Nguyễn Đăng Quang
Trên thế giới không một quốc gia nào dám
khẳng định là nước mình không có án oan sai, nhưng cũng không một nhà nước nào
lại nhẫn tâm bỏ qua, không xem xét những chứng cứ oan sai, dù chỉ là một dấu
hiệu rất nhỏ! Song trong vụ án Hồ Duy Hải ở Long An thì lại hoàn toàn khác!
Cách đây 9 năm, vào tối 13/1/2008, hai nữ
nhân viên Bưu cục Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị sát hại dã man.
Ngay sáng hôm sau, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Long An vào cuộc. Tất
cả những ai có mặt tại Bưu cục Cầu Voi tối hôm trước (13/1/2008) đều bị CQĐT
triệu tập, lấy lời khai. Sau khi sàng lọc, CQĐT “khoanh” nghi can có dấu hiệu
đáng ngờ nhất là Nghị (trong vụ án này, danh tính Nguyễn Văn Nghị được thể hiện
rõ trong Hồ sơ vụ án, một thanh niên nghiện ma túy, quê ở Cai Lậy, Tiền Giang).
Nghị được CQĐT xác định là nghi can số 1. Nghị không chỉ là bạn của nạn nhân
Hồng mà là người thường xuyên lui tới Bưu cục Cầu Voi thăm Hồng. Tất nhiên,
Nghị là người có mặt tại hiện trường trong buổi tối xảy ra vụ án. Nhưng sau mấy
ngày bị tạm giữ để phục vụ điều tra, Nghị được trả tự do một cách bất ngờ và
đầy khó hiểu!
Người dân đang rất
thắc mắc và nghi ngờ, thì 2 tháng sau, ngày 21/3/2008, CQĐT đột nhiên triệu tập
Hồ Duy Hải để hỏi về tội cá độ bóng đá, rồi đọc lệnh bắt và khởi tố Hải về tội
danh sát hại 2 nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi! Trong quá trình điều tra và xét xử
Hải, cả 3 cơ quan tố tụng của tỉnh Long An là Điều tra (Công an), Truy tố (Kiểm
sát), Xét xử (Tòa án) phạm phải rất nhiều sai sót, vi phạm nghiêm trọng thủ tục
tố tụng hình sự. Luật sư Trần Văn Tạo, nguyên Phó Giám đốc CA Tp.HCM, một trong
các luật sư được gia đình bị cáo mời bào chữa, nhận định về bản án tử hình
tuyên cho Hồ Duy Hải như sau: “Bản án được xác lập theo một trình tự vi phạm
nghiêm trọng quy định pháp luật tố tụng!”.
Người viết bài này xin nêu lên 5 trong số
các sai sót nghiêm trọng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử mà các cơ
quan tố tụng tỉnh Long An mắc phải:
1/. Dấu vân tay để lại tại hiện
trường không phải là của Hồ Duy Hải.
2/. Không có nhân chứng nào khẳng
định nhìn thấy Hồ Duy Hải, và CQĐT cũng không chứng minh được đương sự có mặt
tại hiện trường trong buổi tối xảy ra vụ án.
3/. CQĐT không tìm thấy và thu
giữ được những tang vậy mà bị cáo Hồ Duy Hải khai đã dùng để gây án. CQĐT phải nhờ người ra
chợ mua mới (dao và thớt) hoặc dùng chiếc ghế tương tự khác để thay thế cho
“hung khí thật”!
4/. Hồ sơ vụ án bị làm sai lệch: Lời
khai của Hồ Duy Hải trong bản cung bị tự tiện tảy xóa, sửa chữa, không có sự
xác nhận của bị cáo.
5/. HĐXX chỉ chọn và sử dụng những
chứng cứ, lời khai có lợi cho việc buộc tội, ngược lại không sử dụng và loại bỏ
những chứng cứ, lời khai có lợi cho việc gỡ tội!
Thật không ai có thể hình dung nổi, sang đến
thế kỷ XXI rồi, vẫn còn có những phiên tòa coi thường công lý, vi phạm nghiêm
trọng các quy định của Luật Tố tụng Hình sự, như: Dấu
vân tay thì không phải của Hồ Duy Hải nhưng vẫn khẳng định Hải là hung thủ. Nhân
chứng thì Tòa không triệu tập. Tang chứng, vật chứng đều là ngụy tạo. Hồ sơ vụ
án thì bị làm sai lệch,v.v… Ấy thế mà Hồ Duy Hải vẫn bị tuyên
án tử hình! Sau khi Hồ Duy Hải bị 2 cấp tòa tuyên tội chết, thì ở địa phương
(Long An) có dư luận râm ran rằng nghi can Nghị mới thực sự là hung thủ! Nguyễn
Văn Nghị bị tạm giữ mấy ngày, rồi nhanh chóng được thả ra vì y là cháu ruột một
quan chức rất to ngoài Trung ương, và còn có người chú dượng cỡ bự ở địa phương
nữa! Thực hư việc này ra sao, rất cần các cơ quan chức năng làm sáng tỏ để giải
tỏa sự hồ nghi của dư luận, kể cả dư luận cho rằng Hải bị khép tội chết là để
“thế mạng” cho Nghị!
Dưới đây, người viết xin nhấn mạnh đến một
chứng cứ vô cùng quan trọng, không thể bỏ qua, đó là dấu vân tay. Như mọi
người đều biết, trong mọi vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án giết người, thì
chứng cứ quan trọng bậc nhất là dấu vân tay của thủ phạm để lại trên hiện
trường và trên các hung khí gây án. Trong vụ án này, Ban Chuyên án (CQĐT) có
tìm thấy nhiều dấu vân tay của hung thủ lưu lại tại hiện trường, nhưng tất cả
các dấu vân tay này lại không phải là của Hồ Duy Hải! Kết luận giám định số
158/KL-PC21 ngày 11/4/2008 của Phòng Khoa học Hình sự Công an tỉnh Long An đã
khẳng định điều này: “Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án
ngày 14/01/2008 tại Bưu cục Cầu Voi không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón
tay in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải”. Còn các hung khí mà Hồ Duy Hải
khai sử dụng để sát hại 2 nạn nhân thì CQĐT không tìm thấy và thu giữ được. Con
dao và cái thớt thì nhờ người ra chợ mua mới để thay thế, còn
chiếc ghế inox có dính máu do không tìm thấy nên buộc CQĐT phải
lấy chiếc khác tương tự để thế vào! Tất nhiên 3 “hung khí ảo”
này không thể có dấu vân tay của Hồ Duy Hải cũng như của hung thủ thực sự mà dư
luận cho rằng rất có thể là Nghị như đã nói ở trên! Ngay sau khi được thả ra,
Nghị liền bỏ trốn biệt tăm khỏi địa phương, đến nay đã 9 năm rồi vẫn bặt âm vô
tín! Thế mà, không hiểu sao CQĐT Công an tỉnh Long An vẫn khởi tố và khép
tội Hồ Duy Hải là thủ phạm duy nhất của vụ án! Còn VKSND tỉnh Long An lại lập
ra cáo trạng “đanh thép”, truy tố Hải tội danh “giết người, cướp tài sản”! Rồi
sau đó, tại phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Long An tuyên tử hình Hồ Duy Hải, và tại
phiên phúc thẩm, TANDTC tại Tp.HCM tuyên y án tử hình Hải! Việc xét xử và tuyên
án tử hình Hồ Duy Hải, cả 2 cấp Tòa đều không dựa trên chứng cứ khoa học và cơ sở pháp lý,
không chứng minh được Hải có mặt tại hiện trường vào thời điểm 2 nữ nạn nhân
xấu số bị sát hại, và cũng không chưng ra được hung khí gây án (mà chỉ là “hung khí thay
thế”!). Hai cấp Tòa đều hoàn toàn chỉ dựa trên cơ sở duy nhất là lời khai nhận tội
của Hồ Duy Hải trước CQĐT để làm bằng chứng kết án tử hình nghi phạm Hồ Duy
Hải! Các nguyên tắc tố tụng như “Thượng tôn pháp luật”,
“Không bắt oan người ngay, không bỏ lọt tội phạm”, “Xử đúng người, đúng tội”,
“Suy đoán vô tội” và nhất là “Trọng chứng hơn trọng cung”, đều bị các cơ quan
tiến hành tố tụng bỏ qua, không thực thi và áp dụng!
Tại Biên bản khám nghiệm hiện trường, CQĐT
Công An tỉnh Long An có ghi rõ: “Trên
kính cửa vào buồng ngủ có dấu vết đường vân”, “Ở mặt trong cửa kính trên cánh
cửa buồng vệ sinh có một số dấu vết đường vân”, “Trên labo rửa có một số dấu
vết đường vân”. Như vậy, hoàn toàn có thể khẳng định những dấu vân
tay nói trên là của hung thủ giết 2 nữ nạn nhân, chứ không thể là của ai khác!
Nhưng kết quả giám định khẳng định đấy không phải là dấu vân tay của Hồ Duy
Hải. Thế mà bản Cáo trạng số 97/QĐ-KSĐT, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An
vẫn kết luận thủ phạm giết người là Hồ Duy Hải: “Hải
đã dùng tay thực hiện hàng loạt động tác như: đánh, bóp cổ, kéo xác, dùng dao,
thớt, ghế đập đầu, cắt cổ 2 nạn nhân”. Độc giả có thể so sánh và
thấy rất rõ sự mâu thuẫn tréo ngoe giữa 2 văn bản trên! Còn tôi, người viết bài
này, xin khẳng định rằng: Không thể kết
án tử hình Hồ Duy Hải một khi Tòa và các cơ quan tiến hành tố tụng chưa xác
định được chủ nhân của các dấu vân tay để lại trên hiện trường là của ai, và
không chứng minh được Hồ Duy Hải có mặt tại Bưu cục Cầu Voi vào thời điểm xảy
ra vụ án! Tử hình một người không trên cơ sở pháp lý và chứng cứ khoa học là vi
phạm thô bạo pháp luật và là một tội ác!
Như vậy, phải đặt ra câu hỏi: “Các dấu
vân tay thu được tại hiện trường không phải của Hồ Duy Hải thì là của ai?”
Đây là nút thắt vô cùng quan trọng, và chỉ CQĐT Công an Long An mới có thể trả
lời câu hỏi này! Trong số các dấu vân tay thu được trên hiện trường, nhất thiết
phải làm rõ đấy là dấu vân tay của (những) ai? Có trùng với chỉ bản 10 đầu ngón
tay của Nguyễn Văn Nghị, nghi can số 1 vụ án này hay không? Nhưng rất tiếc,
CQĐT đã không trả lời được câu hỏi này, hoặc CQĐT thừa biết nhưng không công
khai cho công luận rõ! Một giả thiết khác là CQĐT quên, không lấy dấu vân tay
của Nghị để giám định nên không trả lời được câu hỏi trên! Nếu vậy, việc rất
đơn giản là CQĐT tái triệu tập Nguyễn Văn Nghị trình diện để lấy vân tay. Nếu
không triệu tập được do Nghị đã trốn khỏi địa phương, thì CQĐT hoàn toàn có thể
sử dụng tàng thư căn cước của Công an tỉnh Tiền Giang là nơi trước đây đã cấp
CMTND cho nghi can Nghị!
Ngoài dấu vân tay không phải là của Hồ Duy
Hải, trong quá trình xét xử, các cơ quan tố tụng tỉnh Long An còn mắc những sai
sót nghiêm trọng sau:
– Một, trong cả 2 phiên tòa, Hội đồng Xét xử
đều không triệu tập Nguyễn Văn Nghị như là một nhân chứng của vụ án!
– Hai, HĐXX không làm rõ vì sao toàn bộ các
tài liệu, thông tin, bản tự khai (bút lục) cũng như Biên bản lấy lời khai của
nghi can Nghị đều bị rút khỏi hồ sơ vụ án? Vậy ai là người đã rút và ai là
người ra lệnh làm việc này?
– Ba, HĐXX phải làm rõ động cơ gây án và
giết hại 2 nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi của Hồ Duy Hải. Đây là tình tiết rất
quan trọng mà Tòa đã không làm rõ!
– Bốn, CQĐT đã không xác định được giờ chết
chính xác của 2 nạn nhân. Đây là một thiếu sót lớn. Vì việc xác định thời gian
chết cụ thể của từng nạn nhân là yếu tố không thể thiếu, từ đó mới có căn cứ để
xác định thời điểm gây án, thời gian nghi can nào có mặt hiện trường! Hồ sơ vụ
án của CQĐT không có tài liệu nào xác định giờ chết của 2 nạn nhân: Bản giám
định pháp y, Giấy chứng tử, Bản trả lời về dấu vết trên cơ thể nạn nhân,v.v…
đều để trống (không ghi) giờ chết của 2 nạn nhân. Thế nhưng tại sao bản Cáo
trạng của VKSND Long An lại xác định thời gian mà Hồ Duy Hải gây án là vào 20h30’ tối ngày 13/01/2008!?
Dựa trên những thông tin và dữ liệu có được,
bà Nguyễn Thị Loan, mẹ ruột tử tù Hồ Duy Hải, với sự hỗ trợ pháp lý của
luật sư Trần Hồng Phong, người đã suốt 9 năm qua luôn theo sát mọi diễn biến
của vụ án, đã viết “ĐƠN TỐ GIÁC TỘI PHẠM” đề ngày 11/5/2015, gửi Giám đốc Công
an tỉnh Long An và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An, tố giác
đích danh nghi can Nguyễn Văn
Nghị là hung thủ đã giết hại
2 nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi tối hôm 13/01/2008! Trong đơn, bà Loan đã cung
cấp nhiều bằng chứng, cơ sở và lý lẽ rất thuyết phục! “ĐƠN TỐ GIÁC TỘI PHẠM”
này mãi đến ngày 14/6/2016, CQĐT Công an tỉnh Long An mới có Thông báo trả lời.
Nhưng trong Thông báo này, CQĐT lại đưa ra một cái tên lạ hoắc là Nguyễn Hữu Nghị chứ không phải Nguyễn Văn Nghị như “ĐƠN TỐ GIÁC” của bà Nguyễn Thị
Loan đã tố cáo, song CQĐT cũng không giải thích lý do khác nhau giữa 2 người
mang tên là Nghị này?! Thông báo trả lời của CQĐT Công an Long An có 2 nội dung
chính như sau:
– “Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An đã triệu tập,
làm việc với Nguyễn Hữu Nghị (bạn của nạn nhân Hồng, nhân viên Bưu cục Cầu Voi) và thẩm tra, xác
minh. Qua tài liệu thu tập được trong quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an
tỉnh Long An có đủ cơ sở chứng minh Nguyễn Hữu Nghị ngoại phạm, không có liên quan đến vụ án 02 nữ nhân
viên (Hồng và Vân) bị giết tại Bưu cục Cầu Voi”.
– “Qua nghiên cứu nội dung đơn, đối
chiếu với quy định pháp luật, không có cơ sở để giải quyết theo trình tự, thủ
tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm quy định tại Điều 103 BLTTHS năm
2003”.
Đúng là “Miệng quan có gang, có thép”! Trong
đơn, bà Loan với sự hỗ trợ của luật sư Trần Hồng Phong, đã liệt kê hàng tá
chứng cứ và cơ sở chứng minh Nghị là thủ phạm gây án, thế mà Cơ quan CSĐT Công
an tỉnh Long An lại khẳng định Nghị vô can, ngoại phạm; và kết luận “ĐƠN TỐ
GIÁC” là không có cơ sở để giải quyết!? Nghị có mặt tại Bưu cục Cầu Voi tối hôm
13/1/2008 nên bị triệu tập, tạm giữ mấy ngày để điều tra, nhưng vì Nghị khai là
20h10’ tối đó có mặt ở quán cafê nên CQĐT coi đấy là bằng chứng ngoại phạm!
Tình tiết Nghị có mặt tại quán cafê lúc 20h10’ chưa phải là cơ sở kết luận đấy
là bằng chứng ngoại phạm, vì nhiều khả năng vụ án xảy ra sau 21h30’ chứ không
phải là 20h30’ như các cơ quan tố tụng xác định, vì thức ăn trong dạ dày 2 nạn
nhân đã “nhuyễn”! Điểm mấu chốt, vô cùng quan trọng, đó là giám định dấu vân
tay của Nghị có trùng với dấu vân tay của hung thủ để lại ở hiện trường hay
không, thì CQĐT lại lảng
tránh, không trả lời như đòi
hỏi tại kiến nghị thứ 4 trong 5 kiến nghị bà Loan đã nêu trong “ĐƠN TỐ GIÁC”!
Một chi tiết hơi khó hiểu là sau hơn 1 năm (chính xác là 13 tháng 3 ngày) CQĐT
mới trả lời người tố giác, trong khi Khoản
2 Điều 103 BLTTHS quy định thời hạn giải quyết tố giác là 20 ngày hoặc “Trong
trường hợp sự việc bị tố giác…có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra,
xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác có thể dài hơn,
nhưng không quá 2 tháng”. Ấy vậy, chẳng ai thèm xin lỗi người
đứng đơn tố giác cả!
Gần suốt 9 năm qua, bản thân tử tù Hồ Duy
Hải, các luật sư và gia đình, đặc biệt mẹ ruột của Hải đã nhiều lần ra tận Hà
Nội gửi đơn kêu oan, yêu cầu xem xét lại bản án và kiến nghị giám đốc thẩm vụ
án này! Sáng ngày 4/12/2014, trước cổng TAND tỉnh Long An, em gái ruột cùng hơn
một chục thân nhân của Hồ Duy Hải vật vã kêu khóc, kịch liệt phản đối việc mang
Hồ Duy Hải ra tử hình vào ngày hôm sau, 5/12/2014, như kế hoạch đã định. Điều
này buộc ông Phó Chánh án TAND tỉnh Long An phải chấp thuận với bút phê “”Đồng
ý” vào đơn xin hoãn tử hình của gia đình Hồ Duy Hải!
Bà Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ
nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, khi còn là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH
khóa XIII, bà được cử làm Phó Trưởng đoàn giám sát án oan sai của UBTVQH. Bà đã
bỏ nhiều công sức nghiên cứu kỹ toàn bộ hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải, đã vào tận trại
giam để gặp trực tiếp tử tù Hồ Duy Hải, gặp và làm việc với mẹ ruột và dì ruột
của Hồ Duy Hải, làm việc với Ban giám thị Trại giam tỉnh Long An. Bà đã có bản
Báo cáo dài 10 trang đề ngày 10/02/2015, gửi Chủ tịch nước, Chánh án TANDTC,
Viện trưởng VKSNDTC đưa ra kết luận và kiến nghị rất xác đáng, xin trích nguyên
văn:
“Tòa án hai cấp kết tội Hồ Duy Hải là
chưa đủ cơ sở vững chắc; có đủ căn cứ để giám đốc thẩm Bản án hình sự phúc thẩm
số 281/2009/HSPT ngày 28/4/2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại
Tp. Hồ Chí Minh. Bị cáo Hồ Duy Hải bị kết án mức hình phạt cao nhất là tử hình,
nên để đảm bảo thận trọng, chúng tôi cho rằng cần phải xem xét, kháng nghị giám
đốc thẩm vụ án này”.
Điều 273 Bộ luật TTHS (2003) quy định chỉ
cần 1 trong 4 căn cứ thì có thể kháng nghị giám đốc thẩm một bản án đã có hiệu
lực:
1-Việc điều tra xét hỏi tại
phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ;
2-Kết luận trong bản án không phù hợp
với những tình tiết khách quan của vụ án;
3-Có sự vi phạm nghiêm trọng
thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố hoặc xét xử;
4-Có những sai lầm nghiêm trọng
trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự.
Bà Lê Thị Nga khẳng định, vụ án Hồ Duy Hải không chỉ có 1 mà có đủ cả 4 căn cứ
nói trên theo Điều 273 Bộ luật TTHS để kháng nghị giám đốc thẩm!
Phiên họp thứ 36 của UBTVQH khóa XIII
(13/3/2015), nhiều thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã chất vấn gay gắt
ông Trương Hòa Bình, Chánh án TANDTC, về các án oan sai, trong đó có vụ án Hồ
Duy Hải. Nhưng ông Chánh án đã bất chấp sự thực khách quan, thẳng thừng bác bỏ
đề xuất của nhiều ĐBQH là thành viên của Ủy ban Tư pháp là cần xem xét thận
trọng vụ án Hồ Duy Hải, kể cả việc kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm! Ông
khẳng định: Chưa có căn cứ kháng nghị vụ Hồ Duy Hải, mặc dù có có một số
thiếu sót trong quá trình thu thập chứng cứ của CQĐT. Viện KSNDTC cũng nhận
định như vây!. Ông còn nói quá trình điều tra,
Hải không kêu oan và đã nhận tội, chỉ xin giảm án. Khi truy tố và xét xử, Hải
cũng nhận tội, và khẳng định là không có bức cung, nhục hình! Quan điểm và ý
kiến của ông Trương Hòa Bình bị gia đình tử tù Hồ Duy Hải phản ứng gay gắt, và
cho rằng ông Chánh án đã không trung thực, “hoàn
toàn bịa đặt, sai sự thật”, và phát biểu của ông “thể hiện sự quan liêu, thiếu
trách nhiệm”.
Quá bức xúc với quan điểm và tư duy của
người đứng đầu TANDTC, mẹ và dì ruột của Hồ Duy Hải, trong 6 tháng liền, từ
tháng 3 đến tháng 9/2015, đã 6 lần (xin nhắc lại là 6 lần liên tục!) gửi “ĐƠN
TỐ CÁO” đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc
hội tố cáo đích danh và đòi
“xử lý theo quy định của pháp luật” ông Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình,
đồng thời kiến nghị xem xét lại toàn bộ vụ án này theo trình tự, thủ tục giám
đốc thẩm! Nhưng đến nay, đã hơn một năm rồi, “ĐƠN TỐ CÁO” của gia đình Hồ Duy
Hải không hiểu sao chưa được giải quyết, rơi vào im lặng khó hiểu?!
Gần chục năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã và
đang tiến hành công cuộc Cải cách Tư pháp mà trọng tâm là cải cách Ngành Tòa án
để không còn xảy ra những vụ án oan, sai chấn động dư luận như các vụ Nguyễn
Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Đỗ Đăng Dư (Hà Nội), Ngô
Thanh Kiều (Phú Yên), Trần Văn Thêm (Bắc Ninh), Lương Ngọc Phi (Thái Bình),
Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), và mới đây nhất là vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang)
cùng rất nhiều vụ án oan sai khác,v.v.. Muốn thực sự xây dựng Nhà nước pháp
quyền, dù là pháp quyền XHCN đi nữa, điều tiên quyết là không thể thiếu vắng một
nền Tư pháp công minh, liêm chính, trong sạch và trên hết là thượng tôn pháp
luật, hay nói một cách nôm na dễ hiểu là phải có một nền tư pháp tử tế!
Trong vụ án này, nếu những người đứng đầu
ngành Tư pháp không lắng nghe người dân và các chuyên gia, không tuân theo lẽ
phải và công lý, cứ một mực hành xử theo tư duy cũ, bác bỏ mọi kháng nghị giám
đốc thẩm, không hủy án và điều tra, xét xử lại thì họ không chỉ giết một sinh
mạng con người mà họ đang bóp chết cả một nền tư pháp quốc gia, nền tư pháp
nước CHXHCN Việt Nam! Nếu họ giết được 1 người vô tội, chắc chắn họ sẽ chuốc
lấy sự phản kháng không chỉ của gia đình người đó mà của hàng triệu, hàng chục
triệu người khác nữa! Chúng ta hãy cùng nhau cứu lấy nền Tư pháp nước nhà!
Hà Nội, ngày 13/1/2017.
N.Đ.Q
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét