Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2024

HỌC LÀM PHẢN BIỆN ( Nguyễn Đình Cống ) – 4 -

 ( Tiếp theo )

V -  Phản biện về đào tạo tiến sĩ

 (THƯ NGỎ GỬI BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC)

 (tháng 6 năm 2016)


Kính gửi ông  Bộ trưởng Bộ Giáo dục

       Tôi viết thư này nhân dịp ông vừa nhận chức Bộ trưởng và báo chí đưa tin về đào tạo quá nhiều tiến sĩ kém chất lượng. Tôi tham gia khá nhiều công việc trong đào tạo trên đại học, biết nhiều chuyện vui buồn, xin kể vài chuyện để cung cấp thông tin, trao đổi về nhận định và góp vài ý kiến để chấn hưng nền giáo dục.

1 - MỘT SỐ CHUYỆN VUI BUỒN

Chuyện vui và thành tích có nhiều, tôi không phủ nhận, hơn nữa ông biết nhiều và biết rõ hơn tôi, nên tôi xin không kể ra. Chỉ xin kể vài chuyện buồn mà tôi biết rõ còn ông chưa biết.

Chuyện 1- GS TSKH Nguyễn Trâm đã hướng dẫn vài chục NCS làm luận án tiến sĩ, đã bảo vệ. Trong một lần làm phản biện cho một luận án bảo vệ ở cấp cơ sở, sau khi nghe các ủy viên hội đồng góp nhiều ý kiến về thiếu sót và nhầm lẫn, GS Trâm phát biểu một câu làm tôi và  nhiều người lạnh sống lưng:  “Luận án tiến sĩ chứ có phải cái gì quan trọng đâu mà các anh đòi hỏi chính xác và chặt chẽ đến vậy”.

Chuyện 2- Ở một HĐ bảo vệ luận án TS nọ thuộc chuyên ngành mà tôi biết rõ. Trong lúc các phản biện (công khai và kín) khen hết lời thì chủ tịch HĐ vạch ra chỗ sai, yêu cầu NCS trả lời. Không những NCS mà cả thầy hướng dẫn đã công nhận chỗ sai đó. Tôi theo dõi, nghĩ rằng với sai sót như vậy thì may lắm luận án được đánh giá trung bình, còn không thì phải dừng bảo vệ để NCS về sửa chữa chỗ sai. Không ngờ phần đông các ủy viên cho điểm 9 và 9,5, luận án đạt mức giỏi. Phải chăng ủy viên HĐ đánh giá luận án không cần dựa vào nội dung mà là dựa vào quan hệ cá nhân. Đó là đánh giá được bỏ túi từ nhà mang đến. Việc bảo vệ chỉ là hình thức.Trong các loại HĐ trình bày trong mục 2sau đây (HĐ nghiêm chỉnh, HĐ gà mờ, HĐ đểu) thì HĐ trên đây chỉ có thể là HĐ đểu.

Chuyện 3- Trong một lần tôi ngồi chơi vui vẻ với hai GS và một thầy giáo trẻ. Anh bạn trẻ nói: “Em xin lỗi trước, nhưng phải nói giáo sư các anh là một lũ tội phạm của dân tộc”. Tôi bắt tay anh bạn trẻ và công nhận câu nói đó là đúng vì chính những GS thực thụ đào tạo ra các tiến sĩ dổm bậc 1, đến lượt TS dổm đó trở thành giáo sư dổm, đào tạo tiếp tiến sĩ dổm bậc 2, Thạc sĩ dổm, cử nhân dổm, và cứ thế mà nối tiếp, đến lúc phần lớn trí thức trên toàn quốc là đồ dổm. Thế không phải tội phạm của dân tộc là gì.

Chuyện 4- Một lần ở nhà khách của Trung tâm đào tao thường xuyên tỉnh Quảng Bình, thầy giáo P khi nghe giới thiệu tôi là giáo sư tiến sĩ đã phát biểu: “Cứ mỗi lần được nghe giới thiệu ai là giáo sư tiến sĩ tôi cứ nghĩ không biết mình đang gặp một người nên trọng hay nên khinh”.

Chuyện 5- Giáo sư N, bạn tôi, được mời làm chủ tịch hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ của NCS tên T, ông đã từ chối vì theo ông thì luận án không có gì mới, chưa đạt yêu cầu. Người ta đã mời GS khác làm chủ tịch, cũng luận án ấy thôi, được HĐ đánh giá xuất sắc.

Chuyện 6-Tôi được mời làm phản biện kín cho một luận án tiến sĩ. Tuy các tên liên quan đã được cắt bỏ, nhưng là dân trong ngành, qua các thí nghiệm đã làm và các bài báo đã đăng, không những tôi mà nhiều bạn khác biết rõ ai đã làm, ai hướng dẫn. Tôi nhận xét là phương pháp nghiên cứu và kết quả chưa đủ độ tin cậy, đề nghị bổ sung, có nghĩa là lun án chưa hoàn chỉnh. Thế nhưng ngay sau đó luận án vẫn được bảo vệ với đánh giá xuất sắc.

Chuyện 7- Tôi thường được đi dạy môn Phương pháp luận NCKH cho một số lớp cao học ngành kỹ thuật xây dựng ở các địa phương. Các lớp này có một số môn phải dùng toán nhiều. Tôi hỏi các học viên: Với các môn toán nhiều và khó như vậy các cậu có hiểu hết không. Đa số trả lời không hiểu gì hết. Tôi  nẩy ra ý nghĩ kiểm trình độ toán của các kỹ sư, học viên cao học xem sao. Tôi ra các bài toán từ trình độ tiểu học đến đại  học, trong đó có bài cng trừ phân số, tính diện tích hình thang, tính cạnh tam giác vuông dùng định lý Pythagore..…Gần hai phần ba số học viên không làm được những bài toán cấp tiểu học và trung học cơ sở như vậy. Tôi nói, các cậu quên hết toán sơ cấp, thế mà khi thi đầu vào cao học phải thi toán cao cấp, làm sao mà học được, thi được. Câu trả lời: Thi được chủ yếu bằng gian lận. Tôi hỏi, quy chế và coi thi nghiêm lắm kia mà, làm sao gian lận được. Trả lời: Nghiêm chỉ là hình thức bịp bợm bên ngoài mà thôi.

Tạm kể 7 chuyện. Còn hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn chuyện dở khóc dở cười về đào tạo trên đại học, chắc Bộ trưởng cũng đã nghe nhiều.

2 - MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH

Đã có nhiều người nói và viết về sự xuống cấp của nền giáo dục, về chất lượng quá thấp của nhiều tiến sĩ, thạc sĩ. Họ có bằng thật nhưng kiến thức dổm. Đó là nói về đào tạo trên đại học. Còn dưới nữa thì ngay cả các học sinh phổ thông cũng đã có những phát biểu làm nhiều người  lạnh sống lưng. Không biết trước đây Bộ trưởng đã được nghe chưa.

Nếu căn cứ vào quy chế, quy trình đào tạo thì mọi khâu đều rất chặt chẽ, rất nghiêm chỉnh, khó tìm ra sơ hở, nhưng cứ nhìn vào thực tế mới biết các lỗ thủng lớn đến mức nào. Trong một thư gửi Bộ trưởng trước đây về đào tạo tại chức tôi có nhận định:“Thầy trò lừa dối lẫn nhau và cùng với đơn vị đào tạo lừa dối xã hội, càng lừa dối được nhiều, thành tích càng lớn”. Cả thầy, trò, đơn vị đào tạo và cơ quan quản lý đều thi nhau lừa dối, sống được, tồn tại được là nhờ lừa dối. Một số nhà khoa học thời gian đầu không nỡ lừa dối và bị thiệt thòi, họ bảo nhau: “Cả xã hội này sống được nhờ lừa dối, cấp trên càng lừa dối nhiều hơn, vậy chúng ta dại gì mà giữ trung thực để chịu thiệt, thôi thì  gặp thời thế thế thời phải thế, lụt thì lút cả làng, cấp trên đang muốn có nhiều người có bằng tiến sĩ, chúng ta được giao quyền, có nhẹ tay một chút sẽ có lợi cho nhiều bên, thời buổi bây giờ làm được người trung thực là khó”

Chính vì để làm người trí thức trung thực là quá khó trong một xã hội chịu sự toàn trị với  đầy rẫy tham nhũng, mua quan bán tước và xuống cấp đạo đức nên trong thư gửi Quốc hội tôi có nêu ý kiến là: “Cuộc cải cách giáo dục chưa thể thực hiện một cách toàn diện, nếu cứ cố mà làm vội, tiêu tốn nhiều tiền của và công sức thì có khả năng thay những sai lầm này bằng các sai lầm khác mà thôi. Để chấn hưng nền giáo dục, trước mắt chỉ nên chọn làm một vài việc cấp thiết”.

Về những vấn đề của nền Giáo dục tôi đã có thư gửi các Bộ trưởng trước đây, có 3 thư gửi Quốc hội trình bày một số ý kiến và nhận định, một số đề nghị, nhưng tất cả đều không được hồi âm. Viết thư này tôi cũng đã dự kiến rồi nó sẽ rơi tiếp vào im lặng. Thôi thế cũng được, Bộ trưởng không có thời gian đọc thì nhờ thư ký tóm tắt và báo cáo lại. Tôi viết là thấy cần phải viết, lương tâm bảo nên viết.

Trước hết xin Bộ trưởng chớ quá tin vào các quy trình, quy chế. Việc tổ chức thực hiện quan trọng hơn. Quyết định chủ yếu vẫn là con người với 2 phẩm chất cơ bản : Trình độ và trách nhiệm. Trong những người tham gia vào quá trình đào tạo thì những người ở trong các hội đồng đánh giá có vai trò then chốt. Tôi đã tham gia nhiều hội đồng và tạm phân ra 3 loại : 1-Hội đồng nghiêm chỉnh gồm các ủy viên có đủ trình độ và trách nhiệm cao, sẽ đánh giá tương đối đúng thực chất của luận án chỉ theo nội dung khoa học, không bị một áp lức nào cả, 2- Hội đồng gà mờ gồm một số ủy viên thiếu một  hoặc cả hai phẩm chất cần thiết, đánh giá luận án chủ yếu theo cảm tính, bị chi phối bởi các quan hệ ngoài khoa học. 3- Hội đồng đểu gồm phần lớn các ủy viên chỉ đánh giá luận án theo quan hệ xã hội, chạy theo thành tích dổm. Hiện chưa có đánh giá nào về tỷ lệ phần trăm các loại HĐ bảo  vệ đồ án ở đại học, bảo vệ luận văn thạc sĩ và bảo vệ luận án tiến sĩ của các ngành và các cơ sở đào tạo khác nhau.

 3 - MỘT VÀI ĐỀ ĐẠT

Trong gần 60 năm làm việc trong ngành giáo dục và trong vài chục năm suy nghĩ vể các biện pháp chấn hưng nền giáo dục tôi cũng đã đúc rút ra được 7 phương sách quan trọng.

Trong những thư gửi Bộ trưởng và Quốc hội kể trên, tôi đã trình bày, phân tích và đề nghị  nhiều vấn đề của nền giáo dục, trong đó có một vài phần thuộc các phương sách. Tôi đoán là Bộ trưởng chưa biết đến các thư đó. Nếu Bộ trưởng muốn xem chỉ cần bảo thư ký gọi điện thoại hoặc gửi Email cho tôi, yêu cầu cung cấp, tôi sẽ xin tuân lệnh ngay lập tức.

Tôi chưa biết được việc Bộ trưởng có muốn nghe toàn bộ 7 phương sách  hay không nên không dám trình bày tất cả mà chỉ xin nêu 1 ý kiến thuộc sách số 4 : Xiết chặt sự đánh giá.

Về đào tạo sau đại học, tôi đề nghị Bộ trưởng hết sức quan tâm vì tác dụng lan tỏa rộng lớn, vì tầm quan trọng của nó. Hơn nữa so với phổ thông và đại học thì việc đào tạo trên đại học có quy mô hẹp hơn nhiều và đang gây lắm bức xúc.

Khi chỉ có HĐ nghiêm chỉnh, không để có HĐ đểu hoặc gà mờ tồn tại thì tự khắc NCS, người hướng dẫn, cơ sở đào tạo phải lo đáp ứng, không thể làm qua loa, không thể lừa dối. Lúc đó người không có khả năng không dám làm NCS, người không đủ trình độ không dám nhận hướng dẫn, các cơ sở đào tạo không dám lừa dối và làm liều.

Nhưng làm sao để có được các HĐ nghiêm chỉnh và bằng cách nào kiểm tra, kiểm soát công việc của các HĐ. Nhà nước dùng HĐ để đánh giá công việc của người này người nọ, nhưng sẽ dùng ai, dùng cái gì để đánh giá công việc của HĐ. Tòa án cũng có HĐ, đó là HĐ xét xử. HĐ bảo vệ luận án và HĐ xét xử của tòa án có mục đích khác nhau nhưng phương pháp làm việc gần giống nhau. Tòa án có HĐ sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tối cao. Còn các HĐ bảo vệ luận án thì sao.  Phải chăng các giáo sư, các  ủy viên HĐ sẽ trở thành tội phạm khi dùng quyền lực của mình để chứng nhận cho ai đó  được cấp  văn bằng không tương xứng với trình độ, dù xuất phát từ lý do gì. Ngoài ra  có cách gì kiểm tra, đánh giá những văn bằng đã được cấp để nếu phát hiện gian dối thì thu lại, việc này gần giống như xét lại và đền bù cho các án oan sai.

Thư không thể viết dài. Trước khi kết thúc tôi xin cầu mong Bộ trưởng giữ được sức khỏe, có nhiều đóng góp xứng đáng để chấn hưng nền giáo dục.  Nếu Bộ trưởng muốn biết toàn bộ các kế sách tôi đã nghĩ ra, chỉ cần bảo thư ký thông báo, tôi sẽ xin trình bày.

4-VÀI ĐIỀU CHƯA RÕ

Ở Việt nam trước đây, thời phong kiến, có các kỳ thi lấy học vị tiến sĩ cho những người đã đổ cứ nhân. Nho sinh học từ thấp lên cao và đi thi chứ không có việc đào tạo tiến sĩ. Hiện nay hình như nhiều nước cũng không có cấp học đào tạo tiến sĩ mà chỉ có trình và bảo vệ luận án tiến sĩ. Người làm luận án tiến sĩ không nhất thiết phải được tuyển chọn qua một ký thi, không bắt buộc phải có người hướng dẫn, không có khái niệm học viên tiến sĩ.

Cách đào tạo tiến sĩ của Việt Nam hiện nay là giống như cách đào tạo phó tiến sĩ (Căng đi đát) của Liên xô, nhưng dễ dãi hơn về chất lượng mà rườm rà hơn về thủ tục

Việt Nam đã phạm một sai lầm khi phong học vị Tiến sĩ cho tất cả Căng đi đat. Đáng ra chỉ nên phong Tiến sĩ cho những Phó tiến sĩ đã có công trình khoa học xứng đáng hoặc phải trình và bảo vệ một luận án có trình độ cao.

Thiết nghĩ nên xem xét lại một cách nghiêm túc quy trình đào tạo tiến sĩ để xóa bỏ những “lò ấp” cho ra đời những tiến sĩ dổm, hữu danh vô thực


VI – Phản biện về đổi mới giáo dục

ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN GIÁO DỤC- CHƯA THỂ THỰC HIỆN

 (tháng 6 năm 2014)

 


Gần đây chúng ta nói nhiều đến đổi mới toàn diện nền giáo dục. Thực ra gọi là sửa chữa sai lầm thì đúng hơn. Tuy vậy, dù là sửa sai hoặc đổi mới thì cũng chưa thể làm thành công được vì rằng những điều kiện thật sự cần thiết cho việc đó chưa có. Chúng ta có thể có nghị quyết, có kinh phí, có đường lối, có chương trình thực hiện nhưng những cái ấy chỉ là phụ. Cái cốt lõi nhất, quan trọng nhất, cần thiết nhất hiện thời chưa có.

Một “thắng lợi lớn” của Giáo dục VN là  nghị quyết “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Tưởng rằng với nghị quyết đó giáo dục sẽ phát triển tốt đẹp, không ngờ càng ngày nó  càng phạm nhiều sai lầm. Tại sao vậy ? Tại vì trong lúc những mặt tiêu cực, mặt hạn chế của giáo dục không những vẫn còn nguyên mà  phát triển thêm thì nghị quyết đó chẳng qua chỉ là sự thỏa hiệp tạm thời của hai thế lực. Một bên là một số nhà khoa học, thấy rõ sự quan trọng của giáo dục nhưng không có quyền hành, họ chỉ có khả năng yêu cầu cấp trên ra nghị quyết. Một bên là những người có quyền ra nghị quyết nhưng tự mình không thấy rõ vai trò quan trọng của giáo dục, bị bắt buộc ra nghị quyết vì không đủ lập luận để từ chối, không tiện từ chối. Sau  khi nghị quyết được ban hành thì cả hai bên đều thỏa mãn. Một bên cho là  đạt thằng lợi lớn vì nguyện vọng đã được thực hiện, nghị quyết đã được công bố, còn việc thi hành như thế nào là của người khác. Một bên cho là đã làm được một việc có ý nghĩa, thỏa mãn được lòng mong muốn của các nhà nọ, nhà kia, đã ra được nghị quyết, còn việc thực hiện  là của ngành chuyên môn. Thế là nghị quyết chỉ tồn tại trên giấy và thỉnh thoảng được nhắc đến ở báo cáo này, ở văn kiện kia, rất ít  có ai đó tích cực trong việc tổ chức thi hành.

Bây giờ lại ra nghị quyết. Có phải cứ có nghị quyết là thực hiện được không. Đã có ai hỏi điều kiện cần và đủ để thực hiện được nghị quyết là những thứ gì chưa. Phần lớn chỉ mới thấy kinh phí, thời gian, kế hoach, chương trình. Theo tôi điều kiện  quan trọng nhất hiện nay chưa có được.

Điều kiện quan trọng số môt là sự ổn định, sự trong sạch của xã hội. Chúng ta nói nhiều đến ổn định chính trị. Việc đó là cần nhưng ổn định xã hội quan trọng hơn, cần thiết hơn. Nền giáo dục không thể nào tách rời xã hội. Trong một xã hội có nhiều tệ nạn xấu xa như mua quan bán tước, tham nhũng tràn lan, dối trá là phương sách,  không thể nào có được một nền giáo dục tốt đẹp. Nếu có một số tấm gương tốt về dạy, về học, về quản lý thì chẳng qua chỉ là những  trường hợp cá biệt mà thôi. Những trường hợp đó nhờ vào phẩm chất cá nhân, nhờ tiếp thu được truyền thống gia đình, nhờ vào điều kiện may mắn mà đã vượt ra khỏi vũng bùn, tránh được tệ nạn, giữ được phẩm giá.

Điều kiện quan trọng thứ hai là đội ngũ thực hiện có năng lực, có trách nhiệm, có đạo đức, là bộ trưởng, thứ trưởng, đến các cán bộ của sở, là đội ngũ các thầy cô giáo. Đội ngũ này đã hình thành từ nhiều chục năm qua, trên 80%  phạm phải từ 1 đến 3 nhược điểm sau : Yếu về trình độ, kém về phương pháp, thiếu sự yêu mến, tôn trọng, tin cậy (của học sinh, của xã hội). Đội ngũ này là kết quả của nhiều năm nhà nước thực hành một số chính sách không thỏa đáng đối với giáo dục. Một chương trình, một kế hoach dù có hay, có tốt đến đâu mà giao cho một đội ngũ như thế thực hiện thì rất khó tin vào thắng lợi. Trong kế hoach đổi mới, Bộ Giáo dục có dự trù thời gian và kinh phí để đào tạo lại, để huấn luyện đội ngũ quản lý và thầy cô giáo.Tôi nghĩ việc làm này quá khó và không thể nào làm đạt yêu cầu trong thời gian ngắn vài ba năm và trong môi trường xã hội hiện nay.

Đã không có được điều kiện quan trọng nhất thì việc đổi mới triệt để và toàn diện chỉ còn là khẩu hiệu, là mong ước của một số người nào đó. Trong hoàn cảnh như thế chưa thể đổi mới để đưa nền giáo dục phát triển đúng quỹ đạo cần thiết, nếu cứ cố mà làm thì có khả năng thay sai lầm này bằng sai lầm khác, đổi tệ nạn này bằng tệ nạn khác mà thôi.

Theo tôi hiện nay chưa thể thực hiện việc đổi mới toàn diện và triệt để nền giáo dục mà chỉ tìm cách sửa chữa một số sai lầm  để cứu vãn sự xuống cấp trầm trọng.

Trước mắt chỉ nên tập trung vào việc xây dựng chương trình phù hợp với thực tế của xã hội Việt nam, theo yêu cầu phát triển của thời hiện tại. Chủ yếu là lập được chương trình gọn nhẹ, vừa đủ những kiến thưc cần thiết,  phải loại bỏ sự nhồi nhét những kiến thức quá khó và xa lạ so với trình độ trung bình của học sinh, phải phân biệt thật rõ khái niệm học thêm và dạy thêm (đã rất nhầm lẫn khi ghép học thêm và dạy thêm vào cùng một khái niệm), nên khuyến khích việc học thêm và cấm triệt để việc dạy thêm (là việc thầy dạy môn A ở trường nay dạy cùng môn ấy, cho học sinh của trường, có thu tiền). Tiếp đến (hoặc làm song song) là cải cách nền hành chính của giáo dục để nâng cao chất lượng và hiệu quả lao động sáng tạo của giáo viên. Có dư luận cho rằng nền hành chính của giáo dục hiện nay biến lao động của giáo viên thành một loại khổ sai, rất vất vả, rất kém hiệu quả.Việc quản lý thầy cô giáo, cần khuyến khích cách làm, cách dạy có thực chất, tránh những việc làm hình thức, máy móc làm tốn nhiều thời gian và công sức mà hiệu quả rất thấp.

VII-Phản biện về dạy thêm, học thêm

(tháng 11  năm 2021)

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm của ngành giáo dục ở thời điểm hiện tại: "Việc dạy thêm, học thêm là việc mà ngành ngăn chặn, nghiêm cấm".

Nghe qua thì thấy có thể chấp nhận, nhưng xét kỹ thấy sai về cơ bản. Cái sai ở đây là ghép dạy thêm và học thêm vào với nhau.

Để bàn cho ra nhẽ thì cần thống nhất định nghĩa khái niệm dạy thêm và học thêm.

Từ Điển Bách Khoa Việt Nam (1) cũng như Từ Điển Tiếng Việt do Gs Hoàng Phê chủ biên (2)  không có mục từ dạy thêm, học thêm [có mục Dạy học nhờ máy tính, Học tập, Học thuyết trong (1) và Dạy học, Học tập, Học thuật trong (2)].

Tôi đưa định nghĩa như sau:

Dạy thêm là việc  giáo viên đương chức dạy môn học cho học sinh mà giáo viên đó đang dạy ở trường và có nhận tiền của học sinh. (nếu không nhận học phí thì đó là phụ đạo ngoài giờ).

Học thêm là việc học xảy ra ngoài việc học theo chương trình chính khóa ở nhà trường.

Vị nào, bạn nào chưa đồng ý với định nghĩa trên thì xin nêu ra để thảo luận.

Xin tạm chưa bàn đến nguyên nhân nào dẫn đến tình trang học thêm và dạy thêm như hiện nay. Đó là một tai họa.

Việc dạy thêm kéo theo việc học thêm. Không thể có dạy thêm nếu không có học thêm. Nhưng khi không có việc dạy thêm thì người ta vẫn có thể học thêm nhiều thứ, nhiu cách, có người hướng dẫn hoặc tự học.

Rất cần nghiêm khắc trong việc cấm dạy thêm vì phần nhiều việc này ẩn chứa tiêu cực, thậm chí vi phạm đạo lý. Trong khi đó lại cần khuyến khích việc phụ đạo riêng, giúp đỡ riêng cho những học sinh cần đến.

Học thêm có hai dạng chủ yếu. Một là vì yếu kém, chưa nắm được bài học chính khóa tại trường nên cần học lại để hiểu bài. Hai là học thêm những điều mới để mở mang trí tuệ, tăng khả năng. Như vậy thì không nên cấm học thêm. Cấm là cấm học trong các lớp dạy thêm. Việc cấm này là thừa khi đã cấm được việc dạy thêm.

. Cấm dạy thêm học thêm là nói gộp, Tách ra là cấm dạy thêm và cấm học thêm. Thế giới khi biết được ở Việt Nam cấm học thêm thì chắc họ ngạc nhiên lắm.

Dạy thêm và học thêm là hai khái niệm riêng biệt.Thế mà mấy chục năm nay người Việt quen ghép dạy thêm, học thêm thành một cụm từ vững chắc, thành một khái niệm không thể phân chia.Từ những vị lãnh đạo cao cấp đến Bộ trưởng, cán bộ quản lý giáo dục, xuống đến người dân thường đã rất vô tư khi  ghép dạy thêm và học thêm trong cùng một khái niệm. Dùng từ như thế chứng tỏ sự thiếu chặt chẽ, tạo thói quen hồ đồ. Mong rằng Bộ Giáo dục, lãnh đạo cấp cao, thông tin đại chúng nhận ra điều này và sửa đổi cách dùng để không những bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, mà còn không làm hỏng tư duy của người Việt.

 

VIII -  Phản biện về làm và thi hành luật

 (Nhân Quốc hội họp và thông qua nhiều luật vào kỳ họp năm 2014)

 

Từ khi mở cửa, hội nhập và nói đến nhà nước pháp quyền, chúng ta gặp một số khó khăn là thiếuluật. Từ đó một nhiệm vụ quan trọng của mỗi kỳ họp Quốc hội là thảo luận và thông qua nhiều đạo luật. Được biết kỳ họp lần này sẽ thông qua khá nhiều. Khi Quốc hội đã thông qua một luật nào đó thì Chủ tịch nước ký lệnh ban bố. Tôi chưa từng nghe nói đến việc Chủ tịch có xem lại toàn văn của luật và có khi nào yêu cầu bổ sung, sửa chữa gì hay không. Mỗi luật thường thường do ngành hoặc tổ chức sẽ thực hiện nó sau này soạn thảo và đệ trình (thí dụ Luật Giáo dục do Bộ Giáo dục, Luật Di sản do Bộ Văn hóa). Việc thảo luận và biểu quyết các điều khoản của luật là do toàn thể đại biểu Quốc hội mà trong đó có nhiều người không am hiểu sâu sắc các nội dung, không biết được những tình huống xẩy ra khi thực hiện. Có thể vì những lẽ đó mà có những điều thiếu chặt chẽ, không phù hợp. Một số luật vừa mới ban hành đã phải sửa đổi. Vừa qua tôi có quan tâm đến Luật Giáo dục đại học và thực sự không ngờ được đọc một văn bản có cách trình bày rất thiếu tính khoa học.

Trong hai việc làm luật và thi hành luật, nhiều nước cho là thi hành quan trọng hơn. Thế nhưng ở ta hình như là ngược lại. Quốc hội lo làm ra thật nhiều luật, sửa đổi luật, còn việc thi hành và kiểm tra việc thi hành thì hầu như cấp trên ít quan tâm. Chúng ta lại tạo ra và duy trì một thói quen không hay là để thi hành luật cần có Nghị định, có Thông tư hướng dẫn. Nếu chưa có Thông tư thì Luật chưa được thi hành.

Trong quá trình công tác trong lĩnh vực Giáo dục, Xây dựng và Trọng tài Quốc tế tôi có dịp tìm hiểu một số Luật, Nghị định, Thông tư có liên quan, phát hiện ra rằng phần lớn nội dung của Thông tư là nhắc lại nguyên văn của Nghị định, phần lớn nội dung Nghị định nhắc lại nguyên văn của Luật, chỉ có khác nhau về đề mục (thí dụ điều 15 của Luật được viết ở điều 2- 8 của Nghị định và viết lại ở điều 3-6 của Thông tư). Trong Nghị định và Thông tư có thêm một vài đoạn giải thích phạm vi và điều kiện áp dụng một số điều khoản nào đó của Luật. Chỉ có các đoạn đó là chưa có trong văn bản luật. Với đa số người có trình độ chuyên môn trung bình trở lên, khi đọc kỹ các điều luật là có thể hiểu đúng và vận dụng được (với điều kiện điều luật được trình bày chính xác, rõ ràng), không cần thông tư và nghị định giải thích bằng cách nhắc lại. Tôi nghĩ rằng khi làm luật phải tuân theo nguyên tắc cơ bản là các điều phải được viết rõ ràng, chỉ có thể hiểu theo một nghĩa nhất định (không thể mù mờ hoặc có thể hiểu theo các cách khác nhau, đến nỗi cần phải có giải thích và hướng dẫn thêm để tránh hiểu lầm và làm sai ý đồ của người soạn thảo). Khi ban hành luật cần ghi rõ: “Luật này được thi hành trực tiếp, không cần nghị định và thông tư”. Với những luật đặc biệt mà thấy cần phải có hướng dẫn một số điều nào đó mới thi hành được thì chỉ hạn chế sự giải thích trong các điều đó và phải công bố các giải thích ấy trước thời hạn luật bắt đầu có hiệu lực, phải được ghi rõ trong phụ lục hoặc chú thích của văn bản luật.

Thói quen phải có thông tư và nghị định giải thích thì luật mới được thi hành đã có từ rất sớm, nó gắn liền với sự lãnh đạo và quản lý xã hội của Đảng Cộng sản Việt nam. Nhiều nước không có thói quen ấy mà luật pháp của họ vẫn được thi hành rất tốt.

Thói quen trong quản lý xã hội cũng được hình thành như nhiều phong tục, tập quán trong các dân tộc hoặc vùng miền khác nhau. Phong tục, tập quán không phải tự trên trời ban xuống mà bắt đầu từ một người nào đó nghĩ ra và làm đầu tiên (hoặc chỉ đạo người khác làm). Khi việc làm đó là hay, là có lợi thì nhiều người sẽ làm theo, cũng có thể do người có quyền lực, có uy tín khuyến khích hoặc bắt người khác làm, lâu ngày sẽ thành thói quen, mở rộng ra thành phong tục, thành tập quán truyền từ đời này sang đời khác.

Thói quen trong Đảng Cộng sản VN “cấp dưới hoặc đảng viên làm việc gì phải được sự hướng dẫn của thượng cấp” đã hình thành rất sớm, rất phổ biến trong thời kỳ hoạt động bí mật. Có việc đó là do các cơ sở Đảng thường gồm các đảng viên công nông có giác ngộ cao, có tinh thần đấu tranh cách mạng nhưng lại thiếu tri thức và thông tin, họ gặp khó khăn và thậm chí không biết làm gì khi chưa nhận được những chỉ dẫn cụ thể. Các đảng viên như thế rất sợ làm sai ý của thượng cấp, cho rằng như vậy là vi phạm kỷ luật Đảng. Việc cần có hướng dẫn, trông chờ hướng dẫn, không dám tự mình suy nghĩ và quyết định đã trở thành thói quen trong các tổ chức đảng sau này. Ngay gần đây tổng bí thư phải ra hướng dẫn 19 điều đảng viên không được làm cũng phần nào thể hiện thói quen nói trên (mà trong đó có một số điều thiếu chặt chẽ, vô lý)

Thói quen trông chờ hướng dẫn của thượng cấp mới biết làm như thế nào đã trở thành căn bệnh từ trong gen, trong máu của tổ chức Đảng Cộng sản, nó phát tán và lây lan trong xã hội, trở thành phong tục, tập quán của các cơ quan, của những người thi hành luật pháp. Cũng như nhiều thói quen khác, thói quen này rất khó thay đổi.

Thói quen phải trông chờ Thông tư, Nghị định mới thi hành Luật phát triển đến mức người ta xem Thông tư quan trọng hơn Luật. Đó là một thói quen xấu, gây ra nhiều lãng phí và trở ngại, cần phải được bãi bỏ. Để làm điều đó cần nâng cao trình độ và trách nhiệm của người soạn thảo cũng như của người thông qua luật, để cho mỗi điều luật đều chính xác, rõ ràng như đã nêu trên đây và trong điều khoản thi hành cần ghi rõ  “không cần nghị định và thông tư giải thích”. (Trong các đề thi vào đại học tôi thường gặp câu chú thích: Giám thị không được

 


IXPhản biện về lương hưu

(Thư ngỏ gửi Quốc hội - kỳ họp 2014 )


Nhân dịp Quốc hội thảo luận về sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội tôi xin có vài ý kiến về việc trả lương hưu. Về việc này nên nhìn từ ba phía: Người nhận, người trả và sự công bằng xã hội.

Đa số người nhận mà có lương thấp, cuộc sống khó khăn thì mong ước được tăng càng nhiều càng hay, kéo dài thời gian được nhận càng lâu càng tốt.

Đối với người trả thì mong có được thật nhiều tiền để trả theo nguyện vọng của người nhận, nhưng thực tế số tiền bị hạn chế vì phụ thuộc vào nguồn thu, vì vậy sẽ là tốt khi giảm được số tiền phải trả (tôi nghe nói quĩ BHXH đang bị khủng hoảng thiếu).

Về công bằng xã hội, nếu hiểu lương hưu là một phần lương mà người lao động để lại, sẽ được nhận sau khi nghỉ việc (chứ không phải là một loại trợ cấp xã hội) thì tổng số mà người đó nhận được phải tỷ lệ với tổng tiền lương mà họ đã nhận, tức cũng là tỷ lệ với thời gian đóng bảo hiểm, hoặc tỷ lệ với công sức đã đóng góp. Xét như vậy thấy rằng cách trả lương hưu như ở ta và nhiều nước vẫn thực hiện (trả từ khi nghỉ việc cho đến khi chết) là không công bằng. Xin xét 2 trường hợp sau:

Người A bắt đầu làm lúc 22 tuổi. Làm việc tích cực, có nhiều công trạng, được yêu cầu kéo dài, đến 65 tuổi mới nghỉ hưu. A đã chết sau khi nhận số hưu chỉ vài tháng. Tổng số lương hưu mà A nhận được là không đáng kể so với công sức và kết quả công việc.(không khéo nếu A chết trước khi nghỉ hưu thì gia đình còn nhận được quyền lợi nhiều hơn).

Người B, bắt đầu công việc năm 24 tuổi, đến năm 47 tuổi đã có đủ số năm đóng bảo hiểm cần thiết và theo một chính sách ưu tiên nào đó (phục vụ trong lực lượng vũ trang ở nơi khó khăn chẳng hạn), được về hưu. B sống tới gần trăm tuổi (thực tế có thể trên một trăm), số năm được hưởng lương hưu trên 50, quá gấp đôi thời gian làm việc.

Kể ra không thể nào có được công bằng tuyệt đối mà chỉ là tương đối có thể chấp nhận, nhưng so sánh hai trường hợp trên thì thấy quá bất công.

Tôi xin đề nghị phải căn cứ vào thời gian thực tế làm việc có đóng bảo hiểm để quyết định thời gian trả lương hưu. Chỉ trả trong thời gian tối đa bằng thời gian có đóng bảo hiếm. Như vậy đối với trường hợp B chỉ trả lương hưu tối đa trong: 47-24 = 23 nămđến năm 47+23= 70 tuổi ).

Sẽ có người hỏi, thế từ năm 70 tuổi trở đi B sống bằng gì, tính chất bảo hiểm và nhân đạo ở đâu. Xin thưa: đa số B khi về hưu vẫn còn sức khỏe, vẫn tiếp tục làm việc và có thu nhập thêm, đến lúc đã hết tuổi nhận lương hưu mà vẫn còn sống thì đã có tiền để dành từ trước. Đối với một số B nào đó, sau khi hết thời gian nhận lương hưu mà cuộc sống gặp khó khăn thì dùng quĩ trợ cấp xã hội để giúp đỡ. Nhưng từ lúc đó trở đi thì B phải xin và nhận trợ cấp chứ không phải có quyền đương nhiên nhận lương.

Đối với người như A thì sao?. Bảo hiểm xã hội cần tính tổng số lương hưu tối đa mà người đó có thể được nhận, rồi trả cho gia đình họ một lượng tối thiếu bằng một phần nào đó của số trên. Đối với những người chết trước khi nhận quyết định nghỉ hưu cũng nên dùng cách tính như vậy.

Tôi biết chúng ta đã có thói quen nhận và trả lương hưu từ lúc bắt đầu nghỉ cho đến lúc chết. Sự sửa đối như đề nghị sẽ mang lại quyền lợi cho những người như A và mang lại một chút thiệt thòi cho loại B, sẽ bị họ phản đối. Nhưng nghĩ về sự công bằng nên có, tôi mạnh dạn đề nghị Quốc hội xem xét và thảo luận đề nghị trên đây.


 

X- Phản biện ý kiến ông Phùng Hữu Phú

(tháng 6 năm 2020)


Ông Phú, sinh năm 1948, là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung ương Đảng, là Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương.  Như vậy mọi suy nghĩ, mọi phát biểu của ông có tính quan trọng đều phải chặt chẽ, chính xác, khoa học. Thế nhưng ngày 10 tháng 6 năm 2020, trong Báo cáo về những điểm mới trong Dự tháo văn kiện trình ĐH 13 của ĐCSVN ông Phú đã đưa ra một  đoạn kết luận mà nội dung chủ yếu là phải kiên trì Mác Lê vì không như thế tức là không thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng, và rồi khi mở rộng dân chủ thì các đảng phái sẽ mọc lên như nấm và quốc gia sẽ bước vào thời kỳ thập nhị sứ quân, rối loạn

Ý trên mang tính lừa dối, ngụy biện để hù dọa những người kém lý luận, nhẹ dạ cả tin. Dựa vào đâu, lý luận nào, thực tế nào mà viết “Các đảng phái sẽ mọc lên như nấm”. Đúng là khi quyền Dân chủ được thiết lập, Luật tự do lập Hội được ban bố thì có thể xuất hiện một vài đảng chính trị có quan điểm khác với Mác Lê và có lực lượng. Chỉ những đảng chính trị lớn mới có tác dụng đối lập với ĐCS. Hỏi rẳng ở đâu ra mà các đảng phái mọc lên như nấm. Đây là kiểu bịa đặt để làm rối loạn suy nghĩ của người khác. Ừ thì tạm chấp nhận có nhiều đảng được lập, nhưng cho rằng “quốc gia sẽ bước vào thời kỳ thập nhị sứ quân, rối loạn là một khẳng định thiếu cơ sở khoa học, chứa đựng mưu toan dối trá, nguy hiểm, thể hiện một đầu óc quá kém về suy luận. Cùng lắm đó chỉ có thể là một dự báo với xác suất nhỏ. Đầu óc kém suy luận vì đã bị nhồi sọ, bị quan điểm đấu tranh giai cấp, cách mạng bạo lực làm cho xơ cứng mà không nhận ra rằng sự hoạt động cơ bản của các đảng phái chính trị là đấu tranh ôn hòa, chủ yếu là vận động trong bầu cử. Một số người trong hoạt động đấu tranh bằng bạo lực đã quen với ám sát, khủng bố nên cứ nghĩ mọi đảng chính trị đều thích làm như vậy. Xin những người nhẹ dạ hãy suy nghĩ kỹ, chớ vội tin vào lập luận ngụy khoa học, rất nguy hiểm như kiểu của ông Phú

 


 

XI - Phản biệný kiến ông Trần Quốc Vượng

(tháng 3 năm 2020)


Vừa qua, tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư khẳng định vấn đề thành hay bại chính là nằm ở công tác cán bộ cho cấp ủy các cấp nhiệm kỳ tới. Ông nói rằng: “Sự sụp đổ của Thành trì XHCN có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản là nguyên nhân công tác cán bộ….chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta."

Phát biểu của ông Vượng phạm phải nhầm lẫn về triết học, tuy vậy được nhiều báo tường thuật và ca ngợi. Gần đây, trong bài “Sức mạnh của chúng ta là dám đối mặt với sự thật (Viet-Studies ngày 13/3/2020 ), Nguyễn Trung  có nhắc lại ý trên của ông Vượng nên tôi  viết vài lời phản biện về ba  ý.

Thứ nhất, ông Vượng cho rằng “Vấn đề thành hay bại chính là nằm ở công tác cán bộ”. Hình như ý của câu này được Stalin nói lần đầu tiên: “Cán bộ quyết định tất cả”, sau đó Hồ Chí Minh có nhắc lại, còn Nguyễn Phú Trọng cho rằng : Cán bộ là vấn đề quyết định, là then chốt của then chốt.. Phải chăng cứ Stalin và Hồ Chí Minh nói là chân lý tuyệt đối. Không phải, đó chỉ là một nhận xét có điều kiện khi một đảng cách mạng đang lãnh đạo phong trào và có đường lối đúng. Khi đảng đã trở thành thống trị, độc quyền, nắm giữ toàn bộ vận mệnh dân tộc, nắm chặt mọi tổ chức thì tình hình có khác. Lúc này tuy năng lực, phẩm chất cán bộ có tác động lớn đến công việc của đất nước, nhưng sự quyết định thành hay bại nằm ở đường lối của những cá nhân ở vị trí chóp bu. Đường lối đó chiếm giữphần lớnđiều kiện của sự thành bại, còn phẩm chất của cán bộ chỉ là quan trọng trong phần nhỏ còn lại.mà thôi. Nhìn thấy sự quan trọng của công tác cán bộ là đúng, nhưng không nhìn thấy vấn đề khác quan trọng hơn thì dễ bị lệch lạc, chưa có tầm nhìn.

Thứ hai, nguyên nhân sụp đổ của thành trì XHCN có nhiều, có gần, có xa, có chính, có phụ. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì “phẩm chất cán bộ” là một trong những nguyên nhân phụ còn nguyên nhân chính nằm ở bản chất của chủ thuyết với đấu tranh giai cấp, vô sản chuyên chính, độc tài đảng trị, kinh tế nhà nước. Khi nhận định vừa rồi là đúng thì ông Vượng đã lấy phụ làm chính, phạm lỗi ngụy biện đánh tráo. Nếu chủ thuyết là đúng, đường lối là sáng suốt, tổ chức vững mạnh thì từ đâu sinh ra một số rất đông cán bộ làm sụp đổ chế độ.

Thứ ba, cho rằng “Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta”. Nghe qua thì thấy có lý, nhưng sai về bản chất. Có việc tự phê bình, tự đấu tranh bản thân, tự ta thắng ta (để trở nên tốt hơn). Tự ta lật đổ ta nghe không hợp lý, không thuận, cũng như có ý cho rằng chống tham nhũng là ta chống ta. Phải chăng là nếu ta không làm tốt thì sẽ tạo tiền đề, tạo cơ hội để ta bị lật đổ, Ở đây có sự lẫn lộn của hai khái niệm ‘ta’. Có Ta làm lật đổ và ta bị lật đổ, có ta tham nhũng và Ta chống tham nhũng. Ta và ta ấy cùng ở trong đảng nhưng không đồng nhất. Có nhận xét rằng ĐCS không thể bị thế lực bên ngoài làm sụp đổ mà bị lực lượng từ bên trong. Nếu gọi những kẻ không làm tốt để bị lật đổ là ta, thì những người lật đổ không phải là ta nữa. Họ là một lực lượng khác, về hình thức họ đang ở trong đảng, nhưng thực chất họ chống đối lại những người làm không tốt, chống lại những việc không tốt. Nếu làm không tốt là ta thì lật đỏ nó không còn là ta nữa mà là một Ta khác.

Vì vây,để chinh xác hơn nên thay “Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta." bằng câu “Ta không làm tốt thì ta sẽ tự sụp đổ” hoặc câu “Ta không làm tốt thì tự tạo điều kiện để bị người khác trong cùng tổ chức lật đổ.


 

XII- Về học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh


Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác (tháng 5- 2014), tôi muốn trình bày một vài ý kiến phản biện về việc tổ chức học tập tư tưởng và đạo đức của Bác. Đây là một phong trào rất rộng lớn, tiêu tốn nhiều thời gian, sức lực và tiền của nhưng kết quả và hiệu quả đều thấp vì có một số việc làm chệch hướng.

Tư tưởng và đạo đức của Bác là sáng chói và cao đẹp, thể hiện ra rất nhiều mặt, trong văn kiện, trong lời nói, trong việc làm, trong suốt cả cuộc đời, và có lẽ tập trung nhất vào bốn văn kiện: 1- Luận cương và điều lệ Đảng Cộng sản Việt nam (lúc mới thành lập, tháng 2 năm 1930) 2-Tuyên ngôn độc lập 1945 (kèm theo là Hiến pháp năm 1946), 3- Sách Sửa đổi lề lối làm việc, 4- Di chúc.

Như vậy việc học tâp tư tưởng và đạo đức của Bác là rất cần, rất tôt, nhưng phải nghiên cứu , tổ chức học như tthế nàocho thiết thực,cho đạt hiệu quả cao, còn nếu chỉ tổ chức học một cách qua loa, hình thức, học cho qua chuyện, để báo cáo thành tích thì không nên.

Trước hết hãy bàn về học tập tư tưởng. Tư tưởng của Bác là của một lãnh tụ chính trị, của một người sáng lập ra đảng và nhà nước. Học tập tư tưởng của Bác là để lãnh đạo và quản lý đất nước. Vậy việc học tập này chủ yếu là nhiệm vụ của Tổng bí thư, của Chủ tịch nước, của các ủy viên Bộ chính trị và trung ương đảng, của các quan chức cao cấp. Thế mà rất ít được nghe các vị đó đã học như thế nào. Tôi đoán là các vị đó cho rằng học tư tưởng Hồ Chí Minh là việc của công nông, của cán bộ cấp dưới, chứ họ không cần học, trái lại họ được quyền đi dạy cho người khác. (mà lại dạy theo quan điểm của họ, có lợi cho họ). Rất có thẻ họ đã được học trong trường đảng cao cấp, nhưng thỉnh thoảng phải ôn lại, phải làm gương cho cấp dưới. Nếu trong các trường đảng đã học rất kỹ tư tưởng Hồ Chí Minh thì trong nghị quyết về học tập nên ghi rõ việc miễn học cho những người đã học trong trường đảng.

Tư tưởng của Bác chủ yếu là độc lập, thống nhất đất nước, là chế độ dân chủ, mang lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân., là đại đoàn kết toàn dân. Trong tất cả bốn tài liệu đã nêu hầu như Bác không nhắc tới việc lấy chủ nghĩa Mác Lênin làm kim chỉ nam, không nhắc tới việc xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.

Luận cương năm 1930 của Bác chủ yếu là đoàn kết dân tộc để đánh đuổi thực dân xâm lược. Luận cương đó bị Quốc tế cộng sản phản bác (họ cho là nó thiên về dân tộc, nhẹ về giai cấp), đã bị Trần Phú phê phán và loại bỏ vào tháng 10- 1930, thay bằng luận cương mới, trong đó có một câu nổi tiếng mà ngày nay đã bị xóa khỏi văn bản là: trí, phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rễ, Trần Phú đổi tên đảng Cộng sản Việt nam thành đảng Cộng sản Đông dương. Bác đã lập ra nhà nước dân chủ cộng hòa và đảng Lao động Việt nam thì chỉ ít lâu sau khi Bác mất người ta đã xóa bỏ tên nước và tên đảng để đặt ra tên khác (Có dư luận cho rằng làm như thế là người ta muốn xóa bỏ những kỷ niệm một thời gắn với tên Hồ Chí Minh).

Bác bắt đầu viết di chúc vào năm 1965, đã sửa chữa nhiều lần. Di chúc là thiêng liêng nhưng Bác vừa nhắm mắt thì người ta mang ra để gạch xóa những câu, những chữ không vừa ý họ. Tuy vậy họ không dám chữa nhiều nên Di chúc vẫn còn giữ được tư tưởng của Bác. đoạn mở đầu, trong phần việc riêng cũng như trong toàn bộ Di chúc Bác chỉ nhấn mạnh việc phục vụ cách mang, Tổ quốc, nhân dân, không đả động đến việc phục vụ đảng, phục vụ lý tưởng cộng sản, phục vụ chủ nghĩa Mác Lê nin. Bác mong ước xây dựng Việt nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh mà không nhắc tới việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Đối với đoàn viên thanh niên Bác nhấn mạnh phải dạy đạo đức, không nhắc gì đến việc phải dạy chủ nghĩa Mác Lê nin. Vể Đảng, Bác viết “Nhờ đoàn kết, một lòng phục vụ giai cấp, nhân dân, Tổ quốc…”, không viết nhờ chủ nghĩa Mác Lê nin.

Năm 1922, tại Pháp Bác đọc luận cương của Lê Nin, thấy rằng Lê Nin ủng hộ phong trào giải phóng thuộc địa và vạch ra con đường cách mạng. Bác cho là đã tìm được đường cứu nước. Từ đó chủ nghĩa Mác Lê Nin được nhập vào VN, đảng Cộng sản được thành lập. Cách mạng thành công, nước nhà đã thoát khỏi chiến tranh, lập lại hòa bình, có được độc lập thống nhất. Vậy nhờ vào cái gì là chủ yếu mà nhân dân ta có được các kết quả như vừa nêu. Câu trả lời được nhiều người chấp nhận là 1- Nhờ vào nhân dân; 2- Nhờ sự lãnh đạo đúng đắn; 3- Nhờ sự ủng hộ của bè bạn.

Có một số người vì vô minh, vì quá tôn sùng Mác nên còn cho rằng điều quan trọng nhất là nhờ vào chủ nghĩa Mác Lê Nin. Đó là một nhầm lẫn tai hại rất khó nhận ra, rất khó phân tích nếu vẫn cố giữ các tín điều đã lỗi thời, vẫn chưa đủ trí sáng suốt để xét đoán.Có nhầm lẫn ấy là do suy luận sau: Bác Hồ (và những người khác như Võ Đại tướng, Phạm văn Đồng…) đã lãnh đạo dân tộc. Bác đã lập ra đảng Cộng sản, mà đảng theo Chủ nghĩa Mác Lê Nin. Vậy rõ ràng là nhờ Mác Lê Nin mà Bác lãnh đạo nhân dân được thắng lợi. Tôi đoán là có lẽ đến cuối đời Bác đã nhận ra một điều gì đó về chủ nghĩa Mác nên trong Di chúc Bác không hề ca ngợi và căn dặn phải học tập chủ nghĩa đó (chỉ có khi viết về sự bất hòa của các đảng Cộng sản thì Bác có mong muốn khôi phục sự đoàn kết của các đảng trên nền tảng chủ nghĩa Mác Lê Nin. Nhưng sự mong muốn này đã tan biến). Sự nhầm lẫn là do đánh tráo khái niệm, do che khuất cái chính yếu, lấy phụ thay chính.

Nói nhờ nhân dân, chính là nhờ lòng yêu nước, nhờ sự hy sinh vô bờ bến chứ không phải nhờ dân giác ngộ chủ nghĩa Mác. Khi người chiến sỹ tấn công vào Điện Biên Phủ hoặc vượt sông Thạch Hãn, tất cả đều vì lòng yêu nước, lòng căm thù giặc, đã có mấy ai trong số họ vì Mác Lê Nin.

Nói nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Bác và nhiều người khác (trong đó có một số ngoài đảng như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Nguyễn Văn Huyên, Phan Anh, Nguyễn Xiển v.v… ) thì sự đúng đắn, sự tài tình ấy chủ yếu cũng là do lòng yêu nước, do tiếp thu tinh hoa của dân tộc chứ chủ nghĩa Mác chỉ là cái vỏ bề ngoài. Đem cái vỏ ấy để làm lu mờ bản chất tinh thần dân tộc là một sự tráo trở  do vô tình hoặc cố ý.

Nói nhờ sự ủng hộ của bè bạn thì chủ yếu là sự ủng hộ, sự giúp đỡ cuộc đấu tranh chính nghĩa của một dân tộc, chứ không phải là vì chủ nghĩa Mác Lê Nin.

Tại sao đảng theo chủ nghĩa Mác Lê Nin để lãnh đạo mà lại dám bảo là không nhờ gì vào nó. Hãy phân tích cái cơ bản, cái cốt lõi của chủ nghĩa Mác là gì. Là triết học duy vật, là đấu tranh giai cấp, là vô sản toàn thế giới liên hiệp lại, là chuyên chính vô sản, là công hữu hóa tư liệu sản xuất, là chính quyên xô viết v.v... (Mác rất ít bàn về giải phóng thuộc địa, Lê Nin có nói đến nhưng chỉ qua loa). Đảng lãnh đạo có phải chỉ dựa vào một mình CN Mác đâu. Chủ yếu là dựa vào trí tuệ sáng suốt, dựa vào lòng yêu nước kết tinh từ truyền thống dân tộc. Hơn nữa cứ mỗi lần đảng tìm cách vận dụng CN Mác vào cuộc sống là một lần thất bại. Vể đấu tranh giai cấp thì rõ nhất là  xô viết Nhệ an, cải cách ruộng đất và cải tạo tư sản. Về công hữu hóa thì rõ nhất là hợp tác xã nông nghiệp, các tập đoàn kinh tế nhà nước. Về chuyên chính vô sản thì rõ nhất là tệ độc quyền dẫn tới tham nhũng tràn lan. Về triết học duy vật thì rõ nhất là sự báng bổ thần thánh, làm suy đồi đạo đức.

Tôi đoán rằng có lẽ ban đầu Bác thấy phải lập đảng cộng sản theo Mác để làm cách mạng giải phóng dân tộc là con đường đúng đắn duy nhất, nhưng càng theo Mác, Bác càng nhận ra một số nhược điểm nên Bác đã đổi tên đảng là Lao động và trong Di chúc Bác tránh nói đến Xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa, tránh nói đến việc học tập chủ nghĩa Mác Lê và xem nó như kim chỉ nam. Tôi nghĩ việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh nên bắt đầu bằng việc phân tích sâu sắc bản Di chúc của Bác.

Có một số người vì hiểu nhầm, cho rằng chủ nghĩa Mác Lê  là hoàn toàn đúng đắn, là hay nhất, là tốt nhất trong mọi thời đại nên cố tình gắn tư tưởng Hồ Chí Minh vào với chủ nghĩa, tưởng như thế là làm vẻ vang thêm cho tư tưởng. Tôi lại cho rằng làm thế là đã hạ thấp vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh và đã đề nghị tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh khỏi chủ nghĩa Mác. Đề Học tâp tư tưởng của Bác cần phân tích từng chữ, từng ý trong Di chúc để hiều thật đúng ý của Bác, tránh nghe người khác tuyên truyền một chiều.


 

XIII – Phản biện phong trào thi đua và ý kiến ông Trần Đại Quang(tháng 6 năm 2018)


1-Tình hình chung

Cứ vài năm một lần, khắp nơi tưng bừng mở Đại hội thi đua khen thưởng các ngành các cấp để tiến tới Đại hội thi đua toàn quốc. Trong các đại hội như vậy rất nhiều báo cáo thành tích xuất sắc được trình bày, nhiều danh hiệu Anh hùng, Chiến sỹ thi đua, nhiều huân chương cao quý được ban tặng. Có vẻ như là những ngày hội lớn của các ngành và của dân tộc. Chưa thấy số liệu thống kê nào cho biết số công sức, số tiền ngân sách bỏ ra để tuyên truyền, chuẩn bị và tổ chức các đại hội, để chi cho các đại biểu và quan chức có liên quan. Chỉ có thể đoán rằng cũng phải đến nhiều ngàn tỷ.

 Khi chỉ nghe sự tuyên truyền một chiều, chỉ dựa vào báo cáo và gương sáng được trình bày thì mọi người sẽ choáng ngợp vì thành tich vô cùng to lớn, vì kết quả rất cao do thi đua mang lại, vì sự sáng suốt của lãnh đạo các cấp, các ngành. Nếu kết hợp thêm các huy chương đủ loại do các thí sinh của VN đạt được trong các cuộc thi quốc tế dành cho học sinh và thợ kỹ thuật bậc cao thì thế giới phải trầm trồ ca ngợi sự thông minh, tài giỏi của dân Việt, và hình dung ra một đất nước đang phát triển ở tầm cao. Thế nhưng nếu dám nhìn thẳng vào sự thật thì không khó khăn gì để thấy một đất nước có năng suất lao động vào loại thấp nhất khu vực và thế giới, một dân tộc có nền đạo đức và giáo dục đang xuống cấp nghiêm trọng, một xã hội đang chứa đựng nhiều tệ nạn độc hại. Những người quen suy nghĩ hời hợt, cả tin không thể nào giải thích được thật đúng nguyên nhân cơ bản tạo ra điều mâu thuẩn to lớn ở trên, họ quy kết vòng vo chỗ này, chỗ nọ. Trước đây người ta quy cho “ tàn dư của phong kiến, thực dân, đế quốc”, ngày nay đổ tội cho “ nhóm lợi ích và sự thoái hóa biến chất của cán bộ”. Thật ra phần lớn là do tuyên truyền dối trá, ngụy biện, chỉ nêu ra một phần của sự thật, phần lấp lánh, rồi tô son điểm phấn vào mà cố tình che giấu đi một phần khác của sự thật, đó là phần xám xịt.

2-Bàn về thi đua

 Xét về thi đua, tại sao theo báo cáo và tuyên truyền thì phong trào thi đua yêu nước mang lại nhiều thành tích tốt đẹp mà xã hội vẫn cứ xuống cấp. Tôi đã để tâm tìm hiểu và rút ra kết luận xót xa: “Trong hoàn cảnh hiện nay thi đua mang lại lợi ít hại nhiều, hiệu quả thấp”.

Phong trào thi đua được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động vào tháng 6 năm 1948, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Người phát động thi đua với mục tiêu: Diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Khẩu hiệu của thi đua là: Làm cho nhanh, cho tốt, cho nhiều. Phương châm là: Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua. Biện pháp thi đua là lấy sự động viên tinh thần kết hợp sự bình bầu, khen thưởng.

Năm 2003 Chủ tịch nước ban hành Luật Thi đua, Khen thưởng (Luật số 15/2003/QH 11 ). Năm 2005 và năm 2009 Luật được điều chỉnh. Năm 2013 Luật lại được bổ sung, sửa đổi.  Luật ghi rõ : Thi đua là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện của cá nhân, tập thể nhằm phấn đấu đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu của thi đua nhằm tạo động lực động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Như vậy từ phong trào thi đua nhằm diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm đã được Nhà nước nâng lên thành luật, mà đã là luật thì mọi người phải thi hành. Thi đua của Hồ Chí Minh và thi đua của nhà nước CH XHCN VN khác nhau rất lớn. Thi đua của Hồ Chí Minh dựa trên sự động viên tinh thần, mang lại sự phấn khởi cho toàn dân, thi đua của CHXHCNVN là một sự gán ghép, áp đặt, nhằm mang lại lợi ích cho một số ít công việc và một số ít người, trong khi mang lại sự khó chịu cho số đông, sự tha hóa của xã hội, góp phần làm tăng sự dối trá tạo thành tích dổm để được khen thưởng, ít nhất là khỏi bị mất điểm thi đua.

Trong nhiều công việc chúng ta thường chỉ chú ý đến kết quả mà không quan tâm đến hiệu quả, mà hiệu quả là chỉ tiêu quan trọng hơn, quyết định hơn đến sự phát triển hoặc tụt lùi. Khi mà hiệu quả là âm thì kết quả càng lớn kéo theo sự tụt lùi càng lớn, tội càng nặng. Trước đây có nhiều đơn vị đã từng được khen thưởng trong phong trào thi đua tăng gia sản xuất với kết quả thu hoạch được vài tạ sắn hoặc rau. Không ai quan tâm đến việc họ đã chi một số công sức và tài sản tính ra tiền có thể mua được gấp 2 đến 5 lần số sắn hoặc số rau ấy. Họ được khen khi làm việc với hiệu suất âm trên 200%, thế có đau xót không, có đáng tủi hổ không.

Chưa thấy có điều tra, khảo sát nào đánh giá hiệu quả của thi đua trong tình hình mấy chục năm gần đây. Trước đây tôi có đọc được một vài bài báo đề nghị xem xét lại việc tổ chức thi đua, nên bỏ thi đua trong một số ngành, đặc biệt trong ngành giáo dục, nhưng rồi các bài đó chỉ như vài hạt cát ném xuống ao bèo

Có nhiều lập luận cho rằng mặc dầu thi đua tạo nên những điều làm nhiều người không thích thú gì như tổ chức phát động, đăng ký chỉ tiêu, bình bầu danh hiệu, tổ chức xét duyệt, phần lớn chạy theo hình thức làm tốn công, tốn của, tốn thì giờ mà hiệu suất công việc thấp, lại thêm chuyện khó tránh là việc dối trá  được chấp nhận, được bao che, nhưng dù sao thi đua cũng làm cho một số người, một số đơn vị làm việc tốt hơn, đạt thành tích cao hơn, được tặng thưởng huân chương và danh hiệu cao quý, làm người ta phấn khởi hơn.

 Lập luận trên mới nói lên chỉ một phần sự thật, đã bỏ sót một phần sự thật khác quan trọng hơn, do đó đã rơi vào ngụy biện. Tôi xin nêu thí dụ. Trước đây, trong kháng chiến chín năm xe đạp thồ là một phương tiện vận tải rất tốt, hiệu quả cao, nhưng ngày nay với đường rộng, phương tiện cơ giớ có đủ thì chỉ nên đưa xe đạp thồ vào viện bảo tàng hoặc chỉ dùng nơi không có đường rộng. Nếu cho rằng xe đạp thồ dù sao cũng tăng năng suất, có hiệu quả hơn gánh bộ để mở rộng, để phát triển xe đạp thồ trên các đường rộng rãi mà coi nhẹ việc dùng cơ giới thì không điên cũng là ngu. Trước đây thi đua rất có tác dụng, được dùng có hiệu quả để động viên người ta làm tốt vì chưa có được điều kiện để dùng biện pháp tốt hơn trong cơ chế tạo động lực cho người làm việc, đó là trả công theo kết quả lao động.

Tôi đã hỏi một số người câu sau: Người ta cố gắng làm việc tốt để được một trong hai thứ, được bình bầu và khen thưởng thi đua; được trả công theo kết quả công việc. Bạn chọn cách nào.

Tuyệt đại đa số người tích cực, biết làm việc chăm chỉ chọn cách sau. Như vậy nếu thực hiện được việc trả công, trả lương theo kết quả lao động thì sẽ đạt hiệu quả cao hơn, tránh được chuyện tốn công tốn của để duy trì thi đua. Mà khi người ta quá quan tâm, quá đề cao thi đua thì rất dễ coi nhẹ, thậm chí bỏ qua việc xem xét trả công theo kết quả lao động. Trong các công ty tư nhân và nước ngoài người ta chủ yếu trả công theo kết quả công việc và chẳng cần gì thi đua, còn trong các tổ chức của nhà nước của Việt Nam việc trả lương theo kết quả lao động là rất khó vì đòi hỏi khả năng và trách nhiệm của người lãnh đạo và quản lý. Thôi thì Nhà nước cứ trả lương theo bằng cấp và chức vụ, vài ba năm lại tăng một bậc. Ai làm việc giỏi thì đã có tập thể bình bầu, được khen thưởng thi đua hoặc tăng lương trước hạn. Cách trả lương như thế có tác hại kìm hãm sự tiến bộ xã hội, nên sớm được thay đổi.

Thử hỏi, trong các nước có nền kinh tế và văn hóa hàng đầu thế giới người ta có tốn công sức để tổ chức và họp hành vì thi đua hay không, ở các nước ấy không có thi đua thì động lực phát triển là gì. Ở Việt Nam bây giờ thi đua chủ yếu chỉ mang lại lợi ích cho một số ít người, đó là những người sống bám vào thi đua, trong đó không ít người giàu lên được nhờ các cơ sở chạy huân chương và danh hiệu.

Nhiều người biết rõ “ thi đua lợi ít hại nhiều, tai hại rất lớn là phong trào thi đua trong các trường học, ở đó thành tích thi đua đã làm khổ thầy cô giáo và học sinh rất nhiều, vì thành tích dổm mà lừa dối lẫn nhau, phá hoại sự trong sáng của môi trường sư phạm. Trong một đơn vị hễ có một người phạm lỗi gì đó thì cả đơn vị mất điểm thi đua, việc này gây ra những căng thẳng và dối trá.

 Nhiều lãnh đạo cơ quan, địa phương biết rõ mặt trái của thi đua, nhưng tại sao đa số người, toàn bộ các cơ quan đoàn thể không dám từ bỏ.

Có ba loại người tích cực trong phong trào thi đua :

 Loại 1 là những người sống bám vào thi đua, hưởng lợi từ thi đua, họ đề cao thi đua, tuyên truyền cho thi đua, bắt ép mọi người thi đua.

Loại 2 vì nhẹ dạ, cả tin, tưởng nhầm thi đua mang lại lợi ích to lớn nên vui vẻ tham gia.

Loại 3 vì bị bắt buộc, họ không dám làm gì trái với sự chỉ đạo, trên cao bày ra thi đua thì trung gian bắt ép cấp dưới, thủ trưởng bắt ép nhân viên. Đây là loại phổ biến nhất.

Hy vọng rằng sẽ có nhiều phản biện vạch ra mặt trái của phong trào thi đua để toàn dân biết rằng việc mỗi cá nhân tự phấn đấu làm tốt công việc là rất cần, nhưng việc xét thành tích thi đua để bình bầu, xếp danh hiệu phải được bãi bỏ.

3-Bàn về khen thưởng

Không biết trên thế giới có còn nước nào tặng nhiều huân chương, nhiều danh hiệu anh hùng cho tập thể các địa phương, các đơn vị như ở ta hay không. Tôi biết khá đông người dân VN là thành viên đồng thời của nhiều đơn vị anh hùng, thế mà khi các vị ấy sang thế giới khác, trong điếu văn không ai nhắc đến điều đó.

 Riêng chuyện tặng thưởng huân chương, danh hiệu anh hùng, giải thưởng Hồ Chí Minh, từ trước đến nay thông tin đại chúng vẫn đưa tin là: “Đảng và Nhà nước trao tặng”, trong lúc tại các quyết định tặng thưởng các thứ ấy không thấy vai trò của Đảng ở đâu cả, chỉ thấy Chủ tịch nước căn cứ vào các luật và đề nghị của cấp dưới, không thấy căn cứ gì vào văn bản nào của Đảng. Tôi đã bỏ công tìm các văn bản liên quan, chỉ mới tìm thấy trong Luật Khen thưởng năm 2013, tại điều 83 có viết : ” … Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng các Ban của Đảng và tương đương ở trung ương, … xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ để đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng nhà nước”, danh hiệu vinh dự nhà nước”. Như vậy chỉ là có quyền “trình thủ tướng để đề nghị…” chứ không có quyền tặng thưởng những thứ đó. Điều 79 có viết “….Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng các Ban của Đảng và tương đương ở trung ương, ….  quyết định tặng bằng khen, cờ thi đua, danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng”, Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương”. Như vậy là chỉ được quyết định tặng bằng khen, cờ thi đua…mà thôi, không có quyền tặng huân chương, danh hiệu anh hùng. Tôi đem thắc mắc trao đổi với bạn bè thì bị mắng át đi: “ Ông chỉ hay vẽ chuyện. Đảng lãnh đạo toàn diện thì quyết định cả việc khen thưởng có sao đâu. Quyết định hoặc cho ý kiến bằng miệng cũng được, cần gì văn bản”. Tôi gửi thư điện tử đến VP TƯ Đảng nêu thắc mắc và hỏi xem có văn bản nào của Đảng liên quan đến việc trên hay không. Thư không được trả lời.

Tôi nghĩ, nếu quả thật Đảng có vai trò quyết định việc tặng thưởng huân chương, danh hiệu anh hùng v.v.. thì trong Quyết định của Chủ tịch nước nên ghi rõ cho thêm phần long trọng. Còn nếu không có việc đó thì thông tin đại chúng đưa Đảng vào trong câu « Đảng và Nhà nước tặng thưởng… » mà làm gì. Với những người nhẹ dạ cả tin thì nghe xong họ để ngoài tai, còn với những người hay suy nghĩ thì cho rằng thế là dối trá, nịnh hót. Không biết các cán bộ cấp cao của Đảng có biết chuyện này không, nếu biết sao không tìm cách uốn nắn, cải chính, hay là họ thích được tuyên truyền như vậy.

Việc khen thưởng cũng như cái huân chương, có hai mặt. Khi làm đúng thì khen thưởng có tác dụng động viên lớn, khi làm không đúng thì nó trở nên phản tác dụng. Thế nào là đúng và không đúng thì nhiều người biết rõ, xin phép không trình bày dài dòng. Tôi chỉ nhận xét là hiện nay ở ta việc khen thưởng mang tính tiêu cực nhiều hơn tích cực, mang lại sự động viên thì ít mà mang lại sự nhàm chán nhiều hơn.

Vừa qua tôi chứng kiến cảnh một số đông cán bộ một trường ĐH vui mừng vì trường không được nhận danh hiệu “Đơn vị anh hùng”. Trường này tự xét có nhiều thành tích ngang bằng, thậm chí một số mặt còn hơn các trường bạn đã được “ Anh hùng”. Cán bộ trong trường chia ra ba phái, phái A mong muốn lãnh đạo chạy bằng được danh hiệu bằng bất cứ giá nào, phái B yêu cầu lãnh đạo làm hồ sơ nghiêm chỉnh, đúng yêu cầu, đầy đủ thủ tục để trên xét chứ không bỏ tiền ra để chạy, phái C không quan tâm. Kết quả không được «Anh Hùng» làm cho phái A mất vui, trách lãnh đạo không chịu chạy, không biết chạy, phái B, đông hơn lại vui mừng vì đã không mất một số tiền lớn cho danh vị hảo huyền.

Tôi đọc được trong một tài liệu cổ có đoạn: “ Một đất nước khen thưởng nhiều quá chứng tỏ đang bị khủng hoảng vì trì trệ”. Thử xét hai đơn vị. Ở đơn vị N mọi người làm việc tốt vì tự bản thân họ hiểu đó là lương tâm, là trách nhiệm, là vinh dự và được trả công theo kết quả công việc. Ở đơn vị M mọi người chỉ làm tốt khi có phát động thi đua và hứa hẹn khen thưởng. Nếu được tự do, bạn chọn làm ở đâu.

Trước đây trên 30 năm, trong nhân dân lan truyền bài ca 10 loạn, bắt đầu bằng: ” Thứ nhất là loạn Quốc ca. Thứ nhì loạn giá, thứ ba loạn tiền…..Thứ chín là loạn huân chương. Thứ mười là loạn tuyên dương anh hùng”. Đến nay một số loạn dịu bớt, một số tăng thêm, riêng loạn huân chương và anh hùng vẫn giữ nguyên

4– Phản biện ý kiến ông Trần Đại Quang

Ngày 11-6-2018, kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào thi đua, ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang có bài: “Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực mạnh mẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc". Tôi đoán rằng qua việc này ông Quang  muốn chứng tỏ trình độ nhận thức cao và phẩm chất tinh hoa của mình. Nhưng tiếc thay, tôi chưa nhận ra được điều đó.

Tôi không tán thành với ông Trần Đại Quang trong một số nhận định về thi đua thời gian vừa qua, như cho rằng sự hy sinh của nhiều liệt sĩ (10 cô gái Đồng Lộc, 12  chiến sĩ Truông Bồn,  Bế văn Đàn, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi v.v…) là điển hình tiêu biểu  của thi đua, hoặc như cho rằng nhờ thi đua mà có được sáng tạo của một số cá nhân, mà cứu sống được 12 công nhân trong sự cố đường hầm thủy điện Đa Dâng v.v….

 Sự hy sinh của các liệt sĩ là đáng tôn trọng, nhưng đó không phải là mục tiêu của thi đua. Sự lao động sáng tạo của một số cá nhân là do thôi thúc của nội tâm chứ cơ bản không phải do tinh thần thi đua, sự cứu sống 12 công nhân bị nạn cũng không phải do phong trào thi đua. Còn một vài điểm nữa tôi không tán thành, nhưng tạm cho qua. Viết bài này tôi không muốn phê phán gì ông Trần Đại Quang, chỉ nhân sự việc mà trình bày vài quan điểm về thi đua, một phong trào đã từng tạo ra nhiều thành tích rực rỡ trong quá khứ, nhưng ngày nay không còn thích hợp nữa, nó mang lại lợi ít hại nhiều.  Ở thế kỷ 21 mà vẫn đinh ninh rằng “thi đua yêu nước là động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người” là một nhầm lẫn đáng thương, đáng buồn, đáng chê trách.

Thi đua nhằm động viên tinh thần, vậy phải chăng có thi đua sẽ tốt hơn không thi đua. Mới nghe qua tưởng như vậy, nhưng nghĩ kỹ ra và thực tế chứng tỏ không phải vậy. Vì sao? Trước hết hãy nhìn vào các nước tiên tiến trên thế giới. Tại sao những nước tiên tiến, có công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất cao, có đạo đức, văn hóa, giáo dục rất cao mà  chẳng cần gì đến thi đua. Vậy họ dựa vào động lực gì để làm tốt công việc. Riêng tại VN, theo tổng kết và báo cáo thì nhờ thi đua mà đạt được nhiều thành tích rực rỡ. Điều này là đúng trong thời kỳ trước đây (1948-1975), còn hiện nay, liệu có thật đúng như thế không khi rất khó tin vào sự trung thực của các báo cáo, khi có sự trộn lẫn giữa hình thức của phong trào thi đua và thực chất của những động lực và biện pháp khác. Lấy thí dụ, ông Phan Tấn Bện ở tỉnh Đồng Tháp đã chế tạo thành công máy gặt đập liên hợp và xe thu gom lúa. Thành công này có bao nhiêu phần trăm do phong trào thi đua. Tôi nghĩ chẳng có phần trăm nào. Ông Bện chế tạo được máy chủ yếu là do tinh thần say mê khoa học kỹ thuật, tinh thần đó không phải nhờ thi đua đem lại mà là từ trong phẩm chất của ông. Thế nhưng thành tích đó được đem báo cáo ở hội nghị thi đua, vì vậy người ta tưởng nhầm. Tôi vẫn cho rằng, ở VN hiện nay phong trào thi đua mang lại lợi ít, hại nhiều.

Khi so sánh giữa có thi đua và không thi đua cần phải đặc biệt chú ý 2 vấn đề: 1- Khi không thi đua thì cứ để mọi người tự động, tự giác làm việc cuả họ. Khi có thi đua thì phải lập ra ban này, bệ nọ để theo dõi, báo cáo, xét duyệt, phải phát động, bình bầu, tổ chức hội nghị v.v…, tốn kém thêm khá nhiều công sức, thời gian tiền của. 2- Những người thi đua có thể  đạt được một số thành tích nào đó. Cũng vẫn những con người ấy, nếu họ không tham gia phong trào thi đua, liệu họ có làm được việc gì không. Những người thi đua có động lực làm tốt công việc, vậy những người không thi đua có động lực nào khác để họ làm tốt công việc hơn không. Phải chăng những người không thi đua đều là loại người lười nhác. Câu khẩu hiệu “ Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua “ phải chăng là một sự áp đặt rất vô lý.

Một xã hội, khi mọi người hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mình, tự động, tự giác làm công  việc, xã hội đó đạt được sự phát triển tổt đẹp. Nếu các thành viên của tổ chức, của xã hội phải chờ được động viên, được khen thưởng mới có tinh thần làm việc tốt th́ xă hội đó đang trên đường lụn bại. Thi đua có hậu quả xấu là làm cho con người quen được động viên và trông chờ khen thưởng. Khi người ta đã quá quen với thi đua, tôn sùng thi đua thì dễ bị lơ là với những động lực khác có tác dụng và hiệu quả cao hơn.

Tuy phong trào thi đua không còn thích hợp, nhưng tại sao nó vẫn được một số đông người đề cao ?. Có thể vỉ 3 nguyên nhân sau.

Nguyên nhân1- Vì lợi ích nhóm. Đối với toàn xã hội thì thi đua lợi ít hại nhiều, nhưng đối với một số người nào đó thì thi đua mang lại cho họ nhiều lợi lộc cá nhân. Họ cố gian dối để duy trì. Đó là các Ban thi đua và những người có liên quan, đó là bọn sống vì thành tích dổm và quen dối trá.

Nguyên nhân 2- Vì sự kém hiểu biết và bị lừa. Một số cứ tưởng nhầm rằng thi đua thật sự có tác dụng tốt, họ nhẹ dạ, cả tin vào những báo cáo tổng kết đầy thành tích.

Nguyên nhân 3- Vì sợ. Họ biết rõ thi đua chỉ là hình thức, là lợi ít, hại nhiều nhưng không dám phê phán, không dám loại bỏ vì như thế là đụng đến lãnh tụ, đụng đến sự lãnh đạo, họ đã quen sống  theo chỉ đạo của cấp trên.

Có một số người sùng bái thi đua, họ thấy một thành tích tốt đẹp bất kỳ của ai cũng đều có thể quy về thành quả của thi đua, thậm chí những giải thưởng lớn về khoa học và nghệ thuật trên thế giới cũng là nhờ thi đua. Ở đây có một nhầm lẫn như sau: Thi đua nhằm cố gắng, nổ lực làm tốt công việc, nhưng khi một người cố gắng, nổ lực làm tốt công việc thì chưa chắc họ đã vì thi đua mà là vì  những động lực tinh thần khác như lòng yêu nước, yêu khoa học, mong muốn tiến bộ. Cũng rất cần phân biệt tinh thần của con người muốn làm tốt công việc (nếu xem đó là tinh thần thi đua) với phong trào thi đua. Đã là Phong trào thì có phát động, theo dõi, sơ kết, tổng kết, báo cáo, bình bầu, hội nghị, khen thưởng v.v…, phải có ban này bệ nọ làm phình to bộ máy.

Nếu không có phong rào thi đua thì lấy gì động viên tinh thần để người ta làm tốt công việc. Đó là câu hỏi của những người kém trí tuệ, chỉ quen với những lối mòn. Thế giới không có phong trào thi đua mà hàng năm nhiều nhà khoa học vẫn nhận giải Nobel, nhiều nghệ sĩ nhận giải Osca, nhiều phát minh và khám phá vẫn được phát hiện.

Theo tôi phong trào thi đua đã làm xong nhiệm vụ, ngày nay hãy chỉ nên giữ lại kỷ niệm trong các viện bảo tàng, còn cứ cố kéo dài thì nó chỉ mang lại lợi ít hại nhiều. Nói rằng phong trào thi đua là động lực to lớn để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế là cách nói thiếu suy nghĩ sâu sắc, chỉ là cách nói cho qua chuyện của những người quen lối sáo vẹt mà thôi. 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét