam giữ và kết tội.
03/01/2020: Lãnh đạo Y tế tối cao của Trung quốc ban lệnh cấm cung cấp thông tin về bệnh dịch
05/01/2020: Ủy ban Sức khỏe Vũ hán dừng việc cập nhật số bệnh nhân mới hàng ngày cho tới 18/01/2020.
10/01/2020: BS Wang Guangfa thành viên của ban chuyên gia quốc gia chống dịch Covid-19 tuyên bố dịch đã “trong vòng kiểm soát” (under control) và hầu hết là 'tình trạng nhẹ'.
12/01/2020: Chỉ một ngày ngay sau khi Phòng thí nghiệm của GS Zhang Yongzhen ở Thượng hải là nơi đầu tiên đã chia sẻ dữ liệu bộ gên của virus cho thế giới, thì đã bị các nhà chức trách lệnh đóng của để 'sửa chữa'.
14/01/2020: Chánh Ủy ban Sức khỏe Quốc gia, Ma Xiaowei đã cảnh báo riêng với các đồng nghiệp rằng virus có thể bùng phát thành một sự cố sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng.
24/01/2020: Các nhà chức trách Bắc Kinh nghiêm cấm Viện Virus Vũ hán chia sẻ các mẫu virus phân lập được cho Trường ĐH Texas.
06/02/2020: Cơ quan giám sát mạng internet của Trung quốc siết chặt việc kiểm soát các kênh mạng thông tin xã hội.
09/02/2020: Một thương nhân, một nhà báo công dân Fang Bin mất tích.
16/02/2020: Huang Yan Ling, một nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán, người được cho là "Bệnh nhân Zero" châm ngòi cho vụ đại dịch toàn cầu đã biến mất một cách bí hiểm và toàn bộ lý lịch của bà đã bị xóa bỏ khỏi trang web của Viện.
17/04/2020: Vũ hán chậm trễ nâng con số tử vong lên thêm 1290 người.
Chừng đó đã đủ chưa để thấy trách nhiệm của Chính quyền Trung quốc trong:
(1) Để nạn dịch Covid-19 bùng phát
(2) Không những không kịp thời cảnh báo để ngăn ngừa mà còn cố tình ém nhẹm để cho dịch Covid-19 lan rộng mạnh ra khắp thế giới thành thảm nạn đại dịch toàn cầu.
Ấy thế mà khi Úc kêu gọi điều tra ngọn nguồn cũng như sự lan truyền của đại dịch Covid-19, lập tức các nhà ngoại giao Trung quốc hống hách thách thức và đe dọa sẽ cắt đứt việc làm ăn với Úc bằng cách không nhập hàng của Úc nữa, rút học sinh của họ về không cho đi du học ở Úc nữa. Lộng ngôn như một Chủ biên của tờ Thời báo Toàn cầu (Global Time) Hu Xijin nói thêm " Úc luôn là kẻ gây hấn thường trực. Cứ giống như mẩu kẹo cao su dính vào đế giày của Trung quốc. Thỉnh thoảng phải tìm một viên đá để cạo nó ra." (Australia is always there, making trouble. It is a bit like chewing gum stuck on the sole of China’s shoes. Sometimes you have to find a stone to rub it off [25]).
Rồi đây, một khi đại nạn đi qua, thế giới tây phương hẳn đã đủ tỉnh và đủ trí để biết phải nhìn nhận lại cách đối đãi của mình với Tàu như thế nào, và phải biết cách liên minh với nhau để đối trị lại với cách hành xử 'làm cha thiên hạ' của một nước dư lớn nhưng chưa bao giờ đủ để vĩ đại như Trung quốc cả!
Tài liệu tham khảo:
1. "Weekly Virological Update on 05 August 2010". World Health Organization (WHO). 5 August 2010.
2. "Pandemic (H1N1) 2009—update 112". World Health Organization (WHO). 6 August 2010.
3. Roos R (8 August 2011). "Study puts global 2009 H1N1 infection rate at 11% to 21%". Center for Infectious Disease Research and Policy.
4. First Global Estimates of 2009 H1N1 Pandemic Mortality Released by CDC-Led Collaboration". cdc.gov. 25 June 2012.
5. Roos R (27 June 2012). "CDC estimate of global H1N1 pandemic deaths: 284,000". CIDRAP.
6. https://www.smh.com.au/…/population-the-same-as-australia-s…
7. https://www.theregister.co.uk/…/vietnamese_hackers_hit_chi…/
8. https://e.vnexpress.net/…/vietnam-says-reports-it-hacked-ch…
9. https://www.nytimes.com/…/europe/coronavirus-antibody-test-…
10. https://www.euractiv.com/…/spain-returns-faulty-test-kits-…/
11. https://www.newsweek.com/india-clashes-china-after-returnin
12. https://www.the-sun.com/…/thousands-contaminated-chinese-c…/
13. https://thenewdaily.com.au/…/dutton-warns-against-virus-te…/
14. https://www.businessinsider.com.au/coroanvirus-holland-reca
15. https://www.abc.net.au/…/coronavirus-chinese-ppe-b…/12085908
16. https://globalnews.ca/…/coronavirus-city-of-toronto-surgic…/
17. https://www.straitstimes.com/…/coronavirus-china-seizes-ove…
18. https://www.nbcnews.com/…/british-doctors-warn-chinese-vent…
19. https://www.dailyexaminer.com.au/…/90-tonnes-of-su…/3983282/
[20. https://asiatimes.com/2020/04/478656/
21. https://www.businessinsider.com.au/healthcare-workers-who-d
22. https://www.theguardian.com/…/doctors-nurses-porters-volunt…
23. https://www.icn.ch/…/high-proportion-healthcare-workers-cov…
24. https://www.dailytelegraph.com.au/…/55add857058731c9c71c0e9…
25. https://www.theguardian.com/…/australia-called-gum-stuck-to…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét