Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2024

HỌC LÀM PHẢN BIỆN ( Nguyễn Đình Cống ) -5-

 – Tiếp theo  –



XIV– Phản biện cách tổ chức học lý luận chính trị

(Đề phòng càng học càng bị tụt lùi)

(tháng 8 năm 2017)


1 - Giới thiệu chương trình

Đó là chương trình do Ban Tuyên giáo đưa ra, nhằm nâng cao nhận thức về lý luận chính trị và giáo dục đạo đức.  Đối tượng  học là  đảng viên  và cán bộ cơ sở của Đảng, cán bộ  của Mặt trận cùng các đoàn thể  và có thể mở rộng cho một số người dân.

Nội dung gồm sáu vấn đề, mỗi vấn đề gồm một số chuyên đề.

Vấn đề I-Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam (CNYN).

1-    Cơ sở hình thành và phát triển CNYN.

2-      CNYN VN trong lịch sử

3-     CNYN VN trong giai đoạn cách mạng mới.

4-     Giáo dục CNYN trong giai đoạn mới.

 

Vấn đề II-Giáo dục đạo đức (ĐĐ) cách mạng trong thời kỳ mới.

1.    ĐĐ và vai trò của ĐĐ.

2.     Truyền thống ĐĐ của dân tộc VN.

3.     Tư tưởng, tấm gương ĐĐ Hồ Chí Minh. 

4.    Giáo dục ĐĐ cho cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới.

Vấn đềĐ III-Tư tưởng Hồ Chí Minh (TTHCM).

1-Nguồn gốc, quá trình hình thành, phát triển của TTHCM.

2-TTHCM về cách mạng VN.

3-TTHCM về nhân dân, nhà nước, đại đoàn kết.

4-TTHCM về kinh tế, văn hóa, con người. 5-TTHCM về Đảng.

 

Vấn đề IV-Vấn để tôn giáo (TG) và chính sách TG.

1-TG trong đời sống xã hội.

2-Tình hình TG ở VN.

3-Chính sách TG của Đảng.

4-Đảng viên với tín ngưỡng và TG.

 

Vấn đề V-Vấn đề dân tộc(DT) và chính sách DT.

1-Vấn đề chung về DT và quan hệ DT. 2-Đặc điểm các DT ở nước ta.

3-Công tác và chính sách DT của Đảng.

4-Nhiệm vụ của tổ chức cơ sở Đảng.

 

Vấn dề VI-Hội nhập quốc tế (HNQT). 1-Quan điểm, chủ trương về HNQT. 2-Chủ động, tích cực HNQT.

3-HNQT về văn hóa.

4-HNQT về quốc phòng, an ninh.

 

Việc mở lớp học do các Huyện ủy, Quận ủy  thực hiện. Mỗi chuyên đề  được trình bày trong một buổi, ngoài ra còn thảo luận, liên hệ, tham quan, viết thu hoạch. Mỗi vấn đề được học trong thời gian 3 đến 3,5 ngày, học viên được cấp Giấy chứng nhận.

Để chuẩn bị, Nhà Xuất bản Chính trị phát hành sáu cuốn sách, ứng với sáu vấn đề. Ban Tuyên giáo soạn và phổ biến, mỗi vấn đềhai loại hướng dẫn: thực hiện chương trình và chi tiết các chuyên đề. Giảng viên do Ban Tuyên giáo cấp huyện đề xuất và cấp ủy quyết định.

2 -Vài nhận xét về nội dung

Mới xem qua thấy rất phong phú, nhưng ít thích hợp với đối tượng. Phần lớn kiến thức ở các chuyên đề đầu là thuộc dạng hàn lâm, it phù hợp cho trình độ phổ thông hoặc quá chung chung. Trình bày những kiến thức đó mà không hấp dẫn thì chỉ làm người nghe thêm chán. Gần hết nội dung cơ bản của mỗi vấn đề lại là những điều đã trở nên quá bình thường, nhiều học viên đã biết rõ từ trước, nay bị đặt vào thế “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Đó là chưa kể một số nội dung do suy luận, bị áp đặt, không phản ảnh thực tế khách quan. Bị nhồi nhét những nội dung như thế làm cho nhận thức bị chây lì,  lệch lạc, xa rời chân lý.

Về vấn đề Chủ nghĩa yêu nước. Phải chăng Tuyên giáo đã thấy được tình cảnh đất nước có thể bị rơi vào thời kỳ Bắc thuộc mới nên đã đưa yêu nước lên thành chủ nghĩa. Tuy vậy không đề cập gì đến nguy cơ trước mắt mất dần biển đảo và chủ quyền vào tay Tàu phù. Hơn nữa một vài nội dung là yêu Đảng chứ không hẳn là yêu nước, là áp đặt, khó được chấp nhận.

Về vấn đề Đạo đức. Chủ yếu viết chung chung, một vài nhận định  chưa chính xác, chưa chỉ ra đúng nguyên nhân gốc của suy thoái. Giáo dục đạo đức lại chủ yếu là đạo đức Hồ Chí Minh, trùng lặp qúa nhiều.

Về Tư tưởng HCM. Tuyệt đại đa số dân Việt biết về HCM thông qua tuyên truyền một chiều, rằng ông không những là một lãnh tụ cách mạng mà còn là một vị  thánh. Có thể điều đó là phù hợp với thời gian xa xưa trước đây, còn bây giờ, khi thông tin đa chiều đã khá phổ biến, khi nhiều bí mật đã được công khai, mà vẫn giữ cách tuyên truyền áp đặt như cũ, thì may ra chỉ có thể làm thỏa mãn một số ít người cuồng tín, còn đại đa số sẽ càng mất tin tưởng.

Về vấn đề Tôn giáo. Bản chất của CS là dị ứng với TG. Chấp nhận tự do TG chỉ là thế buộc phải làm. Trình bày TG theo quan điểm duy vật là khá xa rời bản chất tâm linh của nó. Vừa qua Quốc hội thông qua Luật Tín ngưỡng và TG. Hội đồng Liên Tôn cho rằng Đảng đang đàn áp TG bằng cả luật pháp và hành động. Vậy nội dung của vấn đề này ít phù hợp thực tế và khó thuyết phục được số đông có hiểu biết.

Về vấn để Dân tộc. Viết nhiều về bình đẳng, về phát triển kinh tế, văn hóa, về sự quan tâm đến các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, trong lúc việc quan trọng và cấp thiết là sự hòa hợp dân tộc sau chiến tranh lại ít được bàn đến.

 

3 - Vài điều bình luận

a-Nhận định chung

Thực trạng của đạo đức trong đảng đang suy thoái, có nguy cơ lớn đến sự tồn vong. Phải chăng tổ chức các lớp học như trên là cần  thiết để cứu vớt sự tan rã về tư tưởng, sự yếu kém về nhận thức chính trị, để ngăn ngừa  sự tự diễn biến trong nội bộ, để  chống trả sự tấn công của các thế lực thù địch. Sự chuẩn bị là khá chu đáo. Thế thì tại sao tôi dám có ý nghĩ là càng học càng bị tụt lùi. 

Thưa rằng: Để việc dạy học làm phát triển và tích lũy được  những phẩm chất tốt đẹp thì nội dung và phương pháp  phải đúng, phù hợp, tiến bộ (hấp dẫn được càng tốt), người dạy và học đều có tinh thần say sưa và trách nhiệm cao. Nếu ngược lại, nội dung nhàm chán, lạc hậu hoặc không phù hợp thực tế, phương pháp áp đặt, gò bó, người dạy và học không say sưa, chỉ làm cho qua chuyện thì hiệu suất của dạy học rất thấp. Dạy và học như thế, với một số người, nói rằng  càng học càng bị tụt lùi là còn nhẹ, nặng hơn là càng học càng lú lẫn, càng ngu muội, chỉ bị nhồi sọ hoặc tẩy não để trở thành công cụ và biết nói như vẹt. Kinh nghiệm hoạt động sư phạm hơn nửa thế kỷ qua cho tôi dự đoán về kết quả  những lớp học nói  trên như sau:

Với Tuyên giáo và các tổ chức cơ sở của Đảng: Có được thành tích dổm để báo cáo và tuyên truyền.  Với người học, phần lớn càng học càng xa rời thực tế và Chân, Thiện , Mỹ. Với xă hội, tạo ra sự lăng phí đáng kể.

b-Nhu cầu của việc học

Ban Tuyên giáo thấy rất cần mở các lớp học, nhưng liệu đảng viên và cán bộ cơ sở có thấy được, cảm nhận được đó là nhu cầu bức thiết không, hay là họ bị bắt đi học. Nếu học viên không có nhu cầu, không hứng thú, bị bắt buộc thì tại sao Tuyên giáo lại mở lớp. Ấy  là vì duy ý chí, xa rời thực tế, thiếu trí tuệ/ thiếu dũng khí để đánh giá đúng nguyên nhân gốc gây ra tình trạng suy thoái. Họ tưởng nhầm sự suy thoái chủ yếu do làm kém công tác tư tưởng mà không biết rằng chính vì đã phạm nhiều sai lầm.Trong những năm đầu của cách mạng, của chế độ, những lớp học  chính trị như kể trên là đáng mong đợi, những cuộc chỉnh huấn là có tác dụng lớn về cải tạo tư tưởng, nhưng hiện nay không còn phù hợp. Hiện nay vẫn phải động viên tinh thần, vẫn phải làm công tác tư tưởng, nhưng phải tìm cách làm khác có hiệu quả. Tình hình đã thay đổi nhiều mà vẫn giữ cách làm không thích hợp thì chỉ có thất bại. Cuối đợt học thế nào chẳng có viết thu hoạch, có đánh giá kết quả. Chưa mở lớp cũng đã biết trước kết quả tốt đẹp. Liệu trong những thu hoạch, những đánh giá như vậy có bao nhiều phần là bịa đặt, dối trá.

c-Sự lãng phí

Khi  huy động hết tất cả các đối tượng cần học theo quy định của Tuyên giáo thì số học viên là vài triệu. Nếu mỗi người đều  học cả sáuvấn đề thì  phải mất nhiều chục triệu ngày công, tính thành tiền vào khoảng  nhiều ngàn tỷ đồng, đó là chưa kể công sức và tiền của để chuẩn bị và phục vụ cho các lớp học. Khi bỏ ra công sức và tiền của lớn mà thu được kết quả mỹ mãn, làm cho tình trạng trở nên tốt  hơn, có chuyển biến tích cực thì quá xứng đáng đồng tin bát gạo. Nhưng như đã phân tích, các lớp học chỉ nặng về hình thức để tạo thành tích dổm, thế thì lợi bất cập hại là rõ ràng.

4-Vài đề nghị

a-Nên làm cách khác

Để nâng cao tinh thần yêu nước, chấn hưng đạo đức, hòa hợp dân tộc và tôn giáo thì nên tìm cách làm khác có hiệu quả hơn là tổ chức các lớp học như trên. Sẽ vô ích và phản tác dụng khi một mặt dạy Chủ nghĩa yêu nước, mặt khác ngăn cản  kỷ niệm các chiến sĩ hy sinh ở Vị Xuyên, ở Hoàng Sa, khủng bố người yêu nước dám thể hiện bất đồng quan điểm, khi một mặt kêu gọi đoàn kết lương giáo, mặt khác tổ chức ra Hội Cờ đỏ để quậy phá các Linh mục và giáo dân, khi một mặt nêu cao hợp tác quốc tế, mặt khác tổ chức mật vụ đến nước khác bắt người bất chấp luật pháp của họ v.v…

b-Nên học thứ khác

Đó là học kiến thức về nhân quyền, về tự do và dân chủ, về luật pháp, về cách người dân chống lại áp bức cường quyền, chống lại các oan sai, về đạo lý làm người lương thiện v.v…. Những điều này cơ bản được dạy trong các nhà trường, nhưng chưa đủ. Khi Tuyên giáo không thể hoặc không muốn dạy những thứ này thì hãy để cho các cá nhân, các tổ chức dân sự được tự do mở lớp. Vào Google và trên các trang mạng sẽ tìm được khá nhiều bài giảng rất hay.

c-Nên chấp nhận và tổ chức đối thoại

Tháng 5/2017 ông Võ Văn Thưỏng đề xuất việc đối thoại giữa Tuyên giáo với những người bất đồng chính kiến để cùng nhau tiếp cận chân lý. Có tiếp cận được nó thì mới đề xuất được việc làm đúng, còn nhận thức sai thì càng tích cực bao nhiêu càng xa rời Chân Thiện Mỹ bấy nhiêu. Một số nội dung của sáuvấn dề trên đây là không tiếp cận mà xa rời chân lý. Đã có một số người, trong đó có tôi, từng yêu cầu được đối thoại với Ban Tuyên giáo, vói Hội đồng lý luận nhưng chưa được chấp nhận. Ban Tuyên giáo nên nghiên cứu để chấp nhận càng sớm càng tốt.


 

XV- Phản biện ý kiến  của cựu Chủ tịch nước

 (tháng 10 năm 2018)


Đầu năm 2018 ông Trương Tấn Sang viết bài: “ Lịch sử giúp chúng ta hiểu về hiện tại, dự báo tương lai”. Bài được nhiều báo đăng, có lắm người quan tâm và bình luận. Cựu Chủ tịch trình bày việc quan sát di tích Hoàng thành Thăng long, nhìn ngắm Hồ Tây, xem tiểu thuyết Bão táp Triều Trần, đọc Đại Việt sử ký, ngẫm nghĩ về Thất trảm sớ của Chu Văn An, về năm nguyên nhân gây mất nước do Lê Quý Đôn tổng kết v.v.., để rồi tức cổ nghiệm kim, suy nghĩ sâu xa về sự hưng vong của đất nước. Ông hiểu ra rằng đất nước hưng thịnh nhờ có vua sáng tôi hiền. Ông viết: “Con đường đi tới quyền lực và đưa đất nước lên tới đỉnh cao hưng thịnh của các triều đại rất khác nhau, nhưng nguyên nhân suy vong thì chẳng khác nhau là mấy. Ðó là do tài năng yếu kém và đạo đức suy đồi của những người cầm quyền. “ Gần cuối bài ông đưa ra nhận xét:“ Hôm nay…, niềm tin trong nhân dân đã trở lại, sức khỏe nền kinh tế có phần hồi phục, vị thế đất nước được lan tỏa rộng rãi. Nhìn lại năm ngoái, phải khẳng định một điều, những gì Ðảng ta đã làm trong công tác cán bộ và xây dựng Ðảng là đúng với mong muốn và nguyện vọng của toàn dân”. Nhưng rồi ông lại viết: “Chẳng phải chúng ta đã chứng kiến những kẻ có lòng tham vô đáy lợi dụng kẽ hở của chính sách, lạm dụng quyền lực để móc túi nhân dân, rồi chính những kẻ đó và bè cánh lại tìm mọi cách để chui sâu, leo cao hơn nhằm bảo đảm cho khối tài sản ăn cắp đó tiếp tục sinh sôi, nảy nở?”. Rồi ông đặt câu hỏi: “Ðảng này, chế độ này, đất nước này sẽ đi về đâu? Cuối cùng ông trấn an :“Mỗi chúng ta rồi đây đều phải đứng trước sự phán xét công bằng của lịch sử, của dân tộc.Với niềm tin đó chúng ta cùng phấn khởi bước sang năm Mậu Tuất 2018”. (Niềm tin Đảng kiên quyết chống tham nhũng)

Tôi viết nhận thức của ông Sang là muộn, quá muộn vì đạị đa số nhân loại, trong đó có rất nhiều người Việt, đã biết nó từ rất lâu, đã nói và viết từ lâu. Hồi còn làm Chủ tịch nước ông có biết không, nếu không biết thì tại vì cái gì. Ông viết về tài năng yếu kém và đạo đức suy đồi của những người cầm quyền, về lạm dụng quyền lực, về tìm mọi cách để chui sâu leo cao. Ông có tự liên hệ không, có nghĩ đến việc đứng trước sự phán xét công bằng của lịch sử không. Ông có tự biết tài năng ông vô cùng yếu kém, nhưng vì sao được ngồi vào ghế chủ tich nước không.

Tôi viết nhận thức của ông Sang là nhầm. Xin giải thích rõ hơn. Những nhận thức đó chủ yếu không sai nhưng không hoàn toàn đúng, chủ yếu là nhầm.(riêng các ý sau là không phù hợp thực tế: Niềm tin trong nhân dân đã trở lại; và  những gì Ðảng ta đã làm là đúng với mong muốn và nguyện vọng của toàn dân).

Trước khi nêu ý kiến cá nhân tôi xin điểm vài nhận xét cúa các tác giả khác.

 Trung Nguyễn (bài: Thư gửi ông Trương Tấn Sang và lãnh đạo) nhận xét rằng “những kiến thức trong đầu các ông về thế giới và cả về đất nước Việt Nam rất lệch lạc, ông chỉ hô khẩu hiệu và lừa dối nhau, rằng thực ra ông chẳng lo gì cho dân cho nước mà chỉ lo cho các nhóm lợi ích

FB Huỳnh Ngọc Chênh (bài Nhân chuyện ông Trương Tấn Sang đọc lại lịch sử) cho rằng: “Đọc lại lịch sử để biết vượt qua cái hạn chế của tổ tiên chứ không phải luẩn quẩn trong chuyện chúa minh hay chúa lú. Đất nước bây giờ đang cần Minh Chế.

Nhà bình luận Tuấn Khanh (Việt Nam Thời báo) cho rằng ông Sang chỉ viết những điều chung chung, không đưa ra được cái gì cụ thể, chỉ dẫn những sự kiện của các Triều Lý, Trần, Lê mà không đả động đến Triều Nguyễn, đã từng có nhiều thành công trong chống tham nhũng và chấn hưng đất nước.

GS Nguyễn Đăng Hưng (bài: Lời bình sau khi đọc bài viết của ông Trương Tấn Sang) nhận xét: Cái nguy hiểm trước mắt là những sai lầm chính trị, những biện pháp đàn áp đáng tiếc, phát sinh ra đối kháng giữa dân và nhà cầm quyền   Các vương triều đất Việt đi ngược lại lòng dân hay làm mất lòng dân đều tạo điều kiện cho phương Bắc thôn tính, nước nhà bước vào vòng nô lệ! Hơn bao giờ hết ngày nay trước hiểm họa lãnh thổ, lãnh hải bị xâm phạm, trước nguy cơ bị chiếm đoạt Biển Đông, chính quyền nên ghi nhận bài học này.

Theo tôi điều nhầm lẫn lớn nhất của ông Sang cũng như của nhiều lãnh đạo khác trong việc đánh giá tình hình đất nước là cho rằng những tai họa mà đất nước và nhân dân phải chịu là do sự tham lam, sự xuống cấp đạo đức của một số người cầm quyền. Đó chỉ là nguyên nhân gần, dễ thấy. Ông Sang và lãnh đao không thấy, không chịu thừa nhận nguyên nhân gốc của mọi tai họa là sự độc tài toàn trị của nền chuyên chính vô sản. Tuy vậy sự toàn trịchưa đủ để gây ra mọi tai họa mà nó kết hợp với những yếu kém của nền văn hóa, với những tính xấu của người Việt. Rồi còn bị Trung Cộng thao túng. Chính vì sự chuyên chính mà khi đã nắm chắc  chính quyền, trong giới lãnh đạo  có nhiều người vừa tham lam vừa thiếu trí tuệ nhưng có thừa mánh lới, có thừa mưu mẹo để leo cao, luồn sâu. Họ kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Ngoài mồm họ rêu rao vì nước vì dân, thực chất họ chỉ lo vinh thân phì gia, lo củng cố quyền lực. Các nhóm liên kết với nhau thành một tập hợp lớn để vừa chiếm đoạt, vừa tàn phá tài nguyên của đất nước để làm giàu riêng. Các nhóm này vì quyền lợi mà đấu đá nhau, thanh toán nhau.

Nhưng có lẽ không phải ông Sang và lãnh đạo nhầm, họ thấy rõ nhưng cố tình che giấu. Như vậy đã phạm tội lừa bịp. Họ dựng lên nào là Hội đồng lý luận, nào là các Học viện chính trị, nào là Ban Tuyên giáo các cấp để nghiên cứu, để tuyên truyền, rằng mọi sự xấu xa, mọi đồi bại là do một số người suy thoái đạo đức. Thậm chí họ cố tình làm một việc quá sai là đem trộn lẫn khái niệm suy thoái đạo đức với tự diễn biến về tư tưởng. Họ cố  bế tỏa đầu óc, cố bịt mắt, cố bưng tai để không nghĩ, không  thấy, không nghe đến sự tác hại muôn mặt của chế độ chuyên chính, toàn trị. Phải thấy được cái sai lầm về chính trị và sự đàn áp đáng tiếc như  Nguyễn Đăng Hưng, thấy được sự cấp thiết xây dựng một Minh Chế như Huỳnh Ngọc Chênh, thấy được nguyên nhân gốc của mọi tai họa từ trong sự toàn trịnhư Nguyễn Đình Cống (không phải chỉ mấy người ấy mà hàng triệu người đều thấy, mấy người ấy chỉ là đại diện).

Tôi  chứng kiến rằng  có rất nhiều đảng viên ĐCS, trong đó có các cán bộ lãnh đạo, đến gần cuối đời bỗng ngộ ra rằng  con đường họ đã từng lựa chọn là sai về cơ bản, sai từ gốc. Nhận ra sai rồi, nhưng phản ứng của mỗi người là khác nhau. Để kết thúc tôi xin lấy ý của Huỳnh Ngọc Chênh, thêm vào một chút như sau: Nếu ông Sang và những cán bộ của Đảng, dù đã nghỉ hưu hay đương chức, nếu có lòng với dân với nước thì hãy dũng cảm lên tiếng kêu gọi đổi mới thể chế. Có xây dựng được thể chế thật sự dân chủ với tam quyền phân lập mới có cơ sở loại bỏ tham nhũng đến tận gốc. Còn cái niềm tin, sự phấn khởi của ông Cựu Chủ tịch nước khi bước sang năm mới Mậu Tuất 2018 chỉ là sự vuốt ve của một con người tự đánh giá sai về mình


 

XVI- Phản biện những điều cấm


Trong những Điều lệ Đảng trước đây không thấy qui định những điều đảng viên không được làm. Sau ĐH X, khi công nhận đảng viên có quyền làm kinh tế tư nhân thì phát sinh vấn đề cấm đảng viên bóc lột. Sau đó, vào tháng 12 năm 2007 Bộ chính trị ra QĐ 115 cấm đảng viên làm một số việc. Đại hội XI thông qua điều lệ mới, trong điều 2 về nhiệm vụ đảng viên, ngoài các việc như chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không ngừng nâng cao trình độ và đạo đức, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí v.v…(như các điều lệ trước ), thì còn thêm: “ Chấp hành quy định của BCH TƯ về những điều đảng viên không được làm”. Thế rồi tháng 11 năm 2011 BCH TƯ ra Quy định 47 QĐ/TƯ nêu 19 điều đảng viên không được làm, thay thế QĐ 115 của BCT.

QĐ 47 đã gây ra một làn sóng lo lắng, sợ sệt trong một số các tổ chức đảng ở cơ sở. Tôi đã chứng kiến cảnh các đảng viên hỏi nhau, liệu việc làm như thế này, như thế kia có vi phạm 19 điều cấm hay không. Người ta còn dùng 19 điều cấm để dọa nhau, ngăn cản nhau làm một số việc để bảo vệ quyền lợi chính đáng hoặc giúp đỡ người khác. Tôi đã bỏ công tìm hiểu và ngạc nhiên thấy QĐ 47 là một văn bản vi phạm nhiều lỗi lôgic. Trước đây tôi chậc lưỡi cho qua, nhưng sau khi nghe lời kêu gọi phản biện của TBT Nguyễn Phú Trọng nên mạnh dạn nêu vài ý kiến để trao đổi với những ai quan tâm và hy vọng ý kiến đến được những người có trách nhiệm để có thể đem ra thảo luận tại ĐH XII sắp tới.

1-Về lệnh cấm nói chung

Một tổ chức bình thường nên bao gồm các thành viên hiểu rõ những việc mà họ nên và không nên làm, được phép và không được phép làm. Để được như vậy thì cần tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh và những người đứng đầu gương mẫu trong thực hiện. Khi phải đề ra nhiều điều cấm đoán chứng tỏ tổ chức đang suy yếu và tiềm ẩn sự rối loạn. Ngay cả việc thưởng và phạt, chỉ vừa phải thôi và công bằng thì mới có tác dụng tốt, còn nếu nhiều quá sẽ trở nên nhàm chán và phản tác dụng. Tuy vậy khi mà trong tổ chức có những lúc xuất hiện các thói hư tật xấu thì phải làm thế nào. Lúc này các người lãnh đạo sáng suốt sẽ kịp thời phát hiện, tìm nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân gốc để kịp thời khắc phục và trước hết họ nêu gương trong việc thực hiện. Với những người đứng đầu kém tài và đặc biệt là những kẻ thiển cận, độc đoán, họ chỉ thấy được hiện tượng khi đã trở thành phổ biến, chỉ thấy được nguyên nhân gần, trực tiếp, chỉ nghĩ ra được những biện pháp trừng phạt và ngăn cấm, nhưng như thế chỉ xử lý được một số hiện tượng ở ngọn, dẹp được chỗ này sẽ mọc ra chỗ khác tinh vi hơn, thâm độc hơn, không ngăn cản và xóa bỏ được tật xấu từ gốc.

Xin kể chuyện cũ viết lại. Ngày xưa ở nước Tấn, Cảnh Công là ông vua kém tài, dùng một số quan nịnh hót và tham nhũng, dân bị áp bức, bóc lột, lại gặp năm mất mùa, sinh ra nhiều trộm cắp. Vua tin dùng Khước Ung là người có tài bắt trộm, mỗi ngày bắt được vài chục tên. Triều đình quả quyết rằng chẳng mấy chốc sẽ dẹp tan hết nạn trộm cắp. Bọn trộm đã liên kết lại, giết chết Khước Ung và hoành hành mạnh hơn. Chỉ đến khi được Dương Thạch Chức hiến kế, phân tích tình hình, vua tỉnh ngộ ra, dùng được Sĩ Hội là người giỏi và thanh liêm đứng đầu triều đình, loại bỏ các quan lại chuyên quyền độc đoán,  giảm bớt sưu thuế, mở rộng sản xuất, nâng cao đời sống của toàn dân, đề cao đức tính liêm sĩ trong quan lại và nhân dân thì nạn trộm cắp tự nhiên giảm rồi mất hẳn.

Có một hiện tượng khá phổ biến ở VN. Tại hầu khắp trụ sở công và tư, kể cả khách sạn đều có nội quy, ghi rõ mọi người phải làm việc này việc nọ, không được làm việc ấy việc kia. Tôi thấy phần lớn chỉ là hình thức và nó chỉ thích hợp cho trình độ dân trí quá thấp. Ở các nước văn minh, tiên tiến rất ít thấy các nội quy kiểu ấy.

Thông thường, ở một tổ chức mà có quá nhiều điều cấm, nhiều hình phạt  thì bên ngoài thấy là  nghiêm túc, là kỷ cương, nhưng bên trong chứa nhiều bất ổn, nhiều rối loạn.  Nguyên nhân gần, trực tiếp của những điều bất ổn và rối loạn là sự  thoái hóa, biến chất của các thành viên, sự kém hiệu quả của luật pháp, còn nguyên nhân gốc, nguyên nhân sâu xa phải tìm ở nền văn hóa và sự lãnh đạo  hoặc cai trị  từ cấp cao nhất.

2-Phân tích lệnh cấm về mặt logic

Lệnh “ cấm A, B…” hoặc “không được làm C, D…” Đôi khi để nhấn mạnh người ta ghép thành “cấm không được làm…”.  thường có giá trị và ý nghĩa như nhau. Trong một lệnh như vậy thường có từ 2 đến 4 yếu tố sau: đối tượng, việc bị cấm, không gian,  thời gian, ngoài ra có thể thêm một vài yếu tố phụ khác. Thí dụ : Cấm xe tải  và xe khách chạy qua Quảng trường thành phố từ 6 đến 10 giờ sáng.Trong  lệnh trên không cấm xe ôtô con hoặc xe bán tải vào bất kỳ lúc nào, không cấm xe tải, xe khách chạy qua Quảng trường ừ 10 giờ sáng ngày hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, và từ 6 đến 10 giờ  không cấm xe tải, xe khach chạy hoặc đõ ở các nơi khác trong và ngoài thành phố.

Trong xã hội VN, Đảng CS chia mọi người thành đảng viên và quần chúng ngoài đảng.  Tập hợp đảng viên nằm trong tập hợp lớn hơn là công dân. Như vậy một điều nào đó đã cấm công dân thì đương nhiên là đảng viên cũng bị cấm, trừ khi viết rõ là cấm công dân ngoài đảng. Trong điều lệ Đảng đã ghi: đảng viên phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của Nhà nước. Như vậy một điều mà pháp luật đã cấm công dân thì Đảng không cần ra thêm quy định cấm đảng viên nữa.  Theo logic thì một việc mà cấm đảng viên thì người ngoài đảng có quyền làm, dù cho  là dân thường hay quan chức cao cấp. Việc Đảng quy định cấm đảng viên vi phạm những điều đã có trong luật pháp hoặc những điều phổ thông về đạo đức và đạo lý làm người chỉ làm rối loạn và mâu thuẩn trong nhận thức. Điều lệ đã quy định đảng viên phải nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Khi lãnh đạo Đảng thấy, ngoài pháp luật Nhà nước, đạo đức và đạo lý làm người, chỉ thị nghị quyết của Đảng đã có, mà cần cấm đảng viên làm một việc gì đó do tình hình đột xuất gây ra thì chỉ nên ban hành thành một chỉ thị mới, ngắn gọn. Việc đưa vào điều lệ và ban hành một danh sách dài 19 điều cấm, mà mỗi điều lại gồm nhiều nội dung, báo hiệu bên trong đang chứa nhiều bất ổn, đến lúc Đảng phải chấn chỉnh lại nhiều thứ từ gốc rễ, nghĩa là từ tổ chức và luận thuyết chứ không phải chỉ ra những lệnh cấm mà giải quyết được vấn đề.

Có lập luận cho rằng phải kể ra những điều cụ thể bị cấm thì đảng viên mới biết để chấp hành. Đó là một kiểu lập luận ngụy biện, phiến diện, coi thường trình độ đảng viên. Có một điều cần nhận thức đúng là: “ quy định càng cụ thể thì càng thiếu”. Thí dụ với quy định “Cấm xả rác nơi công cộng”, muốn cụ thể hóa rác là những thứ gì (vỏ hoa quả, lá gói bánh, túi ni lông….), càng kể càng thấy thiếu, nơi công công là nơi nào (phòng đợi ở bệnh viện, nhà ga, sân trường, đường phố…), càng kể càng thiếu, kể sao cho hết. Dù có liệt kê ra một ngàn thứ thì rồi sẽ có người tìm ra thứ tiếp theo.

 Một vài thí dụ trong 19 điều đảng viên không được làm: Điều 9 “Làm trái quy định trong những việc: quản lý nhà, đất, tài sản, vốn, tài chính của Đảng và Nhà nước, huy động vốn và cho vay vốn tín dụng; thẩm định, phê duyệt, đấu thầu dự án; thực hiện chính sách an sinh xã hội, cứu trợ, cứu nạn; công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, các quy định trong hoạt động tố tụng”.  

Tưởng rằng quy định như thế là cụ thể, nhưng theo logic thì những việc không thuộc điều 9 kể trên đảng viên có thể làm trái, như là kiểm lâm, thu chi học phí, lệ phí, bảo vệ môi trường, tài chính của tư nhân v.v…

ĐIều 19- “Tổ chức việc cưới, việc tang, các ngày lễ, tết, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, mừng thọ, mừng nhà mới, lên chức, lên cấp, chuyển công tác xa hoa, lãng phí hoặc nhằm trục lợi”. Quy định như vậy tưởng là hết sức chặt chẽ nhưng nếu tổ chức ăn mừng khỏi ốm, ăn mừng tránh được tai nạn (của bất kỳ người nào trong gia đình), mừng sinh thêm con, cháu, nhằm trục lợi thì rõ ràng không vi phạm điều cấm vừa kể..  

3-Bình luận thêm một vài điều

Ngoài 2 điều 9 và 19 vừa kể, xin bình luận thêm vài điều không chặt chẽ về logic. Trong các điều 8, 11 và 16 có quy định là “cấm việc để cho bố, mẹ, vợ  (chồng), con, anh chị em ruột thực hiện một số điều như làm dự án, kinh doanh, lợi dụng chức vụ, đi du lịch tham quan… trái quy định. Theo lôgic thì không cấm việc để cho những người khác ngoài các người đã kể (không cấm việc để cho chú bác cô cậu, anh chị em họ, bạn bè, người quen…) làm trái quy định. Thí dụ có đảng viên cao cấp để cho ông cậu lợi dụng chức vụ của minh nhằm trục lợi, không thể kết luận đảng viên đó vi phạm điều 11, vì ông cậu không thuộc những người đã được liệt kê trong điều đó. Như vậy để xem xét hoặc xử phạt việc để cho ông cậu lợi dụng trục lợi phải vận dụng điều luật khác. Mà đã có điều luật khác bao quát hơn thì còn cần soạn thêm điều cấm 11 làm gì.

Xét điều 7: Cấm đảng viên tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội (theo quy định phải do tổ chức đảng giới thiệu) khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép”. Điều cấm này là một sự hạn chế dân chủ trong đảng, đúng là chỉ có đảng viên bị cấm còn dân thường thì không. Theo mục 2, điều 3 của điều lệ Đảng thì đảng viên có quyền ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng. Đó là quyền đương nhiên, không cần thêm điều kiện “được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép”. Hay là BCH TƯ cho rằng người được đề cử vào Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội cần tiêu chuẩn cao hơn người vào cơ quan lãnh đạo của Đảng. Hay là BCH TƯ sợ rằng những thành viên của Mặt trận và tổ chức chính trị-xã hội không đủ trình độ, không đủ sáng suốt để lựa chọn người đảng viên để bầu mà phải “được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép” mới bảo đảm chất lượng.

Còn một số điều khác mới đọc qua thì thấy bình thường, hợp lý, khi phân tích kỹ mới phát hiện ra sự thiếu chặt chẽ về lôgic, tuy vậy bài viết đã hơi dài, xin tạm dừng ở đây.


 

XVII – Một số ngụy biên về quan hệ với Trung quốc


Vừa qua  Câu lạc bộ đọc sách báo của chúng tôi ở Phường Kim Giang mời được một diễn giả nói chuyện về tình hình thời sự. Ông Minh là Tổng biên tập một tờ báo lớn, đại biểu HĐND thành phố, ứng cử và được bầu tại Phường chúng tôi. Việc ông dành thời gian gần 2 giờ để nói chuyện, đối với CLB  là một vinh dự ít có. Ông nói về một số vấn đề thời sự trong nước và thế giới, trong đó điều làm tôi quan tâm nhất là quan hệ của VN với TQ.  Theo ông Minh, tuy rằng có một vài sự kiện ở biển Đông, nhưng quan hệ VN và TQ đang rất tốt đẹp, đặc biệt sau chuyến thăm TQ của Thủ tướng Phúc. Ông cho rằng đường lối hòa bình mềm dẻo và tôn trọng Luật pháp quốc tế của Đàng ta là sáng suốt, phù hợp với tình hình quốc tế và truyền thống dân tộc. Ông viện dẫn các sự kiện lịch sử các đời vua của VN vẫn thần phục và triều cống Hoàng đế Tàu, mà sự kiện đáng chú ý là Quang Trung, sau khi đánh tan 20 vạn quân Thanh phải sang Bắc kinh xin thần phục vua Khang Hy (sic !) nhà Thanh, cho đó là tấm gương cần noi theo.

Đã lâu tôi không được nghe các buổi nói chuyện của các cán bộ tuyên giáo. Trước đây, mỗi lần được nghe như thế tôi chỉ tiếp thu một chiều, làm tôi phấn khởi, được biết thêm nhiều chuyện, được sáng mắt sáng lòng. Nay thì khác, tôi nghe để biết quan điểm của diễn giả và xem “sự ngụy biện” đến đâu.

Kết thúc trong tiếng vỗ tay hoan hô, ông Minh tỏ ra thỏa mãn, nán lại gặp gỡ và trao đổi thêm với một vài người. Tôi cũng ở lại một chốc, được ông chào và hỏi : “ Bác thấy tôi trình bày thế nào”. Tôi trả lời: “Anh nói hay, cung cấp được một số thông tin có giá trị, đa số bà con tham dự xem ra là thỏa mãn, riêng tôi thấy có vài chỗ anh chỉ mới đề cập đến một phần của sự thật bên ngoài, bỏ mất phần khác quan trọng hơn, riêng các lập luận, có hình thức chặt chẽ nhưng để ý ra thì thấy khoảng một phần ba là sai vì  phạm vào lỗi ngụy biện, đặc biệt phần nói về quan hệ Việt Trung, về vua Quang Trung”.

Đó là một nhận xét có tính phản biện mà diễn giả không mong đợi. Tôi chờ một câu trả lời đại khái như: “ Xin cám ơn bác, xin bác chỉ cho biết những chỗ mà bác cho là phần quan trọng hơn, là sai vì ngụy biện”. Nhưng không !. Ông ta phản ứng bằng cách chống chế. Tôi biết không thể tiếp tục trao đổi nên xin rút lui để ông đàm đạo với những người khác đang chờ đợi những ý kiến quý báu của ông.

Về quan hệ với TQ, xin vạch ra một số ngụy biện mà ông Minh đã phạm và tiếc thay, một số người vẫn vui vẻ nghe theo (như tôi trước đây).

1-Nước ta bị thế kẹt là ở sát TQ, bị nó khống chế nhiều bề.

Giáp với TQ không phải chỉ có VN mà còn 13 nước khác như Mông Cổ, Bhutan, Nêpan, Takjikistan, Kazakstan, Nga, Myanmar, Ấn độ v.v. Trừ Nga và Ấn độ, các nước khác đều bé, thế mà họ có chịu khuất phục TQ như VN đâu. Đặc biệt như Bhutan, có biên giới khá dài với TQ mà không có quan hệ ngoại giao. Sự chịu khuất phục do nguyên nhân địa lý chỉ là một phần rất rất nhỏ. Nguyên nhân chính là do đường lối lãnh đạo. Nếu đổ cho nguyên nhân địa lý thì giải thích thế  nào về các nước như Bhutan, Nêpan,Takjilistan...đều bé, TQ  tuy có phá phách ít nhiều nhưng cơ bản không làm họ khuất phục. Ta giáp với TQ  từ khi lập quốc đến giờ mà  các đời vua phong kiến trước đây có chịu lép vế một bề như dưới thời hiện nay hay không.

2-Nước ta và TQ cùng ý thức hệ, cùng chung lý tưởng.

Đây là lập luận ngụy biện. Việc cùng ý thức hệ có phải là tiền định, là Trời bắt phải thế đâu. Đó là do con người lựa chọn. Từng đảng viên khi vào Đảng thì có thề trung thành với Đảng nhưng dân tộc này có bao giờ thề lệ thuộc vào TQ đâu. Ừ, mà cùng ý thức hệ tốt đẹp thì cũng tạm được, nhưng ý thức hệ đó đã lạc hậu, đã thối rửa mất rồi thì đeo bám làm gì. Trước đây chúng ta theo Liên xô vì ý thức hệ, thế mà Liên xô sụp đổ rồi, trong lúc TQ cố dựa vào ý thức hệ để thôn tính VN thì vin vào nó mà làm gì ngoài sự lừa bịp những người nhẹ dạ cả tin. Mà hỏi xem, ngoài một số rất ít còn dựa vào ý thức hệ để trục lợi thì đại đa số dân VN có còn tin gì vào nó nữa đâu. Hơn nữa ĐCS TQ chỉ giữ lại cái tên và tổ chức chứ ý thức hệ CS cũng đã bị vứt bỏ từ lâu, chúng nó chỉ dùng để lừa bịp những người khờ dại trong và ngoài nước. Cũng vì ý thức hệ mà lãnh đạo nhà nước đã ký kết mật ước Thành Đô. Nhiều dư luận yêu cầu công khai minh bạch cho toàn dân biết nội dung, thế mà đến nay lãnh đạo vẫn giấu kín.

3-Truyền thống tổ tiên vẫn thần phục Tàu.

Đây là lối ngụy biện dùng một phần sự thật để che dấu bản chất. Tổ tiên chúng ta bên ngoài tỏ ra thần phục Tàu chứ chưa bao giờ chịu khuất phục (trừ bọn Ích Tăc, Chiêu Thống…). Như Nguyễn Trải đã viết: “Như Đại Việt ta, vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Núi sông bờ cõi đã riêng, phong tục Bắc Nam cũng khác. Trải mấy triều  Đinh, Lê, Lý, Trần dựng nền độc lập. Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương…” . Xét trong lịch sử, trừ thời nhà Hồ bị nhà Minh cướp nước, (Gần đây vì họ Hồ chính sách nặng phiền, khiến trong nước lòng người oán giận. Quân Minh cuồng bạo thừa dịp hại dân. Đảng nịnh mưu gian rắp tâm bán nước….Tát cạn nước Đông hải khôn rửa sạch tanh hôi. Chẻ hết trúc Nam sơn không đủ ghi tội ác…), thì chưa thấy có triều đại nào chịu khuất phục TQ về mọi mặt một cách nhục nhã như bây giờ. Ngay như Quang Trung, ông cho người đóng thế mình sang bái phục Càn Long (không phải Khang Hy) chỉ là cái mẹo sau khi đã đánh tan 20 vạn quân của Tôn Sĩ Nghị. Đánh thắng rồi mới cầu hòa chứ không phải cúi đầu xin chỉ thị về mọi việc lúc chưa xẩy ra.

Việc nhất nhất thần phục Tàu Cộng đã được cài sẵn vào gène, vào máu của một số người từ năm 1930. Chẳng thế mà Trần Huy Liệu (người thay mặt Hồ Chí Minh vào Huế nhận sự thoái vị của Bảo Đại), vào khoảng năm 1949 có nói một câu nhận xét không tốt về Tàu (coi chừng kẻ thù truyền kiếp của dân tộc) thì bị thất sủng ngay. Năm 1954, Phạm Văn Đồng sau khi ký Hiệp định Genève đã khóc vì bị Chu Ân Lai ép buộc chia cắt đất nước đến vĩ tuyến 17. Năm 1958, được tin TQ muốn độc chiếm các đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì Phạm Văn Đồng ký Công hàm công nhận ngay (ngoài ông Đồng ra hình như không có ai ủng hộ TQ nữa). năm 1974 Hà Nội giữ hoàn toàn im lăng để cho Trung cộng đánh chiếm Hoàng sa do VNCH quản lý. Năm 1988 Lê Đức Anh (bộ trưởng quốc phòng) ra lệnh cho các chiến sĩ đảo Gạc Ma không được chống cự lính Trung cộng, để toàn bộ 64 chiến sĩ bị sát hại, xác bị quăng xuống biển. Năm 1991 Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười sang Thành Đô (TQ không cho đến Bắc Kinh) cầu xin sự che chở và ký mật ước, cố xin gặp Đặng Tiểu Bình nhưng hắn không cho gặp. Năm 2000 Lê Khả Phiêu ký cho Tàu một số đất ở Thác Bản Giốc và Hữu nghị quan. Những chuyện như vậy liệu có bao giờ xấy ra trong lịch sử của tổ tiên. Thế mà một số người cứ đưa tổ tiên ra làm bình phong để che đậy.

4-Luận điệu gìn giữ hòa bình, tôn trọng luật pháp Quốc tế.

Cứ mỗi lần TQ có hành động ngang ngược ở biển Đông thì phát ngôn của Bộ Ngoại giao VN lại tuyên bố:”Phản đối, đòi tôn trọng chủ quyền, chủ trương giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, thương lượng, tôn trọng  luật pháp quốc tế, không liên kết với nước khác để chống nước thứ ba…”. Nghe quá hóa nhàm. Có những việc lớn, quan trọng mà sao chỉ có đại diện Bộ Ngoại giao, hoặc quá lắm là một cá nhân cấp cao nào đó phát biểu một cách dè dặt, Chính phủ, Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước lặng im. Và dân quá bức xúc biểu tình phản đối thì bị đàn áp. Ừ thì tôn trọng hòa bình, ta không chủ động gây chiến, nhưng ai cấm những phát biểu mạnh mẽ phản đối của Chính phủ, sao lại cấm dân biểu tình, sao không dám kiện ra Tòa án quốc tế như Philippin. Luận điệu “mềm dẻo, hòa bình, tránh xung đột” chẳng qua để che giấu một tâm trạng hèn yếu, không dám tin vào dân, chỉ muốn thần phục để vinh thân phì gia. 

5- Luận điểm: Về kinh tế ta phụ thuộc vào Tàu quá nhiều, Nếu ta có những đấu tranh mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền mà bị Tàu nổi giận cắt đứt mọi giao dịch thương mại thì ta lâm vào khủng hoảng lớn.

Tôi gọi đây là luận điểm chứ không phải luận điệu vì xét ra có phần đúng. Nhưng có phải vì giao lưu hàng hóa mà để cho Tàu vào chiếm cứ các vị trí xung yếu của đất nước, để người Tàu tràn ngập các vùng quan trọng, để họ phá nát môi trường. Những nước như Mỹ, Đức, Nhật, Úc … họ có làm như thế đối với các nước khác đâu. Việc để kinh tế, thương mại, xây dựng của VN quá lệ thuuộc vào Tàu , để cho Tàu thực hiện các dự án lớn làm hủy hoại môi trường là tội của những người lãnh đạo tham và ngu. Bây giờ đã lỡ ra rồi thì không phải cứ cố trượt dài trên con đường sai lầm mà phải tìm cách khắc phục. Tuy vậy việc ngừng giao lưu kinh tế với Tàu khi chúng ta có những đấu tranh mạnh mẽ để bào vệ chủ quyền cũng chỉ mới là suy đoán. Việc giao lưu là có lợi cho cả hai bên. Việc giao lưu với Tàu nếu bị giảm sút , trước mắt kinh tế Việt sẽ gặp khó khăn, đời sống của đân bị ảnh hưởng. Nhưng thử hỏi dân xem họ có vui lòng chấp nhận khó khăn trong thời gian ngắn để loại bỏ mọi xấu xa do Tàu mang đến. Tôi nghĩ rằng được giải thích đa số dân sẽ vui lòng. Hơn nữa dân ta có câu: “Trong cái khó ló cái khôn”. Trước đây vì nhầm lẫn mà ta ưu tiên thị trường TQ, nhưng nếu vì bảo vệ chủ quyền mà nó bị co lại thì các nhà doanh nghiệp Việt có đủ trí khôn để mở ra các nước khác, chứ làm sao chịu bó tay.

6-Nhận định

Tôi cho rằng những ngụy biện trên đây chỉ nhằm để duy trì chế độ vô sản chuyên chính, đem nước ta phụ thuộc vào Tàu cộng. Muốn thoát khỏi sự lệ thuộc này trước hết phải thoát ra khỏi ý thức hệ, phải cải cách thể chế theo con đường dân chủ chân chính. Một ngày mà còn kiên trì đường lối hiện hành thì dân Việt còn chịu cảnh lầm than và đất nước dần dần bị thôn tính.

Để kết thúc xin kể câu chuyện: Ngày xưa nước Triệu (Thời U Mục Vương), nhờ có Lý Mục và Tư Mã Thượng là những người tài giỏi, yêu nước, cương trực mà ngăn chặn được sự xâm lược của nước Tần. Thế nhưng vua Triệu tin dùng tên quan đứng đầu triều đình là Quách Khai, một kẻ tham lam. Gián điệp nước Tần đem biếu Quách Khai một số lớn vàng bạc với yêu cầu vu cáo Lý Mục và Tư Mã Thượng là bọn phản bội, chống lại nhà vua, để họ bị loại bỏ. Quách Khai nhận vàng bạc, xui dục vua giết chết Lý Mục, đuổi được Tư Mã Thưọng. Kết quả quân Tần xâm chiếm nước Triệu một cách dễ dàng.  Sau vụ này vua Tần nói: Ta chỉ bỏ ra ít vàng bạc mua được Quách Khai, dùng Khai để chiếm được Triệu, quá rẻ.  Quách Khai hý hửng cho rằng đã lập công với Tần nhưng rồi hắn bị Tần đuổi đi, không dùng kẻ phản phúc. Quách Khai về quê, chở theo mấy xe vàng bạc. Giữa đường bị những người nghĩa khí giết hết cả nhà, lấy hết của cải.

 Bình luận - Việc này đáng cho nhiều người Việt suy ngẫm. Nhưng những kẻ rắp tâm bán nước nghĩ rằng họ khôn hơn Quách Khai vì đã tuồn nhiều của cải và cho con cháu ra nước ngoài. Không đâu, chúng mày khôn, sẽ có người khôn hơn và trên hết, chúng mày đã gây ra nghiệp chướng, thế nào cũng chịu nghiệp báo. Hãy luôn nhớ rằng của cải do sức lao động và tài năng làm ra mới bền chặt, còn của phi nghĩa do gian lận, tham nhũng, tước đoạt thì chỉ làm giàu tạm thời, không đời chúng mày thì đời con, đời cháu cũng tiêu thành mây khói và chưa biết còn những thảm họa nào nữa.

 

 


 

XVIII- Những ngụy biện trong bài báo của HTQ

(tháng 9 năm 2019)


Báo Đại Đoàn Kết ngày 19-9-2019 đăng bài “Tâm sự với ‘người hay cãi’ của HTQ (gọi tắt là Bài báo). Tôi đọc và phát hiện thấy một số ngụy biện, Xin kể ra vài điều  để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc.

Người hay cãi là cố nhà báo Hữu Thọ, có danh tiếng. Có lẽ bài báo định dựa vào danh tiếng này để trình bày “Lời khuyên” đối với các trí thức, các nhà báo khi thực hành “Phản biện”. Nó gồm một số ý sau:

+ Ở VN phản biện phải theo cách VN, phải vừa có lý vừa có tình (trăm cái lý không bằng một tí cái tình).(xem ngụy biện 2)

+ Người trí thức khi phản biện cũng nên hiểu rằng, anh có nghĩa vụ bảo vệ chân lý nhưng còn có nghĩa vụ công dân trong quá trình phản biện, tức là phản biện một cách xây dựng. Anh phản biện, phê phán, thì anh phải đứng ở tâm thế như người trong cuộc. Đó là trách nhiệm công dân (xem ngụy biện 3).

+ Nếu anh xây dựng cho Tổ quốc mình thì đừng gây nên sự mất ổn định, gây ra sự phân tâm (xem ngụy biện 4).

+ Nếu người trí thức cho rằng ý kiến mình là phải, nhưng nếu  không làm cho điều phải ấy được người cần nghe thông hiểu thì cũng không nên chỉ trách người nghe mà phải tự trách mình trước (xem ngụy biện 5).

+ Bây giờ, suy cho cùng vẫn phải trở về những nguyên tắc căn bản của Đảng ta (xem ngụy biện 6).

 

Mới xem qua thì tưởng là các lời vàng ý ngọc, nhưng chỉ chú ý một chút, chưa cần suy nghĩ sâu xa, cũng đã phát hiện ra những lỗi ngụy biện.

 

Phản biện nói ở đây là của các trí thức, các nhà báo có một số bất đồng quan điểm,  gọi là bên B. Họ gồm  những người ngoài đảng, đảng viên đang sinh hoạt hoặc đã từ bỏ Đảng. Họ phản biện lại những đường lối, chính sách của Nhà nước, gọi là bên A. Đó là những đường lối, chính sách mà B cho rằng không hợp quy luât.

 

Ngụy biện 1 : Dựa dẫm

Dựa dẫm là một dạng ngụy bin, tuy không thật điển hình. Bài báo dựa vào uy tín của ông Hữu Thọ (1932-2015),từng là cán bộ cao cấp của Đảng và Quốc hội, là nhà báo lớn, nổi tiếng trong làng báo quốc doanh. Tuy vậy số đông trí thức phản biện chỉ xem ông như công cụ của tuyên truyền, không kính phục, vì ông chỉ hăng hái vạch ra các tiêu cực của xã hội khi mọi người đã thấy rõ, Ông không dám đụng đến độc quyền,là nguyên nhân cơ bản của nhiều tai họa. Nếu ông không thấy thì quá kém về trình độ. Nếu thấy mà không dám nói thì kém về nhân cách. Con người như vậy không thể làm gương cho  các trí thức chân chính.

Để có thêm sức mạnh cho lập luận, bài báo dẫn ra nhiều câu có nội dung hay, khá chính xác như là : Phải sống thật với mình;mỗi con người còn có tâm luật, tức là luật trong lòng của mình; Sống với nhau có tình nghĩa  là một nội dung  của những người Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin .Cần hài hòa bổ sung các nguyên tắc với nhau để vừa giữ được tính chiến đấu trong nội bộ vừa giữ được ổn định chung;Trí thức là phải có tư duy độc lập, sáng tạo, có khả năng truyền bá; Phải phản bác những gì không đúng, không tốt.Phê phán  rất cần, nhưng nếu  cường điệu những khuyết điểm, thậm chí những khó khăn để bầu trời ấy đang xanh mà mọi người nhìn nó như u ám thì cũng không được.

 Nghe ra thì hay cả(Nói cho hay thì nhiều người nói được và có người còn nói hay hơn). Nhưng những điều đó không che lấp được  các ngụy biện  sau đây

 

 

Ngụy biện 2 : Tình và Lý.

Dân Việt rất coi trọng tình nghĩa, nhưng chủ yếu là trong cuộc sống cộng đồng dân cư (tối lửa tắt đèn có nhau). Phản biện về chủ trương, đường lối chủ yếu không trực tiếp liên quan đến tình cảm xóm làng, không chống lại con người và tình cảm của họ mà chủ yếu là nhận xét, đánh giá quan điểm, chủ trương, việc làm của lãnh đạo. Trong phản biện phải đặt lý trí lên hàng đầu.

Phải phân biệt, tình là để xử lý quan hệ giữa các con người, lý là để giải quyết quan hệ giữa các nhận thức/ hành động. Trong việc phản biện, đem trộn tình và lý, đặc biết khi xem tình nặng hơn dễ dẫn đến sai lầm.Quan trọng nhất trong phản biện là sự trung thực, không vì tình cảm cá nhân mà không dám vạch ra những sai trái về quan điểm. Phản biện tập trung vào các ý tưởng, các quan điểm trong lúc phải biết tôn trọng con người, không được lợi dụng phản biện để công kích, nói xấu cá nhân. Nhưng nếu vì tình mà không vạch ra sai trái về nhận thức, về quan điểm thì đó không phải là phản biện

Nếu phải xét về tình và lý giữa A và B  thì thấy rằng B chưa có những vi phạm đáng kể. Trái lại A đã dùng quyền uy gán cho B là thế lực thù địch để đàn áp. Bài báo muốn B đề cao tình khi phản biện A. Liệu trong thâm tâm tác giả có nghĩ tới việc  kêu gọi A cũng phải tôn trọng B. Nếu không như thế là bất bình đẳng, là quá thiên lêch, là lợi dụng tình và lý để hạn chế sự phản biện

Phản biện ý kiên bất đòng khác vói góp ý. Khi góp ý với bạn bè, đồng chíthì cần giữ thái độ thân thiện, đắc nhân tâm, nhưng khí phản biện thế lực đối lập ngoan cố thì nhiều lúc dùng đăc nhân tâm không có tác dụng mà phải chỉ trích, phê phán mới may ra lay chuyển được. Khi phản biện những quan điểm lạc hậu, bao thủ, của những kẻ độc tài, cố chấp mà đề cao tình thì đã nhầm về phương pháp.

 

Ngụy biên 3- Nghĩa vụ công dân

Trong Hiến pháp 2013, nghĩa vụ công dân được ghi ở các điều 39; 44; 45; 46; 47. Tôi không tìm thấy nghĩa vụ nào liến quan đến phản biện.

Bạn là một công dân, bạn phải thực hiện nghĩa vụ và tuân thủ pháp luật. Nếu bạn làm trái nghĩa vụ hoặc vi phạm pháp luật, tòa án sẽ kết tội bạn. Không thể dùng khái niệm thực hiện nghĩa vụ để hạn chế phản bin. Những điều khoản về Nhân quyền và Dân quyền bảo đảm cho bạn khả năng tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. Bạn có thể tự do phản biện bất cứ việc gì khi luật pháp không cấm.

Bài báo cho rằng khi phản biện bạn phải đứng ở tâm thế như người trong cuộc. Đây là điều có được thì tốt, nhưng không bắt buộc. Nếu người phản biện có gì đó chưa thông cảm với người trong cuộc thì người trong cuộc nên giải trình. Trách nhiệm công dân không hề bắt buộc người phản biện phải đứng ở tâm thế như người trong cuộc.

Tuy vậy những người trí thức phảnbiện (bên B) hiện nay thừa hiểu mưu mô và tâm trạng của người trong cuộc (bên A), điều mà những người này tìm cách che giấu, ngược lai những người bên A lại không tìm hiểu bên B mà sẵn sằng to tiếng quy kết họ là phản động, thuộc thế lực thù địch, vu cho họ những việc mà họ không nghĩ đến, không làm đến.

 

 

Ngụy biên 4- Sự đánh tráo

Bài báo viết: “Nếu anh xây dựng cho Tổ quốc mình thì đừng gây nên sự mất ổn định, gây ra sự phân tâm”.

Sự phản biện của B khi được A tiếp nhận có văn hóa thì không gây nên sự mất ổn định nào cả. Rất nhiều người của B đã từng  góp ý, viết thư, kiến nghi gửi theo đường chính thống lên tận cấp cao nhất của A. Nhưng rồi tất cả các ý kiến đó đều không được trả lời. Việc  đó buộc B nêu công khai các ý kiến trên các trang mạng xã hội.

Xã hội VN đang rất kém ổn định, điều này chủ yếu do sai lầm và bất lực của chính quyền chứ không phải do phản biện của trí thức. Đổ lỗi cho sự phản biện gây ra sự phân tâm là một sự đánh tráo kiểu vu vạ, vừa đánh người, vừa kêu cứu.

 

. Khi A thật sự tự tin vào chính nghĩa thì tại sao không chấp nhận đối thoại công khai với B. Nếu B phản biện A mà không tạo ra nhận thức khác, chỉ phụ họa và thống nhất với A thì phản biện cái gì.

 

 

Ngụy biện 5-Tự trách mình

Trong việc phản biện cần phân biệt hai trường hợp: Một là phê bình góp ý trong phạm vi nội bộ, giữa chốn thân thiết, bạn bè. Hai là chỉ trích giữa phe phái đối lập.

Trong nội bộ, khi B góp ý phê bình A, cần phân biệt thái độ hai bên. Với B, nên dịu dàng, theo thuật “đắc nhân tâm”, nên làm cho A thông hiểu, B cần tự trách mình khi vội vàng dựa vào chứng cứ không đúng bản chất (một nửa sự thât nhiều khi là dối trá), vội vàng đưa ra kết luận hồ đồ

 

 Còn với A, thái độ phải ngược lại. Điều A cần là nội dung chứ không phải thái độ góp ý. Nếu B vừa mắng vừa chửi mà vạch ra được đúng chỗ sai thì A phải tiếp nhận và biết ơn. Như thế A mới là người có hiểu biết, có văn hóa. Nếu A đòi hỏi B phải lịch sự, dịu dàng khi phê phán mình thì A chỉ là hạng quá tầm thường, mồm nói cám ơn và sẽ tiếp thu, nhưng trong lòng chống lại.

Phản biện của đối lập, của người bất đồng chính kiến nặng về chỉ trích chứ không phải là kiểu góp ý nhẹ nhàng. Chỉ trích càng mạnh càng tốt. Quan trọng là những chỉ trích đó phản ảnh sự thật chứ không bịa đặt,

Về phê phán hoặc phản bin có câu rất hay như sau: Khi cố tình moi móc khuyết điểm của bạn bè, hàng xóm thì bạn là người có phẩm chất thấp kém. Nhưng khi bạn vạch ra được sai lầm của học thuyết hoặc của đường lối chính trị thì bạn là nhà triết học.

 

 

Ngụy biện 6-Nguyên tắc của Đảng

Nguyên tắc của Đảng là kiên định chủ nghĩa Mác Lê. Đó là cái Vòng kim cô kẹp chặt và bóp chết mọi sáng tao về chính trị.

Phản biện của trí thức chủ yếu vạch ra sai lầm của Mác Lê và đường lối của Đảng. Phản biện theo nguyên tắc của Đảng thì còn làm được cái gì.

 

 

Lời cuối

Ngụy biện là cách người ta dùng để đổi trắng thay đẹn. Đối với những người nhẹ dạ cả tin thì ngụy biện dễ phát huy tác dụng vì mới nghe qua thấy nó có lý. Để phát hiện ra ngụy biện thường không khó lắm khi nắm được phương pháp phân tích và đối chiếu, so sánh với thực tế. Để dễ bề dùng ngụy biện thì người ta tìm cách làm ngu dân và triệt hạ tầng lớp tinh hoa không chịu quỳ gối cúi đầu. Vì vậy xin hãy  cảnh giác, chớ bị nhầm lẫn, chớ bị lừa gạt

 


 

XIX-Ngụy biện về thép và cá


Vụ nhà máy thép của Formosa ở Hà Tĩnh xả chất thải làm hủy diệt gần như toàn bộ tôm cá ở biển miền Trung vào năm 216, bị lên án mạnh mẽ. Chu Xuân Phàm (đại diện của Formosa) đưa ra lời thách thức : “Dân miền Trung chọn sắt thép hay tôm cá”. Câu đó đã bị kịch liệt phê phán vì sự xấc láo, ngạo mạn. Ngoài ra nó còn ngụy biện trắng trợn. Formosa thuê đất để làm sắt thép. Toàn bộ sản phẩm làm ra là của Formosa, dân miền Trung có quyền gì mà chọn hay không chọn. Thế mà ngày 22 tháng 8 nhiều báo chí đưa tin về lời tuyên bố của ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Sau khi nhắc lại câu của Chu Xuân Phàm một cách không ngượng mồm, Bộ trưởng tuyên bố : « Miền Trung sẽ có cả thép, cả cá và biển an toàn ».

Trần Hồng Hà ngụy biện bằng cách đánh tráo khái niệm của vị ngữ ‘có’ trong lời tuyên bố. Ngụy biện ở hai dạng. Dạng 1- Khi cho rằng vị ngữ có là bao gồm cả quyền sở hữu thì Miền Trung không có quyền đó. Thép là tài sản của Formosa, miền Trung, dù là dân hay quan cũng không có quyền gì. Dạng 2- Khi cho rằng vị ngữ có là để chỉ trạng thái, rằng trên mãnh đất Miền Trung có tồn tại sản phẩm thép, không cần biết của ai. Lúc này là cách dùng chữ lập lờ để đánh lừa sự nhận thức. Như vậy là trên đất Miền Trung có thép nhưng cả quan và dân miền Trung chỉ có quyền nhìn thấy nó mà không có quyền dùng nó. Thế là có mà không có . Ngụy biện đến thế là cùng.

Trước đây nghe câu của Chu Xuân Phàm, một số người chỉ mới vạch ra sự láo xược mà bỏ qua sự ngụy biện, Nay nghe tuyên bố của ông Bộ trưởng mà không giữ im lặng được. Chỉ còn điều băn khoăn, không biết ông Bộ trưởng có tự nhận biết được sự ngụy biện của mình hay không. Nếu biết mà vẫn dùng thì phạm vào lỗi dối trá, lừa bịp, nếu không biết thì là do trình độ quá kém.

 


 

XX- Phản biện ý kiến về sách “Những lời trăng trối”


1-Giới thiệu

Năm 1991 triết gia, giáo sư Trần Đức Thảo được Nhà nước cho sang Pháp để làm một số việc được giao. Trong thời gian ở Pháp ông đã gặp vài người bạn, kể cho họ nghe những thăng trầm cuộc đời. Ông kể rằng trước đây ông là một người ủng hộ Chủ nghiã Mác, nhưng rồi sự thật phủ phàng đã làm ông phản tĩnh. Ông đang viết một quyển sách vạch ra những sai lầm của Mác một cách sâu sắc với những luận cứ triết học chắc chắn. Ông chưa viết xong thì bị đột tử.

Phan Ngọc Khuê đã thu băng và giữ lại được các buổi trò chuyện, dựa vào đó viết quyển sách “Trần Đức Thảo- Những lời trăng trối”. Sách được in và phát hành ở nước ngoài. Một số bản được lọt về trong nước.

Bên cạnh những ý kiến tán đồng, ca ngợi quyển sách thì cũng có ý kiên phản biện, trong đó đáng kể nhất là bài viết của Tiến sĩ luật Huy Hà. Sau khi đọc kỹ quyển sách và bài của TS Huy Hà tôi viết phản biện lại. Đây là phản biện của người thứ ba hay là phản biện lại bài phản biện.

2- Bài của TS Huy Hà

BẢO VỆ  ‘CON NGƯỜI THT’ CỦA NHÀ TRIẾT HỌC TRẦN ĐỨC THẢO

Tiến sĩ Huy Hà gửi cho BBC ( Tôi đã rút gọn và thay vài tên riêng).

Trước hết, bất cứ độc giả thông thường dễ dàng nhận thấy cuốn sách 'Trần Đức Thảo - Những lời trăn trối' không phải là hồi ký của Trần Đức Thảo. Đơn giản là đã gọi là 'hồi ký' thì phải có bản thảo của chính Trần Đức Thảo. Thế nhưng đã không có bất cứ bản thảo hồi ký nào của ông. Bản thân BBC Tiếng Việt cũng thừa nhận cuốn sách này chỉ là "ghi lại lời ông Trần Đức Thảo".

Tiếp đó, với tư cách là một người có quan hệ gần gũi với Trần Đức Thảo, tôi thấy cuốn sách 'Trần Đức Thảo - Những lời trăn trối' là một sự xuyên tạc có chủ ý triết gia duy nhất này của Việt Nam (tính đến thời điểm hiện tại), hơn thế nữa, được giới triết học quốc tế ngưỡng mộ.

Thời gian sống cùng Trần Đức Thảo

Thực vậy, tôi và vợ tôi,  đã có thời gian sống cùng Trần Đức Thảo tại Nhà khách Sứ quán Việt Nam ở Paris, số 2 Le Verrier, cho đến khi ông mất vào cuối tháng 4 năm 1993. Năm 1992, với tư cách cán bộ Bộ ngoại giao Việt Nam, tôi trở lại Paris để học tại Học viện quốc tế quản lý hành chính công (IIAP), trực thuộc Thủ tướng Pháp, nay là Trường quốc gia hành chính (ENA). Việc vợ chồng tôi thuê một phòng tại Nhà khách này không chỉ vì đó là nơi tôi đã ở trong lần du học trước đó mà còn vì cách trường có hai trăm mét, tại số 2 đại lộ l'Observatoire.

Ngay ngày đầu tiên tôi đã gặp Trần Đức Thảo. Số là tôi từ ngoài đường vào thì thấy một cụ già gầy gò, hai tai nút đầy bông, đang hổn hển kéo lên thang gác một xe đẩy nhỏ buộc một bịch nước đóng chai. Ngạc nhiên vì không thấy ai giúp ông, tôi liền nói: "Bác để cháu mang lên cho" và đưa bịch nước đó lên phòng của ông ở tầng 2.

Đó là một căn phòng bề bộn sách và bản thảo, đặc biệt là rất bẩn và hôi, bông dính mủ rải rác khắp nơi. Mọi chỉ dấu cho thấy chỉ có mình ông ở đây. Vẻ cảm động, ông hỏi tôi: "Cháu tên gì?".

Tôi trả lời: "Cháu tên Huy Hà" rồi hỏi lại: "Bác tên gì?". "Tôi là Trần Đức Thảo", ông rành mạch. Tôi sững người: "Trần Đức Thảo! Cháu đã nghe tiếng bác từ lâu. Bác là nhà triết học. Cháu còn biết bác là nạn nhân của vụ án 'Nhân văn Giai phẩm'. Bố cháu …, cậu cháu…. Các ông ấy nói nhiều về bác lắm".

Trần Đức Thảo nói ngay: "Ai chứ bố cậu và Xuân  thì tôi thân lắm" rồi hỏi thăm về bố tôi (Cậu Xuân  đã mất từ năm 1985). Sau này tôi mới biết là vào đầu năm 1991, ngay trước khi Trần Đức Thảo đi Pháp, bố tôi cùng chú ruột tôi …, Tiến sĩ triết học, Trưởng khoa của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh) và con chú tôi là Luật sư  Song Hà, đã đến thăm ông tại nhà ở 200 Đề Thám, TP Hồ Chí Minh. Nhân dịp này, bố tôi đã tặng ông bài thơ 'Gửi thế kỷ 20' với đề tặng "Kính tặng Anh Trần Đức Thảo, nhà triết học suy tư cùng thế kỷ".

Thế là tôi trở thành chỗ tin cậy của triết gia họ Trần không chỉ trong chuyện "hậu cần" mà còn cả trong những việc ông đang làm ở Paris. Ông cho tôi biết vì sao và bằng cách nào ông sang được Pháp.

Ông cũng chia sẻ với tôi những gì ông đã và đang làm và dự định của ông cho thời gian tới. Còn hiện tại, ông nhờ tôi bán những bản tóm tắt những đề tài triết học mà ông sẽ thuyết trình tại Nhà Việt Nam hay Đại học Paris 7 với giá 20 francs (hồi đó khoảng hơn 3 USD) một tập để có tiền sống qua ngày...

Trần Đức Thảo đã ký tặng tôi một bản như vậy. Chính qua những cuộc trò chuyện tay đôi với ông cả ở nhà lẫn trên đường phố mà tôi hiểu được khá cặn kẽ con người cũng như suy tư của ông. Khi nghe tôi kể về tình cảnh đến thảm thương cũng như dự định nghiên cứu của Trần Đức Thảo, Jean Dupèbe, Giáo sư của tôi tại Đại học Paris 7, cựu sinh viên Trường Sư phạm nơi Trần Đức Thảo đã từng học, kêu lên: "Trần Đức Thảo là thầy của tất cả chúng tôi, tại nước Pháp này! Tôi sẽ phải làm cái gì đó để giúp Giáo sư Thảo". Ngay sau đó, Jean Dupèbe đã vận động Hội cựu sinh viên Trường sư phạm lập ra một khoản trợ cấp cho ông.

Tóm lại, Trần Đức Thảo coi tôi như "thủ túc" của ông. Chị Hiền và bà Bích Hồng, cùng ở Nhà khách, là những người có mt khi ông hấp hối tại chính căn buồng của ông, thuật lại với vợ tôi: "Khi hấp hối, bác Thảo kêu: "Huy ơi, Huy ơi?" thì mọi người thưa rằng: "Huy đang đi thực tập ngoại giao tại Sénégal. sắp về rồi". Bác Thảo không nói gì nữa, rồi mất".

Trở lại cuốn sách 'Trần Đức Thảo - Những lời trăn trối', sách mô tả Trần Đức Thảo gọi người quản lý Nhà khách là "đồng chí Hào". Thế nhưng tên của người quản lý này là "Hảo". Chỉ riêng chi tiết này thôi cũng đã cho thấy cuốn sách là bất khả tín. Ngoài ra, cả tôi lẫn vợ tôi chưa từng nghe Trần Đức Thảo gọi ông Hảo hay bất cứ ai khác là "đồng chí" trên đất Paris này.

Về học thuật, Trần Đức Thảo là một nhà Marxist. Để khỏi chứng minh dài dòng, tôi lấy Trần Đức Thảo để định nghĩa Trần Đức Thảo.

Trong 'Tiểu sử Trần Đức Thảo' tự biên, ông viết: "Tháng 8 năm 1951 tôi công bố cuốn "Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng" do Nhà xuất bản Minh Tân phát hành. Cuốn sách này đánh dấu sự chuyển biến của tôi từ Hiện tượng học đến chủ nghĩa duy vật biện chứng. Trên thực tế tôi mới chỉ đạt tới ngưỡng cửa của Chủ nghĩa Mác. Tôi đã đi đến nhận biết được chân lý của những cơ sở lý luận của học thuyết duy vật biện chứng, nhưng chưa nắm được đầy đủ những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt là về chủ nghĩa duy vật lịch sử. Trong hành trình của tôi, tôi đã được đưa đến Chủ nghĩa Mác qua 2 con đường: Thứ nhất, đó là cuộc đấu tranh đòi tự do cho dân tộc dẫn đến chủ nghĩa xã hội; Thứ hai, việc nghiên cứu triết học và lịch sử triết học đã cho tôi thấy rằng chỉ có duy nhất Chủ nghĩa Mác-Lênin mới vạch ra con đường đúng đắn để giải quyết những vấn đề cơ bản về phần lý luận khoa học".

 

Trần Đức Thảo tán thành "chủ nghĩa xã hội"

Tóm lại, Trần Đức Thảo tán thành "chủ nghĩa xã hội" theo học thuyết Mác-Lênin và khẳng định cuộc đấu tranh đòi tự do cho dân tộc Việt Nam dẫn đến chủ nghĩa xã hội.

Còn sau đây là một số "quan điểm" của Trần Đức Thảo mà bài 'Trần Đức Thảo nghĩ gì về đế quốc và 30/04?' trích ra từ 'Trần Đức Thảo - Những lời trăn trối'.

-Ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, do Lênin tuỳ tiện khai triển tư tưởng Marx là phương cách giam hãm các dân tộc chư hầu của thời Sa hoàng vào trong một gông cùm kiểu mới, với cái tên đẹp hơn: "khối các nước xã hội chủ nghĩa anh em… Bắc Kinh cũng đối xử với Tây Tạng, với Triều Tiên, với cả ta, theo tâm thức bành trưởng đế quốc như thế, cũng dưới chiêu bài "khối các nước xã hội chủ nghĩa anh em", giữa hai "láng giềng hữu hảo, môi hở răng lạnh"!...

Hẳn để thuyết phục người đọc về tính xác thực của những "quan điểm" nêu trên, những quan điểm phủ nhận hoặc hoàn toàn lạ lẫm với sự theo đuổi chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa xã hội và cuộc đấu tranh đòi tự do cho dân tộc Việt Nam của Trần Đức Thảo được thể hiện qua các văn bản do chính ông công bố, Phan Ngọc Khuê vẫn trong cuốn sách này đã hơn một lần dẫn ra cái gọi là "tâm sự" của triết gia theo đó ông đang chú tâm hoàn tất một cuốn sách có tính "phản tỉnh".

-Ai cũng cần đọc sách này để thấy, để hiểu thảm hoạ đã đến với mỗi con người chúng ta như thế nào. Sách như thế thì làm sao có thể viết được ở quê nhà. Chúng nó thì đánh cho vỡ đầu ấy chứ! Ha! Ha! Ha…! Chừng nào cuốn sách của tôi được in ra thì tất cả những thắc mắc mà các bạn ở Paris này nêu ra từ trước tới nay sẽ được giải đáp cho bằng hết. Và tôi đang gấp rút biên soạn nó…

Vậy thì, nếu quả những "tâm sự" trên của Trần Đức Thảo mà Phan Ngọc Khuê "ghi lại" là có thật, thì trong di cảo của ông, nếu không có một bản thảo theo đúng nghĩa cho một cuốn sách "phản tỉnh" như vậy thì chí ít phải có bản thảo thể hiện không ít thì nhiều sự "phản tỉnh" ấy của ông. Thế nhưng thực tế cho thấy đã không có bất cứ bản thảo nào như vậy.

Thứ nhất, Trần Đức Thảo cho tôi  biết ông gửi lưu trữ một số bài viết của ông cho một cơ quan lưu trữ tại Paris (có trả phí bảo quản). Sau khi Trần Đức Thảo mất, cơ quan lưu trữ này gửi thư thông báo ông Thảo còn nợ một số tiền bảo quản tài liệu. Chính tôi đã thanh toán số tiền này và cơ quan lưu trữ đã gửi những bài viết của ông cho tôi. Những bài viết này của Trần Đức Thảo có một bản tiểu sử do ông tự biên soạn và vài bản thảo khác thuần túy triết học, không liên quan đến thời sự, càng không chứa đựng những quan điểm "phản tỉnh" như Phan Ngọc Khuê mô tả.

 

Trần Đức Thảo tán thành "chủ nghĩa xã hội" theo học thuyết Mác-Lênin và khẳng định cuộc đấu tranh đòi tự do cho dân tộc Việt Nam dẫn đến chủ nghĩa xã hội.

Thứ hai, bố tôi,  trong một chuyến công tác tại Pháp vào đầu năm 1993, có thăm Trần Đức Thảo ngay tại Nhà khách Sứ quán. Tại buổi gặp và trò chuyện này giữa hai ông, tôi đã có mặt và đã có chụp ảnh kỷ niệm (đăng kèm bài này). Ông Thảo đã không bày tỏ với bố tôi bất cứ quan điểm nào có tính "xét lại" chứ đừng nói gì đến "phản tỉnh" mặc dù hai ông rất thân tình với nhau. Sau khi Trần Đức Thảo mất, chính bố tôi là người đã đề xuất Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Độc lập cho ông và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện điều này trước khi tang lễ của ông được tổ chức.

Thứ ba, sau khi Trần Đức Thảo mất, sứ quán Việt Nam đã gửi toàn bộ tài liệu trong đó có các bản thảo của Trần Đức Thảo có trong buồng ông tại Nhà khách Sứ quán về Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Chú ruột tôi.... Tiến sĩ triết học Trưởng khoa của Học viện này (chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh) như trên đã nói, là người gần gũi với Trần Đức Thảo từ năm 1960, được giao toàn bộ tài liệu này để nghiên cứu. Ông đã cho tôi xem tất cả khối tài liệu này (mà một phần đáng kể là bằng tiếng Pháp) hiện lưu giữ tại nhà ông. Ông  cũng nhiều lần trao đổi với tôi về Trần Đức Thảo với mong muốn tôi hợp tác viết sách về nhà triết học Marxist này. Đã không một bản thảo nào trong số tài liệu đó thể hiện cách nhìn phủ nhận những gì Trần Đức Thảo đã viết và công bố.

Cho dù tôi không phải là người tán thành mọi quan điểm của Trần Đức Thảo nhưng tôi sẽ bảo vệ đến cùng con người vốn dĩ của ông.

 

3- Phản biện lại bài của TS Huy Hà

(Dưới đây là nội dung chính cùa bài ‘phản biện lại phản biện”)

TS Huy nêu một số dẫn chứng để  kết luận cuốn sách của tác giả Phan Ngọc Khuê  “Trần Đức Thảo - Những lời trăng trối”  là một sự xuyên tạc  triết gia duy nhất này của Việt Nam một cách có chủ ý”.

Nội dung chủ yếu của sách “Những lời trăng trối” cho rằng GS Trần Đức Thảo gần suốt đời tưởng là Mác đúng, việc xây dựng CNXH là hợp quy luật, nhưng cuối đời đã phản tỉnh, phát hiện ra Mác đã sai, CNXH là không tưởng, GS Thảo đang viết một cuốn sách chứng minh điều đó. Sách  chưa viết xong thì GS đột ngột qua đời.

TS Huyđã dựa vào những dẫn chứng sau để bác bỏ Phan Ngọc Khuê :

Dẫn chứng 1- TS Huy và cha ông, cậu ruột, chú ruột là chỗ thân tình với GS Thảo, Huy cùng vợ đã  có thời gian sống gần ông Thảo, ở cùng nhà tại Paris, thế mà cả 4 người chưa bao giờ nghe ông Thảo nói gì về sự phản tỉnh.

Dẫn chứng 2- TS Huy viết : “Chính qua những cuộc trò chuyện tay đôi với ông cả ở nhà lẫn trên đường phố mà tôi hiểu được khá cặn kẽ con người cũng như suy tư của ông” .GS  Thảo xem Huy như thủ túc , Ông cũng chia sẻ với Huy những gì đã và đang làm và dự định của ông cho thời gian tới.  Khi sắp lìa đời, ông còn gọi Huy ơi, Huy ơi.

3- GS Thảo  có gửi lưu trữ một số bài viết cho một cơ quan tại Paris và sau khi ông chết, sứ quán Việt Nam đã gửi toàn bộ tài liệu trong đó có các bản thảo của ông về nước. Trong 2 nguồn vừa kể không một bản thảo nào  thể hiện sự phản tỉnh, cho là Mác sai.

4-Tên của cán bộ ở nhà khách sứ quán là Hảo, nhưng sách của  ông Khuê gọi là Hào. TS Huy viết :” Chỉ riêng chi tiết này thôi cũng đã cho thấy cuốn sách là bất khả tín.”

5-TS  Huy dựa  vào “ Trần Đức Thảo- tiểu sử tự biên” để khẳng định GS Thảo là nhà Macxit chân chính.

6- Cuốn sách “ Những lời trăng trối” không phải Hồi ký mà chỉ là “ Ghi lại lời ông Trần Đức Thảo”

TS Huy kết luận : “Trần Đức Thảo tán thành "chủ nghĩa xã hội" theo học thuyết Mác-Lênin và khẳng định cuộc đấu tranh đòi tự do cho dân tộc Việt Nam dẫn đến chủ nghĩa xã hội”, đồng thời cho rằng sách của Phan Ngọc Khuê chứa nhiều xuyên tạc.

 

Theo tôi thì cả sáu dẫn chứng trên chưa đủ để rút ra kết luận gì cả, việc suy luận đã phạm vào một số lỗi về logic.

Dẫn chứng 1- Chưa nghe nói. Hai người, rất có thể là thân mật đấy nhưng chưa đủ độ tin cậy để nói một điều quá quan trọng. Chưa nghe A nói về B, không có nghĩa là A không nghĩ tới B. Vợ chồng, cha mẹ và con cái, là người nhà, rất thân nhau, nhưng có những chuyện người ta nói với bạn đáng tin, đáng gửi gắm, mà không nói vói người nhà. Về suy luận không thể dựa vào điều chưa biết để rút ra kết luận. Hơn nữa GS Thảo có thể cho rằng Huy và những người thân của Huy đang là cán bộ cấp cao của chế độ, không đáng tin để tâm sự về việc phản tĩnh.

Dẫn chứng 2-TS Huy đã hiểu tường tận về GS Thảo. Đây là một suy luận mang đầy tính chủ quan. A trao đổi với C , với V nhiều điều tâm sự, điều đó không thể cho rằng A đã nói mọi điều bí mật, mọi suy nghĩ thầm kín. Qua những cuộc trò chuyện tay đôi có thể hiểu được quan điểm của đối tác trong câu chuyện ấy  còn về chuyện khác thì chưa chắc.  Việc TS Huy  cho rằng đã hiểu được khá cặn kẽ con người cũng như suy tư của GS Thảo chỉ mới là phán đoán chủ quan. Đáng lẽ sau khi đọc Phan Ngọc Khuê, TS Huy nên kiểm tra lại phán đoán của mình thì đã vội làm ngược lại.

 3- Không tìm thấy lưu trử. Việc không tìm thấy tài liệu trong 2 nguồn lưu trữ chỉ mới là bằng chứng để nghi ngờ, chưa đủ bằng chứng để kết luận “Tài liệu có hay không”. Biết đâu ô Thảo chưa kịp gửi vào Lưu trử, biết đâu, theo một chỉ thị nào đó, tài liệu đã bị tách riêng, không nằm trong số được gửi về nước cho Học Viện chính trị quốc gia. (Nên nhớ chúng ta đang ở đâu và các mưu lược của nhà cầm quyền). Nghi ngờ là cần, nhưng muốn biết sự thật phải kiểm chứng. Từ nghi ngờ dẫn ngay đến kết luận là sai về phương pháp. Những người làm khoa học chân chính  không ai làm thế.

 4- Tên Hảo hay Hào. Sự nhầm lẫn này là quá nhỏ, có thể xẩy ra. Từ sự nhầm này mà cho rằng “ Cuốn sách của Phan Ngọc Khuê là bất khả tín”. Đó là một quy chụp quá nặng nề và không khoa học. Nếu để minh xác tên một tác giả, một nhân vật lịch sử  hoặc một tội phạm mà nhầm giữa Hảo và Hào là nguy hiểm, nhưng ở đây là về một con người có nhân thân và địa chỉ rõ ràng.

 5- Tiểu sử tự biện- Trước khi phản tỉnh, ô Thảo vẫn nhầm, tưởng là Mác đúng, ông tự cho mình là người Macxit. Dựa vào tài liệu viết ra trước lúc phản tỉnh để kết luận bản chất của người ta sau khi đã phản tỉnh là một cách “lập lờ đánh lận”, một trong những thủ đoạn ngụy biện.

 6- Không phải hồi ký- Có ai cho quyển “Những lời trăng trối” lŕ hồi ký đâu. Tác giả Phan Ngọc Khuê thuật lại cả quá trình trao đổi với GS Thảo và cam kết giữ lại các băng ghi âm làm chứng. Trong các luận cứ về tranh tụng thì lời tường thuật của đương sự vẫn được xem là một nguồn. TS Huy có quyền nghi ngờ thông tin do P N Khuê đưa ra và nếu muốn biết sự thật thì phải tìm cách kiểm chứng. Chỉ có những kiểm chứng chặt chẽ mới có cơ sở để kết luận thông tin do Phan Ngọc Khuê cung cấp là thật hay giả.

TS Huy khẳng định rằng TS Sẽ bảo vệ đến cùng con người vốn dĩ của ông Thảo”. Tôi rất hoan nghênh việc này, nhưng trước hết phải làm rõ “ con ngườiì vốn dĩ” như thế nào”. Tôi đề nghị TS hãy tìm cách liên lạc với ông Phan Ngọc Khuê, trao đổi chân thành. Nếu như TS khẳng định ông Khuê bịa đặt, xúc phạm đến thần tượng của minh, TS cần kiện ra tòa án ở Mỹ hoặc ở Pháp để được phân xử, còn không sẽ bị mang tiếng vu cáo, bôi nhọ ông Khuê.

Ngược lại, nếu những điều ông Khuê viết ra có đủ bằng chứng, thì bài báo của TS Vũ đã xúc phạm đến ông. Để thể hiện lòng chân thành và khoan dung ông Khuê nên liên lạc với TS Vũ để cung cấp thông tin. Nếu TS Vũ cứ khăng khăng bảo lưu ý kiến thì ông nên kiện ra tòa để đòi tôn trọng danh dự.

 Việc kiện này, dù ai là nguyên đơn, sẽ giúp hiểu đúng về nhà triết học Trần Đức Thảo. Ngoài ra nếu ông Khuê thắng kiện, làm rõ sự phản tỉnh của Trần Đức Thảo thì còn có đóng góp cho nhân dân Việt Nam và thế giới nhận thức về Chủ nghĩa Mác.


 

XXIII– Phản biện Quy định nêu gương

(tháng 4 năm 2019)

Bài này là phản biện kép, gồm bốn nội dung

1-Quy định về nêu gương

2-Phản biện lần một về văn bản quy định

3-Phê phán của Lê Thế Cương về bài phản biện lần một

4-Phản đối ý kiến của ông Cương

Như vậy là phản đi, phản lại rồi phản lại.


 1-Quy định nêu gương

 

Điều 1. Cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương.

 

Điều 2. Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện:

1. Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghiên cứu, nắm vững hệ thống các nguyên tắc cơ bản và kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có lập trường tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm. Chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch.

2. Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia - dân tộc và mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng. Không làm bất cứ việc gì có hại cho Đảng, cho đất nước và nhân dân. Lấy ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

3. Thực hành phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, hiệu quả; thực sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể. Chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác cải cách hành chính, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ.

4. Sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khi được phân công. Tâm huyết, tận tuỵ với công việc. Tích cực giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài; chủ động, kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống khẩn cấp, đột xuất, bất ngờ trong địa phương, lĩnh vực mình phụ trách.

5. Tích cực thực hiện quy định về phân cấp, phân quyền và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Chủ động thực hiện chủ trương thí điểm của Trung ương; khuyến khích mô hình, cách làm mới, hiệu quả. Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; tìm tòi, đổi mới, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ngành, lĩnh vực do mình phụ trách.

6. Giữ vững nguyên tắc, dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch trong công tác cán bộChăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ kế cận. Chủ động, tích cực phát hiện, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài, khát khao cống hiến. Bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp của Đảng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc.

7. Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Mẫu mực về đạo đức, lối sống. Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành.

8. Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ.

 

Điều 3. Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống:

1. Chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị. Lợi dụng tập thể để né tránh trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể thực hiện mục đích cá nhân. Nói không nhất quán, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít.

2. Độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân. Định kiến với người góp ý, phê bình. Trực tiếp, mượn danh hoặc cung cấp tài liệu cho người khác để nói, viết, đăng tin, bài sai sự thật nhằm đề cao tập thể, cá nhân mình hoặc hạ thấp uy tín của tập thể, cá nhân khác trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

3. Chủ trì tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách trái chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng hoặc gây thiệt hại đối với lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân.

4. Chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác cán bộ; đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhất là đối với người nhà, người thân.

5. Tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức; tặng quà, nhận quà vì vụ lợi. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đối với việc đề xuất, cho chủ trương, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, chỉ định thầu các dự án, đề án kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; đấu giá đất đai, tài sản nhà nước.

6. Lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực và thời gian làm việc. Tổ chức đoàn đi công tác ở trong và ngoài nước không đúng thành phần, thời gian và nội dung yêu cầu công việc. Sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa, lãng phí.

7. Lợi dụng doanh nghiệp hoặc để doanh nghiệp lợi dụng nhằm vụ lợi. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín để sử dụng, vay, mượn tiền, tài sản, phương tiện của tổ chức, cá nhân trái quy định.

8. Để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi. Để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.

 

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy định và định kỳ báo cáo Ban Chấp hành Trung ương. Các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các quy định nêu gương; gắn việc thực hiện Quy định với kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên và lấy phiếu tín nhiệm theo quy định. Kịp thời xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm để làm gương cho cấp dưới.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Quy định.

3. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Quy định này được phổ biến đến chi bộ.

 

 

 

2- Phản biện văn bản Quy định

 

Trước đây, về nêu gương  đã có Quy định số 101 ngày 7/6/2012 và số 55 ngày 19/12/2016.

Từ BCH TƯ khóa 10 trở về trước không thấy có QĐ nêu gương. Có lẽ những QĐ kiểu này là sản phẩm trí tuệ riêng của các lãnh đạo gần đây.

Sau khi Quy định số 08-QĐ/TW được ban hành, đã có nhiều  người hết lời ca tụng, tâng bốc.Trong khi đó Phạm Trần viết bài“Làm gương đầu voi đuôi chuột”  Danlambao, ngày 01/11/2018). Chắc cũng còn nhiều người biết và phê phán các khía cạnh khác nhau. Riêng tôi, sau khi đọc qua thì buồn cười và thấy được nỗi lo của lãnh đạo, sau khi xem kỹ lại phát hiện ra trình độ kém của người soạn văn bản, nên  viết phản biện này.

 

Nỗi lo của lãnh đạo ở chỗ thấy rõ và không còn giấu giếm được sự kém  phẩm chất của đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cấp cao. Thật đau đớn khi buộc phải nói ra, nhưng vì không còn cách gì giấu nổi. Toàn dân đã thấy rõ, biết rõ. Chỉ trong vòng 6 năm (2012-2018) phải lần lượt ra 3 QĐ về nêu gương.

Một số người cho rằng “Phẩm chất cán bộ bị giảm sút”. Giảm sút nghĩa là ban đầu đã có. Tôi nghi ngờ rằng ban đầu đã không có hoặc quá  kém. Đa số những cán bộ leo lên được cấp cao chủ  yếu nhờ vào thủ đoạn đu bám, nhờ mưu ma chước quỷ, nhờ thế lực, bè phái… chứ không nhờ vào thông minh, sáng tạo, trung thực, liêm khiết.

Trong ca dao có câu : Bầu ơi thương lấy bí cùng…Nhiều người  ca ngợi, cho rằng câu đó nói lên tình cảm thắm thiết, sâu đậm. Có ngờ đâu đó là một lời khuyên  nghe rất não lòng. Những QĐ về nêu gương cũng là những lời khuyên như thế. Nói theo kiểu  ông Trọng : Chất lượng của các loại Ủy viên kém đến thế nào mới phải ra QĐ về nêu gương chứ.

 

Trình độ kém của người soạn thảo thể hiện cả ở nội dung và cách thể hiện.  Trước hết, không tìm đúng  nguyên nhân cơ bản tạo ra tình trạng CB kém phẩm chất. Người ta cho rằng do một số người thoái hóa biến chất. Đó chỉ là sự vuốt đuôi. Thực ra nguyên nhân  cơ bản là đường lối của chuyên chính vô sản,  là sự sư thiếu dân chủ trong bầu cử nên đã không chon được người thực tài, liêm chính mà chọn nhầm những kẻ cơ hội.

Đã có rất nhiều văn bản về trách nhiệm, nghĩa vụ của đảng viên và cán bộ các cấp, về kỷ luật và những điều cấm. Tại sao không lo đôn đốc thực hiện mà lại làm thêm QĐ mới. Phải chăng làm thì khó, ra QĐ dễ hơn nhiều. Ra được một QĐ, chẳng biết nó hay dở thế nào, chỉ biết là đã có  cái để kể thành tích.

 

Không phải ra được một QĐ thì rồi cán bộủy viên các cấp sẽ tích cực nghiên cứu để thấm nhuần và thực hành nêu gương. Có ra thêm vài chục, vài trăm QĐ tương tự  mà không có thay đổi về bản chất thì  đâu vẫn hoàn đó.

Một số nội dung của QĐ số 08 là những điều để huấn luyện đối tượng kết nạp đảng  chứ không phải là bài học cho ủy viên  cấp cao, một số nội dung khác lại chứa đựng những điều phản tiến bộ (Phạm Trần cho là ‘trung thành với xác chết’)  hoặc là những khẩu hiệu rỗng tuếch. Những điều liên quan đến chức trách, quyền hạn  không có gì mới, đã được nêu ra trong các văn bản khác về xây dựng và kỷ luật đảng hoặc là những việc đương nhiên.

 

 

Việc ra QĐ với các nội dung “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”  ẩn chứa phong cách trịch thượng, thích dạy khôn cho người khác. Có biết đâu các loại ủy viên còn khôn hơn rận, sẽ nghĩ ra và dùng nhiều mưu ma chước quỷ để qua mặt mọi QĐ nêu gương.

 

Liệu rồi sau  QĐ số 08 của Đảng, Bộ giáo dục có học theo để ra QĐ nêu gương dùng cho các thầy cô, Bộ Văn hóa ra QĐ  nêu gương dùng cho ông bà cha mẹ. Ra những QĐ kiểu này chỉ làm tốn công sức, tốn thời gian, tốn giấy mực  chứ hiệu quả rất thấp, hại nhiều hơn lợi. Để kết thúc tôi mượn câu của Phạm Trần (bài đã dẫn): “Hay là người soạn thảo nghị quyết muốn làm trò cười cho thiên hạ mà không hay, hoặc cái đầu ông thật sự là “có vấn đề”.

 

Người ta làm một việc tốt là từ lương tâm, từ trách nhiệm, thế rồi những người khác có thể soi vào đó mà học, mà làm theo. Đó là việc noi gương và việc tốt đó có tác dụng nêu gương. Như vậy nêu gương là tác dụng phụ chứ không phải là mục đích chính. Làm một việc, nói một câu để người khác làm theo thường xảy ra trong dạy nghề, dạy cách nói chứ không phải trong công việc hàng ngày. Khi mà ai đó làm một việc, đã tự cho là cố ý làm việc tốt để nêu gương thì việc đó đã mất bớt đi ý nghĩa. Nếu làm việc để nhằm vào tác dụng nêu gương thì hỏng về nhận thức và đạo đức, vì họ sẽ không làm điều đó khi một mình, khi không có ai chứng kiến. Dạy cho người khác làm việc không phải vì lương tâm, không phải vì trách nhiệm mà để nêu gương thì đã quá sai về phương pháp.

 

3- Bài phản bác của Lê Thế Cương

 

Ngày 8/4/2019 Báo Công an nhân dân đăng bài “Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc quy định trách nhiệm nêu gương của Đảng”. Nội dung như sau:

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Lịch sử dân tộc trong suốt chiều dài xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gần thế kỷ qua, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố tiên quyết đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác, tiếp tục giành những thành quả quan trọng trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước.

 

Mặc dù vậy, với mục tiêu làm suy yếu, lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động không từ thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nào, trong đó phá hoại chủ trương, đường lối và mới đây là xuyên tạc Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

 

Cho dù là bất kỳ thể chế chính trị nào, đảng cầm quyền, đảng chính trị đều có phương thức lãnh đạo của mình. Đối với cách mạng nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo bằng cương lĩnh, chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy trình, lề lối làm việc, tác phong công tác… vận động, thuyết phục quần chúng thực hiện các nhiệm vụ cách mạng đề ra. Trong các hình thức, phương pháp đó, nêu gương là phương thức quan trọng.

 

Nói về vai trò nêu gương, chắc hẳn trong ký ức nhiều người dân đất Việt chúng ta còn văng vẳng lời mẹ ru câu đồng dao chất chứa điều răn mà cha ông đúc kết: “Người trên ở chẳng chính ngôi, khiến cho người dưới chúng tôi hỗn hào. Người trên ở chẳng được cao, khiến cho người dưới lộn nhào lên trên”. Hay như trong “Thập vương pháp” (Kinh tiểu bộ), Đức Phật cũng dạy người làm lãnh đạo: Khi chân chính, người khác cũng chân chính noi theo, cần sống có đạo đức, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân cho dân, cho nước, phải liêm khiết, nghiêm minh, chính trực, công bằng.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao: Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải làm đầu tàu, gương mẫu. Muốn làm gương mẫu thì điều quan trọng nhất tự mình nêu gương và giáo dục cho đảng viên, đoàn viên và quần chúng, cán bộ giữ gìn, phát triển đạo đức cách mạng”. Tất cả những điều ấy đều chính là nêu gương.

 

Trong giai đoạn hiện nay, nêu gương của cán bộ, đảng viên chính là một phương thức lãnh đạo của Đảng, đây là kết quả quá trình kế thừa giá trị đạo đức truyền thống mang đậm tính nhân văn, nhân bản của dân tộc Việt Nam. Trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhiều chiến sỹ cách mạng trung kiên, dù khó khăn, gian khổ vẫn chiến đấu, anh dũng hy sinh là những tấm gương để nhiều thế hệ noi theo “người trước ngã, người sau lên” cho dân tộc được độc lập, nhân dân được tự do.

 

Trong điều kiện hiện nay, đất nước được độc lập đi lên chủ nghĩa xã hội, sự nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên lại càng có vai trò ý nghĩa quan trọng. Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thông qua Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, là sự cần thiết, cấp bách để xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.

 

Xuyên tạc Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (Quy định số 08-QĐi/TW), các phần tử cơ hội chính trị cho rằng: Nêu gương là quy định không có tác dụng, nêu gương là mị dân và không cần thiết trong điều kiện tất cả đã có quy định.

 

Viết trên trang Báo Tiếng Dân (sau đó được các báo mạng hải ngoại, blog đăng lại), ông Nguyễn Đình Cống mới đây trong bài “Phản biện quy định nêu gương” xuyên tạc: “Người ta cho rằng do một số người thoái hoá biến chất. Đó chỉ là sự vuốt đuôi. Thực ra nguyên nhân  cơ bản là đường lối của chuyên chính vô sản,  là sự sư thiếu dân chủ trong bầu cử nên đã không chọn được người thực tài, liêm chính mà chọn nhầm những kẻ cơ hội.

Cũng dưới chiêu bài “trao đổi”, “phản biện” về Quy định trách nhiệm nêu gương, trên trang “Nghiên cứu Việt” và nhiều trang mạng hải ngoại, Facebook, trong bài viết “Trao đổi với Nhị Lê” ngày 27-3-2019, ông Cống suy diễn: “Tôi nghiên cứu kỹ nội dung Quy hoạch, rút ra nhận xét rằng nó có hững điều phản dân chủ, phản tiến bộ”...

 

Thủ đoạn của những luận điệu nêu trên là xuyên tạc Quy định trách nhiệm nêu gương của Đảng, cố tình hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng. Cho dù bằng nhiều cách diễn đạt khác nhau, song mục đích cuối cùng và không bao giờ thay đổi của thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị là nhằm hạ bệ nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin, là xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và thể chế chính trị ở Việt Nam.

 

Trên phương diện lý luận, thực tiễn dân chủ, nhân quyền là những giá trị tiến bộ mà nhân loại luôn hướng tới. Lịch sử các nền dân chủ trong tiến trình phát triển nhân loại bao giờ cũng gắn với một thể chế chính trị, một hình thái nhà nước nhất định.

 

Không có khái niệm dân chủ, nhân quyền chung chung như bọn chúng rêu rao. Hay nói cách khác, nếu không phải dân chủ xã hội chủ nghĩa, gắn với nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì đó là dân chủ tư sản, cổ vũ, hướng lái cách mạng Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa.

 

Là một trong những người xuyên tạc Quy định nêu gương mạnh mẽ nhất, Nguyễn Đình Cống là ai? Ông Nguyễn Đình Cống là giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo từng công tác tại Đại học Xây dựng. Ông là kỹ sư, chuyên nghiên cứu về bê tông và các lĩnh vực khác trong xây dựng, có đóng góp nhất định cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo trong lĩnh vực xây dựng.

 

Tuy nhiên sau khi về hưu, trong những năm qua, ông Nguyễn Đình Cống đã viết, phát tán nhiều bài viết trên các trang mạng hải ngoại, cá nhân núp bóng chiêu bài “phản biện” các chính sách đến trực tiếp chống đối Đảng, phê phán chủ nghĩa Mác - Lênin, kêu gọi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Trong dịp kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đảng (3-2-2016), ông ta đã tuyên bố từ bỏ Đảng. Trên website Nhân Văn Việt, ngay học trò của ông cũng phải chua xót về “vị giáo sư xưa và kẻ phản đảng hiện nay”.

 

Người học trò cũ cũng thất vọng “không hiểu vì sao mà người thầy xưa kia lại trở nên công khai chống Đảng, phủ nhận thành quả cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, xuyên tạc sự thật và trở thành kẻ vô ơn bạc nghĩa, làm mất đi hình ảnh người thầy ngày xưa”. Ông Nguyễn Đình Cống là một trong những tác giả của kiến nghị đòi "đổi tên đảng (không gọi là Đảng Cộng sản); đổi tên nước (không gọi là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa), từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin và CNXH.

 

Trong giai đoạn hiện nay, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập sâu rộng, hơn lúc nào hết để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng bằng nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị, sức chiến đấu của Đảng thì công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhân tố đặc biệt quan trọng, thường xuyên, liên tục.

 

Do vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi đây là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn với Đảng và chế độ, điều kiện tiên quyết để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Muốn vậy, Đảng phải thật sự trong sạch, vững mạnh, Đảng là đạo đức, là văn minh.

 

Chính vì lẽ đó, cụ thể hoá những quy định của Đảng, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, Đảng ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương, trên cơ sở đó để cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự rèn luyện, hoàn thiện mình, nhất là cán bộ cấp cao. Quy định được ban hành đến nay tuy thời gian chưa dài, xong cán bộ, đảng viên có những chuyển biến tích cực về trách nhiệm nêu gương, tạo hiệu ứng, lan toả sâu rộng trong toàn Đảng.

 

Rõ ràng luận điệu xuyên tạc về Quy định trách nhiệm nêu gương cần phải cảnh giác và đấu tranh.

 

4- Phản đối ý kiến của ông Lê Thế Cương

 

 Ông Cương viết bài “Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc quy định trách nhiệm nêu gương của Đảng nhằm phê phán tôi vì đã viết Phản biện QĐ nêu gương. Đáng ra tôi không quan tâm bài Cảnh giác…, một bài quá nghèo nàn về ý tưởng, chỉ quy chụp mà không phân tích hoặc chỉ nhắc lại những luận điệu cũ rích, nhàm chán. Tôi viết bài này không phải để trả lời hoặc trao đổi với ông Cương, mà là vạch ra những lỗi ngụy biện trong bài Cảnh giác để những ai quan tâm có thể tham khảo.

Bài Cảnh giác cho rằng tôi đã phạm tội “Xuyên tạc Quy định trách nhiệm nêu gương của Đảng”. Xin đọc lai nội dung QĐ 08 và bài Phản biện của tôi để chỉ ra xem tôi đã xuyên tạc chỗ nào. Viết như bài Cảnh giác… là đã vô tình hoặc cố ý ngụy biện bằng cách đánh tráo các khái niệm: Xuyên tạc và Phản biện, Nêu gương và Quy định về nêu gương.

Xuyên tạc là trình bày sai sự thật. Phản biện là đánh giá chất lượng (một công trình, một tác phẩm) nhằm chỉ ra chỗ đúng sai, hay dở. Nêu gương là tác dụng của hành động được người khác chú ý (trong Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên không có mục từ Nêu gương). Quy định về nêu gương là một văn bản kể ra các việc cần làm gương.

 

Trong bài Phản biện… tôi chỉ phản biện, không hề xuyên tạc. Tôi chỉ ra rằng : 1- Phải ra QĐ 08 vì phẩm chất cán bộ đã quá tệ. 2- Trình độ kém của người soạn thảo (do đó nội dung của văn bản cũng bị kém) 3-Tác dụng của QĐ là không đáng kể (Có ra thêm vài chục, vài trăm QĐ tương tự  mà không  thay đổi về bản chất thì  đâu vẫn hoàn đó).

Làm việc đúng với lương tâm, trách nhiệm là phẩm chất rất quan trọng, rất cần thiết đối với nhiều người, nó phải được dạy bảo, được hướng dẫn ngay từ trong giáo dục gia đình và nhà trường phổ thông, cần phải được xem xét, đánh giá khi bầu cử hoặc tuyển chọn người làm cán bộ. Cán bộ cấp cao thừa biết phải làm việc như thế nào. Biết nhưng không làm. Không làm không phải vì thiếu QĐ, mà vì lý do khác. Tôi viết không cần ra cái QĐ nêu gương chứ không bao giờ tôi viết không cần đến việc nêu gương. Tôi cho rằng ra QĐ nêu gương ẩn chứa phong cách trịch thượng, thích dạy khôn cho người khác.

Người ta lập luận, phải ra QĐ nêu gương vì phẩm chất cán bộ giảm sút quá nhiều. Phẩm chất kém, đó là sự thật, nhưng nguyên nhân tại đâu, có phải vì họ không biết cách nêu gương. Không phải. Đảng tìm ra nguyên nhân là do một số cán bộ thoái hóa biến chất. Tôi cho rằng đó không phải là đã chỉ ra nguyên nhân cơ bản, mà chỉ là hành động vuốt đuôi. Nguyên nhân cơ bản nằm trong Đường lối cán bộ, nằm trong Quy hoạch cán bộ chứa đựng một số nội dung phản tiến bộ và cách làm phản dân chủ.. Ở đây tôi không nhắc lại các chứng minh và chứng cứ (vì sẽ làm cho bài quá dài). Tôi sẵn sàng thuyết trình hoặc đối thoại với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào muốn biết rõ hơn các quan điểm mà tôi đã trình bày.

 

Bài Cảnh giác… viết: «Các phần tử cơ hội cho rằng Nêu gương  không có tác dụng, nêu gương là mị dân và không cần thiết”. Đó là lời vu cáo. Bài phản biện chỉ ra rằng: Cái không có tác dụng, cái không cần thiết là Văn bản QĐ 08 về nêu gương chứ không đả động gì đến “Việc nêu gương”. Sự vu cáo này có lẽ do trình độ thấp mà đã phạm vào ngụy biện đánh tráo khái niệm.

 

Ông Cương viết: “Song mục đích cuối cùng và không bao giờ thay đổi của thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị là nhằm hạ bệ nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin “.

Về Chủ nghĩa, có người theo và người chống. Người theo thì cho nó là chân lý, là ánh sáng, là kim chỉ nam, là nó sẽ mang lại hạnh phúc cho giai cấp vô sản v.v…, Người chống thì cho nó là trái quy luật, là chứa nhiều độc hại, là chủ yếu mang lại lợi quyền cho một số nhóm lợi ích nhờ độc tài toàn trị, còn đối với số đông nhân dân thì nó mang lại lợi ít hại nhiều.

Vậy thật ra thì Chủ nghĩa đúng sai, hay dở chỗ nào. Số người theo là khá đông, nhưng số người chống càng đông hơn. Số người theo tự cho mình là thành phần ưu tú nhất và chụp mũ cho những người chống lại là bọn thù địch, phản động. Số người chống tự cho mình là tiến bộ, có hiểu biết đúng đắn và phê phán người theo là bảo thủ, xơ cứng, là nô lệ cho ý thức hệ sai lầm. Trong số người theo có một số là ngu tín, ngu trung nhưng cũng có vô số bọn cơ hội lợi dụng Mác Lê để mưu lợi quyền cá nhân và phe nhóm.

Muốn biết đúng sai như thế nào cần có tranh luận hoặc đối thoại công khai với tự do ngôn luận, tự do báo chí. Ở nhiều nước việc này là bình thường và người dân có toàn quyền quyết định theo hay không thông qua lá phiếu bầu cử. Ở VN không có chuyện đó. Chỉ nghe tuyên truyền một chiều thì làm sao biết được sự thật. Tôi cho rằng khá đông người theo Mác Lê ở VN hiện nay đã bị nhồi sọ, tin theo một chiều, tự bưng tai, tự bịt mắt, tự hạn chế sự suy nghĩ để trở thành nô lệ cho ý thức hệ đã hủ lậu mà không tự biết.

Bài Cảnh giác nêu nhận xét về tôi: Người học trò cũ cũng thất vọng “không hiểu vì sao mà người thầy xưa kia lại trở nên công khai chống Đảng. ..xuyên tạc sự thật và trở thành kẻ vô ơn bạc nghĩa, làm mất đi hình ảnh người thầy ngày xưa”.

Đây là một thủ đoạn về tâm lý. Có gì đâu mà không hiểu. Không hiểu chỉ vì cố tình không suy nghĩ, không chịu tìm biết những lời giải thích. Tôi chỉ công khai từ bỏ Đảng chứ không công khai chống Đảng. Từ bỏ Đảng vì tôi thấy rõ nhiều độc hại của Mác Lê trong khi Đảng kiên trì nó. Tôi đã viết nhiều góp ý với Đảng nhưng đều không được trả lời.

Tôi viết nhiều bài, công khai chứng minh rằng Chủ nghĩa Mác Lê, ngay từ gốc đã không phù hợp quy luật, đã phạm phải những dối trá trong tiên đề, đã dùng thủ đoạn ngụy biện tinh vi (duy vật biện chứng) nhằm mê hoặc những người có trình độ chưa đủ cao để phát hiện ra bản chất. Tôi chứng minh rằng Chủ nghĩa Mác Lê là một phần tạo nên những thảm họa của dân tộc Việt hiện nay. Tôi viết nhiều bài phản biện các điều luật, các nghị quyết, các quy định, các báo cáo của nhiều cấp lãnh đạo.

Ông Cương cho rằng tôi đã “xuyên tạc sự thật”. Tôi thách ông Cương và mọi nhà lý luận, mọi dư luận viên của Đảng tìm và chỉ ra những điều tôi đã xuyên tạc sự thật. Trong những bài tôi viết có một số điều ngược lại với tuyên giáo của Đảng. Tuyên giáo nói A, tôi nói B, mà B ngược lại với A. Trong 2 bên có ít nhất 1 bên nói sai. Bên đó là tôi hay là Tuyên giáo. Để biết sự thật cần đối thoại công khai, cần nghe từ nhiều phía chứ không nên chỉ nghe 1 bên.

Lấy thí dụ: Đã trên 70 năm, toàn dân Việt và Thế giới được tuyên truyền rằng: Tháng 8 năm 1945 Việt Minh đã đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập. Nhiều người đã công nhận. Nhưng tôi nói ngược lại, rằng: Vào tháng 8 năm 1945 Việt Minh chỉ cướp chính quyền chứ không đánh Pháp, không đuổi Nhật. Lịch sử sẽ phán xét ai nói đúng, ai xuyên tạc.

 

Cuối bài, ông Cương viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi đây (công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng) là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn với Đảng và chế độ, điều kiện tiên quyết để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Muốn vậy, Đảng phải thật sự trong sạch, vững mạnh, Đảng là đạo đức, là văn minh.

 

Tôi không phản bác việc xây dựng, chỉnh đốn để Đảng thật sự trong sạch vững mạnh. Nhưng tôi phản biện, cho rằng việc ra các Nghị quyết, các Quy định như thời gian vừa qua là rất ít tác dụng. Muốn xây dựng Đảng thật sự trong sach, vững mạnh cần phải dùng các biện pháp khác hiệu quả hơn. Tôi đã viết một số bài về các biện pháp đó, nhưng hình như các nhà lãnh đạo, nhà lý luận, nhà trí thức, nhà tổ chức của Đảng không quan tâm đến.

 Về mệnh để Đảng là đạo đức, là văn minh. Đó là một mong ước của Hồ Chí Minh chứ không phải là thực tế. Nếu Đảng là trong sạch, văn minh thì cần gì ra Quyết định chỉnh đốn và nêu gươg Ừ thì Đảng trong sach vững mạnh sẽ có tác dụng tốt đối với sự phát triển của đất nước, nhưng cho rằng nó là Điều kiện tiên quyết để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì đó chỉ là nhận thức tầm thường của những kẻ cuồng tín vào Đảng. (ngày 25/4/2019)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét