Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2024

HỌC LÀM PHẢN BIỆN ( Nguyễn Đình Cống ) - 2 -

 


III. Cần học và làm những gì

3.1- KHẢ NĂNG PHẢN BIỆN

Khả năng phản biện của mỗi người đến t hai nguồn: Tiên thiên và hậu thiên (đã viết ở Lời nói đầu). Tiên thiên là hạt giống, đóng vai trò quyết định, nhưng không thể can thiệp, rất khó cải thiện. Hậu thiên được hình thành từ lúc còn rất bé, trước hết nhờ sự giáo dục của gia đình, nhờ sự học tập và thực hành của bản thân, nhờ ảnh hưởng của nhà trường và xã hội. Hậu thiên đóng vai trò quan trọng.

Trong giáo dục gia đình, ông bà, cha mẹ cần hết sức để ý phát hiện xu hướng làm phản biện của trẻ và khuyến khích động viên. Trẻ có hạt giống tốt về phản biện thường thể hiện bằng những lời cãi lại người lớn và bạn bè khi chúng nhận thấy có gì đó vô lý. Chúng thường làm ngược lại những việc bị ép buộc, vì thế bị quát mắng, phê phán, bị quy là ngang bướng, mất dạy. Cha mẹ và giáo viên ít khi để ý tìm hiểu và khuyến khích khả năng phản biện của trẻ, thường chỉ muốn chúng ngoan ngoãn tuân theo mọi ý kiến. Việc này làm thui chột những hạt giống yếu, làm phát sinh mâu thuẩn khi gặp hạt giống khỏe của những trẻ có bản lĩnh cao.

Để tạo được những thế hệ công dân có nhiều khả năng sáng tạo thì giáo dục gia đình và nhà trường rất cần theo phương châm “Giáo dục khai phóng”, hướng dẫn, khuyến khích tư duy phản biện ngay từ khi trẻ bắt đầu biết suy nghĩ, loại bỏ kiểu giáo dục áp đặt theo khuôn mẫu.

Môi trường gia đình và xã hội ảnh hưởng rất mạnh đến xu hướng tư duy của trẻ. Điều khó khăn hiện nay là nhiều bậc cha mẹ và giáo viên đã được đào tạo theo kiểu dập khuôn, ít có khả năng phản biện. Họ phải tự nhận ra điều đó để tự hoàn thiện và đặc biệt là không đem những điều bất lợi đó áp đặt cho con trẻ. Như thế mới có thể tạo ra được khả năng phản biện cho số đông của xã hội.

 

3.2-NHỮNG CẢN TRỞ PHẢN BIỆN

Cản trở phản biện có thể xuất phát từ chủ quan hoặc đến từ khách quan.

Chủ quan là do lười suy nghĩ vì không nhận thức được tầm quan trọng là có suy nghĩ thì trí não mới phát triển.

Não người gồm các tế bào thần kinh và các  liên kết giữa chúng. Lúc mới sinh ra  số tế bào khoảng 96 tỷ, càng lớn lên một số tế bào  bị thoái hóa  vì không dùng đến, số lượng tế bào giảm xuống. Khi suy nghĩ, số lượng liên kết càng tăng. Mỗi tế bào có nhiều liên kết với các tế bào khác. Số liên kết nhiều hơn số tế bào hàng ngàn vạn lần. Số liên kết càng nhiều trí thông minh càng phát triển. Có nhận thức sai lầm là suy nghĩ nhiều mệt  não.Khi không quen suy nghĩ thì chỉ mới suy nghĩ chút ít đã thấy mệt, nhưng nếu tập dần thì cũng như thể dục sẽ tạm thời làm mệt chân tay,  nhưng như thế mới làm cho chúng khỏe lên.

Lười suy nghĩ còn do thói quen rất xấu là ỷ lại vì cho rằng đã có người khác nghĩ hộ rồi, lo sợ rằng mình chưa có đủ trí tuệ để suy nghĩ. Lại nữa, có nhận thức sai là phải biết vâng lời để tỏ  ra có văn hóa.

Cản trở đến từ khách quan chủ yếu do sự giáo dục áp đặt từ bé, đã viết ở mục 3.1. Khi lớn lên lại gặp phải sự quản lý, sự chỉ huy độc đoán mà mình không có đủ bản lĩnh và trình độ để khắc phục.

 

3.3- NHỮNG ĐIỀU CẦN HỌC

Để có được khả năng phản biện cần học nhiều thứ., học dần dần, vừa làm vừa học và nâng cao dần trình độ.

Muốn phản biện thông tin trong lĩnh vực nào, ngoài việc có tư duy phản biện còn cần thông thạo, hiểu biết sâu sắc kiến thức về lĩnh vực đó.

Phản biện phải dựa vào suy luận logic, theo dân gian là có lý, có lẽ. Khả năng này một phần do bẩm sinh, được bổ sung và hoàn thiện bằng logic hình thức, logic biện chứng. Vậy phải học logic. Trong một vài trường đại học có dạy môn này. Ngoài ra có thể tự học.

Kiến thức chuyên môn về một lĩnh vực là mênh mông, tùy trình độ học vấn và nghiên cứu mà mỗi người nắm được một phần nào đó.Học kiến thức là cần nhưng học phương pháp, học suy nghĩ còn cần hơn. Kiến thức là hữu hình, phương pháp là vô hình.

Để có được một bài phản biện sắc sảo, thuyết phục còn cần học cách viết văn. Đó là loại văn khoa học, văn nghị luận.

Ngoài yêu cầu chung là câu văn đúng ngữ pháp và đẹp, văn khoa học cần chính xác, rõ ràng, súc tích.

     Đúng ngữ pháp thể hiện ở chỗ mỗi câu phải có thành phần chính (chủ ngữ, vị ngữ). Không viết ra những câu cụt, chỉ có thành phần phụ (trạng ngữ, bổ ngữ …) dù cho thành phần đó có dài đến đâu.

    Câu văn đẹp đọc lên nghe xuôi tai, dễ nắm bắt được nội dung, không quá dài, không dùng lặp lại một số từ nếu không thật sự cần thiết theo chủ ý.

    Chính xác là yêu cầu cơ bản. Mỗi câu phải đư­ợc hiểu theo một ý duy nhất, không dùng  ẩn dụ, không dùng nghĩa bóng, không thể hiểu và giải thích theo các cách khác nhau.

Thí dụ 1- Câu sau đây: A thích B hơn C .

Câu này có thể hiểu theo ba cách, tác giả định diễn đạt cách nào cần viết rõ ra, mặc dù có dài hơn .

- A và C cùng thích B, như­ng A thích hơn, hoặc A thích B hơn là C thích B.

- A thích cả B và C như­ng thích B hơn, hoặc A thích B hơn là thích C.

- A thích để cho B hơn  C, hoặc A thích việc (thấy) B hơn đư­ợc C.

Thí dụ 2- Xét câu sau: “Công an A bắt được tên B, chủ mưu vụ trộm, ở phố C”. Có thể hiểu chủ ngữ của việc ‘ở phố C’ có thể là công an A hoặc tên B..

   Sự rõ ràng hoặc trong sáng  thể hiện ở chỗ ý tứ mạch lạc, diễn đạt hợp theo quy luật t­ư duy, không lộn xộn, rối rắm. Không cần cái gì cũng phải giải trình thật rõ, tuy vậy những người mà tác giả hư­ớng tới cần hiểu đư­ợc những điều tác giả trình bày.

    Sự súc tích thể hiện ở chỗ biết chọn lựa nội dung và ngôn từ, chỉ giữ lại những ý cần thiết, dùng những câu, chữ thật sự chuẩn xác, không đư­a thêm những ý thừa, câu chữ thừa, không trình bày những điều mà nhiều người đã biết rõ. Chỉ trình bày những vấn đề có nội dung khoa học, không thể hiện những điều thuộc tình cảm, ý chí.

Để phản biện có lúc còn cần dùng lời nói. Vì vậy ngoài khẳ năng viết còn cần tập luyện khả năng nói, đặc biệt là nói trước công chúng, nói một cách rõ ràng, gãy gọn, ý tứ và ngôn ngữ trong sáng. Nếu học và nắm được nghệ thuật hùng biện thì càng tốt.

Cần học suốt đời, học có người hướng dẫn và quan trọng là tự học, học trong sách, học trên mạng Internet, học trong cuộc sống.

Việc học không phải bao giờ cũng suôn sẻ mà nhiều khi gặp vướng mắc. Thế thì cần kết hợp với hỏi. Hỏi thầy, hỏi bạn, tìm câu trả lời trong Từ điển, trong tài liệu chuyên ngành, vào mạng Google.

Học là để thực hành. Có thực hành thành công thì việc học mới có ý nghĩa, có giá trị.

3.4-LÀM PHẢN BIỆN

Khi làm phản biện cần phân biệt loại hình, tình huống và xu thế.

3.4.1. Loại hình phản biện.

Có hai loại: 1. Phản biện theo yêu cầu, 2. Phản biện theo sở thích

Phản biện theo yêu cầu thường được làm đối với các luận văn, luận án, các báo cáo công trình nghiên cứu khoa học, các dự án v.v…(gọi chung là tác phẩm). Cơ quan xét duyệt tác phẩm thường mời một số chuyên gia am hiểu về lĩnh vực đó làm phản biện. Lúc này tùy yêu cầu mà có thể phản biện công khai hoặc phản biện kín. Người được mời có thể nhận làm phản biện hoặc từ chối.

Phản biện theo sở thích là trường hợp: “Giữa đời gặp phải thông tin đáng quan tâm”, mình thấy cần thể hiện ý kiến. Khen ngợi nếu thấy hay, hợp quan điểm. Phê phán, phản bác nếu thấy dở, không hợp quan điểm hoặc phát hiện ra ngụy biện để đánh lừa người khác. Lúc này phản biện nhằm phát hiện những đặc điểm của thông tin, giúp mọi người hiểu được đặc điểm đó, tránh được việc mắc vào ngụy biện hoặc nhầm lẫn.

Có câu hỏi là phản biện theo sở thich, không do yêu cấu của chủ thể, làm thế liệu có vi phạm quyền tự do cá nhân người khác, vi phạm pháp luật hoặc vi phạm tiêu chuẩn đạo đức về tôn trọng quyền con người hay không. Tôi đã tìm hiểu vấn đề này thì thấy rằng không vi phạm mà còn cần thiết, nhưng phải thực hành phản biện với lương tâm trong sáng, có đạo đức, không được lợi dụng làm phản biện để công kích cá nhân, để thỏa mãn sự tự tôn, đề cao bản thân.

3.4.2. Tình huống phản biện

Có hai tình huống:Trực diện và vắng mặt.

 Phản biện trực diện khi đối mặt với chủ thể, cơ bản là dùng lời nói, ngay lập tứcvà có phần bị động (vì không có thời gian và điều kiện chuẩn bi, thường phải ứng khẩu ngay), Đó thường là phản biện theo sở thich.

Phản biện vắng mặt khi chỉ đề cập đến thông tin mà không trực tiếp với chủ thể, Việc làm nàylà chủ động và có thể không cần ngay lập tức.

Phản biện vắng mặt dùng cho cả hai loại hình. Với loại hình theo ý thích thìtrước hết cần đặt câu hỏi: Có cần và có muốn phản biện không. Nếu không thì cho qua, quên đi càng tốt.Việc này không phải là nhiệm vụ bắt buộc hoặc cam kết, vì thế cần cân nhắc kỹ, đặc biệt là không được làm theo cảm tính, không dùng phản biện để thỏa mãn sự bồng bột cá nhân.

3.4.3- Xu thế phản biện

Có xu thế khen và chê. Dù khen hay chê thì đều phải chính xác và đúng mức độ. Khen không đúng, khen quá mức, tường nhầm là đề cao chủ thể, nhưng kết quả là tự làm hại mình và làm hại người được khen. Làm hại mình vì thể hiện thói nịnh hót, bợ đỡ hoặc sự kém cỏi trong đánh giá. Kẻ nịnh hót, bợ đỡ tưởng có thể che giấu được, nhưng thường vẫn bị phát hiện dễ dàng

 Làm hại người vì tạo điều kiện để bản thân họ tưởng nhầm rằng họ thực sự tài giỏi hoặc người khác đánh giá sai về họ, tường rằng họ muốn được ca ngợi, được tâng bốc như vậy. Có một lời khuyên rằng muốn làm hại ai thì tìm cách ca ngợi họ, tâng bốc họ thật nhiều vào.

Khen những điều hay, việc tốt mà vừa xem qua nhiều người thấy được, đó là lời khen tầm thường. Lời khen có giá trị khi phát hiện ra cái hay, cái tốt bị ẩn giấu, giống như tìm được bông hoa thơm và đẹp bị khuất sau nhiều lớp lá, tìm được viên ngọc quý lẫn trong đống cát sỏi.

Xu thế chê bắt đầu bằng sự nghi ngờ mức độ chính xác của thông tin. Thử đảo ngược kết luận xem có nghe được hay không. Kế đến đặt ra và trả lời các câu hỏi liên quan đến thông tin đó. Ngoài một số câu hỏỉ đã nêu ở mục 1.3 (Tư duy phản biện) thì nên đặt thêm các câu hỏi sau: Việc gì, ở đâu, khi nào, như thế nào, ai trình bày, mục tiêu của việc đưa tin, nguyên nhân, chứng cứ v.v…

Không phải tất cả các câu hỏi đều có thể trả lời ngay, mà cần suy nghĩ, tìm kiếm, xác minh. Phải tránh lối mòn của tư duy cảm tính.Phải hết sức cẩn thận khi vừa phát hiện ra lỗi của người ta. Phải lật đi lật lại xem mình có hiểu nhầm, có bỏ sót chỗ nào không. Rất thường gặp môt câu, một ý, mới đọc qua, mới nghe qua thì thấy sai, nhưng sau khi đọc kỹ, hiểu kỹ mới thấy nó đúng. Lúc này mà vội vàng phê phàn thì rồi sẽ hối hận và rất khó chữa được chỗ sai của mình. Khen ai mà khen không đúng đã tự làm hại. Chê ai mà chê không đúng thì càng tự làm hại nhều hơn.

 Ngược lại, có câu, có ý mới đọc qua tưởng là rất đúng, phân tích kỹ mới thấy nó ẩn chứa cái sai. Lại cũng có những cái sai được chủ thể ngụy trang rất khéo mà nếu thiếu nhạy bén của tư duy rất khó thấy được. Vạch ra được những cái sai do ngụy biện mà chủ thể cố tình lừa dối mới là phản biện sắc sảo.

Trong quá trình phản biện, để tránh sự nhầm lẫn khi chê ai diều gì mà trao đổi được với chủ thể thông tin thì tốt. Nếu không thể trao đổi thì phải rất thận trọng khi đưa ra một kết luận phê phán cái gì đó.

Khi phát hiện điều mà sau khi đã suy xét kỹ, thấy ngược với quan điểm của mình thì cũng chưa nên vội kết luận gì về chủ thể vì hai lý do. Thứ nhất là điều đó được trình bày có thể là chủ tâm, cố ý hoặc vô tình. Thứ hai là mức độ. Điều đó là sai hay chỉ là nhầm lẫn. Khi chủ thể vì vô tình mà phạm nhầm lẫn thì lỗi nhẹ hơn nhiều việc cố ý bảo vệ những điều phản đạo lý, phản tiến bộ, trái với tự nhiên.

 

3.5 VIẾT BÀI PHẢN BIỆN

Khi chưa quen với việc phản biện thì tập dần. Ban đầu chỉ nên tiến hành với thông tin đơn giản để rút kinh nghiệm.

Phản biện, trước hết là những ý nghĩ trong đầu, sau phải thể hiện thành văn bản hoặc lời thuyết trình.

Trong trường phổ thông học sinh đã được học cách viết văn nghị luận. Viết phản biện chủ yếu là làm văn nghị luận. Nghị luận một ý, một câu, một bài, một tác phẩm. Bài phản biện thường gồm ba phần: Mở đầu, thân bài và kết luận.

Mở đầu trình bày đối tưọng được phản biện, cơ bản là nội dung và xuất xứ.

Nội dung hông tin, khi nó được trình bày tương đối ngắn gọn thì nên được thuật lại toàn bộ. Khi nó khá dài thì cần được tóm tắt những ý chính. Việc tóm tắt này phải khách quan, trung thực, thể hiện đúng vấn đề chủ thể muốn trình bày, không được thêm vào những suy luận theo ý chủ quan của người phản biện làm thay đổi nội dung chính của vấn đề, không được cắt bỏ những từ, những câu hoặc đoạn nếu sự cắt bỏ ấy có thể làm người đọc hiểu sai bản chất của vấn đề.

Xuất xứ của thông tin cần ghi rõ nguồn và chủ thể (tác giả). Với thông tin bằng văn bản cần ghi tên văn bản, tên sách, báo, tạp chỉ hoặc tài liệu chứa văn bản cùng ngày phát hành, số mục hoặc trang. có những chi tiết cần thiết để ai muốn tra cứu đều tìm được nguyên tác.

Thân bài trinh bày ý kiến nhận xét, đánh giá, phản biện về từng vấn đề trích ra từ nội dung văn bản. Đây là phần chính của bài phản biện, trong đó chủ yếu trình bày ý kiến cua người làm phản biện, ngoài ra có thể trình bày những ý kiến tham khảo của người khác. Việc tham khảo chỉ nên hạn chế ở mức độ vừa phải, không nên để các ý kiến tham khảo chiếm phần lớn thân bài. Sử dụng quá nhiều tham khảo, dù đó là ý kiến của những người nổi tiếng, chứng tỏ người phản biện còn thiếu tự tin.

Ý kiến phê phán một điều gì chủ yếu là đem điều đó so với tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn cơ bản đã trình bày ở mục 1.3 (Tư duy phản biện). Ở đây trình bày thêm vài ý quan trọng.

Tiêu chuẩncơ bản là đem áp dụng vào thực tế xem nó sẽ mang lại điều gì.

Điều đúng, tốt, thiện lương sẽ mang lại lợi ích cho xã hội, hạnh phác cho mọi người, bảo vệ nhân quyền và dân quyền, là đúng Đạo Trời, hợp lòng người. Tiếp theo là không trái với luật pháp và phong tục, không vi phạm đạo lý làm người, không dẫm đạp lên công lý.

Điều sai, xấu, ác là làm ngược lại những điều vừa kể, là độc tài độc đoán, là làm những việc ích mình hại người, lợi ít hại nhiều, phản đạo lý, phản tiến bộ,

Nếu chưa thể dùng thực tế kiểm nghiệm thì xem cách trình bày có vi phạm những quy luật logic, những nguyên tắc của suy luận hay không, có dùng ngụy biện hay không, đòng thời vạch ra và phân tich những ngụy biện.

Sau khi viết ra giấy môt bài phản biện thì rất nên tiến hành xem kỹ lại các ý và câu văn. Đó là việc tự soát xét, tự kiểm tra, tự phản biện. Phần lớn phải sửa chữa, điều chỉnh nhiều lần mới có được một bài phản biện có giá trị. Cơ bản của việc soát xét là tim ra và loại bỏ những ý, những câu chưa đủ độ chính xác, loại bỏ những điều quá đơn giản, không cần viết ra mà ai cũng biết hoặc những điều không liên quan gì đến thông tin đang được phản biện, sửa chữa những câu còn tối nghĩa, những câu văn trục trặc hoặc chưa được súc tích

Kết luận tóm tắt một cách ngắn gọn các nội dung chính, làm nổi bật lên xu thế chủ yếu của phản biện là khen hay chê, hoặc khen chỗ nào, chê chỗ nào, đồng thời nêu ra những lưu ý đối với người thứ ba.

3.6- HỌC NÓI ĐỂ PHẢN BIỆN TRỰC TIẾP HOẶC THUYẾT TRÌNH

Phản biện trực tiếp của B đối với A khi hai bên đối mặt nhau trong đối thoại, tranh luận, hoặc khi B có mặt lúc A đang trình bày ý kiến mà B thấy không thể giữ im lặng, thấy cần nói ra lời phản biện. Lúc này chủ yếu là dùng lời. Trước khi phản biện nên lịch sự hỏi người ta, rằng tôi thấy cần trình bày vài ý kiến, có được không. Chỉ khi có được sự đồng ý mới nên nói, còn không thì chờ dịp khác, không nên chen ngang một cách thô lỗ, dẫn đến cãi cọ, phản ứng bất lợi.

Có những trường hợp không phản biện bằng văn bản mà bằng một bài thuyêt trình trước một số đông người.

Phản biện trực tiếp bằng lời cũng như thuyết trình, gồm hai phần: nội dung và hình thức. Nội dung là những ý kiến, những lập luận phản biện. Hinh thức bao gồm ngôn từ và thái độ trình bày.

 Nội dung cần được chuẩn bị kỹ trong đầu trước khi nói ra (uốn lưỡi bảy lần), phải có lập luận chặt chẽ, đừng vội nói theo cảm tính. Khi phản biện trực tiếp phải khẳng định được rằng mình đã nghe rõ, hiếu đúng ý người ta muốn nói, rất cần tránh sự hiếu nhầm,(nghe sấm tưởng tiếng bom, nghe cười tưởng nhầm là khóc). Nếu còn có chút nghi ngờ thì cần hói để người ta nói lại hoặc giải thích. Có thể không cần hỏi mà nói ra sự tiếp nhận của mình (điều bạn vừa nói, tôi hiểu như thế này….., có phải thế không). Rất cần tránh sự hiểu nhầm ý của người ta rồi ra sức tán dương hoặc phê phán điều lạc đề đó, đến nỗi sau khi mình hùng hổ nói xong, nhận được câu trả lời: Xin lỗi, bạn dẫn ra những điều ở đâu hoặc do bạn nghĩ ra chứ tôi  không hề có những ý kiến như vậy.Trả lời như thế là còn giữ lịch sự, chứ nói  đúng ra là “Sao bạn lại bịa đặt và vu cáo như vậy”  Lúc này nếu để tự ái nổi lên, bạn sẽ quy kết: “Đã nói ra, tôi nghe rõ ràng mà còn chối”. Thế là bắt đầu cãi nhau, người nói có, kẻ nói không.

Chuẩn bị nội dung cho phản biện bằng thuyết trình cũng giống như chuẩn bị viết bài phản biện, nhưng cách thể hiện ra bằng văn bản tùy thuộc vào trình độ. Vốí người chưa quen lắm với thuyết trinh, còn ít kinh nghiệm thì nên viết ra giấy toàn bộ văn bản với chú ý văn nói có khác so với văn viết để đọc. Viết ra không phải để đọc mà để dựa vào đấy mà nói, mà trình bày, Với người đã quen và có kinh nghiệm có thể không cần viết ra toàn bài mà chỉ chuẩn bị các ý bằng những gach đầu dòng. Với người đã khá thành thạo thì quan trọng là sự chuẩn bị nhuần nhuyễn trong đầu, có thể chỉ cần ghi ra giấy vài ý chínhcủa dàn bài.

Về hình thức, có thái độ và giọng nói. Thái độ cần bình tĩnh, lịch sự, hòa nhã, tôn trọng. Giọng nói cần rõ ràng mà ấm áp, tránh nói quá bé hoặc cao giọng, to tiếng. Hãy suy nghĩ kỹ, ý tứ rõ ràng mới nói để tránh sự ấp úng, ngập ngừng. Nói cho suôn câu, tránh nói kiểu phát âm từng tiếng rời rac (nhát gừng), tránh lặp một số từ một cách không cần thiết.

Không nên nhầm phản biện với hùng biện. Hùng biện chủ yếu dùng lời nói hấp dẫn, đầy sinh lực, lôi cuốn với nội dung rõ ràng, với thái độ thân thiện và tôn trọng. Phản biện và hùng biện có mục đích và cách thể hiện khác nhau, nhưng trong hùng biện có thể có phản biện và trong phản biện trực diện rất cần đến hùng biện.

Để luyện được một giọng nói ấm và vangthì quan trọng là luyện phổi bằng cách tập thở sâu, dài đểtăng dung tích, tăng sức mạnh của phổi, tiếp theo luyện cơ quan phát âm bằng cách hát to hoặc đọc to các bài thơ, bài văn yêu thích, đọc với giọng diễn cảm. Hãy tập thuyết trình, ghi âm rồi nghe lại. Có nghe lại mới dễ phát hiện ra nhược điểm đểbiết mà sửa chữa. Khi nghe người khác thuyết trình, ngoài việc quan tâm đến nội dung cũng nên chú ý đến hình thức trình bày của người ta để học tập , rút kinh nghiêm.

 

3.7- PHÁT HIỆN VÀ PHẢN BÁC NGỤY BIỆN

Để phát hiện được ngụy biện một cách kịp thời không hề dễ. Phải khá thành thạo về các phương pháp suy luận, phải có được nhạy cảm trong đánh giá.

Để phát hiện ngụy biện thì trước hết cần hiểu thế nào là ngụy biên, ngoài phần lý thuyêt cần tham khảo một số bài về phản bác ngụy biện để có ấn tượng.

Đầu tiên cần xem kỹ thông tin, xem kết luận không đáng tin ở điểm nào, dựa vào luận cứ nào, lập luận thế nào để rút ra kết luận đó. Về luận cứ cần đối chiếu thực tế. Về lập luận đối chiếu với những quy tắc của logic. Khi đã phát hiện được điều mà người ta dựa vào đó để ngụy biện thì sẽ xuất hiện cách phản bác.

Để phản bác điều nào phải trích ra nguyên văn, đầy đủ điều đó. Tốt nhất là dẫn ra toàn bộ thông tin hoặc tối thiểu phải cung cấp nguồn để những ai muốn kiểm chứng có thể dễ dàng tra cứu. Việc cắt xén hoặc không trích dẫn rồi vu vạ cho chủ thể những điều mà họ không chủ trương là việc làm xảo trá, vô đạo đức.

3.8-ĐIỀU KIỆN CẦN, NĂNG KHIẾU,ĐẠO ĐỨC NGƯỜI PHẢN BIỆN

3.8.1.Điều kiện cần và đủ khi làm phản biện

Người làmphản biện một vấn đề nào đó cần phải có hiểu biết sâu sắc lĩnh vực của vấn đề. Không có được sự hiểu biết kỹ lưỡng mà vội vàng phản biện thì khó tránh khỏi nhầm lẫn, thiếu sót. Ngoài nội dung chuyên môn còn rất cần nắm được phương pháp làm phản biện, nắm vững các phương pháp suy luận, có kinh nghiệm phát hiện và phản bác ngụy biện. Trước khi phản biện rất cần xem đi, xem lại thật kỹ nội dung và cách diễn đạt vấn đề để hiểu đúng, hiểu hết, tránh việc bỏ qua vài chi tiết hoặc ẩn ý mà chủ thể đã cài đặt. Khi diễn đạt những vấn đề phức tạp hoặc tế nhị người ta thường khó trình bày được thật tường minh, nếu chỉ xem qua dễ bị hiểu nhầm đến nỗi “trông gà hóa cuốc, nhìn chữ tác thành chứ tộ”, thế rồi phản biện nhầm, gây ra những lệch lạc không đáng có.

Phản biện trực diện cần bình tĩnh, tự tin, lắng nghe chăm chú để hiểu rõ ý chính, cơ bản điều cần phản biện. Hết sức tránh để cảm xúc chen vào, lấn át lý trí. Khi nghe được điều gì đó gây nên cảm xúc mạnh thì chớ vội phản ứng lại ngay. Hãy giữ bình tĩnh, hãy dùng lý trí để phân tích, sau đó nếu thật cần mới nói lời phản biện. Phản biện trực diện thường diễn đạt bằng lời nói, rất cần khả năng linh hoạt của tư duy và sự trong sáng của ngôn ngữ. Khi phản biện trực diện rất cần cảnh giác để không mắc vào bẫy khiêu khích hoặc lừa dối của đối phương làm cho mất bình tĩnh hoặc lạc đề.

Điều kiện đủ để làm phản biện là nắm vững các phương pháp suy luận, thich thú và tìm thấy ý nghĩa của việc làm phản biện, ngoài ra còn nên có một trí nhớ tốt.

Khi phản biện (đặc biệt là khi chê) cần dự đoán sự tiếp nhận hoặc phản ứng cua chủ thể thông tin. Người chính nhân, quân tử sẽ có thái độ đúng đắn, bình tĩnh. Người có văn hóa thấp, lại có quyền lực rất dễ có phản ứng thô bạo khi bị phê phán, bị vạch ra những sai lầm, thiếu sót. Những người này đã quen được nịnh hót, tâng bốc. Họ rất ghét, để tâm thù hằn và tìm cách hãm hại những ai có ý kiến bất đồng, dám đụng đến nhýợc điểm của họ. Để phản biện ý kiến của những người như vậy cần có lòng cương trực và đức tính dũng cảm, trong một số trường hợp còn phải biết sợ. Biết sợ là để không sợ, để tìm cách phòng tránh chứ không phải biết sợ để không làm. Sợ quá để không dám phản biện những sai trái là loại người hèn yếu, chỉ lo cho sự yên ổn của bản thân.

3.8.2. Năng khiếu phản biện

Làm phản biện theo yêu cầu chủ yếu cần trình độ và trách nhiệm, Làm phản biện theo sở thích, ngoài trình độ và trách nhiệm thường còn cần đến năng khiếu. Năng khiếu này chủ yếu do bẩm sinh, được phát triển và hoàn thiện do học tập, rèn luyện.

Người có năng khiếu phản biện có đức tính yêu thích cái mới, thích tìm tòi sáng tạo, rất khó chịu khi gặp phải những điều vô lý, lạc hậu, trì trệ. Họ luôn độc lập suy nghĩ, không a dua theo ngươi khác, họ rất muốn sáng tạo, cải tạo để cho tình hình, công việc trở nên tốt hơn, hợp lý hơn. Họ có tư duy linh hoạt, nhạy bén, họ có lòng dũng cảm dám vạch ra những sự thật bị che giấu, vạch ra những dối trá được cài đặt, vạch ra những ngụy biện được cố tình dùng để lừa bịp.

Những người có năng khiếu phản biện thường có chung những đặc điểm sau đây, bắt đầu băng khả năng tự nhận thức:

Thích tìm hiểu về nhiều chủ đề đa dạng, luôn muốn có kiến tức mới;

Kịp thời biết được  những đối tượng mà họ có thể dùng tư duy phản biện;

 Tự tin vào  kiến thức vàphương pháp lập luận của mình;

 Hiểu được những quan điểm của người khác, họ lắng nghe để tham khảo chứ không phải vì không biết mà làm theo ý của người khác.

 Có sự khách quan trong việc đánh giá lý lẽ;

 Tự nhận thức được những định kiến và những khiếm khuyết của mình;

Không bảo thủ, sẵn sàng thay đổi một quan điểm sai sau khi tiếp nhận kiến thức mới, chinh xác hơn, tiến bộ hơn.

 

3.8.3- Những cản trở tư duy phản biện

Có một số người rất khó tiếp nhận tư duy phản biện, không thể thực hành phản biện. Họ có điểm chung là kém trí tuệ, lười suy nghĩ, phần lớn họ là sản phẩm của một nền giáo dục sai lạc của gia đình và nhà trường, nền giáo dục nhằm đào tạo ra những trẻ ngoan, chỉ biết vâng lời, không dám độc lập suy nghĩ. Có thể ghép họ vào một trong hai nhóm. Nhóm một gồm những người bảo thủ, họ có sức ỳ tâm lý rất mạnh, cho rằng mọi cái tồn tại đều hợp lý nên không cần sứa đổi, không cần cải cách những việc đã làm quen rồi, họ chống lại đổi mới. Nhóm hai gồm những người kém trí tuệ, lười suy nghĩ, quen sống dựa vào người khác, sợ tranh luận, sợ đụng chạm vào truyền thống và lễ giáo.

Những người không có được suy nghĩ độc lập, tích cực đành chấp nhận một cuộc sông lệ thuộc, tối tăm, để cho người khác sai khiến.

3.8.4-Đạo đức người phản biện

Đạo đức cơ bản của người làm phản biện là trung thực, khách quan, không để cho càm tình cá nhân xen vào. Phản biện chủ yếu nhằm vào thông tin, không cần hoặc nhẹ về nhận xét hoặc đánh giá chủ thể.

Phản biện là dùng trí tuệ, dùng lập luận để chỉ ra cái đúng cái sai, điều hay điều dở trong thông tin, không phải nói ngang, phê bừa, không được nhân việc phản biện một thông tin rồi kéo dây cà dây muống ra những việc không liên quan đến thông tin đó.

Phản biện chủ yếu hướng vào nội dung thông tin.Còn đối với chủ thể thì sao?

Tốt nhất là đặt con người sang một bên. Tuy vậy thông tin gắn với chủ thể, người đưa ra thông tin đó. Phản biện thông tin khó tránh khỏi đụng chạm đến chủ thể, nhưng phải hạn chế trong phạm vi quan điểm liên quan mật thiết đến thông tin. Không được phép nhân cơ hội phản biện thông tin mà công kích cá nhân, mà nói xấu, bôi nhọ.

Trường hợp khẳng định được chủ thể có ý định xấu xa, cố tình ngụy biện để lừa dối, nhằm thực hiện mưu đồ không trong sáng thì có thể vạch ra một số tính cách và hành động xấu trước đây của họ để cảnh tỉnh mọi người..Làm việc này là bất đắc dĩ và phải tuyệt đối trung thực.

Khi gặp một thông tin mà mình nghi ngờ tính chính xác nhưng chưa đủ kiến thức để phản biện thì chỉ nên nêu ra nghi ngờ mà chưa vội kết luận gì cả. Nếu muốn phản biện, muốn đưa ra kết luận thì phải tìm chứng cứ và lập luận, phải xem đi, xét lại chứ không thể vội vàng. Khen ai mà khen sai thì đã mang tiếng bợ đỡ, nịnh hót. Chê ai mà chê sai thì không những mang tiếng bịa đặt, vu cáo mà còn có thể gây thù chuốc oán, tự làm hại mình.

Trung thực còn thể hiện ở chỗ biết thì nhận là biết để có thể phát biểu ý kiến, không biết nhận là không biết để im lặng mà lắng nghe. Là nhà khoa học, được mời phản biện luận án hoặc công trình nghiên cứu, khi nó phù hợp với kiến thức thì có thể nhận làm, còn khi không thật phù hợp thì phải từ chối, không được phép nhận làm phản biện xằng rồi chỉ có thể nêu ra những lời chung chung, chủ yếu nhận xét về hình thức. Nhận xét về hình thức cũng cần, đó là việc của biên tập chứ không phải là việc chủ yếu của người phản biện nội dung khoa học.

Phản biện là việc làm công khai, minh bạch, (trừ phản biện kín theo yêu cầu) tốt nhất là để chủ thể biết được phản biện đó. Không làm phản biện theo lối nói sau lưng người ta.

Nói rằng phản biện thông tin chứ không đánh giá chủ thể. Có thể không cần biết chủ thể là ai, nhưng cũng rất nên biết chủ thể thuộc loại nào, bạn bè, đồng nghiêp hay là thế lực đối lập.

Trong việc phê bình, nhận xét, người ta đề cao thái độ “Đắc nhân tâm”. Rất cần đắc nhân tâm thông thường với bạn bè đồng nghiệp. Nhưng đối với thế lực đối lập cần phải có kiểu đối xử khác….

Có những người tuy đối lập về quan điểm, đường lối, mà họ là những người thông minh, có thiện chi nên đối với họ những lời phản biện, thậm chí những chỉ trích gay gắt đều được họ lắng nghe. Nhưng có những kẻ vừa đối lập về quan điểm, vừa kém trí tuệ lại thích độc đoán nên rất căm thù mọi lời phê phán, góp ý, họ chỉ mở rộng lỗ tai để nghe lời tụng ca. Với loại sau, dùng đắc nhân tâm thông thường trong việc phản biện là không có ích lợi gì mà nhiều khi còn gây nên phản tác dụng. Với loại này có lẽ phải dùng biện pháp chủ yếu là chỉ trich, đấu tranh.

Tôi khá tâm đắc với câu phát biểu của Lưu Á Châu,(Thượng tướng không quân của Trung quốc”). đại ý như sau : “Moi móc, phê phán những thói tật của hàng xóm, bạn bè là kém về đạo đức. Nhưng biết vach ra những sai lầm của Học thuyết khoa học, của đường lối chính trị là Nhà triết học”.

Để làm phản biện còn đòi hỏi đức tính kiên nhẫn, thận trọng, bình tĩnh, không vội vàng, hấp tấp. Có những điều, mới xem qua tưởng là sai, nhưng khi xem kỹ lại mới thấy là đúng, và ngược lại. Đặc biệt có những tác giả thâm thúy, họ không viết ra tường minh trên giấy những ý tưởng sâu kín mà chúng được ẩn giấu giữa các hàng chữ, đàng sau những câu văn.

Người phản biện cần đức tính khiêm tốn. Phản biện được là giỏi, nhưng còn có nhiều người giỏi hơn. Phản biện ý kiến người khác là cần, nhưng tự phản biện còn cần hơn, và ý kiên của mình cũng rất nên được người khác phản biện.Làm được một việc nào đó hơi khác biệt rồi tự khoe là giỏi, rồi kiêu ngạo là hạng người kém trí tuệ.

Một việc cần hết sức tránh là nấp dưới danh nghĩa phản biện để bịa đặt nhằm công kích cá nhân, nó thể hiện sự thâm độc, đểu cáng của loại người nham hiểm. Họ trích dẫn vài ba chữ hoặc một đoạn ngắn trong một câu dài của người ta rồi gán ghép, xuyên tạc, bịa đặt để kết tội. Thậm chí họ dựng lên một chuyện, viết ra một câu mà người ta không làm, không nói rồi phê phán việc đó, câu nói đó.Làm như thế không phải là phản biện mà là vu cáo, là gắp lửa bỏ tay người của những kẻ thiếu nhân cách.

Trước một vấn đề, bạn chọn giải pháp A, tôi chọn B, mà A và B có chỗ trái ngược nhau. Lúc này để biết đúng sai phải rất thận trọng, phải biết tôn trọng sự bất đồng. Khi tôi chọn B vì cho B đúng rồi quả quyết rằng mọi người chọn A là sai, lại muốn họ từ bỏ A để theo B thì đó là một hành động mang tính áp đặt ngu xuẩn, không biết tôn trọng người khác.

Làm phản biện cần thể hiện đức tính biết tôn trọng sự bất đồng.

Trừ một số vấn đề phổ quát của nhân loại mà chân lý đã tương đối rõ, được nhiều người công nhận, được thực tế chứng minh thì có thể tạm phân biệt được đúng sai, còn nhiều vấn đề trong đời thường thì rất có thể cả A và B đều đúng, mỗi thứ đúng ở vài khía cạnh nào đó, hợp với chủ thể. Khi mình chọn B mà người khác chọn A thì trước hết nên tìm hiểu người ta chọn A vì lý do gì, biết đâu những lý do đó trước đây mình chưa nghĩ tới, đồng thời soát xét xem mình chọn B vì lý do gì, nó có còn đứng vững nữa hay không. Như thế có khả năng xảy ra là minh cứ giữ B và tôn trọng người ta giữ A, hoặc mình từ bỏ B mà theo A.

Khi có đủ căn cứ để khẳng định A sai, làm phản biện không có nghĩa là buộc A thay đổi, mà chủ yếu là giúp A nhận ra chỗ sai để tự thay đổi. Làm phản biện là dịp tốt tìm hiểu các quan điểm khác vói mình, làm phong phú thêm nhận thức. Rất có thể khi nghiên cứu quan điểm đối lập mà phát hiện ra những hiểu biết chưa đầy đủ của mình, sửa được các sai sót đó.

Có tư duy phản biện, biết làm phản biện là cần, là tôt, nhưng nếu sử dụng nó không đúng lúc, không đúng chỗ, gặp điều gì hơi bất đồng đã vội phản biện thì dễ trở thành kẻ hay gây sự, hay xoi mói.

Làm một người phản biện lương thiện còn cần có lòng bao dung. Thể hiện lòng bao dung khi thông cảm được với trình độ và điều kiện của người có ý kiến khác, ngược với mình, nghĩ rằng nếu mình ở vào hoàn cảnh như họ thì có lẻ cũng suy nghĩ như họ hiện nay. Trừ trường hợp người ta biết sai mà cố tình bảo vệ nó để mưu cầu một lợi ích bất chính thì cần thẳng thắn vạch trần ra để đấu tranh, lúc này lòng bao dung nên lùi xuồng, nhường chỗ cho lòng chính trực.

3.9-TIẾP NHẬN PHẢN BIỆN

Thái độ của chủ thể thông tin khi tiếp nhận phản biện thể hiện kiến thức và trình độ văn hóa của họ.

Người có kiến thức và trình độ văn hóa cao luôn bình tĩnh, vui vẻ tiếp nhận phản biện dù được khen hay bị chê. Khi xét thấy lời khen hay chê là đúng thì họ tỏ lòng biết ơn người phản biện. Lúc không đồng ý với phản biện thì xem kỹ lại thông tin mình đưa ra, liệu có chỗ nào chưa rõ, làm cho người phản biện hiểu nhầm hay không.Nếu nhầmthì tự nhận lỗi và tìm cách sửa chữa. Khi được tâng bốc quá sự thật họ xấu hổ và tìm cách cải chính. Trường hợp không thể chấp nhận lời phản biện chê bai vì rất tự tin điều mình trình bày là chính xác, hơp lý thì suy nghĩ xem người phản biện chê như vậy là có thiện ý hay ác ý.

Trước hết nên thiên về thiện ý, nghĩ rằng họ có lý của họ khi cho rằng ta bị sai, vậy lý của họ như thế nào, ở đâu ra. Lúc này cần đến lòng bao dung, độ lượng, thực sự cầu thị. Khi phát hiện nội dung phản biện có những điểm không chập nhận được thì ta có thể phản biện lại. Phản biện rồi phản biện lại tạo thành cuộc trao đổi, thảo luận hoặc tranh luận. Trong việc này không đặt mục đích làm rõ ai thắng ai thua mà phải nhắm tới làm rõ ý nào được hai bên thống nhất, cùng chấp nhận, ý nào chưa thống nhất. Cũng có thể hai bên không thống nhất được ý nào cả, lúc này hãy để cho dư luận cộng đồng đánh giá.

 Người có ác ý khi không tập trung phản biện nội dung mà chỉ lợi dụng việc phản biện để công kích con người, để vu cáo và mạt sát nhằm thực hiện ý đồ xấu xa, thỏa mãn lương tâm đen tối. Lúc này người có trí tuệ và bản lĩnh cao nên lờ đi, không nên tự hạ thấp mình để đôi co với kẻ kém phẩm chất.

Chủ thể có trình độ văn hóa thấp, đặc biệt là những kẻ độc tài, có kiến thức nông cạn, thích nịnh bợ, sẽ vui mừng khi được khen, được tâng bốc, phản ứng khi bị chê, bị nhận xét không vừa ý. Họ không hiểu rằng, được nghe lời khen, dù khen đúng, ngoài việc làm sướng lỗ tai thì không giúp ích được gì, còn khen nịnh bợ thì lại làm hại. Khi nghe lời chê hoặc phê phán thì khó chịu cái lỗ tai đấy, nhưng khi chấp nhận được những lời ấy thì sẽ có ích cho sự trưởng thành và tiến bộ.

Những kẻ độc tài, những kẻ quá tự đề cao mình, có trình độ văn hóa thấp, khi nghe lời khen nịnh, tâng bốc sẽ vô cùng sung sướng, tự hào, khoe khoang, còn khi bị chê, bị phê phán sẽ quằn quại như đỉa phải vôi, họ tìm cách dùng quyền lực để trả thù, để triệt hạ người dám phản biện họ. Đó là loại người có phẩm chất quá thấp kém, làm cản trở sự phát triển của xã hội.

( còn tiếp - 3 - )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét