Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2024

HỌC LÀM PHẢN BIỆN ( Nguyễn Đình Cống ) – 3 -

 ( Tiếp theo )



B.MỘT SỐ BÀI PHẢN BIỆN

Trong lúc còn công tác tôi đã được mời làm phản biện khá nhiều luận án, luận văn và các công trình nghiên cứu khoa học. Đó là làm theo nhiệm vụ. Từ khi về hưu tôi mới bắt đầu học và viết phản biện theo ý muốn. Hình như trong tiên thiên của tôi đã có hạt giống phản biện nhưng nó ngủ yên, chỉ đến khi gặp môi trường thuận lợi nó mới nẩy mầm và phát triển..

 Vào tháng 11 năm 2005 trường Đại học Xây dựng dính vào một sự cố. Báo Thanh niên đăng bài của phóng viên Vũ Cô : “Chuyện buồn của một ông tiến si”. Bài báo lên án lãnh đạo nhà trường đã đi xử bất công với tiến sĩ Trần Đức, không cho ông làm giảng dạy và nghiên cứu mà lại bắt đi làm việc kiểm tra các lớp học hàng ngày, đếm số sinh viên trong từng lớp. Bài báo đã tạo nên một phản ứng mạnh trong xã hội. Nhiều báo hàng ngày cùng nhau ném đá tới tấp, phê phán trường ĐHXD, cho rằng lãnh đạo trường đã nêu một thí dụ rất xấu về lãng phí chất xám, về trù dập trí thức. Cán bộ và sinh viên của trường, những người biết rõ sự thật của việc này vô cùng bức xúc.

Chủ nhiêm khoa Lê Ngọc Hồng viết bài thanh minh, kêu gọi mọi người bình tĩnh tìm hiểu đúng sự thật. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng viết bài giải thích với những lời lẽ chưa đủ sức thuyết phục. Các bài đó chưa đáp ứng được mong đợi của cán bộ và sinh viên.

Tôi được một số thầy cô giáo khuyến khích viết một bài tranh luận cho ra nhẽ. Đem ý đó bàn với vài người bạn, tôi nhận được lời khuyên không nên dây vào làm gì. Họ tưởng rằng tôi sẽ tranh luận với phóng viên. Nhưng không phải, tôi chủ trương không tranh luận với ai cả. Vì thế tôi viết bài gửi cho báo Thanh niên yêu cầu đăng. Nhưng họ đã không đăng. Tôi đành phải công bố trên các phương tiện khác. Bài của tôi đã được cán bộ trong trường đánh giá đạt yêu cầu. Những người bạn trước đây khuyên tôi đừng dây vào cũng tán thành cách viết.

Từ đó tôi cảm nhận được khả năng phản biện của mình và bắt đầu viết những bài phản biện theo ý muốn. Đó là khi tiếp nhận được những văn bản, những ý kiến mà tôi thấy được chỗ nhầm lẫn hoặc ngụy biện. Cũng là nhờ việc tôi đã nghiên cứu và giảng dạy môn “Phương pháp luận nghiên cứu khoa học” cho các nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ, cho các lớp cao học. Tôi đã viết sách v Phương pháp luận nghiên cứu khoa học và sáng tạo để giảng dạy tại các lớp trên đại học (NXB Khoa học và Kỹ thuật- 2012).

Cho đến nay, trong vòng mười năm tôi đã viết và đăng trênFacebook cá nhân và một số báo mạng hàng trăm bài chính luận, với nhiều chục bài phản biện về các chủ đề khác nhau, trong đó có những bài đụng đến các vấn đề gay cấn hoăc nhạy cảm. Những bài đó được nhiều người quan tâm, nhưng không được đưa vào sách này.

Dưới đây tôi chỉ chọn ramột số bài viết về các vấn đề thông thường, nhằm giới thiệu các thí dụ về cách viết phản biện chứ không nhằm mục đíchtrình bày nội dung vấn đề cần phản biện.

                  I-Phản biện một bài của Báo Thanh niên

                                    (Viết vào tháng 12 năm 2005)


1-Tóm lược bài của Báo Thanh niên

Tên bài: Chuyện buồn của một ông tiến sĩ.

Thời gian: Khoảng đầu tháng 11 năm 2005. (không nhớ rõ ngày).

(Khi định đưa bài phản biện vào sách này tôi đã bỏ nhiều công để tìm lại bài báo, nhưng không tìm được. Chỉ xin tóm lược nội dung theo trí nhớ).

 

Tác giả là Vũ Cô, phóng viên, hàng xóm của ông tiến sĩ Trần Đức. Qua câu chuyện kể của ông Trần mà Vũ biết như sau: Ông từng là Phó giáo sư ở trường Đại học Xây dựng. Hai năm trước ông được nhận sang Ucraina làm và bảo vệ học vị Tiến sĩ khoa học, cao hơn tiến sĩ bình thường. Khi trở lại nhận công tác ở Đại học Xây dựng, lãnh đạo trường không bố trí ông làm giảng dạy theo nguyện vọng và khả năng mà bắt ông làm Trưởng ban Thanh tra đào tạo. Hàng ngày ông tự đi kiểm tra các lớp xem các thầy dạy có đúng thời khóa biểu không, sinh viên đi học có đông đủ không.

Khi Vũ Cô tỏ ra thông cảm với ông và bất bình đối với lãnh đạo nhà trường, thổ lộ sẽ viết bài phê phán thì ông Trần ngăn lại, nói rằng không nên viết ra những chuyện như vậy vì ông muốn bảo vệ uy tín cho Trường. Tuy thế, không theo được yêu cầu của ông Trần, phóng viên cứ viết bài đăng báo. Kết luận của bài báo là Trường Đại học Xây dựng đã nêu một thí dụ rất xấu về lãng phí chất xám.

 

 

 

2-Phản biện bài báo (dưới dạng thư gửi ông Tổng biên tâp)

Thưa ông.

Tôi là môt giáo sư trường Đại học Xây dựng, sinh năm 1937. Tôi viết thư này mong trao đổi một vài ý kiến về câu chuyện liên quan đến PGS-TSKH Trần Đức mà bản báo quan tâm và đã gây ra dư luận xôn xao trong cả nước. Riêng ở Đại học Xây dựng, nhiều người, đặc biệt là các giáo sư, cho rằng bài báo “Chuyện buồn của một ông tiến sĩ” của Vũ Cô đăng báo Thanh Niên là một sự hấp tấp không đáng có. Nhận định trong bài báo: “Trường Đại học Xây dựng là một ví dụ xấu về tình trạng lãng phí chất xám…” là một nhận định hồ đồ, sai lầm mang tính bịa đặt.

Ý kiến của tôi gồm ba vấn đề: -Ông Trần Đức ở Đại học Xây dng, - Về bài báo của Vũ Cô, - Đề nghị với Báo Thanh niên.

1-Ông Trần Đức ở Đại học Xây dng

Trước khi nghỉ hưu tôi là Chủ nhiệm khoa, là cấp trên của Bộ môn Sức bền vật liệu, nơi quản lý trực tiếp ông Trần trước đây. Đã nhiều lần tôi nghe cán bộ và sinh viên phản ảnh, phàn nàn về một số phát ngôn và việc làm của ông không phù hợp với vai trò người thầy và môi trường sư phạm. Tôi cũng đã vài lần gặp ông, nghe trình bày, trao đổi ý kiến và giúp đỡ ông trong một số việc. Tôi nhận xét ông là người có một ít khả năng trong nghiên cứu lý thuyết, biết cách tạo lập quan hệ với một số cơ sở nghiên cứu ở nước ngoài, nhưng ông có một số nhược điểm như không có quan hệ, không hợp tác với đội ngũ khoa học trong trường, không có được tín nhiệm của tập thể bộ môn.

Thời gian đầu những nhược điểm của ông Trần chưa thể hiện rõ ràng. Mọi người ít để ý đến. Ông có một vài bài báo khoa học được công bố, được bầu là Phó giáo sư. Nhưng từ sau khi có chức danh đó thì ông càng ngày càng bộc lộ nhược điểm đến mức nhiều cán bộ trong bộ môn thấy rất khó chịu. Ngoài ra một số người còn nhận thấy ở ông một vài biểu hiện thiếu thận trọng trong khoa học.

Để làm một người thầy thì ngoài kiến thức chuyên môn còn rất cần năng lực sư phạm, đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy dùng ông làm người nghiên cứu lý thuyết thì được, còn làm thầy giáo là có phần gượng ép.

Công tác giữa chừng thì ông xin được sang Ucraina làm và bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học. Khi trở về lại Đại học Xây dựng, Bộ môn cũ đã từ chối tiếp nhận ông. Tôi không hề ngạc nhiên khi nhận thông tin này.

    Lãnh đạo trường đã gợi ý ông chọn bộ môn khác hoặc chuyển sang trường khác nhưng ông đã không làm và đề nghị tạm bố trí công tác. Trường có Ban thanh tra đào tạo, trước đấy do giáo sư Dương Học Hải  làm Trưởng ban. Nay GS Hải đã nghỉ hưu, chưa có ai thay, nên lãnh đạo tạm giao cho ông Trần. Làm Trưởng ban, nghĩa là làm lãnh đạo công tác thanh tra. Đáng ra ông chủ yếu ngồi tại văn phòng, nhận và xử lý thông tin. Việc đi kiểm tra trực tiếp các lớp học đã có nhân viên là giáo vụ các khoa, chỉ thỉnh thoảng và khi rất cầnTrưởng ban mới phải đến tận một lớp nào đó. Thế mà ông không biết làm công việc của mình, lại muốn tỏ ra có quyền lực nên hàng ngày đi khắp các lớp. Không có ai buộc Trưởng ban thanh tra đào tạo phải hàng ngàyđi đếm số lượng sinh viên.

      Có vài lần tôi viết nhận xét cho ông Trần để ông xin Bộ Giáo dục đi dự hội thảo khoa học ở nước ngoài. Để giúp ông tôi chỉ nhận xét những mặt tt, có khi còn hơi quá một chút. Phải chăng tôi đã phạm sai lầm.

       Ông có bằng Tiến sĩ khoa học, nhưng tài năng đến đâu, trong lĩnh vực nào còn cần xem xét. Ở nước ta hiện nay người có năng lực ứng với bằng cấp là hơi ít. Một người có thực tài thường chủ động và sáng tạo trong mọi công việc. Chưa ai thấy ông có một sáng kiến cải tiến hoặc hoạt động nào đem lại hiệu quả cho một việc quan trọng là thanh tra đào tạo.

Ông Trần có bằng TSKH, có chức danh PGS, nhưng ở trường Đại học cũng như nhiều cơ quan chuyên môn khác người ta quen nhìn nhận cán bộ theo năng lực thực sự, còn danh vị và bằng cấp chỉ để giới thiệu khi  thật cần mà thôi.

    Để chứng minh ông Trần có tài, báo Thanh niên đưa ra lời của Phó Chủ tịch Hội đồng chấm luận án đánh giá công trình của ông. Chúng tôi, những giáo sư đã từng chấm hàng chục luận án tiến sĩ nhận thấy rằng, giữa lời đánh giá luận án và khả năng thực của một người có khoảng cách, có khi khá xa. Vậy không thể dùng đánh giá luận án để thay cho đánh giá con người. Mà cũng lạ, khắp thế giới Hội đồng chấm lun án chỉ có Chủ tịch, không có Phó Chủ tịch. Không biết từ đâu mà ở Ucraina lại có chức đó. Thật hay giả?.

Ông Trần cho rằng không được làm giảng dạy thì tài năng sẽ bị thui chột theo năm tháng. Đó là suy nghĩ tầm thường, nói cho những người bình thưng nghe. Hỏi có ai ngăn cản được một người có tài tự nghiên cứu.

2-Về bài báo của Vũ Cô

Những hiện tượng liên quan đến ông Trần có một phần là sự thật, đó là một số biểu hiện bề ngoài. Còn những phần khác của sự thật chưa được đề cập tới, mà đó mới là phần chứa đựng bản chất. Phóng viên Vũ Cô đã dựa vào một vài luận cứ thô thiển và thiếu sót để suy luận, rồi đưa ra kết luận hàm hồ rằng trường Đại học Xây dựng lãng phí chất xám. Vũ Cô đã phạm vào lỗi ngụy biện, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho uy tín của Trường.

Vũ Cô và Báo Thanh niên nhân sự việc ông Trần, muốn đưa ra hiện tượng lãng phí chất xám để cảnh tỉnh xã hội. Ý đồ có thể tt, nhưng cách làm sai vì quá vội vàng. Mà đàng sau sự vội vàng ấy liệu có ẩn chưa một ý đồ thiếu trong sáng nào đó hay không. Sẽ là đúng phương pháp hơn khi phóng viên chịu khó điều tra thêm từ cán bộ và sinh viên của trường. Ý đồ dù có tốt mà cách làm sai thì hành động tích cực càng gây ra hậu quả xấu cho mọi phía. Còn nếu ý đồ không trong sáng thì hậu quả càng nặng nề.

      Vũ Cô tưởng nhầm rằng bài báo của mình đề cao được ông Trần, giúp ông thực hiện được mong muốn, nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại. Vũ Cô viết rằng ông Trần không muốn đưa sự việc lên báo vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của trường. Tôi cho rằng ông còn sợ một điều khác lớn hơn, quan trọng hơn là phần còn lại của sự thật sẽ có người đem ra công luận. Thế mà Vũ Cô không biết cho nỗi sợ đó và không lường trước được tác hại do mình gây nên. Bài báo đã đặt ông Trần vào thế rất khó xử ở Đại học Xây dựng. Về việc này ông Tổng biên tập cần nghiêm túc và thận trọng xem xét lại.

3-Đề nghị với Báo Thanh niên

Khi Báo tự tin rằng động cơ và việc làm của mình là đúng, là tốt thì nên tiếp tục giúp đỡ ông Trần bằng cách giới thiệu cho công luận biết rõ tài năng của ông một cách cụ thể hơn để các cơ sở khoa học hoặc sản xuất đến ký hợp đồng hoặc nhận ông làm cán bộ, tạo cho ông điều kiện phát triển tài năng. Tôi đã hỏi lãnh đạo Trường Đại học Xây dựng, họ sẵn sàng để ông chuyển công tác khỏi trường. Nhưng sẽ thiết thực hơn khi giúp được ông Trần biết tự đánh giá mình một cách đúng đắn, tránh được hoang tưởng, lúc đó ông mới có thể đóng góp gì đó cho xã hội.


 

II –Phản biện vài thành ngữ hoặc câu nói, câu chuyện nổi tiếng

Có một số thành ngữ hoặc câu nói nổi tiếng được dùng khá phổ biến. Nhiều người tưởng nhầm đó là chân lý hoặc có độ chính xác khá cao, có thể dùng cho mọi người, mọi lúc, mọi nơi. Thực ra chúng chỉ đúng được một phần nào đó hoặc có những ý không chính xác. Tôi phân tích, chỉ ra những điều đó, hy vọng có thể gợi ý cho những ai quan tâm.


1-Thành ngữGần mực thì đen

Thành ngữ trên được diễn thành bài ca dao:

Thói thường gần mực thì đen.

Anh em bạn hữu phải nên chọn người.

Những người lêu lổng chơi bời.

Cùng làlười biếng ta thời tránh xa.

Một số thành ngữ tương tự: Ở với bầu thì tròn, ở với ống thì dài, Đáo giang tùy khúc nhập gia tùy tục.

Những thành ngữ vừa kể xét quan hệ giữa chủ thể là ta và khách thể (mực, bầu, ống, giang, gia). Ở đây khách thể giữ chủ động, tạo ảnh hưởng, còn chủ thể bị độngvà biến đổi theo (thì đen, thì tròn, thì dài, tùy khúc, tùy tục). Những thành ngữ này chỉ đúng cho một số chủ thể nào đó, là những người kém bảnlĩnh, thường quen với sự lệ thuộc vào khách quan hoặc là những người “khôn ranh”, luôn lựa theo hoàn cảnh.

Thông thường không chơi với bạn xấu, sợ bị ảnh hưởng, việc giúp các bạn ấy sửa chữa tính cách đã có người khác. Vậy nếu ta có bản lĩnh, có thể chơi với bạn để giúp họ tốt lên hay không. Nên lắm chứ, đặc biệt khi người bạn đó, ngoài vài tính cách xấu còn có một số mặt tốt mà mình có thể học được.

Tôi có người bạn, có kinh nghiệm sống với hàng xóm từng bị nhiều người xa lánh. Năm 1975, lúc Trường Đại học Xây dựng đóng ở Hương Canh, anh ấy rất ngại ở nhà tập thể “tranh tre nứa lá” nên muốn mua một nhà trong xóm dân để gia đình đông người ở riêng.Tìm được một nhà ở xóm Ngoại Trạch, khá gần trường. Nhiều bạn bè biết tin ra sức can ngăn, vì xung quanh nhà ấy có vài gia đình thuộc loại “bất hảo”, thường xuyên gây sự to tiếng với nhau, mất đoàn kết. Ban đầu anh rất băn khoăn, nhưng rồi đọc được đoạn Khổng Tử trả lời học tṛ có ư như sau: “Trong một xóm làng có những thói quen xấu, khi có người chính trực đến ở, người đó có thể giúp xóm làng cải biến được”. Anh tự tin mua nhà và dọn đến ở. Kết quả, bằng lòng tốt, việc thiện, nhường nhịn, anh đã cảm hóa được các gia đính xung quanh, tạo được sự đoàn kết, thân ái.Như thế là gần mực nên đã làm cho nó bớt đen, chứ không bị nhiễm màu đen của nó.

2-Thành ngữ “Suy bụng ta ra bụng người”

Dù rằng bụng ta chứa điều ác, điều xấu, tham lam, ích kỷ hoặc chứa điều thiện, điều tốt mà suy cho người thì chỉ đúng cho vài đối tượng này hoặc đối tượng kia mà thôi.

Trong suy luận quy nạp thì đây thuộc lỗi “Khái quát hóa vội vàng”, không thể đem áp dụng rộng rãi, tùy tiện.

Bụng ta là của ta, bụng người là của người. trong hai bụng ấy có vài điểm giống nhau nhưng có vô số điểm khác nhau. Vậy suy bụng ta ra bụng người chỉ là trường hợp cá biệt chứ không phải phổ biến. Nếu cứ máy móc áp dụng cho mọi hoàn cảnh, mọi người thì rồi có lúc bị hố to. Suy bụng ta ra bụng người chủ yếu là để nhận xét một sự việc đã xảy ra chứ không nên là một phán đoán kết quả.Vậy bụng ta như thế thì có khả năng bụng một vài người nào đó cũng như thể chứ không phải bụng mọi người đều như thế.

3-Chuyện Sơn tinh Thủy tinh

Lại nghe trong thủa LạcHùng
Mịchâu có ả tưphong khác thường,
Gần xa nức tiếng cungtrang.
Thừalong ai kẻ đông sàng sánh vai?
Bỗng đàu vừa thấy hai người,
Một Sơn tinh với một loài Thủy tinh,
Cầu hôn đều gửi tấc thành,
Hùng vương mới phán sự tình một hai.
Sính nghi ước kịp ngày mai,
Ai mau chân trước, định lời hứaanh.
Trống lầu vừa mới tan canh,
Kiệu hoa đã thấy Sơn tinh chực ngoài.
Ước sao lại cứ như lời,
Xe loan trăm cỗ đưa người nghigia.
Cung đàn tiếng địch xaxa,
Vui về non Tản, oán ra bể Tần.
Thủy tinh lỡ bưởc chậm chân,
Đùng đùng nổi giận, đem ân làm thù.
Mưa tuôn gió thổi mịtmù,
Ào ào rừng nọ, ù ù núi kia,
Sơn thần h
óa phép cũng ghê,
Lưới giăng dòng Nhị, ph
ên che non Đoài.
Núi cao sông cũng còn dài,
Năm năm báo oán, đời đời đánh nhau.

Người ta có ý trách cứ Thủy tinh và ca ngợicuộc chiến đấu của Sơn tinh  mà lờ đi chuyện “Thiên vị” trong việc Hùng Vương đặt điều kiện cho “Sinh nghi ước kịp ngày mai”. Những thứ như voi chin ngà, gà chin cựa, ngựa chin hồng mao thì Sơn tinh có thể kiếm được ngay còn Thủy tinh xem như đã bị loại. Sự thiên vị phải chăng đã tồn tại lâu dài trong đầu của những người có quyền thế.

Hùng vương có quyền đòi sính lễ theo ý muốn hoặc chọn ngay Sơn tinh mà từ chối Thủy tinh. Như thế mới là minh bạch. Còn bày chuyện thi tài hoặc nêu điều kiện có tính thiên vị thì không nên. Đã bày ra chuyện thi tài hoặc đấu thầu thì điều kiện phải thật sự công bằng, không được thiên vị.

4- Câu ca dao: “Bầu ơi…”

Bầu ơi thương lấy bí cùng.

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Và :

Nhiễu điều phủ lấy giá gương.

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Nhiều người viện dẫn các câu đó để minh chứng cho tình cảm Đồng bào, biết yêu thương và đùm bọc nhau.

Hình như không phải thế mà đây là những lời kêu gọi khi người ta thấy “Tình thương cần có” cúa đồng bào đã bị sứt mẻ, đã bị kém đi. Nó thể hiện ở cụm từ “thương lấy” và “phải thương”. Khi một người cha hoặc mẹ thấy các con thương yêu nhau thì không cần phài dạy “Anh chị em chúng mày phải thương yêu nhau”.

Mà hình như lời kêu gọi có vẻ thống thiết.

 

 

5-Câu “Quạ xứ nào cũng đen…”

Câu “Quạ xứ nào cũng đen, địa chủ xứ nào cũng gian ác” được phổ biến rất rộng rãi trong Cải cách ruộng đất.Thực tế không hoàn toàn đúng như thế. Đây là cách ngụy biện bằng so sánh khập khiểng, dùng hiện tượng tự nhiên áp đặt cho nhân sinh. Địa chủ có kẻ gian ác, nhưng cũng có những người nhân hậu, tử tế.

Câu trên do một kẻ quyền thế và kém trí tuệ ở Trung quốc đưa ra, dạy cho lãnh đạo của Việt Nam để họ dạy lại cho dân Việt nhằm khoét sâu hận thù giai cấp. Lãnh đạo học được rồi ra sức truyền bá cho nông dân thông qua các đội cải cách. Văn nghệ sĩ, trí thức thi nhau nói theo, phổ biến, ca ngợi, vì nói khác đi sẽ bị quy kết và bị đấu tố.

 

6- Nếu bạn bắn vào quá khứ

“Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác” (Câu này của A butalip., nhà thơ Đaghestan)

Câu trên được nhiều người dùng, nhưng nó mắc phải một lỗi về logic mà ít người nhận thấy. Phải chăng ý muốn sâu xa cho rằng bạn không nên bắn váo quá khứ và tương lai thông minh hơn bạn. Cứ tạm xem bạn, quá khứ, tương lai là một thế kỷ thì suy ra:Thế kỷ 19 (bạn) bắn vào quá khứ là thế kỷ 18 bằng súng lục thì tương lai là thế kỷ 20 sẽ bản vào 19 bằng đại bác. Tiếp tục như vậy thì 21 thả bom vào 20 và rồi 22 sẽ dùng vũ khí hạt nhân.

Thế thì tương lai ngu hơn hiện tại chứ có phải thông minh hơn đâu.Kiểu suy luận như vậy là nhằm khoét sâu hận thù chứ không phải khuyên khích lòng độ lượng. Tưởng rằng nói một câu thông minh, để đời, nhưng tự phản lại mình mà không biêt

7- Đừng hỏi Tổ quốc

Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay. Đó là một câu trong bài hát Khát vọng tuổi trẻ mà tác giả Vũ Hoàng sáng tác vào khoảng năm 1995.

Câu hát đó được cho là lấy từ lời tổng thống Mỹ John F. Kennedy phát biểu trong bài diễn văn nhậm chức năm 1961: “Đừng hỏi Tổ quốc có thể làm gì cho bạn; hãy hỏi bạn có thể làm gì cho Tổ quốc”.

Đoạn sau của câu là đúng, nhưng đoạn đầu có chỗ chưa chính xác.

Câu này phạm một lỗi logic là lập lờ, đánh tráo khái niệm, nhưng được nhiều người ca ngợi. Lãnh đạo lớn tuổi dùng để răn dạy thanh niên, các bạn trẻ dùng để tự động viên và thể hiện mình.

Tổ quốc là một khái niệm trừu tượng, nó tồn tại trong nhận thức mỗi người. Tổ quốc là một hình tượng để mọi người yêu mến, tôn thờ. Tổ quốc không hề làm gí cho bất kỳ ai, không thể trả lời cho bất kỳ ai. Hỏi Tổ quốc là câu hỏi vô nghĩa. Thế thì hỏi ai? Ai mới có thể làm gì cho bạn hoặc trả lời bạn? Đó là Chính quyền hoặc cụ thể hơn là những người nắm quyền hành nhà nước.

Trong câu có hai từ Tổ quốc thì từ trước đã bị đánh tráo khái niệm. Khi ai đó dùng câu này để khuyên bảo thanh niên thì họ đã vô tình đồng nhất những người đứng đầu nhà nước với Tổ quốc (để đặt câu hỏi).

8- Là người tôi sẽ chết cho quê hương

Đó là lời trong bài hát “Tự nguyện”. Nó nói lên tinh thần dám hy sinh của các bạn trẻ, nhưng trong đó chứa đựng sự huênh hoang không phải cách.

Chết vì quê hương là sự hy sinh cao cả, nhưng là bất đắc dĩ, không ai muốn. Khi quê hương bị xâm phạm thì cần chiến đấu bảo vệ nó. Sự hy sinh là khó tránh, không phải là điều mong muốn. Đáng ra nên viết: “Là người tôi sẽ chiến đấu để bảo vệ quê hương, dù có phải chết cũng vui lòng” hoặc: “Nếu phải chết tôi chọn cái chết để bảo vệ quê hương”.

Chết để bảo vệ quê hương là sự hy sinh đáng tôn trọng, nhưng đáng mong ước hơn là sống để góp phần xây dựng quê hương.

Xin hỏi: Quê hương cần gì ở bạn. Rất cần bạn góp phần bảo vệ và kiến thiết. Điều đó cần bạn có sức lực, trí tuệ và tinh thần. Nếu quê hương bị xâm phạm, bạn có thể chiến đấu và bị hy sinh. Đó là sự hy sinh cao cả, nhưng không ai mong đợi. Bạn chiến đấu dũng cảm, lập công và trở về nguyên vẹn để tiếp tục đóng góp trong xây dựng hòa bình mới là điều quý, đáng mong đợi. Bao nhiêu người anh hùng đã như thế. Nếu nói rằng khi quê hương cần sự hy sinh thì tôi xin sẵn sàng và vui vẻ đón nhận thì nghe đúng đạo lý hơn.

Là người tôi sẽ chết cho quê hương. Nghe nó anh hùng quá. Phải chăng là sự bốc đồng trong chốc lát. Sẽ có người cho rằng đó chỉ là một câu hát, phân tích mà làm gì. Tuy là câu hát, câu thơ nhưng cũng nên tránh sự diễn đạt bốc đồng như vậy. Và xin hỏi khi bạn viết câu đó, hát câu đó có một chút nào thật lòng hay không. 

9- Cá không ăn muối

Cá không ăn muối cá ươn

Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư

Đã rất nhiều bậc cha mẹ vận dụng châm ngôn gần như đã thành nguyên lý đó để dạy con, tạo ra những thế hệ con cháu đáng tin cậy nối nghiệp tiền nhân. Tuy vây cũng đã gặp không ít những trường hợp ngược lại. Đó là khi con cưỡng lại cha mẹ thì sẽ thành đạt, còn nếu răm rắp nghe theo cha mẹ thì sẽ trở thành những kẻ ở dưới đáy của xã hội. Đó là khi cha mẹ không lương thiện hoặc không biết dạy con đúng phương pháp, Những đứa trẻ có sẵn bản lĩnh mạnh mẽ từ trong bào thai, từ lúc mới sinh thường có tính cách tự chủ rất sớm, không chấp nhận những lời dạy bảo áp đặt mà thích làm theo ý của mình. Những trẻ như thế bị cho là không ngoan, khó dạy, dàm cưỡng lời cha mẹ. Gặp những trẻ như vây cha mẹ nên vui mừng ví chúng có bản lĩnh, có nhiều khả năng trở thành những người lớn có nội lực vững vàng. Đừng vội vận dụng câu ca dao “cá không ăn muôi…” để đưa ra nhận xét và dùng biện pháp áp đặt thô bạo mà cần tìm biện pháp hướng dẫn thích hợp trên cơ sở khuyến khích trẻ tìm tòi, khám phá những hoạt động hợp đạo lý.

10- Câu “Chớ nghe họ nói…”

Chớ nghe họ nói, hãy xem việc họ làm. Câu này vốn tồn tại trong dân gian từ lâu, được nhiều người nói lại. Đoạn sau là đúng, nhưng đoạn trước không chính xác.

 Câu sau đây do Tiền nhân để lại và lưu truyền rộng rãi: “Ông Thánh nói trăm câu có thể có câu sai, người điên nói trăm câu có thể có câu đúng”. Trong kinh Kalama Đức Phật cũng dạy, đại ý là chớ vội tin vào những điều họ nói, bất kể họ là ai. Như vậy cần nói rằng “Chớ vội tin điều họ nói” chứ không nên cho là “Chớ nghe lời họ nói”. Nếu không nghe, không đem đối chiếu với thực tế thì làm sao biết điều nào họ nói sai. Lỡ ra trong những điều họ nói có điều đúng thì sao. Phát biểu rằng “chớ nghe lời họ nói “ là một cách phủ định toàn bộ, thiếu khoa học, không phù hợp đạo lý. Nên chữa lại câu trên thành: Chớ vội tin điều họ nói, hãy xem kỹ việc họ làm.

11- Bạn của bạn là ai

 Hãy cho Tôi biết bạn của Bạn là ai, Tôi sẽ cho biết Bạn là người như thế nào (Chú ý phân biệt Bạn- ngôi hứ hai, và bạn- ngôi thứ ba.

Câu ngạn ngữ của Anh nói lên khả năng phán đoán khi không dựa vào các biểu hiện trực tiếp mà có thể dựa vào biểu hiện gián tiếp. Phán đoán về một con người thì tốt nhất, đáng tin cậy nhất là dựa trực tiếp vào những việc làm, những phát ngôn và tướng mạo của họ, hoặc dựa vào thời điểm lúc họ sinh ra (xem tử vi, tứ trụ, hà lạc). Chỉ khi nào không thể dựa vào trực tiếp mới cần dựa vào gián tiếp là những người bạn của họ mà mình biết khá rõ. Còn khi mình chỉ biết qua về bạn của họ thì làm sao mà phán đoán được, trừ phi có tài thánh.

Còn khi Tôi vừa biết Bạn, vừa biết thêm những người bạn của Bạn mà đưa ra phán đoán về Bạn thì lại là chuyện khác.

Câu ngạn ngữ quá ngắn gọn, đáng ra phải thêm hai điều kiện và phát biểu như sau : “Tôi chưa biết gì về Bạn, hãy cho tôi biết bạn của Bạn là ai trong số người tôi từng quen biết, Tôi sẽ đoán được Bạn là người như thế nào”.

Hai điều vừa trình bày (Tôi không biết gì về Bạn và Tôi quen biết bạn của Bạn) phải được hiểu đúng, nếu không thì chỉ là bốc phét. Mà phần lớn những người nói câu trên cũng chỉ là hạng bốc phét. Thực tế thì mỗi người tự biết mình, cần gì phải có người nói cho biết mình là người như thế nào, trừ trường hợp xem bói để biết một việc gì đó..

Ông An kể chuyện sau: Một hôm ông được nghe ông Ba nói câu ngạn ngữ trên. Ông An gặp riêng ông Ba, khen ông ta quá giỏi và kể ra tên năm người bạn để nhờ đoán xem ông An là người như thế nào. Ông Ba bảo rằng không hề biết cả năm người. Thế là rõ.  Trong yêu cầu chỉ nêu; “bạn của Bạn là ai” chứ không có yêu cầu phải biết rõ những người ấy, mà làm sao để ông An nắm được là ông Bađã biết những ai là bạn ông An. Phải chăng ông An kể ra một người rồi hỏi xem ông Ba có biết người đó hay không.

 

 

 

 

 

 

III-Phản biện sách Sức mạnh của cái đúng

(tháng 4 năm 2018)


1-Giới thiệu

Đó là quyển sách của ông Nguyễn Trần Bạt (1946-2020). Sách được nhiều người đánh giá cao.

Trong vài chục năm (cuối thế kỷ 20, đầu 21) Nguyễn Trần Bạt nổi lên như một trí thức làm kinh tế rất thành đạt. Ông sinh tại Nghệ An, năm 1963 vào quân đội, năm 1973 tốt nghiệp Đại học Xây dựng. Năm 1984 thôi việc nhà nước, năm 1989 thành lập Công ty tư vấn về đầu tư và chuyển giao công nghệ- InvestConsult Group. Hiện nay Công ty hoạt động trên nhiều nước, có doanh thu nhiều triệu đô la mỗi năm. Ông Bạt là người nổi tiếng trong các lĩnh vực: doanh nhân, luật sư, nhà tư vấn, học giả. Ngoài thành tích về kinh tế, ông được giới trẻ rất hâm mộ vì những buổi nói chuyện, trả lời phỏng vấn và in hơn chục quyển sách về rất nhiều vấn đề nhằm hướng dẫn, động viên thanh niên trên con đường lập nghiệp.

Tôi kính phục kiến thức, ý chí, quan hệ và sự đóng góp của ông Bạt. Tôi đã từng say sưa đọc các sách của ông bàn về  văn hóa, con người, tri thức, kinh tế, đạo đức, tự do, dân chủ,  khoa học, giáo dục, cải cách v.v…  và công nhận rằng sách của ông đã giúp tôi hệ thống hóa một số suy nghĩ còn rời rạc, giúp phát hiện một vài nhận thức mới. Thế nhưng gần đây đọc sách “ SỨC MẠNH CỦA CÁI ĐÚNG”, NXB Hội nhà văn- 2018, tôi gặp một vài quan điểm khó chấp nhận, liên quan đến chính trị, thời cuộc. Những vấn đề này không mới, chắc rằng có xuất hiện trong những sách tôi đã đọc, nhưng trước đây  tôi không để ý.

Ông Bạt luôn nhận mình “Không phải là người đối lập. Khi viết sách ông chủ trương vì sự tiến bộ, vì trăn trở với tương lai đất nước, làm hết mình để giải độc cho thế hệ trẻ v.v”….Nhưng tôi nhận thấy trong sách ông có vài điểm bất đồng, đó là nhận thức về Mác, về cách mạng, về vai trò của trí thức và vài điều lẻ tẻ. Tôi xin nêu ra một cách vắn tắt để những ai quan tâm có thể tham khảo và thảo luận. Riêng với ông Bạt, nếu ông vui lòng  chấp nhận trao đổi kỹ hơn, tôi xin sẵn sàng gặp trực tiếp để nói chuyện như giữa những người bạn.

Trong các phản biện dưới đây tôi có trích vài câu trong sách “ Sức mạnh của cái đúng”, con số đặt trong ngoặc (…) ghí số trang có câu được trích.

2-Về lý thuyết của Mác

Ông Bạt tỏ ra một lòng tin vào Mác Ông nhận xét “Chủ nghĩa Mác hấp dẫn ở phương pháp luận của nhận thức (386)”. Về vấn đề này ông còn viết : “ Tôi có hai hệ thống tín hiệu để suy nghĩ tạo cảm hứng. Một là luận lý biện chứng của Mác và hai là logic.(187)”.

Rất nhiều người cũng một thời được hấp dẫn bởi những lập luận rất hay, rất chặt chẽ của Mác, nhưng rồi đã phát hiện ra một số nhầm lẫn trong đó. Luận lý ông Bạt nói đến, theo cách hiểu thông thường gồm Luận cứ, Luận chứng và Luận đề. Dựa vào luận cứ, dùng luận chứng để  chứng minh nhằm rút ra kết luận, là luận đề. Lập luận rất hay, rất chặt chẽ, rất hấp dẫn của Mác nằm ở phần luận chứng, ông Bạt cũng ca ngợi Mác trong phần luận chứng. Còn những người phát hiện ra nhầm lẫn là thiếu sót hoặc nhầm trong luận cứ.

 Ông Bạt viết : “Mác là nhà triết học xây dựng được hệ thống tư tưởng toàn diện và chắc chắn đến mức  những ai trở thành đệ tử của nó đều không ra khỏi nó được.(362). Và : “ Trần Đức Thảo  là người rất mê Marxist…(386)”. Viết như thế phải chăng là chủ quan vì có thể dẫn ra nhiều người nổi tiếng trong nước và trên thế giới đã từng say mê Mác, nhưng rồi đã phát hiện ra một số nhầm của ông trong việc sử dụng luận cứ.

Ông Bạt cho rằng ông đã thành công lớn trong việc giải thích Mác khi viết : “Nhiều anh em nói với tôi rằng họ đọc nhiều về Mác, nhưng cũng không hiểu lắm, đến khi họ đọc những phân tích của tôi về Mác là họ hiểu ra ngay.” Ông còn viết : “Chúng ta còn cái vướng là chưa Việt hóa được cả các nguyên lý của  CNML…( 25)”.

Viết rằng chưa Việt hóa được các nguyên lý của CNML liệu có quá coi thường các nhà lý luận của Việt Nam đang giảng dạy và nghiên cứu ở các Học viện chính trị cao cấp.

Đọc những lời của ông Bạt ca ngợi Mác tôi hơi ngờ ngợ. Phải chăng ông thật lòng, phải chăng ông đã nghiên cứu rất kỹ và có niềm tin sắt đá vào Mác hay là cũng chỉ nói theo dư luận chính thống.

Tôi là một trong những người có nghi ngờ một số điểm trong lý thuyết của Mác. Tôi có đề nghị được trao đổi với ông Bạt, để nghe ông giải thích, may ra tôi thấy được những chỗ sai của mình, nhưng không được ông nhận lời, chắc là ông bận quá nhiều việc. Thật đáng tiếc.

Phải chăng ông Bạt đã phần nào biết được những thiếu sótcủa Mác, nhưng vì một lý do nào đó mà chưa tiện nói ra. Hoặc giả ông cho rằng: “Trong mọi xã hội đều tồn tại tầng lớp dưới thấp kém, nghèo đói, luôn có nguy cơ trở thành giai cấp vô sản, cho nên CN Mác vẫn có giá trị, nó chính là công cụ triết học của tầng lớp dưới (363)”.

Ông Bạt  chủ trương viết sách vì sự tiến bộ và giải độc cho thế hệ trẻ. Không rõ ông quan niệm thế hệ trẻ đang bị đầu độc và ông giải độccho họ như thế nào. Tôi cũng có ý định đó và tìm xem có thể tham khảo được gì, nhưng tìm  mà chưa thấy.

3- Về trí thức

Bàn về trí thức VN,  có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, khen chê đủ cả. Văn bản chính thức có NQ 27-NQTƯ tháng 8 năm 2008  về xây dựng đội ngũ trí thức. Trong năm 2018 nhiều tổ chức của Đảng mở hội thảo đánh giá 10 năm thực hiện NQ 27. Tôi có một số ý kiến phản biện NQ này, nhưng ở đây chỉ xin bàn đến vài ý kiến trong sách của Nguyễn Trần Bạt.

Ông Bạt cho rằng  quan trọng phải có tiêu chuẩn để nhận diện trí thức, vì nếu tiêu chuẩn không rõ ràng thì: “tức là cổ vũ cho một bộ phận trí thức nhạy cảm và đủ năng lực để biến hình, biến màu, trở thành kẻ cơ hội sớm nhất và giỏi nhất. Những người cầm quyền  nếu không đủ tinh khôn, không đủ kinh nghiệm sẽ rất dễ nhầm lẫn những kẻ đội lốt trí thức với trí thức chân chính (350)”.

Trong đoạn vừa trích có 3 loại trí thức : Trí thức chân chính, trí thức nhạy cảm (thiếu chân chính) và kẻ đội lốt trí thức (trí thức dổm hoặc kém chất lượng). Ông Bạt đưa ra tiêu chuẩn để nhận diện trí thức là “Tính độc lập” (351), thể hiện trên 4 khía cạnh. Độc lập đối với nhau tạo nên sáng tạo, tranh luận. Độc lập với nhà cầm quyền tạo nên phản biện. Đối lập với văn hóa ngoại lai tạo nên sự lựa chọn. Độc lập, đối diện với quá khứ tạo ra động lực của sự phát triển và năng lực phỏng đoán tương lai.

Tôi không phản bác những ý kiến trên, chỉ bổ sung vài ý. Ông Bạt cho rằng những người cầm quyền nếu không đủ tinh khôn…, tôi lại thấy hiện nay lắm kẻ cầm quyền thừa ranh ma, lắm thủ đoạn tạo ra và sử dụng trí thức dổm. Ông Bạt cho rằng cần dựa vào tính độc lập…, tôi thấy đó chỉ mới là một phần trong điều kiện đủ, trong đó còn cần thêm sự trung thực. Ngoài ra còn điều kiện cần mà chủ yếu là khả năng trí tuệ. Bốn tiêu chuẩn độc lập ông bạt nêu ra chỉ là phụ.

Ông Bạt viết: “ Trí thức là những người chịu trách nhiệm lớn nhất  đối với sự phát triển, đối với vận mệnh của dân tộc (354)…,Việc tạo ra cuộc cách mạng là của giới chính trị, nhưng hàn gắn vết nứt của CM để tạo ra sự đồng thuận xã hội là việc của giới trí thức (13)…Phát triển gắn liền với việc tìm kiếm ra phương thức thay đổi một cách từ tốn tất cả các nhược điểm của một nến chính trị. Đấy là công việc của giới trí thức (20)…”.. Việc giới trí thức có và cần đóng góp vào các công việc vừa kể là  đúng, nhưng cho rằng đó là trách nhiệm chính của họ là không chuẩn. Nếu trí thức phải gánh phần trách nhiệm chính thì phải chăng chính quyền, lãnh đạo chỉ chịu trách nhiệm phụ hoặc phối hợp mà thôi. Không!. Trách nhiệm chính phải là của chính quyền, của lãnh đạo. Sự đóng góp của trí thức chỉ là phần quan trọng.

 Ông Bạt có nhận xét: Làm giàu kho trí tuệ của dân tộc là nhiệm vụ của giới trí thức, còn lựa chọn cái gì trong đó để đưa ra dùng là nhiệm vụ của giới chính trị (359). Đúng ra, lựa chọn cái gì là nhiệm vụ của giới chính trị cầm quyền. Giới này mới chịu trách nhiệm chính. Khi cho rằng trách nhiệm chính thuộc về trí thức là đã làm nghiêng lệch vai trò của họ.

Khi đưa ra khẩu hiệu : “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, có người đã bình luận: Thế chính quyền và lãnh đạo làm gì, phải chăng là ngồi chơi, xơi nước.

4- Bình luận

Trong quyển sách Sức mạnh của cái đúng, ngoài các điều đã trình bày ở các mục trên, tôi còn phát hiện một số chi tiết bất đồng khác, chưa viết ra đây. Ngoài ra tôi cũng biết có vài người phản biện ông Bạt. Phạm Hồng Sơn nhận xét: Đọc Nguyễn Trần Bạt  xen kẽ những điểm tích cực, có lợi cho xã hội và người dân là những ý kiến, quan điểm không đúng, nguy hiểm cho tiến bộ xã hội hiện nay. Ví dụ quan điểm của ông về Nhà nước toàn trị, về nhân quyền, về chỗ đứng của Nghiên cứu khoa học xã hội.(bài: Hơn hai sai lầm nguy hiểm của ông Nguyễn Trần Bạt- trang Ba Sàmngày 4/ 9 , 2012). Trung Nguyễn viết bài “Phản hồi Nguyễn Trần Bạt về hòa giải và hòa hợp” , đăng Báo Tiếng Dân ngày 15/5/2018),

Nguyễn Trần Bạt, ngoài doanh nhân thành đạt còn là một học giả nổi tiếng, có rất nhiều người hâm mộ, đặc biệt là các bạn trẻ. Ông nói rằng“Phương châm của ông khi viết là trong sáng, tốt đẹp. Thế nhưng sao lại có những phản biện không mong muốn. Tôi chép lại nhận xét của Phạm Hồng Sơn: “Đọc Nguyễn Trần Bạt  xen kẽ những điểm tích cực, có lợi cho xã hội và người dân là những ý kiến, quan điểm không đúng, nguy hiểm cho tiến bộ xã hội hiện nay”. Xin bổ sung rằng phần tích cực, có lợi chiếm trên 95%, phần nguy hiểm chỉ là số ít và rải rác, nhưng gây tác dụng không nhỏ. Trong rất đông người  hâm mộ ông Bạt liệu đã có mấy ai phát hiện ra các quan điểm mà phản biện cho là không đúng, nguy hiểm. Phản biện cho là không đúng, nhưng bản thân ông Bạt thì sao. Ông có thực sự tin những điều viết ra là hoàn toàn đúng, là kết quả của sự chiêm nghiệm sâu sắc, là xuất phát từ trái tim, hay là ông viết như vậy vì một áp lực  nào đấy về tâm lý.

Nếu như ông Bạt từ trong sâu thẳm của tâm hồn, từ nhận thức chính xác, chặt chẽ, đã qua thử thách  mà cho rằng Mác đúng, thì đó là quyền cá nhân của ông, xin được tôn trọng. Chỉ muốn cảnh báo để ông biết, có những phản biện không đồng tình, cho rằng nó nguy hiểm cho tiến bộ xã hội. Những điều đó nếu do tuyên giáo của Đảng phổ biến thì người ta cho là chuyện bình thường, nhưng khi do học giả nổi tiếng Nguyễn Trần Bạt nói ra thì tác dụng sẽ khác. Vừa tác động trực tiếp đến người nghe, người đọc, vừa làm luận cứ cho những người khác.

Về áp lực tâm lý. Tôi không phải nhà kinh doanh nên không dám nói đã hiểu hết những áp lực mà nhà kinh doanh phải chịu, đặc biệt là đối với những nhà kinh doanh lớn, trong phạm vi rộng như ông Bạt. Trường hợp ông Bạt chịu áp lực tâm lý mà buộc lòng phải ca ngợi Mác thì vừa đáng trách, vừa đáng thương. Chắc ông nghĩ rằng công việc tư vấn của công ty ông  đang làm mang lại nhiều lợi ích cho đất nước, muốn làm được trôi chảy phải  không được có ý gì phê phán Mác

Từ chỗ không phê phán đến chỗ ca ngợi là khá xa. Thấy điều sai trái, bạn có chống lại được hay không, chống lại đến mức nào là tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh của bạn. Nếu vì hoàn cảnh mà buộc phải chấp nhận sự sai trái thì cũng đành chấp nhận một cách vui vẻ, im lặng, nhưng đừng ca ngợi. Ca ngợi một điều mà minh đang nghi ngờ là thiếu trung thực

5- Lời cuối

Nhân chuyện ông Bạt tôi cứ lan man nghĩ về nghề tư vấn. Trong xã hội VN trước đây, ở đâu cũng có một số người làm tư vấn và môi giới về hôn nhân, gọi là Làm Mai (mai mối), một mặt họ được xem như Nguyệt Lão xe tơ hồng, mặt khác bị liệt vảo 1 trong 4 thứ ngu (Thế gian có 4 thứ ngu. Làm Mai, gánh nợ, bẫy cu, cầm chầu). Rồi khi các dịch cụ công và tư phát triển thì sinh ra lắm loại “cò” khắp các nơi, trong mọi lĩnh vực. Cò là dạng tư vấn cấp thấp, bình dân, sống nhờ vào việc khai thác thông tin và quan hệ, nhờ chủ yếu vào khách hàng không nắm được thông tin chính xác, hoặc muốn nhanh chóng. Công ty tư vấn xuyên quốc gia cũng hoạt động dựa vào khai thác thông tin và quan hệ. Khách hàng càng sộp và càng ngu dốt thì tư vấn càng kiếm được nhiều lợi lộc. Mà theo Brzezinski thì lãnh đạo cộng sản có nhược điểm lớn là kém trí tuệ. Hỏi những ai đã tư vấn cho CSVN  làm các dự án  thiệt hại nhiều trăm ngàn tỷ, gây nên hủy hoại môi trường, phá nát đất nước.

Ông Bạt là ngôi sao sáng trong hoạt động tư vấn, nhưng ông thu hút được nhiều người hâm mộ chủ yếu là nhờ con người học giả. Ở VN cũng có một vài học giả, về tri thức ngang tầm hoặc trên tầm ông Bạt, nhưng tiếng nói của ông Bạt hơn hẳn họ vì ông có sự thành đạt về kinh tế bảo lãnh. Miệng người sang có gang có thép.

Tôi là một người hâm mộ ông Bạt, xin có vài lời tâm sự với các bạn hâm mộ khác. Trong các bài nói hoặc viết của ông Bạt mà nhiều người thấy “Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” thì cũng đã có những phản biện, vạch ra sự nguy hiểm cho tiến bộ xã hội. Vậy khi đọc, khi nghe ông Bạt chúng ta nên để ý, xem xét, đối chiếu để chỉ tiếp thu những điều hay và ngăn ngừa được những độc hại lẫn vào.Xin chớ vội cho rằng ông Bạt nói, viết cái gì cũng đúng, cũng hay. Xin hãy suy nghĩ và phân tích bằng đầu óc của mình. Tiêu chuẩn của chân lý là thực tế.

 


 

IV -  Phản biện về đại học tại chức

 (THƯ NGỎ GỬI BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC)

( đăng mạng Vietnamnet ngày 16-7 -2007 )


Kính thưa Bộ trưởng

Chủ trương, quy chế đào tạo đại học tại chức nhìn chung là đúng đắn. Mấy chục năm qua việc đào tạo tại chức đã cung cấp một số lớn cán bộ có trình độ, giải quyết được tình trạng thiếu người làm việc ở các địa phương. Thành tích là to lớn. Nhung gần đây việc đào tạo tại chức đã quá bị lạm dụng, mở rộng quá mức so với khả năng của người học, người dạy và cơ quan quản lý, làm cho chất lýợng tụt dốc thê thảm. Bức tranh ðại học tại chức ðã quá đen tối, tình hình đã quá mức phải báo động. Qua khảo sát sơ bộ thấy rằng tiêu cực có mặt ở khắp mọi hoạt động, tôi chỉ xin phản ảnh một số nét về tuyển sinh, giảng dạy và đánh giá.

     Về tuyển sinh : Tuy cũng có những đợt ôn tập, những kỳ thi tuyển, cũng có điểm sàn xét tuyển nhưng phần lớn chỉ làm cho có hình thức, đối phó. Sự gian dối là khá phổ biến. Phần lớn người được tuyển không đúng đối tượng, có động cơ học tập lệch lạc. Đa số sinh viên có trình độ quá thấp, bị hổng rất nhiều kiến thức phổ thông, do đó không tiếp thu được các kiến thức đại học. Họ cũng học, cũng thi, cũng đạt điểm trên trung bình và được xét lên lớp, được cấp bằng, thế nhưng học mà không hiểu, thi được chủ yếu nhờ mưu mẹo, thi xong rồi thì quên gần hết các kiến thức, còn kỹ năng gần như chẳng có gì.

     Tôi dạy một số môn chuyên ngành năm thứ ba và thứ tư ngành kỹ thuật (thi tuyển khối A). Trước khi dạy tôi thường kiểm tra trình độ sinh viên về một số vấn đề rất dễ, rất cơ bản của kiến thức các năm trước có liên quan tới môn sẽ học, thế mà hơn 80 % sinh viên không làm được bài. Gần đây tôi kiểm tra thêm về toán rất dễ ở phổ thông  như cộng, trừ phân số, tính diện tích hình thang…thì trên 30 % không làm được.

     Khi giảng bài, tôi đã cố gắng giảng thật cụ thể, giảng đi giảng lại những vấn đề chủ yếu, tìm cách đơn giản hóa các vấn đề phức tạp với mong mỏi sinh viên nắm được kiến thức cơ bản. Sau mỗi vấn đề tôi thường hỏi sinh viên đã hiểu chưa, nắm được chưa, nếu có chỗ nào chưa rõ tôi sẽ trình bày lại. Phần lớn những lần như vậy tôi chỉ nhận được sự im lặng đáng buồn. Một số sinh viên cho phương pháp dạy của tôi là quá tuyệt vời nhưng không ít lại thờ ơ. Tôi cứ tưởng mình đã hết lòng giảng dạy như vậy thì thu nhận của sinh viên đạt khá cao nhưng qua kiểm tra mới thấy nhiều người chẳng tiếp thu được gì cả. Trong hoàn cảnh như vậy việc hướng dẫn cho sinh viên phương pháp học  tập và làm cho họ học cách suy nghĩ thật là khó khăn. Khi kiểm tra và thi nếu bài ra không giống 100% bài mẫu đã được luyện tập trước thì đa số sinh viên không làm được bài, họ chỉ biết máy móc làm theo bài mẫu.

     Trao đổi với nhiều thầy giáo ở trong và ngoài trường tôi được biết tình trạng như trên là phổ biến trong toàn quốc.

      Theo qui định mỗi năm sinh viên thường được tập trung học vào hai kỳ, mỗi kỳ khoảng hai, ba tháng. Trong thời gian đó đáng ra sinh viên được nghỉ hoặc giảm bớt việc làm để tập trung cho việc học, thế nhưng số sinh viên được nghỉ như vậy là quá ít, phần lớn vẫn phải làm việc bình thường. Có những lớp còn phải làm việc toàn bộ ban ngày, chỉ tranh thủ học vài giờ vào buổi tối trong  các đợt tập trung ngắn ngủi. Trình độ đã yếu kém lại không bảo đảm được thời gian và điều kiện thì làm sao học cho có kết quả.

Về dạy và học: Cách tổ chức dạy học là theo lối “cuốn chiếu”. Đó là mỗi môn được dạy trong một số ngày liên tiếp, xong môn này mới chuyển sang môn khác.Theo kế hoạch và thời khóa biểu mỗi ngày chỉ học khoảng 5 tiết nhưng có những môn được dạy cấp tập từ 8 đến 12 tiết. Thầy phải dạy thật nhanh cho xong để còn đi dạy nơi khác hoặc làm việc khác có thu nhập cao hơn. Cách tổ chức dạy như thế có thuận lợi cho người quản lý và người dạy nhưng hiệu quả rất kém. Tôi gọi đó là dạy học “kiểu mưa rào”, mưa rất to nhưng trôi tuột hết. Vài ba ngày cho một môn, bảy, tám môn cho mỗi đợt, sinh viên chỉ biết cắm cúi ghi chép mà không hiểu bài. Đúng là kiểu dạy cho qua chuyện, học cho qua chuyện.   

  Có lập luận cho rằng trong thời gian tập trung sinh viên chỉ cần tiếp nhận kế hoạch,chương trình học tập, nhận tài liệu và được hướng dẫn các phần cơ bản còn việc học và làm bài tập được thực hiện trong cả năm. Phần lớn đó chỉ là lý thuyết suông.Thực tế sinh viên không có đủ trình độ và điều kiện để theo cách học đó.

     Tôi đã nghĩ ra và áp dụng một số biện pháp nhằm khắc phục nhược điểm của kiểu dạy học mưa rào, có viết báo và tìm cách phổ biến nhưng xem ra rất ít thầy cô muốn vận dụng.

     Trao đổi với nhiều giảng viên về cách dạy tại chức đa số cho rằng họ chỉ cố gắng trình bày cho xong  nội dung môn học theo đề cương  mà rất ít người quan tâm đến trình độ của sinh viên và kết quả thu nhận.  Cách dạy học như vậy thật phản sư phạm và nguy hiểm.

Về đánh giá: Có nhiều môn học sau vài ba ngày học cấp tập, sinh viên chưa kịp hiểu, chưa kịp ôn tập đã được thi luôn. Thế mà kết quả điểm số khá cao. Có lẽ do cả thầy và trò đã dùng một số mẹo nào đó.

     Cũng có những môn học được tổ chức ôn tập và thi khá nghiêm túc nhưng phần lớn chỉ nghiêm được ở lần thi thứ nhất, thường lần thi này đạt kết quả khá thấp. Lần thi thứ hai thường thường thầy gửi đề cho các cơ sở tự tổ chức thi, sự lỏng lẻo và gian lận xẩy ra phổ biến ở kỳ thi này vả đa số người thi đều qua được. Điểm thi đạt trên trung bình, xem như đã hoàn thành môn học nhưng kiến thức còn lại chẳng có gì đáng kể.

     Gần  như  tất cả các giảng viên dạy tại chức đều biết rõ hiện trạng trên nhưng đa số đều chấp nhận với câu an ủi “gặp thời thế,thế thời phải thế”. Cũng có một ít thầy cô tỏ ra bức xúc, đã tự mình tìm cách bảo đảm chất lượng giảng dạy môn học và góp ý kiến với các cơ sở quản lý đào tạo. Thế nhưng việc làm của họ chỉ như ném hạt cát xuống ao bèo. Khi tôi trao đổi với nhiều thầy cô về tình hình tại chức, họ thường khuyên “xin đừng vác gậy chống trời sập”.

     Đại học tại chức hàng năm đã cung cấp nhiều người có bằng cử nhân, kỹ sư, trong đó chỉ  có một số ít có năng lực còn đa số chỉ có bằng là thật còn kiến thức rởm.

     Tình hình như vậy có hai điều nguy hiểm, cần báo động.

Thứ nhất là sự băng hoại đạo đức và đạo lý giáo dục, là khuyến khích gian lận và thói vô trách nhiệm, là thầy trò lừa dối lẫn nhau và cùng đơn vị quản lý lừa dối nhân dân. Càng lừa dối được nhiều thành tích càng lớn. Thứ hai là sự lảng phí quá lớn của xã hội. Một số khá đông người quản lý, người dạy, người học bỏ ra nhiều công sức, thời gian và tiền của để dạy và học nhưng kết quả chẳng có được là bao, hiệu quả của công việc là rất thấp.

     Có lập luận cho  rằng dù sao đại học tại chức cũng giải quyết được các vấn đề nâng cao dân trí và thỏa mãn được nhu cầu đại học của số đông.Theo tôi đó là những lập luận không đúng với thực tế. Học mà không hiểu, không nhớ thì nâng cao dân trí ở chỗ nào? Còn nhu cầu, cũng nên đánh giá bao nhiêu phần trăm là nhu cầu giả tạo. Và nếu có đáp ứng nhu cầu thì cũng cần dạy và học cho tử tế chứ không phải bằng cách gian lận.

 

Kính thưa Bộ trưởng

 

     Trên đây chỉ là vài nét chấm phá về bức tranh ảm đạm của đại học tại chức. Thực tế còn nhiều bất cập về chính sách và quản lý, còn nhiều hành vi tiêu cực tồi tệ mà không thể kể hết ra đây. Kính mong Bộ trưởng quan tâm đến tình hình, tổ chức khảo sát và đánh giá thật khách quan việc đào tạo tại chức, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

     Về phần tôi, nếu được Bộ trưởng hỏi đến, tôi xin cung cấp thêm thông tin,  đóng góp các suy nghĩ và biện pháp nhằm chấn hưng nền giáo dục nước nhà.

     Xin gửi Bộ trưởng lời chào kính trọng và tin cậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét