Tống Văn Công
13-1-2017
Ảnh
bìa sách Hồi Ký Tống Văn Công. Nguồn: internet
Từ tháng 12-1976 ông
Võ văn Kiệt làm bí thư Thành ủy thay ông Nguyễn Văn Linh được điều lên làm
Trưởng ban cải tạo Trung ương. Ngày 16– 2–1978 Đỗ Mười thay Nguyễn Văn Linh làm
Trưởng ban Cải tạo, nâng số hộ tư sản từ 6000 lên 28.787 hộ và “quét sạch sành
sanh” tư sản công thương nghiệp trong mấy ngày. Sau đó cơ chế quản lý xã hội
chủ nghĩa được thực hiện nghiêm nhặt. Chẳng bao lâu sau tất cả các xí nghiệp
bắt đầu vấp những khó khăn giống nhau: Máy móc hư hỏng không có phụ tùng thay
thế; nhiên liệu, nguyên liệu cạn kiệt không có ngoại tệ để nhập khẩu. Bí thư
Thành ủy Võ Văn Kiệt đi khảo sát hàng chục xí nghiệp đang gặp khó khăn lớn.
Biết đây là việc quan
trọng, tôi xin ông cho được tháp tùng hầu hết các chuyến đi. Ông Võ văn Kiệt
không chỉ nghe giám đốc báo cáo mà sau đó ông gặp từng trưởng phó phòng, ban,
chủ tịch công đoàn, bí thư thanh niên và một vài tổ trưởng. Sau mỗi chuyến đi,
ông còn hỏi nhận xét của chúng tôi, những người tháp tùng. Ví dụ, trong cuộc
làm việc với ngành sản xuất thuốc lá có mặt các vị cục trưởng, tổng giám đốc,
các giám đốc, các trưởng phòng. Sau khi ra về ông hỏi: “Theo cậu hôm nay phát
biểu của anh nào có giá trị ‘tháo gỡ’ nhứt”? Ông đồng ý với tôi: “Đúng, cái cậu
nói tiếng Huế vạch ra những điều phi lý và chỉ rõ cách giải quyết rất căn cơ”.
Đó là anh Phó phòng kỹ thuật Lê Đình Thụy, người có cấp bực thấp nhất hôm đó.
Ông Kiệt gợi ý Bộ công nghiệp nhẹ bồi dưỡng, đề bạt anh Thụy trở thành Tổng
giám đốc Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam .
Ở mỗi nơi ông Kiệt đều
có ý kiến giải quyết vướng mắc một cách cụ thể. Ông nhận ra ách tắc chủ yếu
không phải do hậu quả chiến tranh, không phải do thiếu ngoại tệ mà do cơ chế
quản lý xã hội chủ nghĩa mình tự trói tay mình. Trước cải tạo, các doanh nghiệp
hoạt động theo cơ chế thị trường, lợi nhuận, hiệu quả kinh tế là lý do tồn tại
của doanh nghiệp là mục tiêu của nhà quản lý. Tài năng của nhà quản lý là nhìn
thấy và biết đặt ra những việc làm thiết thực để phát triển sản xuất, tăng sức
cạnh tranh, mở rộng thị trường, tích lũy thêm nhiều vốn. Cơ chế quản lý doanh
nghiệp xã hội chủ nghĩa nhằm mục tiêu bảo vệ bản chất kinh tế xã hội chủ nghĩa,
xây dựng sở hữu của nhà nước, chống bóc lột, ngăn cấm chạy theo thị trường.
Các xí nghiệp Dệt
Thành Công, Thuốc Lá Vĩnh Hội, Công ty Xe khách miền Đông… đều bị vướng mắc từ
cơ chế quản lý xã hội chủ nghĩa. Ví dụ trường hợp Dệt Thành Công: Nếu xí nghiệp
được phép vay 120.000 USD, với lãi suất 18% và phụ phí năm 1,5% để nhập sợi,
thuốc nhuộm, phụ tùng thì sẽ sản xuất được 120.000 mét vải oxford, trả xong nợ
còn lãi 82.000 USD. Nhưng cơ chế quản lý xã hội chủ nghĩa quy định: Cấm xí
nghiệp không được tự vay vốn, tự mua nguyên liệu không theo giá nhà nước, không
tự xây dựng kế hoạch sản xuất mà bộ chủ quản chưa cho phép, không được tự bán
sản phẩm ra thị trường. Mọi kế hoạch vay vốn, sản xuất, tiêu thụ của xí nghiệp
đều phải được Bộ chủ quản duyệt. Nếu xí nghiệp trình kế hoạch trái với các quy
định nói trên thì chẳng những không được phê duyệt mà còn bị kỷ luật, bởi vì cơ
chế quản lý hiện hành được bảo vệ trong vòng rào ý thức hệ cộng sản rất kiên cố.
Nghe báo cáo tình
trạng trên, Bí thư Võ văn Kiệt đồng ý cho xí nghiệp “xé rào” và thuyết phục
giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Nguyễn Nhật Hồng, ông này cũng đồng tình “xé
rào”. Cuối cùng cách làm bất hợp pháp đó đã đưa tới hiệu quả rất tốt đẹp: đảm
bảo lợi ích nhà nước, lợi ích của tập thể xí nghiệp và lợi ích của từng người
lao động.
Quan sát thành quả đạt
được do xé rào, đầu năm 1981, tôi viết bài báo có tựa đề “Ba lợi ích” đăng trên
báo Lao Động. Bài báo mở đầu bằng cảnh nhiều công nhân bỏ việc các năm trước
trở lại nhà máy xin làm lại do được trả lương thỏa đáng. Giữa lúc các doanh
nghiệp vui mừng “ăn nên làm ra” thì có nhiều đoàn thanh tra gồm những nhà lý
luận kinh điển từ Trung ương về khảo sát. Đến Xí nghiệp may số 3, nhà lý luận
kinh điển lớn tiếng phê phán: “Các anh sai đứt đuôi con nòng nọc rồi! Theo lý
luận kinh tế Mác – Lê nin thì tiền lương không bao giờ được tăng vượt quá mức
tăng năng suất lao động. So với năm trước năng suất lao động chỉ tăng chỉ tăng
10% vậy hà cớ gì tiền lương tăng đến 50%?”.
Hóa ra lỗi là do đơn
giá của Bộ Công nghiệp ban hành đã 5 năm không được điều chỉnh. Ngày đó đơn giá
may một áo sơ mi là 30 xu. Một công nhân may một ngày 8 cái áo, thu nhập 2 đồng
40 xu. Thời đó công may ngoài thị trường là 20 đồng / một áo sơ mi. Nếu trả
lương theo đơn giá của Bộ thì công may một cái áo không đủ tiền thuê bơm một
bánh xe đạp! Tác giả bình rằng “lý luận kinh điển vẫn luôn phải được bổ sung từ
thực tiễn cuộc sống tươi xanh, có khi lắm gai nữa, nếu không thì rất dễ xảy ra
“lý luận trở thành màu xám”!
Ở Nhà máy in Tổng hợp,
nhà lý luận của Đoàn Thanh tra hỏi: “Vì sao công nhân ở đây không ăn độn theo
chính sách lương thực hiện hành? Bí thư Thành ủy cũng phải ăn độn kia mà”? Bài
báo kể: Bí thư Võ Văn Kiệt trả lời câu hỏi này: “Bí thư Thành ủy chưa làm gì
đạt hiệu quả kinh tế thì cứ phải ăn độn. Còn công nhân làm vượt mức được giao
thì không phải ăn độn. Có nghĩa khi xã hội chia đều nghèo khổ đấy”! Bài báo
được người trình bày lâu năm nhất của báo Lao Động (từ 1945) là nhạc sĩ Văn Cao
vẽ minh họa: Một nhà lý luận mang kính, một tay bóp trán vẻ trầm tư bên chồng
sách kinh điển.
Sau khi tờ báo có bài
“Ba lợi ích” phát hành hơn một tuần thì tôi được điện thoại của anh Trần Tâm
Trí, Vụ phó Vụ báo chí phụ trách miền Nam của Ban Tuyên huấn Trung ương mời
“Anh đến tôi, có chuyện rất cần mà không thể nói qua điện thoại”. Anh Trần Tâm
Trí cho tôi biết, anh vừa ra Hà Nội học Nghị quyết Trung ương. Trong buổi thảo
luận tổ, tiến sĩ Đặng Xuân Kỳ (con cả ông Trường Chinh) đang là Viện trưởng
Viện nghiên cứu Chủ nghĩa Mác– Lênin phát biểu: Có tay Tống Văn trong Sài Gòn
vừa viết bài báo tựa đề Ba Lợi Ích với giọng hết sức bố láo, dè bĩu các nhà lý
luận Mac– Lenin. Anh Trần Tâm Trí đã “đỡ đòn” cho tôi: “Tống Văn là bút danh
của Tống Văn Công phó Tổng biên tập báo Lao Động phụ trách miền Nam . Bài này
chắc chắn không phải thể hiện quan điểm cá nhân của anh ta mà là của tập thể
ban biên tập và rất có thể của Tổng Liên đoàn Lao động đấy, anh ạ”! (lúc này
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động là Nguyễn Văn Linh). Nghe vậy, Đặng Xuân Kỳ im
lặng.
Cuối năm 1981, trong
cuộc học tập Nghị quyết Trung ương ở Hà Nội, tôi quyết định phải đi dự với tư
cách phó Tổng biên tập để biết tình hình ở “chóp bu” của Đảng. Tôi dự buổi thảo
luận ở Tổ Dân vận gồm đại biểu các cơ quan thuộc Ban Dân vận Trung ương Đảng do
ông Vũ Quang, Trưởng ban Dân vận làm tổ trưởng. Tại đây tôi được nghe tất cả
các vị hò hét công kích “chủ nghĩa tự do kinh tế Sài Gòn”. Tháng 3-1982 Đại hội
5 Đảng cộng sản, Nguyễn Văn Linh bị đẩy ra khỏi Bộ Chính trị, ông xin về lại
Sài Gòn làm bí thư thay ông Võ Văn Kiệt được điều ra Hà Nội. Tại đây ông thừa
hưởng thành quả “xé rào” của ông Kiệt. Trong khi đó, ông Kiệt ra Hà Nội bị vạ
lây bởi vụ “giá lương tiền” của Lê Duẩn, Tố Hữu. Cuối năm 1985, Trần Bạch Đằng
chấp bút quyển “Thành phố Hồ Chí Minh, mười năm” để ông Nguyễn Văn Linh đứng
tên (lẽ ra người đứng tên sách này phải là Võ Văn Kiệt). Nhiều đảng viên cao
cấp đọc sách này đã kêu lên: “Tổng bí thư khóa 6 đã xuất hiện đây rồi”!
Trong dịp chuẩn bị Đại
hội Công đoàn thành phố lần thứ nhất, ông Kiệt bảo ông Nguyễn Hộ: “Anh bảo cậu
nào viết báo cáo chánh trị Đại hội Công đoàn đến văn phòng của tôi mà viết. Để
có lúc rảnh tôi góp ý”. Tôi đến văn phòng bí thư Thành ủy lúc ấy đóng ở ngôi
nhà rất rộng của Nguyễn Tấn Đời (ông này đã di tản). Lúc này ông Kiệt có ba
người giúp việc là Thép Mới nguyên phó Tổng biên tập báo Nhân dân, Ba Huấn (sau
này là phó chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh), Ba Hương (sau này là chủ nhiệm Viện
Xã hội học thành phố). Ba người này không biết tôi đã từng đi theo ông Kiệt qua
hàng chục xí nghiệp nên đã kể nhiều nét đặc biệt trong tính cách của ông sếp để
giúp tôi dễ dàng khi tiếp cận: Ông không thích theo lối mòn, không chịu lý
thuyết suông, đòi phải mổ xẻ tình hình cụ thể và đề ra giải pháp khả thi.
Một hôm, ông đến ngồi
đối diện với tôi qua bàn viết, tỏ ý muốn đọc phần đầu bản báo cáo. Đọc xong,
ông đưa trả và hỏi: “Anh đánh giá tình hình công nhân Sài Gòn thế nào”? Tôi
nhắc lại chuyện ông Trần Bạch Đằng trả lời Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Chí
Thanh: “Công nhân Sài Gòn ‘xệ dái’ rồi, không thể dựa họ làm ‘ngòi nổ’ phong
trào đấu tranh được. Ngòi nổ của phong trào thành phố Sài Gòn phải là sinh viên
học sinh”. Nguyễn Chí Thanh hết sức tức giận khi nghe một bí thư Thành ủy Đảng
tiên phong của giai cấp công nhân mà ăn nói “phi giai cấp” đến thế! Lập tức
Trần Bạch Đằng bị cách chức. Tôi trả lời ông Kiệt: “Hồi chiến tranh ông Trần
Bạch Đằng trả lời Nguyễn Chí Thanh về công nhân như vậy là đúng. Ngày nay, công
nhân Sài Gòn vẫn luyến tiếc chế độ cũ, họ cho rằng hồi đó tiền lương thỏa đáng
so với công sức bỏ ra và khi giá cả thị trường tăng vọt thì cũng được tăng
lương tương ứng. Nếu đem bài của Ban Tuyên huấn Trung ương giảng cho họ nghe về
vai trò lịch sử của giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng thì họ sẽ phì cười,
cho rằng mấy anh cộng sản nói dóc có sách”. Do đó, tôi tránh nói theo tài liệu
của Ban Tuyên huấn Trung ương mà chỉ nói với họ về những khó khăn của thành phố
và những việc cần phải cố gắng làm để khôi phục sản xuất, vì lợi ích đất nước
mà cũng là vì cuộc sống của họ”.
Ông Kiệt tỏ ra đồng
tình. Ông góp ý thêm: “Công đoàn còn coi trọng người lao động chân tay hơn lao
động trí óc. Như vậy là không đúng. Hiện nay trí thức vượt biên rất nhiều.
Chúng ta chưa có chánh sách tốt để giữ anh em này, chống chảy máu chất xám.
Riêng anh đang nắm hai tờ báo, nên quan tâm đúng chuyện này”. Tiếp thu ý kiến
của ông, tôi đặt vấn đề này thành một chương quan trọng của bản Báo cáo Đại hội
công đoàn. Trên báo Công nhân Giải phóng cũng đưa tin và bài đậm nét về chủ đề
này, nổi bật là loạt bài về bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng từ chối lời đòi hỏi
của chồng phải đi ra nước ngoài thì mới có thể sum họp. Hôm đó đọc báo ông tỏ
ra rất vui, đến bữa ăn, ông sớt bát phở của mình một phần đưa sang tôi: “Cậu
Công đáng được thưởng thêm một suất, vậy mình nhường một phần”! Tôi không chịu
nhận, ông kèo nài: “Mình nói đùa mà, sự thật là hôm nay bụng mình có vấn đề.
Cậu giúp mình”.
Khi tôi làm Tổng biên
tập báo Lao Động, ông thường đến thăm và góp ý nhiều điều bổ ích. Ông thường
đến thăm tờ báo còn vì quan tâm đến Lý Quý Chung nguyên Bộ trưởng Thông tin
Chính phủ Dương văn Minh, lúc đó là tổng thư ký tòa soạn báo Lao Động. Khi làm
bí thư Thành ủy Sài Gòn, ông mời ông Nguyễn Xuân Oánh phụ trách nghiên cứu
chính sách kinh tế và lập “nhóm thứ Sáu” gồm các chuyên gia chế độ Việt Nam
Cộng hòa như Lâm Võ Hoàng, Trần Bá Tước, Phan Chánh Dưỡng, Huỳnh Bửu Sơn,
Nguyễn Ngọc Bích, Phan Tường Vân… Ông sinh hoạt, trò chuyện, quan tâm chăm sóc
từng anh em như trong một gia đình.
Ông Lâm Võ Hoàng cán
bộ cao cấp ngành Tài chánh Việt Nam Cộng Hòa kể với tôi, ông bị đi tù cải tạo
hơn mười năm, ra tù đang chuẩn bị ra nước ngoài thì được thư mời của ông Kiệt
đến cuộc họp góp ý xây dựng Sắc lệnh đổi mới Ngân hàng. Ông Hoàng ngạc nhiên và
phân vân: Nên đến hay không? Đến thì có nói thẳng với họ không? Nói thẳng, liệu
họ có bắt đi cải tạo lần nữa? Cuối cùng ông tò mò muốn đến để nói thẳng xem bọn
họ cư xử ra sao.
Cuộc họp có mặt đông
đảo cán bộ lãnh đạo Ngân hàng đứng đầu là Thống đốc Cao Sĩ Kiêm. Sau khi các
quan chức, học giả xã hội chủ nghĩa hết ý kiến, ông Kiệt mời ông Hoàng phát
biểu. Ông Hoàng nói với giọng xỉa xói phía bên kia: “Ngân hàng của mấy ông
không phải là Ngân hàng. Nó chỉ là người giữ két bạc cho mấy ông. Đồng tiền của
mấy ông không phải là đồng tiền, đồng tiền gì mà có hai ba giá khác nhau”. Phía
Ngân hàng Nhà nước ồ lên phản đối. Ông Kiệt khoác tay, yêu cầu họ im lặng lắng
nghe, suy nghĩ, rồi sẽ được mời phát biểu. Ông mời họ phản bác. Sau đó, ông
phân tích cho họ thấy ngân hàng xã hội chủ nghĩa chỉ phục vụ tốt cho chế độ
kinh tế xã hội chủ nghĩa, nhưng sẽ cản trở phát triển kinh tế thị trường. Ông
Hoàng rất ngạc nhiên vì ông Kiệt lãnh hội rất chắc những vấn đề chuyên môn, chỉ
ra được chỗ cần phải thay đổi và những điều mà người bảo thủ làm chỗ dựa.
Ông Kiệt để lại nhiều dấu
ấn trong những quyết định có tầm chiến lược đổi mới kinh tế. Ông cũng là người
sớm nhận ra yêu cầu đổi mới chính trị, từ bỏ mô hình chuyên chính vô sản, thực
hiện tự do, dân chủ, nhân quyền. Trong lá thư gửi Bộ Chính trị ngày 9–8–1995 để
chuẩn bị Đại hội 8 của Đảng cộng sản Việt Nam, ông cho rằng, thế giới ngày nay
không còn mâu thuẫn đối kháng giữa hai phe chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế
quốc mà trước hết là tính chất đa dạng, đa cực trở thành nhân tố nổi trội. Bốn
nước xã hôi chủ nghĩa còn lại thì tính chất quốc gia đã lấn át tính chất xã hội
chủ nghĩa. Thậm chí trong quan hệ Việt Nam –Trung Quốc tồn tại không ít
điểm nóng. Ông cho rằng hoàn cảnh ngày nay có nhiều thuận lợi để đạt mục tiêu
dân giàu nước mạnh xã hội dân chủ công bằng văn minh. Chúng ta có thể học kinh
nghiệm của các “con rồng” châu Á để rút ngắn thời gian công nghiệp hóa từ mấy
trăm năm xuống vài thập kỷ. Đảng phải phấn đấu để trở thành một bộ phận tinh
hoa tiêu biểu trí tuệ, nghị lực và phẩm chất cao quý của toàn dân tộc bao gồm
cả toàn thể cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang hướng về Tổ
quốc.
Bức thư nói trên được
cơ quan của Đảng đóng dấu “tối mật”. Hàng chục năm sau do lưu giữ nó mà các ông
Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiến Giang bị bắt, bị tù tội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét