(30/09/2019)
Nguyễn Thu Trang
_________
Nguyễn Thu Trang
_________
Sau khi
loạt bài SUN GROUP – ĐỊA NGỤC TỰ VÀ MA TRẬN CHIẾM LĨNH RỪNG QUỐC GIA TAM ĐẢO,
được đăng tải trên báo Phụ Nữ, tôi là một trong những thành viên tham gia quá
trình thực hiện đề tài, ngay lập tức trở thành mục tiêu tấn công của nhóm lợi
ích đang thôn tính phần lớn rừng nguyên sinh Tam Đảo.
Một
cuộc chiến vô tiền khoáng hậu mà họ đã tự tạo ra để nhằm vào cá nhân tôi, tôi
thiết nghĩ cũng nên có đôi dòng cốt là để mọi người đỡ phải hỏi han, chia sẻ
trong lúc tôi đang bận nhiều việc, không thể trả lời tất cả…
Như các bạn biết rồi, đây là loạt bài gây bão thực sự trên báo
Phụ Nữ TP HCM. Lượt quan tâm, chia sẻ cao gấp hàng chục lần loạt bài từng gây
bão như “Thâm nhập băng nhóm bảo kê chợ Long Biên” năm ngoái. Nhưng có điều
khác là, khi chúng tôi phản ánh về một băng nhóm tội phạm nguy hiểm thực sự thì
cả làng báo cùng vào cuộc, tin bài rầm rộ… Còn khi chúng tôi phản ánh nhóm lợi
ích lớn nhất nhì hiện nay, đang tàn phá rừng nguyên sinh, thôn tính tài nguyên
đất nước… các báo đều im hơi lặng tiếng.
“ĐƯỢC BẢO VỆ NGHIÊM NGẶT” chính là cụm từ mặc định trong các quy
định pháp luật về bảo vệ rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng… nhưng hiện nay, thế
lực đang tìm mọi cách tàn phá rừng lại trở thành đối tượng được bảo vệ nghiêm
ngặt hơn cả rừng. Không ai dám động vào họ, không một tờ báo nào dám đăng tin,
phản ánh sự thật về những dự án tàn phá môi sinh của họ.
Nhục nhã lắm thay khi những người dám lên tiếng lại là đàn bà.
Những người đàn bà vốn ưa sự nhẹ nhàng, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp… lại sẵn
sàng xông ra tuyến đầu lăn lộn nhiều ngày tháng chỉ vì một điều giản đơn, nhỏ
bé: “Bảo vệ tài nguyên quốc gia”.
Hỡi những nhà báo hai mang và đội ngũ truyền thông bẩn. Các vị
đang hăm hở tấn công một người bận rộn như tôi, chẳng ích gì đâu. Tôi còn chẳng
có thời gian để đọc những điều các vị nói. Tôi chỉ nghe những người bạn của tôi
chia sẻ rằng; các vị nói tôi viết không hay, không đúng thể loại phóng sự điều
tra. Điều này tôi không cãi, Nhà Văn Nguyễn Công Hoan từng nói: “viết cốt hay,
thể loại không quan trọng, nếu viết không đúng thể loại nào thì có nghĩa là bạn
đang tạo ra một thể loại mới”.
Chị Hằng Thanh, nhà báo gạo cội nhận xét thế này: “Bài ‘không
đúng thể loại’ của em Trang cũng mang đến lượng người đọc vượt qua tất cả các
bài từng đăng trên Báo PNTPHCM.
Như vậy, thể loại quan trọng hay nội dung mang cho bạn đọc mới
quan trọng? Cứ giơ thể loại ra để phê người khác mình, chẳng qua là anh quen
với sự cùn mòn rồi. Mình luôn ủng hộ sự sáng tạo, dù chưa phải sự sáng tạo nào
cũng đúng, nhưng còn hơn là giậm chân tại chỗ không làm gì.
Có anh lại còn lên giọng đạo đức là ‘không ai đánh đổi phẩm hạnh
lấy sự thật’. Đây là cái nhìn rất khuyết tật. Thứ nhất, từng có vô vàn nhà báo
nam ‘nhập vai’ vào động mại dâm, thậm chí ‘chén’ thật lực, nhưng vẫn lên giọng
dạy dỗ, sao k thấy lên án? Có phải đây là thái độ GATO khi thấy đồng nghiệp nữ
làm được những điều mà mình không làm nổi?”
Lố bịch hơn, họ còn đổ cho phóng viên đi đánh bẫy sư Toàn. Nói
đến đây thì tôi mắc cười muốn chết. Tôi làm việc mà không tuân thủ đaọ đức,
nguyên tắc nghề nghiệp, bám sát các quy định pháp luật thì chính tôi là người
hại mình trước, chưa cần đến ai.
Các bạn đừng nghĩ, làm báo dễ như viết stt thế chứ. Một câu, chữ
sai là có thể ảnh hưởng đền cả tờ báo, người viết bị thu thẻ nhà báo, thậm chí
bị đi tù nếu sai nghiêm trọng.
Kể cả tôi có bẫy như các vị nói đi chăng nữa, thì người phản ánh
điều này phải là anh sư giả kia chứ phỏng? Tôi bẫy anh thì anh kiện tôi đi. Chỉ
sợ anh thấy thêm những nạn nhân khác ngoài tôi thì anh lại co vòi chạy mất.
Nực cười, tôi nghe nói là các vị đang dùng báo bẩn để viết bài
bêu xấu cá nhân tôi. Nói tôi đang tàn hủy hoại môi sinh vì đã đánh hoa hồng ở
các nơi về trồng tại một thửa đất nông nghiệp ở HỒNG CỔ QUÁN.
Buồn cười quá, tôi đi mua hoa hồng, một loài hoa có thể cắm cành
cũng sống được từ các nơi rồi về Tiến Xuân, làm hồi sinh một mảnh đất hoang
hoá… điều này cả cái xã Tiến Xuân không có ai lạ gì? Chỉ cần lục lọi FB của tôi
một hồi là thấy, tôi đã nhân giống cả một vườn hồng cổ ở Cầu Tiến Xuân như thế
nào, không cần cất công mò lên tận nơi xem…
Về tính pháp lý, đó là mảnh đất tôi thuê (chính xác là mượn) vì
dân họ thấy tôi quá yêu hoa hồng, họ cho mượn bằng một hợp đồng thuê đất với
giá tượng trưng… chứ thuê đắt thì tôi cũng chẳng có tiền đâu.
Mảnh đất tôi thuê nhiều năm nay đang trồng hồng bán cây giống
(nhà hàng mở sau và cây giống vẫn đang là hoạt động chính diễn ra). Theo quy
định tại điểm h khoản 1 Điều 10, Luật Đất đai 2013 thì đất nông nghiệp có thể
được sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng
trọt. Theo đó, chị hoàn toàn có quyền xây dựng nhà chòi trên mảnh đất đó mà
không phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Mặt khác khu đất ở Tiến Xuân là đất ở nông thôn thuộc khu vực
chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt
thì chị có thể xây dựng nhà chòi hay nhà tôn mà không phải xin phép (điểm k
khoản 2 Điều 89, Luật Xây dựng 2014).
Nhiều người đọc bài báo các vị viết là tôi làm khu vui chơi
hoành tráng, có bể bơi. Tôi ước gì điều đó là có thật.
Xin đính chính thêm là vườn hồng của tôi đang vào mùa thu đẹp
lắm đấy. Dân đi qua đường, thấy hoa nở tưng bừng, ai cũng muốn ghé thăm, ai
cũng muốn có chỗ ngồi chơi, ngắm hoa, uống trà, thưởng thức đặc sản quê… tôi
vay mượn để dựng lên vài chòi lá bằng gỗ keo tạp thu hoạch tại Tiền Xuân.
Thực chất, chòi lá của tôi hình lục giác, nó giống cái chòi
trông vịt của bác nông dân, chỉ khác mỗi điều là tôi vây quanh nó là hoa hồng
cổ nên nó đặc biệt lắm, nổi tiếng lắm. Khách đến chơi vào cuối tuần mà không
đăng ký là không có chỗ ngồi…
Từ lâu, tôi đã chuyển hẳn về Tiến Xuân sinh sống, là công dân
của đồng bào Mường Thung Khoai. Ở đây, ai cũng biết tôi lao động cật lực hơn cả
những người nông dân thực thụ để có một vườn hồng to, đẹp thế này. Tôi xin tạm
nghỉ công việc Toà soạn trong 2 năm để sinh con và phát triển kinh tế gia đình…
và tôi định không quay lại nghề báo nữa. Nghề báo vừa nghèo vừa lắm thị phi…
nhưng tôi không sao bỏ nghề được. Đời vẫn cần tôi, nghề vẫn cần tôi và nhiều
bạn đọc cần tôi…
Phụng sự nghề báo chính là sứ mệnh của tôi mất rồi.
Còn nghe thấy anh nhà sư gì đó nói tôi là phóng viên là lẳng lơ.
Tôi cũng ước gì tôi có chút lẳng lơ. Từ lâu lắm tôi ước gì mình lẳng lơ một
chút, xinh đẹp, dịu dàng một chút để dễ dàng hơn khi tiếp xúc với mọi người.
Nhưng trong trường hợp này, tôi khinh vô cùng anh sư viết bài chê tôi như thế
nhé! Khinh không thèm nói quá tệ nếu anh thật sự là sư. Tệ hơn nữ là cái trang
tin có tên là phatgiaovietnam đã duyệt đăng bài viết bốc mùi hôi thối của anh
sư ấy.
Mà tôi chốt lại thế này: Chỉ vài chục trang cá nhân tấn công
tôi, không đáng nói. Đó là công việc của họ, họ ăn lương chỉ để làm việc đó.
Nhưng đáng nói là số nhà báo, thậm chí là những nhà báo có chức danh hẳn hoi
trên vài tờ báo… vì bận quá nên tôi đã block một cơ số rồi, chắc họ phải ý thức
được rằng, chính họ đang tự cầm cứt đi ngược gió.
Nhìn một cách tổng thể, khi quyết định động chạm vào đề tài này,
chúng tôi đã mặc định sẵn sàng tất cả rồi. Nghĩa là chúng tôi chờ đón những sự
tấn công ghê gớm, về tờ báo cũng như về nhóm phóng viên thực hiện đề tài này.
Nhưng tính đến nay, mọi sự tấn công đang diễn ra rất manh mún,
không đáng kể, không có sức mạnh, thậm chí là phản tác dụng.
Đối với người làm báo chân chính, sự ủng hộ, yêu mến của độc giả
là động lực quan trọng nhất. Chúng tôi đang có rất đông bạn đọc, cả xã hội đang
hướng đến và đồng hành cùng chúng tôi để bảo vệ Rừng Quốc Gia Tam Đảo. Bảo vệ
tài nguyên thiên nhiên Quốc Gia, không để nhóm lợi ích thôn tính, phá hoại..
Chúng tôi vẫn đang làm, nên những ý kiến được cho là phản biện,
thiết nghĩ không cần phải trả lời vào thời gian này. Thời gian sẽ trả lời tất
cả.
Nhưng điều khiến tôi ĐAU ĐỚN nhất lúc này chính là nhận ra những
gương mặt của những người từng được gọi ĐỒNG NGHIỆP của mình, lại đang ra sức
TẤN CÔNG mình.
Tôi đã dành nhiều thời gian để đau đớn về điều đó. Nhưng giờ thì
không. Tôi chấp nhận tất cả để đối mặt. Những người đã bị tôi block, đừng giải
thích với tôi bất cứ điều gì. Chúng ta đã hết duyên trên hành trình này, vậy
thôi.
Nhưng tôi muốn nói đến một nỗi đau khác. Nỗi đau lớn hơn tất cả
mọi nỗi đau, đấy là sự SỰ IM LẶNG của hầu hết những tờ báo chính thống. Sự im
lặng ĐÁNG SỢ.
Nó còn đáng sợ hơn tất cả mọi
sự tấn công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét