Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

CÁI CHẾT OAN KHUẤT CỦA CỤ PHẠM QUỲNH.


Nhật Hoa Khanh

Ngày 6 tháng 9 năm 1945, Học giả Phạm Quỳnh, nguyên Chủ bút Tạp Chí Nam Phong, nguyên Thượng Thư Bộ Lại Triều Đình Bảo Đại, đã bị lực lượng vũ trang Việt Minh tại Huế thủ tiêu.
Theo các nguồn tin tổng hợp, nội vụ đã diễn ra như sau: Ngày 23.8.1945, lấy cớ tìm kiếm vũ khí, một toán Việt Minh đã tới lục soát Biệt thự Hoa Đường ở Huế, nơi cựu Thượng thư Phạm Quỳnh cư ngụ sau khi triều đình Bảo Đại giải thể. Dù không tìm thấy vũ khí, toán Việt Minh cũng “mời” Ông Phạm Quỳnh và người con rể là Nguyễn Tiến Lãng đi theo để tới “họp” với Ủy ban Cách mạng Trung Bộ đóng tại Tòa Khâm sứ Pháp cũ.
Sau đó, thân nhân Ông Phạm Quỳnh không được tin tức gì cho đến đầu năm 1946, khi sửa soạn đem Nguyễn Tiến Lãng ra xử, báo chí Việt Minh mới công bố Ông Phạm Quỳnh đã bị “xử tử hình” cùng với Ông Ngô Đình Khôi và người con trai trưởng Ngô Đình Huân (lúc ấy làm thông ngôn cho người Nhật). Việt Minh không cho biết toà nào đã xử những người này, xử bao giờ, bị giết ngày nào và chôn cất tại đâu.
Mãi tới năm 1956, sau khi Ông Ngô Đình Diệm thành lập thể chế Cộng Hoà tại miền Nam VN, do sự chỉ dẫn của chính giới lãnh đạo Cộng sản Bắc Việt, qua trung gian của viên đại sứ Ấn Độ trong Ủy-hội Quốc-tế Kiểm-soát Đình-chiến theo Hiệp định Genève 1954, gia đình của các nạn nhân mới tìm được nơi chôn xác tại khu rừng Hắc Thú thuộc tỉnh Quảng Trị cách thành phố Huế khoảng 20 cây số về phía Bắc. Ba người (Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Huân) đã bị giết cùng một lúc (đập vỡ sọ bằng cuốc) và chôn chung một hố vào ngày 6.9.1945.
Thời điểm này rất quan trọng vì việc “xử tử” đã diễn ra sau khi phái đoàn trung ương Việt Minh do Trần Huy Liệu cầm đầu từ Hà-nội đến Huế chứng kiến lễ thoái vị và trao quốc ấn của Vua Bảo Đại ngày 30.8.1945 tại Cửa Ngọ Môn. Điều này cho thấy việc “xử tử” ba nhân vật quan trọng ở Huế không phải do quyết định của phong trào Việt Minh địa phương (lúc ấy do Tố Hữu cầm đầu) mà phải có lệnh từ Hà-nội do Trần Huy Liệu đem theo.

Nhưng lệnh ấy xuất phát từ đâu và do ai ban ra? Để trả lời câu hỏi này, cần biết mối liên hệ giữa Hồ Chí Minh và Phạm Quỳnh cùng dòng họ Ngô Đình tại Huế. Với Học giả Phạm Quỳnh, Hồ Chí Minh đã biết tiếng từ lâu và đã gặp nhau mấy lần tại Paris năm 1922 khi ông Phạm Quỳnh tháp tùng phái đoàn Vua Khải Định sang Pháp dự “Hội chợ Marseille” (lúc ấy HCM còn mang tên Nguyễn Ái Quốc). Các cuộc tiếp xúc này đã được Ông Phạm Quỳnh ghi trong nhật ký vào ngày 13.7.1922 và 16.7.1922 (xem phóng ảnh nhật ký đính kèm), và kể lại rõ hơn trong thiên “Hành trình nhật ký”. Về dòng họ Ngô Đình tại Huế - Quảng Trị, Hồ Chí Minh càng biết rõ hơn và mang lòng kính nể mà nhiều người biết. Tố Hữu cũng là người biết rõ mối liên hệ giữa HCM và dòng họ Ngô Đình nên đã ra lệnh bắt giữ mà không dám thủ tiêu ngay.
Trong tình hình sôi bỏng buổi đầu khởi nghiã của Việt Minh vào tháng 8.1945, các “ủy ban cách mạng” địa phương đã tự ý giết nhiều người mà không cần lệnh của trung ương. Nhưng với Học giả Phạm Quỳnh và cha con Ông Ngô Đình Khôi, Tố Hữu không thể không báo cáo lên trung ương và xin lệnh.
Nhưng ai đã ra lệnh hạ thủ cụ Phạm Quỳnh.
Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân đã thắng lợi ở Hà Nội ngày 19 tháng 8 năm 1945. Được tin tốt lành, Bác Hồ chuẩn bị thu xếp công việc, dặn dò cán bộ khu giải phóng và quyết định ngày 22 cùng tháng trở về ngay Hà Nội. Sau ba ngày đi đường từ Tân Trào, ngày 25 Bác về tới làng Gạ – Phú Thượng, một làng nhỏ trong đê sông Hồng, bấy giờ nước sông đang vào mùa lũ… Chiều hôm ấy, Bác đi ô tô về nhà số 35 Hàng Cân – Hà Nội, cổng sau nhà 48 Hàng Ngang của ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, nơi Bác Hồ làm việc, tiếp khách nước ngoài, viết Tuyên ngôn độc lập…
Ngày 28, Bác đến nhà số 12 Ngô Quyền, trụ sở cũ của Khâm sai Đại thần Chính phủ Trần Trọng Kim thời Bảo Đại. Được báo cáo là đã có một phái đoàn vào Huế nhận ấn, kiếm của Bảo Đại thoái vị, Bác nói với Hoàng Hữu Nam (thứ trưởng bộ Nội vụ ): “Chú tìm một người thay chú vào Huế gặp cụ Phạm Quỳnh đưa thư tôi mời cụ…”
Hoàng Hữu Nam tìm được người tin cậy và phương tiện sẵn sàng, đến báo cáo với Bác để nhận thư, thì có tin từ Huế cho biết: “Đã bắt Phạm Quỳnh”.
Sáng 30 tháng 8, Hoàng Hữu Nam thưa với Bác: “Ông Phạm Quỳnh đã bị bắt”. Bác nói: “Bất tất nhiên”.
Phạm Quỳnh và bản án tử hình đối với ông – Bài của nhà nghiên cứu Nhật hoa Khanh.
‘’ .. Từ nhỏ, tôi đã được biết Phạm Quỳnh qua bộ Nam Phong tạp chí mà ông thân sinh ra tôi để trong tủ sách khá lớn của mình. Thêm vào đó, theo yêu cầu của thày giáo, tôi còn phải học thuộc lòng một đoạn văn xuôi của Phạm Quỳnh viết về sông Hương trong đó có một câu êm dịu, lôi cuốn trí tưởng của tôi, một học sinh mười tuổi: “Con sông Hương Giang nước trong như vắt, dòng phẳng như tờ, ít khi có chút gợn sóng…”. Rồi lại được đọc bút ký của Phạm Quỳnh về chuyến đi Pháp của ông. Càng đọc càng thích thú. Lúc đó, tôi học lớp nhất, tức lớp năm bây giờ, và mới lên mười!
Ở tiểu thiếu niên, bậc tiểu học, tôi may mắn và vinh hạnh được học những thày giáo mẫu mực về đạo đức và xuất sắc về giảng dạy (tại trường Ngô Sĩ Liên, phố Hàm Long, Hà Nội). Trong số đó, có thày Nguyễn Đức Ban. Thày Ban chuyên dạy lớp nhất. Cuối năm lớp nhất (1949 – 1950) trong một giờ tập đọc và giảng văn đoạn trích bài viết của Phạm Quỳnh về sông Hương nói trên, thày Ban dừng lại một chút để giới thiệu về tác giả.
Tôi nhớ mãi hai điều thày nói: Phạm Quỳnh rất yêu và rất tự hào về văn hóa nước ta, nhất là rất tự hào về Truyện Kiều; nhưng ông đã bị giết oan (Không nói rõ bị giết oan vì tội gì).
Rồi thày Ban giơ Tạp chí Nam Phong, số có ảnh Phạm Quỳnh, cho cả lớp nhìn. Sau đó, thày cho học sinh cả lớp chuyền tay từng bàn lần lượt xem cuốn tạp chí có tấm ảnh ấy.
Trước khi giảng văn, thày đọc mẫu và hướng dẫn cách đọc diễn cảm đoạn trích nói trên một cách tỉ mỉ và sâu sắc. “Con sông Hương Giang nước trong như vắt, dòng phẳng như tờ, ít khi có chút gợn sóng…”.
Tháng 7-1961, tốt nghiệp khoa Văn – Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi xung phong lên công tác tại vùng núi Tây Bắc và được cử lên Điện Biên làm công tác văn hóa và giáo dục.
Mấy năm dạy học ở Điện Biên, tôi được quen biết nhà văn Mạc Phi, một cán bộ văn hóa từ Hà Nội lên công tác ở Sở Văn hóa Khu tự trị Thái – Mèo (sau đổi thành Khu Tây Bắc). Mạc Phi là một người lịch thiệp và có nhiều công lao trong việc nghiên cứu, biên dịch một số tác phẩm văn học dân gian của dân tộc Thái (Tây Bắc nước ta). Khoảng tháng 12-1964, Mạc Phi dự giờ giảng văn của tôi ở lớp chín (tương đương lớp mười một hiện nay) bài Luận về chánh học cùng tà thuyết của Ngô Đức Kế.
Dự giờ giảng của tôi xong, Mạc Phi đặt vấn đề với tôi: Không thể kết luận rằng câu nói của Phạm Quỳnh “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn” là ru ngủ nhân dân, kéo nhân dân xa rời mục tiêu độc lập dân tộc chống Pháp cứu nước. Cần phải thấy rõ âm mưu hiểm độc của thực dân Pháp là làm cho thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức Việt Nam quên tiếng mẹ đẻ, sùng bái tiếng Pháp, sùng bái văn hóa Pháp, coi thường, thậm chí coi khinh di sản văn hóa Việt Nam. Thời ấy, tất cả các trường trung học đều dùng tiếng Pháp trong tất cả các giờ giảng, còn tiếng Việt chỉ được sử dụng trong bộ môn “tiếng Việt” (Annamite) mỗi tuần khoảng hai tiết mà thôi! Thời ấy, một nhà văn đã viết vở kịch Ông Tây An nam phê phán thói khinh thường tiếng mẹ đẻ. Anh sinh viên trong vở kịch nói chuyện với bố mẹ toàn bằng một thứ tiếng Pháp giả cầy, một thứ tiếng Tây bồi rất lố bịch. Vở kịch được hoan nghênh nhiệt liệt trên sân khấu Hà Nội trong nhiều đêm diễn. Vậy thì, rõ ràng việc giữ gìn giá trị to lớn của Truyện Kiều và của tiếng Việt trên tạp chí công khai và hợp pháp Nam Phong của Phạm Quỳnh đã góp phần thức tỉnh ý thức tôn trọng tiếng Việt và di sản văn hóa Việt Nam trong một xã hội đang bị Âu hóa và đồng thời góp phần chống lại âm mưu làm lu mờ văn hóa Việt Nam, tôn thờ mù quáng tiếng Pháp và văn hóa Pháp! Nhà văn Mạc Phi phân tích như thế!
Năm 1966, tại Hà Nội, lần đầu tiên tôi được nhà cách mạng, nhà sử học Trần Huy Liệu tiếp và trả lời một số câu phỏng vấn về cuộc đời của ông, về Phạm Quỳnh, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp v.v…
Suốt buổi gặp gỡ, thông qua những lập luận chặt chẽ và gọn gàng, Trần Huy Liệu tự thể hiện là một con người có tư duy sâu sắc và sáng suốt.
Đề cập đến vấn đề Phạm Quỳnh, ông gợi ý với tôi sáu điểm:
Nên tìm gặp hai người đã trực tiếp đi bắt Phạm Quỳnh theo lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Nguyễn Tri Phương (là tên gọi tỉnh Thừa Thiên hồi Cách mạng tháng Tám): Đó là Phan Hàm (Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam về hưu, đã mất tại Thành phố Hồ Chí Minh cách đây mấy năm (TG.) và Võ Quang Hồ (Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam về hưu, hiện thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh (TG).
Vai trò của Phạm Quỳnh trong Nam Phong tạp chí: Trong Nam Phong tạp chí, Phạm Quỳnh là nhân vật trụ cột mặc dầu Marty (Trưởng tòa Chính trị tại Phủ Toàn quyền) là một đồng sáng lập viên cùng với Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác.
Nội dung Nam Phong: Trong Nam Phong, không có bài nào của Phạm Quỳnh và của các tác giả khác hạ thấp văn hóa Việt Nam. Rất nhiều bài nghiên cứu nhằm khẳng định giá trị cao quý của văn hóa Việt Nam mấy ngàn năm lịch sử. Ngoài ra, tạp chí còn đăng nhiều sáng tác lành mạnh về đề tài đất nước của các nhà nho thời trước và nhà nho thời Phạm Quỳnh. Cho đến nay (1966), Nam Phong vẫn xứng đáng là một mẫu mực về cách làm tạp chí nghiên cứu.
Tư tưởng Phạm Quỳnh: Tư tưởng Phạm Quỳnh chứa đựng một hạt nhân gồm hai mặt duy lý và duy cảm; hai mặt đó hợp nhất và cùng phản ánh lòng yêu nước của ông trên lĩnh vực văn hóa.
Cái chết của Phạm Quỳnh: Ai giết? Ai chịu trách nhiệm trước lịch sử? Cái chết của Phạm Quỳnh là hậu quả tất yếu của chủ nghĩa tả khuynh ở một địa phương cụ thể, chủ nghĩa tả khuynh ở địa phương này (và một số không ít địa phương khác) lạc lõng trong toàn bộ cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 đại đoàn kết toàn dân và cơ bản không đổ máu do đường lối chính sách của Hồ Chí Minh.
Những bằng chứng: Cần tìm ra kỳ được bằng chứng xác thực về cái chết của Phạm Quỳnh. Tôi biết chắc chắn - cụ Trần Huy Liệu nói tiếp - Phạm Quỳnh bị xử bắn theo một quyết định của những người có trách nhiệm cao nhất trong Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Thừa Thiên năm 1945. Nhưng vấn đề là ở chỗ: phải tìm ra văn bản cụ thể, bằng chứng cụ thể về vụ xử bắn ấy; từ đó, mới đưa ra được kết luận cuối cùng về cái chết của Phạm Quỳnh. Mà văn bản đó, cho đến nay, tôi (Trần Huy Liệu) vẫn chưa có trong tay.
Sau khi gợi ý cho tôi sáu vấn đề trên, cụ Trần Huy Liệu tóm tắt ý kiến của mình về nhân vật Phạm Quỳnh.
Ông nói:
Trong bão tố của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhận rõ sự tàn phá khốc liệt của thực dân Pháp đối với văn hóa truyền thống của dân tộc ta, Phạm Quỳnh muốn chống lại. Tuy nhiên, lượng sức mình không đủ can đảm dấn thân vào con đường cách mạng kiên cường, khó khăn, gian khổ và luôn luôn phải đối mặt với cái chết như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh v.v…, Phạm Quỳnh tìm một con đường khác dù sao cũng ít gian khổ hơn nhiều. Đó chính là con đường đấu tranh công khai và hợp pháp trên lĩnh vực văn hóa! Đấu tranh công khai và hợp pháp trên lĩnh vực văn hóa tuy có những thuận lợi nhưng cũng không êm đềm và thanh thản! Chắc chắn Phạm Quỳnh ý thức sâu sắc được điều đó!!! Ông biết cách nắm lấy một cơ quan ngôn luận công khai và hợp pháp của thực dân Pháp và dùng chính cơ quan này để truyền bá khéo léo, giữ gìn khéo léo một phần tinh hoa của văn hóa Việt Nam đồng thời giới thiệu với bạn đọc một phần tinh hoa văn hóa phương Tây, nhất là văn hóa Pháp. Và Phạm Quỳnh đã thành công, thành công về căn bản!
Giữa những cặp mắt cú vọ của bộ máy mật thám Pháp về văn hóa (trong đó có cặp mắt lão luyện của Marty), trong sự hiểu lầm (sự hiểu lầm chân thành!) của nhân dân, nhất là của tầng lớp trí thức nho học và tây học yêu nước, Phạm Quỳnh ngậm đắng nuốt cay để tập trung công sức vào việc góp phần nuôi dưỡng rừng cây văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có cây đại thụ Truyện Kiều, tiếp tục tươi xanh, không tàn úa! Ông chịu đựng tất cả, tất cả những lời nguyền rủa, những lời buộc tội, thậm chí chịu đựng cả cuộc hành hung bột phát của một nhóm sinh viên Hà Nội trước Cách mạng tháng Tám!
Tên ông đồng nghĩa với bán nước, với tay sai đắc lực của thực dân Pháp, với bán nước cầu vinh!!! Mặc!!! Ông chịu đựng, lặng lẽ chịu đựng!
Chắc chắn Phạm Quỳnh biết rõ mặt trận văn hóa hợp pháp và công khai chống thực dân có những khó khăn riêng không nhỏ.
Dưới sức ép tinh vi và trắng trợn của các chính sách văn hóa thực dân, Phạm Quỳnh đứng lên một cách khó khăn và kiên nhẫn trên lĩnh vực báo chí công khai và hợp pháp như một nhà văn hóa yêu nước. Và đóng góp của ông cho dân tộc chủ yếu thuộc lĩnh vực văn hóa và báo chí.
Trên cương vị Thượng thư Bộ Học và Thượng thư Bộ Lại, Phạm Quỳnh không có một hành động nào chống phá phong trào giải phóng dân tộc hoặc chống phá Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tất cả những ai cùng thời với ông đều thừa nhận ông là một Thượng thư liêm khiết. Trước khi bùng nổ Cách mạng tháng Tám, Phạm Quỳnh đã về hưu. Đêm đêm, trong biệt thự Hoa Đường (ngoại ô Thành nội Huế), một mình một ngọn đèn khuya, con người đã từng giữ hai chức vụ cao nhất Bộ Học và Bộ Lại lặng lẽ đọc sách, suy nghĩ và viết.
Những gợi ý trên đây của cụ Trần Huy Liệu giúp tôi bước đầu hiểu ra một số vấn đề cơ bản về nhân vật Phạm Quỳnh.
Năm 1979, tháng 9, rời Hà Nội, vào Thành phố Hồ Chí Minh, tôi chuyển từ nghề cầm phấn trên bục giảng sang nghề cầm máy ghi âm, bút, sổ tay và máy ảnh để chuyên về phỏng vấn, biên tập, nghiên cứu và viết.
Năm 1996, tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi được gặp Thiếu tướng Phan Hàm để phỏng vấn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và về việc đi bắt Phạm Quỳnh.
Vấn đề Phạm Quỳnh, Thiếu tướng Phan Hàm cho biết: Theo lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Nguyễn Tri Phương, tôi và anh Võ Quang Hồ (nay là Thiếu tướng về hưu) trực tiếp đi bắt Phạm Quỳnh vào khoảng 14 giờ ngày 23-8-1945 đúng vào lúc nổ ra cuộc khởi nghĩa của nhân dân Huế. Bắt tại biệt thự Hoa Đường của ông Quỳnh. Lúc ấy, ông Quỳnh, một vị Thượng thư đã về hưu, đang ngồi ăn cơm với vợ con trong biệt thự. Khi ông Quỳnh bị giải ra ô tô, vợ con ông đi theo. Ông quay lại dặn vợ con: Cứ yên tâm, chiều tối, tôi sẽ được cách mạng cho về. Biệt thự của ông bị niêm phong và sung công ngay lập tức!
Sau khi dẫn giải ông bằng ô tô đến nhà lao Thừa Phủ (Nội thành Huế) và tạm giam ở đó (cùng với Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Huân), hai chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, nhận nhiệm vụ mới. Việc xử bắn Phạm Quỳnh diễn ra như thế nào, theo lệnh của ai và vào thời điểm nào, chúng tôi hoàn toàn không rõ.
Theo dòng hồi ức về việc đi bắt Phạm Quỳnh, Thiếu tướng Phan Hàm kể tiếp:
Khi bị bắt, ông Quỳnh đã về hưu. Căn biệt thự của ông mà tôi nhìn thoáng qua không sang trọng, không có những đồ đạc của tầng lớp quý phái, không có những đồ cổ đắt tiền. Dáng người ông hơi cao nhưng không đẫy đà, gương mặt toát lên vẻ thông minh của một người trí thức. Đặc biệt, tôi thấy bụng ông không phệ. Biết chúng tôi đến bắt, gương mặt Phạm Quỳnh hơi biến sắc một chút rồi nhanh chóng trở lại bình thường. Đang cùng vợ con ăn cơm, ông lập tức đứng dậy đi theo chúng tôi ra ô tô.
Việc đi bắt Phạm Quỳnh gây xao động ít nhiều trong tim óc tôi. Tôi cảm thấy trong việc bắt giam có một cái gì không phải, có một cái gì vội vã và thiếu cân nhắc. Ngay trên đường đi bắt Phạm Quỳnh, tôi đã thoáng nghĩ như vậy. Nhưng đây là lệnh của cấp trên! Sau này, tuy bị cuốn vào biết bao công tác quân sự suốt hai cuộc kháng chiến, đôi khi tôi vẫn lướt qua vấn đề cái chết của Phạm Quỳnh.
Về hưu, hễ nghĩ đến hình ảnh Phạm Quỳnh và vợ con lúc Phạm Quỳnh bị bắt, tôi lại cảm thấy chạnh lòng.
Tuổi thanh niên, ở Huế, như nhiều học sinh khác, tôi đã đọc Nam Phong các số cũ (vì vào thời gian chúng tôi đọc, khoảng những năm 40 thế kỷ XX, Nam Phong đã ngừng xuất bản). Nhờ những số đó, tôi hiểu thêm về văn hóa truyền thống Việt Nam, hiểu thêm về Truyện Kiều. Nhờ những số đó, bước đầu, tôi hiểu rằng văn hóa Pháp là cao đẹp nhưng văn hóa của dân tộc Việt Nam cũng rực rỡ, không thể mù quáng coi văn hóa Việt Nam của cha ông là cổ hủ, không thể xóa bỏ nền văn hóa ấy trong trường học và trong cuộc sống, càng không thể mù quáng tâng bốc và học đòi văn hóa Pháp!
Mấy chục năm trôi qua kể từ ngày trực tiếp đi bắt ông Quỳnh, bây giờ về hưu, có nhiều thời gian suy nghĩ, tôi cho rằng Nam Phong là một tạp chí yêu nước góp phần khẳng định tính nhân văn cao cả và tính trí tuệ sâu sắc của nền văn hóa truyền thống Việt Nam. Và như vậy, Phạm Quỳnh, chủ nhiệm kiêm chủ bút đồng thời là cây bút chủ lực của Nam Phong xứng đáng được ghi công số một.
Cũng cần phải xác nhận: Nam Phong là một trong những tạp chí nghiên cứu đầu tiên ở nước ta về văn hóa; đồng thời là một trong những tạp chí đầu tiên ở nước ta mà mỗi số đều in ba thứ chữ Việt, Pháp, Hán.
Thêm vào đó, Nam Phong không có sai sót nào đáng kể về mặt trình bày và về mo-rát. Một tạp chí in cả ba thứ chữ trong mỗi số nhưng hầu như không có sai sót về mo-rát và về trình bày cách đây khoảng 80 năm! Tay nghề của người biên tập và công nhân in như thế là cao!
Một tạp chí có nội dung tích cực và lành mạnh hoạt động công khai và hợp pháp dưới sự bảo trợ và theo dõi chặt chẽ của mật thám Pháp như Nam Phong tại sao lại bị đánh giá là phản động, bôi nhọ văn hóa dân tộc và tuyên truyền cho văn hóa thực dân??? Một giám đốc, một Tổng biên tập, một cây bút chủ lực của Nam Phong như Phạm Quỳnh tại sao lại bị kết án là bán nước???
Thiếu tướng Phan Hàm tiếp tục cho biết:
Ngày 28-8-1945, sáu người Pháp do Thiếu tá Cát-xtê-na đứng đầu nhảy dù xuống ga xe lửa Hiền Sĩ (cách tây bắc Huế khoảng 20km). Trong lúc chờ đợi anh Phan Tử Lăng (Ủy viên quân sự Thừa Thiên) đi báo cáo Ủy ban nhân dân Thừa Thiên, thì xế chiều 29-8-1945, các anh Cao Pha (nhóm trưởng, nay là Thiếu tướng về hưu), Tôn Thất Hoàng (nay là Đại tá về hưu), Đặng Văn Việt (Trung đoàn trưởng đánh thắng trận Đường số 4 nổi tiếng, đã về hưu) và mấy anh nữa (không có tôi và anh Võ Quang Hồ) hăng hái tự động đi bắt nhóm Casténa. Vừa bắt xong thì anh Phan Tử Lăng đến cho biết Ủy ban nhân dân Thừa Thiên cho phép bắt. Tuy nhiên, anh Phan Tử Lăng cũng phê bình nhóm anh Cao Pha về việc tự động đi bắt.
Công lệnh của Casténa ghi rõ: Theo lệnh của Chính phủ lâm thời Pháp (do de Gaulle đứng đầu), Casténa có nhiệm vụ liên lạc với các lực lượng Pháp ở Đông Dương và những nhân vật thân Pháp để bàn về vấn đề cướp lại Đông Dương khi thời cơ đến.
Lúc đó, đang bị giam giữ cùng với Ngô Đình Khôi và Ngô Huân tại nhà lao Thừa Phủ (trong thành Nội Huế), Phạm Quỳnh lập tức bị nghi ngờ có ý đồ câu kết với thực dân Pháp (qua Casténa) để lật đổ chính quyền cách mạng.
Mặc dầu chỉ nghi ngờ và chưa tìm ra được bằng chứng xác thực về việc Phạm Quỳnh chuẩn bị câu kết với thực dân Pháp, nhưng Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Nguyễn Tri Phương (tức tỉnh Thừa Thiên) vẫn nhanh chóng kết án, và kết án tử hình Phạm Quỳnh! Bản án đã được thi hành ngay trong thời kỳ thiết quân luật ở Thuận Hóa (tức Huế) sau Cách mạng tháng Tám! (Bị xử bắn cùng một lúc với Phạm Quỳnh là Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Huân).
Cuối tháng 12-1945, tôi và nhiều anh em khác đều chỉ được nghe dư luận là Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên xử bắn chứ không được nghe thông báo chính thức của cấp trên! Rồi câu chuyện về Phạm Quỳnh, trong tôi hầu như bị rơi vào quên lãng giữa hằng ha sa số công việc mới lạ và khó khăn của hai cuộc kháng chiến! Thỉnh thoảng lắm, vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, hình ảnh Phạm Quỳnh đang ăn cơm cùng gia đình tại biệt thự Hoa Đường bị bắt và giải lên ô tô rồi ngay sau đó, biệt thự bị niêm phong chợt thoáng hiện trong trí óc tôi với một nỗi xót xa…
Cũng giống như nhà sử học Trần Huy Liệu, Thiếu tướng Phan Hàm nói rõ ý kiến hợp tình hợp lý của mình:
Để kết luận công bằng về cái chết của Phạm Quỳnh, các nhà nghiên cứu cần tìm ra những bằng chứng xác thực về việc kết án tử hình và việc thi hành bản án đó đối với Phạm Quỳnh, ông quan đại thần đã về hưu của Nam triều Bảo Đại.
Những thông tin và những ý kiến trên đây của nhân chứng lịch sử Phan Hàm năm 1996 cộng với sáu điểm gợi ý kết hợp với phần tóm tắt về vấn đề Phạm Quỳnh của nhà cách mạng Trần Huy Liệu năm 1966 đã giúp tôi hiểu rõ thêm các uẩn khúc về cuộc đời ông chủ nhiệm kiêm chủ bút, kiêm đồng sáng lập tạp chí Nam Phong.
Tuy được biết ông Võ Quang Hồ, người đã cùng ông Phan Hàm đi bắt Phạm Quỳnh, lâu nay vẫn thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cho đến nay (2006), tôi vẫn chưa gặp được ông để hỏi thêm một số chi tiết.
*
Đầu năm 2004, sau 25 năm làm báo và nghiên cứu (1979 – 2004), tôi rời hẳn Thành phố Hồ Chí Minh, trở về Thủ đô Hà Nội, quê gốc của mình.
Ở Hà Nội, năm ngoái (2005), nhà văn Sơn Tùng, một trong những người bạn thân của tôi kể lại: Anh đã được nghe một vị lão thành cách mạng cho biết, việc kết án tử hình Phạm Quỳnh là do ý kiến chỉ đạo của một cán bộ cao cấp quan trọng bậc nhất toàn Trung Bộ trong thời gian bùng nổ Cách mạng tháng Tám tại tỉnh Thừa Thiên.
Tôi hỏi anh Sơn Tùng có bằng chứng xác thực nào không về ý kiến chỉ đạo của vị cán bộ cao cấp quan trọng bậc nhất toàn Trung Bộ nào đó. Nhà văn Sơn Tùng trả lời: Anh chỉ được nghe vị lão thành cách mạng nói trên cho biết như vậy mà thôi, còn ngoài ra không có một bằng chứng xác thực nào về việc vị cán bộ cao cấp nào đó chỉ đạo vụ kết án tử hình đối với Phạm Quỳnh,
*
Về phần mình, trong nhiều năm, kể từ sau buổi được gặp ông Trần Huy Liệu (1966), tôi đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người, vào nhiều thư viện, đọc nhiều tài liệu. Tuy nhiên, vấn đề cái chết của Phạm Quỳnh vẫn nằm trong bóng tối!!!
Cuối năm 2003, tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn An (nguyên Phó tư lệnh Đường 559 thời chống Mỹ, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần) về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi trả lời phỏng vấn, Thiếu tướng Nguyễn An cho biết: Trong các cơ quan ngôn luận phổ thông của Việt Minh Thừa Thiên – Huế sau Cách mạng tháng Tám có hai tờ nổi tiếng, tuần báo Quyết thắng và nhật báo Quyết chiến.
Cuối tháng 6 năm nay (2006), tại Thư viện Trung ương (Hà Nội), tôi đã tìm được nhật báo Cứu quốc (Trung ương) và nhật báo Quyết chiến, tuần báo Quyết thắng. Cả ba tờ đều có tư liệu về việc bắt và xử bắn Phạm Quỳnh. Nhật báo Cứu quốc (Trung ương) khổ A3, ký hiệu J500, số đặc biệt (khổ A4) kỷ niệm lần thứ nhất Cách mạng tháng Tám (trang 31) có bài Chiếm thành Huế (Tố Hữu kể, Tô Hoài viết). Trong bài, Tố Hữu (nguyên Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Huế 1945) kể lại rõ ràng: Khi cuộc khởi nghĩa giành chính quyền bắt đầu nổ ra ở Huế thì đúng vào lúc đó, 14 giờ ngày 23-8-1945, Phạm Quỳnh bị một chiến sĩ thay mặt cách mạng đến bắt tại nhà riêng khi Phạm Quỳnh đang ăn cơm cùng vợ con. Phạm Quỳnh run sợ và bị giải ra ô tô. Ngay sau đó, căn biệt thự của Phạm Quỳnh bị niêm phong và bị sung công.
Nhưng Tố Hữu chỉ kể cho Tô Hoài như vậy, nghĩa là chỉ kể lại chuyện bắt Phạm Quỳnh và giải đi, còn về vấn đề cái chết của Phạm Quỳnh thì Tố Hữu hoàn toàn không nhắc đến dù chỉ một lời! (Bài Chiếm thành Huế nói trên, Xưa & Nay đã đăng lại).
Nhật báo Quyết chiến (Khổ A3, ký hiệu J545). Mỗi số gồm 2 trang.
Dưới măng sét Quyết chiến là dòng chữ “Cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân cách mạng – Huế”.
Số 88 (ra ngày thứ tư, 5-12-1945), trang 1 (cột 2 và cột 3) và trang 2 (cột 4 và cột 5) đăng bản tin dài nhan đề “Ba tên Việt gian tối nguy hiểm Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Huân đã bị Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Nguyễn Tri Phương kết án tử hình và bị bắn ngay trong thời kỳ thiết quân luật. Tài sản và vật dụng của ba tên phản quốc ấy đều bị tịch thu và quốc hữu hóa” (nguyên văn từng dấu chấm phẩy).
Tuần báo Quyết thắng (khổ A3, ký hiệu J520). Mỗi số gồm 4 trang.
Dưới măng sét Quyết thắng là dòng chữ “Cơ quan tuyên truyền và tranh đấu của Việt Minh Trung Bộ”. Số 11 (ra ngày 9-12-1945), đầu trang 4 (tức trang cuối cùng), các cột 3, 4 và 5 đăng toàn văn thông báo của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Nguyễn Tri Phương kính gửi Tòa án quân sự Thuận Hóa (hồi ấy, Huế được gọi là Thuận Hóa).
Toàn văn thông báo đó như sau (ghi đúng từng dấu chấm phẩy):
“Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Nguyễn Tri Phương kính gửi Tòa án quân sự Thuận Hóa
Trước khi Tòa án đưa ra xét xử Việt gian, chúng tôi xin nói về vụ án ba tên Việt gian chúng tôi đã xử trong thời kỳ thiết quân luật để ngài rõ và nhờ ngài công bố cho dân chúng đều biết kết quả một đời phản quốc của chúng.
Án phản quốc
Ba tên Việt gian tối nguy hiểm:
Ngô Đình Khôi: Trước làm tay sai cho thực dân Pháp đàn áp phong trào cách mạng ở Quảng Nam và Quảng Ngãi; suốt năm 1938, 39, 40, 41, 42, 43 đã giết hại vô số chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Dựa vào thế lực của giặc Pháp, Ngô Đình Khôi lại còn vơ vét tiền của quốc dân, đến lúc Nhật mạnh, lại mưu toan bán nước cho phát xít Nhật, ngấm ngầm phá hoại phong trào độc lập của Mặt trận Việt Minh.
Phạm Quỳnh, một tay cộng sự rất đắc lực của giặc Pháp trong việc củng cố địa vị của Pháp ở Đông Dương, đã bao phen làm cho quốc dân phải điêu đứng. Phạm Quỳnh đã giúp sức cho quân cướp nước làm mê muội dân chúng Việt Nam. Với cái nghề mãi quốc cầu vinh, Phạm Quỳnh đã từ một tên viết báo nhảy lên một địa vị cao nhất trong hàng quan lại Nam triều. Phạm Quỳnh lại còn dựa vào thế lực Pháp và địa vị của mình bóc lột, vơ vét tài sản của quốc dân. Mặc dầu chính quyền của giặc Pháp đã bị truất sau ngày đảo chính 9-3-1945, nhiều triệu chứng tỏ rằng Phạm Quỳnh chỉ chờ cơ hội rước bọn thực dân Pháp đến làm cho diệt nước chúng ta.
Ngô Đình Huân, một tay cộng sự hết sức lợi hại của phát xít Nhật mới đặt chân đến Đông Dương. Ngô Đình Huân đã giúp Nhật một cách có hiệu lực trong công cuộc quấy rối nước ta và cản trở phong trào độc lập của quốc dân Việt Nam.
Cả ba tên Việt gian đại bợm đã bị bắt ngay trong giờ cướp chính quyền (2 giờ 23-8-1945) ở Thuận Hóa và đã bị Ủy ban Khởi nghĩa kết án tử hình và đã thi hành ngay trong thời kỳ thiết quân luật.
Tài sản và vật dụng của ba tên ấy đều là kết quả của sự phản bội quốc gia, bóc lột dân chúng mà có, nên đều phải bị tịch thu và quốc hữu hóa.
Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Nguyễn Tri Phương”.
*
Tôi thở phào nhẹ nhõm!
Thế là, vấn đề cái chết của Phạm Quỳnh đã được giải đáp rõ ràng!
Thế là sau 45 năm (1961 – 2006), trên biết bao đoạn đường quanh co và khúc khuỷu, nhờ bài giảng cách đây 56 năm của thày Ban và nhờ sự giúp đỡ bằng nhiều cách khác nhau của các vị Trần Huy Liệu, Mạc Phi, Phan Hàm cùng nhiều vị khác, tôi đã tìm ra chiếc chìa khóa của cái chết Phạm Quỳnh!
Tôi càng nhớ tới lời nhận xét sáng suốt của nhà cách mạng – nhà sử học Trần Huy Liệu trong buổi tiếp tôi tại Hà Nội năm 1966:
Cái chết của Phạm Quỳnh là hậu quả tất yếu của chủ nghĩa tả khuynh ở một địa phương cụ thể, chủ nghĩa tả khuynh ở địa phương này (và một số không ít địa phương khác) lạc lõng trong toàn bộ cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 đại đoàn kết toàn dân và cơ bản không đổ máu do Hồ Chí Minh, nhà cách mạng giải phóng dân tộc triệt để – nhà nhân văn chủ nghĩa triệt để, làm Tổng tư lệnh cao nhất.
Thở phào nhẹ nhõm vì công việc nghiên cứu của mình đã đi đến kết quả nhưng trái tim tôi cũng rung lên một phím đau buồn.
Tôi tưởng như và tin rằng vào giờ phút sắp bị xử bắn, trước mắt Phạm Quỳnh thấp thoáng hiện lên hình ảnh cha mẹ, vợ con ông, hình ảnh Hồ Hoàn Kiếm, hình ảnh sông Hương “nước trong như vắt, dòng phẳng như tờ, ít khi có chút gợn sóng” và nhất là hình ảnh Truyện Kiều, Truyện Kiều, Truyện Kiều thân thương với những dòng lục bát đã hòa vào tâm hồn ông và tâm hồn toàn thể dân tộc:
Tâm thành đã thấu đến trời,
Bán mình là hiếu, cứu người là nhân.
Một niềm vì nước vì dân
Âm công cất một đồng cân đã già
Đoạn trường sổ rút tên ra,
Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau!
Hết.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét