Nguyễn Khắc
Mai
Đọc Tuổi Trẻ
(Sài gòn) số ra hôm nay, 13-1-2017, thấy một số nghịch lý, tôi xin nêu ra để dư
luận tham khảo.
1. Nghịch lý
trong bài Tăng cường quan hệ hợp tác Việt Trung
Bài này, Tuổi
Trẻ đăng lại của đặc phái viên VNTTX, tháp tùng Anh Trọng, đưa tin.
Nghịch lý thứ nhất, “…đưa quan hệ đối tác, hợp tác chiến
lược toàn diện Việt Trung phát triển lành mạnh, ổn định theo phương châm “16
chữ” và tinh thần “4 tốt”. Ai cũng biết, vành ngoài 16 chữ, vành trong 4 tốt là
gì trong những năm qua. Nếu không phải là sự bịp bợm vĩ đại do Trung quốc đưa
ra làm hỏa mù cho những hành động kẻ cướp trên biển và cả trên đất liền của họ
đối với Việt Nam, thì là một thứ thòng lọng mềm mại và khá lợi hại để quàng vào
cổ, trước hết là của ban lãnh đạo Việt Nam, để biến ban lãnh đạo Việt Nam như
một con ngựa chạy lẻo đẻo bên cổ xe “bá quyền đại Hán” của Trung Hoa. Nhiều năm
qua người Việt Nam
đã từng phỉ nhổ, vạch trần cái phương châm mà ông Lê Khả Phiêu từng gọi là vàng
ấy. Tưởng nó phải được quên đi. Ai ngờ tổng bí thư Trọng lại “trân trọng “nó
đến thế. Đây là một nghịch lý kép. Nó vừa là sự bịp bợm Trung Hoa vừa là thái
độ chư hầu không thể chấp nhận.
Nghịch lý thứ hai ngay trong bài này, ”phía Việt Nam
bày tỏ ủng hộ Trung quốc tổ chức thành công Diễn đàn thượng đỉnh hợp tác quốc
tế về “Một vành đai, một con đường””. Ủng hộ Trung quốc thành công “Một vành
đai, một con đường” là gì? Nếu không phải là ủng hộ Trung quốc tung tiền dự trữ
ra để mua chuộc các quốc gia trên vành đai và con đường thực dân hóa của Trung
quốc? Vấn đề là không thể ủng hộ một cách ngờ nghệch, khờ khạo những chủ trương
lợi dụng sự nghèo túng của các nước để mưu lợi cho Trung quốc theo “màu sắc” bá
quyền đại Hán, thực dân của Trung quốc. Trong quyển sách “Chết dưới tay Trung
quốc”, tác giả cũng giành những ý tình muốn cổ vũ cho Trung quốc hưng phát,
giàu mạnh lên, nhưng phải theo tinh thần văn minh, tiến bộ của nhân loại là
minh bạch, công bằng và dân chủ. Việt Nam phải biết “ăn kẹo mút” tức là
biết ngậm kẹo và vứt cái que đi!
Thứ
ba là về Biển
Đông. Cái nghịch lý là “lập trường nhất quán” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
chỉ là ”vũ như cẩn”, không có gì khác. Những lập luận cũ rích, nhàm chán, và họ
Tập không mong gì hơn thế. Nó ru ngủ nhân dân và để mặc cho phía Trung quốc một
mình một chợ, tung hoành, hết 981, thì bồi đắp các bãi đá cướp được ở Trường Sa
của Việt Nam thành căn cứ hải quân và không quân uy hiếp ngay con đường hàng
hải và hàng không của Việt Nam, mặc sức cho dân quân đội lốt ngư dân để làm hải
tặc cướp bóc và xua đuổi ngư dân Việt Nam bám biển làm ăn sinh sống trong vùng
biển chủ quyền của mình! Nguyễn Phú Trọng không phân biệt được tư tưởng của
giải pháp là hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế. Còn giải pháp thì phải cụ
thể, kể cả giải pháp tranh luận tay đôi với Trung quốc, chưa nói đến việc đưa
ra nhờ các thiết chế khu vực và quốc tế phân xử. Điều mà Trung quốc sợ là Việt Nam tìm ra
những giải pháp cụ thể để vận dụng cái phương châm hợp lý kia. Phải nói rõ với
Trung quốc, nếu không tiến tới đươc giải pháp thỏa đáng, song phương, nhất định
phải tiến hành giải pháp đa phương để phân xử. Dẫu có soạn được COC, thì Việt
Nam và từng nước trong ASEAN cũng không thể chỉ song phương với Trung quốc, mà
nhất thiết phải vận dụng cho đặng sự tham gia của cộng đồng quốc tế, nhất là
với những cường quốc khu vực và thế giới. Trung quốc và họ Tập cũng không mong
gì hơn là những người lãnh đạo Việt nam hiện nay cứ nói phương châm cho hay ho.
Chúng mở cờ trong bụng, “Việt Nam
cứ lú lấp thế này, không phân biệt nỗi phương châm và giải pháp, xua nó vào rọ
Thành Đô là cái chắc!”
2. Nghịch lý
trong bài Cần Tìm Được “Đồng cảm, Đồng thuận, Đồng tâm”
Bí thư Đinh La
Thăng hai lần nói đến đồng cảm đồng thuận đồng tâm: ”với tinh thần quyết tâm,
không chỉ dành riêng cho những người cộng sản, mà phải thành sự đồng cảm, đồng
thuận, đồng tâm của các tầng lớp nhân dân”. “Ông Thăng cho rằng tìm được sự
“đồng cảm, đồng thuận, đồng tâm” là việc khó”. Đúng là khó vì ông đã đặt vấn đề
trong sự nghịch lý. Làm sao bằng các giải pháp tư tưởng và các nghị quyết mà có
thể làm cho các tầng lớp nhân dân đồng cảm, đồng thuận, đồng tâm được! Ví dụ
như việc phá ngôi chùa Liên Trì bên quận 2. Nhìn thấy ảnh mấy vị sư ngồi lặng
lẽ trên đống hoang tàn của ngôi chùa đã bị các anh đập phá, tôi cũng không thể
đồng cảm, đồng thuận với các anh. Các tăng ni và phật tử làm sao đồng tâm cùng
các anh phá chùa được. Tôi thấy các anh nên sang Singapore học cái cách người ta ứng
xử với tôn giáo. Giữa một đô thị náo nhiệt hiện đại, ngôi chùa tồn tại, cùng
với kiến trúc của nó, với nghi thức của nó, chẳng hạn như sự tĩnh lặng, vẻ
thiền của nó, tiếng chuông thong thả ngân nga của nó, thú vị biết bao, có ích
biết bao, sẽ góp thêm cho chất lượng của một đô thị. Nó chính là một nốt trầm,
nốt lặng trong một đại hòa tấu của đời sống đô thị. Các anh đập phá chùa chiền
để đô thị hóa, không ai đồng thuận, đồng cảm được. Cả thần và người đều oán
giận. Thế mà anh lại nói đến nhân dân, và kêu gọi họ đồng tâm! Một chính đảng
ăn trên ngồi trốc, một đội ngũ cán bộ tham lam, hành dân, một đường lối kiên
trì Mác Lê nin, mà chính Hồ chí Minh phải trối trời là hư hỏng cũ kỹ… vẫn ngang
nhiên tồn tại, chỉ như một cổ máy chỉ sửa chữa vặt, làm sao có thể đồng cảm,
đồng thuận đồng tâm đươc! Lịch sử cho ta những bài học cay đắng. Hitle, Stalin
rất giỏi làm công tác tuyên truyền và giáo dục, nhưng không cứu vãn được hệ
thống một khi nó đã là sự trái khoáy của lịch sử. Tôi nghe nói anh Thăng là
người đang muốn đổi mới, làm tốt hơn cái sai cái cũ, xin hãy đi vào những vấn
đề thật bản chất để tìm đồng cảm, đồng thuận, đồng tâm.
3. Nghịch lý
“phát triển mà quá trời ung thư”
Đó là câu
chuyện Thủ tướng Nguyễn xuân Phúc đã “chọc khe” Bộ Y tế. Chọc khe là bình luận
của vài nhà báo khen anh Phúc như một cầu thủ đưa vài đường bóng chọc khe rất
hiểm hóc. Đây là cuộc chọc khe ở y tế. Anh Phúc nói: ”Có người nói Việt Nam ung thư
hàng đầu thế giới, phải tìm hiểu xem có đúng như thế không? Nhưng tôi thì thấy
đúng là có quá trời người ung thư. Nếu Việt Nam thành công nhiều lĩnh vực mà
trở thành đất nước ung thư thì có suy nghĩ không? Có nên không?”. Tất nhiên
bệnh tật thì phải đặt ra với y tế. Nhưng như thế là chỉ giải quyết trên ngọn,
còn gốc rễ của nó lại là chỗ khác. Chọc vào cái khe y tế chỉ là chốc lát thôi.
Lâu dài phải tìm lời giải ở chỗ khác. Tôi đã từng đến mấy làng ung thư, ở đó
người dân mấy thế hệ nay vẫn phải sống chung với môi trường ô nhiễm nặng. Thủ
tướng cứ chọc khe. Nhưng những ông bộ trưởng cứ nghĩ theo cách của họ, họ không
đón bóng, chọc khe cũng bằng thừa. Như cái ông Hồng Hà đó, ổng có coi Formosa là thảm
họa của chế độ và của đất nước đâu. Cả ông Tuấn Anh nữa, ông vẫn định đem các
cái chức bộ trưởng của ông, để cam đoan cho cái dự án thép rất tai tiếng ở Cà
Ná. Vì có thể ông nghĩ rằng, cái chức bộ trưởng thì không thể cách được, họa
may thì chỉ cách cái chức nguyên bí thư cán sự, hoặc cùng nữa thì làm cho xấu
hổ ở quốc hội mà thôi.
Ung thư ở Việt
nam đâu chỉ là bệnh cơ thể người. Nó còn là ung bướu của xã hội, của thể chế,
của chế độ, nó có trong đảng, trong chính quyền, mà sự di căn đã lan tràn, mà
các phương trị liệu lui tới chỉ là hô khẩu hiệu và lặp lại nghị quyết bốn, hai
lần chứ đến bốn lần cũng chỉ là bôi thuốc ngoài da cho một căn bệnh trong lục
phủ ngũ tạng.
Thành ra tôi
càng lo lắng khi thấy anh Trọng đi ký kết những 15 văn kiện hợp tác với Trung
quốc, một xứ sở của ung bướu. Nó mà lây lan, di căn sang mình thì chết! Không
biết phải làm gì để giải quyết mấy cái nghịch lý này!
N.K.M.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét