Tranh
Scream của Evard Munch
Trên trang facebook
của mình, luật sư Lê Ngọc Luân có viết rằng ông đột nhiên nhận được rất nhiều
câu hỏi, xin ý kiến, về việc phải làm sao khi bị công an bắt về đồn. Tóm tắt
các thư và tin nhắn hỏi về vấn đề pháp lý, ông Luân nói mối quan tâm lớn của
dân chúng chỉ là “Nếu bị bắt, phải làm thế nào để tự bảo vệ bản thân và không
bị chết?”.
Không phải vô cớ mà
ngày 8/2/2017, luật sư Lê Ngọc Luân phải giải đáp ngay các thắc mắc ấy. Vì chỉ
mới trước đó một ngày, tin tức trên nước Việt Nam lại loan đi chuyện một người
đàn ông bị giải về đồn công an (xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) và bất
ngờ tìm thấy đã chết treo cổ bằng sợi dây giày của chính ông. Nguyên nhân được
công an Nghệ An đưa ra, giống như là, do đã tấn công vợ nên người đàn ông này
hối hận và tự tử.
Có thể đó là một vụ tự
tử thật. Nhưng ai ai khi đọc bản tin này cũng cảm thấy gờn gợn. Bởi ở Việt Nam , tình trạng
tự chết trong đồn công an đã hết sức phổ biến. Chính báo chí nhà nước cũng tiết
lộ rằng trong ba năm (từ tháng 10-2011 đến tháng 9-2014) đã có đến 226 thường
dân chết trong các trại tạm giam, tạm giữ. Và phần lớn tin tức đưa trên báo
chí, đều có phần định hướng dư luận là tự tìm đến cái chết. Trong những vụ tự
chết này, cũng có không ít vụ bị khám phá rằng thường dân bị các nhân viên công
an tra tấn đến vong thân.
Hình như có chút bất
an trong đất nước có chỉ số hạnh phúc cao ngất thì phải. Trong lời tư vấn của
một luật sư tên tuổi như ông Lê Ngọc Luân, có hai chi tiết đáng nhớ. Đó là ông
căn dặn mọi người đừng để bị ai gài bẫy về việc “nhận tội để được khoan hồng”,
cùng với việc “may mắn” thì được các nhân viên công an hợp tác trong việc tiếp
cận vụ án, còn không thì chết dở.
Lời nhắc của ông Luân
khiến người ta nhớ rằng trên mọi con đường đô thị hay làng quê Việt Nam , bất kỳ ở
đâu người ta có thể nhìn thấy tấm bảng đỏ chói với hàng chữ vàng “sống và làm
việc theo pháp luật”. Những tuyên ngôn đó, đôi khi có kích cỡ lớn đến mức không
khác gì phông màn của một sân khấu rẻ tiền.
Trong bộ phim Red
Corner (1997), khi Jack Moore (diễn viên Richard Gere) là một doanh nhân Mỹ bắt
oan vì tội danh giết người tại Trung Quốc, luật sư bào chữa của nhà nước cử
đến, xuất hiện với câu nói đầu tiên là “anh nhận tội chưa, nhận tội thì sẽ được
khoan hồng”. Khi Jack phản đối và kêu oan, nữ luật sư này (diễn viên Bai Ling)
giải thích rằng một khi đã bị bắt, tự khắc là có tội, bởi công an không thể
sai. Và nếu nhận tội thì hình phạt sẽ là được chết nhanh chóng và êm ái hơn.
Dĩ nhiên, đó là chuyện
phim ảnh. Nhưng so với những gì đã diễn ra, đặc biệt với những vụ án oan như
của ông Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn… tình tiết ấy xem ra cũng thật gần gũi.
Tháng 4/2015, khi còn
là chủ tịch Quốc Hội, ông Nguyễn Sinh Hùng được báo chí dẫn lời là ông xúc động
khi hay tin số thường dân chết trong đồn công an, theo tổng kết là nhiều đến
đơn vị hàng trăm.
Nhưng xúc động thôi
thì không đủ. Người lãnh đạo có nhân cách cần phải biết nhục nhã khi hiện trạng
đất nước bất an và vô pháp như vậy. Một khi đất nước luôn cờ phất trống gióng
về chỉ số hạnh phúc, về dự báo phát triển kinh tế như sấm giật… nhưng thủy điện
vẫn mỗi năm thản nhiên nhấn chìm làng mạc và con người, người bệnh còn chen
chúc nhau nằm ở hành lang, ở gầm giường… thì lãnh đạo phải biết tự sám hối về
khả năng của mình.
Khi cá vẫn còn chết
nằm dạt trên bãi biển, người dân cùng cực và nhà máy thủ phạm Formosa vẫn được
các lực lượng tinh nhuệ của nhà cầm quyền bảo vệ, bằng chính tiền thuế của
người dân, thì các nhà lãnh đạo đã tạo dựng nên con quái vật đó phải biết cúi
mặt, nhận thấy sự đồi bại của mình.
Người lãnh đạo lừa dối
dân chúng, tổ chức trình diễn việc ăn những con cá đem về từ vùng biển an toàn,
để chứng minh biển không nhiễm độc, thì chính họ cũng cần phải soi gương để
nhận ra sự ghê tởm tràn ra từ chính bộ mặt mình. Quan trọng là họ cần sớm nhận
ra quyền lực đang có chỉ là áp đặt trong sự khinh bỉ của nhân dân.
Thật lố bịch. Khi nhà
cầm quyền yểm trợ cho quan điểm bỏ Tết cổ truyền vì cho rằng ngày lễ cổ hủ, ăn
chơi dài ngày. Nhưng chính các nhà lãnh đạo nơi nơi là người vẽ ra các lễ hội
man rợ và phi dân tộc tính. Không đâu như đất nước này, một năm có hơn 8000 lễ
hội, trung bình một ngày có 22 lễ hội diễn ra. Thật khó tìm một người lãnh đạo
tử tế trong số đó, vì nếu có thì ắt họ đã phải biết xấu hổ vì sự suy đồi của họ
đang trây trét khắp đất nước, từ chuyện treo cổ trâu đến phanh thây lợn.
Liệu năm 2017 này, còn
có người dân nào tự chết trong đồn công an nữa không? Đó là một câu hỏi đầy
tính dự đoán u ám, nhất là trong bối cảnh báo chí đưa tin việc thượng cẳng hạ
tay của ngành công an nói chung với dân chúng vẫn nhan nhản xảy ra trên đường
phố.
Cũng từng chứng kiến
cảnh vô pháp và tàn bạo của công an trên đất nước mình, Michael Bassey Johnson,
nhà thơ và là nhà triết học xã hội ở Nigeria từng kêu lên rằng “Chính sách
khủng bố sẽ không bao giờ ngừng ở một quốc gia, khi người-được-gọi-là-lãnh-đạo
chính là bọn tội phạm và khủng bố giả danh” (Terrorism will never cease in a
country where the so-called leaders are criminals and terrorists in disguise).
Quả vậy, trừ phi những
nhà lãnh đạo là người tốt và biết xấu hổ về hiện trạng trên đất nước, nhân dân
mới có thể hy vọng về sự đổi thay từ chính nhà cầm quyền.
_____
Tham khảo
Tranh Scream của Evard
Munch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét