Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2024

Học làm phản biện ( Nguyễn Đình Cống ) - 7 -

 ( Tiếp theo )

 


IX-Phản biện trong TAM QUỐC

 Bài 1- Hịch kể tội Tào Tháo (hồi 22)

Tào Tháo nhân danh phò vua nhà Hán cất quân đánh dẹp các thế lực cát cứ địa phương như Công Tôn Toản, Lã Bố, Viên Thuật, Viên Thiệu v.v….

Trước khi khỏi binh chống lại Tào Tháo, người cát cứ Kinh Châu là Viên Thiệu sai thư ký Trần Lâm làm bài hịch. Đó là văn bản phản biện lại lời tuyên bố của Tháo nhân danh Triều đình nhà Hán.

Bài hịch như sau:

“Thường nghe rằng: minh quân nhân nguy để bày kế; trung thần lo nạn để lập công. Bởi thế, phải có người phi thường, mới lập được việc phi thường; có việc phi thường, mới có công phi thường. Cái công phi thường ấy, vốn không phải người thường có thể làm nổi.

“Trước kia nhà Tần vua yếu, Triệu Cao lộng quyền, hống hách trong triều, một tay tác oai tác phúc. Người bấy giờ bị ức hiếp, không ai dám nói cầu gì, đến nỗi có biến ở cung Vọng Di tổ tông nhà nó bị tiêu diệt, để tiếng nhơ nhuốc đến ngày nay, làm gương cho đời.

“Cuối đời Lã hậu, Sản, Lộc, chuyên chính, trong giữ hai đạo quân, ngoài thống lĩnh nước Lương, nước Triệu; chuyên quyền ỷ thế, xử việc ở trong cấm sảnh, kẻ dưới lăng loàn, người trên suy yếu, bốn bể ai cũng lo sợ. Bởi thế Giáng hầu và Chu Hữu hầu tức giận nổi dậy giết sạch kẻ bạo nghịch, lập vua Thái tông nhờ thế đạo vương hưng thịnh, sáng sủa và rõ rệt, ấy tức là cái nêu cao lập công của kẻ đại thần.

“Tư không là Tào Tháo ngày nay: Ông nó là trung thường thị tên Đằng, cùng với bọn Tả Quan, Từ Hoàng hưng yêu tác quái, tham lam rông rỡ, nát đạo hại dân. Bố nó là Tung, làm con nuôi của Đằng, nhân có nhờ đút lót mà được chức vị, xe vàng khiêng ngọc, đem nộp cửa quyền, trộm giữ ngôi cao, làm nghiêng đổ quyền lớn. Đến Tháo: nòi giống sót của hoạn quan, vốn không có đức hạnh, gian giảo độc ác, thích gây ra sự biến loạn, vui mừng thấy sự tai vạ.

“Mạc Phủ đây thống suất hùng binh, quét trừ kẻ hung nghịch, gặp khi Đổng Trác lấn quan hại nước, bèn chống gươm khua trống, phát lịnh ra cõi Đông Hạ, thu dụng anh hùng, bỏ nết xấu để dùng được việc, cho nên mới cùng Tháo hợp mưu, trao cho chức tì tướng, tưởng là tài ưng khuyển có thể dùng được. Không ngờ nó ngu dại, kém mưu lược, khinh thường sự tiến quân và lui quân, đến nỗi thất bại làm tổn thiệt quân sĩ.

“Mạc Phủ lại chia thêm cho quân tinh nhuệ, sửa sang bù đắp cho nó, tâu xin cho nó sang Đông Quận lĩnh chức thứ sử ở Duyện Châu; thân dê chó đội lốt hổ, để nó có chút quyền hành, mong rằng nó sẽ có phen báo thù được trận thua trước như quân Tần báo thù được nước Tấn khi xưa. Nhưng Tháo lại thừa thế bạt hổ, bạo ác càn rỡ, tàn dân, hại người lương thiện. Vì thế quan thái thú Cửu Giang là Biên Nhượng, tài cán giỏi giang, thiên hạ biết tiếng, nói thẳng lòng ngay, không a siểm ai, cũng bị nó hãm hại, đầu phải bêu, vợ con phải tàn sát. Từ đó, sĩ phu ai cũng tức tối, nhân dân lại càng oán ghét; một người vung cánh tay cả châu cùng hưởng ứng; cho nên thân nó bị thua ở Từ Châu, đất nó bị cướp về tay Lã Bố; bơ vơ cõi Đông, không nơi nương tựa, Mạc Phủ nghĩ đến nghĩa gốc mạnh cành yếu và thương nó, không buộc nó vào đảng của kẻ phản nghịch, cho nên lại giương cờ, mặc áo giáp, cất quân sang đánh. Chiêng trống vang lừng, Lã Bố tan vỡ, cứu cho nó khỏi chết, và khôi phục lại chức phương bá cho nó, thế là Mạc Phủ ta tuy không có công gì với dân Duyện Châu, nhưng thực là làm phúc cho Tào Tháo to lắm. Đến khi loan giá trở về, giặc cướp quấy rối (loạn Thôi, Dĩ), bấy giờ Ký Châu đang có việc đề phòng ở cõi bắc, ta chưa rờ ra ngoài được, cho nên sai tùng sự trung lang là Từ Huân sang truyền cho Tháo phải sửa sang chốn giao miếu, giúp đỡ vua nhỏ. Nhưng Tháo dám rông rỡ làm càn, hiếp vua thiên đô, khinh nhờn nhà vua, nát phép loạn kỷ, ngồi giữ cả việc ba đài chuyên chế triều chính, muốn thưởng ai thì thưởng, muốn giết ai thì giết; yêu ai thì người ấy sung sướng đến cả năm ngành; ghét ai thì người ấy phải chết cả ba họ; ai bàn tán phải trái thì trị tội công khai, ai thầm vụng chê bai, thì bị giết ngầm ngấm. Vì thế trăm quan buộc miệng, đường sá đưa mắt nhìn nhau. Còn các quan thượng thư thì chỉ nhớ buổi vào triều đến hội cho có mặt; công khanh thì chỉ gọi là có chức phẩm mà thôi!

“Cho nên quan thái uý là Dương Bưu, từng giữ hai chức tư không và tư đồ, nhất phẩm trong nước, Tháo nhân thế mang lòng ganh ghét, vu cho tội trạng, đánh đập tàn nhẫn, đủ cả năm thứ hình cụ; tự ý làm càn, không nghĩ đến phép nước.

“Quan nghị lang là Triều Ngạn, lời ngay nói thẳng, có thể nghe theo, vì thế vua nghe nói động lòng, thay đổi nét mặt, tỏ ý khen thưởng, nhưng Tháo định che lấp lẽ phải, chặn lắp đường nói năng của mọi người, tự tiện bắt Triệu Ngạn giết đi, không tâu vua biết.

“Lương Hiếu vương, là anh em ruột với tiên đế, lăng mộ của người là nơi tôn quý, dẫu đến cây cối trên mả, cũng phải kính cẩn gìn giữ, thế mà Tháo đem tướng sĩ, khai quật phá áo quan, bỏ lộ thây, cướp lấy vàng báu, đến nỗi vua phải chảy nước mắt, dân sĩ phải đau lòng.

“Nó lại đặt ra quan trung lang tướng, đào mả quan hiệu uý bới vàng; đi đến đâu tàn hại đến đó, xương trong mả phải bới ra cả ngoài. Nó ở ngôi Tam công, làm việc trộm cướp, nhơ cả nước, khổ đến dân, làm hại cả người sống lẫn người chết. Vả lại chính sự tế toái thảm khốc, luật lệ bày ra thật nhiều, khác gì dò bẫy đầy cả khe, hang hố lấp cả đường, giơ tay mắc phải lưới, đụng chân vấp phải cạm. Cho nên ở Duyện, Dự có những người đau buồn, kinh đô có những nhời than vãn. Xem hết cả sử sách xưa nay, những kẻ làm tôi vô đạo, tham tàn ác nghiệt, đến Tháo là cùng.

“Mạc Phủ ta đang phòng ngoại gian, chưa kịp dạy bảo nó, và cũng có ý khoan dung, mong cho nó tu tỉnh lại. Nhưng nó bụng dạ sài lang, mang tâm gây vạ, muốn đạp đổ cột rường, làm cho nhà Hán suy yếu, trừ giết kẻ trung chính chuyên làm kẻ kiêu hùng.

“Trước kia ta gióng trống sang mặt bắc, đánh Công Tôn Toản, quân cường khấu nghịch tặc cự nhau với quân ta một năm, Tháo nhân quân ta chưa đánh được, ngầm đưa thư cho Toản, ngoài mặt giả làm giúp quân ta, kì thực nó định đánh úp quân ta, may được người mang thư tiết lộ mưu gian, Toản phải thua chết. Cho nên nhuệ khí của nó phải nhụt và mưu đồ của nó cũng không thành.

“Nay nó đóng giữ Ngao Xương, chẹn sông giữ biển, muốn đem cánh tay con bọ ngựa chặn đường của xe thần sét.

“Mạc Phủ nay phụng oai linh nhà Hán, dẹp yên bờ cõi, kích dài trăm vạn, ngựa khoẻ nghìn đàn, đem những tướng mạnh như Trung Hoàng, Hạ Dục, Ô Hoạch; dùng cái thế cung cứng nỏ bền, từ Minh Châu vượt núi Thái Hàng; từ Thanh Châu qua sông Tế, sông Luỹ, đại quân qua sông Hoàng Hà đánh mặt trước; quân Kinh Châu xuống đất Uyển, Diệp đánh mặt sau. Sấm vang, hổ sợ, khác gì cầm bó lửa đốt mớ bòng bong, dốc nước bể tưới đống tro tàn, còn cái gì không bị tiêu diệt?

“Vả lại quân sĩ của Tháo người nào có thể đánh trận được toàn là người ở U, Ký, hoặc là quân sĩ của bộ hạ cũ, đều oán giận muốn về quê hương, rỏ nước mắt trông về phía bắc. Còn như dân ở Duyện, Dự và quân sót của Lã Bố, Trương Dương, đều là bị ức hiếp, tạm bợ đi theo nó, vết thương chưa khỏi, quân nọ quân kia thù địch lẫn nhau. Nếu ta lên núi cao đánh tiếng trống, phất cờ trắng chiêu hàng, thế tất đất lở ngói tan, không đợi lưỡi gươm phải dây máu mới dẹp yên được.

“Hiện nay nhà Hán suy đồi, kỷ cương trễ nải, triều đình không có một người phù tá nào giỏi, chân tay của vua không có thể đánh dẹp được giặc; trong kinh đô, những người lão luyện, đều phải cúi đầu khép cánh, không biết trông cậy vào đâu; tuy có kẻ trung nghĩa cũng bị nó ức hiếp, không làm thế nào thổ lộ được khí tiết của mình?

“Vả lại Tháo sai bảy trăm binh lính bộ hạ của nó, vây chốn cung khuyết, ngoài mặt giả làm giữ gìn cho vua, kì thực là nó giam cấm vua. Chúng ta sợ rằng cái mầm thoán nghiệp, nảy ra từ đó. Ấy thực là buổi óc gan lầm đất của trung thần và cái hội lập công của hào kiệt, chúng ta chẳng nên gắng sức dư!

“Tháo nó lại mạo làm chiếu vua, sai sứ cất quân. Ta sợ những châu quận ở xa, tưởng là chiếu của vua thực, cấp quân cho nó, thế là trái với lòng dân và vào hùa với quân phản nghịch, phi cả tiếng mình, lại để thiên hạ chê cười. Những bậc minh triết, tất không làm thế.

“Nay mai, quân U, Tinh, Thanh, Ký, bốn châu cùng tiến lên. Thư ta đưa đến Kinh Châu, xin phải cất quân ngay, cùng quan Kiến trung tướng quân (Trương Tú) họp lại làm cho thanh thế được mạnh.

“Các châu quận cũng nên họp sẵn nghĩa binh, dàn khắp bờ cõi, thị võ dương oai, cùng giúp nền xã tắc. Thế là cái công phi thường sẽ được rõ rệt dựng nên.

“Ai mà lấy được đầu Tào Tháo sẽ được phong tước hầu năm nghìn hộ, thưởng tiền năm nghìn vạn quan.

“Những bộ khúc tướng tá ai chịu quy hàng, đều tha tội hết. Mở rộng ân tín, ban bố phong thưởng. Nay làm tờ hịch này báo cáo thiên hạ, để ai nấy đều biết mà vua đang có lệnh nguy cấp.

“Cấp cấp như luật lệnh!”

 

Thiệu xem hịch xong mừng lắm, liền sai sứ giả đưa đi khắp cả châu huyện và yết thị các nơi cửa ải, bến đò. Bài hịch truyền tận Hứa Đô. Bấy giờ Tào Tháo đang bị chứng nhức đầu, nằm trên giường. Tả hữu đem bài hịch vào trình. Tháo xem xong rợn tóc rùng mình, mồ hôi toát ra như tắm, khỏi cả nhức đầu, từ giường vùng dậy, ngoảnh lại hỏi Tào Hồng:

- Ai làm bài hịch này?

Hồng nói:

- Bài ấy nghe đâu của Trần Lâm soạn.

Tháo cười nói:

- Có văn hay phải có võ lược đi kèm, văn Trần Lâm, tuy hay nhưng võ lược của Viên Thiệu lại dở, thì làm thế nào!. Bèn họp các mưu sĩ bàn việc nghênh địch.

Bài 2- Khổng Minh mắng Vương Lãng (hồi 93)

Khổng Minh kéo quân Thục đến Kỳ Sơn để đánh Ngụy. Vua Ngụy Tào Tuấn cử Đại tướng Tào Chân cùng quân sư Vương Lãng đem binh chống cự. Khi đã dừng binh hạ trại xong Vương Lãng nói với Tào Chân :

- Ngày mai nên sắp xếp đội ngũ chỉnh tề, dàn bày tinh kỳ rợp đất. Lão phu chỉ dùng một câu chuyện, tự khắc Gia Cát Lượng phải chắp tay lạy hàng, quân Thục không đánh cũng phải tan.

Chân mừng lắm, đêm ấy truyền lệnh: Ngày mai, canh tư ăn cơm, sáng sớm binh mã đã phải đông đủ, thanh thế uy nghi, cờ quạt, chiêng trống có thứ tự đâu ra đấy. Bấy giờ, sai người đưa chiến thư trước. Hôm sau hai bên dàn thành thế trận ở trước Kỳ Sơn. Quân Thục thấy quân Ngụy hùng tráng lắm, khác hồi Hạ Hầu Mậu nhiều. Trong quân dứt ba hồi trống, tư đồ Vương Lãng cưỡi ngựa đi ra. Mé trên thì Tào Chân, mé dưới thì Quách Hoài. Hai tướng tiên phong đứng áp hai góc trận.

Quân thám mã ra trước trận gọi to lên rằng:

- Mời chủ tướng bên kia ra nói chuyện!

Trận bên Thục mở cửa cờ, Quan Hưng, Trương Bào chia làm tả hữu đi ra, kìm ngựa đứng hai góc trận. Rồi có một đội kiêu tướng đứng dàn thành hai hàng; Khổng Minh ngồi một chiếc xe bốn bánh, quạt lông, khăn lượt, áo trắng dải thâm, phớn phở ung dung đi ra.

Khổng Minh trông sang trận Ngụy, thấy trước trận che cái lọng, trên cờ đề tên họ rõ ràng. Một người ở giữa, đầu bạc phơ phơ, biết là quân sư Vương Lãng, mới đẩy xe ra, sai tên tiểu mã truyền rằng:

- Hán thừa tướng ra nói chuyện với tư đồ đây.

Vương Lãng giật ngựa đi ra. Khổng Minh ngồi trên xe chắp tay chào. Vương Lãng cũng nghiêng mình đáp lễ.

Lãng nói:

- Lâu nay nghe đại danh của ngài, nay được họp mặt, thật là may lắm! Ngài đã là người biết mệnh trời, hiểu việc đời, cớ sao lại cất quân vô danh làm vậy?

Khổng Minh đáp:

- Ta phụng chiếu ra đánh giặc, sao gọi là vô danh?

Lãng nói:

- Số trời mỗi lúc một khác, thần khí thay đổi mà về người có đức, đó là lẽ tự nhiên. Tự đời Hoàn, Linh trở đi, giặc Khăn Vàng nổi loạn, thiên hạ long lở. Đến đời Sơ Bình, Kiến An, Đổng Trác nổi nghịch. Thôi Dĩ lại nối theo làm càn. Viên Thuật tiếm hiệu ở Thọ Xuân, Viên Thiệu xưng hùng ở Nghiệp Thượng. Lưu Biểu chiếm giữ ở Kinh Châu, Lã Bố lừng lẫy ở Từ Quận. Trộm giặc dấy lên như ong, gian hùng bay ra như cắt. Xã tắc nguy như chồng quả trứng, sinh dân khổ như dốc ngược đầu. May có Thái tổ Võ Hoàng Đế ta, quét sạch sáu cõi, cuốn hết tám phương, muôn dân dốc lòng, bốn phương ngóng đức. Đó không phải là lấy quyền thế ăn hiếp gì ai, thực là lòng trời cho đấy! Thế tổ Văn Hoàng Đế nối giữ nghiệp lớn, ngồi trong nước, coi trị muôn phương há chẳng phải là lòng trời ru? Nay ông cậy tài to, ôm chí lớn, ứng trời hợp người phép Nghiêu Thuấn trị Trung Nguyên để giữ vạn nhà, tự ví mình với Quản, Nhạc, sao lại muốn nghịch lẽ trời, trái tình người mà làm thế ru? Há chẳng nghe có câu rằng: "Thuận với trời thì thịnh, nghịch với trời thì nguy!" ư? Nay Đại Ngụy ta, giáp binh trăm vạn, tướng tá nghìn viên. Cái thứ đom đóm lập lòe trong đám cỏ hôi, địch nổi sao được vầng trăng vằng vặc giữa trời. Ông nên quay gươm cởi giáp, đem lễ lại hàng, không đến nỗi mất vị phong hầu đâu mà sợ, để cho nước được yên, dân được vui, thế chẳng hay lắm ru?

Khổng Minh nghe xong, cười ầm lên nói rằng:

- Ta tưởng ngươi là một vị lão thần nhà Hán, có lời cao luận gì chăng? Ai ngờ ăn nói ngu dốt làm vậy! Ta có một lời này, các quân nín lặng mà nghe:

 Khi xưa về đời Hoàn, Linh, nhà Hán suy đốn. Kẻ hoạn quan gây vạ, nước loạn, mất mùa, bốn phương xao xuyến. Sau giặc Khăn Vàng, kế đến giặc Đổng Trác, Thôi Dĩ, hiếp vua Hán đế, tàn ngược kẻ sinh dân. Chốn miếu đường, đồ mục nát làm quan; nơi điện bệ, giống cầm thú ăn lộc. Những kẻ nết muông ruột chó, nhung nhúc đầy triều; những phường gối tớ mặt mo, nghênh ngang quyền chính. Vì thế xã tắc đổ nát, sinh dân lầm than. Ta biết ngươi vốn người ở bến Đông Hải, trước đỗ hiếu liêm, được vào làm quan. Đáng lẽ phải phò vua giúp nước, yên nhà Hán dựng lại họ Lưu mới phải, không ngờ ngươi lại giúp giặc, đồng mưu cướp ngôi. Tội nhiều, ác nặng, trời tất không dong. Người trong thiên hạ, ai cũng muốn xé xác ngươi ra. Nay may lòng trời chưa nỡ tuyệt nhà Viêm Hán, Chiêu liệt Hoàng Đế lại kế thống ở Tây Xuyên. Ta nay phụng mệnh tự quân, cất quân đánh giặc. Ngươi là đứa xiểm nịnh, thì chỉ nên giúp mình rụt cổ, cầu lấy cơm áo cho đủ là xong; sao dám ra chỗ trận mạc, nói năng càn rỡ, đổ tại số trời làm vậy? Quân sất phu đầu bạc, thằng lão tặc râu trắng kia! Nay mai ngươi cũng sắp đến suối vàng, còn mặt mũi nào trông trông thấy hai mươi bốn vua nhà Hán nữa? Lão tặc bước ngay, bảo quân phản thần ra đây, cùng với ta quyết trận sống chết.

Vương Lãng nghe xong, khí uất đầy ruột, kêu hú lên một tiếng, ngã lăn xuống đất mà chết.


 

X– Phản biện của người chăn trâu


Chuyện 1- Đào Duy Từ

Ống sinh năm 1572 ở Thanh Hóa vào thời vua Lê chúa Trịnh. Duy Từ học giỏi, có tài năng nhưng không được vua chúa dùng vì cha làm nghề ca hát. Năm 1625 Duy Từ trốn váo Nam. Ban đầu ở chăn trâu cho nhà phú hộ Chúc Trịnh Long, bạn của Trần Đức Hòa là quan lớn, cận thần của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên.

Một hôm Chúc Trịnh Long mở tiệc mời các bậc trí thức bàn luận văn chương. Duy Từ xin phép được đứng dưới thềm để nghe. Gặp đoạn thú vị Duy Từ vỗ tay khen hay. Quan khách hỏi, người đứng dưới thềm là ai mà cũng biết thưởng thức văn chương. Chủ nhà nói rằng đó là người ở chăn trâu. Một ông khách bảo: Chăn trâu thì biết gì mà dám đàm đạo.

Duy Từ cung kính phản biện  rằng : Chăn trâu có kẻ là tiểu nhân, nhưng cũng có người là quân tử.

Bị hỏi vặn ai là tiểu nhân, ai là quân tử, Duy Từ nói, tiểu nhân thì nhiều, còn quân tử ví như Bách Lý Hề thời Tần Mục Công, như Ninh Thích thời Tề Hoàn Công. Họ đã giúp các vị ấy làm nên nghiệp bá .

Quan khách nghe nói vậy, ngạc nhiên, cho gọi Duy Từ lên, cùng đàm đạo văn chương. Sau đó chủ nhà đưa Từ lên làm thư ký và được Trần Đức Hòa đón về làm gia sư rồi tiến cử lên chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Sau khi tự mình phỏng vấn, kiểm tra, chúa biết Duy Từ thật sự có tài năng, liền phong chức quan to. Đào Duy Từ trở thành khai quốc công thần lớn của Nhà Nguyễn. Ông mất năm 1635 (hưởng thọ 63 tuổi), để lại công trạng hiển hách và nhiều tác phẩm, trong đó nổi tiếng là tập sách binh thư  Hổ Trướng Khu cơ và bài văn Ngọa Long Cương.

 

Chuyện 2-  Bách Lý Hề

Ông là người nước Sở, sinh trước Công nguyên, thới Xuân Thu thuộc Đông Chu.Liệt quốc. Bách Lý Hề có tài năng, rất muốn đem tài ra phò vua giúp nước nhưng nhà quá nghèo, không tìm được cơ hội. Ông được vợ khuyến khích nên quyết chí bỏ nhà ra đi tìm minh chủ. Người bạn là Kiển Thúc khuyên rằng, phải rất thận trọng để tìm được người xứng đáng, vì nếu bị nhầm, vội theo người kém tài, thiếu đức thì rồi sẽ hối tiếc, sẽ phạm phải một trong 2 tội khi người đó bị thất bại. Tội quá ngu khi vẫn trung thành với kẻ không ra gì hoặc tội bất trung phản chủ khi họ gặp nạn.

Biết thế, nhưng Bách Lý Hề không chọn được minh chủ, đành phải nhận làm quan cho vua nước Ngu. Vì kém trí tuệ và và tham lam mà vua Ngu bị đánh đổ, mất nước. Bách Lý Hề bị bắt rồi bỏ trốn, nhưng lại bị quân nước Sở tóm được, bắt làm việc giữ ngựa, chăn trâu.

Lúc này vua nước Tần là Mục Công đang cầu hiền tài. Có người mách là nên tìm Bách Lý Hề đang chăn trâu ở nước Sở. Tần mục Công đã nhờ người lập mưu đón được họ Bách đưa về. Sau khi kiểm tra, biết là người giỏi và đã ngoài 70 tuổi, vua Tần nói rằng, tiếc thay ông đã quá già. Bách Lý Hề phản biện:

Nếu đại vương sai tôi đuổi con thú dữ, phá núi, đào sông thì tôi đã già, nhưng nếu để tôi ở trong màn trướng lo toan việc nước thì tôi còn trẻ hơn Thái Công gần 10 tuổi (*).

Tần Mục Công đã dùng ông vào chức quan to, ông đã giúp Tần trở thành bá chủ, đã đón vợ con về đoàn tụ. Vua nước Sở hối hận là đã có được người tài giỏi mà không biết dùng, lại bắt đi chăn trâu, giữ ngựa.

 (*) Ghi chú : Thái Công, tên là Khương Tử Nha, lúc trên 80 tuổi, ngồi câu trên sông Vị, được  Chu Công đón về tổ chức cuộc chiến lật đổ Trụ Vương, lập nên Nhà Chu kéo dài trên tám trăm năm.

         Chuyện 3- Ninh Thích

Ông là người tài giỏi ở nước Vệ, sinh trước Công nguyên, thời đầu của Đông Chu Liệt quốc. Vua nước Vệ vì ngu và tham mà không dùng được ông. Được tin Tề Hoàn Công là đấng minh chủ, lại có Quản Trọng và Thấp Bằng là những người giỏi giúp sức nên ông sang nước Tề tìm cách tiến thân.

Nước Tề vừa trải qua cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Đầu tiên Quản Trọng theo Công Tử Củ là anh, đánh nhau với Tiểu Bạch là em. Đã có lần Quản Trọng bắn Tiểu Bạch một mũi tên khiến Tiểu Bạch suýt chết và hận thù đến xương tủy. Kết quả cuộc chiến Tiểu Bạch thắng, Củ bị chết. Tiểu Bạch trở thành Tề Hoàn Công, rất muốn giết Quản Trọng, nhưng khi biết Quản trọng là người tài giỏi nên  xóa hết hận thù, thu nạp và phong chức Thừa tướng  đứng đầu trăm quan, trên cả Thấp Bằng là người đã theo Tiểu Bạch từ trước.

Ninh Thích đến Tề, chưa tìm được cơ hội nên đi chăn trâu cho người ta kiếm kế sinh nhai. Một hôm biết được Quản Trọng và Tề Hoàn công sẽ đi qua vùng ấy nên Ninh Thích đem trâu đến chăn gần đường để đợi. Khi Quản Trọng ngồi xe đi qua Ninh Thích hát to một bài. Quản Trọng nghe được, đoán biết là người tài, cho người mang rượu thịt đến biếu. Ninh Thích cám ơn và tỏ ý muốn được tiếp kiến. Quản Trọng đã cho đón Ninh Thích và hai người trò chuyện thân mật. Qua trò chuyện Quản biết Ninh là người tài giỏi, dặn rằng ta viết một phong thư tiến cử ông với Chúa Công, ông giữ lấy, vài hôm nữa Chúa công qua đây sẽ đem trình để được thu nhận.

Khi Tề Hoàn Công đi qua Ninh Thích hát một bài có ý phê phán triều chính. Hát rằng :

Kìa sông Thương Lang, đá trắng lởm chởm,

Có con cá chép dài một thước hơn.

Nghiêu Thuấn thái bình đã không được gặp,

Áo cộc che thân độ đến ngang lưng,

Ta cho trâu ăn từ tối đến đêm.

Đêm tối mờ mờ, bao giờ thấy sáng!

Tề Hoàn Công nghe thấy lấy làm giận, sai quân đòi đến. Hoàn Công hỏi họ tên rồi bảo:
- Nhà ngươi là đứa chăn trâu, sao dám gièm chê việc chính trị?

Ninh Thích đáp : Tôi có dám gièm chê chính trị đâu.

Hoàn Công nói:

- Ngày nay trên thì có thiên tử nhà Chu trị vì, dưới thì các chư hầu theo lịnh. Nhân dân vui vẻ, cây cỏ tốt tươi, dẫu đời Nghiêu Thuấn thái bình chẳng qua cũng chỉ như thế. Vậy mà nhà ngươi dám bảo rằng: "Nghiêu Thuấn thái bình đã không được gặp", lại bảo: "Đêm tối mờ mờ, bao giờ thấy sáng". Thế không phải gièm chê chính trị là gì?

Ninh Thích thưa (phản biện) :

- Tôi nghe nói đời Nghiêu Thuấn mưa gió thuận hòa, dân gian không phải lo sợ gì, chỉ việc cày ruộng mà ăn, đào giếng mà uống. Đời bây giờ trái lại, giềng mối đổ nát, giáo hóa suy đồi, thế mà bảo "Nghiêu Thuấn thái bình" thì thật tôi không hiểu được. Vả lại đời Nghiêu Thuấn trừ bốn kẻ hung ác mà thiên hạ được yên. Từ bấy giờ không phải nói mà dân tin, không phải giận mà dân sợ. Nay chúa công mới hội chư hầu, đã thấy nước Tống bội ước, nước Lỗ hiếp thề, chinh chiến quanh năm. Tôi lại nghe nói vua Nghiêu bỏ con là Đan Chu mà nhường thiên hạ cho ông Thuấn, Thuấn không chịu nhận bỏ trốn ra Nam Hà, trăm họ rủ nhau mà theo Thuấn. Bấy giờ ông Thuấn bất đắc dĩ mới lên nối ngôi. Nay chúa công giết anh ruột mà cướp nước, lại mượn uy thiên tử để sai khiến các chư hầu. Vậy thì tôi không biết có phải là lối vái nhường nhau như vua Nghiêu, vua Thuấn ngày xưa không?

Tề Hoàn Công nổi giận, quát:- Đứa thất phu dám nói càn!

Liền truyền quân sĩ dẫn ra chém.

 Ninh Thích bị trói dẫn đi, nhưng vẫn nghiễm nhiên, không sợ hãi, ngửa mặt lên trời nói: "Ngày xưa vua Kiệt giết Long Bàng, vua Trụ giết Tỷ Can, nay tôi cùng với hai ông ấy kể là ba người".

Quan Đại phu là Thấp Bằng thưa với Tề Hoàn Công:

- Người ấy không xu phụ quyền thế, không sợ uy nghiêm, chẳng phải là kẻ chăn trâu tầm thường đâu. Chúa công chớ nên giết.

Tề Hoàn Công sực nghĩ lại, cơn giận đã nguôi, bước tới mở trói cho Ninh Thích và nói:

- Ta thử nhà ngươi đó thôi, nhà ngươi thật là người khí phách.

 Ninh Thích bấy giờ mới đem bức thư giới thiệu của Quản Di Ngô dâng lên. Tề Hoàn Công xem xong, mỉm cười bảo:

- Đã có bức thư của Trọng Phụ, sao không đưa ngay.

Ninh Thích thưa:

- Tôi nghe nói vua hiền chọn người mà dùng, tôi hiền chọn chúa mà thờ. Nếu chúa công ghét người thẳng, ưa người nịnh mà nhân lên cơn giận giết tôi, thì tôi thà chết đi, chớ quyết không đưa thư của quan Tể tướng làm gì nữa.

Tề Hoàn Công bằng lòng lắm, truyền cho ngồi một chiếc xe sau. Tối hôm ấy, khi đóng quân lại nghỉ, Hoàn Công sài thắp đèn lên tự đi tìm mũ áo. Có tên cận thần là Thụ Điêu hỏi:

- Chúa công cho tìm mũ áo có phải muốn phong cho Ninh Thích chăng?

- Phải.

Thụ Điêu thưa:

- Từ nước ta sang Vệ cũng chẳng xa bao nhiêu, sao chúa công không cho người sang hỏi dò xem. Nếu thực là hiền, bấy giờ sẽ phong tước cho, có chi mà vội.

Tề Hoàn Công nói:

- Người này là một bực đại tài không câu nệ những điều nhỏ nhặt. Hoặc giả khi ở nước Vệ, cũng có vài điều lỗi nhỏ, nếu dò hỏi biết những điều lỗi ấy chẳng lẽ lại phong tước cho. Còn nếu bỏ đi không dùng thì đáng tiếc lắm.

Nói xong, ngay đêm hôm ấy phong cho Ninh Thích làm quan Đại phu, để cùng với Quản Di Ngô trông coi quốc chín


XIBa bài phản biện của Phan Khôi


Bài 1- Bác cái thuyết“Nước Pháp giúp nước Nam về hồi cuối thế kỷ XVIII”

 

Thấy bài của M. Trần Huy Liệu biện luận về quốc sử đã đăng ở bổn báo số trước có nhiều chỗ sai lầm thái quá và lại có giọng tự phụ vô cùng, tỏ ra trình độ học thức có lẽ còn thấp kém thua một kẻ sơ học, nên ông C.D. không buồn trả lời; song nay ông viết bài này cũng tựa như là trả lời gián tiếp cho M. Trần Huy Liệu vậy.

                                                                                                                          Đ.P.

            (Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn).

Sử sách còn rành rành ra đó, không ai bịt mắt ai được, mà cũng không ai bưng mồm ai được, có người nói bướng thì phải có người cãi lại. Sự cải lại ấy không phải là hiếu thắng: chỉ vì, một là yêu lẽ thật, hai là muốn trừ cái hại cho nước về sau.

Về cái thuyết "nước Pháp giúp nước Nam" nầy, tôi có thể dẫn chứng trong nhiều sách của người Pháp người Nam chép ra mà đoán là lời không thật. Tiếc thay, trong khi có một cớ riêng buộc tôi phải vội vàng viết bài bác luận nầy thì trong tay tôi không có đủ sách mà tra khảo, cho nên chứng cứ không được dồi dào lắm. Dầu vậy, một chút chơn thực cũng đủ đánh đổ muôn vàn cái giả dối.

Việc nầy quan hệ với nước Nam nhiều hơn, cho nên phải lấy sử sách của người Nam chép ra làm chủ yếu.

Sách Đại Nam chánh biên liệt truyện về truyện Bá Đa Lộc chép rằng:

"Năm Giáp Thìn (1784), mùa thu, vua (Gia Long) lấy quân Xiêm về đánh Gia Định, bị thua. Vua lại trở qua nước Xiêm, sai người sang Chơn Bôn vời Bá Đa Lộc về phò Hoàng tử Cảnh qua Tây cầu viện. Ở Tây bốn năm, người Tây không có thể giúp được ; năm Kỷ Dậu (1789) khi vua đã lấy lại Gia Định rồi, Bá Đa Lộc bèn đem Hoàng tử Cảnh trở về".

(Xem Đại Nam chánh biên liệt truyện cuốn 28, tờ 8).

Sách Quốc triều chánh biên toát yếu, về năm Quý Mão (1783) vào năm vua Cao hoàng tức vị tại Gia Định được bốn năm, chép rằng:

"Vua nghe Bá Đa Lộc ở Chơn Bôn (đất Xiêm), sai người đi mời về. Bá Đa Lộc là người nước Pháp, thường đi truyền đạo trong các xứ Chơn Lạp và Gia Định, đã từng đến yết kiến vua, vua lấy khách lễ mà đãi. Lúc đó mời đến, vua bảo rằng: Vận nước ta đương hồi khốn khó, giặc giã chưa yên, thầy cũng vẫn biết; bây giờ thầy có thể vì ta đi sứ bên nước Tây, nói với họ đem binh qua giúp ta không? Bá Đa Lộc bằng lòng xin đi, và hỏi lấy gì làm con tin. Vua đáp rằng: Con trai ta là Cảnh, lên bốn tuổi, nay ta đem nó mà phó cho thầy, thầy hãy giữ gìn lấy nó, đường sá xa xuôi, nếu gặp sự ruổi ro gì thì bảo hộ nó một chút. Bá Đa Lộc vâng lời.

Vua cùng bà phi gạt lệ mà đưa đi. Vua có sai phó vệ uý là Phạm Văn Nhân và Cai cơ là Nguyễn Văn Liêm đi với". 

Về năm Giáp Thìn (1784), chép rằng:

"Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Liêm cùng Bá Đa Lộc phò Hoàng tử Cảnh qua Đại Tây Dương, đến Tiểu Tây Dương, nghe bên Đại Tây trong nước có việc, bèn trú lại tại thành Phong-ti-thê-gi (Pondichéry)."

Về năm Bính Ngọ (1786), chép rằng:

"Bá Đa Lộc đem Hoàng tử Cảnh qua Đại Tây, còn Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Liêm trở về Mang-cốc tâu cho vua biết."

(Vì bấy giờ vua Cao hoàng đã chạy qua trú ngụ bên nước Xiêm.)

Về năm Kỷ Dậu (1789), chép rằng:

"Tháng Sáu, Hoàng tử Cảnh ở Tây về. Số là Bá Đa Lộc đem Hoàng tử Cảnh đi cầu viện, hơn hai năm mới đến nước Tây. Vua nước ấy lấy vương lễ mà đãi Hoàng tử. Song nhơn vì trong nước có việc ! bèn cho kẻ thuộc hạ là Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Văn Chấn theo Bá Đa Lộc đưa Hoàng tử về. Về đến nơi, vua cả mừng, Thắng và Chấn(*) xin ở lại làm tôi tớ, vua bổ cho chức cai đội và ban cho một ngàn quan tiền".

(Nhẫn lên xem Quốc triều chánh biên toát yếu cuốn 1, tờ 6-7, 9-10, 17)

Cứ như hai sách đó, dầu rằng biên chép sơ lược quá, song cũng đã là rõ ràng. Nói rằng "người Tây không có thể giúp được" và nói rằng "nhơn vì trong nước có việc bèn sai người đưa Hoàng tử về" thì đủ biết lúc bấy giờ nước Pháp không có đem binh lính hay là khí giới gì qua giúp cho vua Gia Long hết. Nếu quả nước Pháp đã có giúp gì cho vua An Nam ít nữa cũng phải có chép lấy một vài lời, chứ không có lẽ nào bỏ qua đi được.

Tuy vậy, chúng ta lấy con mắt nhà sử học mà xét thì hai cái chứng cớ ấy cũng chưa đủ lấy làm tin, vì thường tình cũng có lấy sự mang ơn kẻ khác làm xấu hổ, hoặc giả nước Pháp có giúp thật mà sử gia An Nam giấu đi để có phi ơn, cũng chưa biết chừng.

Nếu vậy thì, bước tới một bước nữa, chúng ta hãy tra xem sách của chính tay người Pháp viết ra.

Sách Việt Nam cận thế sử (Histoire moderne du Pays d'Annam) của ông văn khoa tấn sĩ Charles B. Maybon chép việc nầy đầu đuôi rõ lắm song sự tích khí dài không thể dịch y theo nguyên văn mà lục ra đây được, vậy xin tóm tắt lại như dưới nầy.

Nguyên khi Cao hoàng sai giám mục d'Adran (tức Bá Đa Lộc) phò Hoàng tử Cảnh qua Pháp thì có phó cho một bức thơ, trong có 14 khoản đại lược nói nhờ nước Pháp giúp cho 1500 quân và tàu bè súng ống thuốc đạn thì ngài sẽ nhường cho nước Pháp cửa Hàn, đảo Côn Lôn và để quyền buôn bán trong nước mình riêng cho nước Pháp chớ không cho nước nào khác bên Âu châu dự vào.

Giám mục d'Adran ở nước An Nam ra đi ngày tháng chạp năm 1785 đến cuối tháng hai năm sau thì đến Ấn Độ tại Pondichéry. Bấy giờ Coutenceau des Algrains làm tổng đốc cai trị năm tỉnh của Pháp ở Ấn Độ, giám mục liền nói ngay với ông nầy xin đem quân sang giúp Cao hoàng. Coutenceau từ chối rằng việc ấy phải chờ lịnh vua Pháp chớ mình không giám tự chuyên. Rồi d'Adran với Hoàng tử trú lại ở đó. Sau đó Charpentier de Cossigny sang thay cho Coutenceau cũng không chịu nhận lời d'Adran, chỉ cho tàu chở cả bọn d'Adran về Pháp mà thôi.

Đầu tháng hai năm 1787 thì d'Adran tới cửa biển Lorient nước Pháp rồi đến Paris. Giám mục đưa Hoàng tử(**) đi dự các hội hè và đến đâu cũng cổ động rằng việc giúp vua An Nam là việc nghĩa và cũng có lợi. Người vận động đến các quan lớn trong triều, nên không bao lâu thì được vào yết kiến vua Louis XVI. Người hết sức nói cho vua nghe việc cứu vua nước Nam là phải, thì vua nhận lời. Tháng 11 năm ấy vua Louis XVI ký tờ Pháp Việt giao ước tại Versailles, song cái quyền thi hành tờ giao ước ấy cũng ví rằng ông nầy ở đó thì rõ việc nước Nam hơn.

Cũng trong lúc ấy bộ ngoại giao nước Pháp có viết thơ cho De Conway mà dặn rằng nhà vua đã giao việc nầy cho thì phải cẩn thận, nhứt là nhà vua đương túng bấn về đường tài chánh mà định bỏ ra 20 vạn đồng bạc để làm việc nầy thì khí nguy hiểm; vậy phải liệu cử binh mà có lợi thì hãy cử không thì thôi, đừng làm gì si sứt đến món tiền hai mươi vạn ấy.

Giám mục d'Adran và Hoàng tử Cảnh ở Pháp về, ngày 18 tháng 5 năm 1788 thì đến Pondichéry. Giám mục đến yết kiến De Conway, xin cấp tiền công cho mình và hoàng tử để tiêu dùng thì ông ấy không cho; và xin phái một chiếc tàu nhỏ đi báo tin cho Cao hoàng thì cũng trớ(***) và không chịu. Từ đó hai người không ưa nhau. Khi nào d'Adran nói đến việc cử binh giúp vua An Nam thì De Conway cũng kiếm lời nói trớ đi, nhứt định không chịu.

Tháng ba năm 1789, d'Adran có được một bức thơ ở Nam Kỳ gởi sang nói rằng: "Bây giờ Nguyễn chúa đã lấy được năm tỉnh phía Nam rồi, có nhiều tàu chiến và có thể mộ thêm bảy tám vạn binh; song ngài chỉ ước ao có một đạo binh lớn nào đến làm thanh viện, cho lòng dân thêm vững". D'Adran bèn viết thơ xin De Conway gởi cho Cao hoàng một chiếc tàu to, mấy chiếc tàu nhỏ, một trăm lính pháo thủ, sáu khẩu súng lớn và thuốc đạn, và có nói rằng, về tổn phí các món trên đó, Nguyễn chúa sẽ chịu cho. Song De Conway cũng không nghe.

De Conway lại còn viết thơ về bộ ngoại giao mà bác lời d'Adran đi. Vì vậy nên triều đình Pháp mới quyết định không thi hành tờ giao ước ấy nữa. Việc ấy có chứng đành rành. Một là lời phê của quan Thượng ngoại giao phê trong tờ bẩm của ông Moracin ngày 20 tháng 7 năm 1788 rằng: "Tôi đã thay mặt Hoàng thượng tư cho ông De Conway hoãn việc cử binh qua Nam Kỳ rồi". Hai là bức thơ của Cao hoàng gởi sang Pháp, về đầu năm 1790 trong đó cảm ơn vua Louis XVI có lòng tốt giúp ngài, song lại nói cho vua biết rằng quan tổng đốc Pháp ở Ân Độ là người do dự không chịu thi hành các khoản mà vua đã hứa giúp ngài."

(Nhẫn lên lấy ở thiên thứ V và thứ VI trong sách Việt Nam cận thế sử).

Thế là việc Cao hoàng sai Bá Đa Lộc phò Hoàng tử Cảnh sang cầu viện bên nước Pháp rút lại không hiệu quả gì cả. Sách của ông Charles Maybon chép đây có kỹ lưỡng hơn, song đến chỗ kết cục thì cũng không trái với sử sách của người An Nam làm ra.

Đến như cái công của Giám mục Bá Đa Lộc đối với Nguyễn triều thì chúng tôi không hề chối. Chúng tôi cũng nhìn nhận rằng khi Bá Đa Lộc ở Ấn Độ về, có đem theo các người Tây và tàu bè, súng ống, thuốc đạn để giúp vua Cao hoàng.

Sử An Nam chép việc nầy rời rạc và không rõ ràng lắm, không thể trưng dẫn được; song sách của ông Maybon thì chép rõ. Cứ theo sách ấy thì lúc bấy giờ Bá Đa Lộc nhờ mấy nhà buôn Pháp ở Pondichéry và Ile de France giúp tiền cho, lại hồi đó vua Cao hoàng cũng đã có tiền để mà chi dụng về việc quân phí, nên người mới mua được tàu bè súng ống và đưa lần lần về Nam Kỳ.

Đầu hết có tàu La Dryade đến tại đảo Côn Lôn, chở một ngàn khẩu súng mua cho đức Cao hoàng. Sau có chiếc La Garonne và chiếc Le Robuste ở Ile de France chở súng đến; trong tàu Garonne có hai khẩu súng đại bác. Vào mùa thu năm 1789 có chiếc Le Moyse và chiếc Saint-Esprit chở thuốc đạn và lương thực đến Nam Kỳ. Tháng bảy năm ấy, Giám mục Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh cũng đáp tàu Méduse về tới nơi.

Bá Đa Lộc có rủ được nhiều người Pháp cùng đến, lắm người đương có chơn trong đạo hải quân Pháp mà cũng bỏ, đi theo người. Trước hết có Victor Olivier đến ngày 19 tháng 9 năm 1788 theo vua Cao hoàng. Sau có những ông J. Baptiste Guillon, Guillaume, Guilloux, Théodore Lebrun, Magon de Médine, Julien Girard, L'Isle Sellé Vannier, de Forsans, Laurent Barisy và hai người thầy thuốc là Desperles và Despiau. Có công nhứt là D'Ayot, ông nầy có rủ anh mình là Félix đến nữa. (Nhẫn lên lấy ở thiên thứ VII trong sách Việt Nam cận thế sử ).

Bấy giờ thế Tây Sơn đã rúng lắm và kế đến Nguyễn Huệ đau chết, vua Cao hoàng đã đắc thắng luôn mà lại nhờ có các người Tây và khí giới tàu bè ấy nữa, nên dễ mà đánh lấy lại đất cũ của chúa Nguyễn và thống nhứt nước Nam.

Vậy thì, nhơn thấy giám mục Bá Đa Lộc nhờ tiền của mấy nhà buôn Pháp hoặc lấy tiền của vua Gia Long gởi sang mà mua tàu súng và mộ người Pháp về giúp vua để đánh lại Tây Sơn, rồi nói rằng đó là nước Pháp giúp, có được không? Không được, vì đó là mấy mươi người riêng của nước Pháp giúp, chứ không phải chính nước Pháp giúp. Mấy mươi người ấy hoặc có vì lòng háo nghĩa chăng nữa, song đã không phụng mạng bổn quốc mình, ăn lương của vua Cao hoàng mà đi đánh giặc mướn, thì người ta chỉ coi như một bọn lính thuê mà thôi.

                               (Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn)

Nói rằng nước Pháp giúp đi nữa, thì sự giúp ấy cũng chỉ giúp vua Gia Long mà thôi, nào có giúp gì cho nước An Nam mà hòng kể công với dân An Nam? Vì bấy giờ, cuộc loạn trong nước Nam chỉ là một cuộc nội tranh, bên nào thắng thì làm vua đó thôi, còn dân An Nam vẫn cứ làm dân, và nước An Nam cũng không hề bị mất mà.

Trái lại, phỏng khiến nước Pháp bấy giờ quả quyết thi hành theo như giao ước mà đem quân sang giúp Cao hoàng, thì có lẽ nước Nam lại vong quốc ngay bởi nước Pháp trong lúc đó chưa biết chừng. Ừ, quả vậy thì cái công ơn ấy mới lớn cho! Mà cái giả thuyết ấy có lẽ lắm, vì về việc nước Pháp không giúp cho đây, một nhà trứ thuật người Pháp là ông Faure có lấy làm tiếc mà nói mấy lời như vầy: "Giá phỏng bấy giờ chánh phủ Pháp sẵn lòng giúp Giám mục d'Adran thì có lẽ ông ấy đã lập nên cho nước Pháp thành cuộc bảo hộ ở nước Nam từ cuối thế kỷ XVIII rồi, không cần về sau phải dùng đến binh lực mới thành công được."

Cứ lời ấy mà suy, thì sự giúp nhau lại là sự nguy hiểm lắm. Mà phải, tổ tiên An Nam chúng tôi đã hiểu thấu điều đó nên có đặt ra câu cách ngôn mà dặn dò chúng tôi rằng đừng có "rước voi về giày mồ"! [...]

Nước Nam còn được tự chủ già nửa thế kỷ rồi mới bị nước Pháp chinh phục, sự ấy người An Nam ta nên cảm ơn ai? Có lẽ nên cảm ơn bộ ngoại giao về đời vua Louis XVI và quan Tổng đốc ở Ấn Độ bấy giờ là ông De Conway mà thôi. Còn những ông giám mục Bá Đa Lộc, chúa tàu Long, chúa tàu Phụng, vân vân, đối với nước An Nam, dân An Nam thật không có một mảy ân tình chi hết, dầu mà mỗi năm đến ngày mồng 2 tháng năm, Nam triều có làm lễ kỷ niệm các ông ấy tại nhà chung Phú Cam rất trọng thể.

Bây giờ chúng tôi lại cảm ơn ai nữa? Chúng tôi lại còn cảm ơn ông Charles B.Maybon, vì ông đã viết bộ Việt Nam cận thế sử, mà lưu lại những tài liệu chơn thật về cuộc Pháp-Việt giao thiệp hơn một thế kỷ về trước cho chúng tôi, nhờ những tài liệu ấy, chúng tôi có thể đánh đổ những sự giả dối của mấy nhà làm sử bất công ngày nay vậy.

                                                                                                                                  C.D.

                                                              Đông Pháp thời báo, Sài Gòn,

                                                        s.720 (15.5.1928) ; s.721 (19.5.1928)

-----------------

* Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Chấn là những người Pháp; sách Quốc triều chính biên…ghi theo họ tên đã Việt hoá của họ sau khi họ đã trở thành cận thần của vua Gia Long;

** bản gốc là Hoàng nữ, hẳn do in sai, ở đây sửa lại;

*** trớ: tránh, lảng; nói trớ đi: nói lảng đi (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.)

 

Bài 2- Cái dốt của triều đình Huế

 

Mấy lâu tại triều đình Huế có đặt một sở biên tập để làm một bộ Hán Việt từ điển.

Họ đã bắt đầu xuất bản một tập rồi.

Tập Hán Việt từ điển nầy chính nhà biên tập tự gọi là bản thảo, chứ chưa phải sách. Chúng tôi tạm gọi là sách, là vì nó đã in ra và đóng lại thành tập.

Trong số 20 của tập ấy có lắm cái quái hiện hình ra mà chúng tôi đã xem thấy.

Trong số 20 nầy thấy mấy người đứng tên biên tập khác với mấy người đứng ở các số trước, nhứt là ông Hồ Đắc Hàm, thay cho ông Nguyễn Bá Trác, làm chủ sở biên tập.

Vậy thì, trong số nầy nếu có điều chi sai lầm, người ta sẽ đổ trách nhiệm cho ông Hồ Đắc Hàm chớ ai?

Chúng tôi nói câu ấy là có ý kêu oan cho ông Hồ, vì ông có quen làm những việc như là việc biên tập từ điển đâu, mà bắt ông ra làm chủ, rồi đổ vãi trách nhiệm cho ông!

Những việc của các quan Nam triều làm ra, quá nửa là việc để cho người ta phì cười!

Tợ hồ như mấy người biên tập Hán Việt từ điển số 20 nầy không hiểu chữ "Từ điển" nghĩa là gì, nhứt là không hiểu chữ "Từ" nghĩa là gì.

Tôi xin cắt nghĩa:

Từ điển khác với Tự điển. Tự điển mỗi điều(*) chỉ có một chữ, mà từ điển mỗi điều phải từ hai chữ sắp lên đến sáu bảy chữ. ấy là vì chữ "Từ" khác với chữ "Tự"  "Từ" nghĩa là lời, "Tự" nghĩa là chữ, hiệp nhiều chữ lại mới thành lời.

Nhưng không phải hễ thấy lời nào có nhiều chữ mà cho là "từ" hết thảy được đâu. Phải biết thế nào mới gọi là "từ " được.

Từ (lời) là hiệp mấy tự (chữ) lại mà thành ra, để chỉ tên một sự vật hoặc một danh lý, để biểu thị một ý tưởng hoặc một tình cảm của người ta; song, tuy có nhiều chữ mà đã thành ra như một chữ, và nó có cái vẻ đặc biệt, gần gần như là một cái điển cố vậy. Tức trong tiếng Pháp gọi là expression(*).

Phải lấy ví dụ cho rõ hơn. Vậy như: Thiênmã  thì gọi là từ được, mà tẫn mã  hay dịch mã  thì không gọi là từ được.

Bởi vì, đời vua Võ Đế nhà Hán có được một con ngựa bên Tây Vực hay lắm, bèn đặt tên là thiên mã, nghĩa là con ngựa của trời, thế thì thiên mã là tên đặc biệt, cho nên gọi là từ. Và chữ thiên mã ấy đáng để vào từ điển, vì sau nầy có con ngựa nào hay như con ngựa ấy thì người ta có thể dựa theo đó mà gọi nó là thiên mã được. Còn tẫn mã là ngựa cái, dịch mã là ngựa trạm, chẳng qua lấy chữ tẫn chữ dịch ghép với chữ mã mà thôi, là phổ thông, không phải là đặc biệt, cho nên không gọi là từ được, và không đáng đem vào từ điển.

Ấy vậy mà trong số 20 của tập Hán Việt từ điển nầy có nhiều chữ không đáng gọi là từ và không đáng thu vào Từ điển như cái ví dụ "tẩn mã" và "dịch mã" ấy.

Đại để như: về chữ hưu, điều thứ 4: Hưu mộc sở; về chữ Nễ, điều thứ 4: Nễ môn Hoàng đế, đều không phải là từ, mà các ổng cũng cứ việc thu vào.

Nếu là Từ điển mà thu vào những chữ như vậy thì giấy nào mà chứa cho hết, in mấy mươi đời cho rồi?

Tuy nhiên, mấy điều đó chưa dốt mấy, điều nầy mới là dốt, mới là cực dốt!

Về chữ Hưu, điều thứ 5, tôi xin chép y theo nguyên văn như vầy:

Hưu số hoang đường: Số tốt rộng lớn. Vương đào, Trang xuân: Cây đào bà Vương, cây xuân ông Trang, số tốt rộng lớn (bài tụng của Dực Tôn chúc bà Chương hoàng hậu trong lúc lục tuần đại khánh tiết, ý muốn chúc cho số bà được rộng lớn lâu dài như cây đào bà Vương và cây xuân ông Trang) (Đại Nam chính biên hậu phi liệt truyện).

Thiệt rõ ra là các ông biên tập Hán Việt từ điển bướng quá, bậy quá, và dốt quá!

Có đời nào ai lại cắt nghĩa chữ hưu số là "số tốt" và chữ hoang đường là "rộng lớn" bao giờ? Có sách nào, có từ điển nào cắt nghĩa chữ hoang đường là "rộng lớn", xin hỏi các ông?

Xin các ông chịu khó mà nghe tôi:

Đó không phải là "hưu số hoang đường" như các ông đọc bậy đâu, mà chính nó là "hưu sổ hoang đường".

Hưu sổ nghĩa là đừng kể. "Vương đào Trang xuân hưu sổ hoang đường" nghĩa là: đừng kể chuyện hoang đường như chuyện cây đào của Tây Vương Mẫu và cây xuân của Trang Tử.

Giá phỏng các ông cắt được đúng nghĩa như tôi, là điều nầy cũng không đáng đem vào Từ điển, vì nó không phải là từ, huống chi các ông lại cắt nghĩa bậy nữa!

Các ông quả là to gan dám cắt nghĩa bậy một câu văn của vua Dực Tôn(**) mà đem in ra! Chớ nào viện đô sát ở đâu? Chớ nào các quan ngự sử ở đâu?

Chúng tôi chỉ trích như vậy, các ông chắc không còn chỗ nào cãi được nữa, các ông sẽ nói mềm mỏng rằng đó chẳng qua là bản thảo, còn đợi các nhà văn học phủ chính lại nữa.

Các ông nói phải! Chúng tôi chẳng có trách nữa làm chi.

Song le, chúng tôi chỉ lấy lòng chơn thành mà trách các quan Nam triều sao có chuẩn ra mỗi năm hai ngàn đồng bạc để cho các ông vẽ cua vẽ còng như vậy? Ừ! Tiền cứ ăn, viết bậy cứ viết rồi thiếu chi người phủ chính!

Người An Nam ta từ Nam chí Bắc chán biết cái dốt của các ông biên tập Hán Việt từ điển bây giờ, chẳng dấu làm chi; song các quan Nam triều nếu còn muốn giữ thể diện cho triều đình đôi chút thì nên chú ý đến việc nầy, kẻo ngoại quốc người ta cười lắm. Vì có lẽ các ngài không thèm ngó đến tập Hán Việt từ điển, không hề biết nó mặt ngắn hay mặt dài, song chúng ta biết rằng các ông cố đạo cho bộ sách ấy là quan hệ lắm, thường xem xét đến luôn.

                                                                                                                            C.D.

đăng trong mục "Câu chuyện hằng ngày"

   Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s.717 (8.5.1928)

-----------

expression (tiếng Pháp): thành ngữ, từ tổ cố định;

** vua Dực Tôn (đúng ra là Dực Tông) tức là Nguyễn Phúc Thì tự Hồng Nhậm (1829-1883), lên ngôi Hoàng đế Đại Nam với niên hiệu Tự Đức (1848-1883), khi mất được đặt miếu hiệu Dực Tông.

 

Bài 3- Sự dùng người của chánh phủ

 Vẫn biết việc chánh trị của chánh phủ Pháp là theo lối pháp trị, chớ không theo lối “nhân trị” như triều đình An Nam ngày xưa. Theo lối pháp trị thì đã có hiến pháp và pháp luật làm thầy cho nên trong sự dùng người, cứ quý hồ người nào làm được việc thì thôi chớ không cần đến cái tư cách riêng của người ấy cho lắm. Hay là, muốn nói cho dễ hiểu hơn thì nói rằng trong sự dùng người chỉ trọng về đằng tài chớ ít trọng về đằng đức.

Vẫn biết vậy rồi, nhưng mà đối với dân tộc Việt Nam trong sự cai trị, chưa có thể rặt ròng khuynh hướng về phương diện ấy được đâu; nói trắng ra tức là chưa có thể chuyên dùng lối pháp trị.

Người Việt Nam trải lâu đời ở dưới quyền quân chủ, ở dưới quyền Nho giáo, ai nấy đều trông lên ông quan mà tôn là một hạng người “dĩ đức hóa dân”; chẳng những coi quan trên như cha mẹ mà thôi, lại cũng coi như thầy dạy nữa. Cho nên, một ông chủ tỉnh (Administrateur de la province), theo con mắt người Pháp thì chỉ coi như một ông quản lý của một nhà buôn; song theo con mắt người An Nam, thì coi là quan hệ với mình lắm, là cha mẹ và thầy mình.

Theo ý chúng tôi thì làm dân đời nay mà đối với quan lại, còn có cái quan niệm ấy, là không tốt. Song sự ấy chúng tôi đem mà bàn luận ở đây(*). Ở đây chúng tôi chỉ vạch đến chỗ ấy ra, là cốt muốn cho chánh phủ chớ(*) rằng trong khi dân An Nam còn có cái quan niệm “coi quan như cha mẹ và thầy” đó, thì còn cần phải dùng lối nhân trị nghĩa là chánh phủ dùng người ra làm quan, cần phải trọng bên đức hơn bên tài.

Có một lúc, bị tình thế ép buộc, chánh phủ dùng người không cần “đức”, là lúc xứ nầy mới bị chinh phục vừa xong, người hiền trốn lánh không chịu ra, mà muôn việc không thể bỏ, thì lúc bấy giờ có tên thợ rèn đã được làm Tổng đốc, tên buôn gà đã được làm tri huyện. Cái chế độ dụng nhân ấy tạm thi hành trong hai lần lấy thành Hà Nội (1873 và 1882) nên mới có câu đối rằng: “Dã tượng tích vi tổng đốc; mại kê kim tác huyện quan”(**).

Chúng tôi đã nói là “tạm hành”, vì biết sự đó là bởi cực chẳng đã, hồi nhà nước cần có người để sai sử, mà không có người, thì cũng phải dùng đỡ vậy thôi. Sau khi đó, trong nước được bình yên, nhà nước lại lấy nhân tài ở trong khoa cử hoặc học đường ra mà dùng.

Tuy vậy, chúng tôi cũng còn thấy những người xuất thân đê tiện mà được lên làm quan sang. Một anh lý trưởng đã nhảy lên ngôi tứ trụ. Vài anh bồi cũng đã nhờ có tài năng mọn mạy chi đó mà anh thì làm đến thượng thơ, anh thì làm đến tuần phủ. Còn mấy ông do chưn thông ngôn ký lục mà bây giờ cũng “vị cực nhân thần”, thì đem sánh với những hạng trên kia, thiệt đã xứng đáng lắm, chúng tôi còn nói năng chi.

Chúng tôi không hiểu làm sao đến ngày nay là ngày cuộc bảo hộ đã yên rồi, mà nhà nước lại còn đem cái “chế độ tạm” hồi trước ra mà thi hành lại? Sự dùng người lộn xộn như vậy thiệt là làm mích lòng dân nhiều lắm; mà sự làm mích lòng dân, ai dám bảo là sự không có hại gì cho chánh phủ ư?

Trước hết là đối với bọn sĩ phu. Bọn nầy, thầy của họ là Khổng Tử, Mạnh Tử, có cái chí khí tự trọng tự cao, ít hay chịu khuất, mà khi thấy anh bồi hay chú xã nhảy lên làm thầy họ, thì họ chịu sao nổi? Nhà nước chớ ngó thấy một vài kẻ ở trong đám nhà nho ra, cũng lòn lỏi nơi cửa quyền để nuôi cái thân cho mập, mà tưởng lầm rằng hết thảy sĩ phu trong nước đều phục cái chế độ ấy. Không đâu; sĩ phu họ vẫn không chịu được cái lối dùng người đó, mà nhiều sự phiến động cũng có một phần bởi cái duyên cớ ấy mà ra vậy.

Cho đến hạng dân hèn đi nữa, cũng đừng nên thấy họ ngu dốt mà tưởng rằng bất kỳ ông quan nào, hễ có bằng sắc của nhà nước thì họ cúi đầu vâng phục hết đâu. Cái người làm cha mẹ, làm thầy họ, mà không đáng mặt, thì họ đâu có chịu? Há chẳng từng thấy có nhiều dân làng kiện quan, và đến nỗi có nhiều khi họ khiêng quan đem trả cho nhà nước sao? Hạng bình dân nầy dễ bị người ta khêu chọc lắm, hễ họ đã sẵn có sự bất bình rồi, thì gặp có dịp gì một chút, họ sẽ nổi lên làm quấy.

Dùng người không có đức không có tư cách ra để làm lớn dân, thì cái hại là vậy đó.

Hiện bây giờ đây, ở Bắc kỳ dân sự đương kêu rêu về ông Vi Văn Định là người Thổ mà làm Tuần phủ Thái Bình. Tờ báo Tây Ami du Peuple đã viết một bài kể tội ông quan nầy và một bạn đồng nghiệp chúng tôi là Đuốc Nhà Nam có dịch đăng cách mấy bữa trước.

Theo báo Ami du Peuple thì ông Vi Văn Định thiệt là người tàn ác hại dân nhiều bề, cho nên dân tỉnh Thái Bình mới có cuộc biểu tình ngày 1er Mai để phản đối ông ấy.

Chúng tôi chẳng biết cài tài ông Vi Văn Định có những gì, chỉ biết ông ấy là người kém về đức; vậy mà nhà nước dùng làm một ông quan chúa tỉnh, theo cái lý thuyết trên kia thì dân sự không phục tình mà phản đối là phải.

Ngoài cái vấn đề tài đức, lại còn cái vấn đề chủng tộc nữa. Thái Bình là một tỉnh lớn, thanh danh văn vật giữa trung châu Bắc kỳ, cả dòng giống An Nam chẳng có một người đủ gánh cái trách nhiệm chúa tỉnh hay sao, mà lại phải cầu đến một người tôi con của “ngài Điêu”(1) mới được? Nhà nước không nghĩ kỹ mà làm điều ấy, thiệt đã chích bụng người An Nam lắm đó.

Đối với dân Chàm, nhà nước cũng còn nể họ, huyện Tham Lý(*) là huyện rặt những Chàm đó, vẫn dùng người Chàm làm tri huyện, thì nỡ nào lại dùng một người Thổ để ngồi trên dân An Nam?

Cái vấn đề chủng tộc tuy là quan hệ mà là đơn độc, vì chỉ có cái “ca” Vi Văn Định đây thì nó mới phát sanh. Còn cái vấn đề tài đức kia là phổ biến, vì nó bao hàm hết sự dùng người của chánh phủ, vậy nên chúng tôi xin chánh phủ để ư về chổ đó hơn khi bê một ông quan địa phương ra, phải nghĩ đến chỗ cái đức ông ấy có đủ cho dân tình phục không, chớ đừng kể nội một cái tài đủ cho chánh phủ.

Đã có một lần chúng tôi đem cái ý kiến trên nầy mà bày tỏ cho một vị thủ hiến bên Bảo hộ ở Trung kỳ nghe. Ngài dạy rằng đã biết vậy rồi, song trong quan trường An Nam ngày nay hình như ông nào cũng vậy đó, biết đâu kiếm cho ra người có đức mà dùng! Chúng tôi thưa lại như vầy: “Nếu quả như lời thượng quan nói đó thì “người” Việt Nam chúng tôi ngày nay đã hóa ra “ma” hết rồi sao? Không có lẽ”. Vị thủ hiến bèn gật đầu mỉmcười, và nói rằng: “Nhưng lại còn phải biết sự thay đổi là khó quá!” – Cái đó thì chúng tôi cũng biết rồi, khó quá!(**)

 

D. PHỤ LỤC 2

MỘT SỐ BÀI PHẢN BIỆN CỦA TÁC GIẢ VỀ CHÍNH TRỊ                                

 

Sau đây là một số bài chính luận, tôi đã đăng trên một số báo mạng và facebook cá nhân. Những bài này thuộc loại nhạy cảm mà trong thời gian dài người Việt trong nước không dám bàn đến mặc dầu ngoài tôi ra  thì cũng có nhiều người khác có hiểu biết sâu sắc và chính xác hơn. Tôi dám viết ra chỉ vì  đã thắng được nỗi sợ và không bị người trong gia đình kiên quyết ngăn trỏ. Những bài như thế bi một số người trung thành với chủ nghĩa và ý thức hệ phản đối kịch liệt, mạt sát thậm tệ. Tôi cam đoan là chỉ dựa trên kiến thức và phương pháp khoa học để phản biện những điều sai trái chứ không bìa đặt, không lợi dùng quyền tự do dân chủ để chống đảng hoặc đòi lật đổ chế độ. Nay tôi chép vào sách này, lưu lại để các thế hệ độc giả tham khảo và đánh giá.

 

D 1- HÃY NGỪNG LẠI NGAY THÓI NGỤY BIỆN XẢO TRÁ


Tôi vừa đọc bài “Luận cứ phê phán cho rằng giai cấp công nhân không thể lãnh đạo  được cách mạng trong điều kiện ngày nay……” Tác giả là Đại tá, PGS TS Bùi Đình Bôn, sinh năm 1950.

Đây là một bài đầy rẫy ngụy biện, là một đống ngôn từ sáo rỗng và dối trá từ đấu chí cuối.

Trước hết xin bàn về khái niệm lãnh đạo.

Lãnh đạo là một động từ. Tiếng Pháp là Diriger, tiến Anh là Lead, tiếng Nga phiên âm là Rukơvađit. Sự lãnh đạo là danh từ. Lãnh đạo có khi còn dùng như bổ ngữ cho một danh từ khác.

 Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về lãnh đạo. Tôi chưa tiếp cận được với tất cả mọi định nghĩa có trong các ngôn ngữ mà chỉ mới tham khảo được vài chục định nghĩa có trong các từ điển thông dụng và Wikipedia. Tất cả điều tôi tìm được chỉ ra rằng lãnh đạo là hoạt động của con người đối với người khác trong phạm vi ảnh hưởng. Chỉ xin nêu ra vài thí dụ :

+ Lãnh đạo là đề ra chủ trương đường lối và động viên tổ chức thực hiện.

+  Lãnh đạo là hoạt động mà một người ảnh hưởng đến những người khác để thực hiện một mục tiêu nào đó, đồng thời hướng tổ chức tới sự gắn kết chặt chẽ.

+ Lãnh đạo tạo tầm nhìn, hoạch định chiến lược, quản lý đội nhóm bằng tầm ảnh hưởng của mình.

+ Lãnh đạo là dìu dắt và điều khiển công việc của một tổ chức để đạt được những mục tiêu mong muốn".

[Từ điển Bách khoa Việt Nam ( tập 2-xuất bản năm 2002) (*) không có mục từ Lãnh đạo, trong khí có các mục Lãnh chúa, Lãnh địa, Lãnh hải- trang 640]

Như vậy lãnh đạo là hoạt động của một hoặc một vài con người cụ thể chứ không phải là hoạt động hoặc nhiệm vụ của một tổ chức, càng không phải là của một giai cấp..

Thế mà không biết từ đâu ra khái niệm “Giai cấp lãnh đạo”, gán cho giai cấp công nhân (GCCN). Phải chăng đây là một sự bịa đặt và gán ghép của một ai đó có danh vị, rồi nhiều người khác nói theo như vẹt và thành thói quen. Đến nỗi trong Từ điển Bách khoa Việt Nam cũng viết : “Trong chế độ chủ nghĩa xã hội GCCN lãnh đạo chính quyền- (*- trang 103).

Tôi cho rằng mệnh đề “GCCN làm lãnh đạo” là một sự bịa đặt, đã lừa dối được nhiếu triệu người, kể cả những người có tri thức cao, nghe theo và nhắc lại như vẹt. Không phải chỉ trong điều kiện ngày nay mà cả trong lịch sử, GCCN chưa bao giờ lãnh đạo ai cả, không thể lãnh đạo ai cả.

TS Bôn mở đầu bài viết: “Một trong những cống hiến vĩ đại nhất của Chủ nghĩa Mác Lênin là phát hiện và làm sáng tỏ sứ mệnh lịch sử của GCCN, giai cấp tiên tiến nhất, triệt để cách mạng nhất, giai cấp duy nhất có khả năng lãnh đạo các tầng lớp nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, tiến hành cách mạng vô sản….GCCN đại biểu cho lực lượng sản xuất tiên tiến nhất, nó là lực lượng quyết định phá vở quan hệ sản xuất cũ, là giai cấp đại biểu cho sự tiến bộ của lịch sử, là giai cấp duy nhất có khả năng lãnh đạo một phương thức sản xuất mới cao hơn”.

Về GCCN Việt nam, TS Bôn viết “Vai trò lãnh đạo của GCCN Việt Nam được củng cố và giữ vững trong những năm đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong thực tiễn vai trò tiên phong của GCCN VN đã và đang được thể hiện trên tất cả các mặt của đời sống xã hội”.

Không biết viết ra những điều như trên TS Bôn có dựa vào những luận cứ  có thực, có tự tin rằng đó là những sự thật hay là chỉ nhắc lại như con vẹt những điều đã được ai đó bịa đặt ra và đem nhồi sọ, tẩy não cho những người ngu tín, ngu trung.

Chỉ xin thảo luận một điều. Liệu có phải GCCN là đại diện cho nến sản xuất công nghiệp tiên tiến. Không phải. Cho như thế là một nhầm lẫn lớn, do thiếu trí tuệ mà lẫn lộn giữa hiện tượng với bản chất hay là do thủ đoạn đánh tráo khái niệm. Về việc vạch ra GCCN không thể nào là đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, tác giả Tân Tử Lăng đã chứng minh rất rõ ràng, chặt chẽ trong sách “Mao Trạch Đông- Ngàn năm công tội”. Để tránh dài dòng tôi xin không lặp lại ở đây chứng minh của Tân Tử lăng với hy vọng rằng những người có suy nghĩ bình thường (không bị nhồi sọ) đề có thể hiểu được tầng lớp nào mới thật sự đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, chứ nhất thiết không phải là công nhân, những người chủ yếu  chỉ thực hiện một số thao tác trong dây chuyền sản xuất. Đúng là công nhân  sử dụng máy móc, công nghệ để làm ra nhiều sản phầm, nhưng hoạt động của họ chỉ hạn chế chủ yếu trong việc kết hợp với máy móc. Ngày nay rất nhiều hoạt động của công nhân được rô bôt đàm nhận. Không có công nghệ và máy móc bản thân công nhân không thể  làm ra sản phẩm công nghiệp.

Ở cuối bài TS Bôn viết : “Đảng và Nhà nước cần có biện pháp hữu hiệu để củng cố, chăm lo xây dựng GCCN VN vững mạnh, chăm lo xây dựng bộ phận lãnh đạo của mình vững mạnh về mọi mặt.”.

Ô hô ! Giai cấp lãnh đạo làm sao, đến nỗi nào mà cần người khác chăm lo. Phải chăng họ đang tháo chạy về quê để khỏi phải chết vì đói trước khi chết vì dịch bệnh covid (tháng 6 và tháng 10 năm 2021)

Trước đây nghe Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nói về sứ mệnh lãnh đạo cách mạng của GCCN VN tôi đã bị ớn lạnh, nhưng cho qua khi nghĩ rằng ông ta chỉ có trình độ để nói như vậy. Gần đây, tại Đại hội Công đoàn VN lần thứ XII (25 tháng 9/2018) ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vài lần  nhắc đến GCCN VN đại diện cho nền sản xuất tiên tiến và là giai cấp lãnh đạo làm cho tôi  không nhịn được cười .

Rồi ông chăm chú nhìn vào bài viết sẵn và đọc : “Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, chúng ta tiếp tục kiên định quan điểm giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng….; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội … ..Nhân dịp này, tôi cũng đề nghị các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục và phát huy vai trò, tiềm năng của giai cấp công nhân Việt Nam”.

Giai cấp lãnh đạo gì mà  đời sống cơ cực, trình độ thấp kém đến nỗi phải nhờ người khác chăm lo, giáo dục. Rồi nữa, ông Trọng còn than thở : “Hiện nay xã hội vẫn băn khoăn trước tình trạng một bộ phận công nhân, người lao động có biểu hiện phai nhạt về chính trị, chỉ lo nhiều đến những vấn đề lợi ích kinh tế, đời sống cụ thể trước mắt, ít quan tâm đến những vấn đề cơ bản, lâu dài, có tính chiến lược như ý thức giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, vai trò, sứ mệnh lịch sử, trách nhiệm của giai cấp công nhân.. “.

Giai cấp lãnh đạo mà như thế thì lãnh đạo được ai, làm được gì. Phải chăng những điều ông TS Bôn viết ra là từ nhận thức sai lạc của mình hay là lặp lại như vẹt lời của các ông TBT đảng.

Xin hãy nhìn vào sự thật. Tuy rằng dân trí chưa cao nhưng không còn quá thấp để chấp nhận những lời  ngụy biện và lừa bịp. Nói, viết ra những điều như trên chỉ chứng tỏ sự kém cỏi về trí tuệ hoặc sự đểu giả, định tiếp tục lừa bịp những người nhẹ dạ cả tin. Thực tế không hề có giai cấp lãnh đạo, nó chỉ là một khái niệm giả dối, thực tế GCCN không hề đại diện cho nền sản xuất tiên tiến,  người ta bịa ra và dùng để lừa bịp nhau. Đành rằng việc lừa bịp này chẳng ảnh hưởng mấy đến sự phát triển của xã hội, nhưng cũng xin vạch ra nhằm cảnh báo một hiện tượng để mọi người suy nghĩ.


 

 

D2- PHẢN BIỆN ĐƯỜNG LỐI CÁN BỘ CỦA ĐCSVN


1-Đặt vấn đề

Lãnh đạo ĐCSVN đang loay hoay với vấn đề cán bộ (CB), đặc biệt là CB cấp chiến lược. Họ khát khao có được  đội ngũ CB vững mạnh, nhưng càng ngày thực tế càng xa rời mong ước, càng phát hiện ra nhiều CB thoái hoa biến chất, làm mất lòng tin của dân, làm ruổng nát tổ chức, làm  lung lay sự lãnh đạo. Họ tìm đủ trăm phương ngàn kế để quy hoạch, lựa chọn, đào tạo, đề bạt, giám sát CB, xây dựng và làm trong sạch tổ chức, nhưng chủ yếu vẫn không đạt được . Vì sao vậy?. Phải chăng vì kém trí tuệ và kiêu ngạo mà họ đã chọn  chủ thuyết có nhiều độc hại để tôn thờ,  làm việc trái  ĐẠO TRỜI và LÒNG NGƯỜI.  Như thế càng quẩy đạp càng chui sâu vào đống bùng nhùng không lối thoát.

Thực tế cuộc sống, lịch sử  và sách báo đã giúp tôi suy nghĩ, chiêm nghiệm, nhận thức về việc làm CB, hoặc theo cách nói dân giả là làm quan. Tôi đề ra thuyết Tam đại và Tam ủng cho việc làm quan (Tam Đại là Đại Nhân, Đại Nghĩa, Đại Sự. Tam Ủng là sự ủng hộ của 3 cấp ), cũng đã  viết vài bài tiểu luận, một số phản biện về nghị quyết, quy định của ĐCS VN  liên quan đến công tác CB. Phản biện này chủ yếu là tập hợp những điều tôi đã viết và công bố, cộng thêm một số suy nghĩ và phát hiện gần đây. Tôi viết nhân dịp nghe nói trung ương Đảng họp lần thứ 9 vào cuối tháng 12/2018 để thảo luận về công tác cán bộ.

 Sự suy nghĩ, hiểu biết của một con người là có hạn và chắc rằng những  điều được viết trong bài này cũng được nhiều người  suy nghĩ, hiểu biết và bàn luận. Tôi trình bày  các ý kiến của cá nhân, hy vọng  có thể gợi ra vài tham khảo hoặc phản bác.

2-Gốc gác của mọi vấn đề

Chủ nghĩa Mác Lê nin ( CNML)  là gốc gác đường lối CB của CS. Lãnh đạo ĐCSVN quá tin vào nó, kiên trì nó phải chăng vì chỉ thấy mặt tích cực giả tạo của nó mà không thấy được những độc hại có thật do nó gây ra. Phải chăng vì một thời được học, được nhồi sọ CNML rồi tự bịt mắt, tự  bưng tai,  để không thấy thực tế, không nghe sự thật, rồi còn bịt mồm người khác, không cho phản biện.  Hay còn lý do nào khác.  Có thể một số nào đó biết rõ độc hại của CNML, nhưng  cố tình lợi dụng nó để vinh thân phì gia, để thi hành mưu sâu kế hiểm.

ĐCSVN đã từng là đảng cách mạng, nay  trở thành một đảng chính trị, cầm quyền . Cần thay đổi tổ chức cho phù hợp với nhiệm vụ mới. Thế mà họ không nhận thức được,  vẫn khăng khăng  tiếp tục như cũ, tự tạo ra mâu thuẩn không sao khắc phục được.

ĐCSVN tự cho mình quyền lãnh đạo toàn diện, đặc biệt là  quyền quyết định về CB. Đó là cướp quyền của dân. Họ bày ra trò dân chủ giả hiệu trong bầu cử để lừa mọi người  và tự lừa mình.

Đó là đống bùng nhùng lớn mà ĐCSVN đang vướng phải. Không chịu tìm cách thoát ra mà vẫn lăn lộn trong đó thì không có cách nào tạo được đội ngũ CB  tài giỏi và liêm khiết, nói gì đến việc có thể nêu gương.

3- Về  tiêu chuẩn CB.Có thể quy CB về 2 loại theo nguồn gốc : được bầu và được tuyển. Tiêu chuẩn ( TC) chung nhất cho CB là Tài và Đức (CS gọi là Hồng và Chuyên). Tuy vậy nhận thức và vận dụng trong từng giai đoạn có khác nhau.

Hồ sơ quan trọng nhất là lý lịch. Đã từng có thời tổ chức chỉ xét người theo lý lịch. Nhờ lý lịch sáng đẹp một số kẻ ngu dốt và lười biếng đã trở thành ông nọ bà kia. Vì lý lịch có tỳ vết mà nhiều tuổi trẻ tài năng ôm hận chịu vùi dập.

Đối với CS tiêu chuẩn quan trọng nhất có lẽ là Trung thành. Với một đảng hoạt động bí mật, một quân đội  thì trung thành là bắt buộc, nhưng đảng chính trị cầm quyền không thực sự cần. Tổng thống Trump của Mỹ đã vào đảng Dân chủ, bỏ Dân chủ, vào Cộng hòa, bỏ Cộng hòa gia nhập đảng Cải cách, bỏ Cải cách để trở lại vào Dân chủ. Lại bỏ Dân chủ quay về với Cộng hòa. Thế mà chẳng thấy ai quan tâm đến sự không trung thành của ông ta. Chỉ có kẻ độc tài mới đòi hỏi cao sự trung thành. Mọi thể chế dân chủ không đòi hỏi trung thành với đảng phái chính trị.

Tiêu chuẩn phải làm qua CB cấp dưới đủ thời gian nào đó mới được đề cử, ứng cử lên cấp trên. Tôi gọi đó là cách leo trèo mà không chấp nhận bước nhảy. Sự phát triển tiệm tiến, trèo dần từng bước là bình thường,  nhưng cần có những bước nhảy dành cho những tài năng vượt bậc. Loại bỏ bước nhảy có tác hại ngăn trở tài năng.

Tiêu chuẩn đã có nhiều thành tích và kinh nghiệm là khá thiển cận, ngăn trở việc tìm kiếm những năng lực tiềm ẩn. Chọn CB là để người đó phát huy năng lực, làm những việc mới chứ không phải để họ lặp lại những công việc đã làm. Đành rằng qua việc đã làm thì có thể đánh giá năng lực. Nhưng đó là năng lực trong quá khứ. Giữa một người có nhiều thành tích mà đã cạn  tiềm năng và một người tuy chưa có thành tích     ( vì chưa được làm), nhưng có nhiều tiềm năng thì rất nên chọn người có tiềm năng. Ở đây có cái khó là người chưa làm, chưa có thành tích, sao mà biết được họ có tiềm năng. (điều này sẽ bàn sau, trong mục 4 và 5).

 Nếu cứ phải qua cấp dưới, cứ phải có thành tích thì Lưu Bị không bái Khổng Minh làm quân sư, chúa Nguyễn Phúc Nguyên không phong cho Đào Duy Từ chức Nha úy nội tán, Tề Hoàn Công không phong đại phu cho người chăn trâu Ninh Thich, Những người vừa kể đã làm nên sự nghiệp lẫy lừng trong lịch sử. Và gần đây, nếu theo yêu cầu phải leo trèo dần qua các chức vụ thì dân Mỹ không bầu Trump làm Tổng thống,

QĐ số 90 nêu ra nhiều tiêu chuẩn cụ thể cho từng loại cán bộ. Cụ thể đến vụn vặt. Đó là một QĐ chứa nhiều điều vô minh. Nhiều TC đưa ra là những tính cách thông thường, cần thiết cho bất kỳ một con người lương thiện nào, thí dụ : trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, cần, kiệm, liêm chính v.v…Nhiều TC là thông thường  đối với bất kỳ cán bộ hoặc đảng viên nào, thí dụ : Kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, chủ động đề xuất những nhiệm vụ giải pháp có tính khả thi và hiệu quả, năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm; gắn bó mật thiết với nhân dân và vì nhân dân phục vụ ; được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, đủ  sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; Có tinh thần yêu nước nồng nàn v.v… Đưa ra nhiều đức tính mà người lương thiện bình thường, CB bình thường cần có  để gán cho cán bộ cấp cao là  phạm vào lỗi tầm thường hóa. Riêng các TC quan trọng dành riêng cho CB cũng khá mơ hồ .

TC « Tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng ». Đây là một khái niệm mơ hồ vì chưa thấy một văn bản nào định nghĩa lợi ích của Đảng gồm những thứ gì. Thỉnh thoảng có được nghe giải thích, ngoài lợi ích của dân tộc thì Đảng không còn lợi ích nào khác. Bây giờ lại có “ lợi ích của Đảng ». Việc trung thành này có gì khác so với trung thành với các lãnh đạo chóp bu. Trong điều lệ  không thấy viết gì về lợi ích của Đảng.

Về TC «Tuyệt đối không tham vọng quyền lực » . Vấn đề quan trọng không phải là tham hay không tham quyền lực mà người ta định dùng quyền lực để làm gì, tương quan giữa năng lực và quyền lực có phù hợp không. Nếu lên án sự tham vọng quyền lực chung chung thì những ứng viên tổng thống của tất cả các nước đều bị lên án và loại bỏ.

TC “Kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin (CNML)” thể hiện sự vô minh rõ ràng nhất. Một mặt bắt kiên định CNML, mặt khác đề ra TC năng động sáng tạo. 

TC “ Tốt nghiệp đại học trở lên” thể hiện cái nhìn thiển cận về bằng cấp, sự vô minh về cách đánh giá trình độ.

TC” Sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng”. Hỏi rằng hiện nay Đảng đang định làm cách mạng gì nữa trong lúc khẳng định là đảng cầm quyền.

TC “Có trình độ cao về lý luận chính trị, xây dựng Đảng” là một TC mơ hồ. Những lý luận theo CNML, đường lối xây dựng đảng theo CNML đã tỏ ra quá lỗi thời, quá lạc hậu. Ai ðánh giá trình độ này. Liệu có dám đối thoại công khai để thể hiện trình độ này cho toàn dân biết không.

 

Ngoài QĐ 89 và 90 ngày 4/8/2017 còn có các vãn bản liên quan nhý QÐ số 105, ngày 19/12/2017 về phân cấp quản lý cán bộ. QĐ số 147 và 148 ngày 25/10/2018 lập Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch CB cấp chiến lược, kế hoach số 11 ngày 6/11/2018 của Bộ chính trị về hoạt động của Ban chỉ đạo. Nhận thấy các QĐ về TC chưa đủ mạnh, còn cần thêm các QĐ về  nêu gương, ngày 7/6/2012 có QĐ số 101, ngày 19/12/2016 có QĐ số 55 và ngày 25/10/2018 có QĐ số 08. Nêu gương cũng chưa đủ, phải ra thêm những QĐ về kỷ luật và những điều cấm kỵ.

 

Những văn bản vừa dẫn, phần nhiều là những rừng ngôn từ, nó làm cho nhiều người bị choáng ngợp . Nhưng đọc và phân tích kỹ mới thấy phần lớn chỉ là một mớ tạp nham, thể hiện trình độ thấp kém của người soạn ra và xét duyệt.

Trong nhiều nước dân chủ, tiêu chuẩn bắt buộc của ứng viên, dù là nghị sĩ hay tổng thống thường chỉ có hai. Đó là tuổi tối thiểu ( không hạn chế tuổi tối đa) và thời gian tối thiểu có quốc tịch và cư trú. Thế còn phẩm chất , năng lực, uy tín, đạo đức… có cần không. Cần quá đi chứ và đó mới là thật sự quan trọng, nhưng không ai đề ra tiêu chuẩn cho ai hết. Cử tri sẽ đánh giá thông qua việc vận động, tranh cử, đối thoại công khai. Người tuyển chọn sẽ đánh giá khi phỏng vấn trực tiếp. Ở Singapore Lý Quang Diệu trước đây chỉ đề ra 2 tiêu chí để chọn người vào các cơ quan chính quyền là có tài năng và liêm khiết.

 

4- Bầu cử và quy hoạch

Quan trọng nhất trong bầu cử là danh sách ứng viên gồm những người ứng cử. Có thể ban đầu, ai đó được đề cử, nhưng khi chấp nhận sự đề cử họ trở thành ứng cử. Các ứng viên sẽ tranh cử bằng chương trình hành động với 2 vấn đề chủ yếu : sẽ làm gì và làm như thế nào.

Ở Việt Nam, dưới thể chế CS việc bầu cử trong Đảng hoặc các cơ quan quyền lực nhà nước từ cấp phường, xã trở lên phần lớn chỉ là dân chủ giả hiệu (trừ việc bầu tổ trưởng dân phố và trưởng thôn là còn tương đối có dân chủ). Một việc làm tưởng rằng hay, rằng đúng nhưng lại ẩn chứa sai lầm lớn, đó là cấp ủy nhiệm kỳ cũ quyết định danh sách ứng viên cho nhiệm kỳ mới. Đúng ra họ chỉ được phép lập danh sách ứng viên mà không có quyền quyết định. Rõ ràng nhẩt là Bộ chính trị khóa trước quyết định danh sách các CB chủ chốt của Đảng và của Nhà nước trong nhiệm kỳ sau. Bầu cử kiểu gì mà chưa bầu người ta đã biết chắc ai sẽ trúng và làm chức nào.

Người trước chọn người sau kế nghiệp chỉ xẩy ra trong chế độ quân chủ và độc tài. ĐCSVN gọi là Làm quy hoạch CB. Việc đó tưởng là quá hay, nhưng không phù hợp. Tại sao vậy ? Nhiều người nắm  quyền lực có một tâm lý muốn người khác theo mình, giống minh vì thế mà thích chọn ra những kế nghiệp có cùng quan điểm.  Để xã hội tiến lên đòi hỏi thế hệ sau phải hơn thế hệ trước, phải phát hiện và sửa chữa được sai lầm của thế hệ trước. Vậy trước hết không nên đặt tiêu chuẩn chọn người để kế tục những việc làm  của mình ( trong đó có việc thực ra là sai mà mình tưởng nhầm là đúng ) mà rất nên chọn người biết cách phát hiện và khắc phục, sửa chữa những cái sai mình phạm phải. Sẽ là rất khó để một người đang có chức quyền tự nhận ra cái sai, cái kém của mình, tự phủ định mình,  để chấp nhận, để đề bạt người khác có tài năng hơn nhưng có một vài quan điểm khác. Quá khó, may ra chỉ một số ít những bậc hiền nhân mới có thể làm được.  Đây là lý do để việc quy hoạch cán bộ khó tìm được người thực tài mà dễ tìm được kẻ cơ hội vì bọn chúng biết phô ra năng lực giả tạo và che đi mục đích ẩn dấu, còn người thực tài thường thể hiện trung thực sự bất đồng quan điểm và vi phạm vào tiêu chuẩn tuyệt đối trung thành, bị loại ngay từ đầu.

 Hiện nay một tệ nạn đang ngấm ngầm hoành hành là nạn mua quan bán tước. Tệ nạn này tạo ra môi trường  độc hại nhằm dung dưỡng những kẻ cơ hội có tiền và loại bỏ những người trung thực có tài.  Nạn mua bán quan tước và danh vị là do tệ tham nhũng sinh ra. Tệ tham nhũng lại được sự độc quyền nuôi dưỡng. Trong môi trường như vậy  mà tìm cách quy hoạch cán bộ thì không khéo “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. Từ chỗ chạy chức chạy quyền sẽ chuyển thành chạy chỗ trong quy hoạch. Rõ ràng là phải chiếm được một chỗ trong quy hoạch thì mới mong tìm đường tiến thân. Cách làm như vậy chỉ thích hợp với kẻ cơ hội có tiền, không thích hợp với người có thực tài , biết tự trọng. Gặp môi trường không trong sạch thì người có thực tài sẽ tìm lối thoát thân bằng cách nhập vào dòng “ chảy máu chất xám” hoặc ôm hận chờ thời chứ không chịu xin một chỗ trong quy hoạch.

QĐ 105 với 5 bước tuyển chọn ứng viên ( phụ lục 2) và kế hoạch 11 (ngày 6/11/2018) với 4 điểm mới trong cách tiến hành, trong đó có đổi mới quy trình và coi trọng bản lĩnh chính trị,  được nhiều nhà lý luận CS ca ngợi là bài bản, chặt chẽ, công tâm, loại bỏ được bon tự diễn biến và bọn bất tài kém đức là con ông cháu cha, tránh được tệ nạn chạy chức chạy quyền, chạy quy hoạch. Bài bản, chặt chẽ, công tâm chỉ là hình thức, có làm thật mới biết bên trong còn ẩn dấu một số chước quỷ mưu ma. Loại được bọn tự diễn biến, bọn bất tài con ông cháu cha là có thể, nhưng rất khó dẹp được nạn chạy quy hoạch, nó sẽ biến tướng ngày càng tinh vi. Nhưng quan trọng nhất là rất khó chọn được người thực sự có tài năng. Họ đã bị loại hoặc tự loại từ vòng đầu.

Trong bầu cử, để cho cử tri biết và đánh gia tiềm năng của ứng viên thì tổ chức bầu cử phải tạo điều kiện để ứng viên trình bày chương trình hành động ( sẽ làm gì và làm như thế nào), quan điểm về các vấn đề quốc kế dân sinh, đối thoại trực tiếp với cử tri hoặc với các ứng viên khác. Trình bày chương trình hành động chứ không phải báo cáo thành tích, đối thoại trực tiếp chứ không phải tuyên truyền và hô khẩu hiệu.

Ở VN, bầu Quốc hội là đảng cử dân bầu, trong đảng thì người cũ cử để bầu người mới (cũ là cấp ủy hết nhiệm kỳ, mới là cấp ủy sẽ được bầu). Không có vận động công khai, không có tranh cử. Kiểu bầu cử như thế vừa phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học.

5- Tuyển chọn và đề bạt

QĐ 105 khẳng định : Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Từ việc cử người đứng đầu các cơ quan chính quyền như Chủ tich nước, chủ tịch Quốc hội, thủ tướng, các bộ trưởng cho đến chủ tịch UBND xã, phường, việc phong tướng tá của  quân đội và công an,  nhất nhất đều do đảng quyết định. Quốc hội và các Hội đồng nhân dân chẳng có quyền hành gì, chỉ có việc bỏ phiếu theo gậy chỉ huy. Như vậy đảng đã cướp quyền  của Quốc hội và của toàn dân trong công tác cán bộ, trắng trợn vi phạm Hiến pháp. Việc các ông bà đặt tay lên Hiến pháp, đọc lời thề theo mẫu, tại Quốc hội, chỉ là trò hề .

Ở các cơ quan, quyền hành về cán bộ phụ thuộc chủ yếu vào trưởng phòng ( ban, vụ…) tổ chức.Thỉnh thoảng ở một vài nơi hiếm hoi nào đấy có được vị trưởng như thế có trình độ, có phẩm chất tốt, đã giúp cho cơ quan tạo được đội ngũ nhân sự vững mạnh. Nhưng phần lớn cán bộ tổ chức thiếu những phẩm chất cần thiết. Tổ chức là làm việc với con người, nhưng chủ yếu họ làm việc với giấy tờ, họ xét lý lịch và đánh giá phẩm chất con người thông qua tuổi đảng, các chức vụ đã làm, các bằng cấp cùng chứng chỉ, và đặc biết thông qua quan hệ cá nhân cùng các thư tay của các anh chị ở trên. Tại sao như vậy. Tại vì phần lớn CB tổ chức được cho là cần có lập trường giai cấp vững vàng còn trình độ chuyên môn thì phiên phiến cũng được. Không thể trực tiếp tìm hiểu, kiểm tra về chuyên môn nên đành phải dựa vào bằng cấp hoặc chứng chỉ. Đó là chỗ sơ hở lớn cho bọn làm và dùng bằng giả hoặc bằng dởm.

Thời phong kiến nhà vua dùng các phẩm hàm từ nhất phẩm đến cửu phẩm để ban cho những người có một công lao hoặc vị thế nào đó. Những ông cửu phẩm, bát phẩm  chỉ là danh xưng, không phải chức vụ. Thế nhưng dưới chế độ CS, một thời người ta đã đem chức vụ trao cho người có công như là một phần thưởng, một quyền lợi. Ông này đã hoạt động bí mật, bị Pháp bắt ở tù, vậy để ông ta làm chủ tịch huyện hoặc tỉnh. Ông kia, bộ đội chuyển ngành,  đã là cán bộ trung đoàn,  vậy phải để ông làm giám đốc xí nghiệp, hiệu phó trường đại học hoặc vụ trưởng  v.v…. NHững người như vậy một thời đã kìm hãm sự phát triển. Họ được giao chức vụ nhưng không có năng lực làm việc, biến thành “ông bình vôi” ( chữ cuả Phan Khôi).  Đáng lẽ vì công việc mà tìm người, nhưng trong nhiều trường hợp đã vì người mà bịa ra việc.

Ứng viên trong việc tuyển chọn cần được cơ quan hoặc CB tuyển chọn tạo điều kiện để thể hiện năng lực tiềm ẩn và trước hết họ cần chuẩn bị để thể hiện năng lực đó trong phỏng vấn, trong kiểm tra, trong thử việc. Bạn có thể chuẩn bị một lý lịch trong sạch và sáng ngời, một hồ sơ thật đẹp với nhiều bằng cấp, nhiều chứng chỉ và cả thư tay, kèm phong bì dấu kín để nộp cho một ông CB tổ chức , nhưng để dự phỏng vấn trực tiếp , do người có trình độ chủ trì, bạn cần thể hiện con người thật của bạn.

Rồi việc tăng lương, thăng cấp hàm. Đúng ra việc này phải dựa vào kết quả công việc và năng lực, nhưng như thế lại cần đến trình độ người đánh giá. Mà người đánh giá lại không có trình độ cần thiết nên đành phải dựa vào bằng cấp và thời gian công tác. Cái việc khuyến khích “sống lâu lên lão làng”, không làm gì cũng 3 năm tăng lương, 3 năm tăng bậc  là việc làm kém trí tuệ, kém hiệu quả, cứ tưởng là hay, là đúng, nhưng nó làm chậm sự phát triển.

6-Hiến kế

Tôi biết, lãnh đạo chủ chốt của đảng không muốn nghe những phản biện, những hiến kế của người nói thẳng. Họ chỉ thích nghe những lời tâng bốc nịnh hót. Tôi cố tìm những lời không tâng bốc nịnh hót, vẫn nói lên được ý kiến của mình mà lãnh đạo vẫn vui lòng lắng nghe. Nghĩ mãi mà không tìm ra được. Thôi thì cứ viết theo ý mình, ai nghe được đến đâu hay đến đó.

Đảng muốn có được đội ngũ CB giỏi giang, vững mạnh, đặc biệt là CB cấp chiến lược, thì trước hết phải thoát ra khỏi đống bùng nhùng viết ở mục 2. 

Làm sao để thoát ra được. Trước hết phải tự chân thật với chính mình. Liệu  khi tuyên bố câu :  “ Ngoài lợi ích của dân tộc Đảng không còn lợi ích nào khác” có thật lòng không. Liệu từ TBT, Bộ CT cho đến các đảng viên có nghĩ đúng như vậy không. Nếu đó chỉ là mánh khóe, là tuyên truyền, nói vậy nhưng không phải vậy,  thì thôi, không bàn thêm. Nếu thật lòng như vậy thì hãy nghiêm túc thảo luận tiếp, hiện nay lợi ích của dân tộc là gì, hãy để cho tự do ngôn luận.

Thứ đến cần thật công tâm, thật khách quan đánh giá sự hoạt động vì dân chủ của các tổ chức xã hội dân sự, đánh giá đúng những người bị cho là tự diễn biến như Nguyên Ngọc, Chu Hảo, Nguyễn Trung, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Khắc Mai, Nguyễn Huệ Chi, Tương Lai, Nguyễn Quang A,  Nguyên Bình v.v…, xem thực sự họ là người như thế nào. Phải tạo ra môi trường thật sự tự do và dân chủ thì tài năng mới nẩy nở, mới có người tài mà chọn. Vườn ươm tài năng không phải là các trường các viện nghiên cứu mà là môi trường tự do về học thuật, tự do tư tưởng trong toàn xã hội, đặc biệt là trong các trường các viện.

Quan trọng nhất là thấy được đống bùng nhùng. Có thể nhiều người đang vướng trong ấy không thấy được mà người đứng ở ngoài thấy rõ hơn. Hãy từ bỏ thói kiêu ngạo cộng sản, chịu khó lắng nghe, mời những trí thức phản biện đến để nghe họ trình bày, đối thoại với họ.

Trừ những hành động theo bản năng và thói quen còn hoạt động của người ta bắt đầu bằng nhận thức. Con người tử tế cần nhận thức đúng. Người làm lãnh đạo và quản lý xã hội càng cần phải  có nhận thức đúng. Trong hoàn cảnh hiện nay nhiều điều đúng sai lẫn lộn. Muốn có được nhận thức đúng phải đem nó ra cọ xát, đối chiếu, thử thách, phản biện. Còn những người, nếu  cứ khư khư ôm chặt lấy một mớ giáo điều cũ rích, cứ kiên trì một chủ nghĩa có đầy độc hại và ảo tưởng thì không biết sẽ trở thành loại người như thế nào.  (6/1/2019 )

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét