Posted by adminbasam on 11/01/2017
Nguyễn Khắc Mai
11-1-2017
Kê Minh Thập Sách, nghĩa là Mười Chính Sách
(dâng) Lúc Gà Gáy Sáng, tương truyền là của Nguyễn Cơ Bích Châu, một vị phi hậu
của vua Trần Duệ Tông (1336-1377).
Theo Truyền Ký Tân Phả của Đoàn Thị Điểm, Bà
“là con gái nhà quan, tính cách cứng cỏi, tư dung tươi đẹp, thông hiểu âm luật
Lê viên, theo đòi văn từ nghệ phố, vua Trần Duệ tông nghe tiếng cho tuyển vào
cung”. Nhân thấy chính sự triều Trần, sau khi Dương Nhật Lễ tiếm quyền, ngày
càng suy kém, Bà liền thảo bài “Kê Minh Thập Sách” dâng lên (Kê Minh, tên một
bài thơ trong Kinh Thi, nói về một bà Hậu, nghe gà gáy sáng liền khuyên nhà vua
trở dậy đi dự phiên chầu. Tên bài thơ về sau được dùng để nói việc vợ khuyên
chồng lo việc quốc gia).
Các nhà nghiên cứu Kê Minh Thập sách như Vũ
Ngọc Khánh, Chương Thâu, Hữu Ngọc… đều khẳng định tiếng gà gáy là hình tượng
của sự thức tĩnh. Hữu Ngọc trong một bài viết đăng trên Le Courrier du Vietnam
có nhan đề “Tiếng gà gáy vọng về qua nhiều thế kỷ”. Liệu tiếng “Kê minh” đã
vang vọng từ bảy thế kỷ nay, có làm thức tỉnh điều gì trong chúng ta, khi bước
vào thời kỳ mới của công cuộc chấn hưng và phát triển đất nược hay không? Quả
thật mỗi điều là một minh triết. Nó không phải là tư duy duy lý, mà là những
chân lý giản đơn, có tính khái quát, phổ cập rất cao. Chúng giống như những
công thức, mà mỗi thời đều có thể đem dùng trong những bài toán cụ thể về chính
trị, kinh tế, văn hóa, dân sinh của thời đại mình.
Mở đầu, Bà nêu lại một phương châm phòng
ngừa từ xa “cư an tư nguy”, ở vào thời yên phải tính lúc nguy, gây nền trị từ
khi chưa loạn.
Thập sách của Bà dâng lên gồm bốn chính sách
về chính trị, hành chính, hai chính sách về văn hóa, giáo dục, tư tưởng, và bốn
chính sách quân sự. Chúng tôi mạo muội gọi là những Minh Triết Trị Nước An Dân.
Ở hàng đầu, Bà nêu lên vấn đề có tính nguyên
tắc, đạo lý của mọi đường lối chính trị. Đó là đạo lý tôn dân. Bà nói “Phù Quốc
bản, hà bạo khử tắc Dân tâm tự an”. Có nghĩa là nâng lên, đề cao gốc nước. Gốc
nước, chính là người dân. Trong truyền thống đạo trị nước của Việt Nam từ ngàn
xưa, nguyên lý “Quốc dĩ dân vi bản” – Nước lấy dân làm gốc bao giờ cũng được
coi như nguyên lý số một. Mà để làm được điều đó thì hàng đầu lại là phải bỏ đi
mọi hà khắc, bạo ngược trong mọi ứng xử. Từ luật pháp, đên chính sách cụ thể
cho đên phương thức, phương châm phương pháp để điều hành xã hội trong mọi mối
quan hệ dù ở cấp vĩ mô hay ở cơ sở.
Tự nhiên ta nhớ tới một mong ước lớn lao của
Nguyễn Trãi: “Sinh đời thái bình ai cũng được ở yên. Gặp thuở thánh minh ai
cũng được thỏa sống”. Và “Làm sao trong thôn cùng xóm vắng không còn lời hờn
giận oán sầu”. Ta không thể không thử hỏi cái lý tưởng nhân văn ấy, ngày nay ta
hành xử thế nào. Bà còn chỉ ra ba vấn đề lớn nữa, là (i) Loại bỏ phiền nhiễu để
kỷ cương không rối loạn. (ii)Thải loại bọn quan lại tham nhũng để giảm bớt sự
chài vét của dân (iv). Đè nén lũ lông quyền để trừ lũ sâu mọt hại dân. Những tệ
nạn phiền nhiễu, tham nhũng, lộng quyền đang hoành hành làm băng hoại xã hội
hôm nay. Bà dùng chữ rất chuẩn. Với phiền nhiểu thì phải loại bỏ. Với quan lại
tham những thi thải, đuổi. Không như ta bây giờ, tham nhũng cấp dưới thì đưa
lên cấp trên, cho chức tước cao hơn! Còn với lũ lộng quyền thì đè nén, bọn này
có kẻ ỷ công trạng, có kẻ nhiều quyền lực, kể cả quyền lực kinh tế, nên chỉ có
thể dùng pháp luật để đè nén, ngăn ngừa, hạn chế. Tham nhũng và lộng quyền đang
phá hoại đất nước, xã hội, đang chà đạp lên Dân, lên kỷ cương pháp luật.
Về Văn hóa, Bà nêu hai điều. Một là: “Chấn
hưng nho phong để cho ánh đuốc (văn hóa) như mặt trời mặt trăng soi sáng khắp
nơi”. Nho phong không chỉ là học hành, còn là vấn đề nhân cách. Một mách bảo
sáng suốt cho công việc văn hóa giáo dục hôm nay! Hai là “Hãy cầu lời nói
thẳng, khiến cho cổng thành và đường ngôn luận cùng rộng mở”. Lời nói thẳng
nghĩa là phê bình, phản biện liên quan với việc mở rộng giao thương và con
đường ngôn luận để mở mang trí tuệ, phát triển nhân cách xây dựng xã hội, quả
thật là những dự báo thiên tài, một tư duy rất thời sự, hiện đại.
Về quân sự, Bà chỉ ra bốn lãnh vực. Kén quân
cốt người khỏe mạnh rồi mới tính đến dáng vóc. Tuyển tướng phải chọn người thao
lược sau mới tính thế gia. Vũ khí phải bền chắc. Trận pháp phải chỉnh tề. Riêng
tư tưởng “tuyển tướng phải người thao lược”. Đó là sự khôn ngoan muôn đời,
không chỉ trong quân sự, mà nó phổ biến ở mọi lãnh vực. Riêng việc chỉ chọn
người cùng phe cánh, chọn người nhà chứ không phải người tài, và ở hầu hết các
lĩnh vực không có người thao lược có tầm vóc tổng công trình sư đang là vấn nạn
của đất nước tại buổi “kim nhật, kim thì”, thì tiếng gà báo thức xuyên thế kỷ thật
rất có nhiều nghĩa cảnh báo.
Không phải ngẫu nhiên mà Lê Thánh Tông đã ca
ngợi Bà, truy tôn Bà với mỹ tự: Chế Thắng Phu Nhân (Vị Phu nhân của mọi chiến
thắng). Trong sách sử nước ta và của Trung Hoa, như Từ điển Hán Việt của Đào
Duy Anh, hay trong Từ Hải của Trung Quốc, “chế thắng” được định nghĩa là, người
chế định ra được mưu lược để giành thắng lợi.
Quả thật Kê Minh Thập Sách là những tư tưởng
chiến lược, mà bất cứ ai hiểu được, cảm nhận được, và biết tìm mọi cách để đưa
vào thực tiễn hành động, sẽ bảo đảm được thắng lợi.
Hồn thiêng của Tổ tiên và Văn hóa Việt đang
chỉ cho ta hãy bước vào thời buổi này với một tầm nhìn, một trí tuệ, một quyết
chí mạnh mẽ, sáng suốt, đem cái minh triết ấy để giải quyết cho bằng được những
bài toán đặt ra cho Dân, cho Nước trong thời đại mới. Những ai đang điều hành
đất nước, những trí thức đang tìm cách hiến kế, đổi mới thể chế, chính sách,
luật pháp, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, công chức… hôm nay, nên tìm đọc và ngẫm
nghĩ về Mười chính sách mà chúng tôi gọi là Minh Triết trị nước an dân của Kê
Minh Thập sách.
Thiệp chúc Tết của Trung tâm Minh Triết:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét