Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2024

HỌC LÀM PHẢN BIỆN ( Nguyễn Đình Cống ) -1-

 

NguyễnĐình Cống

 

HỌC LÀM

PHẢN BIỆN

 

 


TÁI BẢN CÓ BỔ SUN

 

                          NHÀ XUẤT BẢN TỰ LÂP


Đôi điều về tác giả

Nguyễn Đình Cống, sinh ngày 12 tháng 12 năm 1937

Quê quán: Phường Quang Phong, TX Ba Đồn, Quảng Bình

1944-1953-Học phổ thông cơ sở ở Quảng Bình

1954-1956-Học PT trung học ở Tr. Phan Đình Phùng- Hà Tĩnh

1956- 1960-Học Tr. ĐH Bách khoa- Hà Nội, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tập sự.

1969-1972-Nghiên cứu sinh ở Liên xô, làm luân án tiến sĩ

Từ 1972 trở về sau-Công tác ỏ Tr ĐH Xây dựng Hà Nội

Năm 1980- Thực tập sinh khoa học tại Pháp

1986 – 1989- Chuyên gia giáo dục tại châu Phi

1992- 1997- Chủ nhiệm khoa XD, Tr ĐH XD

1998 trở đi- nghỉ hưu

Năm 2013-Nhận giải thưởng KOVA do Phó chủ tịc nước Nguyễn Thị Doan trao về công trình NCKH được ứng dụng tốt

Năm 2020-Nhận giải thưởng của Hội nhà văn vì có tác phẩm dự hai cuộc thi kỷ niệm 200 năm ngày mất của Thi hào Nguyễn Du.

Trong thời gian 1992- 2017- làm trọng tài viên TT Trọng tài quốc tế VN

 

Cùng một tác giả

Ngoài 15 cuốn giáo trình và tài liệu  để giáng dạy cho sinh viên và để cho kỹ sư thiết kế tham khảo, còn là tác giả các sách sau:

PP luận NCKH và sáng tao- NXB Khoa học kỹ thuật

Cùng học làm người- NXB TrI thức, NXB Sống Mới

Cùng học để giáo dục con tre- NXB ĐH Kinh tế quốc dân, NXB H.ĐỨC

Giải câu đố để nâng cao trí tuệ- NXB Hội nhà văn, NXB Sống Mới

Vui buồn cuộc sống (hồi ký) NXB Tự lập

Suy nghĩ, nhận thức và công việc (hồi ky) NXB Tự lập

Báo ứng(truyện viễn tưởng)- NXB Tự lập

 

Địa chỉ liên hệ: ndcong37@gmail.com   Số ĐT 0389 578 620


 

MỤC LỤC

Lời nói đu

A- Vài điều cơ bản

I- TƯ DUY PHẢN BIỆN

1.1- Nhận thức và tư duy

1.2- Các cấp độ tư duy

1.3- Tư duy phản biện

1.4- Ý nghĩa của việc phản biện

II- PHƯƠNG PHÁP  SUY LUẬN

2.1- Đại cương về Logic

2.2- Khái niệm

2.3- Phán đoán và suy luận

2.4- Quy luật cơ bản của Logic

2.5- Suy luận diễn dịch

2,6- Suy luận quy nạp

2.7- Những sai lầm

2.8- Ngụy biện

III-CẦN HỌC VÀ LÀMNHỮNG Gì

3.1- Khả năng phản biện

3.2- Những điều cần học

3.3- Làm phản biện

3.4- Viết bài phản biện

3.5- Học nói để phản biện trực tiếp

3.6- Phát hiện và phản bác ngụy biện

3.7- Năng khiếu và đạo đức của người làm phản biện

3.8-Tiếp nhận phản biện

 

B-Một số bài phản biện làm thí dụ

Lời phi lộ

1-Phản biện Bài của Báo Thanh niên

2-Phản biện vài thành ngữ và câu nói nổi tiếng

3-Phản biện sách “Sức mạnh của cái đúng”

4-Phản biện về đại học tại chức

5-Phản biện về đào tạo tiến sĩ

6-Phản biện về đổi mới giáo dục

7-Phản biện về dạy thêm học thêm

8-Phản biện về làm và thi hành luật

9-Phản biện về lương hưu

10-Phản biện ý kiến ông Phú

11- Phản biện ý kiến ông Vượng

12-Phản biện việc học tập tư tưởng và đạo đức

13-Phản biện phong trào thi đua

14- Phản biện cách tổ chức học lý luận chính trị

15-Phản biện ý kiến cựu Chủ tịch nước

16- Phản biện những điều cấm

17-Phản biện những phát biểu về quan hệ với TQ

18- Những ngụy biện trong bài báo của HTQ

19-Ngụy biện về thép và cá

20- Phản biện lại ý kiến về “Những lời trăng trối”

21.Phản biện lần hai về Quyết định nêu gương

 

 

C- Phụ lục 1- Các bài đọc thêm

1-Bài diễn văn hay nhất

2-Xử lý thông tin

3-Hiểu biết thêm về con người

4-Học suy nghĩ

5-Năm mức độ cảm thụ văn chương

6- Nhận xét, góp ý, đánh giá

7- Quát mắng để giác ngộ kẻ định giết mình

8-Thuyết phục người canh giữ

9-Phản biện trong sách Tam Quốc

10-Phản bin của người chăn trâu

11-Vài bài phản biện của Phan Khôi

D-Phụ lục 2. Một số phản biện về chính trị

1-Hãy thôi ngụy biện xảo trá

2-Phản biện đường lối cán bộ

3- Phản biện học thuyet của Mác

4- Phản biện quan điểm cua Lênin

5- Phản biện Tuyên ngôn cộng sản

Lời nói đầu

Phản biện là một hoạt động cần thiết trong xã hội.

 Để đánh giá các luận văn, luận án, công trình khoa học cần có phản biện. Những chủ trương, chính sách, luật pháp khi được phản biện đầy đủ sẽ tăng mức độ chính xác và hiệu quả. Cao hơn là phản biện các lý thuyết khoa học, các học thuyết chính trị.

Không chỉ những việc quan trọng, những vấn đề về khoa học, những ý kiến bất đồng cần phản biện mà nhiều thông tin hàng ngày cũng rất cần phản biện để loại bỏ tin giả, bịa đặt, để ngăn ngừa và xử lý sự dối trá, lừa bịp, để sửa đổi những nhận thức đã lạc hậu, để loại bỏ những giáo điều đã lỗi thời.

Trong cuộc sống thường ngày, giữa những người thân, bạn bè, đồng nghiệp, giữa cấp trên và cấp dưới không phải bao giờ các ý kiến, các quan điểm đều được thống nhất. Lúc này nếu biết cách phản biện thì có thể tìm được tiếng nói chung, còn không thì dễ phát sinh cãi cọ, mâu thuẩn

Phản biện về khoa học, về các vấn đề chính trị, xã hội là việc khó, cần trình độ chuyên môn, biết phương pháp, là nhiệm vụ của các trí thức có trách nhiệm. Phản biện những thông tin hàng ngày thì nhiều người làm được với điều kiện dám suy nghĩ độc lập. Không phải chỉ những người có tri thức cao biết làm phản biện mà những người ít học, ngay cả trẻ con đều có thể và cần làm phản biện.

Trong những nền giáo dục khai phóng trẻ em đã được học và thực hành phản biện. Lớn lên các em trở thành những con người năng động, sáng tạo.

Ngược lại trong nền giáo dục áp đặt, dù ở gia đình hay nhà trường, trẻ bị ngăn cấm phản biện người bề trên, chúng lớn lên thành những người chỉ biết vâng lời, chỉ biết thừa hành máy móc. Tuy vậy, một số em nhờ có những hạt giống tích cực bẩm sinh mà vượt qua được sự áp đặt, trở thành những trẻ tự chủ, có tính năng động, biết phản biện và sáng tạo. Những em đó một thời bị mang tiếng ngang bướng, bất trị, cá biệt, một số bị vùi dập, nhưng rồi có nhiều em sẽ trưởng thành, làm được những kỳ công.

Phản biện cũng giống như nhiều phẩm chất khác, được hình thành và phát triển từ hai nguồn: Tiên thiên và hậu thiên. Tiên thiên là phần có trước khi sinh ra nhờ di truyền và bào thai hấp thụ được tinh hoa của trời đất. Hậu thiên là phần có sau do học tập, được giáo dục, rút kinh nghiệm trong suốt cuộc đời.

Tài liệu này chủ yếu trình bày những vấn để liên quan đến hậu thiên.

Thời quân chủ, vua nói gì mọi người phải nghe, nói ngược lại là phạm tội khi quân, bị giết. Tuy vậy ở nhiều triều đại vẫn có chức gián quan để phản biện việc làm sai trái của vua. Là minh quân vua sẽ lắng nghe, còn không phải minh quân thì những lời phản biện chỉ được lưu giữ trong sử sách. Đó là trường hợp của Chu Văn An, của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam xuất hiện nhà phản biện nổi tiếng Phan Khôi (1887-1959). Ông đã viết nhiều bài phê phán các quan điểm và công việc của Triều đình, của nhà nước bảo hộ, của Nho giáo, của truyền thống và phong tục, của một số cá nhân. (Lại Nguyên Ân là nhà văn có nhiều sưu tập về ông).

Bút chiến là một dạng phản biện qua lại. Từ năm 1935 đến 1939 ở Việt nam đã có cuộc bút chiến giữa  phái “Nghệ thuật vị nghệ thuật” do Hoài Thanh làm chủ soái và phái “Nghệ thuật vị nhân sinh” do Hải Triều dẫn dắt.

Trong văn học có hoạt động phê bình, một dạng của phản biện. Gần đây những phản biện của Hoàng Tuấn Công về các sai sót, nhầm lẫn trong một số Từ điển gây được nhiều chú ý.

Về dạy học. Đã có một số lớp dạy lý thuyết và thực hành phản biện do vài cơ sở đào tạo thực hiện bằng các lớp trực tiếp hoặc trình bày các bài giảng trên mạng internet.

Về tài liệu, đã có nhièu cuốn sách của tác giả nước ngoài được dich và xuất bản.Cũng đã có sách của tác giả trong nước (*). Viết sách này tôi chỉ mong góp một vài ý kiến nhằm làm phong phú thêm hiểu biết về phản biện.

Mong ước của tác giả là góp phần nâng cao sự hiểu biết và thực hành phản biện cho những người quan tâm mà chưa có được sự thành thạo cần thiết.

 

Tuy đã có nhiều cố gắng nhưng chắc rằng khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong nhận được sự phê bình, góp ý của các bậc thức giả và của bạn đọc. Ý kiến xin gửi vào Email : ndcong37@gmail.com

(*)-Ghi chú. Xin kể một số tên tác giả và tên sách có liên quan:

Đỗ Thị Diệu Ngọc và Nguyễn Huy Cường-Tư duy biện luận

Triệu Truyền Đống- Phương pháp biện luận và thuật hùng biện

Albert Rutherford—Rèn luyện tư duy phản biện

Konagawa Akinori- Tư duy phản biện của người Nhật

Shibamoto Hidenori- Kỹ năng tư duy logic

Rold Robelli- Nghệ thuật tư duy rành mạch

Richard Paul- Cẩm nang tư duy phản biện

Zoe Mickey- Tư duy phản biện

Nguyễ Phi Vân(là một diễn giả về tư duy phản biện)

 

 

A.   VÀI ĐIỀU CƠ BẢN

I  .Tư duy phản biện

 

1.1-NHẬN THỨC VÀ TƯ DUY

Con người được tạo nên bởi sự kết hợp của phần hữu hình và vô hình. Phần hữu hình là từ các nguyên tử, phân tử vật chất, cấu tạo nên các tế bào, từ đó hình thành các bộ phận của cơ thể. Phần vô hình bao gồm các tầng hào quang, hệ thống các luân xa cùng những tư tưởng, tình cảm, kiến thức. Quan trọng nhất của phần vô hình là Tâm thức được hợp từ hai nguồn là ý thức và tiềm thức.

Ý thức liên quan đến hoạt động của bộ não. Tiềm thức gồm những thông tin chứa trong một trung tâm, Duy Thức Luận của Phật giáo gọi trung  tâm đó là Tàng Thức, tiếng Phạn là A Lại Da Thức.

Ý thức được hình thành trong não do sự tiếp nhận thông tin từ các giác quan và từ hoạt động của não.

Thông tin trong tiềm thức có từ ba nguồn. Thứ nhất là từ tiên thiên. Thứ hai là các tầng hào quang tiếp nhận sóng tâm linh. Thứ ba là thông tin từ bộ não tự động truyền vào Tàng thức. Bình thường bộ não không biết được thông tin và sự hoạt động của tiềm thức.

Nếu cho rằng nhận thức là những điều người ta biết được, hiểu được, suy nghĩ về nó thì nhận thức chỉ bao gồm một phần của Tâm thức.

Suy nghĩ (Tư duy) là chức năng quan trọng của não. Việc học trong suốt cuộc đời một phần là thu nhận kiến thức, nhưng chủ yếu là học cách suy nghĩ. Có kiến thức là cần nhưng biết suy nghĩ đúng còn cần hơn, nó giúp tạo trí thông minh, tạo khẳ năng ứng phó với mọi tác động.

Sự nhận biết của người ta bao gồm cảm tính và lý tinh

Cảm tính (hoặc cảm nhận) đến từ tiềm thức, nó tạo nên cảm xúc, phản ảnh vào ý thức một cách tức thời. Khi người ta bình tĩnh, thoải mái thì nhiều khi cảm nhận là đúng. Nhưng khi người ta bị xúc động, mất bình tĩnh thì cảm nhận thường có lệch lạc.

Lý tính (hoặc lý trí) là hoạt động của não do phân tích, so sánh để rút ra nhận xét, kết luận sau một quá trình suy nghĩ dài hoặc ngắn. Kết luận rút ra từ lý tính phụ thuộc vào trình độ nhận thức, kinh nghiệm và phương pháp suy luận, Nó có thể đúng khi có nhận thức và phương pháp phù hợp, sai khi thiếu kiến thức, kém về phương pháp.

Trong mọi trường hợp nên kết hợp cảm tình với lý tinh, không nên chỉ dựa vào cảm tính

1.2-CÁC CẤP ĐỘ TƯ DUY

Người ta suy nghĩ (tư duy) khi gặp “Tình huống có vấn đề”. Đó là khi cần làm rõ một sự vật, một thông tin nào đó, bằng cách đặt và trả lới các câu hỏi: ai, cái gì, ở đâu, bao giờ, như thế nào, từ đâu ra, tại sao như vậy, đúng hay sai như thế nào, sẽ đi đến đâu, giải quyết thế nào v.v…

Tư duy của con người có thể từ những thứ nhỏ nhặt, tầm thường như nghĩ về hạt bụi, lá cây, giọt nước, đến việc làm ăn, học hành, sinh sống, quan hệ xã hội, cho đến những việc quốc gia đại sự, việc của thế giới, của vũ trụ.

Tư duy được phân loại theo một số cách. Theo đối tượng có tư duy ngôn ngữ và tư duy hình ảnh. Theo hình thức có tư duy so sánh, tư duy phân tích, tư duy tổng hợp.

Tư duy ngôn ngữ sử dụng các mệnh đề, các câu để phán đoán, để suy luận. Đó là loại tư duy thông thường nhất. Tư duy hình ảnh dựa vào khả năng tưởng tượng, đó là hoạt động chủ yếu của các họa sĩ, các nhà thiết kế.

 

Theo cấp độ tư duy có các mức từ thấp đến cao. Đó là tư duy kinh nghiệm, tư duy logic, tư duy sáng tạo.

Tư duy kinh nghiệm là những suy nghĩ, dựa vào kinh nghiệm và kiến thức phổ thông tích lũy được từ cuộc sống.

Tư duy logic dựa vào những kiến thức khoa học để suy luận. Tư duy phản biện là mức cao của tư duy logic

Tư duy sáng tạo là nghĩ ra được những điều mới lạ, chưa từng có.Tư duy đột phá là đỉnh cao của tư duy sáng tạo.

 

1.3- TƯ DUY PHẢN BIỆN

Tư duy phản biện (mà một số trường hợp dược gọi là tư duy ngược) là những suy nghĩ để đánh giá một đối tượng được đưa ra để phân tích, để phê phán xem nó đúng sai, hay dở ở những chỗ nào, như thế nào. Đối tượng đó được gọi là đối tượng phản biện, đơn giản là một câu nói, một ý kiến, một việc làm, trung bình là một bài luận, bài phát biểu, bài báo, cao hơn một chút là một quyển sách, một tác phẩm khoa học, một nghị quyết hoặc chủ trương đường lối nào đó, cao hơn nữa là các học thuyết về khoa học, chính tri. Gọi chung lại là đối tưng hoặc thông tin. Người đưa ra, công bố thông tin được gọi là chủ thể (hoặc tác giảcủa thông tin).

Tư duy phản biện được bắt đầu bằng việc đặt và tự trả lời các câu hỏi, nólà một dạng tư duy tổng hợp, trên cơ sơ phân tích, xem xét toàn bộ và kỹ càng mọi khía cạnh, mọi chi tiết của đối tượng để tìm ra mọi ý tưởng trong đó, kể cả những ý tưởng mà chủ thể giấu kín. Tư duy phản biện dựa trên sự suy nghĩ rõ ràng, sự lập luận chặt chẽ. Người có tư duy phản biện biết độc lập suy nghĩ, dám nghi ngờ và lật ngược những câu nói, những việc làm mà nhiều người khác đã mặc nhiên công nhận như những thói quen, những truyền thống hoặc chân lý hiển nhiên, Người phản biện dám nghĩ ra những điều mới lạ ngược với thói quen thông thường, đó là khởi đầu của sáng tạo.

Một số câu hỏi thường được đặt ra là:

+Thông tin này, ý kiến này, tư tưởng này có đúng hoàn toàn không, liệu có thể và cần nghi ngờ những điểm nào? Ở đây có ẩn chứa ngụy biện nào không

+Thử lật ngược lại vấn đề xem có đúng không.

+Nếu đem áp dụng các ý kiến đó, tư tưởng đó vào thực tế thì có điều gì bất lợi có thể xảy ra.

+Trong việc trình bày, lập luận có gì trái, vi phạm quy luật, quy tắc logic không.

 

Phản biện một đối tượng, một thôngtinlà dùng tư duy phản biện để xem xét đối tượng hoặc thông tin đó một cách kỹ càng, để xem nó đúng sai, hay dở như thế nào.

Tiêu chuẩn để xem xétlà việc đối chiếu với thực tế, vận dụng vào thực tế. Tuy vậy thc tế diễn ra muôn hình ngàn vẻ. Phải lựa chọn những thực tế đã được kiểm chứng. Với những thông tin tương đối phức tạp  cần so sánh đối chiếu với những đối tượng tương tự, phải vận dụng những chân lý phổ quát.

Để phản biện phải dựa vào tư duy lý tính, không thể vội vàng dựa vào cảm tính.

Trong trường hợp chưa thể dùng thực tế để kiểm chứng thì dùng các quy luật, quy tắc của logic để kiểm chứng, xemtrong quá trình đưa ra kết luận có vi phạm các quy luật, quy tăc hay không, có sử dụng ngụy biện ở chỗ nào không

 

Phản biện cần chỉ ra chỗ đúng, chỗ hay của đối tượng, nhưng cần hơn là chỉ ra được những thiếu sót, những bất đồng. Để làm việc này cần những chứng cứ rõ ràng, những lập luận chính xác, chặt chẽ, có sức thuyết phục.

    Chỉ ra chỗ bất đồng có nghĩa là nêu ý kiến ngược lại. Nhưng nói ngược lại hoặc nói khác đi chưa phải là phản biện nếu chỉ mới nêu ra nội dung. Phản biện là phải dựa trên lập luận và chứng cứ.

   Nghi ngờ cũng chưa phải là phản biện. Nó chỉ là bắt đầu để xem xét có cần phản biện hay không.

   Phản biện thông tin A trong trường hợp vắng mặt chủ thể thì A giữ nguyên nội dung mà không có thay đổi gì kịp thời.

Tranh luận, đối thoại khi hai bên đối diện nhau có thể có một phần là bên này phản biện bên kia, lúc này bên bị phản biện có thể nhận ra thiếu sót hoặc nhầm lẫn của mình mà điều chỉnh nội dung để đi đến thống nhất, chấp nhận nhau.

Cũng không thể xem hiện tượng gàn, nói ngang, cãi chầy cãi cối là phản biện.

Sau khi nhận được phản biện của B về thông tin A, chủ thế của nó có thể chấp nhận hoặc phản bác từng phần hoặc toàn bộ. Đó là phản biện lại.

Vậy người thứ ba, khi có thông tin về A và phản biện bất đồng của B thì chớ vội tin vào bên nào cả. Đó là hai nguồn thông tin trái chiều. Người thứ ba có thể phản biện lại thông tin do B đưa ra.

    Một điều quan trọng là “tự phản biện”. Đó là việc tự mình hoặc nhờ cậy sự giúp đỡ của người khác phản biện thông tin mà mình sẽ công bố.

 

 1.4-Ý NGHĨA CỦA VIỆC PHẢN BIỆN

Làm phản biện có hai ý nghĩa lớn. Một là chỉ ra được chỗ đúng hoặc sai, hay hoặc dở của một thông tin để cho mình và những người khác hiểu đúng hơn về thông tin đó. Từ chỗ phản biện thông tin sẽ tiến đến có cách nhìn toàn diện hơn về chủ thể. Hai là qua việc làm phản biện một cách nghiêm túc mình sẽ học hỏi thêm được những điều mà trước đây chưa biết, nâng cao được nhận thức và trí tuệ, cũng là dịp để rèn luyện, củng cố những đức tính tt trong xử thế và nghiên cứu khoa học.

Phản biện thông tin, nhưng không phải bất kỳ thông tin nào nhận được cũng cần phản biện. Có nhiều thông tin chỉ nghe qua, xem qua cho biết mà không cần phản biện vì rằng ngoài mục đích và ý nghĩa tt thi việc phản biện còn làm cho ta tốn thời gian, đặc biệt là khi muốn phản biện những điều không thuộc chuyên sâu của mình.

Các thể chế độc tài thường chỉ thích nghe ca ngợi mà không hoặc ít thích nghe phản biện. Một xã hội mà không có phản biện thường lâm vào cảnh trì trệ, thoái hóa.

 

II . Phương pháp suy luận

2.1- ĐẠI CƯƠNG VỀ LOGIC

Logic học là khoa học về tư duy, bao gồm các hình thức tư duy (khái niệm, phán đoán, suy luận) các quy luật và nguyên tắc của tư duy, các phương pháp tư duy chính xác.

Những nghiên cứu ban đầu về tư duy đã xuất hiện ở Ấn Độ cách nay trên 5 ngàn năm, nhưng người đặt nền móng cho Logic học hiện đại là Aristote (384-322 trước CN), thời Hy Lạp cổ đại.

Logic của Aristote và những thế hệ tiếp theo là logic hình thức (cổ điển). Hiện nay, ngoài logic hình thức còn có những logic khác như logic biện chứng, logic toán, logic triết, logic trò chơi, logic mờ. Sự phát triển của công nghệ thông tin, của máy tính một phần nhờ vào thành tựu của logic học.

Logic hình thức gần giống như Toán hoc, phải dựa vào các Tiên đề, mà tiên đề chỉ được công nhận, không chứng mịnh, Với 5 tiên đề Euclid người ta đã xây dựng nên lâu đài hình học đồ sộ. Tuy vậy Lobasepski đã sửa đổi tiên đề về đường thẳng song song để xây dựng nên Hình học phi Euclid, có những ứng dụng để nghiên cứu Vũ trụ.

Trong những tiên đề của logic hình thức (quy luật, quy tắc) có những tiên đề mà khi vận dụng cho đời sng thực tế cần cân nhắc, vì nếu vận dụng một cách máy móc sẽ không phù hợp. Thí dụ quy luật cơ bản số 3 (luật triệt tam) nói rằng : “Một vật chỉ có 2 trạng thái (có hoặc không, đúng hoặc sai) chứ không thể có trạng thái thứ ba”. Điều này nhiều lúc không áp dụng được cho thc tế vì nhiều việc trong đời sống không phải chỉ có một trong hai trạng thái mà có thể có đồng thời hoặc có các trạng thái trung gian khác. Đó là nguyên nhân làm xuất hiện Logic mờ.

2-2  KHÁI  NIỆM

2.2.1- Khái niệm là gì

     Trong tiếng Việt từ “ khái niệm” được dùng theo nghĩa thông thường và nghĩa khoa học. Nghĩa thông thường được ghép với chữ “về” thành cụm từ  “ khái niệm về”…, được hiểu là nhận thức sơ bộ, sự hiểu chung chung, đại khái  về đối tượng, sự vật được xem xét, thí dụ: Khái niệm về từ trường, Khái niệm về dòng điện v.v…Nghĩa khoa học, là một thuật ngữ dùng trong logic học, để nhận thức. Mỗi môn khoa học gồm một hệ thống các khái niệm. Thí dụ môn Hình học có các khái niệm: Điểm, đường thẳng, mặt phẳng, góc, đường phân giác v.v…; môn Điện học có các khái niệm: Điện tích, dòng điện, điện thế, điện trở, điện dung v.v…; môn Sức bền vật liệu có các khái niệm vật thể,  liên kết, tải trọng, phản lực, nội lực, ứng suất, biến dạng v.v…Mỗi môn khoa học, ngoài các khái niệm riêng rẽ thì còn gồm các liên kết giữa các khái niệm để  tạo thành các định luật, định lý, công thức v.v…

     Cần phân biệt đối tượng thực và khái niệm. Đối tượng thực tồn tại khách quan còn khái niệm là thuộc nhận thức của chúng ta về nó, khái niệm là cái ở trong đầu chúng ta.  Khái niệm là toàn bộ hiểu biết đã khái quát những dấu hiệu bản chất về một đối tượng hoặc hiện tượng (sau khi đã gạt bỏ những thứ không cần thiết, thứ yếu )

2.2.2 – Các bộ phận của một  khái niệm

 Mỗi khái niệm gồm ba bộ phận: nội dung, tên gọi, định nghĩa.

    Nội dung khái niệm gồm hai phần: nội hàm và ngoại diên

Nội hàm gồm các dấu hiệu bản chất, phân biệt khái niệm này với khái niệm khác.

Ngoại diên là các dạng thể hiện, các hình thức tồn tại.

Thí dụ khái niệm dòng điện: Nội hàm là sự dịch chuyển có định hướng của điện tích, ngoại diên gồm dòng một chiều, dòng xoay chiều, dòng trong dây dẫn, dòng trong chất lỏng v.v…;Khái niệm hình tam giác: Nội hàm là hình gồm ba cạnh khép kín, ngoại diên gồm tam giác thường, tam giác cân, tam giác đều, tam giác vuông; Khái niệm ứng suất: Nội hàm là nội lực tại một điểm, ngoại diên gồm có ứng suất pháp, ứng suất tiếp, ứng suất chính, ứng suất phẳng, ứng suất khối…

     Tuỳ thuộc vào nội dung, một khái niệm có thể là khái niệm cụ thể hoặc khái niệm trừu tượng.

     Tên của khái niệm do người ta đặt ra để gọi, để phân biệt các khái niệm với nhau. Tên gọi thường do một người nào đó đặt ra đầu tiên (thường là người tìm ra khái niệm đó), mọi người dùng, lâu trở thành quen. Một số tên gọi được dịch từ tiếng nước ngoài, khi dịch như vậy cũng tương tự như đặt tên cho khái niệm theo ngôn ngữ khác. Khi đặt tên cho khái niệm người ta có xu hướng  tìm các từ để thể hiện bản chất của nó hoặc có một ý nghĩa nào đấy. Tuy vậy cũng thường gặp một số tên gọi mà ban đầu chưa có ý nghĩa gì rõ ràng nhưng dùng mãi thành quen, trong số này có nhiều tên nước ngoài được phiên âm ( ôxy, parabôn, laptôp…).

     Định nghĩa dùng để hiểu đúng khái niệm. Mỗi khái niệm cần được định nghĩa rõ ràng, chính xác, ngắn gọn. Có một số cách định nghĩa khác nhau tuỳ thuộc loại khái niệm.

 Thường thì người ta dựa vào nội hàm, kể ra các dấu hiệu bản chất và đặc trưng của đối tượng đến mức cần và đủ. Thí dụ, định nghĩa dòng điện là sự chuyển động định hưng của điện tích,  tam giác là hình có ba cạnh khép kín v.v…

    Một cách định nghĩa hay được dùng là theo lối dây chuyền. Đầu tiên định nghĩa A, dựa vào A để định nghĩa B, dựa vào B định nghĩa C…, trong đó cái được định nghĩa gọi là “ giống”, cái được dựa vào gọi là “ loài”.  Như vậy là thông qua loài để định nghĩa giống. Thí dụ đã có định nghĩa hình đa giác (hình phẳng có nhiều cạnh khép kín) , định nghĩa hình tứ giác là đa giác có bốn cạnh, định nghĩa hình thoi là tứ giác có các cạnh bằng nhau, hình bình hành là tứ giác có các cạnh song song, hình chữ nhật là hình bình hành có các góc vuông… Định nghĩa được dựa vào loài và chỉ ra đặc điểm của giống. Cách định nghĩa như vậy giống với cách chứng minh các định lý trong hình học, trong đó có những điều được công nhận ngay từ đầu mà không chứng minh các tiên đề). Cũng tương tự, có thể gặp một số khái niệm đầu tiên rất khó định nghĩa cho thật chính xác, người ta chỉ có thể đưa ra một số dấu hiệu và công nhận như một “ tiên đề” để từ đó định nghĩa các khái niệm khác.

     Một số khái niệm có thể định nghĩa theo cách phát sinh, thí dụ: Hình tròn là hình phẳng tạo bởi một điểm chuyển động cách đều một tâm cho trước.

     Còn có một vài cách định nghĩa khác nữa và mỗi khái niệm có thể được định nghĩa theo một số cách khác nhau, nhưng dù theo cách nào thì định nghĩa cũng phải rõ ràng, cân đối, không được dùng cách phủ định và không được vòng quanh (là dùng A để định nghĩa B và dùng B để định nghĩa A). Thí dụ có thể định nghĩa hình vuông theo các cách sau : 1- Là hình tứ giác có các cạnh bằng nhau và các góc bằng nhau. 2- Là hình chữ nhật có các cạnh bằng nhau. 3- Là hình thoi có các góc vuông.

     Các định nghĩa của khái niệm thường được cho trong các từ điển giải nghĩa, tuy vậy phải là từ điển chuyên ngành mới cho được định nghĩa tương đối chính xác, đầy đủ còn trong các từ điển phổ thông, khi giải thich các thuật ngữ chuyên sâu thường chỉ  cho định nghĩa sơ lược. Định nghĩa các khái niệm có chuyên môn sâu thường được cho trong các tài liệu chuyên ngành.

2.2.3- Các cách tiếp cận với khái niệm

     Có hai cách: cách của người nghiên cứu phát hiện ra và cách của người kế tục hoặc học tập.

     Người phát hiện, trước hết là tìm ra bản chất, nội dung của khái niệm, họ mô tả, đặt tên rồi đưa ra định nghĩa và trình bày cách dùng. Ban đầu định nghĩa có thể chưa được hoàn thiện, về sau sẽ được chính xác hoá dần dần.

     Người kế tục hoặc học tập trước hết gặp tên khái niệm, tìm hiểu định nghĩa rồi mới nắm được nội dung.

     Tên các khái niệm thường là khác nhau trong các ngôn ngữ. Thí dụ tiếng Việt là   “cái bàn”, tiếng Anh là “table”, tiếng Nga là “xtôl” . Tuy vậy khi nghe bằng ngôn ngữ nào trong đầu người nghe cũng hình thành một khái niệm giống nhau (miễn là hiểu được ngôn ngữ ấy).

      Về tên gọi, có thể gặp một khái niệm nhưng có các tên gọi khác nhau trong cùng một ngôn ngữ. Việc này thường là do các người khác nhau dịch một thuật ngữ nước ngoài thành các từ hoặc cụm từ khác nhau, cũng có thể do các nhóm người khác nhau dùng các từ theo thói quen và chưa thống nhất được. Thí dụ cũng đồ vật ấy người vùng này gọi là cái bát, người vùng khác gọi là cái chén, cũng con vt ấy người này gọi là cào cào, người kia gọi là châu chấu.

 Cũng thường gặp các khái niệm khác nhau nhưng có tên gọi gần giống nhau hoặc giống nhau, đó là hiện tượng đồng âm trong ngôn ngữ. Để tránh việc dùng nhầm khái niệm (hoặc tên) cần phải có  định nghĩa và thống nhất thuật ngữ khi bắt đầu công việc nghiên cứu hoặc thảo luận.

2.2.4- Thao tác trên khái niệm

    Một khái niệm có thể được phân chia (thu hẹp) hoặc mở rộng. Các khái niệm được liên kết vơi nhau thành phán đoán. Đó là một số thao tác trên khái niệm.

    Phân chia là đem một khái niệm có ngoại diên rộng (gọi là loài) phân thành một số khái niệm có ngoại diên hẹp hơn (gọi là giống) trên cùng một dấu hiệu bản chất. Thí dụ loài động vật có xương sống được phân thành các giống bò sát, ếch nhái, cá, chim, có vú v.v..

     Mở rộng khái niệm là thao tác ngược lại với phân chia. Các khái niệm có cùng bản chất được mở rộng đến mức tối đa sẽ thành “phạm trù”. Thuật ngữ phạm trù được dùng trong môn Lôgic học hình thức, trong các giáo trình thông thường ít dùng. Phạm trù được xác định nhờ thao tác mở rộng khái niệm đến mức tối đa. Thí dụ mở rộng các khái niệm nội lực, ngoại lực, mômen , tải trọng…đến mức tối đa sẽ có phạm trù “lực”, các đường parabôn, hyperbôn, tròn, enlip, hình sin…đều thuộc phạm trù “đường cong”.  Phạm trù là tập hợp các sự vật có cùng bản chất. Mỗi môn khoa học được xây dựng nên từ hệ thống các khái niệm và các phạm trù.

 

 

2.3- PHÁN ĐOÁN VÀ SUY LUẬN

2.3.1- Phán đoán

  Phán đoán là mệnh đề liên kết các khái niệm. Dạng cơ bản gồm hai khái niệm, một đóng vai trò chủ từ (hoặc chủ ngữ) ký hiệu S, khái niệm khác đóng vai trò vị từ (hoặc vị ngữ), ký hiệu  P.  Có những dạng phán đoán cơ bản như sau :

Tất cả S là P- phán đoán khẳng định toàn bộ, ký hiệu bằng chữ A.

 Một số S là P- phán đoán khẳng định bộ phận, ký hiệu I.  

Mọi S không là P- phán đoán phủ định toàn bộ, ký hiệu E.

Một số S không là P- phán đoán phủ định bộ phận, ký hiệu O.

S có thể là P, không thể là P- phán đoán nghi ngờ.

Phán đoán do người nghiên cứu đưa ra, có dạng trực tiếp và gián tiếp.

Phán đoán trực tiếp dựa trên việc thu nhận thông tin từ các sự vật tồn tại ngoài ý thức. Thường là do quan sát sự vật, hiện tượng rồi rút ra. Tùy theo trình độ và ý thức của chủ thế mà phán đoán có thể là đúng (chân thật) hoặc sai (giả dối).

Phán đoán gián tiếp là kết quả được rút ra từ suy luận.

2.3.2- Suy luận    

Suy luận là thao tác logic để từ một hoặc một vài phán đoán đã được công nhận làm luận cứ để suy ra một kết luận (là một phán đoán mới). Mỗi suy luận gồm ba phần: Luận cứ, Luận chứng và Luận đề.

Luận cứ là những chứng cứ, những phán đoán được dựa vào để suy luận, chúng đóng vai trò Tiên đề.

Luận chứng là cách lập lun, cách chứng minh, là việc vận dụng các quy luật, quy tắc của logic để suy luận.

 Luận đề (hoặc Kết đề) là kết luận được rút ra từ suy luận. Nó có thể được công nhận khi toàn bộ quá trình suy luận là đúng, chặt chẽ, nó bị bác bỏ khi trong quá trình suy luận phạm phải sai lầm (trong luận cứ, trong luận chứng hoặc cả hai).

Suy luận có hai phương pháp chính là Quy nạp và Diễn dịch.

2.4 – QUY LUẬT CƠ BẢN CỦA LOGIC    

Lôgic hình thức có bốn quy luật cơ bản, được trình bày tóm tắt như sau :

1-Quy luật đồng nhất : Mọi vật  phải đồng nhất với chính nó.

Vật ở đây là khái niệm, phán đoán hoặc suy luận. Trong quá trình lập luận thì một vật phải được dùng theo cùng một nghĩa, không được thay đổi, lẫn lộn, đánh tráo.

Một cách diễn tả khác: Mọi tư tưởng phản ảnh cùng một đối tượng, trong cùng một quan hệ thì phải đồng nhất với chính nó.

2- Quy luật cấm mâu thuẩn: Một vật không thể vừa có vừa không có cùng một lúc.

Diễn tả khác : Một phán đoán không thể vừa là chân thật vừa là giả dối. Hoặc: Hai phán đoán trái ngược nhau không thể đồng thời là chân thực.

3- Quy luật bài trung (triệt tam): Một vật có hoặc không có (phải hoặc không phải là…) chứ không có trường hợp thứ ba.

Diễn tả khác: Một phán đoán chỉ có thể là chân thật hoặc giả dối chứ không thể có giá trị thứ ba nào khác.

4- Quy luật lý do đầy đủ: Tất cả những gì tồn tại đều có lý do để tồn tại.

Diễn tả khác: Một tư tưởng được coi là chân thực khi có lý do đầy đủ làm căn cứ.

Các quy luật trên đây dùng làm cơ sở cho việc suy luận. Trong các sách về logic đều gọi là quy luật, nhưng chúng không giống như các quy luật trong Vật Lý (đúng hoàn toàn, không có ngoại lệ) mà giống như Hệ Tiên đề trong toán học.

Ngoài bốn quy luật cơ bản thì trong suy luận còn cần tuân thủ các quy tắc  cho tiên đề và kết đề.

 

2.5- SUY LUẬN DIỄN DỊCH                                                                               

     Diễn dịch là cách suy luận đi từ tổng quát đến trường hợp riêng, từ nguyên lý tới hậu quả của nguyên lý ấy. Có hai cách diễn dịch là trực tiếp và gián tiếp.

 Diễn dịch trực tiếp là cách đi thẳng từ một phán đoán tiên đề đến kết luận mà không dùng các bước trung gian. Thí dụ: Ngôi nhà này  đặt trực tiếp trên nền đất yếu, ngôi nhà sẽ bị lún.

Quy tắc của diễn dịch trực tiếp là: Nếu phán đoán ở tiên đề không phải là toàn bộ thi kết luận cũng không phải là toàn bộ.

  Diễn dịch gián tiếp là cách dùng từ hai phán đoán trở lên làm tiên đề, suy luận qua một vài bước trung gian. Thường gặp kiểu luận ba đoạn (tam đoạn luận).

   Luận ba đoạn gồm ba thuật ngữ và ba mệnh đề. Ba thuật ngữ gồm S, P và M, trong đó S và P là thành phần chính, M là trung gian  Ba mệnh đề gồm hai tiên đề liên kết giữa M với S và P và mệnh đề thứ ba là kết đề. Trong kết đề thì S là chủ từ, P là vị từ còn trong hai tiên đề thì S, P và M có thể là chủ từ hoặc vị từ của phán đoán, chủ từ đứng trước. Tiên đề chứa M và P là tiên đề lớn, tiên đề chứa M và S là tiên đề nhỏ. Kết đề chỉ ra quan hệ S-P. Mỗi mệnh đề có thể thuộc một trong bốn dạng phán đoán : A, I, E, O.

Thí dụ phán đoán về ngôi nhà bị lún khi dùng tam đoạn luận sẽ như sau:

1-Nền đất yếu làm cho nhà bị lún

2-Ngôi nhà này được xây trên đất yếu

3- Ngôi nhà này sẽ bị lún

Thí dụ khác: - Mọi sinh vật đều phải chết – ( tiên đề 1 );  ( M -- P)

- Ông Beo là một sinh vật - ( tiên đề 2 ); (S—M)

- Ông Beo  sẽ phái chết   - ( kết đề ); (S- -P)

Tiên đề 1 là lớn, trong đó mọi sinh vật (M) là chủ ngữ, chết (P) là vị ngữ. Tiên đề 2 là nhỏ, trong đó ông Beo (S) là chủ ngữ, sinh vật (M) là vị ngữ.

Có bốn dạng tam đoạn luận tùy theo tương quan giữa M với S và P thể hiện trong hai mệnh đề đầu tiên:

Dang 1 : (M—P) và (S—M)

Dạng 2 : (P—M) và (S—M)

Dạng 3 : (M—P) và (M—S)

Dạng 4 : (P—M) và (M—S)

Tam đoạn luận có các quy tắc (Qt) sau :

Qt 1- Có ba mệnh đề  ba danh từ logic S, P, M

Qt 2- M phải có ít nhất một lần là phán đoán A (khẳng định toàn thể)

Qt 3- Nếu S hoặc P không  là A ở tiên đề thì không thể là A ở kết luận.

Qt 4- Nếu cả 2 tiên đề là phủ định (E, O) thì không thể kết luận.

Qt 5- Nếu một trong hai phán đoán tiên đề là phủ định thì kết luận là phủ định.

Qt 6-Nếu cà hai phán đoán tiên đề là bộ phận  thì không thể lết luận.

Qt 7- Nếu một trong hai phán đoán tiên đề là bộ phận thì kết luận là bộ phận.

Qt 8- Nếu cả hai phán đoán tiên đề là khẳng định thì kết luận là khẳng định  

Nếu quy tắc bị vi phạm thì không thể công nhận kết luận.

Thí dụ : A nhỏ thua C (S—M) , B nhỏ thua C (P--M ). Vậy  A bằng B.

Kết luận không được công nhận vì đã vi phạm Qt 4hoặc Qt 6.

Thí dụ khác : Mọi loài chim đều biết bay (P--M). Bồ câu là một loài chim (S--M). Vậy bồ câu biết bay. Kết luận không được công nhận (tuy đúng với thực tế, do ngẫu nhiên) vì tiên đề trên là giả dối, không phải mọi loài chim đều biết bay. Nếu thay bồ câu bằng đà điểu, chim cánh cụt, chim Kiwi thì rõ ràng là không đúng.

 Khi nói ngay rằng: “Chim bồ câu trưởng thành biết bay” thì đó là một phán đoán đúng, cần gì phải bày ra trò suy luận.

       Ngoài cách suy luận kiểu ba đoạn còn một số cách khác, thường là dạng ba đoạn rút gọn hoặc ba đoạn mở rộng.

2.6- SUY LUẬN QUY NẠP

     Quy nạp là cách suy luận đi từ những cái riêng (đặc thù) đến cái chung (tổng quát). Đó là cách “khái quát hoá”. Có hai cách quy nạp là hoàn toàn và không hoàn toàn.

     Quy nạp hoàn toàn là cách suy luận đi từ tất cả những trường hợp riêng đã biết đến một kết luận chung. Quy nạp không hoàn toàn (hoặc quy nạp phóng đại) là cách suy luận đi từ một số trường hợp riêng đã biết đến một kết luận chung cho đối tượng vượt qua tổng số những trường hợp đã biết.

     Quy nạp hoàn toàn có độ tin cậy chắc chắn còn quy nạp không hoàn toàn có độ tin cậy không cao. Để tăng độ tin cậy của quy nạp không hoàn toàn cần nêu thêm những chứng minh bổ trợ.

     Diễn dịch và quy nạp tuy khác nhau nhưng có mối quan hệ biện chứng với nhau, bổ sung cho nhau.

2.7- NHỮNG SAI LẦM CÓ THỂ GẶP

      Sai lầm trong suy luận có thể do cố ý hoặc vô tình.

Sai lầm cố ý là do chủ động của người nghiên cứu và họ tìm cách giấu giếm. Đó là sự lừa bịp mà chủ yếu là ngụy bin. Phát hiện loại sai lầm này là việc của cộng đồng khoa học.

       Lừa bịp là việc ngụy tạo ra luận cứ không có thực hoặc cố tình loại bỏ một số luận cứ có thực để chứng minh luận điểm theo chủ quan. Lừa bịp cũng có thể là cố tình vi phạm các quy luật hoc quy tắc của logic. Lừa bịp để nhằm đạt một mục đích không trong sáng nào đó.

     Sự bịp bợm trong việc ngụy tạo ra tế bào gốc và sinh sản vô tính của một nhà sinh vật học Hàn Quốc năm 2008 là một dẫn chứng sinh động trong nghiên cứu khoa học. Một thí dụ khác: Cần điều tra hoặc làm tổng kết một sự kiện nào đó có hai mặt X và T. Nếu người thực hiện không thực sự khách quan, không tôn trọng nguyên tắc khoa học mà đã có chủ ý là T, thế rồi chỉ thu thập dữ liệu loại T mà cố tình loại bỏ phần lớn dữ liệu loại X, để rút ra kết luận. Cách làm này là phổ biến của “bệnh thành tích rởm” trong phong trào thi đua hoặc nhằm để tuyên truyền, là mưu mô và hành động của những kẻ lợi dụng khoa học để thu vén lợi ích cá nhân hoặc phục vụ cho một ý đồ đen tối. Những chứng cứ họ đưa ra toàn bộ hoặc phần lớn là có thật, có thể kiểm chứng nhưng là một sự thật đã bị cố tình cắt xén, đã bị che dấu, mà cái phần bị che, bị cắt này lại là phần quan trọng hơn, chủ chốt hơn. Có một câu châm ngôn nổi tiếng sau đây dùng để mô tả việc trên: “ Một phn của cái bánh mì vẫn là bánh  mì, nhưng một  phần của sự thật nhiều khi là dối trá”.

       Khi mà sự lừa bịp thành công sẽ làm sai lệch nhận thức của nhiều người và có thể kéo theo hậu quả tai hại.

     Sai lầm vô tình là do thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, thiếu kinh nghiệm hoặc thiếu trách nhiệm. Thường thường gặp sai lầm trong luận cứ và luận chứng dẫn đến sai trong kết quả (luận đề), cũng có thể phạm sai lầm ngay trong luận đề.

     Sai trong luận cứ thể hiện ở một số dạng như: dùng khái niệm mơ hồ, dùng thiếu hoặc thừa dữ liệu, dùng  dữ liệu hoặc phán đoán không chân thật (bị đánh lừa), xét sai tương quan, dùng giả thiết quá thô thiển, dùng lập luận vòng quanh.

     Khái niệm mơ hồ là khái niệm không được định nghĩa rõ ràng, có thể hiểu và vận dụng theo các cách khác nhau. Trong phương pháp dùng toán nếu dùng ký hiệu trùng nhau có thể gây nhầm lẫn khi thao tác. Trong logic học có thuật ngữ “đánh tráo khái niệm” là  chỉ việc lợi dụng hiện tượng đồng âm trong tên gọi để làm lẫn lộn các khái niệm khác nhau, không tôn trọng quy luật cơ bản số 1.

     Dùng thiếu dữ liệu hoặc dùng dữ liệu (phán đoán) không chân thật, nếu cố ý thì đó là lừa bịp, nếu vô tình thì có thể dẫn đến kết luận sai. Thí dụ có hai nguyên nhân  N1 và N2 cùng tác động để gây ra kết quả B, trong đó N1 là rõ ràng, N2 bị ẩn giấu. Nếu chỉ biết đến N1, bỏ sót N2, hoặc quá quan tâm tới N1 mà coi nhẹ N2 thì đã là thiếu sót, kết quả kém tin cậy. Tuy vậy khi chỉ dừng lại ở B thì sai lầm còn hạn chế, còn khi từ B suy luận tiếp ra C, D thì có khi sai lầm sẽ tăng lên, đặc biệt là cái bị bỏ sót N2 lại có tác dụng quan trọng. Sở dĩ N2 bị bỏ sót là vì nó ở dạng ẩn, trừu tượng chứ không tường minh như N1.

Trong toán học cũng như trong đời sống thường dùng mệnh đề “ điều kiện cần và đủ để… là….”, Nếu chỉ quan tâm tới điều kiện cần mà quên điều kiện đủ thì không thể chấp nhận kết quả của chứng minh hoặc suy luận; hoăc chỉ chú ý tới điều kiện đủ mà ít quan tâm tới điều kiện cần cũng phạm sai lầm.

      Dữ liệu sai là do nhầm lẫn khi thu thập, phần lớn là sai sót ngẫu nhiên. Trong quá trình sắp xếp và xử lý cần kịp thời phát hiện và để riêng ra, nếu cứ dùng chúng một cách bình thường dễ dẫn đến kết quả không chính xác.

      Xét nhầm tương quan. Thí dụ nguồn S làm phát sinh đồng thời B và C nhưng người quan sát vì lý do nào đó mà chỉ thấy B và C mà không thấy S. Cứ hễ thấy B là thấy C xuất hiện, từ đó cho rằng B là nguyên nhân gây ra C.

      Sai lầm ở luận chứng là sai trong quá trình suy luận, chứng minh vì vi phạm các quy tắc logic, nhầm trong giải toán, nhầm trong việc xác định khoảng giới hạn của các tham số v.v…. Sai trong phép diễn dịch thường là do dùng tiên đề giả dối, vi phạm quy tắc suy luận. Sai trong phép quy nạp thưng là do “khái quát hoá vội vàng”, chỉ mới dựa vào một ít trường hợp riêng đã vội rút ra kết luận.

   Sai lầm kiểu suy luận vòng quanh là từ A suy ra B rồi lại dùng B để chứng minh A.

      Sai lầm trong luận đề là do chủ quan, thiếu năng lực mà đề ra giả thuyết không đúng, tuy vậy không kịp thời phát hiện ra để sửa đổi mà vẫn cố tìm cách chứng minh. Cúng có thể do mưu mô xảo trá, tạo ra ngụy biện.

2.8- NGỤY BIỆN

Có vài cách định nghĩa ngụy biện:

+ Ngụy biện là việc dùng những lý lẽ bề ngoài có vẻ là đúng, nhưng thật ra là sai, để rút ra kết luận xuyên tạc sự thật.

+ Ngụy biện là việc sử dụng các lập luận một cách sai lầm, không hợp lý, vi phạm các quy tắc logic trong suy luận. Một lý luận ngụy biện có thể có ý lừa đảo .

+ Ngụy biện là cách đưa ra kết luận giả dối dựa trên một số suy luận hoặc chứng minh tưởng như là đúng đắn, chặt chẽ nhưng thật ra là sai lạc. Giả dối là biến cái đúng thành sai và ngược lại.

Ngụy biện là dối trá, lừa bịp ở mức cao vì nó cũng dựa vào suy luận của lý trí, cũng tỏ ra tuân theo các phương pháp của logic, nhưng ẩn giấu những vi phạm quy tắc, rất khó phát hiện. Ngụy biện rất dễ đánh lừa được những người nhẹ dạ cả tin, những người ít chịu dùng tư duy phản biện.

Có hai loại ngụy biện: cố ý và vô tình.

Ngụy biện cố ý đã được trình bày qua ở mục 2.7 (sai lầm cố ý)

Kẻ ngụy biện cố ý thường có trình độ khá cao về lý luận, nhưng không trung thực, nhiều lúc họ dùng hùng biện, dùng danh vị khoa học, dùng chức tước để che đậy sự ngụy biện, để mê hoặc lòng người.

Ngụy biện vô tình là do trình độ non kém, họ tin vào những ngụy biện do người khác phát ra rồi nhắc lại một cách máy móc hoặc do họ tự nghĩ ra trên cơ sở non yếu về trí tuệ, họ không có khả năng  biết được điều dối trá bị ẩn giấu.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn  chia ngụy biện làm hai dạng chính. Ngụy biện trong bàn luậnvà ngụy biện trong tranh luận. GS Tuấn đưa ra năm dạng chính trong ngụy biện bàn luận như sau

1.    Công kích cá nhân

Đây là một loại ngụy biện phổ biến nhất, thấp kém nhất, nguy hiểm nhất, nhưng có “công hiệu” nhất. Nguy hiểm vì nó tấn công vào cá nhân của người phát biểu hơn là quan điểm của người phát biểu. Từ đó, người ta chỉ tập trung vào cá nhân hơn là quan điểm của cá nhân đó.

Có 5 hình thức phổ biến thuộc loại ngụy biện này:

- Loại thứ nhứt là tấn công vào uy tín cá nhân của người phát biểu, kiểu "Anh là dân làm kinh tế, biết gì về khoa học mà nói chuyện nghiên cứu khoa học". Tức là, người ngụy biện không bàn về lý lẽ của người phát biểu về khoa học mà tấn công vào cái 'background' của người đó.

- Loại thứ hai là dưới hình thức sỉ nhục, hay chửi rủa. Khi bất đồng ý kiến, người ngụy biện chỉ việc công kích vào cá nhân của người phát biểu. Chẳng hạn như "Bà hay đánh con, bà không có tư cách nói chuyện nhân nghĩa".

- Loại thứ ba là tấn công vào động cơ của người phát biểu. Mặc dù không biết động cơ của người phát biểu là gì, kẻ nguỵ biện vẫn đặt ra một cái cớ để làm lạc hướng luận điểm của người phát biểu. Ví dụ tiêu biểu là "Anh nói như vậy là vì anh muốn được chút ơn huệ của kẻ cầm quyền".

- Loại thứ tư là tấn công vào lòng yêu nước. Tiêu biểu cho loại ngụy biện này là: "Anh im đi! Nếu anh thấy nền giáo dục Việt Nam kém cỏi như vậy thì anh hãy đi Mỹ mà học".

- Loại thứ năm là dùng một đặc điểm của một vật thể nào đó để ứng dụng cho một cá nhân hay một vật thể khác. Ví dụ: “Anh học của Tây có vài chữ mà đã quay lại chửi bới đồng nghiệp à? Anh là con công cháu cha, anh không hiểu gì về sự nghèo khổ của chúng tôi”.

2. Lợi dụng thẩm quyền

Đây là loại ngụy biện dùng những nhân vật nổi tiếng hay được nhiều người ái mộ để tìm sự ủng hộ cho luận điểm của mình. Chẳng hạn như "Cái bàn chải đánh răng này được giới nha sĩ ủng hộ, nên nó tốt lắm", hay "Báo chí loan tin hà rầm rằng gia đình đó loạn luân mà ông còn cãi à? Ai cãi là ngu si, hèn hạ”. Hèn hạ?

Cái sai ở đây là thẩm quyền (báo chí, chuyên gia, Nhà nước, v.v.) không thuyết phục được ai; chỉ có sự thật, lý lẽ và logic mới quan trọng và có khả năng thuyết phục.

Do đó, việc xem thẩm quyền là chân lý là một nguỵ biện, và loại nguỵ biện này rất phổ biến và nguy hiểm. Nguy hiểm là vì nó làm thui chột tư duy độc lập của người ta. Nguy hiểm là vì nó có thể đưa người vô tội vào tù.

3. Lợi dụng nặc danh

Trong trường hợp này, người ngụy biện không nêu danh tính người có thẩm quyền, và vì không ai biết tên người có thẩm quyền nên không ai có thể kiểm chứng sự chính xác của lời phát biểu. Một ví dụ tiêu biểu là "Các chuyên gia nói với tôi rằng chủ trương của chúng tôi là hợp lý". Ở đây, chúng ta không biết chuyên gia là ai (nặc danh), mà cho dù có biết thì đây cũng là nguỵ biện loại lợi dụng thẩm quyền.

Một loại ngụy biện khác có quan hệ với loại này là dùng lời đồn đại để làm cơ sở lập luận. Giới công an cảnh sát hay sử dụng ngụy biện này, ví dụ như “Có nhiều đơn của nhân dân tố giác rằng cái hộ gia đình này phạm pháp”. Chẳng ai biết 'nhân dân' là ai, nhưng nó bị đem ra làm cơ sở cho nguỵ biện.

 

4. Luận điệu ngược ngạo

Loại nguỵ biện này hay xuất hiện dưới hình thức bằng chứng. Chẳng hạn như kẻ nguỵ biện phát biểu rằng "Gia đình đó có loạn luân", nhưng khi bị người ta bác bỏ phát biểu đó thì kẻ nguỵ biện quay sang hỏi: "Anh nói họ không loạn luân, vậy anh chứng minh đi".

Đây là nguỵ biện khá phổ biến, mà theo đó kẻ nguỵ biện đùn đẩy trách nhiệm bằng chứng về phía người phát biểu trong khi chính người phát biểu cáo buộc phải trình bày bằng chứng. Loại nguỵ biện này khá thô thiển, nhưng ngạc nhiên thay nó thuyết phục khá nhiều người ngây thơ!

5. Làm lạc hướng câu chuyện

Loại ngụy biện này thường hay được ứng dụng khi một người nào đó đưa vào những phát biểu không dính dáng gì đến vấn đề đang tranh luận, nhằm mục đích đánh lạc hướng vấn đề.

Một trong những ví dụ tiêu biểu của nguỵ biện loại này là những câu qua lại về tu sĩ. Người phát biểu cảm thấy tu sĩ đóng phim là không phải, người nguỵ biện quay sang tấn công …Giáo Hoàng:

“Nếu bà cho rằng bà có cái quyền tấn công tăng ni tham gia đóng phim thì bà trước nhứt nên tấn công hai Đức Giáo Hoàng của bà trước thì đó mới là công bằng”.

Một ví dụ khác: “Anh có thể nói rằng tử hình là một hình phạt không có hiệu quả trong việc chống lại tội phạm, nhưng còn nạn nhân của tội phạm thì sao?”. Tức là, người ngụy biện chuyển chủ đề về hiệu quả của án tử hình sang nạn nhân, hai vấn đề chẳng có liên quan gì với nhau.

Nhiều tài liệu phổ thông phân chia ngụy biện thánh 15 kiểu

1-Lợi dụng sự đồng tình của đám đông.

2-Lợi dụng lòng thương hại.

3-Lợi dung uy thế: Học vị, chức tước, quyền lực.

4-Lợi dụng những chỗ chưa chặt chẽ trong lập luận, ngụy tạo ra cách lập luận.

5-Lợi dụng nặc danh hoặc giữ bí mật.

6- Khái quát hóa vội vàng.

7-Dùng luận cứ chỉ một phần sự thật, phần không chứa bản chất.

8-Bóp méo, xuyên tạc quan điểm của người khác, gắp lửa bỏ tay người.

9-Lạm dụng ngôn từ, đánh tráo khái niệm.

10- Dùng lẫn lộn các tiên đề mâu thuẩn (trong phép tam đoạn luận).

11-Nói càn: Bạn cũng vậy, ai mà chẳng thế.

12-Công kích cá nhân.

13-Lãng tránh chủ đề, dùng luận cứ vụn vặt.

14-So sánh khập khiểng.

15-Vin vào truyền thống.

Có tác giả nêu thêm và kê ra 24 kiểu. Cũng có tác giả chia nhỏ thành 48 kiểu.Triệu Truyền Đống còn kể ra 120 cách ngụy biện khác nhau (sách Phương Pháp Biện luận-Thuật Hùng Biện).

Vạch ra và phản bác được các ngụy biện là việc làm cần thiết và tương đối khó khi làm phản biện (xem mục 3.4)

( Còn tiếp -2- )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét