Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020

Bác kháng nghị án tử hình Hồ Duy Hải là khai tử Pháp chế xã hội chủ nghĩa (Kỳ 4 – Kỳ cuối)


Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

Hội đồng thẩm phán cố ý làm sai lệch chế định Chủ tịch nước
Liên quan đến án tử hình, Khoản 1 Điều 258 (Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi đưa ra thi hành) Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định: “Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước”. Điểm d Khoản 1 Điều 367 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cũng quy định tương tự. Các điều luật này là phù hợp với Khoản 4 Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, theo đó “Bất kỳ người nào bị kết án tử hình phải có quyền xin ân giảm hoặc xin thay đổi mức hình phạt”. Tóm lại, chỉ sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình thì bản án tử hình mới có thể được thi hành. Theo Điều 35 Bộ luật hình sự 1999 và Khoản 4 Điều 40 Bộ luật hình sự 2015, trong trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Cũng cần nói thêm rằng Chủ tịch nước không có quyền ân giảm án tử hình nếu người bị kết án không xin ân giảm hoặc chỉ kêu oan. Trong trường hợp người bị kết án tử hình có đơn kêu oan thì Văn phòng Chủ tịch nước trả hồ sơ về cho Chánh án Tòa TANDTC để giải quyết theo thẩm quyền (Điều 9 Quy chế số 72 QC/LT VPCTN-TANDTC ngày 30/10/2003 phối hợp công tác giữa Văn phòng Chủ tịch nước và TANDTC). Đơn kêu oan sẽ được TANDTC xem xét như đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm.
Sau khi Tòa phúc thẩm giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải, người này gửi Chủ tịch nước đơn xin ân giảm án tử hình. Ngày 24/5/2011, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình có Tờ trình đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải. 5 tháng sau, ngày 24/10/2011, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình có Tờ trình đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải. Trên cơ sở hai Tờ trình này, ngày 17/5/2012 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra Quyết định số 639/QĐ-CTN bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải. Tuy nhiên, ngày 04/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có Công văn số 1639/TB- VPCTN-m, thông báo ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về việc tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải và yêu cầu Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC chỉ đạo xem xét, làm rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không và báo cáo Chủ tịch nước.
Ngày 24/7/2019, Văn phòng Chủ tịch nước có Công văn số 688/VPCTN-PL-m thông báo Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Viện trưởng VKSNDTC xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải. Trên cơ sở Công văn này, ngày 22/11/2019, Viên trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí đã ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm (1).
Tranh luận với đại diện VKSNDTC tại phiên tòa giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán cho rằng Quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải là một quyết định tố tụng và Công văn của Văn phòng Chủ tịch nước là văn bản hành chính, văn bản hành chính không thay thế được quyết định tố tụng. Do đó, vẫn theo Hội đồng thẩm phán, Viện trưởng VKSNDTC ra Kháng nghị trên cơ sở Công văn của Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là vi phạm pháp luật?! (2). Quan điểm này sau đó được phản ánh trong Quyết định giám đốc thẩm.

Quyết định này ghi: “Chủ tịch nước đã có Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải. Ngày 24/7/2019, Văn phòng Chủ tịch nước có Công văn số 688/VPCTN- PL-m, thông báo ý kiến của Chủ tịch nước, đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải. Pháp luật tố tụng hình sự quy định, các quyết định tố tụng hình sự chỉ được thay thế, hủy bỏ bằng một quyết định tố tụng hình sự khác của cấp có thẩm quyền, chứ không thể thay thế bằng một văn bản hành chính. Trong khi Quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực thi hành nhưng Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao lại có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án hình sự sơ thẩm và Bản án hình sự phúc thẩm là vi phạm pháp luật tố tụng hình sự, không đúng thẩm quyền, không đúng với nội dung thông báo yêu cầu của Chủ tịch nước “bảo đảm đúng quy định của pháp luật” tại Công văn nói trên” (3).
Mấu chốt là phải chăng Quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải là một văn bản tố tụng? Để có lời giải đáp, cần thiết phải xem pháp luật xác định thế nào là văn bản tố tụng và tiếp đó, chế định Chủ tịch nước.
Khoản 1 Điều 132 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: “Văn bản tố tụng gồm lệnh, quyết định, yêu cầu, kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản án và các văn bản tố tụng khác trong hoạt động tố tụng được lập theo mẫu thống nhất”. Theo Điều 1 Bộ luật này, hoạt động tố tụng gồm “tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự”. Như vậy, văn bản tố tụng là văn bản được ban hành bởi các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành các hoạt động này.
Điều 86 Hiến pháp 2013 quy định: “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại”. Trong những nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước quy định tại Điều 88 Hiến pháp 2013 không hề có nhiệm vụ tiến hành tố tụng nói chung, “tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự” nói riêng. Ngược lại, vẫn theo Điều 88, Chủ tịch nước có một số quyền hạn liên quan đến tư pháp. Khoản 3 Điều này quy định Chủ tịch nước có quyền ra “quyết định đặc xá”. Tuy Hiến pháp không quy định chi tiết, “đặc xá” theo nghĩa thông thường bao gồm ân giảm án tử hình hay tha tội chết và tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt (4).
Như vậy, Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia chứ không phải là cơ quan hay người tiến hành hoạt động tố tụng, bất luận hình sự, dân sự hay hành chính. Việc xem xét ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước do đó không phải là một giai đoạn của tố tụng hình sự, không phải là kiểm tra tính có căn cứ và tính hợp pháp của bản án tử hình như cách thức mà Viện kiểm sát tiến hành khi thực hiện chức năng kiểm sát. Bởi lẽ này, văn bản liên quan đến tư pháp của Chủ tịch nước hay Văn phòng Chủ tịch nước nói chung, quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải nói riêng, không phải là một văn bản tố tụng.
Ngược lại, ân giảm án tử hình là một đặc quyền của Chủ tịch nước, điều này được tiến hành trên cơ sở cân nhắc các nhu cầu của Nhà nước và cá nhân vị này (nhân đạo, đối nội, đối ngoại, đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, ….) cũng như niềm tin nội tâm của vị này (có thể có sai sót trong tố tụng). Nó tương tự “quyền ân xá” (pardon right) của các nguyên thủ quốc gia khác, bất luận chính thể là quân chủ hay cộng hòa, độc tài hay dân chủ (Đạo luật của Hội đồng Cơ mật Anh, Điều 80 Hiến pháp Trung Quốc, Điều II, Mục 2, Khoản 1 Hiến pháp Mỹ, Điều 17 Hiến pháp Pháp …).
Cũng cần nói thêm rằng quyết định của Chủ tịch nước chấp nhận hoặc bác đơn xin ân giảm án tử hình là một văn bản cá biệt vì chỉ áp dụng pháp luật, chính sách của Nhà nước một lần cho một hoặc một nhóm đối tượng cụ thể. Nó khác với văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước đề ra quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng nhiều lần.
Chắc chắn việc Hội đồng thẩm phán khẳng định “quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải là một văn bản tố tụng” không phải do dốt nát, không phải do không có chút kiến thức sơ đẳng nào về Nhà nước và pháp luật vốn là môn học bắt buộc ở bất kỳ trường luật nào ở Việt Nam, hay không đọc Khoản 1 Điều 132 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về văn bản tố tụng như đã nói ở trên. Thực vậy, có 10 tiến sĩ, 5 thạc sĩ và 2 cử nhân, tất thảy ngành luật, trong cái tổ chức cao nhất của cơ quan có thẩm quyền tư pháp cao nhất này của Việt Nam. Ngược lại là đằng khác, Hội đồng thẩm phán biết rất rõ họ nói bừa.
Ngày 12/5/2020, 4 ngày sau phiên tòa giám đốc thẩm, trả lời phỏng vấn của báo Công Lý, cơ quan của TANDTC, thẩm phán Bùi Ngọc Hòa, một trong 17 thành viên của Hội đồng thẩm phán, khẳng định: “Sau khi có công văn của Văn phòng Chủ tịch nước về việc tạm dừng thi hành án và yêu cầu chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét lại toàn diện vụ án đó xem Hồ Duy Hải oan hay không oan, Hội đồng thi hành án tỉnh Long An đã ra quyết định tạm dừng thi hành bản án đối với Hồ Duy Hải. Như vậy, quyết định của Chủ tịch nước và quyết định thi hành án tử hình của hội đồng thi hành án là hai quyết định trong thủ tục thi hành án hình sự. Kháng nghị của VKS căn cứ công văn của Văn phòng Chủ tịch nước để ra kháng nghị là không đúng. Bởi vì các quyết định tố tụng hình sự chỉ được thay thế, hủy bỏ bằng một quyết định tố tụng hình sự khác của cấp có thẩm quyền. Công văn của Văn phòng Chủ tịch nước là văn bản hành chính”. Thẩm phán này cho biết thêm: “Sau khi Văn phòng Chủ tịch nước có công văn yêu cầu xem xét lại vụ án, TAND tối cao đã thành lập đoàn công tác liên ngành gồm cả ngành kiểm sát và công an xem xét để đánh giá lại toàn bộ hồ sơ vụ án” (5).
Thế là rõ, bằng việc mau mắn chấp hành công văn của Văn phòng Chủ tịch nước về việc tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải, cả tòa án tỉnh Long An lẫn Tòa tối cao đều thừa nhận “văn bản hành chính” này (6) đã tạm đình chỉ hiệu lực của quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của bị án này. Điều này có nghĩa quyết định này của Chủ tịch nước cũng là một “văn bản hành chính” bởi chỉ có thế thì mới có thể bị tạm đình chỉ bởi một “văn bản hành chính” khác. Lập luận trí trá của Hội đồng thẩm phán tự nó bóc trần nó, “Gậy ông đập lưng ông” chính là đây!
Tóm lại, chỉ vì quyết tử hình cho bằng được Hồ Duy Hải mà Hội đồng thẩm phán TANDTC do Chánh án Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa đã không ngần ngại xâm phạm chính Hiến pháp với việc cố ý làm sai lệch chế định Chủ tịch nước khi biến nguyên thủ quốc gia thành một cấp tố tụng.
Tạm kết
Ở Việt Nam, chẳng ai lạ gì “án bỏ túi”. Quyết định bác kháng nghị án tử hình Hồ Duy Hải của Hội đồng thẩm phán TANDTC lần đầu lụng thụng đen điểm đỏ chỉ là biểu hiện sinh động nhất của quốc nạn này mà thôi!
Tuy nhiên, hệ lụy của nó lại vô cùng kinh khủng. Không chỉ ném sinh mạng của một con người vào lưới hái tử thần một cách độc đoán hiếm thấy, điều khiến tất thảy thường dân Việt ngủ mà không thể nhắm mắt, phán quyết này phá hủy luôn Nhà nước và qua đó, đe dọa sinh mạng quốc gia. Khoản 1 Điều 8 Hiến pháp Việt Nam xác quyết: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật”. Do đó, bằng việc thủ tiêu Pháp chế xã hội chủ nghĩa thông qua phiên tòa kangaroo này – từ cố ý làm trái Bộ luật tố tụng hình sự cho tới cố ý xâm phạm Hiến pháp – toàn thể 16 thẩm phán Tòa tối cao dưới sự dẫn dắt của Chánh án Nguyễn Hòa Bình, người chưa bao giờ là thẩm phán (ngạc nhiên chưa!) đã đang thủ tiêu chính Nhà nước Việt Nam. Và ai cũng rõ, một khi Nhà nước “có cũng như không” hay vô chính phủ – vô pháp lên ngôi thì sinh mạng quốc gia Việt Nam chỉ là “trứng để đầu đẳng” trước dã tâm thôn tính của láng giềng bành trướng phương Bắc – Trung Quốc!
Để sống sót, các chế định khác của Nhà nước Việt Nam, Quốc Hội, Viện trưởng VKSNDTC trước hết, không còn con đường hợp pháp nào khác là phải nắm lấy Điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 để khởi động việc hủy bỏ Quyết định giám đốc thẩm để trên cơ sở đó điều tra lại vụ án theo đúng quy định của Bộ luật này (7). Việc Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí và các Đại biểu Quốc Hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, Trương Trọng Nghĩa ngay lập tức phản đối phán quyết này của Hội đồng thẩm phán và việc Ủy ban thường vụ Quốc Hội nhanh chóng giao các cơ quan chuyên môn của Quốc hội nghiên cứu những ý kiến của các vị này để có quyết định thích hợp là những chuyển động tuyệt đối đúng hướng.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ và không thể dừng lại ở “tự cứu” của Nhà nước Việt Nam với hệ quả, tôi chắc như vậy, tử tù Hồ Duy Hải sẽ được hoàn toàn giải án, mà là làm sao để giải quyết được cả một “Kim tự tháp án oan, sai” đang tồn tại ở Việt Nam, mà một trong số đó là án tử Nguyễn Văn Chưởng (8), cũng như để tránh “kỳ quan tội ác” ấy tái lập trong tương lai. Để làm được việc này, bên cạnh việc thực hiện thực sự và đầy đủ chức năng giám sát Nhà nước và pháp luật của mình, được thể hiện mới nhất bằng Nghị quyết số 96/2015/QH13 ngày 26/5/2015 về tăng cường biện pháp phòng chống án oan, án sai trong hoạt động tố tụng hình sự, Quốc Hội Việt Nam cần khẩn trương thực hiện một số cải cách tư pháp. Đó là: bảo đảm quyền im lặng, quyền có luật sư khi lấy cung để tránh bị bức cung của bị can, bị cáo bằng cách ghi rõ các quyền này trong Bộ luật tố tụng hình sự, chuyển quản lý các cơ sở giam giữ từ Bộ Công an sang Bộ tư pháp để tránh nhục hình, bức cung trong điều tra… Sự giám sát trực tiếp từ Người Dân, thông qua tố cáo hoặc phản biện qua kênh báo chí và mạng xã hội, chỉ có thể giúp cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất này hoàn thành nhanh hơn, kịp thời hơn, chính xác hơn những sứ mạng được chính Người Dân giao phó.
Suy cho cùng, án oan, sai và tham nhũng “tuy hai mà một”. Tham nhũng tất khiến những người có thẩm quyền bất chấp luật pháp khi điều tra, truy tố, xét xử. Chả thế ngạn ngữ có câu “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Thế nhưng chuyện đời là “có vay có trả”, các khối tài sản bất minh của những kẻ này sẽ là những chứng cứ buộc tội chúng vững chắc. Do đó, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng thời gian tới, những kẻ ra bản án, quyết định tố tụng trái pháp luật nói riêng, các cá nhân tiến hành tố tụng gây oan sai nói chung, sẽ là nguồn cung mới cho “lò thiêu tham nhũng” do đương kim Tổng bí thư ĐCSVN – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đích thân nhóm lên.
Chú thích
1. Vụ án Hồ Duy Hải: TOÀN VĂN KHÁNG NGHỊ GIÁM ĐỐC THẨM, xuandienhannom.blogspot.com, 8/5/2020.​
3. Tòa án nhân dân tối cao công bố bản Quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, Tạp chí Tòa án nhân dân – Cơ quan của Tòa án nhân dân tối cao, 13/05/2020
4. Khoản 1 Điều 3 Luật đặc xá 2018 giải thích “Đặc xá” là “sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt”. Như vậy, Luật đặc xá cần sớm được bổ sung quyết định của Chủ tịch nước ân giảm án tử hình hay “tha tội chết”.
5. Giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải: Thành viên Hội đồng thẩm phán nói gì? Công lý – Cơ quan của Tòa án nhân dân tối cao, 12/5/2020.
6. Tôi (CHHV) không cho rằng công văn của Văn phòng Chủ tịch nước về việc tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải là một “văn bản hành chính” theo nghĩa văn bản trao đổi ý kiến giữa các cơ quan Nhà nước. Đây là một lệnh của nguyên thủ quốc gia mà cơ quan tiếp nhận phải thi hành vô điều kiện.
7. Hồ Duy Hải không thể chết oan, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, VOA Tiếng Việt, 08/05/2020. Khoản 1. Điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó”.
8. Nguyễn Văn Chưởng bị tòa án VN kết án tử hình trái pháp luật, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, VOA Tiếng Việt, 26/12/2014
Tác giả là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét