Nguyễn
Lân Hiếu
Tôi
để ý mãi người cầm những quyển hộ chiếu khác màu, rồi cũng phân biệt được
người Nhật, người Hàn, Đông Âu và Bắc Âu. Nhưng dễ nhận biết nhất là
người Trung Quốc.
Cho
dù họ ngày càng mặc đẹp hơn, cao to, trắng trẻo hơn, nhưng ta vẫn có thể dễ
dàng nhận ra họ từ khi bước chân vào đâu đó. Cái sự nói to, ồn ào thì người
Việt Nam chắc cũng không thua kém. Nhưng khác chúng ta, người Trung Quốc toát
lên sự tự tin đến mức nhiều khi có thể gọi là cao ngạo. Họ ăn to, nói lớn, chen
lấn xô đẩy bất chấp người xung quanh, không thích xếp hàng và nói tiếng của họ
với người nước ngoài. Nếu có dịp trò chuyện, họ luôn kể về sự vĩ đại của quốc
gia to lớn của mình, những giúp đỡ bao bọc với các nước xung quanh và trên toàn
thế giới.
Lúc
đầu, tôi cũng nghĩ chắc do phương Bắc xứ lạnh nên họ nhiều năng lượng. Tìm hiểu
thêm một chút, tôi lại thấy có lẽ nền giáo dục đậm đà bản sắc Trung Hoa đã thấm
đẫm trong mỗi cá nhân Trung Quốc. Nhưng còn nhiều câu hỏi mà tôi chưa tìm được
câu trả lời về đất nước "bí ẩn" này. Cuộc chiến thương mại do Trump
khởi xướng càng làm tôi tò mò muốn biết thái độ của người dân Trung Quốc trong
giai đoạn lịch sử này. Chính vì vậy, khi được mời làm diễn giả của hội nghị
châu Á về dấu ấn sinh học trong điều trị tim mạch, tôi đã vui vẻ nhận lời.
Ấn
tượng đầu tiên của tôi khi xuống máy bay tại Thượng Hải rất xấu vì tất cả các
hành khách, ngoại trừ hộ chiếu EU và ngoại giao, đều phải lấy vân tay rồi mới
vào xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh. Rồi cái bệnh kinh niên tiếng Anh rất kém,
nếu như không nói là không thèm biết ngoại ngữ, từ lái xe, cảnh sát, người làm
dịch vụ đến nhân viên khách sạn năm sao, sau bao nhiêu năm tôi quay lại thấy
cũng chẳng khá hơn chút nào.
Vậy
nhưng khi xe lướt ngang thành phố để vào trung tâm Thượng Hải tôi mới cảm nhận
đuợc sự phát triển vũ bão của Trung Quốc trong những năm vừa qua. Những tòa nhà
chọc trời mọc lên như nấm, mạng lưới đường cao tốc, đường sắt trên cao khiến ta
hoa mày, chóng mặt. Người dân không dùng tiền mặt ngay cả khi đi chợ mua rau.
Tại
sao họ phát triển, vươn lên thành một nền kinh tế "đồ sộ", khiến thế
giới lo lắng? Theo tôi, đó là do họ có một chiến lược quốc gia nhất quán và dài
hạn. Các nhà hoạch định chiến lược Việt Nam chắc cũng hiểu điều này. Nhưng có
lẽ để ít mất công suy nghĩ, rất nhiều các chính sách của chúng ta đã "học
tập" khá chi tiết từ các chính sách "made in China" với lý lẽ
rằng, họ ở ngay cạnh ta nên họ làm tốt "chắc mình cũng vậy". Ví dụ
như, việc xây dựng công tác quy hoạch cán bộ, thu hút nhân tài vẫn bị quá máy
móc dập khuôn nhiều năm nay khiến khâu con người vẫn là khâu yếu nhất của hệ
thống và chưa có lời giải.
Cần
luôn ghi nhớ, chúng ta hiện nay rất khác Trung Quốc cách đây 10 hay 20 năm. Mô
hình phát triển kinh tế của Trung Quốc trước đây và ngay cả hiện nay không thể
áp dụng cho Việt Nam lúc này. Tất cả mọi người Việt Nam, tôi tin chưa bao giờ
và sẽ không bao giờ mong muốn là một Trung Quốc thu nhỏ.
Nước
bạn có một thị trường nội địa rộng lớn, và sau một thời gian dài làm "công
xưởng" tiếp nhận đồng vốn và công nghệ thế giới, Trung Quốc đã phát triển
theo hướng bền vững với các trường đại học danh tiếng, các viện nghiên cứu, các
phát kiến có giá trị khoa học cao, các sản phẩm công nghệ đủ sức cạnh tranh...
Chính vì vậy Trung Quốc có khả năng đặt ra luật chơi riêng và bắt buộc các công
ty nước ngoài phải tuân theo. Đơn cử như "ngáo ộp" Apple đã phải đồng
ý chuyển dữ liệu iCloud của người Trung Quốc về Trung Quốc thông qua một công
ty trung gian để lách luật của Hoa Kỳ.
Không
ai thành công nhờ sao chép. Theo tôi thay vì sao chép, Việt Nam cần phải đi một
con đường riêng, không ra những chính sách giống Trung Quốc, thậm chí có lúc
cần làm ngược lại để có động lực thúc đẩy phát triển, tránh những nhược điểm mà
họ đã mắc, làm cản trở sự xích lại gần với nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta vẫn
còn không ít cơ hội có thể nắm lấy. Tôi mong một ngày, những khách hàng ngoại
quốc giàu có sẽ đến Việt Nam để trải nghiệm những sản phẩm chất lượng cao do
chính nhà khoa học, người Việt Nam tạo ra.
Một
câu chuyện khác với Trung Quốc mà ta không thể làm ngơ là chủ quyền biển đảo.
Tôi nghĩ cần hết sức tường minh. Càng tường minh rõ ràng về chuyện này, chính
phủ càng được nhân dân và cộng đồng quốc tế ủng hộ. Trên Biển Đông, Trung Quốc ngày
càng chủ động trong tuyên truyền và phản tuyên truyền. Trên thực địa, họ đã
chuyển từ giai đoạn xây dựng bồi đắp sang giai đoạn quân sự hóa và khai thác sử
dụng.
Các
nhà lãnh đạo đã đến lúc cần công khai cập nhật chi tiết các hoạt động lấn chiếm
biển đảo, vi phạm luật pháp quốc tế của họ để dư luận tiến bộ ở Việt Nam và
trên toàn thế giới, bao gồm cả nhân dân Trung Quốc được biết. Nếu không lên
tiếng, sẽ không được lắng nghe.
Các
ứng xử được chúng ta áp dụng thời gian qua với phương châm vừa hợp tác, vừa đấu
tranh, kiên trì xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền bằng các biện pháp hòa
bình không làm giảm đi tham vọng bành trướng của họ với bằng chứng là Trung
Quốc ngày càng lấn tới. Chúng ta cần thêm những biện pháp mới với nguyên tắc mà
Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: không bao giờ nhân nhượng
những gì thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Có
ý kiến phản biện rằng nếu kiện Bãi Tư Chính - nơi không cần bàn cãi thuộc chủ
quyền Việt Nam - ra tòa quốc tế sẽ làm dư luận hiểu rằng đây là vị trí tranh
chấp, vùng chồng lấn. Tuy nhiên theo tôi, chúng ta không chỉ kiện vụ việc Trung
Quốc xâm phạm Bãi Tư Chính mà sẽ kiện toàn bộ các hoạt động của Trung Quốc đã
vi phạm chủ quyền của Việt Nam: phát ngôn sai sự thật, xây dựng trái phép, quân
sự hóa nhiều đảo, bãi đá tại Biển Đông trong suốt thời gian qua. Khi có chính
nghĩa, dư luận quốc tế và ngay bản thân nhân dân Trung Hoa sẽ hiểu sự phi lý
của chính quyền Trung Quốc. Không chính phủ nào có thế phớt lờ lẽ phải hiển
nhiên được cộng đồng quốc tế công nhận.
Đồng
thời, Việt Nam cũng cần có các kế hoạch để chuẩn bị trước những sức ép về kinh
tế. Hình ảnh từng đoàn xe chở hàng hóa xuất đi Trung Quốc bị chặn ở cửa khẩu
cùng với con số thống kê 8 tháng đầu năm, chúng ta nhập siêu từ Trung Quốc tăng
đến 45,7% so với cùng kỳ năm 2018, là những dấu hiệu cảnh báo mà các bộ, ban,
ngành cần hết sức lưu ý để tránh các kịch bản xấu hơn.
Ở
bên cạnh một láng giềng to lớn, cần lắm một thái độ ứng xử dài hạn, nhất quán
trong chính sách từ vĩ mô đến vi mô bằng những cái đầu tỉnh táo, khôn khéo tìm
ra giải pháp tối ưu cho những tình huống tối khẩn.
Nguyễn
Lân Hiếu
Chủ nhật, 10/11/2019. Nguồn: VNE
Chủ nhật, 10/11/2019. Nguồn: VNE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét