Thứ Tư, 13 tháng 11, 2019

PHẢI PHÁ THẾ ĐỘC QUYỀN CỦA CÁC NHÓM LỢI ÍCH TRONG CUNG CẤP NƯỚC SẠCH CHO HÀ NỘI


Nguyen Ngoc Chu
Sau khi xã hội đồng loạt lên tiếng về lợi ích nhóm ở nhà máy nước sông Đuống thì phía Lãnh đạo TP Hà Nội đã có phản ứng bước đầu. Cụ thể là chiều ngày 12/11/2019 tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội đã đề cập đến vấn đề nhà máy nước sông Đuống. Nhưng thật buồn, mọi sự giải thích đều chứng tỏ nhà máy nước sông Đuống đích thực là dự án của lợi ích nhóm .
1. UBND TP HÀ NỘI KHÔNG PHẢI CHỦ SỞ HỮU CỦA NHÀ MÁY NƯỚC SÔNG ĐUỐNG
Cổ đông sáng lập ban đầu của nhà máy nước sông Đuống là Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (10%), Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch - Newtatco (5%), CTCP Đầu tư Việt Nam - Oman (27% ), CTCP nước Aqua One (58% ).
Thương vụ đầu tiên và gây chấn động chính là sự chuyển nhượng cổ phần của nhà máy nước sông Đuống. Trong đó nhà đầu tư Thái Lan WHAUP chi 2073 tỷ đồng để mua 34% cổ phần – bao gồm 7% của Aqua One và toàn bộ 27% cổ phần của CTCP Đầu tư Việt Nam – Oman. WHAUP đã thay thế CTCP Đầu tư Việt Nam – Oman và trở thành cổ đông lớn thứ 2 sau Aqua One.
Nhà đầu tư Thái Lan WHAUP là nhà buôn lọc lõi. Nếu không nhìn thấy nhóm lợi ích đảm bảo lợi nhuận thì không đời nào WHAUP bỏ ra 2073 tỷ vào nhà máy nước sông Đuống. Nói cách khác, phải khẳng định rằng, không có nhóm lợi ích từ phía UBND TP Hà Nội thì đã không có phi vụ chuyển nhượng cổ phần.

Như vậy UBND TP Hà Nội chỉ có được 15% cổ phần qua 2 công ty con là Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (10%), Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch - Newtatco (5%). Chủ sở hữu của nhà máy nước sông Đuống là Aqua One (51%).
2. KHÔNG PHẢI CHỦ SỞ HỮU TẠI SAO PHẢI BAO SẢN PHẨM? PHẢI TÍNH GIÁ ĐỦ? PHẢI TRẢ LÃI NGÂN HÀNG? PHẢI NGHIỆM THU QUYẾT TOÁN?
Theo Vietnamnet (“Giá nước sạch sông Đuống hơn 10 ngàn/m3, 2.000đ là trả lãi vay của nhà đầu tư” Vietnamnet 13/11/2019):
“Tại phiên họp giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội chiều 12/11/2019, “Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến giá nước sạch tối đa của nhà máy nước mặt sông Đuống tạm tính là 10.246 đồng/m3, cao hơn các nhà máy nước sạch khác, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà nêu hàng loạt văn bản liên quan đến phương pháp tính tiền, nhấn mạnh việc “phải tính đúng, tính đủ” theo quy định” .
“ Nguyên tắc “tính đúng, tính đủ” cụ thể là chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chí phí vay lãi, chi phí quản lý DN (tạm tính 5%), chi phí bán hàng (1%), chi phí thất thoát 18%...”.
“Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước khoảng 20%, tức là khoảng 2.003 đồng mỗi m3 nước”.
Một nghịch lý sờ sờ ai cũng thấy là tại sao không phải là chủ sở hữu mà UBND TP Hà Nội lại hành động trong tư cách chủ sở hữu? Tại sao UBND TP Hà Nội lại phải bao sản phẩm? Phải tính đúng tính đủ giá thành? Phải tính trả lãi ngân hàng? Phải nghiệm thu quyết toán cho nhà máy nước sông Đuống?
Hàng chục ngàn doanh nghiệp tư nhân ở Hà Nội có doanh nghiệp tư nhân nào được UBND TP Hà Nội hành động như ở nhà máy nước sông Đuống?
Theo đúng quy trinh tự nhiên, thì sau khi nhà máy nước sông Đuống hoàn thiện, sản xuất ra nước sạch sẽ đến chào hàng cho UBND TP Hà Nội. Lúc đó UBND TP Hà Nội mới xem xét chất lượng nước có đảm bảo tiêu chuẩn hay không và giá nước chào bán, rồi mới quyết định có mua hay không mua nước từ nhà máy nước sông Đuống.
Nhưng trên thực tế thì một nhóm người trong UBND TP Hà Nội đã hành động như họ chính là chủ sở hữu nhà máy nước sông Đuống. Đó chính là lợi ích nhóm.
NHÂN DÂN KHÔNG CHẤP NHẬN
Với mức sống hiện nay của công dân Hà Nội thì giá nước đang bán lẻ cho người tiêu dùng 7.000đ/m3 đã là cao. Sau tăng giá điện đời sống người dân Hà Nội lại thêm phần khó khăn.
Người Hà Nội sẽ không chấp nhận việc tăng giá nước chỉ vì làm giàu kếch sù cho nhóm lợi ích.
UBND TP Hà Nội không thể tự tiện cho mình lấy tiền thuế của dân để làm lợi cho tư nhân là chủ sở hữu nhà máy nước sông Đuống.
ĐỀ XUẤT
Sự độc quyền các dự án về nhà máy nước sạch là nguyên nhân chính tạo nên sự độc quyền lợi ích nhóm trong lĩnh vực này. Nước là nhu cầu sống còn của dân, còn quan trọng hơn cả nhu cầu điện. Nhu cầu nước của Hà Nội còn tăng mạnh nữa theo cùng nhịp độ tăng dân số cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng đời sống. Bởi thế nhất thiết phải phá thế độc quyền về cung cấp nước sạch cho Hà Nội. Cho nên:
1. Hãy để cho quy luật thị trường quyết định giá nước.
2. Không mua nước sạch nhà máy nước sông Đuống cao hơn giá của các nhà máy nước hiện hành.
3. Không thể lấy bất cứ nguồn kinh phí nào để bù cho nhà máy nước sông Đuống.
4. Không để cho người nước ngoài trở thành chủ nhân cung cấp nước sạch cho người Việt Nam
5. Hãy công khai mời thầu các nhà máy nước mới.
DAY DỨT
Việc đầu độc nhà máy nước sông Đà làm cho số phận người Hà Nội càng thêm mong manh. Nay lại là nhà máy nước sông Đuống có thêm chủ sở hữu nước ngoài. Không có lẽ đến nước ăn người Việt cũng không tự lo được mà phải phó thác mạng sống của mình cho người nước khác?
Nhìn lên phía Bắc thì hàng xóm xây căn cứ quân sự cùng nhà máy điện hạt nhân. Ngó lên phía Tây thì bị người đắp đập ngăn sông. Ngoảnh về phía Đông thì trăm chiến thuyền vạn tàu dân quân biển của láng giềng phương Bắc chặn mất đường ra. Ngửa mặt lên trời thì bầu trời cũng sắp bị khoanh vùng nhận dạng. Nhìn xuống hướng Nam cũng đã thấy quân cảng của người phương Bắc!
Thế mà nhìn về nội bộ thì chưa đến năm 2021 mà từ năm 2018 đã lo về nhân sự. 5 năm một nhiệm kỳ, 3 năm lo chạy chức, 2 năm lo thu vén, còn mấy thời gian dâng hiến cho dân?
VẬT CÙNG TẮC BIẾN!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét