Quách Hạo Nhiên
39 “thùng nhân” và 2
triệu mỗi phút, 1 tỷ 1 một ngày
Theo tính toán của các
chuyên gia, chi phí trung bình cho mỗi phút họp Quốc hội ở Việt Nam là 2 triệu
đồng, tương đương 1 tỷ một ngày[1]. Nếu tính từ ngày khai mạc (21/10/2019) đến
nay thì kỳ họp Quốc hội thứ 8, khóa XIV năm nay đã tiêu của dân hơn 30 tỷ đồng.
Trong vai trò người nắm quyền lực tuyệt đối ở đất nước này, đại biểu Quốc hội
kiêm Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đương nhiên cũng tham dự.
Điều đó cũng có nghĩa đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú trọng cũng góp phần vào công
cuộc tiêu tiền của dân trong hơn tháng qua. Nhưng tiêu tiền của dân trong những
dịp họp hội như thế nói cho cùng là chuyện đương nhiên, quốc gia nào cũng vậy.
Vấn đề đáng nói ở đây là tiêu tiền của dân như thế nhưng có giúp ích gì cho dân
hay không? Hay nói khác đi, người dân đóng thuế để nuôi các đại biểu, các ông
bà nghị nhưng các ông bà nghị có xứng đáng với niềm tin; với những đồng tiền mồ
hôi, nước mắt thậm chí là máu của người dân đã đổ ra hay không?
Đại biểu Quốc hội
Nguyễn Phú Trọng đã từng nhiều lần phát biểu và nhấn mạnh, đất nước và dân tộc
Việt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ như hôm nay”. Phải nói thật là, cho đến
hôm nay tôi mới thật sự thấm thía về lời phát biểu này. Thấm thía vì lẽ theo
tôi, Việt Nam là một dân tộc hào phóng và bao dung nhất nhì thế giới nên mới có
chuyện hơn 90 triệu người (trong đó có 39 người vừa bỏ mạng trong thùng
container vì vượt biên trái phép sang Anh) sẵn sàng bỏ ra 1 tỷ một ngày cho gần
500 ông bà nghị “chém gió” ở Hội trường Diên Hồng trong ròng rã một tháng hơn.
Đặc biệt, phải là một dân tộc rất giỏi chịu đựng nếu không muốn nói là đớn hèn,
mê muội mới kiên nhẫn ngồi trước cái ti vi để xem và nghe một số ông bà nghị
trong tư cách lãnh đạo các bộ, ban, ngành đọc và trả lời chất vấn chẳng khác gì
các em học sinh phổ thông hay sinh viên đại học thảo luận trên lớp trong thời
đại cờ mờ bốn chấm không (CM 4.0).
Và riêng tôi lại càng
thấm thía và ngạc nhiên hơn nữa khi biết rằng đại biểu Quốc hội kiêm Tổng Bí
thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến giờ này vẫn không có một lời nào chia
sẻ hay cảm ơn nào dành cho 39 đồng bào tôi (đa phần xuất thân ở vùng “đất học”,
“địa linh nhân kiệt” Nghệ - Tĩnh) đã bỏ mạng nơi xứ người. Không những vậy, các
thuộc cấp của ông trên mặt trận tuyên truyền sau thời gian đầu “nắm tình hình”
đã bắt đầu những cuộc phản công khi không ngần ngại mỉa mai, phê phán những con
người xấu số kia vì tham giàu mà vượt biên trái phép làm ảnh hưởng đến quốc
gia, quốc thể…
Than
ôi, làm người ai mà không tham! Nhưng người dân vì xuất phát điểm đói nghèo nên
nếu họ tham âu cũng là lẽ thường trong cuộc sống của những người trần tục. Hơn
nữa, họ cũng đã phải trả giá cho lòng tham ấy bằng chính sinh mạng của mình
rồi. Nên dù không bênh vực nhưng với tôi những người dân xấu số kia dẫu sao vẫn
đẹp hơn rất nhiều so với những kẻ miệng thì rao giảng “tất cả vì hạnh phúc nhân
dân” nhưng lại “ăn không chừa một thứ gì của dân”.
Từ bao giờ ở xứ sở này
nếu quan mà tham thì bảo rằng đó chỉ là những trường hợp cá biệt còn người dân
tham thì bảo “có chết cũng đáng đời”. Nói thế mà không sợ cái lưỡi nó tụt mất
hay sao? Đồng ý rằng, xét trong từng sự việc cụ thể cũng nên đổ thừa, quy hết
mọi chuyện xấu xa tệ hại là do chế độ. Nhưng vấn đề là anh đã và đang nắm trọn
quyền lãnh đạo duy nhất và tuyệt đối ở đất nước này nên nhất định cũng cần phải
biện chứng và sòng phẳng với nhau. Nói khác đi, lâu nay anh cho rằng tất cả mọi
thành tựu, hay cái cơ đồ của dân tộc được như hôm nay là do sự tài tình và sáng
suốt của anh vậy thì nhất định anh cũng không nên ngụy biện hay trốn tránh,
thoái thác trách nhiệm trước bất kỳ một sự cố nào xảy ra với thần dân mà anh
đang dẫn dắt và cai trị hơn mấy chục năm qua. Không thể có chuyện thành tựu,
thành công vượt bậc thì anh nhận hết cho riêng mình còn khi có biến cố, sự cố
không hay thì anh phủi tay hay tệ hơn là đổ thừa cho các thế lực thù địch chống
phá.
Ở một phương diện
khác, khi anh phê phán những con người xấu số kia là “tham lam” và “nhận thức
kém” (dù biết rủi ro mà vẫn chấp nhận đánh cược mạng sống của mình) thì liệu
anh có vô can không? Vì nói cho cùng cái “nhận thức kém” kia của người dân
ngoài nguyên nhân thuộc về “căn tính” của dân tộc này thì còn là cái hệ quả tất
yếu từ công cuộc “cải tạo” và “xây dựng con người mới XHCN” do chính anh thực
hiện suốt mấy mươi năm qua! Dân nào thì quan nấy và quan nào thì dân nấy! Khi
anh lên án người dân như vậy chắc gì anh đã đẹp và nhận thức tốt hơn hơn họ?
Mỗi ngày anh đều học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng anh
vẫn tham ô, tham nhũng đó thôi. Và cũng vì anh quá tham lam và dối trá nên đất
nước này mới sản sinh ra thêm một “người đốt lò vĩ đại” để anh tiếp tục tung hô
ca ngợi còn gì!?
13 tỉnh miền Tây, 40
năm thống nhất và 60 kí lô mét đường cao tốc
Đồng bằng sông Cửu
Long (ĐBSCL) hay còn gọi là miền Tây Nam Bộ là vùng đất màu mỡ, trù phú bậc
nhất cả nước. Thế nhưng đây cũng là khu vực thiệt thòi nhất, ít được quan tâm
đầu tư nhất vì thế đời sống người dân nơi đây cũng thuộc hàng thấp nhất, nghèo
nhất (cả về tinh thần lẫn vật chất). Nhắc đến ĐBSCL hiện nay người ta chỉ nhớ
đến hai điểm nổi bật làm nên “thương hiệu” của cả nước trong sự mai mỉa đó là:
anh “Hai lúa” và “gái miền Tây” (nếu không lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc cũng đi
bán bia ôm). Gần đây, ĐBSCL còn được chú ý với nguy cơ sẽ bị nhấn chìm do biến
đổi khí hậu (nước biển dâng) trong vài mươi năm tới…
Có một sự thật là cái
nghịch lý “đất giàu nhưng dân nghèo” hay nói đúng hơn là sự bất công và vô lý
này ở ĐBSCL đã tồn tại hơn 40 năm qua kể từ ngày nước nhà thống nhất 1975. Có
thể nói, ngoài tâm lý ỷ lại của cả người dân nơi đây thì nhận thức và thái độ
kỳ thị, phân biệt vùng miền đến mức tham lam của những người nắm quyền điều
hành lãnh đạo cao nhất của đất nước này từ bấy đến nay đang giết dần giết mòn
ĐBSCL. Hay nói khác đi, vùng đất trù phú, giàu tiềm năng này sau 40 năm thống
nhất đất nước đang đối mặt với nguy cơ hiện hữu chưa kịp phát triển đã lụn bại,
lụi tàn. Hơn 40 năm thống nhất nhưng 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ chỉ được những
người có trách nhiệm cao nhất của đất nước đầu tư đúng 60 km đường cao tốc 9TP
HCM - Trung Lương) và 4 cây cầu: Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Vàm Cống… đã nói
lên tất cả. Phải chăng đây cũng là lý do mà trong một buổi họp với lãnh đạo
chính quyền TP HCM mới đây để bàn về việc phát triển du lịch của vùng ĐBSCL,
ông Lê Tiến Châu - chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã cay đắng thốt lên rằng:
“Không có 13 tỉnh thành cùng kêu thì chưa chắc có đường cao tốc sắp tới (đường
cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận). Phải kêu, thậm chí phải khóc Trung ương mới
nghe!”[2]
Trong khi đó, mặc dù
đã có rất nhiều tuyến đường sắt và cao tốc nhưng người ta vẫn lập dự án, “nhờ
cậy” Bắc Kinh tư vấn và tài trợ với tổng số vốn 100.000 tỷ cho tuyến đường sắt
Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Chưa bàn đến những rủi ro và bẫy nợ, bẫy an ninh
chính trị do liên quan đến người “bạn vàng” của Đảng (vì đã có quá nhiều bài
học cay đắng trước đó tiêu biểu là dự án Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa giải quyết
xong) việc Chính phủ của ông Phúc đang xúc tiến để trình Quốc hội xem xét thông
qua chủ trương này cho thấy nhận thức của ông trong vấn đề lựa chọn thứ tự ưu
tiên để đầu tư và phát triển kinh tế các vùng miền hiện nay như thế nào. Hai
năm trước ông Phúc đã ký Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL và chính
ông cũng vừa phát biểu và nhấn mạnh rằng phải “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhằm
khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực,
tạo động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”[3], thế nhưng với
những gì đang xảy ra thì đã tự chứng minh tất cả: ĐBSCL tiếp tục bị gạt ra rìa!
Trong tinh thần hòa
hợp và đại đoàn kết dân tộc thì đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển
ĐBSCL cũng là đầu tư và phát triển cho đất nước. Khi ông Phúc nói “khai thông
mọi nguồn lực…” chẳng lẽ lại không bao hàm việc “khai thông” về cơ sở hạ tầng
cho khu vực ĐBSCL hay sao? Trong tư cách người đứng đầu Chính phủ cũng là đại
biểu Quốc hội, lãnh đạo cấp cao của Trung ương lẽ nào ông Phúc không nghe thấy
“tiếng khóc” của lãnh đạo và người dân 13 tỉnh khu vực ĐBSCL? Lẽ nào cái nghị
quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL mà ông đặt bút ký sau hai năm đã chính
thức trở thành tấm giấy lộn không hơn không kém?
Người dân ĐBSCL hiện
đang đối diện với rất nhiều vấn nạn. Những cánh đồng “cò bay thẳng cánh” với
bạt ngàn cá tôm hay bốn mùa cây trái đang ngày một mất dần và xấu đi. ĐBSCL hôm
nay mỗi ngày đều chứng kiến từng đoàn người dìu dắt nhau để “đi Bình Dương bán
nước tương” vì đất đai nơi quê nhà đã ngày một trở nên khó sống, khó ở. Đại
biểu Quốc hội kiêm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vốn nổi tiếng với thông
điệp ”Chính phủ kiến tạo và phục vụ” nhưng trong bối cảnh hiện nay lại chọn
tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là thứ tự ưu tiên để đầu tư thay
vì cho ĐBSCL (sau hơn 40 năm không có 1 mét đường sắt nào) thì có phải là nói
một đằng làm một nẻo trước những cử tri vùng ĐBSCL hay không? Nói và làm như vậy
thì làm sao dân tin và ủng hộ? Người dân miền Tây tuy so với người dân các vùng
miền khác tuy có chút quê mùa, thô kệch nhưng họ cũng biết thế nào là “kiến
ngãi bất vi vô dõng dã, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”. Mấy mươi năm qua mặc dù
bị phân biệt đối xử và nhất là bị coi là ngu dốt nhất cả nước nhưng chính những
con người bị xem là ngu dốt ấy chứ không phải ai khác đã nai lưng ra cày cấy để
nuôi sống cả cái nước này; và khi cần thì tất cả lại xúm vào mang họ ra làm
niềm tự hào như một tiếng thơm để khoe với bè bạn thế giới trong sự ảo tưởng và
giả trá: VN là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu!
Chỉ bấy nhiêu đó thôi
thiết nghĩ nếu đàng hoàng và tử tế thì cả nước này phải biết cảm ơn và cúi đâu
xin lỗi những người dân quê mùa, ít học nơi đây vì sự hiền hòa và bao dung, độ
lượng của họ! Nếu không thì như cách nói quê mùa, chơn chất và bộc trực họ sẽ
nói: “làm người ai làm vậy” hoặc không thì “chơi vậy giang hồ coi ra cái ôn
dịch gì?”
Thay lời kết
Sau hơn 1 tháng họp
Quốc hội và cũng với ngần ấy thời gian 39 người Việt từ khi được phát hiện đã
chết trong thùng container ở Anh vẫn chưa chuyển hết về Việt Nam. Cái chết nào
của con người cũng đau đớn. Những người dân Nghệ - Tĩnh chết trong thùng
container hay các cô gái miền Tây bị những người chồng Đài Loan, Hàn Quốc sát
hạ hoặc tự tử đều như nhau cả.
Cho nên dù có biện
minh thế nào thì chắc chắn gần 500 ông bà nghị đang ngồi họp ở Hội trường Diên
Hồng cũng phải đối diện với sự thật (nếu không bây giờ thì lịch sử và cháu con
đời sau cũng sẽ phán xét) rằng: nếu bảo rằng Việt Nam hôm nay là quốc gia hạnh
phúc, quốc gia đáng sống nhưng người dân dù nghèo hay giàu, xuất thân từ vùng
“đất học” (Nghệ - Tĩnh) hay thất học (ĐBSCL) cũng có xu hướng từ bỏ cái “thiên
đường XHCN” này để tìm đến xứ sở của “bọn dân chủ giả hiệu”- cái bọn tư bản chỉ
biết bóc lột và giãy hoài mà không chịu chết ở bên kia bờ đại dương? Hay các
ông bà luôn miệng bảo xã hội, chế độ mình ưu việt hơn các nước khác trăm ngàn
lần thì tại sao thần dân, đồng bào mình lại chấp nhận đánh cược cả sinh mạng để
ra đi như thế? Và ngay chính trong số các ông bà cũng đã và đang tìm mọi cách
để con cái mình sang tị nạn giáo dục ở các nước tư bản giãy chết kia; hay tìm
mọi cách để có những tấm thẻ xanh chờ ngày “hạ cánh an toàn” để dứt áo ra đi
khỏi dãy đất hình chữ S này.
Những điều trên không
chỉ là những sự thật vì nó đã và đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta và bạn bè
thế giới mà nó còn là sự thật, là câu hỏi của lương tâm và lương tri - đặc biệt
là đối với các ông bà nghị, các vị lãnh đạo cao nhất ở đất nước này nếu các vị
cho rằng mỗi lời nói và việc làm của mình thật sự “vì hạnh phúc của nhân dân”.
Nên nhớ rằng, không khí mát mẻ trong lành ở Hội trường Diên Hồng có được là nhờ
tiền thuế của 90 triệu con dân nước Việt khắp nơi trên thế giới trong đó có 39
“thùng nhân” đã bỏ mạng ở Anh quốc và tất cả người dân nghèo khó tay lấm chân
bùn ở “vùng trũng” ĐBSCL góp vào.
Vậy nên, xin các ông
bà nghị hãy một lần nghiêm túc quay lại để nhìn lại chính mình, nhìn lại để
“đừng lớn lối khi dân lành ốm đói, vẫn còng làm cho thắng lưng ăn”[4].
CT, 27/11/2019
Q.H.N.
_______
Chú thích nguồn tham
khảo:
[4] ”Nhìn từ xa… Tổ
quốc” - Thơ Nguyễn Duy
Tác giả gởi cho
viet-studies ngày 26-11-19
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét