Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

EM ƠI, BA LAN MÙA TUYẾT TAN

 Fb Nguyen Canh Hoang

        Người Việt những năm 7-80 hầu như ai cũng biết bài thơ "Em ơi Ba lan". Đó là một bài thơ hay, nói về đất nước Ba lan xinh đẹp đang hồi sinh sau chiến tranh.

       Tuy nhiên, ít người biết rằng nhiều chi tiết đắt giá trong bài thơ được cảm nhận, tưởng tượng khác xa thực tế!

Bài thơ mở đầu với:

"Em ơi, Ba lan mùa tuyết tan

Đường bạch dương sương trắng nắng tràn"

Vần thơ thật nhẹ nhàng, êm dịu khiến người Việt tưởng tượng mùa tuyết tan thơ mộng với những hàng bạch dương ngập tràn ánh nắng.

Nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy. Mùa đông, núi đồi, nhà cửa, cây cối ... phủ tuyết trắng tinh, cảnh vật cực kỳ thơ mộng. Tuy nhiên khi nắng lên, tuyết tan thì mọi thứ đẹp đẽ đó hoàn toàn biến mất. Khắp nơi ẩm ướt và bẩn thỉu, đặc biệt với những vùng đất trũng ven sông. Tuyết tan, những súc vật chết vùi dưới tuyết suốt mùa đông nay lộ ra, thối rữa trôi đầy sông, kéo theo các loại dịch cúm, sởi, đậu mùa, ... Con sông lớn nhất vùng Silesie thậm chí mang tên là Odra có nghĩa là bệnh sởi, bởi lẽ hàng năm nó phát tán bệnh sởi khắp vùng hạ lưu, đúng vào mùa tuyết tan! Ca ngợi mùa tuyết tan ẩm ướt bẩn thỉu với đủ loại xác súc vật thối rữa như vậy, chắc hẳn đầu óc phải rất có vấn đề!

Câu thơ:

"Đường bạch dương sương trắng nắng tràn"

cũng là một sự kết hợp tuyệt vời của các âm bằng trắc, lên bổng xuống trầm như gieo từng nốt nhạc. Nhưng khi trời đã ấm, đã có "nắng tràn" thì không thể có sương được nữa, dù ở Ba Lan hay ở bất cứ nơi đâu! Nghĩa là "sương trắng" được bịa ra, được tưởng tượng ra cho hợp vần điệu với "đường bạch dương" mà thôi!

Hai câu thơ tiếp theo:

"Anh đi, nghe tiếng người xưa vọng

Một giọng thơ ngâm, một giọng đàn”

gợi nhớ đến thơ ca và âm nhạc, hai niềm tự hào dân tộc của Ba lan. Tuy nhiên, từ "giọng đàn" hoàn toàn vô lý vì trong âm nhạc không có khái niệm giọng đàn mà chỉ có tiếng đàn, ví dụ bài hát "Tiếng đàn Ta lư", "Tiếng đàn bầu"... Từ "giọng đàn" đó được tác giả bịa ra, cũng chỉ để câu thơ có vần điệu hơn so với từ "tiếng đàn" mà thôi!

Chưa hết, cái giọng đàn vô duyên đó bỗng nhiên biến thành tiếng ca:

"Có phải Sô panh tình chứa chan,

Nâng đàn ca cô gái Ba lan"

Hai câu thơ này, là minh chứng không thể chối cãi về văn hóa yếu kém của tác giả. Sô panh không hề "ca" mà cũng chẳng "nâng đàn". Ông không ca, đơn giản vì ông không phải là ca sỹ mà là nghệ sỹ chơi đàn piano, và với cây đàn piano nặng cỡ 200-400 kg tùy loại thì không ai có thể "nâng đàn" như violon, guitar được dù chỉ theo nghĩa bóng! Tệ hơn, "cô gái Ba lan" trong ngữ cảnh này không phải là "cô gái", mà là "vũ điệu polonez". Do đó việc diễn dịch “Sô panh chơi dương cầm bản nhạc polonez" trở thành “Sô panh nâng đàn ca cô gái Ba lan" thật sự là khôi hài, như kiểu “nhà nho yêu nước” dịch là “the house of wine, who love water”, không thể chấp nhận được. Thật buồn, câu thơ hay về âm điệu mà nội dung lại ngớ ngẩn như vậy!

Hai câu tiếp:

"Có phải A đam hồn vĩ đại

Bay trên đầu thế kỷ nhân gian"

ca ngợi Adam Mickiewicz, nhà đại thi hào dân tộc của Ba lan. Tuy nhiên, thay vì phải gọi là Mickiewicz một cách trang trọng, nhà đại thi hào lại bị gọi xếch mé là Adam, một điều không thể chấp nhận được trong văn hóa Ba lan. Có lẽ vì Adam hợp vần hơn Mickiewicz, và tác giả không biết một điều sơ đẳng rằng ở Ba lan không bao giờ được gọi một người đáng kính trọng bằng tên! Bất kỳ ai gọi đại thi hào Mickiewicz là Adam đều được xem là một kẻ hỗn xược, hệt như anh chàng nào đó xấc láo gọi Lê nín là Vô va!

Thế đó, chỉ trong hai khổ thơ đầu của bài thơ đã có quá nhiều sạn, thể hiện sự thiếu hiểu biết về đất nước, lịch sử và văn hóa Ba lan.

Chợt nhớ Trần Đăng Khoa từng kể, Tố Hữu chưa từng lên Điện biên, nhưng làm thơ về Điện biên phủ cứ như thật, cực kỳ sinh động!

Tóm lại tưởng tượng ra và nổ, đúng hay sai chỉ là chuyện hên xui. Người đọc không biết, thấy vần điệu và hình ảnh nên thơ thì khen vô tư, thế thôi!

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét