(Tiếp theo )
Diễn văn của luật sư George Graham Vest tại
phiên tòa xử vụ kiện hàng xóm làm chết con chó của thân chủ, được phóng viên
William Safire báo New York Times bình chọn là hay nhất trong các bài diễn văn
trên thế giới trong 1000 năm qua.
Thưa quý ngài hội thẩm,
Người bạn tốt nhất mà con người có được trên thế giới
này có thể một ngày nào đó hóa ra kẻ thù chống lại chúng ta. Con cái mà ta nuôi
dưỡng với tình yêu thương hết mực rồi cũng có thể sẽ là một lũ vô ơn.
Những người gần gũi, thân thiết nhất mà người ta gửi gắm
hạnh phúc và danh dự có thể trở thành kẻ phản bội, phụ bạc lòng tin cậy và sự
trung thành. Tiền bạc mà con người có được rồi sẽ mất đi, thậm chí còn luôn mất
đi đúng vào lúc ta cần nó nhất
Tiếng tăm của con người cũng có thể tiêu tan trong
phút chốc bởi một hành động dại dột. Những kẻ phủ phục tôn vinh ta khi ta thành
đạt, có thể sẽ là những kẻ ném đá vào ta khi ta sa cơ lỡ vận. Duy có một người
bạn không vụ lợi mà con người có thể có trong thế giới ích kỷ này, người bạn
không bao giờ bỏ rơi ta, không bao giờ vô ơn hay tráo trở, đó là chú chó của
ta.
Nó luôn ở bên cạnh ta trong những lúc phú quý cũng như
bần hàn, khi khỏe mạnh cũng như lúc đau ốm. Nó ngủ yên trên nền đất lạnh dù gió
đông giá rét hay bão tuyết vùi lấp, miễn sao được cận kề bên chủ. Nó hôn bàn
tay ta dù khi ta không còn thức ăn cho nó.
Nó liếm vết thương của ta và những vết trầy xước mà ta
phải hứng chịu khi va chạm với cuộc đời bạo tàn này. Nó canh giấc ngủ của ta
như thể ta là một ông hoàng, dù ta có là một gã ăn mày. Dù khi ta đã tán gia bại
sản, thân tàn danh liệt thì vẫn còn chú chó trung thành với tình yêu nó dành
cho ta như thái dương trên bầu trời. Nếu chẳng may số phận hắt ta ngoài rìa xã
hội, không bạn bè, không nơi ở thì chú chó trunng thành chỉ xin ta một ân huệ
là cho nó được đồng hành, cho nó được bảo vệ ta trước nguy hiểm, giúp ta chống
lại kẻ thù.
Và khi trò đời hạ màn, thần chết đến rước phần hồn ta
đi, để lại thân xác ta trong lòng đất lạnh, thì khi ấy, lúc tất cả thân bằng
gia quyến đã phủi tay sau nắm đất cuối cùng và quay đi để sống tiếp cuộc đời của
họ, vẫn còn bên nấm mồ của ta - chú chó cao thượng nằm gục mõm giữa hai chân
trước, đôi mắt ướt buồn vẫn mở to cảnh giác, trung thành và trung thực ngay cả
khi ta đã đi vào cõi hư vô!
Lòng tin của con người có hai trạng thái: Tự tin và tiếp nhận. Ngoài ra còn có
việc làm sao để có được lòng tin của người khác (tin yêu, tin tưởng, tin cậy).
Tự tin ở bản thân mình là một phẩm chất cần thiết của mọi
người. Tự tin là sức mạnh nội tâm. Tự tin có hai mức độ.
Một là tự tin trong từng công việc cụ thể; Hai là có bản lĩnh tự tin
trong suốt cuộc đời.
Tự tin trong từng việc, thí dụ dự thi, dự phỏng vấn, bảo vệ luận
văn, luận án, phát biểu hoặc thuyết trình trược đông người v.v…Để có được tự tin trong từng công việc cần nắm vững thật
chắc chắn ý tưởng, nội dung, phương pháp của việc phải làm, phải chuẩn bị kỹ và dự
phòng được các tình huống bất trắc.
Người tự tin trong cuộc đời là người có bản lĩnh vững vàng, có
kiến thức chăc chắn về công việc và hoạt động, có kinh nghiệm và từng trải cuộc
sống, họ luôn bình tĩnh trước mọi biến cố. Họ thường là người đã trải qua nhiều
thử thách, có ý chi, có nghị lực.
Tin do tiếp nhận từ ngoài đưa đến. Đó là sự tiếp nhận thông tin.
Tiếp nhân thông tin qua các giác quan. Tiếp nhận rồi có tin hay không, có hai
trạng thái. Một là có thấy, có hiểu rõ rồi mới tin. Đó là tin bằng lý trí, dựa
vào khoa học, phải thông qua suy nghĩ. Hai là có tin rồi mới thấy. Đó là niềm tin tôn
giáo, dựa vào cảm nhận, trực giác.
Sau đây xin trình bày một số vấn đề liên quan.
2.1-- BÀI KINH KALAMA
(trích dẫn)
Có một bộ lạc Ấn Độ tên gọi Kalama. Họ đã gặp và nghe lời truyền dạy của
rất nhiều những đạo sư. Và họ trở thành rối rắm vì dường như đạo sư nào cũng
chỉ xưng tụng quan điểm về vạn vật của riêng họ và lên án quan điểm của các
người khác. Một ngày nọ, họ nghe đồn Thích Ca Mâu Ni đang tạm trú ở gần đó, và
họ đã biết đến danh tiếng từ lâu rồi. Vì vậy họ quyết định đến gặp ông để bày
tỏ những ngờ vực và rối rắm của họ với ông. Họ nói họ không biết phải tin cái
gì và không tin cái gì. Thích Ca bèn khuyên họ như sau, một lời khuyên tươi
sáng và thực tế trong thời buổi lúc đó cũng như bây giờ. Chúng ta ngày nay gọi
lời khuyên đó là bài Kinh Kalama.
Thích Ca nói:
“Đúng rồi đó, người dân Kalama, các người
nên ngờ vực. Trong các người đã trổi dậy nỗi ngờ vực về những điều đáng ngờ
vực.
Nầy người dân
Kalama:
Đừng vội tin vào điều gì chỉ vì các người đã nghe
ai đó nói về điều đó.
Đừng vội tin vào
truyền thống chỉ vì nó đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ
Đừng vội tin vào điều gì chỉ vì nó đã được
nói đến và đồn đãi bởi nhiều người.
Đừng vội tin bởi vì nó nghe có vẻ hợp lý;
bởi vì điều đó phù hợp với một hệ thống triết lý, tư tưởng;
Đừng vội tin bởi vì lý luận lôgic và suy
diễn; bởi vì điều đó phù hợp với quan điểm của mình;
Đừng vội tin vào điều gì chỉ vì nó đã được
ghi chép trong những sách vở được xem là thiêng liêng.
Đừng vội tin vào điều gì các người đã tưởng
tượng, cho rằng vì nó siêu phàm nên nó chắc phải đã đến từ một thượng đế hay
những thần tiên nào đó.
Đừng vội tin vào điều gì chỉ vì nó đến từ
quyền uy của những bậc thầy, những bậc tổ, những sư sãi của các người.
Tuy nhiên, khi các người tự biết rằng những
điều đó vô đạo đức, những điều đó đáng chê trách, những điều đó không được kẻ
trí tuệ chấp nhận, những điều đó khi thực hành sẽ dẫn đến đổ nát và sầu khổ,
thì các người nên từ bỏ chúng.
Và, khi các người tự biết rằng những điều
đó đạo đức, những điều đó không có gì để chê trách, những điều đó được kẻ trí
tuệ ngợi khen, những điều đó khi thực hành sẽ đem đến an lành và hạnh phúc, thì
hãy thu nhận chúng và hành sử tương ứng”.
Rồi Thích Ca dạy họ cũng nên áp dụng nguyên
tắc trên cho chính các lời dạy của ông: “Đừng vội thu nhận các lời dạy của ta
vì nể trọng ta, mà phải trước tiên xét nghiệm chúng cũng giống như một người
thợ kim hoàn thử nghiệm vàng”.
Trên đây là lời giảng của Thích Ca cho dân Kalama, từ khoảng 500 năm
trước Công nguyên.Nó rất hay, rất có ý nghĩa khi chúng ta tiếp nhận một thông
tin để tìm hiểu CHÂN LÝ, để tiến hành Nghiên cứu khoa học. Trong cuộc đời nhiều
lúc phải có lòng tin để làm một việc gì đó, đặc biệt là để vượt qua khó khăn..
Bản Kinh Kalama được một số người dịch ra tiếng Việt, nội
dung giống nhau, nhưng ngôn từ có một số chỗ khác nhau. Thí dụ, thay vào “ Đừng
vội tin” là “ Chớ tin”, thay vào “chỉ vì
nó đã… là, vì nó là…”
v.v….Trong đoạn trên tôi chỉ trích một
phần chứ không chép lại toàn bộ Bản Kinh. Theo một số lời giải thích thì Bản
Kinh nhằm vào việc bác bỏ giáo điều, chống lại lòng tin mù quáng.
.
ĐIỀU GÌ ( hoặc NHỮNG ĐIỀU ĐÓ ) được nói ở đây là một thông tin (một câu dạy
bảo, một lời tuyên truyền …) mà người ta đem đến cho bạn, muốn được bạn tin và
chấp nhận, cũng có thể là do bạn tự phát hiện, tự tìm thấy. Nó gồm có hai phần : nội dung và
nguồn gốc. Nội dung được đề cập đến trong cụm từ KHI CÁC NGƯƠI TỰ BIẾT RẰNG…,
nguồn gốc thể hiện bằng cụm từ VÌ NÓ ĐÃ…
Khi tiếp nhận một thông tin người ta có thể ở vào một trong ba trạng thái : cho là
đúng và tin ngay, cho là sai và không tin, cho là chưa chắc chắn và nghi ngờ. Ở
vào trạng thái nào là do yếu tố chủ quan và khách quan tác động. Yếu tố chủ
quan nằm trong trí tuệ và tâm lý của bản thân. Yếu tố khách quan nằm trong nội
dung và nguồn gốc của thông tin (nhiều lúc còn do hình thức trình bày). Tạm
thời chưa bàn đến yếu tố chủ quan.
Theo Kinh Kalama, nội dung của thông tin
chứa đựng một số điều như có hay không: đạo đức, đáng chê trách, được kẻ trí
tuệ ngợi khen, thực hành đem đến an lành…Nguồn gốc của thông tin nằm ở chỗ: nó
đã được lưu truyền; được đồn đãi bới nhiều người; nghe có vẻ hợp lý; được ghi
chép trong sách; được các bậc thầy truyền dạy v.v…
Để cho rằng một thông tin là đúng hay sai,
đáng tin hay không, điều quan trọng và quyết định là phải dựa vào nội dung. Thế
nhưng không ít người đã chỉ dựa vào nguồn, đó là một nhầm lẫn.
Tại sao một số người chỉ dựa vào nguồn? Tại
vì để biết được nội dung đúng sai đến đâu là việc khó, cần phải biết suy nghĩ
tỉnh táo, cần biết đối chiếu, so sánh, kiểm chứng, nhiều khi cần có thời gian
dài. Để nằm được nội dung, lời Kinh bảo “ Các ngươi tự biết rằng”.(Làm sao để
tự biết được. Vấn đề này sẽ xin bàn đến trong một dịp khác về cách đánh giá
thông tin). Dựa vào nguồn dễ hơn, tương đối rõ ràng, đặc biệt là đối với những
người ít chịu suy nghĩ, nhẹ dạ cả tin, nó thường bị những kẻ ngụy biện, những
kẻ tuyên truyền dối trá lợi dụng để lừa bịp.
Câu “Đừng tin vào điều gì CHỈ VÌ nó đã … từ
một NGUỒN nào đó”. Xin chú ý đến 2
từ chỉ vì. Cần hiểu được 2 từ đó một cách thấu đáo, nếu không sẽ dễ bị nhầm.
Khi ta tin hay không tin vào một điều gì phải căn cứ vào nội dung chứ đừng chỉ
vì nguồn thông tin
Tại sao chỉ dựa vào nguồn lại là có thể bị nhầm lẫn ? Vì rằng cùng từ một
nguồn, lẫn vào những thông tin đúng (các
người tự biết chúng…, hãy thu nhận), có thể gặp thông tin sai (các người tự
biết…, nên từ bỏ).
Trong kho tàng các lời khuyên do tổ tiên để
lại có ý sau: Một ông thánh nói rất nhiều câu đúng, có thể gặp phải câu sai, vì
vậy đừng vội tin vào bất kỳ câu nào ông nói. Một người điên nói nhiều câu bậy
bạ, có thể gặp được câu đúng, vì vậy đừng vội bác bỏ mọi điều người đó nói ra.
Lấy thí dụ nguồn thông tin từ thầy giáo.
Liệu có phải mọi điều thầy nói ra đều hay, đều đúng, đều đáng tin. Không ! Vì
vậy chớ vội tin một cách mù quáng. Hãy suy nghĩ, đối chiếu. Nếu chưa thể kịp
thời suy nghĩ, đối chiếu thì sau đó cần tiến hành kiểm chứng, đánh giá.
Nhưng nếu dựa vào câu “Đừng tin vào điều gì
chỉ vì nó đến từ quyền uy của bậc thầy…” để rồi không tin vào mọi điều thầy
giảng thì lại là sai lầm về phía khác. Ta tin hay không tin là do nội dung chứ
không phải chỉ vì quyền uy của thầy.
Trước đây, trong những lần giảng bài ở các
lớp Cao học, tôi luôn tự nhắc nhủ là không “dạy” ai cả, mà chỉ hướng dẫn người
khác học. Nói hoặc viết "A dạy B" đã mang tính áp đặt. Trong quan
điểm về sư phạm của Phật, có nguyên lý ( được dịch từ tiếng Phạn sang chữ Hán)
: “Y Pháp bất y Nhân; Y Nghĩa bất y Ngữ “, dịch và giải thích theo tiếng Việt
là : Học theo Pháp ( nội dung ) chứ không học theo Người (thầy). Học cho được
Nghĩa (bản chất) chứ không học theo Lời văn.
Thỉnh thoảng tôi đặt ra câu hỏi để thảo
luận. Khi học viên trả lời tôi không đánh giá đúng hay sai, mà chỉ nói: Hợp ý ta hay chưa
hợp mà thôi. Biết đâu một câu trả lời chưa hợp hoặc không hợp với ý thầy mới là
câu trả lời đúng.
Để trở thành người
có trí tuệ xin hãy bác bỏ giáo điều, chống lại lòng tin mù quáng như Kinh
Kalama đã hướng dẫn. Xin đừng vội tin hoặc vội chống lại những điều giải thích
trên đây chỉ vì do ông Cống viết ra. Tin hoặc không tin phải căn cứ vào nội
dung, phải trải qua sự suy nghĩ, đối chiếu, kiểm chứng của bản thân các bạn.
2.2- BÀN
VỀ TIN VÀ NGHI NGỜ
Để
phát hiện được vấn đề NCKH, cũng như khi nghe ai báo tin, tuyên truyền một vấn
đề nào đó cần biết nghi ngờ. Thế nhưng trong cuộc sống nếu cứ nghi ngờ lung
tung thì nhiều lúc lại có hại. Trong cuộc đời nhiều khi không những phải có niềm
tin mà còn phải tin một cách mãnh liệt thì mới thành công. Đó là sự tự tin. Xin tạm chưa đề cập niềm
tin trong tôn giáo và tâm linh, chỉ bàn đến niềm tin trong cuộc sống thường
ngày.
Niềm
tin tự ta được sinh ra từ trí tuệ, từ ý chí, nghị lực. Khi bắt đầu hoặc đang tiến
hành một công việc, đặc biệt là khi gặp phải trở ngại, cần thiết phải giữ vững,
củng cố niềm tin. Phải có đủ niềm tin vào thành công thì mới có đủ dũng khí vượt
qua khó khăn, trở ngại. Nhiều người thành đạt kể lại cuộc đời của họ, mặc dù có
lúc gặp thất bại nhưng nhờ vào niềm tin mà đã xoay chuyển tình thế, đạt được thắng
lợi. Có những bệnh nhân nhờ một phần lớn vào niềm tin mà chữa được bệnh hiểm
nghèo.
Lòng tự tin dựa trên những chứng cứ chắc
chắn, đó là sức mạnh của nội tâm. Đã có một số sách viết về “Sức mạnh của nội tâm”, trong đó quyển “ 24 BÀI HỌC THẦN KỲ NHẤT THẾ
GIỚI“ (tác giả Charles E. Haanel; biên dịch Nguyễn Lư, NXB Thanh Hóa) được đánh
giá khá cao.
Tuy vậy cũng cần cảnh giác với trạng thái “Tự tin tếu”.
Đó là sự tự tin quá mức vào khả năng không có thật, tin mù quáng. Nó không còn
là tự tin mà hoang tưởng.
Niềm
tin tiếp nhận là do thông tin từ ngoài mang lại. Đây là điều đã được bàn đến
trong bài “Vài giải thích Kinh Kalama”. Phải thận trọng với niềm tin này. Khi
tiếp nhận một điều gì đó, ta tin hay không phải căn cứ vào nội dung chứ không
chỉ dựa vào nguồn.
Nên
nhớ rằng đặt niềm tin không đúng chỗ có
thể sẽ gặp tai hoạ. Có những người chỉ vì tin vào vài lời hứa vu vơ mà bị
lừa, có khi mất cả sản nghiệp. Cũng có người vì quá tin vào một tín điều nào đấy
đã lỗi thời mà hành động trái với quy luật khách quan. Có một lời khuyên đã
thành cổ điển như sau: Khi gặp tình huống chưa rõ thì trước hết nên nghi ngờ rồi
sau có tin được mới tin hơn là trước tin rồi sau mới nghi.
Lòng
tin tiếp nhận từ bên ngoài, các tác ðộng mà Thích Ca ðã chỉ ra như
truyền thống, nhiều người nói, sách đã viết, hợp lôgic, do những người
có uy tín nói ra (sư tổ, sư phụ, cha mẹ, lãnh tụ, nhà khoa học danh tiếng…), sự
tuyên truyền v.v...Khi chịu những tác động này thì Thích Ca khuyên là “Đừng vội
tin” chỉ vì căn cứ vào nguồn gốc. Chỉ tin, thu nhận khi đã nắm được sự chân thật
của nội dung. Tuy vậy, lòng tin này không phải là bất biến mà cần được kiểm chứng
thường xuyên để khi cần thiết, khi phát hiện ra bị nhầm thì cần kịp thời thay đổi.
(Trước đây bạn rất tin vào một điều nào đó, khi phát hiện ra đã bị nhầm thì phải
kịp thời từ bỏ, dứt khoát từ bỏ, đừng có tiếc).
Chớ tin vào giáo điều, cần chống
lại lòng tin mù quáng.
Về
nghi ngờ. Có thể phân thành 2 loại : nghi ngờ tích cực và nghi ngờ tiêu cực.
Nghi
ngờ tích cực là một câu hỏi cần tìm cách giải đáp, cần tìm xem thực chất nó là
gì, như thế nào, từ đâu ra, dùng làm gì v.v…. Để giải đáp trước hết cần động
não, suy nghĩ, tiến hành theo các phương pháp đáng tin cậy. Việc làm này giúp
con người phát triển trí tuệ.
Nghi
ngờ tiêu cực không nhằm giải đáp câu hỏi mà hướng về một trong 2 phía: tả
khuynh hoặc hữu khuynh. Nghi ngờ tả khuynh khi không điều tra, không suy xét đến
nơi đến chốn, vội biến nghi ngờ thành kết luận gán ghép. Việc làm như thế , có
lúc may ra mà đúng, nhưng nhiều khi gây ra oan sai cho người khác, phạm vào tội
ác. Nghi ngờ hữu khuynh là trạng thái lẫn lộn thật giả, không dám hoặc không đủ
năng lực tìm hiểu và giải đáp. Về nghi ngờ này, vào cuối đời Tố Hữu làm bài
thơ:
“
Có anh bộ đội mua đồng hồ
Thật giả không tường, anh cứ lo
Mới hỏi cô
(bán) hàng, cô tủm tỉm
Giả mà như thật, khó chi mô”.
Có người đặt tên cho bài thơ là “ Anh bộ đội bị
lừa”.
Niềm
tin và nghi ngờ, tưởng là những vấn đề bình thường, khi suy nghĩ sâu xa mới thấy
không đơn giản.
2.3-TIẾP NHẬN VÀ ĐÁNH GIÁ
THÔNG TIN
Tiếp
nhận thông tin ( TT ) là bước đầu tiên để hình thành nhận thức, trí tuệ. Tiếp nhận bằng các giác quan, chủ yếu là mắt và
tai. Một số TT được tiếp nhận bằng xúc giác, vị giác, khứu giác. Về tâm linh
còn biết có nhiều TT được tiếp nhận bởi tầng hào quang, được lưu giữ trong tiềm
thức.
Tiếp
nhận TT có thể là chủ động hoặc bị động.
Kết quả của tiếp nhận tùy vào sự kết hợp nội dung và sắc thái của nó. TT có nội
dung ít hoặc không liên quan đến nhận thức và tình cảm của ta, được truyền với sắc thái bình thường hoặc tẻ nhạt sẽ tạo ra cảm giác yếu , dễ bị quên. TT quan
trọng, được truyền với sắc thái độc đáo, hấp dẫn sẽ tạo nên cảm giác mạnh, để lại dấu ấn sâu sắc.
TT được tiếp nhận thường xuyên qua tác động của
môi trường, qua câu chuyện trao đổi giữa các người, qua các nguồn sách, báo
chí, phát thanh, truyền hình, qua tuyên truyền, quảng cáo v.v… Dạy và học chủ yếu
là truyền và nhận TT. Nghiên cứu khoa học chủ yếu là thu thập và chế biến TT.
Khi
tiếp nhận TT chúng ta có thể quan tâm hoặc
cho qua, không cần để ý đến. Với TT được quan tâm, ban đầu chúng ta có thể ở
vào một trong 3 trạng thái: 1- Tin, cho là đúng; 2- Không tin, cho là sai; 3-
Nghi ngờ. Đó là việc đánh giá. Việc đánh giá này phụ thuộc trình độ, nhận thức,
quan điểm của mỗi người. Cùng một TT, trong cùng thời gian có người cho là
đúng, người khác có thể cho là sai. Cùng một người, một TT, họ có thể cho là
đúng hoặc sai trong suốt đời, và cũng có thể trong thời gian này cho là đúng, sau một thời gian
lại nhận ra là sai hoặc ngược lại.
TT được cho là đúng, được tiếp nhận và
ghi nhớ sẽ góp phần tạo nên kiến thức, trí tuệ.
Con người ta, từ khi còn rất bé, kể cả lúc
trong bụng mẹ đã bắt đầu tiếp nhận TT. Những TT
đó chủ yếu được tiếp nhận bị động, bằng các tầng hào quang và lưu giữ
trong tiềm thức. Chỉ khi trẻ lớn đến một độ nào đó các TT mới được giữ trong
não. Với người trưởng thành có những TT
cũng được tiếp nhận bị động bằng tầng hào quang và phần lớn TT cũng được lưu giữ
trong tiềm thức, phần được giữ trong não là tương đối bé. Người ta ví TT hoặc
kiến thức chứa trong não chỉ như phần trên mặt nước của tảng băng nổi, còn phần
chìm của nó, nằm trong nước, tương tự như phần TT chứa trong tiềm thức.
Việc đánh giá TT chỉ xẩy ra khi trí tuệ đã
phát triển. Trẻ con chủ yếu là tiếp nhận và lưu giữ TT, chưa biết đánh
giá. Vì vậy những TT tiếp nhận khi còn
bé được lưu giữ rất bền và được công nhận một cách máy móc là nó phải như thế,
đặc biệt là những điều do người có uy tín truyền dạy. Hơn nữa khả năng tiếp nhận
TT khi còn rất bé là lớn hơn, mạnh hơn nhiều so với lúc đã trưởng thành. Nhiều
nghiên cứu chỉ ra rằng những yếu tố cơ bản để hình thành nên tính cách của con người về sau
này đã được hình thành trước 6 tuổi. Chính vì vậy việc giáo dục trẻ em từ lúc
còn rất bé là vô cùng quan trọng. Dựa vào điều này, những phương pháp dạy trẻ có hiệu quả rất quan tâm đến việc hình thành tính
cách từ lúc còn rất bé. Cũng lợi dụng đặc
điểm này, các cá nhân và chế độ độc tài rất quan tâm đến việc nhồi sọ trẻ
em từ khi học mẫu giáo và kéo dài trong
suốt thời kỳ thiếu nhi, thanh niên. Vì vậy
con người khi đã có đầu óc suy xét nên đánh giá lại những điều đã tiếp nhận, những
thói quen đã hình thành từ khi còn bé để đoạn tuyệt với những gì là sai lầm, là
không còn phù hợp.
Phần đông con người, từ lúc biết nói tương đối
thành thạo đã có đầu óc suy nghĩ để đánh giá TT là đúng hay sai. Tuy vậy sự
giáo dục của gia đình và nhà trường sẽ làm phát triển hay thui chột đầu óc biết
suy nghĩ đó. Sự giáo dục đúng là tạo nên môi trường lành mạnh cho trẻ, dạy bằng
cách hướng dẫn và làm gương, khuyến khích sự nổ lực tìm tòi, khám phá, tôn trọng
sự khác biệt v.v… Sự giáo dục theo lối “ Con ngoan, biết vâng lời, không cãi lại
người lớn, bảo sao nghe vậy, tuyệt đối tin tưởng v.v…” là cách làm thui chột óc
suy nghĩ, làm hủy hoại khả năng tư duy phê phán, làm triệt tiêu khả năng đánh
giá TT chỉ nhằm tạo ra loại người có đầu
óc nô lệ.
Khi
tiếp nhận một TT, việc đầu tiên là cần tiếp nhận đầy đủ, chính xác, phân biệt
được nội dung chính, cốt lõi và các chi tiết phụ, bổ sung. Hết sức tránh kiểu “
nghe hơi nồi chõ” hoặc “ thầy bói sờ
voi”. Quan trọng là nắm bắt được nội dung cơ bản, đừng để các chi tiết phụ lấn
át. Để làm được việc này cần rèn luyện để có mắt tinh, tai thính và đặc biệt là
có đầu óc tỉnh táo, biết suy xét. Để ca ngợi khả năng này người ta hay nói “Con
vật bay qua biết được là ruồi đực hay cái”.
Xin kể chuyện sau : Một ông quan đi qua khu
dân cư, nghe người khóc rất thảm thiết. Hỏi ra,đó là vợ khóc chồng vừa bị cảm nặng,
đột ngột qua đời. Ông lắng nghe một lúc, cho bắt giữ người vợ và khám thi thể
chồng, phát hiện vụ giết người bằng thủ đoạn tinh vi. Người ta hỏi ông, dựa vào
đâu mà đoán được sự việc. Ông trả lời là
nghe trong tiếng khóc có ẩn giấu nỗi sợ hãi.
Mỗi
TT gồm 2 phần : nội dung và nguồn (hình thức). Quan tâm dến hình thức,
để biết nguồn, biết xuất xứ của TT là cần, nhưng như thế chưa đủ để tin tưởng
mà chủ yếu phải dựa vào nội dung. Để
đánh giá nội dung, trước hết cần tránh sự vội vàng, tránh sự áp đặt bằng
cách dùng quan điểm có sẵn của mình để phán xét. Phải khách quan và trung thực.
2.4
-CÁC
VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN ĐÁNH GIÁ THÔNG TIN
Hiện
nay, cùng với những tuyên truyền, quảng cáo và mạng Internet, thông tin tràn ngập,
thật giả lẫn lộn, đúng sai trộn vào nhau, nếu không biết tỉnh táo để đánh giá
thì dễ bị mắc lừa. Mà than ôi, rất nhiều người đang bị mắc lừa rất nặng mà
không biết.
Chỉ
nên đánh giá những TT cần quan tâm mà bỏ qua những TT không cần . Mục đích của
đánh giá là xem xét TT đúng hay sai, đúng sai chỗ nào, điều nào có thể khẳng định,
điều nào còn nghi ngờ. Việc đánh giá này giúp chúng ta có nhận thức đúng, dẫn đến
hành động đúng, và làm tăng khả năng trí tuệ. Đánh giá đúng TT còn để tránh bị
mắc lừa.
2.4.1-Phân loại thông tin
TT
đến với chúng ta gồm đủ loại, từ nhiều nguồn. Để phục vụ cho việc đánh giá,
chúng có thể được phân thành 2 loại: Tin phổ thông và tin chuyên ngành. Tin phổ
thông liên quan đến mọi mặt hoạt động của xã hội, các sự kiện xẩy ra hàng ngày.
Để hiểu biết và đánh giá tin phổ thông chỉ cần kiến thức bình thường. Tin
chuyên ngành liên quan đến chuyên sâu của các lĩnh vực khoa học. Để hiểu và
đánh giá loại tin này cần có kiến thức sâu rộng trong phạm vi liên quan. Trong
tập hợp tin chuyên ngành có TT khoa học, đó là thông báo về kết quả nghiên cứu,
được công bố trên các tạp chí khoa học. Tạm thời chưa bàn đến việc đánh giá TT
này, chỉ đề cập đến tin chuyên ngành được truyền bởi các nguồn thông thường.
2.4.2-Ba yếu tố cần thiết
Để
đánh giá cần 3 yếu tố: Mức độ hoàn chỉnh
của TT; Phẩm chất tương ứng của người
đánh giá; Tiêu chuẩn căn cứ.
a-Mức
độ hoàn chỉnh của TT. Trước hết là nguồn tin. Đó là tin văn bản hay hình ảnh,
được ghi chép bằng tư liệu hay chỉ truyền miệng. Với tư liệu, đó là tài liệu gốc,
được sao chụp từ nguyên bản hay đã qua phiên dịch, qua tường thuật. Với tin
truyền miệng nên biết nó bắt đầu từ đâu, đã truyền qua ít hay nhiều người. Một
TT có thể gồm nhiều tình tiết, phải nắm bắt được nội dung nào là quan trọng nhất,
cơ bản nhất, nội dung nào là phụ, có liên quan, người ta truyền TT đó nhằm mục
đích gì. Với mục đích ấy thì TT như vậy đã rõ ràng, đầy đủ để đánh giá chưa, có
cần xác minh chi tiết nào không, có cần bổ sung điều gì không.
Một
thông tin thường gồm 2 phần: nội dung và
cách diễn đạt. Tôi đã chững kiến cảnh một số người bị nhầm lẫn về một trong 2
phần đó dẫn đến hiểu sai bản chất, quy kết sai, dẫn đến thảm họa khó khắc phục.
Xin kể 2 câu chuyện
Chuyện
1- Bà ở quê lên thăm gia đình con trai ở phố. Vài ngày vui vẻ, nhưng rồi bà bỏ
trốn. Tìm được bà ở bến xe, bà giải thích lý do bỏ về là con dâu nghi bà ăn cắp
cái gì đó của nó, bà không chịu được. Bà kể: « Nó về nhà, mặt cau có, nói mất rồi, mới đó mà mất rồi, thế có tức không.
Tôi hỏi mất gì, nó bảo mất oai phai, tôi có biết oai phai là cái gì, nó để ở
đâu, bây giờ mất, nó nghi cho tôi lấy cắp, thế thì chịu sao được (oai phai =
Wifi – mạng không dây ).
Chuyện
2 : Con rể ngoại quốc mời bố vợ đến nhà, đã mua sẵn một đĩa quýt ngon. Đến
bữa cơm, mời mãi mà bố không chịu ăn, anh con rể nói: Con mời cơm mãi mà bố
không ăn thì bố bóc quýt mà ăn vậy. Nghe xong ông bố hầm hầm bỏ ra về, nói với
người hàng xóm là: Nó láo, quá láo, nó bảo tôi không ăn cơm thì bốc cứt mà ăn vậy.
b-Phẩm
chất người đánh giá. Phẩm chất là một tập hợp của năng lực, trình độ, trách nhiệm,
tính cách, kinh nghiệm. Có phẩm
chất
chung và riêng. Phẩm chất chung gồm tinh thần trách nhiệm và sự trung thực,
không bị chi phối bởi tình cảm, ý chủ quan, thành kiến. Khi không có khả năng,
không thể đánh giá thì thôi, đừng có nhận xét, quy kết bừa. Nhiều khi chỉ vì một
lời nói bừa, vô trách nhiệm của một người nào đó, một tin đồn thiếu căn cứ, mà
gây ra hậu quả nghiêm trọng cho người khác.
Phẩm chất riêng thuộc trình độ, sự
hiểu biết về nguồn thông tin. Phẩm chất này là rất quan trọng khi đánh giá tin
chuyên ngành.
c-Tiêu chuẩn (TC). Đó là những
chuẩn mực được quy định bằng pháp lý, bằng điều kiện kỹ thuật, bằng thông lệ về
đạo đức được xã hội chấp nhận. Trong Bản Kinh Kalama Đức Thích Ca có nêu một số
các TC như vậy. Những TC cụ thể do con
người lập ra, không cố định cho mọi lúc, mọi nơi mà có thể thay đổi theo địa
phướng, theo thời gian. Có những TC cũ, trở nên lạc hậu hoặc có những TC mới, phù hợp hơn. Khi vận dụng TC để so sánh
cần chú ý đến những đặc điểm vừa nêu. Trong các TC thì sự vận hành trong thực
tế, kết quả của sự vận hành đó là quan trọng nhất. Điều này trong Kinh Kalama
viết như sau : “ … những điều đó khi thực hành
sẽ đem đến an lành và hạnh phúc, thì hãy thu nhận chúng và hành sử tương ứng,
còn những điều đó khi thực hành sẽ dẫn đến đổ nát và sầu khổ, thì các người nên
từ bỏ chúng”.
Văn
hào Goeth viết “ Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi”
2.4.3-Những việc làm cụ thể
khi đánh giá
Trước
hết cần căn cứ vào loại TT, vào nội dung cơ bản và mục đích của TT mà chọn ra
các TC để so sánh, để đối chiếu. Khi xét thấy hoặc cảm thấy về vấn đề được đề cập
có thể có các TT khác nhau thì cần thu thập thêm TT từ các nguồn khác, đặc biệt
là những TT có nội dung trái ngược.
Phương
pháp thông thường để đánh giá là so sánh / kiểm chứng. Khi các nội dung của TT
đã được thực hành thì quan trọng là kiểm chứng thông quả kết quả trực tiếp và
gián tiếp. Khi xem xét kết quả phải chú ý toàn diện và quan trọng là Hiệu quả tổng
hợp. Khi thực hành một việc gì không phải chỉ nhìn thấy cái lợi cho A mà không
nhìn thấy cái hại cho B, C. Nếu lợi ít, hại nhiều, dẫn tới đổ nát và sầu khổ
thì phải từ bỏ. Không được phép vin vào cái lợi ít cho A mà làm hại nhiều cho B, C. Làm lợi ít cho A, bỏ
qua cái hại lớn cho B, C là một tội ác. Nếu làm lợi lớn cho A, có hại ít cho
B,C thì phải trích từ khoản lợi đó để đền bù thỏa đáng. (Xin hiểu A là người
này, tầng lớp này, địa phướng này, công việc này …, B, C là người kia, tầng lớp
kia, địa phương kia, công việc kia… Cũng có thể A là bây giờ, trước mắt, B, C
là tương lai, lâu dài).
Khi
một TT chưa được thực hành, chưa thể dùng kết quả, hiệu quả để kiểm chứng thì cần
so sánh nó với các TC. Nói cách khác là dùng TC để đánh giá. Khi không có hoặc
không biết TC để so sánh thì cần suy nghĩ, tự đặt ra và trả lời một số câu hỏi
liên quan.
Sau đây là vài câu gợi ý : +Có thật thế
không. +Trong TT có điều gì vô lý, mâu thuẩn không. + Có nguồn tin nào khác
không. +Liệu có ẩn dấu âm mưu nào không. + Khi nhận TT này, người mà ta kính phục
có tin không.
Để
có được khả năng đánh giá thông tin, ngoài việc có kiến thức tương ứng còn rất
cần một đầu óc biết độc lập suy nghĩ một cách linh hoạt, nhạy bén. Điều này đạt
được nhờ biết học tập và hoạt động đúng phương pháp, biết để ý nhận xét những
việc xẩy ra trong đời sống, thích giải các câu đố các loại.
Đánh giá TT rất cần phát hiện ra ngụy biện (mục 3.4).
2.4.4-
Thế nào là dùng một phần sự thật
Xin nhớ câu châm
ngôn: “Một phần của cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, nhưng một phần của sự thật nhiều
khi là dối trá”. Tại sao vậy ? Tại vì một phần dù nhỏ của bánh mỳ vẫn chứa đủ
các tính chất của bánh. Nhưng nếu đem gói bánh vào trong tờ giấy, bỏ cả gói vào
túi ni lông, đặt túi vào trong một hộp (bao bì cẩn thận và đẹp). Lấy một phần của
hộp đó, liệu có phải là bánh mỳ không. Có thể phải hoặc không. Phải, khi phần
được lấy thuộc bản chất. Không, nếu phần đó thuộc bao bì. Đối với sự thật cũng
tương tự như vậy. Sự thật gồm có phần bản chất và các chi tiết phụ. Thông thường
bản chất được giấu kín bên trong, còn các chi tiết phụ thể hiện ra bên ngoài.
Khi phần được tách ra chứa đựng bản chất thì nó đại diện cho sự thật. Nếu phần
tách ra, dù lớn đến bao nhiêu nhưng không chứa bản chất thì đó chưa phải là sự
thật.
Hỏi: Người ta
tách ra phần không phải bản chất để làm gì? Trả lời : Có 2 khả năng: 1- Cố ý
đánh tráo, để lừa dối, đổi trắng thay đen. 2- Vì kém hiểu biết, vì dễ tin mà vô
tình không nhận ra đâu là bản chất.
Một phần sự thật
thường hay được dùng trong báo cáo, tuyên truyền về tình trạng của một sự vật,
một con người nào đó. Sự vật, con người thường có mặt tốt (màu hồng) và mặt xấu
(màu đen). Người thiên vị về phía tốt thì chọn cách tô hồng, ngoài những điều tốt
đang tồn tại, người ta còn ngụy tạo thêm điều chưa có. Người thiên vị về phê
phán thì nặng về bôi đen, xuyên tạc.
2.4.5-Cách
tham khảo ý kiến của người khác
Chỉ nên tham khảo,
hỏi ý kiến người khác khi ta còn phân vân, chưa quyết định. Khi đã có đủ cơ sở,
đủ bằng chứng và đã quyết định rồi thì không nên hỏi thêm ai cả. Vậy khi cần
nên hỏi ai, hỏi như thế nào.
Hỏi ai ? Phải
chọn người mà ta tin cậy, tin rằng họ có đủ trình độ và trách nhiệm giúp ta giải
đáp câu hỏi. Không nên hỏi nhiều người (trừ trường hợp làm điều tra xã hội).
Trong Kinh Kalama có đoạn «những điều đó được
(hoặc không được ) kẻ trí tuệ chấp nhận». Khi
học trò hỏi Khổng Tử: «Thưa thầy, có một việc mà đại đa số dân trong làng cho
là đúng hoặc sai thì việc đó có được xem là đúng hoặc sai không ạ». Khổng Tử trả
lời : «Chưa chắc. Muốn biết đúng hay sai còn phải biết ý kiến của những
người có trí tuệ trong làng».
Xin
kể chuyện sau, trích từ sách Đông Chu Liệt Quốc. Vua Sở kéo đại quân chống nhau
với nước láng giềng. Hai bên đóng quân, gầm ghè nhau nhưng không bên nào chịu
đánh trước vì đánh nhau, thiệt hại là rõ ràng mà chưa chắc đã thắng. Trong quân
Sở có 2 phái: đánh và hòa. Vua triệu tập
15 người chủ chốt để hỏi ý kiến. Vua công bố: Có 9 ý kiến đòi đánh, 6 ý kiến muốn
giảng hòa. Vậy ta quyết định giảng hòa vì trong 6 người muốn giảng hòa có 3 vị
là các bậc có trí tuệ cao của triều đình.
2.4.6-Khi
còn nghi ngờ cần làm gì
Khi còn nghi ngờ
về sự đúng sai của một TT nào, trước hết nên tự
kiểm tra xem ta đã tiếp nhận TT
đã hoàn hảo chưa, đã hiểu đúng nội dung cơ bản chưa, có bỏ sót hoặc hiểu nhầm,
hiểu sai chi tiết nào không. Như vậy rất
nên tự nghi ngờ ta trước. Nghi ngờ ta có bị nhầm chỗ nào không. Ta cần kiểm tra theo tiêu chuẩn mức độ hoàn chỉnh
của TT. Tiếp theo đăt câu hỏi có thật sự
cần xác minh ngay hay không. Nếu thấy chưa cấp thiết thì tạm để lại, dần dần,
cùng thời gian sẽ có câu trả lời. Khi gặp vấn đề cần phải biết để có hướng hành
động thì nên tham khảo ý kiến như trong mục trên. Trong trường hợp không thể
tham khảo hoặc tham khảo không đạt kết quả thì cần tiến hành một số việc để xác
minh, để kiểm chứng.Công việc này mang tính cách một nghiên cứu. Phải dựa vào
những thông tin có được và trí tuệ của mình để đưa ra một hoặc vài phán đoán,
trong nghiên cứu gọi là giả thuyết. Sau khi đưa giả thuyết thì tìm cách bác bỏ.
Nếu bác bỏ được thì bác luôn, đề ra giả thuyết mới. Khi không thể bác bỏ mới
tìm cách chứng minh hoặc kiểm chứng bằng trực tiếp hoặc gián tiếp. Để làm được
việc này cần có trình độ về nghiên cứu khoa học.
2.4.7-Vai
trò của cảm nhận, của trực giác trong đánh giá
Cảm
nhận, trực giác là khả năng đặc biệt của một số người trong việc tiếp nhận và
đánh giá thông tin một cách trực tiếp, không cần suy nghĩ, không cần lập luận,
không cần chứng cứ. Người ta cho rằng khả năng đó thuộc vào sự hoạt động của
các tầng hào quang và tiềm thức, rồi bằng liên hệ nội bộ mà thông báo cho ý thức,
nó là một phần của Linh tính. Cảm nhận, trực giác có thể đến bất chợt,
ngay trước hoặc khi sự việc vừa xẩy ra.
Nó cũng thường đến sau một quá trình người ta suy nghĩ, tìm hiểu về sự việc mà
chưa có lời giải. Một số người gọi linh
tính là giác quan thứ 6.
2.4.8-Bàn
về việc nói đùa
Nói
đùa, nói dóc, nói xạo là kiểu nói cho vui, tuy nói không đúng sự thật nhưng
khác về bản chất với nói dối, khác mục đích với đánh lừa. Cũng cần một trình độ
nhạy bén nào đó mới biết cách nói đùa và phát hiện được người khác nói đùa. Một
số nơi trên Thế giới có ngày nói dối vào mồng 1 tháng 4 (ngày cá tháng tư), đó
là một dạng nói đùa để trêu người khác. Ngày ấy mọi người đề phòng những TT cá tháng tư, đó là một cách luyện tập khả
năng đánh giá thông tin để tránh bị lừa.
2.4.9-Học
tâp, rèn luyện khả năng đánh giá
Khả
năng này nên được học tập và rèn luyện từ bé, tập nhận xét, phân tích, đánh giá
những TT mới lạ, tiếp nhận được hàng ngày. Người lớn phải biết hướng dẫn trẻ
con làm việc đó, tránh xa lối giáo dục theo kiểu áp đặt một chiều để tạo ra những
đứa trẻ ngoan ngoãn chỉ biết vâng lời. Trong học tập và hoạt động, cần đề cao
việc độc lập suy nghĩ, đề cao việc tìm tòi, khám phá, có như thế mới tạo được
khả năng tư duy linh hoạt và nhạy bén. Một số người cho rằng để có được tư duy
như thế cần học nhiều toán. Đó là một nhận xét có phần đúng nhưng có nhầm lẫn
và thiếu sót. Toán giúp người ta suy nghĩ
nhưng đòi hỏi tính chặt chẽ, trong lúc nhiều hoạt động trong xã hội,
trong đời thường đòi hỏi sự linh hoạt. Tôi biết có nhiều người, khi còn đi học,
đã gặp khó khăn và được đánh giá rất thấp về môn toán, nhưng đã thành đạt lớn
trong cuộc đời nhờ những khả năng khác. Để có khả năng đánh giá đúng đắn còn cần
tránh một số điều: vội vàng, chủ quan, tự
ti, lo sợ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng phần lớn hoạt động của con người quy về
việc thu thập, đánh giá và xử lý thông tin. Làm đúng, hợp quy luật sẽ có kết quả
tốt đẹp, làm sai, trái quy luật sẽ chịu hậu quả xấu .
III
– Hiểu biết thêm về
con người
Bài 1- Hạt giống tinh thần và Tàng thức
Có nhiều tập
sách nhỏ viết về “Hạt giống tâm hồn”. Đó là những hạt giống tốt của con người.
Hạt giống tinh thần rộng hơn, bao gồm cả tốt và xấu.
Với cây cỏ, hạt giống có thể ở sẵn trong đất hoặc được
gieo. Hạt giống gặp được môi trường thuận
lợi mới có thể nẩy mầm thành cây. Cây phải gặp môi trường thuận lợi mới phát
triền. Giống nào cây đó, nhưng cây phát triển đến đâu là do môi trường. Môi trường
là rất quan trọng, nhưng hạt giống có vai trò quyết định.
Bài
này trình bày về những hạt giống tinh thần, sẽ phát triển thành tính cách hoặc năng lực của con người. Chúng có thể có sẵn
trong bào thai hoặc được gieo vào trong quá trình sinh trưởng của con người.
Gieo từ nguồn bên trong và bên ngoài. Từ
bên trong khi người ta biết một thứ gì đó, suy nghĩ nhiều về nó, tích lũy lại
thành hạt giống.Điều này liên quan đến hành động “tự kỷ ám thị”. Từ bên
ngoài khi người khác đem ý nghĩ của họ
thường xuyên, liên tục hướng dẫn hoặc áp
đặt vào. Nó liên quan đến “ ám thị ngoại nhập”.
Sự suy nghĩ đó, sự áp đặt đó tích lũy dần, thể hiện thành hành động, kết
lại thành ý thức sâu sắc trong bộ não rồi
từ đó chuyển vào thành hạt giống trong tàng thức.
Có
câu danh ngôn về gieo và gặt có ý nghĩa
gần tương tự như sau: “Gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt
thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận” (Ở đây,
gieo suy nghĩ là tự ta hoặc người khác gieo cho ta)
Hạt giống
tinh thần chỉ có thể phát triển thành tính cách hoặc năng lực khi gặp điều kiện
phù hợp của môi trường gia đình và xã hội. Chủ yếu là môi trường tinh thần.
Về
tính cách có các hạt giống như khiêm tốn hay kiêu ngạo, rộng lượng hay ích kỷ,
ôn hòa hay nóng nảy, hoạt bát hay khép kín v.v…Về năng lực có các hạt giống về khoa học, nghệ
thuật, kinh tế, ngoại giao, văn học, quân sự, thể thao, về suy luận và phản biện v.v….Người
có hạt giống tốt về năng lực nào đó thường được gọi là có năng khiếu bẩm sinh.
Năng khiếu mạnh kết hợp với môi trường tốt sẽ phát triển thành tài năng.
Trong
Đạo Phật hạt giống được gọi là “chủng tử”, thuộc về nhân (nguyên nhân), môi trường
là duyên. Khi nhân kết hợp với duyên (duyên khởi) mới tạo ra kết quả.
Hạt giống bình thường chỉ phát triển được trong điều
kiện thuận lợi, nếu không gặp được môi trường phù hợp để nảy mầm thì sau một thời
gian nó sẽ tự hủy hoại. Hạt giống khỏe,
năng lượng lớn có thể tồn tại lâu dài, phát triển được trong môi trường bất lợi.
Một vài loại cây cỏ có sức sống mạnh mẽ, dù bị con người tàn phá, hủy hoại,
trong nhiều trường hợp chúng vẫn phát triển được khi chỉ còn một chút rễ.(chẳng
hạn như cây cỏ gấu, cây rau má). Cũng thường gặp những hạt giống tinh thần có sức
mạnh như vậy. Tuy thế hạt giống tốt cũng không phát triển được khi gặp lực lượng
ngăn cản hoặc hủy diệt quá mạnh.
Làm sao để phát hiện hạt giống tinh thần?.
Với hạt giống khỏe, tự nó sẽ bộc lộ
ra. Thí dụ: Trẻ có hạt giống quân sự thường rủ bạn bè bày ra trò chơi và nắm
quyền chỉ huy, trẻ có hạt giống kinh doanh thường quan tâm đến thu chi hàng
ngày, trẻ có hạt giống khoa học thường hay tìm hiểu các hiện tượng lạ và đặt ra
những câu hỏi khó giải đáp v.v., chỉ cần vài chú ý nhỏ là có thể nhận biết. Với
hạt giống bình thường, muốn biết được cần làm một số phép thử. Có phép thử định
hướng và không định hướng.
Thử định hướng là xem trẻ có hạt giống
về một lĩnh vực nào đó hay không. Thông thường tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với
lĩnh vực đó rồi quan sát phản ứng của nó. Thí dụ muốn biết trẻ có hạt giống hội
hoạ hay không thì dẫn nó đi xem bảo tàng nghệ thuật (nhờ được hoạ sỹ dẫn đi thì càng tốt), nếu nó
tỏ ra thích thú, tập trung chú ý vào các tranh, tượng, lại có vài câu nhận xét,
bình luận thì có khả năng là có hạt giống hội hoạ, cần đưa vào các lớp học vẽ để
thử thêm, còn nếu nó thích chơi ngoài sân hơn xem tranh, tỏ ra xem tranh là bị
bắt buộc thì chắc là không có hạt giống mong muốn. Định thử về lĩnh vực nào cần
có người am hiểu về lĩnh vực đó đánh giá, như thế mới đủ tin cậy.
Thử không định hướng là bày ra, cho
trẻ tiếp xúc với nhiều lĩnh vực trong cùng một khoảng thời gian, cho trẻ hoàn
toàn tự do chơi và lựa chọn. Xem cách chơi và chọn của trẻ để đoán biết nó có
những hạt giống loại nào. Thí dụ: Tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng kể rằng gia đình họ
Giả chuẩn bị một phòng, trưng bày đồ vật, đồ chơi nhiều loại như giấy bút,
sách, tranh tượng, cung kiếm v.v…Cậu bé Bảo Ngọc được cho vào phòng để chơi và
chọn thứ mình thích. Cậu ta đã bỏ qua sách vở, tranh tượng, cung kiếm mà say
sưa ngắm nghía gương lược và đồ trang sức của phụ nữ. Quan sát thấy như vậy ông
bố lắc đầu, thở dài.
Tại các nền giáo dục tiên tiến, làm hướng nghiệp xuất
phát từ việc phát hiện và đánh giá năng khiếu của học sinh thông qua thử không
định hướng hoặc định hướng.
Xin kể vài chuyện.
Chuyện 1 - Bé gái Tâm, học lớp Ba. Ở nhà bé rất
thích tha thẩn trong vườn, xem cây cỏ đâm chồi, nở hoa, xem các con côn trùng
hoạt động và sinh sản. Việc làm đó bị cha mẹ la mắng, ngăn cấm, họ thúc giục việc
học bài và làm bài tập của thầy cô ở trường cho về nhà. Biết chuyện, một nhà
giáo đã trao đổi với cha mẹ Tâm như sau: Cháu Tâm của anh chị có hạt giống
nghiên cứu sinh vật, Tâm có thể trở
thành nhà sinh vật học lỗi lạc. Anh chị đang vô tình hủy hoại hạt giống đó và
ngăn cản sự phát triển của một nhà sinh vật học tương lai.
Chuyện
2- Cu Toàn con anh Bích. Cậu bé 10 tuổi,
được tặng một đồ chơi có máy móc, hoạt động nhờ lên dây cót. Toàn chỉ chơi với
bạn bè trong vài ngày rồi tìm cách tháo rời các bộ phận để xem. Anh Bích bảo: Đố
con lắp lại như cũ. Toàn đã lắp lại được. Bích
lấy chiếc đồng hồ báo thức bị hỏng lâu ngày đưa cho Toàn và bảo: Con thử
tháo ra xem hỏng ở đâu. Loay hoay một lúc Toàn phát hiện ra dây cót bị đứt. Được
khuyến khích Toàn đã nối được dây cót, làm cho đồng hồ hoạt động. Bích cho rằng con mình có hạt giống về máy móc và dự định
sẽ hướng dẫn cho cu cậu đi vào ngành chế tạo máy.
Chuyện 3- Cậu bé Atê. Đó là một bé nhà
quê, được lão họa sĩ đón về giúp các việc vặt như quét nhà, gánh nước, làm vườn.
Atê tỏ ra siêng năng nhưng vụng, quét nhà không sạch đều, tưới cây không khắp
lượt, đã dạy bảo nhiều nhưng ít tiến bộ. Một lần cái ghế băng bằng gỗ bị gãy một
chân, Atê được sai cầm rựa vào rừng tìm chặt một đoạn cây về để thay. Chân ghế
băng làm bằng hai nhánh cây từ một gốc tạo thành hình chữ Y, khi lắp vào ghế
thành chữ Y lộn ngược, hai nhánh quay xuống dưới. Cậu đi suốt buổi, về tay
không, trả lời là trong rừng không có cây nào mà hai nhánh quay xuống như chân
ghế, chỉ toàn những cây có hai nhánh quay lên.
Khi họa sĩ vẽ cậu ta đứng nhìn say sưa,
có bị quát đuổi mới chịu đi làm việc. Được giao lau chùi mấy lọ lục bình bằng sứ,
lau mãi không xong vì vừa lau vừa ngắm nghía các bức họa trên đó và luôn mồm
xuýt xoa khen đẹp. Một lần họa sĩ chuẩn bị đi vắng, dặn Atê, nếu có ai đến chơi
thì hỏi tên và nhớ kỹ để về nói lại. Có một ông khách đến. Khi họa sĩ trở về, hỏi,
Atê không thể nhớ tên vị khách nhưng tả diện mạo ông từ đầu đến chân, kể cả
cách đi đứng, mà chỉ cần vài nét, họa sĩ đã nhận ra ai rồi. Những thể hiện như thế chứng tỏ cậu ta có hạt giống khoẻ về
hội họa. Được hỏi có thích vẽ không, Atê trả lời thích lắm. Từ đó cậu được học
vẽ và sau này trở thành họa sĩ nổi tiếng.
Chuyên 4- Adam Khoo
Sách “Tôi Tài Giỏi Bạn Cũng Thế” kể rằng Adam Khoo từ
bé, vì một thành kiến nhầm lẫn mà mọi người (cha mẹ, giáo viên, bạn bè) đều cho
rằng cậu quá đần độn. Người ta đã gieo hạt giống đần độn và cậu đã tiếp nhận.
Nhưng rồi năm 1987, lúc 13 tuổi, được dự lớp học Thiếu Niên Siêu Đẳng của thầy
Ernest Wong trong 5 ngày cậu đã dần dần trở thành một người tài giỏi. Một hạt
giống tài năng đã nảy mầm, phát triển, cho hoa thơm quả ngọt và diệt được cái mầm
đần độn đã bị gieo vào.
Nhiều người nhận nhầm, cho rằng Adam phát triển được chủ yếu nhờ thầy Wong.
Đúng là có nhờ thầy, nhưng đó chỉ là tác dụng kích thích. Có vài trăm, vài ngàn
thiếu niên được học với thầy Wong, nhưng
đạt được như Adam chỉ một vài người. Vậy cơ bản nhờ vào đâu ?. Nhờ vào hạt giống đã có sẵn trong tàng thức,
nhưng bị che lấp, bị ngăn cản. Nó giống như một hạt giống trong đất, bị một cục
đá chèn lên, mà đất thì khô. Bây giờ cục đá được bỏ đi, đất được tưới nước, hạt
giống nảy mầm và phát triển. Trong Tiên
thiên của Adam đã có sẵn hạt giống trí tuệ, nhưng vì một nhầm lẫn mà người ta
đã vô ý gán cho cậu cái nhãn đần độn và cậu bị mặc cảm như thế. Công của thầy
Wong là giúp Adam gạt được mặc cảm, để cho hạt giống trí tuệ nảy mầm. Khi gia
đình, nhà trường thấy được mầm tốt đó liền tạo môi trường thuận lợi cho nó và
xã hội có được một nhân cách lớn, suýt nữa bị vùi dập. Nếu trong tàng thức của
Adam Khoo không có sẵn hạt giống trí tuệ
thì thầy Wong, trong vài ngày
không thể biến cậu từ người đần độ trở thành người có tài năng được.
Phát hiện hạt giống về tính cách bằng việc chịu khó
quan sát các hoạt động hoặc phản ứng của trẻ một cách có chú ý, liên tục. Từ đó
có thể đoán được xu thế hướng nội hay hướng ngoại và một số tính cách cụ thể.
Về việc gieo hạt giống tốt. Điều này thường chỉ dùng
đối với hạt giống tính cách, ít dùng với hạt giống năng lực. Hạt giống tốt về
tính cách như khiêm tốn, bao dung, trách nhiệm, trung thực v.v…
Thường khi phát hiện ra tính cách xấu ở trẻ (như ích
kỷ, tham lam , thô bạo, dối trá v.v…)
thì cần tìm cách hạn chế nó, vừa gieo hạt giống tốt theo hướng ngược lại. Gieo
bằng cách nào?. Đối với trẻ nhỏ dùng cách gieo từ ngoài. Chủ yếu là người lớn cần
thường xuyên, chủ động tạo ra môi trường
giúp cho tính cách tốt và thực hiện, hướng dẫn trẻ làm theo. Phải có chủ đích và kiên trì mới
thành công. ( gieo hạt giống của tính cách xấu sẽ nhanh và dễ hơn nhiều). Khi
trẻ đã có ý thức thì kết hợp kể những
câu chuyện hấp dẫn có tính giáo dục
cùng với việc giảng giải. Hết sức
tránh giáo dục theo kiểu ra lệnh, áp đặt.
Khi
cần ngăn chặn sự phát triển tính cách xấu cũng phải có kế hoạch và kiên nhẫn,
không thể vội. Ngăn chặn bằng cách loại
bỏ điều kiện của môi trường làm phát sinh hoặc phù hợp tính cách xấu.
Người lớn phải thực sự gương mẫu, đặc biệt là người trực tiếp giáo dục trẻ
không được vướng phải thói hư tật xấu
đó. Khi trẻ đã có ý thức thì kết hợp kể chuyện, răn đe, giải thích và dùng hình
phạt thích hợp khi cần thiết
Tàng thức là một khái niệm trong Duy Thức Luận của
Phật giáo. Tàng có nghĩa là cất giữ. Tàng thức có tên gốc tiếng Phạn là A Lại Da Thức. Cũng có người gọi là Tâm thức.
Thức có nghĩa bao gồm các hoạt động tiếp nhận, xử lý, lưu giữ thông tin. Có 8
Thức. Đầu tiên là năm giác quan. Ý thức là thức thứ sáu. Thứ bảy là Mạt na thức,
nơi xử lý sơ bộ các thông tin. Tàng thức là Thức thứ tám, cuối cùng, cao nhất.
Ngoài việc tàng trữ thì nó còn là nơi đưa ra
thông tin tư vấn cuối cùng, truyền
thông tin đó cho bộ não dưới dạng
“Linh Tính” (Linh tính còn được gọi
là “Giác quan thứ 6”.)
Tàng thức nằm ở bên trong các tầng hào quang. Trong
dân gian vẫn có câu, được truyền từ xa xưa: “Nghĩ trong bụng”. Phải chăng đó
là ý nghĩ xuất phát từ tàng thức nằm ở
vùng bụng và ngực
Tàng thức được cấu tạo như thế nào còn chưa được làm
rõ. Có giả thuyết rằng nó được cấu tạo từ vật chất vô cùng mịn và hoạt động như
ổ cứng trong máy tính.
Tàng thức được hình thành cùng với bào thai. Với trẻ
nhỏ, khi bộ não chưa phát triển để ghi nhớ và suy nghĩ thì tàng thức đóng vai
trò chủ yếu trong việc lưu giữ thông tin.
Các hoạt động thuộc bản năng có
xuất phát từ Tàng thức. Những thông tin từ tàng thức truyền về cho ý thức có thể
là các mách bảo thầm kín hoặc các linh tính.
Bài 2- Tiềm thức và linh tính
Tiềm thức bao gồm những thông tin chứa trong tàng thức.
Chúng rất nhiều. Người ta ví rằng, thông tin mỗi người có được giống một tảng
băng trôi (hoặc một núi băng trôi) mà ý thức chỉ là phần nổi còn tiềm thức là
phần chìm, nó có lượng gấp nhiều vạn lần phần nổi. Người nào biết khai thác
đúng khả năng của tiềm thức sẽ đạt thành công lớn..
Khác với ý thức, tiềm thức không phân biệt đúng sai,
tốt xấu. Cái gì đưa vào, nó cũng tiếp nhận, phân loại, sắp xếp, cất giữ và nếu
đó là nguyện vọng, là mơ ước của người
ta thì nó huy động tiềm năng để thực hiện.
Thí
dụ 1- Anh Quâng, không hề bị bệnh dạ dày, một hôm
ăn bát cháo, bị ợ chua, cứ nghĩ và lo sợ bị đau dạ dày. Quâng đi hỏi nhiều người đang bị đau dạ
dày xem triệu chứng đầu tiên như thế nào. Anh kể cho họ nghe triệu chứng mà anh
cảm nhận được. Mọi người cho rằng anh đã chớm bị viêm loét dạ dày hoặc hành tá
tràng. Thế rồi sự lo nghĩ ấy làm cho dạ dày của anh bị loét thật. Đây là một kiểu
tự kỷ ám thị tiêu cực.
Thí
dụ 2- Bà Toan bị u xơ gan, bác sĩ mổ để cắt, nhưng khi mổ ra không dám cắt vì chỉ
cần chạm nhẹ vào, nó sẽ bung ra. Đành khâu bụng lại, dặn người nhà đem về, chuẩn
bị hậu sự và hỏi bà thích ăn gì thì kiếm cho bà ăn như là ân huệ cuối cùng. Khi
bệnh nhân tỉnh lại sau mổ, được nghe nói dối
để động viên là khối u đã được cắt, về nhà dưỡng bệnh vài hôm là khỏe. Bệnh
nhân quá phấn khởi, quá tin tưởng, luôn tâm niệm một cách mănh liệt rằng bệnh sẽ
khỏi. Con cháu đưa bà về, hỏi thích ăn gì, bà bảo chỉ thèm thịt trâu. Về nhà vài hôm, được ăn cháo thịt trâu,
khối u xẹp dần và sau vài tuần biến mất. Đưa đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ vô
cùng ngỡ ngàng, không thể tin được (dù đó là sự thật). Đây là tự kỷ ám thị tích
cực.
Cả hai trường hợp trên đều do tiềm thức huy động
năng lực của cơ thể để thực hiện điều mà nó nhận được từ ý thức.
Tiềm thức chỉ mách bảo cho ý thức những thông tin mà
nó cất giữ, không phân biệt đúng sai. Thí dụ ông A đã quen thức dậy lúc 6 giờ.
Một hôm dự định 5 giờ sẽ dậy để làm việc
gì đó. Ông đặt chuông đồng hồ báo thức. Khi chuông reo ông tỉnh ngủ và nhận được
lời mách bảo thầm kín, thôi, ngủ tiếp, chẳng có gì quan trọng. Đó là mách bảo từ
tiềm thức vì ông đã quen thức dậy lúc 6 giờ. Khi ông nghe theo thì ngủ tiếp.
Khi ông vận dụng ý chí mà vùng dậy thì đã làm khác với mách bảo. Những trường hợp
tương tự, có sự đấu tranh giữa thói quen hàng ngày do tiềm thức mách bảo và dự
định mới phát sinh do ý chí, thường được xem là đấu tranh bản thân.
Như vậy tiềm
thức, về hình thức nó như hội đồng tư vấn, mách bảo cho ta điều đã có sẵn trong
tàng thức, ta có thể theo hoặc không theo, đồng thời nó như trợ thủ rất đắc lực,
huy động tiềm năng và thông tin để giúp ta hoàn thành mong ước đã lựa chọn.
Linh
tính là những ý nghĩ hoặc kết luận bỗng nhiên nảy sinh ở trong đầu, không phải
do suy nghĩ ngay lúc đó mang lại. Linh tính thường xuất hiện bất chợt, nếu
không kịp thời nắm bắt, ghi lại thì có thể bị quên ngay và rất khó nhớ lại.
Linh tính có thể xuất hiện dưới các trạng thái sau : 1- Xuất hiện hoàn toàn bất
ngờ, không liên quan gì đến suy nghĩ và việc làm của người đó. Thí dụ một người
đang ở đâu đó bỗng rùng mình, thấy cần dời đi nơi khác. Khi vừa dời đi thì chỗ
đó có sự cố như đất sụt hoặc có vật nặng ở đâu văng đến. Nhờ linh tính mà dời
đi kịp thời, tránh được tai nạn. 2- Xuất
hiện tuy bất ngờ nhưng sau một quá trình suy nghĩ, tìm kiếm một vấn đề nào đó
mà chưa thấy kết quả.
Với trạng thái 1 linh tính thường là đúng, sự việc sẽ
xảy ra gần như đã được mách bảo. Với trạng thái 2 kết quả xảy ra chủ yếu theo
chiều hướng phát triển sự suy nghĩ từ trước. Nhiều khi người ta suy nghĩ rất
lâu mà không tìm thấy lời giải, không nhớ ra thông tin cần thiết, tưởng đã bế tắc
hoàn toàn, bỗng một lúc bất ngờ nào đó lời giải
hoặc thông tin hiện ra. Như vậy để có thể có được sự mách bảo của linh
tính về kết quả mong muốn thì phải suy nghĩ
sâu sắc, liên tục về nó chứ không phải ngồi không để cầu mong nó đến.
Linh tính đã được nhiều người, đặc
biệt là các nhà khoa học lớn trải nghiệm
và công nhận. Phải chăng nó là thông tin từ tàng thức phản ảnh vào bộ
não. Với trạng thái 1 (linh tính bất ngờ), đó là do tầng hào quang nhận được
thông tin đặc biệt đã đưa vào tàng thức và từ đó báo cho ý thức. Với trạng thái
2, đó là do thông tin của quá trình suy nghĩ từ ý thức đã chuyển vào tàng thức,
được tiếp tục xử lý trong Mạt na thức và khi có kết quả nó được báo trở lại về
bộ não.
Quan hệ giữa các tầng hào quang và
cơ thể không chỉ là linh tính mà còn nhiều
điều quan trọng khác liên quan đến sức khoẻ, bệnh tật, các trạng thái tâm lý,
tinh thần. Mỗi biến động trong tầng hào quang đều ảnh hưởng đến hoạt động của một
bộ phận nào đó của cơ thể và ngược lại, mỗi biến đổi của cơ thể đều phản ảnh
vào tầng hào quang.
Để có hiểu biết kỹ hơn về tàng thức,
tiềm thức, có thể tham khảo Duy Thức Luận của Phật giáo và các bài giảng về tiềm thức (trên Youtube) của
Nguyễn Xuân Hương hoặc sách nói Sức mạnh tiềm thức.
IV- Học suy nghĩ
Một số người cho rằng mục tiêu của việc dạy và học
là kiến thức, vì thế cố dạy thật nhiều, học thật nhiều. Đó là nhận thức chỉ
đúng một phần, không đúng hoàn toàn, mang lại lợi ít, hại nhiều. Cách dạy và
học như vậy dễ dẫn tới việc nhồi nhét, học vẹt, làm thui chột khả năng tư duy
và sáng tạo. Dạy và học (ở phổ thông và đại học) chủ yếu phải là dạy và học
cách suy nghĩ, còn kiến thức đóng 2 vai trò, vừa là mục tiêu, vừa là phương
tiện. Đó là phương tiện của suy nghĩ, để suy nghĩ.
Khi dạy và học một vấn đề khoa học thường có 2
phần: kiến thức hữu hình (cụ thể) và kiến thức vô hình. Kiến thức nhữu hình là
nội dung các khái niệm (nó là cái gì), các định lý, các công thức v.v..Kiến
thức vô hình là các phương pháp, là sự suy nghĩ để tìm ra, để chứng minh các
kiến thức cụ thể đó. Thí dụ định lý về 3 đường phân giác trong một tam giác.
Kiến thức hữu hình là nội dung định lý “ Ba đường phân giác trong một tam giác
gặp nhau tại 1 điểm, đó là tâm vòng tròn nội tiếp tam giác”. Phần vô hình là
cách thức người ta tìm ra định lý ấy.
Khi chỉ quan tâm đến việc học kiến thức hữu hình
thì giỏi lằm là học gì biết nấy (với điều kiện là hiểu được, nắm vững và không
quên, còn nếu học mà không hiểu hoặc không nhớ được thì có khi học mười mà chỉ
được một, hai), còn khi học cách suy nghĩ, học phương pháp thì có thể đạt được
trình độ học một biết mười hoặc nhiều hơn nữa. Học suy nghĩ, học phương pháp là
nhằm phát triển trí thông minh, phát triển khả năng tiềm ẩn. Mục tiêu của việc dạy
và học không nên dừng lại ở mức độ truyền và nhận kiến thức mà phải nhằm vào,
phải đạt đến sự phát triển của người học.
Trong cuộc sống kiến thức là quan trọng nhưng khôn
ngoan và thông minh còn quan trọng hơn. Không phải kiến thức tạo ra trí thông
minh mà chính sự suy nghĩ mới tạo nên nó. Một đầu óc chứa rất nhiều kiến thức
mà không biết suy nghĩ chẳng khác gì một chiếc USB gắn trên cổ.
Tôi rất thông cảm với các bạn trẻ hiện nay, một số
các bạn chủ yếu được dạy kiến thức cụ thể mà ít được luyện tập cách suy nghĩ,
vì vậy không ít bạn trở nên ngại suy nghĩ, lười suy nghĩ, nặng về học sáo, học
vẹt. Trong chuyện này các bạn là nạn nhân, mà cũng là đồng phạm. Là nạn nhân vì
các bạn bị phụ thuộc vào nền giáo dục, bị phụ thuộc vào các thầy. Chính sự nhầm
lẫn của nền giáo dục, chính phương pháp giảng dạy nặng về thầy đọc trò chép
(hoặc thầy chiếu hình, trò xem) là nguyên nhân chính. Là đồng phạm vì chính các
bạn không tự biết phải học cách suy nghĩ, không chủ động và tự giác suy nghĩ.
Xin kể câu chuyện: Một bạn chỉ vào vết nứt trên
tường một ngôi nhà và hỏi tôi nguyên nhân. Tôi bảo bức tường này nứt ở chỗ đó
là do thay đổi nhiệt độ. Anh bạn trả lời là hiểu rồi, tuy vậy tôi cho là anh ta
chưa hiểu gì cả. Tôi hỏi lại: anh hiểu cái gì. Trả lời : Em hiểu là tường nứt
do nhiệt độ thay đổi.
Tôi đoán anh ta chỉ trả lời bằng cách nhắc lại ý
của người khác, nói chỉ để mà nói chứ chưa hiểu thấu đáo, chưa làm chủ được câu
trả lời, mới hỏi lại : Anh bảo tường nứt do thay đổi nhiệt độ, vậy nó nứt khi
nhiệt độ tăng lên hay giảm xuống. Không trả lời được, vậy là vẫn chưa biết. Tôi
nói nó bị nứt chủ yếu vào mùa đông, hiểu chưa. Trả lời : Dạ, bây giờ thì em
hiểu rồi.
Mặc dầu vậy tôi vẫn cho rằng anh ta chưa hiểu gì
cả, vẫn trả lời như sáo, như vẹt mà thôi. Tôi hỏi tiếp: Anh biết mùa đông nhiệt
độ giảm, nhưng tại sao nhiệt độ giảm lại gây nứt tường ở chỗ đó mà không phải ở
chỗ khác, tại sao các nhà khác cũng chịu nhiệt độ giảm như vậy mà tường không
nứt, Tôi lại chỉ cho anh ta thấy một vết nứt khác và hỏi vết nứt này có phải do
thay đổi nhiệt độ hay không. Trả lời : Dạ, thế thì em chưa hiểu, thầy ơi, thầy
giải thích cho em đi.
Tôi thường gặp các bạn nói hết điều này điều nọ,
tưởng là có hiểu biết cao, nhưng khi hỏi kỹ ra mới thấy chỉ là sáo vẹt, chỉ
biết nhắc lại một số điều nghe được mà không hiểu thấu đáo. Nguy hiểm là thực
chất thì chưa hiểu nhưng cứ tưởng đã hiểu. Nói ba hoa và vận dụng những hiểu
biết không thấu đáo, không chính xác còn tệ hại hơn nhiều là nhận mình không
biết.
Xin kể câu chuyện khác. Ông bố dẫn 2 chàng rể A và
B đi thăm đồng. Gặp con ngỗng kêu to, hỏi tại sao. A quan sát một chốc rồi trả
lời tại vì cổ nó dài, B cho là có lẽ trời sinh ra thế. Về câu hỏi tại sao con
vịt nổi trên nước, A giải thích vì nó có nhiều lông, còn B vẫn cho là trời sinh
ra thế. Ông bố vợ khen A có kiến thức còn B quá kém, không biết suy luận. B
không chịu và cãi lại rằng: A nói cổ dài kêu to, thế con ểnh ương cổ không dài
mà sao nó kêu to vậy, bảo nhiều lông thì nổi, thế ống tre, ống nứa có lông nào
đâu mà vẫn nổi. A đành chịu, không cãi lại được. Ông bố nói: ta đã vì không
hiểu biết mà nhận xét nhầm, suýt nữa bị A mê hoặc bằng những suy luận thiếu xác
thực, đã vội trách B. Suy luận không chặt chẽ, biết không đến nơi đến chốn như
A thì thà không biết còn hơn, còn B, tuy chưa giải thích được rõ ràng và cho là
trời sinh ra thế nhưng đã có suy nghĩ chứ không nói liều.
Vậy học cách suy nghĩ như thế nào, làm sao để biết
cái sự hiểu là đúng và đủ?
Trước hết phải có nhận thức đúng về sự quan trọng và cần thiết của suy nghĩ. Bộ
não của con người chủ yếu là dùng để suy nghĩ và ghi nhớ. Có suy nghĩ thì não
mới phát triển, nếu không hoặc ít suy nghĩ thì não sẽ kém linh hoạt. Một đôi
chân bình thường không quen đi bộ, không quen trèo cầu thang, chỉ cần đi vài
trăm mét, trèo vài tầng nhà là đã mỏi, đã đau, đã rất khó chịu. Nhưng cũng đôi
chân ấy, nếu chịu khó tập luyện thì có thể đi bộ nhiều cây số, trèo nhiều tầng
nhà một cách thoải mái. Bộ não cũng tương tự như vậy. Lâu ngày không quen suy
nghĩ, đến khi cần suy nghĩ vấn đề phức tạp thấy quá mệt óc, quá khó khăn. Một
bộ óc quen suy nghĩ sẽ không gặp nhiều trở ngại khi đụng phải vấn đề như vậy.
Khi nghe, thấy, cảm nhận hoặc nghĩ ra một điều mới,
ta ghi nhận nhưng xin chớ vội tin là đúng hoàn toàn. Để biết mức độ đúng hoặc
sai cần thông qua suy nghĩ. Suy nghĩ là động não để tự đặt ra và tự trả lời các
câu hỏi liên quan đến hiện tượng, đến sự việc mà ta muốn biết để cho sự biết là
đúng đắn, đầy đủ, không bị phạm sai lầm (tương đối thôi vì rất khó đạt đến
tuyệt đối) hoặc tìm ra câu trả lời thich hợp cho một tình huống nào đó. Hàng
ngày có rất nhiều chuyện cần đến suy nghĩ chứ không phải chỉ trong học tập,
không phải chỉ liên quan đến khoa học.
Vậy những câu hỏi đó là gì, như thế nào. Có hàng
trăm, hàng ngàn câu hỏi khác nhau tùy theo hiện tượng, sự kiện, hoàn cảnh. Vấn
đề quan trọng nhất là ta có ý thức đặt câu hỏi hay không. Khi đã có ý thức đặt
câu hỏi, chịu khó suy nghĩ sẽ tìm ra câu hỏi thích hợp. Tuy vậy có thể kể ra
một số câu hỏi thông thường như sau : Cái này thực chất là cái gì. Nó ở đâu ra.
Nó xẩy ra khi nào. Người ta (cụ thể là ai) đã tìm ra, đã biết đến nó như thế
nào. Nó có liên quan gì tới những điều ta đã biết rõ. Nó vận động như thế nào.
Mặt phải, bên ngoài, mặt tốt, mặt có lợi nó như thế nhưng liệu mặt trái, bên
trong, mặt xấu, mặt hại như thế nào (hoặc ngược lại). Hiện nay nó như thế nhưng
trước đây, sau này nó có khác không. Có gì nghi ngờ trong các chứng cứ và lập
luận không. Làm như vậy đã được chưa, có cách nào làm khác không, nếu làm khác
đi thì sẽ thế nào. Bản chất của hiện tượng này là cái gì, quy luật nào chi phối
nó v.v---
Đặt được câu hỏi rồi, đầu tiên là tự tìm cách trả
lời, muốn vậy phải suy nghĩ, phải tìm tòi, phải lập luận. Nếu đặt ra câu hỏi mà
trả lời được ngay thì câu hỏi đó có ít hoặc không có giá trị gì cho việc suy
nghĩ. Cũng có thể câu hỏi là khó nhưng sự trả lời là hời hợt, không có ý nghĩa
gì vì chưa chịu suy nghĩ thấu đáo. Đặt được câu hỏi rồi mà vẫn không trả lời
được sau khi đã cố gắng suy nghĩ, tìm tòi thì có thể đem hỏi người khác (đừng
ngại, đừng dấu dốt). Trước khi hỏi cần tự kiểm tra lại nội dung, nên nghĩ đi
nghĩ lại vài lần trong đầu xem cách đặt câu hỏi như thế đã được chưa, đã đúng
chưa, có phù hợp không, nội dung có đáng hỏi không hay quá tầm thường, và nếu
có điều kiện thì viết câu hỏi ra giấy để xem xét cho kỹ
Xin kể tiếp 2 câu chuyện. 1- Được hỏi nguyên nhân
nào đã giúp ông nhận giải Nôben vật lý, nhà khoa học trả lời là nhờ sự quan tâm
của mẹ từ những ngày còn ở tiểu học. Mỗi lần đi học về mẹ thường hỏi hôm nay
con có nghĩ ra được câu hỏi nào thông minh hay không. (Bình luận- nhiều bậc cha
mẹ VN chỉ quan tâm con hôm nay được mấyđiểm).
2-Sau khi thuyết trình, nhà toán học Chirac hỏi:
Ai có câu hỏi gì không. Một bạn trẻ giơ tay, được chỉ định, đã nói: Thưa ngài,
tôi không hiếu cái chỗ ngài chứng minh từ X ra S. Chirac ra hiệu cho bạn trẻ
ngồi xuống và nói: Câu của bạn vừa rồi là một lời thú nhận chứ không phải câu
hỏi. Có ai hỏi gì không.
Trong cuộc đời và trên Facebook tôi thường gặp một
số câu hỏi mà buộc lòng phải từ chối không trả lời vì câu hỏi không rõ ràng
hoặc quá đơn giản (chứng tỏ người hỏi chưa suy nghĩ kỹ, loại trừ một vài câu
thiếu thiện chí, khiêu khích hoặc bịp bợm).
Đặt câu hỏi cho người khác cũng giống như đặt bài
toàn hoặc đặt câu đố là phải làm rõ cái đã biết, đã cho và cái cần biết (các
cái này phài có liên hệ với nhau), lại phải biết trình bày dưới dạng câu hỏi
(phân biệt câu trần thuật, câu hỏi, câu cảm thán---), để người nghe biết được
nội dung hỏi và điều cần trả lời. Khi được hỏi, trước hết nên nhanh chóng càm
nhận ý đồ của người hỏi là thiện chí hay không thiện chí để có phương án trả
lời. A- Thiện chí là khi người hỏi có vấn đề chưa biết, hỏi để biết. B- Không
(hoặc thiếu) thiện chí là câu hỏi nhằm khiêu khích, đùa cợt hoặc vì một mục
đích thiếu trong sáng nào đó. Ngoài ra có loại câu hỏi tầm phào, hỏi cho có
chuyện (Không phải A cũng không phải B, hỏi theo phép lịch sự dởm hoặc đùa cho
vui). Việc cảm nhận này đòi hỏi có sự nhạy bén, sự tinh tế.
Với câu hỏi thiện chí cần hiểu kỹ câu hỏi, nếu có
chỗ nào chưa rõ thì nên hỏi lại để làm rõ (tránh việc hỏi một đàng, trả lời một
nẻo khác, lạc đề) và trả lời chân thành theo sự hiểu biết. Nếu chưa biết hoặc
biết chưa đầy đủ thì công nhận, chớ vì sĩ diện, chớ vì dấu dốt mà trả lời liều.
Với câu hỏi thiếu thiện chí thì cần thận trọng, chớ mắc lừa trả lời vào nội
dung câu hỏi mà nên tìm cách nào đó khôn ngoan hơn. Với câu hỏi tầm phào thì
cũng có thể chọn cách trả lời tầm phào.
Xin kể thêm câu chuyện. Em hỏi: Người ta nói viên
là thế nào anh nhỉ. Anh trả lời : Viên là từ để chỉ người làm việc gì đó, thí
dụ tuyên truyền viên là người làm tuyên truyền, vệ sinh viên là người làm vệ
sinh. Em: Dạ em hiểu rồi ạ, như vậy thịt băm viên là người băm thịt. Anh ??
Học suy nghĩ chính là chịu khó suy nghĩ để cho
việc đó trở thành thói quen hàng ngày. Suy nghĩ là cần nhưng phải là suy nghĩ
đúng. Để biết một suy nghĩ đã đúng chưa thường có một số cách kiểm tra. A- Với
vấn đề có tính khoa học, cách kiểm tra là xem sự suy nghĩ có dựa trên những
chứng cứ xác thực và đầy đủ không, cách lập luận trong suy nghĩ có chặt chẽ, có
phù hợp phương pháp khoa học không, các kết luận rút ra có đáng tin không. B-
Với vấn đề liên quan đến con người, đến xã hội, ngoài việc xem xét đầy đủ chứng
cứ và phương pháp như trên (để bảo đảm tính hợp lý) còn xem các kết luận rút ra
có hợp tình, hợp đạo đức, hợp pháp không.
Việc kiểm tra trước hết phải tự mình thực hiện một
cách trung thực, khách quan, nếu còn nghi ngại thì nên trình bày, trao đổi với
người thân, bạn bè (phải là người có hiểu biết) để nhận được sự góp ý hoặc phản
biện.
Người ta cho rằng những người học giỏi toán thường
có suy nghĩ sắc sảo và đúng. Điều đó là có thật nhưng không hoàn toàn đúng. Có
những người không hề giỏi toán mà vẫn có những suy nghĩ tuyệt vời, cũng như có
người thật giỏi toán mà vẫn vụng về trong cuộc sống. Môn học liên quan nhiều
đến suy nghĩ là môn Logic hình thức. (khi có ai nói cái gì đó không chặt chẽ,
không hợp lý thường được nhận xét là không logic. Logic hình thức dạy người ta
cách suy nghĩ, cách lập luận đúng qui luật). Tiêu chuẩn để phân biệt mức độ
đúng sai là so sánh với thực tế, dùng thực tế để kiểm nghiệm.
Điều nên tránh trước tiên là thói lười suy nghĩ,
sau là cách suy nghĩ không đúng vì bị sự vô minh lấn át (Vô minh là thuật ngữ
của Nhà Phật chỉ sự nhầm lẫn, thiếu sáng suốt, do chủ quan, do ngu dốt, do
thiên vị, do thành kiến, do cuồng tín, do mê muội v.v---).
Học suy nghĩ để củng cố, để nâng cao, để mở rộng
sự hiểu biết, nhưng kiến thức là vô hạn, vậy mỗi người tùy vào khả năng, điều
kiện, hoàn cảnh của mình để biết mức độ mình có thể đạt đến. Trong cuộc sống có
những việc làm, với tư cách người thợ, để làm tốt rất cần biết rõ, biết chắc
chắn làm như thế nào, làm thành thạo mà có thể không cần hiểu sâu về bản chất,
không cần biết tại sao, chỉ cần làm theo mẫu. Việc làm như thế là lao động đơn
giản, rất cần để làm tăng sản phầm cho xã hội nhưng chưa có sáng tạo. Trong
việc học kiến thức, để trả lời câu hỏi tại sao, nguyên nhân từ đâu thì nhiều
khi cũng không thể trả lời đến tận cùng gốc rễ mà chỉ có thể truy tìm đến một
mức độ nào đó có thể chấp nhận. Có nhiều câu hỏi dạng: tại sao có A- trả lời là
tại B; hỏi ở đâu ra B- trả lời là từ C; hỏi cái gì sinh ra C- là D; hỏi tiếp D
sinh ra từ đâu- từ E----Cứ truy như thế cho đến lúc không thể trả lời và công
nhận là Trời sinh ra thế. Vậy khi truy tìm nguyên nhân thường phải dừng lại ở
một mức độ nào đó đủ để hiểu được bản chất. Để sinh ra một kết quả A thực ra
không phải chỉ có một nguyên nhân B mà có nhiều, đó là B1, B2, B3,-- ,Bn. Trong
các B đó có cái chính, cái phụ, có cái rõ ràng, cái ẩn giấu, có cái trực tiếp,
cái gián tiếp. Suy nghĩ để phân biệt những điều như thế không phải chuyện dễ.
Học suy nghĩ là khó, nhưng không quá khó, vấn đề
là phải thấy rõ sự cần thiết, sự ích lợi để chịu khó suy nghĩ từ việc đơn giản
đến phức tạp, tạo thành thói quen suy nghĩ hàng ngày. Khi đã thành thói quen
thì mọi việc sẽ trở nên dễ.
Có thể có bạn cho rằng công việc, cuộc sống của
bạn không cần suy nghĩ vì mọi việc đã rõ ràng. Điều ấy có thể đúng một phần cho
một vài công việc nào đó trong hiện tại, còn nói chung ai rồi cũng có những vấn
đề cần suy nghĩ để lựa chọn (trừ những người bị bệnh tâm thần, mất trí).
V- Năm mức độ cảm thụ văn chương
Từ xưa có câu: “Thư trung hữu Kim “,
nghĩa là : trong sách có vàng. Đó là ngày trước khi sách còn ít và các tiền bối
chỉ nhìn một phía. Ngày nay, sách nhiều
vô kể, nhìn kỹ hơn, trong sách nói chung có nhiều thứ, một số quyển có ít nhiều
điều tốt, một số khác có rác rưởi và chất độc. Có thể trong cùng một
quyển sách lẫn lộn cả hai thứ. Có những
quyển từng được cho là kinh điển, cẩm
nang. Khi một tổ chức chính trị còn hoạt động bí mật người ta dấm dúi chuyền tay nhau để nghiên cứu, khi có
quyền hành thì phổ biến rộng rãi, bắt mọi người học. Họ cho rằng các quyển đó còn quý hơn vàng vì nó đưa
đường chỉ lối cho con người làm cách mạng để dẫn đến hạnh phúc. Nhưng rồi cứ
làm theo sách đó thì càng đẩy xã hội xuống hố thảm họa. Lúc này mới phát hiện
ra trong đó chứa nhiều chất độc hại có
màu vàng. Vậy làm sao để khi đọc sách
nói riêng, cảm thụ văn chương nghệ thuật nói chung chúng ta tìm kiếm được một chút vàng, mà
tránh được những thứ vô bổ hoặc độc hại.
Câu
hỏi tương đối hay, nhưng trả lời được hơi khó. Vấn đề nằm ở năng lực trí tuệ và cảm nhận của mỗi người.
Trí tuệ và cảm nhận đều giúp đánh giá đúng sai, giúp nhận biết hay dở, nhưng
theo các cách khác nhau. Trí tuệ dựa trên sự phân tích và so
sánh, cảm nhận dựa vào trực giác và linh tính.
Xin
tạm gác lại việc đánh giá đúng sai. Ở
đây tôi chỉ xin bàn đến 5 mức của cảm thụ văn chương, trong đó bao gồm cả nghệ
thuật , đặc biệt là điện ảnh.
Mức
1- Thích thú về nội dung, cốt truyện
Người
ta thích thú khi cốt truyện hấp dẫn, ly kỳ, biến hóa, rùng rợn…Họ say sưa theo dõi xem mối tình đẹp nhưng trắc
trở của anh chị sẽ đi đến đâu, hồi hộp khám phá
âm mưu thủ đoạn của tội phạm như thế nào và có thoát được không v.v…Người
ta say sưa đọc Tam Quốc để biết mưu mẹo của Khổng Minh và Tào Tháo, để biết oai
phong của Quan Công hoặc Hạ Hầu Đôn. Một thời
cứ đến giờ chiếu phim nhiều tập trên ti vi ( Người giàu cũng khóc, Đơn
giản tôi là Maria…), nhiều người tạm ngừng
hoạt động thường ngày để chứng kiến
những pha tình cảm gay cấn, để cùng vui buồn với nhân vật, thâm nhập vào cốt
truyện. Đây là mức cảm thụ bình thường, dành cho số đông.
Mức
2- Được chiêm nghiệm cuộc sống.
Đó là khi trong sách, trong phim trình bày những
cảnh, những việc mà người xem thấy như có mình trong đó, hoặc giống như cuộc sống thực quanh mình, nói
lên được tâm tư, nguyện vọng, giải đáp được thắc mắc của mình. Cách trình bày, mô tả có nghệ thuật của
tác giả giúp người ta khám phá vẻ đẹp của tự nhiên và của con người, đặc biệt
là phát hiện những sâu kín của tâm lý. Sự cảm nhận này làm người ta yêu cuộc sống
hơn. Đây là mức mà số đông người đạt được.
Mức
3- Rút ra được bài học bổ ích.
Đó là khi qua sách báo và phim ảnh mà rút ra
được những hiểu biết cần thiết, quan trọng cho cuộc đời, học được những điều về
triết lý, về nhân sinh quan để hướng dẫn cuộc sống. Đó là khi, thông qua thành
công hoặc thất bại của nhân vật được mô tả mà rút ra bài học để theo hoặc để
tránh. Để đạt được mức này cần biết để
ý, nhận xét, suy nghĩ. Những người quen với sự hời hợt tầm thường sẽ gặp khó khăn khi phát hiện và tiếp nhận những
bài học này. Khi nói đến “ Thư trung hữu Kim” là chủ yếu nói đến mức này. Người
xưa từng có câu “ Triêu văn ĐẠO, tịch tử khả hỷ” ( Sáng được nghe ĐẠO, chiều có
chết cũng vui ).
Mức
4- Cảm thụ về văn chương, nghệ thuật.
Đó
là sự thưởng thức những câu văn hay, những hình tượng đẹp, những ví von hoặc dẫn
chứng sinh động, những chứng minh chặt chẽ, những phân tích sắc sảo, những so sánh
phù hợp . Đó là sự phát hiện những
chữ được dùng rất hay, rất đắt, là những ý sâu sắc hoặc táo bạo mà chỉ một số
người có tâm hồn tinh tế, có trí tuệ cao mới diễn tả được. Đó là mức cảm thụ của
những người có tâm hồn rộng mở, biết tìm tòi khám phá, biết ngạc nhiên và vui thích với cái đẹp, cái
hay. Sự cảm thụ tinh tế này nâng tâm hồn con người ta lên.
Mức
5- Hiểu được ý nghĩa sâu xa, ẩn giấu.
Những người có tư tưởng cao, có tình cảm lớn
thường suy nghĩ đến nhiều vấn đề sâu sắc và quan trọng của cuộc đời. Những ý
nghĩ đó thường được thể hiện trong tác phẩm của họ dưới các dạng khác nhau, mà
cao nhất là không viết thành lời. Những tư tưởng, tình cảm ấy được ẩn giấu
trong các câu văn, giữa những hàng chữ. Phải có càm nhận tinh tế, có đầu óc nhạy
bén mới phát hiện và thu nhận được cái hồn, cái thần trong từng câu, từng đoạn văn. Sự cảm nhận này thường
là khác nhau tùy người, tùy vào trạng thái đang chiếm lĩnh tâm hồn họ. Điều có
ý nghĩa trong việc này là khơi dậy lên những phẩm chất và tình cảm cao thượng,
thúc đẩy những hành đông dũng cảm.
Bằng
nhận thức và kinh nghiệm của bản thân tôi mô tả 5 mức độ cảm thụ một cách ngắn gọn, mong được trao đổi với các
bạn quan tâm và nhận được sự phê bình. Kể ra trong mỗi mức mà trình bày thêm
các dẫn chứng, các thí dụ minh họa thì sẽ hay hơn, nhưng làm cho bài viết quá dài. Riêng về việc đánh
giá đúng sai, hay dở tôi đã viết loạt
bài “ Tiếp nhận và đánh giá thông tin”, đăng trên Facebook từ ngày 06 tháng 3/ 2017, bạn nào quan tâm có thể
tham khảo.
VI-Bàn về nhận xét, góp ý và tranh luận
1- Sơ qua về hoạt động
đánh giá
Đây
là hoạt động trong việc xử lý các kiến thức, các thông tin. Việc này xảy ra ở
các mức độ khác nhau. Nhận xét là hoạt động ở mức nhẹ nhàng, thân thiện. Phản
biện là hoạt động nghiêm túc hơn, nhằm vào những vấn đề có một mức độ quan trọng
nào đó hoặc đáng để cho nhiều người quan tâm. Chỉ trích là nghiêm khắc vạch ra
những sai lầm, thiếu sót.
Ngoài
các mức như trên còn có những cách gọi khác như: phê bình, phê phán, đối thoại,
tranh luận, phản bác, công kích v.v…
Tạm
gọi các hoạt động trên bằng một từ chung là “đánh giá”, bao gồm cả lời khen và
lời chê. Trong hoạt động này có ba phía: A- đối tượng được đánh giá, là sự việc
hoặc người làm ra nó, B- người đánh giá; C- những người theo dõi, chứng kiến,
hoặc bên thứ ba.
Ở
đây dùng từ ‘sự việc’ để chỉ kiến thức, thông tin do con người tạo ra. Sự việc
chứa nội dung cần đánh giá.
Những
người A, B, C, ngoài năng lực chuyên môn còn cần xem trong động cơ của họ có
thiện chí hay không có.
Người
A thiện chí mong muốn biết được sự thật qua sự đánh giá của B, không thiện chí
khi chủ quan, kiêu ngạo, coi thường mọi sự đánh giá.
Người
B thiện chí khi có mục tiêu và động cơ trong sáng, không thiện chí khi lợi dụng
sự đánh giá để thực hiện ý đồ không tốt của mình.
Người
C thiện chí khi trung thực khách quan, không thiện chí khi thiên vị.
Trong
những bài học về “Đối nhân xử thế”, dựa trên quy tắc “Đắc nhân tâm”, nhiều tác
giả đã đưa ra những lời khuyên rất hay, rất bổ ích cho người đánh giá B với ý
chủ đạo là tôn trọng và không làm tổn thương người A. Giữa B và A cần có sự hợp
tác. Xét ra lời khuyên đó là đúng, nhưng chỉ đúng cho phần lớn trường hợp góp ý
và phản biện mà có thể không đúng cho một số trường hợp cần chỉ trích. Khi đã
phải chỉ trích thì biện pháp chủ yếu là đấu tranh về quan điểm.
Trong
hoạt động đánh giá có hai nhân tố cần đặc biệt quan tâm là đối tượng và mục
đích. Chúng có thể được quan tâm đồng thời hoặc có phân biệt.
Đối
tượng được đánh giá A gồm nhiều mức, từ bình thường đến rất quan trọng. Đối tượng
bình thường là những sự việc, những người trong đời sống hàng ngày, chủ yếu là
sinh hoạt và giao tiếp của cá nhân hoặc của một nhóm nhỏ. Đối tượng đáng lưu
tâm bao gồm các hoạt động, quan hệ của các tổ chức, của những người có một vị
trí tương đối cao trong xã hội. Đối tượng bậc cao hoặc rất quan trọng là những
vấn đề, những sự việc liên quan đến thượng tầng xã hội, ví như các lý thuyết
khoa học, các đường lối chính trị, kinh tế, ngoại giao của đất nước, các chính
sách hoặc luật pháp, các hoạt động của chính quyền quốc gia, những người nổi tiếng.
Trước
hết cần xác định quan hệ giữa người A và người B. Họ có thể là người thân, bạn
bè, đồng nghiệp, đối tác làm ăn, là thuộc phe đối lập hoặc thù địch. Mục đích của
đánh giá có thể bó hẹp trong việc giúp người A nhận ra những chỗ hay dở đúng
sai của sự việc hoặc của bản thân, giúp những người bên thứ ba có thêm thông
tin để xử lý. Trường hợp quan hệ A-B là đối lập hoặc thù địch thì mục đích là vạch
ra chỗ sai, chỗ ngụy biện của A, buộc A phải sửa chữa, thay đổi quan điểm hoặc
để đánh đổ A.
Việc
đánh giá có thể do B tự làm hoặc theo yêu cầu. Tự làm khi B phát hiện ra nội
dung có gì đó thích thú hoặc bất đồng. Được yêu cầu khi A nhờ giúp, được một
người hoặc tổ chức đặt làm (Thí dụ được mời làm phản biện luận án, công trình
nghiên cứu…)
Xuất
phát từ quan hệ và mục đích mà B sẽ chọn phương pháp, mức độ hoặc phong cách
đánh giá, là góp ý, phản biện hay chỉ trích đến đâu, như thế nào, từ thân thiện,
mềm dẻo đến cứng rắn, gay gắt.
Dù
mềm dẻo hay cứng rắn thì người đánh giá thiện chí cần đạt yêu cầu của người
lương thiện, tử tế, trong đó cần nhất là trung thực, khách quan, cẩn trọng. Trước
hết phải có kiến thức đầy đủ, vững vàng về nội dung cần đánh giá. Tốt nhất phải
là chuyên gia trong lĩnh vực đó. Không được vì bất kỳ lý do nào nhận đánh giá sự
việc mà mình chưa có am hiểu đầy đủ. Khách quan là không thiên vị do cảm tình
cá nhân, không bị mua chuộc vì lợi lộc. Cẩn trọng là không vội vàng, hấp tấp.
Có những điều, mới xem qua tưởng là sai, nhưng khi xem kỹ lại mới thấy là đúng,
và ngược lại. Đặc biệt có những tác giả thâm thúy, họ không viết ra tường minh
trên giấy những ý tưởng sâu kín mà chúng được ẩn giấu giữa các hàng chữ, đàng
sau những câu văn.
Người
nhận sự đánh giá A, nếu tự xem mình là có thiện thì cần hiểu rõ điều sau: Nghe
những điều khen ngợi, ca tụng thì sường cái lỗ tai nhất thời nhưng không giúp
ích gì cho sự tiến bộ. Nghe chê bai, chỉ trích thì tạm thời khó chịu, nhưng khi
nhận ra được những phê phán đó là đúng thì sẽ giúp cho sự tiến bộ, trưởng
thành.
Trong
quan hệ hợp tác thì người B nên tỏ thái độ thân thiện, mềm dẻo đối với A, nhưng
ngược lại người A không nên yêu cầu, đòi hỏi hoặc mong đợi thái độ đó của B. Điều
mà A cần là nội dung của đánh giá
2-
Nhận xét
Việc
nhận xét được thực hiện bằng văn viết hoặc lời nói. Dùng cách viết thường là của
giáo viên trong học bạ học sinh, nhận xét lý lịch đảng viên, cán bộ, xác nhận của
Chính quyền cho những người cần hồ sơ để đi làm một việc gì đó ngoài địa phương
v.v…Những câu được viết ra có một ý nghĩa nào đó đối với tương lai người được
nhận xét, vì vậy người viết phải rất thận trọng, trung thực và có thiện chí. Những
nhận xét chân tình giúp người ta phát triển đúng hướng. Một số ít người thiếu
thiện chí, cậy quyền lực, lợi dụng sự nhận xét để dìm người ta, đẩy họ vào thế
khó khăn, thậm chí bị vùi dập. Người thiếu thiện chí như vậy sẽ mắc vào ác nghiệp.
Nhận
xét bằng lời thường xảy giữa những người có quan hệ. Sự việc cần được nhận xét
thường chỉ là những điều bình dị trong cuộc sống. Nhận xét được thể hiện bằng nội
dung và thái độ. Về thái độ, cần trung thực, khách quan, chân thành. Khen ai điều
gì cần cụ thể. Nói lời khen chung chung chỉ là sáo mép, khen quá lời, tâng bốc
là kẻ nịnh bợ. Phê phán ai điều gì cần thận trọng để không làm mất thể diện của
họ. Phê phán việc làm hoặc lời nói chứ không phê phán con người. Phê phán là để
giúp người ta chứ không phải để thỏa mãn ý muốn thể hiện tính xấu của mình. Hết
sức tránh những câu có tính mạt sát, hằn học. Theo “Đắc nhân tâm” thì nên biết
và công nhận những điều tốt của họ trước rồi sau mới phê phán. Sau khi phê phán
phải để cho họ quyền được tự bào chữa. Hết sức tránh việc suy diễn thiếu căn cứ
chính xác rồi dùng uy thế áp đặt, gán cho người dưới việc sai trái mà họ không
vi phạm. Làm thế là phạm tội vu oan giá họa. Khi dùng quyền lực phải hết sức
tránh việc gây ra oan sai cho người khác. Dân gian có câu “lời nói đọi máu”.
3-
Phản biện
Phản
biện là dùng trí tuệ để xem xét kỹ càng toàn diên một sự việc. Chúng có thể vừa
xuất hiện hay đã tồn tại từ lâu. Tiêu chuẩn để xem xét là việc đối chiếu và vận
dụng nó vào thực tế. Tuy vậy thực tế diễn ra muôn hình ngàn vẻ. Phải lựa chọn
những thực tế đã được kiểm chứng. Với những thông tin tương đối phức tạp trở
lên cần so sánh đối chiếu với những đối tượng tương tự, phải vận dụng những
chân lý phổ quát.
Sự
phản biện bắt đầu từ tư duy phản biện và thể hiện ở hành động phản biện. Không
những phản biện những vấn đề mới xảy ra mà còn cần phản biện những điều trong
quá khứ vẫn tồn tại đến bây giờ. Những sự việc là đúng, là hay trong quá khứ,
nhưng hiện tại có thể không còn thích hợp, cần loại bỏ. Phản biện về sự việc vừa
xảy ra gần đây khi thấy nó có thể gây ra tác động không mong muốn.
Để phản biện phải dựa vào tư duy lý tính,
không thể vội vàng dựa vào cảm tính.
Phản biện cần chỉ ra chỗ đúng, chỗ hay của đối
tượng, nhưng cần hơn là chỉ ra được những thiếu sót, những bất đồng. Để làm việc
này cần những chứng cứ rõ ràng, những lập luận chính xác, chặt chẽ, có sức thuyết
phục.
Chỉ ra chỗ bất đồng có nghĩa là nêu ý kiến
ngược lại. Nhưng nói ngược lại hoặc nói khác đi chưa phải là phản biện nếu chỉ
mới nêu ra nội dung. Phản biện là phải dựa trên lập luận và chứng cứ.
Nghi ngờ cũng chưa phải là phản biện. Nó chỉ
là bắt đầu để xem xét có cần phản biện hay không. Cũng không thể xem hiện tượng
gàn, nói ngang, cãi chầy cãi cối là phản biện.
Sau khi nhận được phản biện của B về sự việc
thì người A có thể chấp nhận hoặc phản bác. Phản bác từng phần hoặc toàn bộ. Đó
là phản biện lại.
Vậy
người thứ ba, khi có thông tin về A và phản biện bất đồng của B thì chớ vội tin
vào bên nào cả. Đó là hai nguồn thông tin trái chiều. Người thứ ba có thể phản
biện lại thông tin do B đưa ra.
Một điều quan trọng là “tự phản biện”. Đó
là việc tự mình hoặc nhờ cậy sự giúp đỡ của người khác phản biện sự việc mà
mình sẽ công bố.
Làm
phản biện có hai ý nghĩa lớn. Một là chỉ ra được chỗ đúng hoặc sai, hay hoặc dở
của một thông tin để cho mình và những người khác hiểu đúng hơn về thông tin
đó. Từ chỗ phản biện thông tin sẽ tiến đến có cách nhìn toàn diện hơn về chủ thể
A. Hai là qua việc làm phản biện một cách nghiêm túc mình sẽ học hỏi thêm được
những điều mà trước đây chưa biết, nâng cao được nhận thức và trí tuệ, cũng là
dịp để rèn luyện, củng cố những đức tính tốt trong xử thế và nghiên cứu khoa học.
Các
thể chế độc tài thường chỉ thích nghe ca ngợi mà không hoặc ít thích nghe phản
biện. Một xã hội mà không có phản biện thường lâm vào cảnh trì trệ, thoái hóa.
4-
Chỉ trích
Mới
nghe qua từ chỉ trích thường thấy khó chịu. Thế nhưng đó chỉ là một phía của một
thứ bình thường là phê bình hoặc góp ý. Nội dung của phê bình, góp ý thường gồm
hai phần: Khen những điều đúng, điều hay, chê những cái sai, cái dở. Chỉ trích, phê phán chủ yếu là chê, vậy nó là
một phần của phê bình, góp ý.
Cần
chọn cách chỉ trích khi thấy rằng không thể hoặc không cần dùng cách hợp tác với
phương pháp “Đắc Nhân Tâm” kèm triết lý “Dĩ hòa vi quý”, mà phải chọn cách đấu
tranh, dùng phương pháp chủ yếu là: “Phê phán, Chỉ trich” kèm phương châm “Thuốc
đắng giã tật”.
Khi
B thiếu thiện chí mà dùng cách chỉ trích thì nguyên nhân thường là do động cơ
không trong sáng. Nhưng khi B thiện chí
mà lại dùng cách chỉ trích thì phần lớn nguyên nhân là từ phía A. Có các khả
năng sau:
A
là người quá chậm chạp, khả năng trí tuệ thấp, rất khó dùng lý lẽ để thuyết phục
mà phải có tác động mạnh. Dân gian có câu “Thân lừa ưa nặng” hoặc “Đàn gảy tai
trâu” là dùng cho trường hợp này.
A
là người quá bảo thủ, quá bị mê muội hoặc bị nhồi sọ quá nặng, lâm vào tính trạng
ngu tín. Lúc này dùng kết hợp thuyết phục với chỉ trích mạnh mẽ mới mong làm
cho A nhận ra chân lý.
A
thuộc loại cơ hội, biết ý kiến của mình là sai nhưng cố ngụy biện để bảo vệ nó
nhằm thực hiện một số mưu đồ nào đó (như để giữ quyền lợi cá nhân). Lúc này mọi
lời thuyết phục đều vô ích và lời chỉ trích không nhằm giúp A nhận ra chân lý
mà chủ yếu hướng đến những người thứ ba.
A
là bọn độc tài, chuyên quyền, thuộc phe đối lập hoặc khi A xem B là thuộc thế lực
thù địch. Lúc này mà B vẫn dùng phương pháp Đắc nhân tâm với A thì không những
tốn công vô ích mà còn bị A cười nhạo. Lúc này B phải dùng những lập luận chặt
chẽ, những chững cứ xác đáng để chứng minh cho mọi người thầy sai lầm của A và
những tác hại do sai lầm đó.
Với
đối tượng bình thường nên tránh cách chỉ trích. Càng không nên tìm cách moi móc
những nhược điểm, những khuyết tật của cá nhân để đàm tiếu hoặc làm quà. Việc
làm như thế chứng tỏ nhân cách thấp hèn, là bọn tiểu nhân bỉ ổi, là bọn ngồi lê
mách lẻo muốn tìm niềm vui thích trong tai họa của đồng loại. Với đối tượng
bình thường chủ yếu nên dùng khuynh hướng hợp tác với các biện pháp Đắc nhân
tâm.
Ngược
lại, việc phát hiện được sai lầm của đối tượng quan trọng, đặc biệt là vạch ra
sai lầm của độc tài là việc làm từ khó đến rất khó, cần đến trí tuệ cao và lòng
dũng cảm. Dễ gì việc Bruno chỉ trích sai lầm của Thuyết địa tâm, đề ra Thuyết
quả đất quay quanh Mặt Trời và nhận hình phạt bị thiêu sống. Dễ gì trong lúc nền
thống trị của vua chúa phong kiến đang thịnh hành mà Stephen lanton chỉ trích sự
thối nát của độc tài, của chuyên chế và đề xuất Đại Hiến Chương về những quyền
tự do, ở nước Anh vào thế kỷ 13. Có thể
kể ra hàng trăm, hàng ngàn dẫn chứng tương tự. Trong lời phát biểu của tổng thống
Obama khi thăm Việt Nam vào tháng 5/ 2016, ông công nhận là được nghe chỉ trích
hàng ngày để sửa đổi việc điều hành đất nước được tốt hơn, đó là một trong những
niềm vui, niềm hạnh phúc.
Tôi
nhớ đã đọc được câu sau, của Lưu Á Châu: “
Nghị luận về khuyết điểm của người khác là kẻ dưới đáy chuẩn mực đạo
đức. Nghị luận khuyết điểm của nhân loại, bạn là nhà tư tưởng”.
5-
Góp ý kiến
Thông thường ở cơ quan này, đơn vị nọ, gia đình kia
hoặc cá nhân ấy có những vấn đề đưa ra hỏi để nhờ góp ý kiến. Gọi A là người
nêu vấn đề cần hỏi, B là người trả lời. Khi làm việc này A và B có thể ở trạng
thái thiện chí hoặc không thiện chí.
A là thiện chí
khi chýa có hoặc có rồi mà chýa dám khẳng ðịnh ý kiến của mình. A không thiện
chí khi ðã tự cho ý kiến của mình là ðúng, hỏi ý kiến B chỉ là ðể tỏ ra tôn
trọng họ, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi chỉ ðể tỏ ra có dân chủ mà thôi, hoặc ðể
dò la thái ðộ của các ngýời góp ý. B là thiện chí khi trung thực, khách quan,
không thiện chí khi có mục ðích vụ lợi, xu nịnh hoặc lợi dụng cõ hội ðể thực
hiện một ý ðồ không trong sáng.
Về việc hỏi ý
kiến, các bậc tiền bối cũng ðã có một số lý giải. Một học trò hỏi Khổng tử :
Thýa thầy, trong làng có một việc, rất nhiều ngýời cho là ðúng hoặc sai, vậy
việc ấy ðã ðýợc xem là ðúng hoặc sai chýa ?. Câu trả lời ðại ý nhý sau : Khi
nhiều ngýời cho là ðúng hoặc sai thì
cũng chýa chắc ðã là ðúng hoặc sai mà ðiều cần thiết là những ngýời có hiểu
biết và trung thực ở trong làng ðó nhận xét nhý thế nào.
Khi bàn về góp ý kiến, Hàn Phi (trong
Thuyết nan) có một câu mách cho bọn đang muốn tìm danh, lợi bằng việc làm thuyết
khách các vua chúa, đại ý như sau : Muốn góp ý cho ai việc gì (với mục đích làm
vừa lòng người ta để cầu danh, lợi) thì cái khó nhất, cái quan trọng nhất không
phải là nói ra sự thật hoặc những ý đẹp lời hay mà là đoán cho đúng ý của người
ta đang thực sự muốn gì và nói theo ý đó. (bình luận: Cái điều người ta mong muốn
và nói ra mồm chưa chắc đã là mong muốn thật mà trong một số trường hợp chỉ là
giả dối, điều mong muốn thật sự lại được dấu kín ở trong lòng, người khác có giỏi
lắm mới đoán ra được).
Một thí dụ là vua Tần cầu người tài giỏi
hiến kế phát triển đất nước. Vệ Ưởng cho rằng hay nhất là dùng Đế đạo, đem
trình bày, bị vua gạt đi. Hôm sau Ưởng lại trình bày rằng nếu vua không thích Đế
đạo thì xin trình bày Vương đạo, tuy không tốt bằng Đế đạo nhưng cũng tạm được.
Vua không nghe và đuổi đi. Ưởng lại nằn nì xin trình bày về Bá đạo. Vua lập tức
tiếp nhận và phong cho Ưởng làm quan để thực hành Bá đạo.
Ở
một vài nước có chế độ độc tài, thỉnh thoảng người ta cũng tổ chức lấy ý kiến của
dân, nhưng đó là những người dân được lựa chọn và buộc phải nói theo những ý kiến
mà người ta muốn nghe.
Người
B thiện chí, trước khi góp ý nên biết hoặc đoán xem mục đích của A. Khí biết họ
không thiện chí thì tốt nhất là tránh đi, nếu bị bắt buộc phải nói thì tìm cách
nói cho qua chuyện. Tuy nói qua chuyện nhưng cũng phải cẩn trọng để A không lợi
dụng được sơ suất. Tiếp đến nên bình tĩnh tìm hiểu kỹ vấn đề được hỏi để tránh
tình trạng ‘ông nói gà bà nói vịt’. Khi đã nắm vững vấn đề rồi thì phải tự xét,
xem mình có kiến thức và kinh nghiêm đến đâu, nếu chưa đủ thì nên từ chối. Hết
sức tránh vì sĩ diện mà nói ra những điều mình chỉ biết lơ mơ.
Một
điều quan trọng là chỉ góp ý khi có yêu cầu cúa A. Khi mình có lòng tốt, rất muốn
giúp bạn mà vì một lý do nào đó bạn ngại, không hỏi thì mình phải chủ động nói
rằng, hình như bạn đang gặp khó khăn, mình muốn góp ý, liệu bạn có muốn nghe
không. Chỉ được nói khi bạn tỏ ra muốn nghe và chỉ nên hạn chế trong việc phân
tích sự việc, đúng sai, hay dở như thế nào rồi để bạn suy nghĩ và tự quyết định.
Đừng bao giờ đưa ra quyết định thay bạn, đặc biệt là quyết định về hôn nhân và
những việc trong nội bộ gia đình người ta.
6- Tranh luận
Tuổi trẻ thường thích tranh luận. Tranh luận cũng như
đá bóng vậy, cốt tranh phần thắng về mình. Sau khi tranh luận, nếu thắng thì
mặt mày hớn hở, tự hào tự phụ vì đã thắng được đối phương, nếu thua thì cay cú,
tức giận, buồn bực… và nghĩ tìm cách phục thù. (như vậy khi mình thắng người ta
thì chắc người ấy cũng tìm cách phục thù! ). Giữa chốn bạn bè càng bớt tranh
luận càng tốt và sẽ tốt hơn nếu không tranh luận gì cả, mà chỉ nên thảo luận
hoặc trao đổi ý kiến (còn giữa những kẻ thù địch, ở toà án hoặc khi cần tranh
chấp quyền lợi thì lại là chuyện khác). Nhưng khi hai người có ý kiến trái
ngược nhau mà không tranh luận thì làm sao biết được đúng sai ở đâu, như thế
nào.
Có hai vấn đề được đặt rà là 1- Thế nào là đúng sai.
2- Mục tiêu của tranh luận là tìm xem ý nào đúng hay ai đúng.
Thế nào là đúng? Trong khoa học (đặc biệt là toán học)
thì phải nêu các luận cứ để chứng minh một cách chặt chẽ, trong suy luận thì
phải nêu các phán đoán làm tiên đề và việc suy luận phải tuân theo các quy tắc
lôgic. Khi tuân thủ đầy đủ các điều trên thì kết luận được chấp nhận, còn không
thì không được chấp nhận. Còn trong cuộc sống (kể cả một số vấn đề trong triết
học) thì nhiều khi rất khó phân biệt vì cái đúng hay sai chủ yếu phụ thuộc vào
mục tiêu, nhận thức, hoàn cảnh của chủ thể nhận thức. Trong triết học vấn đề
giữa duy tâm và duy vật đã kết thúc đâu. Người theo duy vật thì cho duy vật là
hoàn toàn đúng, duy tâm là sai cơ bản, nhưng người theo duy tâm thì phản bác
trở lại. Người theo duy vật thì cho vật chất có trước, ý thức có sau. mọi thứ
đều là vật chất nhưng người theo duy tâm thì cho là ý thức có trước. Điều nào
đúng, điều nào sai, đến bây giờ vẫn chưa khẳng định. Trong cuộc sống có nhiều
vấn đề mà nói thế này là đúng nhưng nói ngược lại 180 độ vẫn đúng. Đó là đúng
với ai, đúng trong trường hợp nào ? Thí dụ trung thực và lừa. Trong khoa học,
trong giáo dục, trong tình bạn thì trung thực là cần, là đúng nhưng trong chiến
trận, trong đá bóng thì cần lừa được đối phượng. A cho rằng kiếm được đồng nào,
tụ tập bạn bè ăn chơi là sướng còn B cho rằng cần tiết kiệm, kiếm được đồng nào
cần tích luỹ để có vốn mới là sướng. A cho rằng trong thời gian ở trường cần
tập trung toàn thì giờ cho việc học còn B cho rằng nên kết hợp học và đi làm. A
cho rằng với tuổi trẻ thì tình yêu là quan trọng còn B lại cho là công việc
quan trọng hơn. Thế nào là đúng ? Cả hai quan điểm đều có phần đúng và có phần
chưa đúng. Đúng cho người này, trong hoàn cảnh này, chưa đúng cho người kia,
trong hoàn cảnh khác. Trong cuộc sống, mỗi người do một số nguyên nhân nào đó
mà hình thành nên hệ thống giá tri (Cái gì là đáng quý - xếp theo thứ tự quý
nhất, quý nhì, ba , tư, năm….) Có người cho là sức khoẻ, người cho là tiền bạc,
người cho là tình cảm, người cho là kiến thức, người cho là địa vị xã hội.
Chính cái thang bậc giá trị chi phối hành động và nhận thức của người ta. Trong
cuộc sống cái đúng, cái sai chỉ là tương đối, anh có nhận thức của anh, tôi có
nhận thức của tôi, anh cho thế này là đúng, tôi cho thế kia mới là đúng. Vậy
trong cuộc sống cái đúng, sai không phải cho mọi người mà cho một số người nào
đó. Trong cuộc sống rất khó (và hầu như không thể) làm việc gì mà đều có lợi
cho tất cả mọi người, hễ có lợi cho loại người này thì có hại cho loại người
khác, người được lợi cho là đúng, người bị hại cho là sai. Người ta đòi hỏi
công bằng nhưng sẽ rất khó có công bằng tuyệt đối. Phải chăng công bằng là làm
sao mình có lợi hơn người khác (dù chỉ chút xíu), Vậy bạn muốn thực thi công
bằng để người khác thấy được thì bạn phải chịu thiệt đi một chút.
Về việc phân biệt đúng sai, trong triết học, đó là
trường phái “Nhị nguyên”, chia sự vật thành hai mặt đối lâp, không thế này thì
phải thế kia. Trường phài “Nhất nguyên” cho rằng sự vật vốn không có gì sai,
không có gì đúng. Cái đúng hoặc sai chỉ là do nhận thức của từng người mà mỗi
người lại bị hệ thống giá trị chi phối. Vậy thì trong cuộc sống tranh luận đúng
sai mà làm gì, mỗi người có quan điểm của mình, họ vẫn giữ quan điểm đó cho đến
khi nào mà họ chưa tự nhận ra nó không còn phù hợp. Người ngoài không thể áp
đặt, không thể bằng lý lẽ để bắt người ta thay đổi quan điểm đâu. Nếu trong
tranh luận người ta không đủ lý lẽ để cãi lại mà chịu thua thì họ chỉ chịu thua
bề ngoài chứ không tâm phục khẩu phục.
Vậy khi bạn bè có ý kiến khác nhau về cùng một vấn đề
thì nên làm gì ? Nên bình tĩnh lắng nghe bạn trình bày cho hết, cho cặn kẽ ý
kiến của họ để xem trong đó mình có thể chấp nhận được cái gì, sau đó trình bày
quan điểm của mình cho bạn nghe (nếu bạn muốn nghe, còn nếu bạn không muốn nghe
thì thôi), mình trình bày quan điểm để bạn tham khảo chứ không áp đặt. Xin đừng
bao giờ có ý tưởng là có thể thay đổi được người khác theo ý mình, mặc dù xuất
phát từ lòng tốt. Người ta chỉ có thể có ảnh hưởng đến người khác để họ tự thay
đổi theo ý họ (trùng với ý mình)
Mục tiêu của tranh luận. Trước hết cần phân biệt
tranh luận và thảo luận. Trong tranh luận có phân ra đúng sai, thắng thua còn
trong thảo luận thì chủ yếu là trao đổi ý kiến, quan điểm. Tạm chia việc tranh
luận, thảo luận thành 4 loại: a; b; c; d.
Loại
a là thảo luận giữa bạn bè, đồng nghiệp về những vấn đề của cuộc sống, công việc.
Loại b là tranh luận giữa bạn bè về một vấn đề có tính khoa học, về nhận thức
thế giới…
Loại
c là tranh luận nhằm bảo vệ quan điểm, quyền lợi của mình trước một thế lực nào
đó (toà án, đối tác….).
Loại
d là tranh luận với đối phương, với thế lực thù địch.
Tuỳ
theo loại nào mà có cách khác nhau.
Với
loại a thì cần đặt mục tiêu vui vẻ, thân thiện lên hàng đầu. Mỗi người nói lên
quan điểm, suy nghĩ của mình cho bạn bè tham khảo, lắng nghe ý kiến của bạn bè,
tìm thấy cái đúng, cái hay của họ để thông cảm, để học tập, để điều chỉnh nhận
thức của mình. Để hiểu được ý kiến của bạn, nên đặt mình vào hoàn cảnh của bạn
(ở vào hoàn cảnh của bạn thì tôi cũng nghĩ thế và làm thế, không thể làm khác.
Sở dĩ tôi có ý kiến khác là vì tôi ở vào hoàn cảnh khác). Phải tìm cho được những
chỗ hợp lý, hợp hoàn cảnh trong các ý kiến của bạn để công nhận. Bạn nói đúng,
tôi thông cảm với bạn. Có những ý kiến không hợp với mình thì chớ vội nói bạn
sai, mà nên hỏi lại, để bạn giải thích thêm, biết đâu mình mới nghe qua chưa hiểu
đúng ý bạn. Khi đã thật rõ ràng thì cũng đừng nên bao giờ nói bạn sai mà chỉ
nên nói là : điều đó chưa hợp với suy nghĩ của mình, mình thấy thế nào ấy, để rồi
cả mình và cậu suy nghĩ lại xem, theo
mình nghĩ thì thế này….có lẽ hợp lý hơn.
Khi
mình thấy bạn đang có ý nghĩ, hành động mà mình cho là sai, nguy hiểm, muốn
giúp bạn tránh thì cũng chớ vội vàng cho bạn là sai, mà phải để ý tìm hiểu, hỏi
để bạn giải thích, tại sao bạn làm thế, có điều hay điều dở gì, có hợp với hoàn
cảnh của bạn không. Chỉ sau khi nghe bạn giải thích, tâm sự, mình đã thật sự
thông cảm và hiểu rõ hoàn cảnh của bạn mà mình vẫn thấy bạn sẽ gặp nguy hiểm nếu
tiếp tục ý nghĩ hoặc hành động thì mới nên tìm cách giúp như sau: Đừng nói bạn
sai (không ai muốn nghe người khác nói mình bị sai mà chỉ muốn tự mình tìm ra
cái sai) mà công nhận những điều mình thấy bạn đúng ở một số điểm nào đó. Sau mới
tìm cách lái câu chuyện để bạn suy nghĩ theo hướng khác. Tớ mà lâm vào hoàn cảnh
như cậu thì tớ cũng sẽ hành động như thế.
Nhưng thử thật bình tĩnh để phân tích xem làm như thế thì được cái gì và
sẽ mất cái gì, lợi ở đâu, hại ở đâu. Cái được, cái lợi thì rõ rồi, vậy cùng
nhau tìm cho hết cái mất, cái hại, nếu thấy cái mất, cái hại là đáng kể thì có
nên tiếp tục không hay là đi tìm cách khác. Muốn giúp bạn là tốt nhưng chớ nóng
vội vì lòng tốt mà dùng không đúng chỗ, không hợp thời thì sẽ mang lại hậu quả
xấu. Khi vội vàng nói bạn mình sai, muốn vội vàng áp đặt suy nghĩ của mình cho
bạn thì tuy là xuất phát từ lòng tốt đấy nhưng liệu người ta có vui vẽ chấp nhận
không hay sẽ phản ứng, người ta sẽ cho rằng mình không hiểu, mình cố tình áp đặt
việc không phù hợp, không khéo thì tình bạn sẽ bị rạn nứt, bị tan vỡ. Muốn dẫn
ai đó đi theo đường khác thì phải chịu khó đi cùng người ta một đoạn trên đường
cũ rồi dần dần gợi ý để người ta quay lại chứ không nên ép buộc người ta.
Loại
b- Tranh luận giữa bạn bè về một vấn đề có tính khoa học. Giống loại A ở chỗ giữa
bạn bè, vì vậy phải đề cao tình thân mật, hợp tác. Khác ở chỗ tính khoa học,
nghĩa là chân lý chỉ có một, không thể có chuyện T và S là khác nhau về cơ bản
mà cả hai đều đúng. Khi T và S khác nhau thì theo lôgic- hoặc là chỉ có một cái
đúng, cái kia sai, - hoặc là cả hai đều sai. Không thể xẩy ra trường hợp cả hai
đều đúng (trong thảo luận loại a thì có thể cả hai đều đúng). Thí dụ khi tranh
luận xem sa mạc Sahara ở châu lục nào. T- ở châu Á, S -ở châu Phi (một đúng, một
sai), còn nếu T- ở châu Á, S - ở châu Âu (cả hai cùng sai). Tranh luận nhằm tìm
ra cái gì ? Có hai quan điểm : 1- Xem Ai đúng, Ai sai ( hay cả hai cùng sai );
2- Xem ý nào đúng, ý nào sai ( đúng ở đâu, sai ở đâu…hay cả hai ý cùng sai ). Tạm
gác trường hợp cả hai cùng sai, chỉ xét trường hợp có một ý đúng. Hai quan điểm
trên mới xem qua thì thấy giống nhau (Sahara ở châu Phi là đúng, vậy S đúng, T
sai) nhưng thật ra là khác nhau về mục tiêu và cách tiến hành. Khi đặt việc xem
Ai đúng thì đã đưa cái Tôi lên cao, đặt hai người đối nghịch nhau, mỗi người cố
tranh cãi để giành phần thắng, người thắng thì hớn hở, kẻ thua thì cay cú,
tranh luận xong dễ xẩy ra xích mích. Khi đặt việc xem ý nào đúng thì sẽ đề cao
tinh thần hợp tác, thân thiện, tôn trọng nhau hơn. Kết quả của tranh luận là cả
hai cùng thắng. (mà người đưa ra ý sai lại được lợi nhiều hơn). Trong thí dụ
trên, Sahara ở châu Phi, vậy ý của T (ở châu Á) là sai. Trước khi tranh luận T
đã bị nhầm, sau tranh luận T đã thấy được nhận thức sai của mình, vậy chẳng phải
T đã thu lợi từ cuộc tranh luận. Còn S, trong lúc tranh luận S đã trưởng thành
thêm về việc vận dụng lý lẽ, thuyết phục và cuối cùng đã giúp được bạn sửa sai.
Nếu
theo kiểu ai đúng thì dễ nóng mặt, dẫn tới cãi cọ, theo kiểu hai dễ giữ bình
tĩnh. Vì vậy sau khi tranh luận, thống nhất là ý của T sai (Ý của T sai chứ
không phải T sai) thì T nên phấn khởi mà nói rằng… nhờ việc tranh luận mà ta đã
sửa được sai lầm, thật là có lợi (chứ không phải cay cú, tức giận…).
Tuy
vậy, khi có ý kiến khác nhau về một vấn đề có tính khoa học cũng không nhất thiết
phải tranh luận, càng tránh được càng tốt. Thí dụ khi bạn nghe ai đó nói là
Sahara ở châu Á, bạn biết là sai thì
Nếu
người nói là xa lạ, điều sai lầm không gây hậu quả ǵ nghiêm trọng th́ bạn lờ
đi, coi như không nghe thấy, kệ người ta, Lỡ người ta có hỏi ý kiến của bạn thì
bạn trả lời là, hình như nếu tôi nhớ không nhầm thì có lẽ nó ở châu Phi (Không
tranh luận, không nên nói (anh, chị, ông, bà … sai rồi) .
Nếu thấy nhất thiết phải phát biểu thì cũng đừng
đặt vấn đề tranh luận mà chỉ nên nêu ý kiến của mình để người ta tham khảo, thí
dụ bạn sẽ nói: Thế à, thế mà mấy lâu nay tôi đọc trong sách thấy nói là sa mạc
Sahara ở châu Phi, ở phía nam của nước Angiêri, còn sa mạc Gôbi ở châu Á. Bạn
không nên tiếp tục tranh cãi khi người kia nói lại là.sa mạc Sahara ở châu Á,
phía đông nước Iran (người ta cố tình hiểu sai thì kệ người ta, mắc gì đến bạn
mà bạn cố tranh cãi, phải chăng bạn muốn đề cao cái tôi, muốn mọi người biết bạn
tài giỏi, muốn khoe khoang kiến thức). Nếu người nói sai là thân thiết với bạn,
bạn muốn giúp thì lại là chuyện khác, theo cách giúp ban bè ở mục A
Tranh luận loại c nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước
toà án hoặc một thế lực nào đấy. Thế lực ở đây có thể là cấp trên, là chính
quyền, là đoàn thể, là một vài cá nhân nào đó. Mục tiêu của tranh luận loại này
là tìm cách bảo vệ (quyền lợi, quan điểm, danh dự….), vì vậy phải tìm cách để
thắng. Phải luận (lập luận, biện luận, dùng lý luận…) để tranh phần thắng. Lúc
này cần kết hợp tình, lý và luật pháp. Trước hết phải thành thực với chính,
phải tự đánh giá xem vấn đề đặt ra có thật sự hợp tình, hợp lý, hợp pháp không,
phải tự mình tranh luận với mình trước, tìm được chỗ đúng của đối phương và chỗ
sai của mình (vì chỗ đúng của mình và chỗ sai của đối phương thì rất dễ thấy),
tự đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh, trình độ của đối phương để lường trước phản
ứng của họ (biết mình, biết người). Khi đã thấy chỗ sai của mình thì công nhận
trước đi, đừng hy vọng che dấu được.
Chỉ nên khởi đầu tranh luận khi đã chuẩn bị đầy đủ lý
lẽ, dự kiến được khă năng thắng lợi. Đồng thời với việc tìm lý lẽ cho mình cũng
nên tìm hiểu đối phương, đánh giá đối phương về các mặt : trình độ, tâm lý ,
quan hệ, dự đoán lý lẽ của họ, hành động của họ. Xin đừng bao giờ đánh giá thấp
đối phương, phải nghĩ rằng họ thông minh, có nhiều thủ đoạn. Việc tranh luận
loại này liên quan đến khả năng hùng biện. Trong nghệ thuật hùng biện, chúng ta
có thể thắng bằng một số cách như: thắng bằng lôgic; thắng bằng nghệ thuật ngôn
từ, thắng bằng mưu chước, thắng bằng vạch trần ngụy biện của đối phương (Sách :
Phương pháp biện luận- thuật hùng biện- tác giả Triệu Truyền Đống, biên dịch
Nguyễn Quốc Siêu- nhà xuất bản Giáo dục).
Trong tranh luận phải dùng lý lẽ là chính nhưng rất
cần tôn trọng quan hệ (quan hệ trước tranh luận là thế nào, liệu sau khi tranh
luận quan hệ sẽ thay đổi như thế nào, ta cần tranh luận để bảo vệ quyền lợi,
quan điểm, có cần giữ gìn quan hệ hay không). Trong tranh luận phải luôn luôn
giữ bình tĩnh, hết sức bình tĩnh, không nổi nóng, không mắc vào mưu mẹo khiêu
khích của đối phương. Chúng ta tìm cách bác bỏ lý lẽ của đối phương nhưng phải
tuyệt đối tôn trọng nhân cách của họ (có thể nói anh sai rồi, anh lập luận
không đúng ở chỗ này, chỗ kia nhưng không được nói anh ngu quá). Có thật bình
tĩnh thì mới tránh được sai lầm và phát hiện được những sơ hở của đối phương.
Khi đã phát hiện được sơ hở của đối phương thì phải tập trung ngay vào đó.
Trong tranh luận nên hết sức tránh việc lập luận thiếu căn cứ ( lý cùn, cãi
chầy cãi cối…) Trong tranh luận, để cho đối phương bộc lộ điểm yếu, ta có thể
chủ động, có dự kiến, có chuẩn bị làm cho đối phương nổi nóng nhưng hết sức
tránh việc vô ý, vô tình làm họ tức giận
Trong xã hội hiện nay nhiều lúc bạn có đầy đủ cả tình,
lý lẽ và đúng luật nhưng vẫn bị thua như thường, vì rằng ngoài ba thứ trên còn
một thứ mạnh hơn là quyền lực, là sức mạnh của tổ chức. Bạn không thể dùng lý
lẽ và luật pháp với kẻ cố tình dùng sức mạnh để áp bức. (họ cũng dùng luật đấy
nhưng là luật rừng). Trong tranh luận cần có tình có lý nhưng không thể nói lý
với kẻ ngu và đểu, không thể nói tình với kẻ tham.
Tranh luận loại d- Đó là tranh luận với thế lực đối
lập, với đối phương không cần giữ quan hệ thân thiện (gần như là thù địch)- Đây
là loại cao nhất, không phải tranh luận thông thường mà là tranh đấu bằng ngôn
từ. Lúc này chủ yếu là lừa nhau về lý lẽ, kết hợp với những sức mạnh khác, là
việc kết hợp lý luận với thủ đoạn.
VII- Quát mắng để giác ngộ kẻ định giết mình
(Tường
thuật và trích đoạn tiểu thuyết CHIN MƯƠI BA của Victo Huygo- Mục X quyển II,
và mục I quyển III, có tựa đề HALMALO)
Nước
Pháp, năm 1793. Cuộc chiến giữa phe Bảo hoàng
và phe Cách mạng đang ở cao trào. Ông già De Lantenac, một thủ lĩnh quan
trọng của phe Bảo hoàng, khâm mạng của Đức Vua, đang tạm lánh ở nước Anh, quyết
định trở về Pháp để trực tiếp chỉ huy
cuộc chiến. Ông vượt biển vào một đêm tối trời trên một tàu chiến với vài trăm
quân lính và nhiều khẩu pháo.
Trên
biển, gặp gió to, sóng dữ, chiến hạm bị nhồi lắc rất mạnh. Một khẩu pháo, được
cố định vào thành tàu, bị tuột xích và tự do lăn bánh trên sàn. Theo đà rung lắc
của tàu, khẩu pháo tông húc về mọi phía, va đập vào mọi thứ, làm hư hại nặng
con tàu và nhiều khẩu
pháo khác mà không có cách gì ngăn cản được.
Sự
cố quá nguy hiểm xảy ra do sơ suất của một pháo thủ trong việc dùng dây xích cố
định pháo. Nhưng rồi chính pháo thủ này đã anh dũng liều mình, lợi dụng được thời
cơ, chèn giữ được khẩu pháo, cứu được con tàu. Anh pháo thủ được De Lantenac gắn
huân chương và ngay sau đó bị chính ông ra lệnh xử bắn.
Trời
gấn sáng. Trên biển xuất hiện Hạm đội của phe Cách mạng. Khả năng xẩy ra giao
tranh và bị tiêu diệt là khó tránh. Thuyền trưởng quyết định dùng một xuồng nhỏ, chọn một người chèo lái, đưa ngài De Lantenac vượt biển
về Pháp. Một thủy thủ xin tình nguyện
và được chọn.
Giữa
biển khơi, lúc mờ sáng, trên con thuyền chỉ có một ông già hai tay không và một
thủy thủ cường tráng. Sau đây là cuộc đối đáp giữa hai người.
Thủy
thủ nói :
— Tôi là em của người mà ông đã ra lệnh bắn
chết.
Lão già từ từ ngẩng đầu lên.
Người vừa nói với lão trạc ba mươi tuổi.
Trán anh ta rám nắng biển; đôi mắt kỳ dị, đó là cái nhìn tinh khôn của người thủy
thủ với con mắt chất phác của người dân quê. Anh ta nắm chắc
hai mái chèo trong tay. Trông có vẻ hiền lành.
Ở thắt lưng anh ta có một con dao găm, hai
khẩu súng lục và một chuỗi tràng hạt.
— Ngươi là ai? - Lão già hỏi.
— Tôi vừa nói với ông xong.
— Ngươi muốn gì ta?
Anh thủy thủ buông mái chèo, khoanh tay và
trả lời.
— Giết ông.
— Tùy ý ngươi - Lão già trả lời.
Anh thủy thủ cao giọng bảo:
— Ông chuẩn bị đi.
— Để làm gì?
— Để chết.
— Sao vậy? - Lão già hỏi lại.
Im lặng một lát. Người thủy thủ hình như bị
câu hỏi làm cho sững sờ giây lát. Anh ta nhắc lại:
— Tôi bảo là tôi muốn giết ông.
— Và ta hỏi ngươi rằng tại sao vậy?
Một tia sáng lóe trong đôi mắt anh thủy thủ:
— Vì ông đã giết anh tôi.
Lão già vẻ bình tĩnh, bảo:
— Lúc đầu ta đã thưởng cho anh ngươi.
— Đúng, trước thưởng rồi sau lại giết.
— Không phải ta giết hắn.
— Vậy ai giết?
— Lỗi lầm của hắn.
Anh lính thủy, mồm há hốc nhìn lão già, rồi
đôi lông mày anh ta nhíu lại dữ tợn.
— Ngươi tên là gì? - Lão già hỏi.
— Halmalo. Nhưng ông sắp chết bởi tay tôi
thì cũng chẳng cần biết tên tôi làm gì.
Vừa lúc ấy mặt trời mọc. Một tia nắng rọi
thẳng vào mặt người lính thủy, soi sáng rực bộ mặt man rợ của anh ta. Lão già
ngắm nghía anh ta hết sức chăm chú.
Tiếng đại bác vẫn kéo dài, bây giờ đã ngắt
quãng và nấc lên như người hấp hối (từ trận chiến trên biển giữa hạm đội và chiếc
tàu đã bị hư hỏng). Một đám khói lớn ùn xuống phía chân trời.
Chiếc xuồng mà người lái đã buông chèo đang dạt theo làn sóng.
Người lính thủy tay phải rút một khẩu súng
lục ở thắt lưng ra, tay trái cầm chuỗi tràng hạt.
Lão già đứng thẳng dậy hỏi:
— Ngươi có tin ở Chúa không?
— Chúa Cha chúng ta ở trên trời - Người
lính thủy trả lời.
Và anh ta làm dấu.
— Ngươi còn mẹ không?
— Có.
Anh ta làm dấu lần thứ hai. Xong anh ta bảo:
— Thế thôi. Tôi để cho ngài một phút nữa,
thưa đức ông.
Rồi anh ta nạp đạn.
— Tại sao ngươi gọi ta là đức ông?
— Vì ngài là một lãnh chúa. Trông thì biết.
— Ngươi cũng có một lãnh chúa chứ?
— Vâng. Một lãnh chúa lớn. Ai sống mà
không có lãnh chúa.
— Lãnh chúa của ngươi nay ở đâu?
— Tôi không rõ. Ngài đã xuất ngoại. Ngài
tên là hầu týớc De Lantenac, tử týớc De Fontenay, výõng hầu xứ Bretagne, ngài
là lãnh chúa vùng Bảy Khu Rừng. Tôi chưa hề thấy mặt ngài, nhưng ngài vẫn là
chúa của tôi.
— Vậy nếu ngươi trông thấy mặt ngài, ngươi
có vâng lệnh ngài không?
— Cố nhiên, không vâng lệnh ngài chẳng hóa
ra tôi là kẻ vô đạo ư? Người ta phải vâng lệnh Chúa Trời, lại phải vâng lệnh đức
vua cũng như Chúa Trời, rồi lại phải vâng lệnh lãnh chúa cũng như đức vua.
Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó, ngài đã giết anh tôi, thì tôi phải giết ngài.
Lão già trả lời:
— Trước hết, ta giết anh ngươi, ta đã làm
đúng.
Người lính thủy nắm chặt khẩu súng lục.
— Nào - Anh ta bảo.
— Được - Lão già nói.
Rồi, vẫn thản nhiên, lão hỏi:
— Cha cố đâu?
Người lính thủy nhìn lão.
— Cha cố ư?
— Phải, cha cố. Ta đã cho mời cha cố rửa tội
cho anh ngươi, ngươi cũng phải mời một cha cố cho ta.
— Tôi không có cha cố - Người lính thủy trả
lời.
Và anh ta lại tiếp:
— Giữa biển làm gì có cha cố?
Tiếng súng nổ từng hồi của trận giao chiến
nghe cứ xa dần. Lão già nói:
— Những kẻ đang chết ngoài kia vẫn có cha
cố.
— Đúng thế - Anh lính thủy lẩm bẩm - Họ có
cha tuyên úy.
Lão già nói tiếp:
— Ngươi làm mất linh hồn ta, điều đó thật
nghiêm trọng.
Người lính thủy cúi đầu, nghĩ ngợi.
Lão già lại tiếp:
— Làm mất linh hồn ta, ngươi cũng làm mất
linh hồn ngươi. Nghe đây, ta thương hại ngươi. Ngươi muốn làm gì thì làm. Còn
ta, vừa rồi ta đã làm nhiệm vụ của ta, trước hết thưởng cho
anh ngươi và sau đó giết hắn, và giờ đây, ta làm nhiệm vụ cố cứu vớt linh hồn của
ngươi. Nghĩ kỹ đi. Việc này có quan hệ đến ngươi. Có nghe những tiếng súng nổ
lúc này không? Ở nơi kia có những người tử trận, có những người tuyệt vọng đang
hấp hối, có những người chồng sẽ không bao giờ thấy mặt vợ, có những người cha
sẽ không còn trông thấy mặt con, những người em cũng như ngươi sẽ không còn thấy
mặt anh. Vậy do lỗi lầm của ai? Lỗi tại anh ngươi cả. Ngươi tin ở Chúa, có phải
không? Vậy thì ngươi nên biết rằng lúc này, Chúa đang đau khổ! Chúa đau khổ vì
người con rất ngoan đạo là đức vua nước Pháp, cũng như Chúa Jésus là con của
Chúa, người con ấy giờ đây đang bị cầm tù ở trong tháp Temple; Chúa đau khổ vì
giáo hội xứ Bretagne; Chúa đau khổ vì các nhà thờ lớn bị tấn công, vì các bản
thánh kinh bị xé nát, vì các nhà nguyện bị xúc phạm; Chúa đau khổ vì các cha cố
bị sát hại. Vừa qua chúng ta đã làm gì trên con tàu mà giờ này đang chìm xuống
đáy biển? Chúng ta đi cứu Chúa. Nếu anh ngươi là tôi ngoan của Chúa, nếu anh
ngươi làm tròn nhiệm vụ của một con người khôn ngoan và có ích thì cái tai họa
về khẩu pháo đã chẳng xảy ra, con tàu đã không bị hư nát để không bị lạc hướng,
đã không rơi vào hạm đội ma quỷ kia, và có lẽ giờ đây, chúng ta đã đổ bộ lên nước
Pháp. Tất cả chúng ta, trong tư thế những chiến binh và thủy thủ anh dũng, gươm
trong tay, cờ trắng phấp phới, đông đảo, mãn nguyện, vui sướng và chúng ta còn
có thể tới giúp đỡ những người dân quê hiền lành vùng Vendée, để cứu nước Pháp,
cứu đức vua, cứu Chúa. Đó là việc chúng ta vừa làm, đó là việc chúng ta sẽ làm,
đó là việc mà còn lại mình ta, ta sắp làm. Nhưng ngươi chống lại những việc đó.
Trong khi bọn phản đạo chống lại các cha cố, bọn nghịch tặc chống lại đức vua,
quỷ Satan chống lại Chúa, ngươi đã đứng về phía quỷ Satan. Anh ngươi là kẻ thứ
nhất giúp bọn ma quỷ, ngươi là kẻ thứ hai. Anh ngươi đã mở đầu và ngươi đang
làm nốt. Ngươi đứng về phía bọn tặc đạo chống lại ngai vàng, bọn phản đạo chống
lại giáo hội. Ngươi định triệt mất cái phương sách cuối cùng của Chúa. Bởi vì
ta, người thay mặt đức vua, nếu ta không còn nữa, thì xóm làng còn bị thiêu hủy,
các gia đình còn phải khóc than, các cha cố còn phải đổ máu, xứ Bretagne còn bị
đau thương, đức vua còn bị cầm tù và chúa Jésus còn nguy nan. Và ai sẽ gây ra cảnh
đó? Chính ngươi. Mặc, đó là việc của ngươi. Ta tưởng trông cậy ở ngươi một việc
làm trái lại kia. Ta đã lầm. À đúng rồi, ngươi có lý, ta đã giết anh ngươi. Anh
ngươi đã tỏ ra can đảm, ta đã thưởng cho hắn, hắn đã phạm lỗi, ta đã phạt hắn.
Anh ngươi không làm tròn bổn phận, còn ta, ta không làm sai bổn phận. Điều ta
đã làm, ta còn làm nữa. Và ta thề trước bà thánh Anne D’Auray rằng, trong trường
hợp tương tự, ta cũng có thể giết con trai ta. Bây giờ, ngươi làm chủ tình thế.
Phải, ta thương hại ngươi. Ngươi đã lừa dối chỉ huy. Ngươi, một tín đồ Cơ Đốc,
ngươi không có lòng tin; ngươi, dân xứ Bretagne, ngươi không còn chút danh dự
nào; ta được ủy thác cho ngươi, con người trung nghĩa, nhưng lại được ngươi đón
nhận bằng một tấm lòng phản trắc; ngươi giết ta để đáp lại những người mà ngươi
đã hứa cứu thoát ta. Ngươi có biết ngươi sắp giết ai không? Chính là giết ngươi
đấy. Ngươi cướp của đức vua tính mạng ta rồi ngươi dâng kiếp vĩnh cửu của ngươi
cho ma quỷ. Nào, hãy phạm tội ác đi, được lắm. Ngươi coi rẻ phần được an nghỉ
trên thiên đường. Nhờ ngươi ma quỷ sẽ thắng, nhờ ngươi, nhà thờ sẽ còn đổ, nhờ
ngươi, bọn vô đạo còn tiếp tục nung chuông để đúc đại bác; đem vật dùng để cứu
rỗi linh hồn mà bắn giết người trần gian. Và trong lúc ta đang nói đây thì cái
chuông đã từng rung lên trong lần rửa tội lúc sinh ra ngươi, có lẽ đang giết mẹ
ngươi. Nào, hãy tiếp tay cho ma quỷ đi. Chớ chùn tay. Đúng, ta đã kết tội anh
ngươi, nhưng nên hiểu rằng như thế là tuân theo ý Chúa. A! Ngươi dám phán xét
những phương tiện của Chúa! Ngươi sẽ còn phán xét cả sấm sét trên thiên đình nữa
chăng? Khốn nạn, ngươi sẽ bị sấm sét phán xét. Hãy coi chừng việc ngươi sắp
làm. Ngươi có biết là ta có Chúa phù hộ không? Cứ làm đi. Muốn làm gì thì làm.
Ngươi cứ vứt ta vào địa ngục rồi ngươi cũng nhảy theo ta. Quyền đó ở trong
tay ngươi. Kẻ chịu trách nhiệm trước Chúa sẽ
là ngươi. Ta và ngươi lúc này đối diện với nhau trong vực thẳm. Hãy tiếp tục,
làm cho xong, kết thúc đi. Ta già rồi và ngươi còn trẻ; ta tay không và ngươi
có vũ khí; giết ta đi.
Trong lúc lão già đứng tuôn ra những lời ấy,
tiếng nói sang sảng át cả tiếng sóng biển, những đợt sóng nhấp nhô làm cho lão
thấp thoáng lúc trong bóng tối, lúc ngoài ánh sáng; người lính thủy, mặt tái ngắt;
trên trán anh ta mồ hôi nhỏ giọt; anh ta run như chiếc lá; chốc chốc, anh ta
hôn chuỗi hạt; khi lão già nói xong, anh ta vứt khẩu súng lục và quỳ xuống. Anh
ta kêu lên:
— Xin đức ông tha cho con! Tha lỗi cho
con; đức ông nói như Chúa phán. Con có lỗi. Anh con đã có lỗi. Con sẽ làm tất cả
để chuộc tội cho anh con. Đức ông cứ tùy ý sử dụng con. Đức ông ban mệnh lệnh
đi. Con xin vâng theo.
— Ta tha thứ cho ngươi - Lão già nói.
VIII- Thuyết phục người canh giữ
(Tường thuật và lược trích từng đoạn từ tiểu thuyết BA NGƯỜI LÍNH NGỰ
LÂM của Alexandre Dumas, bản dịch của
Hoàng Hà Vũ, chương 50 đến 58 )
Milady là một cô người Pháp, rất xinh đẹp và thông minh, được Giáo chủ
Richelieu cử sang Anh làm do thám.
Milady bị Hầu tước De Winter cho người bắt về giam giữ tại lâu đài của ông.
Trung úy
Felton, một sĩ quan được cho làrất trung thành, rất đáng tin cây, có năng lực và tận tụy được
giao nhiệm vụ chỉ huy tốp lính canh giữ, giám sát phòng giam ở tầng cao của
lâu đài.
Khi giao việc cho Felton Hầu tước căn dặn: Hãy nhìn
người đàn bà này, rất đẹp phải không, nhưng là một vẻ đẹp chết chóc cho những
ai đem lòng say mê nó hoặc bị nó rắp tâm
quyến rủ. Bới thế, tuy mới 25 tuổi nhưng hồ sơ tội ác của người đàn bà này đã xếp
kín một ngăn tủ tòa án. Mọi thứ trên người cô ta được mang ra làm vũ khí để đạt
mục đích. Từ nụ cười lả lơi, ánh mắt đong đưa đến thân xác khêu gơi…đều trao hết
cho kẻ mà sau khi nhận sẽ trở thành nạn nhân của cô ta….Người đàn bà kia sẽ
không buông tha anh đâu, nhất là khi thấy anh trẻ trung, non nớt thế này. Nhẹ
thì sẽ khiến anh làm theo mọi ý muốn của cô ta, nặng thì….cắt cổ anh cũng chẳng
ghê tay đâu, bạn trẻ của tôi ạ. Felton, ta đã lôi anh ra khỏi
nghèo khó, đã cất nhắc anh lên hàng sĩ quan với lon trung úy, đã một lần cứu
anh thoát chết, hẳn anh không quên trận chiến đó chứ…Ta không chỉ là người bảo
hộ cho anh mà còn là bạn anh, không chỉ là ân nhân mà còn là như cha anh nữa.
Nay, người đàn bà này vượt biển sang đây là để mưu hại ta và một người còn quan
trọng hơn ta. Song nhờ ơn Chúa ta đã tóm được con rắn độc và đã nhốt nó vào cái
lồng kiên cố này. Những việc còn lại ta giao cho anh đấy, Felton, bạn ta và con
trai ta. Hãy bảo vệ ta và quan trọng không kém là bảo vệ chính mình. Hãy hứa với
ta là con rắn ðộc này sẽ phải nhận sự trừng phạt týõng xứng với những tội ác mà
nó gây ra”.
“Thưa Hầu tước, tôi hứa”.
Felton chỉ nói có vậy mà khiến Milady rùng mình. Nó có
sức nặng hơn ngàn lần những thưa gửi, thề thốt đi kèm.
Hầu tước De Winter gật dầu, vẻ hài lòng “Con rắn độc
Milady sẽ không được nhích một bước ra khỏi căn phòng này với bất kỳ lý do nào,
và cũng không được liên hệ với bất cứ ai ngoài anh, hiểu chưa, anh Felton”
“Thưa Hầu tước, tôi hiểu”
Người quan trọng hơn ta mà Hầu tước nói tới là Quận
công Buckingham, nhân vật cao cấp của triều đình nước Anh.
Chỉ qua vài quan sát Milady biết rằng
Felton theo Thanh giáo. Cô nàng tìm cách gián tiếp thể hiện là tín đồ rất mộ đạo
của Tôn giáo này, nhưng bên ngoài lại cố giữ bí mật việc đó và cũng không để lộ
việc cô đã biết tôn giáo của Felton. Vào thời gian này Thanh giáo đang bị kỳ thị.
Cô định dùng lòng tin tôn giáo để lung lạc chàng sĩ quan trẻ tuổi.
Quận công Buckingham là cấp trên của Hầu tước, Felton
là tay chân thân tín của Hầu tước, nhưng Felton lại oán hận Buckingham vì ông
chống lại Thanh giáo.
De Winter cho người đưa cho Milady quyển
Kinh Misa, cô không nhận, hé lộ rằng không cùng tôn giáo với Hầu tước. Felton hỏi
: “ Bà thuộc về giáo phái nào”. Milady
trả lời : “Tôi sẽ nói với ông vào ngày mà tôi đã sẵn sàng chết vì đức tin của
mình”.
Rồi bằng mưu mẹo hát Thánh thi và cầu
kinh, Milady bí mật tỏ cho Felton biết cô có cùng tôn giáo với anh. Khi tiếp
xúc với De Winter, bị hầu tước chê bai về tôn giáo, Milady nói xúc phạm đến hầu
tước, nhưng cố ý để cho Felton nghe được : “Cái bổn phận hèn hạ, vô luân mà
cũng dám khoe khoang ra….Phải, ông thì hợp với những thứ đê tiện đó lắm”. Một lần
khác, trước mặt Hầu tước, Milady chắp tay, ngước mắt lên trời, nói: “Ôi, lạy Chúa! Chúa ơi, Xin hãy tha cho con
người ấy cũng như chính con đã tha thứ cho ông ta”.
Nghe được những lời như thế trong lòng
Felton nảy sinh những ngờ vực.
Trong đêm, khi Milady hát các bài Thánh
thi của Thanh giáo thì Felton bị kích thích và
hỏi: “Tại sao bà lại hát lên những lời ca ấy với cái giọng mê muội đó”. Nữ tù nhân trả lời
“ Xin lỗi ông sĩ quan, tôi đã không để ý rằng bản thánh thi này không phù hợp với
nơi đây. Có lẽ rằng tôi đã xúc phạm đến Đạo giáo của ai đó. Song tôi xin thề là
không cố tình làm vậy. Tôi xin được ông tha thứ cho”
Felton nói: “Vâng, đúng là bà đã khiến
không ít người trong lâu đài phải thở dài, có người còn nhỏ nước mắt…”. Milady
thầm thì : “Vâng từ nay tôi sẽ không hát ca gì nữa, thưa ông”.
Felton cuống quýt xua tay, nói: “ Không cần
phải thế, có ai cấm bà đâu. Bà chỉ cần hát nho nhỏ thôi, nhất là khi màn đêm
buông xuống”.
Milady cầu nguyện cốt cho Felton nghe được:
“Lạy Chúa! Người biết rõ khổ đau con mang vì lẽ thánh nào, xin người hãy tiếp
cho con sức mạnh để gánh chịu khổ đau ấy….Lạy thánh thần trả hận! Lạy thánh thần
nhân từ, Người nỡ nào để mặc con người đó hoàn thành những ý đồ ghê tởm của hắn
ư”.
Khi đã phần nào tranh thủ được cảm tình của
Felton, cô úp mở cho anh rằng cô không phải là tội nhân mà là nạn nhân, vì để bảo vệ danh dự đã dám chống lại sự
xúc phạm của những người cậy quyền thế. Rồi cô bí mật dàn dựng trò chuẩn bị
treo cổ tự vẫn. Felton phát hiện, tưởng cô định tự tử thật. Milady nói “Khi bị
ép buộc chọn lựa tự sát và chịu ô nhục thì tự sát là tuẩn đạo, thưa ông”.
Felton: “Bà nói quá nhiều, nhưng lại là
quá ít. Nhân danh Chúa, xin bà hãy nói ra, hãy giải thích cho rõ.
Milady: “Tôi kể ông nghe những nỗi bất hạnh của tôi để rồi ông sẽ bảo
đấy là những chuyện bịa ư?. Tôi chia sẻ với ông những dự định của tôi để ông tố
cáo với những kẻ đã bắt bớ, ngược đã tôi?. Không đâu, thưa ông. Vả chăng, sự sống
hay chết của một kẻ khốn khổ bị kết án thì can gì đến ông?. Chẳng là ông chỉ phải chịu trách nhiệm về phần xác
của tôi hay sao? Thế thì miễn là ông trình ra được một xác chết và người ta xác
nhận đấy là xác của tôi, thế thì họ sẽ không làm khó hoặc đòi hỏi gì ở ông đâu,
có khi ông còn được ban thưởng gấp đôi là khác”.
Felton kêu lên: “Tôi ư?, Thưa bà?. Bà nghĩ
rằng tôi sẽ đổi sinh mạng của bà lấy tiền thưởng ư?. Ôi, bà không biết đã nói
gì đâu”.
Biết rằng Felton đã phần nào có cảm tình với
mình, đang có tâm trí và trái tim rối bời, Milady tiến lại gần Felton, thốt lên những lời dữ dội
bằng giọng du dương, nhưng lần này mang một âm sắc khủng khiếp.
Hãy cứ nộp nạn nhân cho Baal
Hãy ném cho sư tử người tuẫn đạo
Chúa sẽ làm ngươi phải ăn năn
Từ vực thẳm Người sẽ nghe lời ta kêu khóc.
Felton sững người, chắp tay lại, kêu lên: “ Nàng là ai, nàng là ai. Nàng là
sứ giả của Chúa hay sai nha từ địa ngục, là thiên thần hay ác quỷ”.
Milady dịu giọng: “Ngài không nhận ra tôi ư, tôi không phải thiên thần,
cũng không phải ác quỷ. Tôi là đứa con của trần thế, là người chị em có cùng
tín ngưỡng với ngài, chỉ vậy mà thôi”.
“Vâng, vâng, ta đã ngờ là thế và giờ
đây thì ta tin chắc”.
“Ngài tin, song ngài vẫn đồng lõa với
đứa con của Belial mà người ta gọi là hầu tước De Winter. Ngài tin nhưng ngài vẫn
bỏ mặc tôi trong tay kẻ thù của tôi, cũng là kẻ thù của nước Anh, kẻ thù của
Chúa!. Ngài tin, vậy mà ngài nộp tôi cho kẻ làm nhơ bẩn thế gian này bởi tà
thuyết và sự đồi trụy của y, ngài nộp tôi cho tên đê tiện mà những kẻ đui mù gọi
là quận công Buckingham, còn các tín đồ thực sự gọi là kẻ chống Chúa”.
“Ta nộp nàng cho Buckingham ư?. Không, nàng đang nói xằng gì thế…Xin nàng
hãy nói đi, nói ra hết cả. Giờ ta đã thấu hiểu nàng”.
Felton, một đàng thì nghe De Winter kể tội Milady chống lại Buckingham,
đàng khác lại cảm tình với cô nàng vì cùng tôn giáo và đang chịu bất hạnh.
Sau vài câu chuyện nữa, Felton nói: “Ôi!, hoặc bà là quỷ dữ, hoặc ngài Hầu
tước, ân nhân của tôi, người cha đáng kính của tôi là một con quái vật. Tôi mới
biết bà có bốn ngày, nhưng tôi đã yêu kính ngài ấy suốt bốn năm qua. Vậy nên
tôi có thể phân vân giữa hai người lắm chứ. Xin bà đừng lo ngại những điều tôi
vừa nói. Tôi chỉ muốn được tin chắc. Đêm nay, sau nửa đêm tôi sẽ đến đây gặp bà
và bà hãy làm cho tôi tin”.
Milady xua tay : “Ôi không, ngài Felton, người anh em giáo hữu của tôi, sự
hi sinh này quá lớn, ngài sẽ phải trả giá quá nhiều. Tôi đã thua rồi, ngài đừng
nhảy xuống vực thẳm cùng tôi. Cái chết xác tín hơn là sự sống và thây ma câm lặng
của tôi sẽ giúp ngài tin hơn ngàn vạn lời một nữ tù nhân có thể nói”.
Sau vài câu trao qua đổi lại Felton ra đi và nửa đêm trở lại.
Milady nói với giọng nghiêm trang, u buồn: “Felton, ngài hãy hình dung như
em gái của ngài đang kể những chuyện này đây. Thuở ấy em còn thơ trẻ, không may
lại có chút nhan sắc nên năm lần bảy lượt bị người ta giăng bẫy, em chống cự lại,
cạm bẫy và bạo lực liền tăng gấp đôi. Nhưng em vẫn chống lại. Họ bèn lăng mạ tôn
giáo mà em phụng sự, phỉ báng cả đức Chúa mà em tôn thờ vì em đã dám kêu cứu đức
Chúa cùng tôn giáo cứu giúp. Em vẫn không quy phục. Do không thể làm hại phần hồn
họ khiến thân xác em nhơ nhuốc mãi mãi…”
Milady kể rằng nàng đã bị đánh thuốc mê, đưa vào nhốt trong phòng kín của
lâu đài, bị làm nhục khi còn mê và cả sau khi tỉnh lại. Từ tủi nhục đến căm
thù, cô quyết trả thù, đã dùng dao đâm tên đàn ông khi nó sấn vào ôm cô. Nhưng
nó đã mặc áo giáp đề phòng, hằn nói : “Nàng muốn giết ta ư hở nàng giai nhân
Thanh giáo. Này thế thì không phải ghét bỏ nữa mà là vô ơn đấy…”
Tên đàn ông là một vương tôn công tử, hắn mua chuộc bằng sự giàu sang để đổi
lấy sự im lặng của cô, nhưng Milady không chịu. Hắn dọa: “Coi chừng đấy, ta có
một biện pháp tối hậu, đừng để ta phải dùng đến nó để khóa miệng nàng lại, hoặc
chí ít để không ai tin lời nàng.
Sau nhiều đoạn đấu khẩu qua lại hắn bỏ đi và rồi trở lại, dẫn theo một đao phủ. Tên này quật ngã nàng ra và dùng
một thanh sắt nung đỏ áp lên vai nàng. Đó là dấu vết ô nhục có hình tượng một
bông hoa huệ.
Milady vén áo, để lộ dấu bông hoa huệ rồi giải thich: “Nếu là dấu sắt nung
của nước Anh chúng sẽ phải đưa em ra trước tòa để buộc tội, và em sẽ công khai
khiếu nại trước tất cả tòa án trong vương quốc. Song, nếu là dấu sắt nung của
nước Pháp thì…ôi thôi. Dấu sắt nung của Pháp thì em đã thực sự bị đóng dấu ô nhục
mất rồi.
Bị vặn hỏi tên người đã hại cô, Milady kêu lên: “Sao kia, anh trai của em.
Lẽ nào em phải nói ra tên hắn một lần nữa ư, anh không đoán ra kẻ đó là ai. Kẻ
thủ ác thực sự, kẻ đã tàn phá nước Anh, bách hại những tín đồ chân chính, kẻ đê
tiện đánh cắp danh tiết của biết bao phụ nữ, kẻ hứa hẹn bảo vệ người Tin lành rồi
phản bội họ…”
Felton gầm lên: “Buckingham. Đúng Buckingham rồi”. Sau một lúc, anh lẩm bẩm:
“Nhưng tại sao Hầu tước De Winter, người bảo bọc của ta, người giống như cha ta
lại xen vào chuyện này.”
Milady kể về mối tình, cuộc hôn nhân với chồng cô là Lãnh chúa De Winter,
em trai của Hầu tước. Chồng chết khi hai người đang ở Pháp, để lại cho cô toàn
bộ gia tài ở Anh. Cô phải từ Pháp sang Anh để tiếp nhận. Buckingham biết chuyện,
đã bôi nhọ cô với Hầu tước, một người đã có sẵn thành kiến rằng em dâu là một kẻ ô nhục bị đóng dấu. Hầu
tước đã cho người đón đường bắt cô.
Trong lúc hai người đang chuyện trò thì De Winter đến. Sau một tràng cười mỉa
mai, ông nói: “ Ai chà, màn cuối của bi kịch đây rồi!, Feiton, đấy anh xem, kịch
đã diễn gần trọn, thế mà có giọt máu nào chảy ra đâu.
Milady đối đáp: “Thưa Hầu tước, ngài nhầm. Máu sẽ đổ và cầu cho máu sẻ tưới
lên những kẻ gây nên đổ máu.
Milady cầm dao tự đâm vào ngực.
May thay, hay nói đúng hơn, khéo thay, con dao trúng phải khung sắt tấm áo
nịt ngực của phụ nữ thời bấy giờ, lưỡi dao trượt đi, làm rách áo, đâm vào thịt
giữa hai giẻ sườn. Áo của nàng loang đầy máu. Hầu tước lệnh cho Felton đi khỏi
nơi đó, gọi người đàn bà vẫn hầu hạ Milady và để mặc hai người ở đấy. Ông cũng
cho người cưỡi ngựa đi mời thầy thuốc. Vết thương không nặng lắm.
Felton và lính canh cũ bị đổi đi. An ninh được tăng cường.
Trong lúc Milady vô cùng hoảng hốt và tuyệt vọng thì giữa đêm Felton đến, cưa song sắt cửa số.
Nàng chui qua và thấy viên sĩ quan đang
treo mình lơ lửng trên vực thẳm bằng chiếc thang dây.
Vượt qua khó khăn và nguy hiểm hai người ra đến bờ biển, lên chiếc thuyền
con, chèo ra một chiếc tàu. Felton nói: “Thuyền trưởng, đây là người tôi nói với
ông. Nhiệm vụ của ông là đưa bà ấy đến Pháp an toàn.
Thuyền trưởng: “Để đổi lấy một ngàn đồng Pistol”
“Tôi đã trả trước ông năm trăm”
“Đúng vậy”.
“Năm trăm còn lại ông sẽ nhận khi chúng ta đến Boulogne”.
“Một cách an toàn, thưa bà, đúng như tên tôi là Jack Butler vậy”.
“Nếu được như thế tôi sẽ trao ông một ngàn pistol thay vì năm trăm”.(hết
chuyện kể).
Lời bình của NĐC: Nếu Milady đưa tiền hoặc sắc đẹp ra để mua chuộc, để cầu
xin thì không thể nào làm cho Felton xiêu lòng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét