Nguyễn Đình Ty
17-2-2017
Ngày 19/12/2012, Đại tá Trần Đăng Thanh PGS
TS NGUT của Học viện Chính trị Bộ Quốc Phòng giảng về tình hình Biển Đông cho
các Bí thư Đảng ủy và Hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam, có nói “Từ thế
kỷ 13, vị Vua anh minh Trần Nhân Tông đã ra Tuyên Cáo rằng cái họa lâu đời của
chúng ta là họa Tầu Hán. Các ngươi phải nhớ lời ta dặn, một tấc đất của Tiền
nhân để lại cũng không được để mất vào tay kẻ khác…”. Xin giới thiệu bài tóm
tắt về cuộc chiến anh dũng của quân đội ta chống quân xâm lược Trung Quốc, để giữ
đất, bảo toàn lãnh thổ phía bắc Tổ Quốc ở Vị Xuyên – Hà Giang, kéo dài suốt 5
năm, từ 2/4/1984 đến tháng 4-1989:
5 năm sau khi kết thúc cuộc chiến tranh
biên giới Việt – Trung (vào 16/3/1979), ngày 2/4/1984 CHNDTH lại gây ra cuộc
chiến với Việt Nam
ở khu vực Vị Xuyên thuộc tỉnh Hà Tuyên và kéo dài đến 5 năm mới thực sự chấm
dứt (từ 2/4/1984 đến tháng 4/1989).
Lần này Đặng Tiểu Bình tự đặt tên cho cuộc
chiến là “Phản công tự vệ”, nhằm đánh chiếm 1 phần lãnh thổ của Việt Nam rộng
khoảng 50 Km2, đang thuộc quyền Việt Nam quản lý, nằm trong huyện Vị Xuyên,
thuộc Hà Giang của tỉnh Hà Tuyên. Ông ta lập luận phần đất này xưa kia là của
Trung Quốc, nay họ đánh chiếm lại.
Căn cứ bản đồ tỉ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư
Đông Dương (thời thuộc Pháp) xuất bản vào những thập niên 30, 40 và 50 của
thế kỷ 20 và bản đồ tỉ lệ 1/50.000 của Mỹ đã xuất bản thì phần đất đó thuộc
lãnh thổ Việt Nam, nằm bên trong đường biên giới, Suối Thanh Thủy và Sông Lô (xem bản đồ kèm theo). Bản đồ do Sở
Địa dư Đông Dương xuất bản được lập theo công trình phân giới và cắm mốc tại
vùng biên giới khu vực tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, liên quan đến địa bàn Vị
Xuyên thuộc Hà Giang của Việt Nam, thực hiện theo biên bản Pháp – Thanh phân
giới số 3, ký kết ngày 13/6/1897 (Bản sao
bản đồ của Sở Địa dư Đông Dương do nhà nghiên cứu Trương Nhân
Tuấn sưu tầm từ tài liệu lưu trữ của Trung tâm văn khố Hải ngoại Pháp ở Aix-en
Provence, gửi từ Pháp đăng trên BBC ngày 16/7/2016).
Địa bàn cuộc chiến và lực lượng mỗi bên:
Địa bàn chiến sự nằm trong phần đất được
gạch chéo trên bản đồ, giới hạn bởi đường biên giới, Suối Thanh Thủy và Sông
Lô, trong đó 2 điểm cao (đánh dấu ngôi
sao) đã xảy ra những trận giao tranh rất khốc liệt là điểm cao
1509 phía Việt Nam gọi là Núi Đất, phía Trung Quốc gọi là Lão Sơn và điểm cao
1250 phía Việt Nam gọi là Núi Bạc, phía Trung Quốc gọi là Giả Âm Sơn. Địa bàn
cuộc chiến này có chiều dài khoảng 20 Km chạy theo đường biên giới, vào sâu
trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,5 Km, tương ứng với chiều dài Suối Thanh Thủy
và đường biên giới. Khoảng cách giữa đường biên giới và Suối Thanh Thủy khoảng
2,5 Km.
Lực lượng mỗi bên:
– Trung Quốc: Theo tài liệu của Trung Quốc công bố, từ
1984 đến 1989, họ đã huy động vào cuộc chiến này 17 sư đoàn bộ binh, 5 sư đoàn
và lữ đoàn pháo binh thuộc các đại quân khu Côn Minh, Nam Kinh, Phúc Kiến, Tế
Nam, Lan Châu, Thành Đô. Tổng số quân Trung Quốc thay nhau tham chiến khoảng
nửa triệu người, trong đó nhiều đơn vị đã được huấn luyện chuyên nghiệp, không
còn là những nông dân chân đất cầm súng như hồi họ gây ra chiến tranh biên giới
với Việt Nam
năm 1979.
– Việt
Nam: đã huy động nhiều đơn vị chủ lực thay nhau tham chiến. Các
đơn vị tham chiến thuộc quân khu 1 là trung đoàn 2 của sư đoàn 3, trung đoàn
567 của sư đoàn 322. Các đơn vị thuộc quân khu 2 là các sư đoàn bộ binh 313,
314, 316, 356, các đơn vị pháo binh, xe tăng, đặc công, công binh, thông tin,
vận tải của quân khu 2, trung đoàn 247 của tỉnh đội Hà Tuyên, trung đoàn 754
của tỉnh đội Sơn La. Đặc khu Quảng Ninh có trung đoàn 568 thuộc sư đoàn 328
tham chiến. Các đơn vị chủ lực thuộc Bộ tham chiến có sư đoàn 31, sư đoàn 312,
sư đoàn 325. Ngoài ra còn nhiều đơn vị cấp đại đội, tiểu đoàn trực tiếp tham
chiến hoặc hỗ trợ chiến đấu.
Diễn biến cuộc chiến:
(theo ghi chép của Trường Sơn, phóng viên
chiến trường, đã đăng trên Infonet)
Ngày 26/3/1984: Trên tuyến biên
giới thuộc tỉnh Hà-Tuyên (khi đó Hà Giang và Tuyên Quang sát nhập thành tỉnh Hà
Tuyên nhưng chỉ Hà Giang có chung đường biên giới với Trung Quốc) Trung Quốc
tập trung 4 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn pháo binh của Đại quân khu Côn Minh
lên thê đội một, áp sát hướng Vị Xuyên – Yên Minh (Vị Xuyên và Yên Minh là 2
huyện của Hà Giang, nằm sát nhau và cùng sát biên giới).
Từ 2/4/1984 đến 27/4/1984: Riêng Hà Giang, kể cả thị xã Hà Giang
nằm cách biên giới 18 Km bị quân Trung Quốc bắn phá với khoảng 11.000 viên đạn.
5 giờ sáng 28/4/1984: Riêng trên hướng Vị Xuyên, pháo binh
Trung Quốc bắn khoảng 10.000 viên đạn chi viện cho bộ binh tấn công các trận
địa phòng ngự của Việt Nam
ở phía tây Sông Lô. Trung Quốc đã đưa vào trận chiến số quân đông gấp 6 lần so
với Việt Nam .
Cuối ngày 30/4/1984 quân Trung Quốc chiếm được điểm cao 1509 (Núi Đất – Lão
Sơn), điểm cao 772, điểm cao 685 tại bình độ 300-400 và 2 điểm cao 226, 233.
Trung đoàn 122 thuộc sư đoàn 313 của Việt
Nam bị tổn thất nặng, rút xuống phía dưới tiếp tục phòng ngự.
Ngày 30/4/1984: Trên hướng Yên Minh, quân Trung Quốc
đánh chiếm được điểm cao 1250 (Núi Bạc – Giả Âm Sơn) do tiểu đoàn 3 thuộc huyện
đội Yên Minh bảo vệ.
Ngày15/5/1984: Trên hướng Vị Xuyên quân Trung Quốc
tiếp tục tấn công vào phía đông Sông Lô, chiếm được khu vực Pa Hán và điểm cao
1030 (Đông Sơn) do trung đoàn 266 thuộc sư đoàn 313 bảo vệ. Cũng trong đợt này,
từ 28/4/1984 đến 15/5/1984 quân Trung Quốc đã chiếm được nhiều vị trí trong
lãnh thổ Việt Nam
rồi tổ chức phòng ngự giữ đất, tại các điểm cao 1509 (Núi Đất), 772, 685, 233,
1030 và 1250 (Núi Bạc).
Vẫn trên hướng Vị Xuyên, quân Trung Quốc bố
trí 1 sư đoàn trên tuyến 1 và 2 sư đoàn ở phía sau. Trên hướng Yên Minh, quân
Trung Quốc bố trí 1 trung đoàn ở phía trước và 2 trung đoàn ở phía sau.
Ngày 20/5/1984: Bộ tư lệnh Quân khu 2 của Việt Nam
quyết định củng cố các đơn vị và các trận địa, ngăn chặn quân địch và từng bước
tổ chức đánh chiếm lại các điểm cao đã mất.
Ngày 11/6/1984: Quân đội Việt Nam đã tổ chức
đánh chiếm lại các điểm cao 233 và 685 nhưng không thành công.
Quân khu 2 được giao nhiệm vụ tiêu diệt một
số vị trí đã bị quân Trung Quốc chiếm đóng, khôi phục các điểm cao đã bị mất ở
Vị Xuyên và Yên Minh. Bộ tư lệnh mặt trận quyết định tăng cường 3 trung
đoàn bộ binh thuộc các đơn vị mới, có sự chi viện của đặc công và pháo
binh, tham chiến trong chiến dịch mang tên là MB 84. Ở phía đông Sông Lô, trung
đoàn 876 thuộc sư đoàn 356 đánh chiếm điểm cao 772, trung đoàn 174 thuộc sư
đoàn 316 đánh địch ở bình độ 300-400. Ở phía tây Sông Lô, trung đoàn 141 thuộc
sư đoàn 312 đánh chiếm điểm cao 1030 (Đông Sơn).
Rạng sáng 12/7/1984: Quân Việt Nam đồng loạt nổ súng tấn công trên
cả 3 hướng. Chiến dịch MB 84 đã diễn ra rất khốc liệt nhưng vẫn không thành
công. Cả 3 trung đoàn bị tổn thất nặng. Nhiều sĩ quan và chiến sĩ hy sinh,
trong đó có cả sĩ quan chỉ huy cấp tiểu đoàn và cấp trung đoàn. Theo số liệu
Việt Nam
đã công bố, riêng sư đoàn 356 bị thương vong 600 người. Chiều 12/7/1984 Bộ tư lệnh
mặt trận ra lệnh cho các đơn vị ngừng tấn công, chuyển sang phòng ngự.
Sau chiến dịch MB 84, Bộ tư lệnh Quân khu 2
quyết định thay đổi chiến thuật, mở chiến dịch đánh vây lấn, dùng sư đoàn 313
và sư đoàn 356 chiếm lại điểm cao 685 và bình độ 300-400. Các đơn vị tham chiến
chuẩn bị trong 4 tháng, để thực hiện cách đánh mới, dùng bộ binh kết hợp đặc
công, có hỏa lực pháo binh chi viện mạnh, từng bước bao vây chia cắt, lấn sát
địch.
Ngày 18/11/1984: Phía Việt Nam bắt đầu chiến dịch vây lấn.
Pháo binh bắn phá điểm cao 685 và bình độ 300-400. Sau 5 ngày đêm, trung đoàn
14 thuộc sư đoàn 313 đánh lấn địch ở bình độ 300-400. Trung đoàn 153 thuộc sư
đoàn 356 được tăng cường 1 tiểu đoàn đặc công, vây lấn địch ở điểm cao 685.
Sau 2 tháng liên tục chiến đấu, từ tháng
11/1984 đến tháng 1/1985, quân Việt Nam đã chiếm lại một số chốt, hình thành
thế phòng ngự xen kẽ, bám sát, ngăn chặn địch ở Đồi Chuối, Đồi Cô Ích, Đồi Đài,
vị trí A4, A21, Khu Cót Ép, Khu C, một phần Khu E của điểm cao 685. Tại nhiều
nơi, quân Việt Nam
chỉ cách quân Trung Quốc khoảng 15 mét. Tại “Chốt 4 hầm”, 2 bên chỉ cách nhau
khoảng 8 mét. Cuộc chiến rất quyết liệt. 2 bên giành nhau từng mỏm đá, từng ụ
đất.
Tại “Chốt 4 hầm”, Đồi Cô Ích, điểm cao 685,
quân Việt Nam và quân Trung Quốc liên tục thay nhau phản kích, có nơi 2 bên
giành nhau, đánh chiếm lại đến 30 lần.
Từ 27/5/1985 đến 30/5/1985: Phía Trung Quốc thay quân, sau đó mở
đợt tấn công lớn vào các điểm cao do quân Việt Nam đang chiếm giữ, từ Đồi Tròn,
Lũng 840, Pa Hán thuộc phía đông Sông Lô, đến Đồi Cô Ích, vị trí bình độ 1100
thuộc phía tây Sông Lô nhưng đều bị quân Việt Nam đẩy lùi.
Ngày 31/5/1985: Quân Việt Nam chiếm lại, chốt giữ
điểm cao A6B, đánh bại 21 đợt phản kích của quân Trung Quốc trong 13 ngày, rồi
giữ được điểm cao này đến khi kết thúc cuộc chiến.
Từ 23/9/1985 đến 25/9/1985: Quân Trung Quốc lại tấn công từ Đồi
Tròn, Lũng 840, Pa Hán thuộc phía đông Sông Lô, đến Đồi Cô Ích, bình độ 1100
thuộc phía tây Sông Lô. Quân Việt Nam giữ được tất cả các trận đia.
Riêng Pa Hán bị quân Trung Quốc chiếm nhưng chỉ sau 1 ngày, quân Việt Nam đã phản
kích chiếm lại.
Từ tháng 10/1985 đến tháng 11/1986: Phía Trung Quốc thay quân, mở thêm
nhiều đợt tấn công, nhằm đẩy quân Việt Nam ra khỏi khu vực bờ bắc Suối
Thanh Thủy nhưng quân Trung Quốc đều bị thất bại.
Từ 02/01/1987 đến 07/01/1987: Phía Trung Quốc dùng cấp sư đoàn, có
pháo binh chi viện, mở chiến dịch mới, nhằm vào 13 điểm cao do quân Việt Nam
chiếm giữ, ở cả phía đông và phía tây Sông Lô. Mục tiêu chủ yếu của họ nhằm vào
Đồi Đài và Đồi Cô Ích. Chỉ trong 3 ngày của chiến dịch này, họ đã bắn khoảng
100.000 quả đạn pháo chi viện cho bộ binh, liên tục tấn công. Có ngày quân
Trung Quốc tấn công đến 7 lần nhưng đều bị pháo binh và bộ binh Việt Nam ngăn chặn
ngay trước trận địa.
Trận chiến trên điểm cao 1509: (Theo bản tin của Infonet)
Trong toàn bộ cuộc chiến Vị Xuyên, trận
chiến trên điểm cao 1509 là khốc liệt nhất. Điểm cao 1509, theo tên gọi của
Việt Nam là Núi Đất. Phía Trung Quốc gọi là Lão Sơn. Đây là một đỉnh núi trong
dãy núi chạy sát biên giới 2 nước Việt – Trung, thuộc địa phận huyện Vị Xuyên
tỉnh Hà Giang (sau khi tách tỉnh Hà Tuyên). Đường biên giới nằm vắt
qua ngọn núi này. Từ điểm cao 1509 có thể khống chế toàn khu vực, từ bờ
phía bắc Suối Thanh Thủy đến cửa khẩu Thanh Thủy, ở phía đông điểm hợp lưu giữa
Suối Thanh Thủy và Sông Lô. Tại điểm cao 1509 có 3 mỏm núi. Mỏm số 1 nằm trên
đỉnh cao nhất của Núi Đất. Trên Mỏm số 2 có địa vật đặc biệt là 1 cây cổ thụ
khổng lồ, chu vị rộng bằng vòng ôm của 10 người trưởng thành nối lại. Trong
cuộc chiến cây này đã bị đạn pháo gọt trụi. Mỏm số 3 nằm trên đường bình độ
1450. Phía đông điểm cao 1509 là Bản Nậm Ngặt. Chính giữa phía đông là điểm cao
772. Điểm cao 772 đã nhiều lần bị pháo kích. Để mô tả mức độ đấu pháo cực kỳ ác
liệt và thương vong của 2 bên, các chiến sĩ Việt Nam đặt tên điểm cao 772 là “
Đồi thịt băm “.
Tại điểm cao 1509 có khoảng 100 chiến sĩ Việt
Nam
phòng ngự. Phần lớn trong họ là những lính trẻ của đại đội bộ binh số 6, thuộc
tiểu đoàn 2, trung đoàn 122, sư đoàn 313. Trung Quốc đã dùng binh lực đông gấp
6 lần so với Việt Nam
để tấn công vào điểm cao này. Trận chiến trên điểm cao 1509 bắt đầu ngày
2/4/1984, kéo dài 3 đợt: từ 2/4/1984 đến 15/4/1984, từ 2/6/1984 đến 10/7/1984
và từ 12/7/1984 đến 14/7/1984. Dù số người ít hơn rất nhiều so với quân Trung
Quốc, các chiến sĩ Việt Nam đã gây thương vong lớn và đánh lui nhiều đợt tấn
công của sư đoàn 40 thuộc quân đoàn 14 của đại quân khu Côn Minh Trung Quốc.
Trận chiến kết thúc ngày 14/7/1984 sau trận tử chiến xáp lá cà bằng lưỡi lê và
dao giữa 2 bên.
Ngày kết thúc cuộc chiến ở Vị Xuyên và thiệt
hại của mỗi bên:
Từ sau ngày 07/01/1987, Trung Quốc giảm dần
các cuộc tấn công lấn chiếm. Cuối tháng 12/1988 họ bắt đầu ngưng bắn phá sang
phía Việt Nam .
Từ tháng 3/1989 đến tháng 9/1989 quân Trung Quốc lần lượt rút khỏi các vị trí
đã chiếm trên lãnh thổ Việt Nam .
Cuộc chiến ở Vị Xuyên xảy ra trong một địa
bàn hẹp nhưng rất khốc liệt và dài ngày. Theo tài liệu của phía Trung Quốc đã
công bố, trong cuộc chiến này, họ đã bắn sang phía Việt Nam tới 1,8
triệu quả đạn pháo và cối. Đã có nhiều trận đấu pháo ác liệt giữa 2 bên.
Đã có nhiều trận đánh giữa quân Trung Quốc và quân Việt Nam , giành nhau
từng khúc suối, từng hốc đá. Có những điểm cao nằm trên mỏm núi, như điểm cao
685 đã bị pháo bắn nát vụn như vôi. Để ghi nhớ tinh thần bảo vệ Tổ Quốc
trong điều kiện chiến tranh khốc liệt này, các chiến sĩ Việt Nam đặt
tên điểm cao này là “Lò vôi thế kỷ”. Với mức độ ác liệt và
thương vong tương tự của cả 2 bên, khu vực ngã
ba Suối Thanh Thủy – Sông Lô được đặt tên là “Cối xay thịt của thế
kỷ”.
Cuộc chiến ở Vị Xuyên, nhất là trận chiến
trên điểm cao 1509 đã được nhiều chuyên gia quân sự nước ngoài (trong đó có
Nhật và Ấn Độ) nghiên cứu. Họ cho rằng đây là loại trận địa chiến điển hình ở
vùng núi và khốc liệt nhất ở Châu Á, kể từ sau Thế chiến thứ 2.
Trước khi nổ ra cuộc chiến, điểm cao 1509
(Núi Đất – Lão Sơn) và điểm cao 1250 (Núi Bạc – Giả Âm Sơn) do quân đội Việt Nam chốt giữ và nằm trong lãnh thổ của Việt Nam nhưng nay
đã thuộc về Trung Quốc. Họ dùng điểm cao 1509 làm địa danh du lịch của họ.
Đến nay, cả Trung Quốc và Việt Nam đều chưa
chính thức công bố số thương vong của mình.
Theo tài liệu của Việt Nam, từ tháng 4/1984
đến tháng 8/1984, khoảng 7.500 binh sĩ Trung Quốc đã bị quân Việt Nam loại ra
khỏi vòng chiến đấu.
Theo tin tức của nước ngoài, số binh sĩ
Việt Nam
bị chết trong cuộc chiến này khoảng 4.000 người. Hai sư đoàn của Việt Nam bị thương
vong nặng nhất là sư đoàn 313 và sư đoàn 356. Sư đoàn 356 giải thể vào năm 1989.
Chiến trường diễn ra ở vùng núi. Do bị quân
Trung Quốc khống chế các tuyến đường bộ, việc vận chuyển thương binh Việt Nam tại mặt
trận rất khó khăn, phải leo qua nhiều vách đá và đèo dốc. Ở nhiều nơi, người
tải thương phải trườn bò, dùng tời để chuyển thương binh từ trên các vách đá
xuống. Mức thương vong của bộ đội tải thương rất lớn, tương đương 30% tổng số
thương binh, không kịp đưa hết thương binh về tuyến sau.
Sau ngày kết thúc cuộc chiến, nhà báo Huy
Đức đã đến thăm nghĩa trang Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang và được gặp ông Nguyễn
Thanh Loan là người trông giữ nghĩa trang. Khi đó nghĩa trang có 1680 ngôi mộ
thì 1600 là mộ liệt sĩ, hầu hết tử trận trong cuộc chiến ở Vị Xuyên vào năm
1984 và năm 1985. Ông Loan kể lại hồi đó cứ từ nửa đêm trở về sáng, xe GAT 69
chở về từng túi tử sĩ xếp chồng lên nhau để chôn cất tại nghĩa trang này. Trong
1600 mộ liệt sĩ còn khoảng 200 ngôi mộ là mộ vô danh, chỉ kịp đưa về nghĩa
trang, chưa xác định được tên tuổi, quê quán của liệt sĩ.
Tin tức về các thương binh, tử sĩ Việt Nam còn sót lại
mặt trận Vị Xuyên:
Trên Đài BBC tiếng Việt ngày 18/7/2015, ông
Hà Minh Thành, Việt kiều tại Nhật Bản tham gia Đoàn làm phim của Đài truyền
hình NHK Nhật Bản về cuộc chiến biên giới Việt – Trung và quay phim trên điểm
cao 1509 vào năm 2009, đã cung cấp một số thông tin về số phận các thương binh,
tử sĩ Việt Nam còn sót lại ở mặt trận. Ông Thành được Vương Doãn Hải, một sĩ
quan Trung Quốc đã tham chiến tại điểm cao 1509kể
lại, phía Trung Quốc đã thu gom hài cốt binh sĩ của cả 2 bên. Họ
chôn thi thể các sĩ quan và binh lính Trung Quốc tại nghĩa trang liệt sĩ
của Trung Quốc cách điểm cao 1509 khoảng 10 Km. Thương binh và
tù binh Việt Nam thì bị quân Trung Quốc xử bắn tại chỗ rồi
gom lại chôn chung trong một hố, cùng với các thi thể sĩ quan và binh
lính Việt Nam đã tử trận. Sau đó binh chủng hóa học Trung
Quốc đốt xác và cho xe ủi san lấp hố. Vương Doãn
Hải ước tính có khoảng 3.000 xác sĩ quan và binh lính Việt Nam
bị quân Trung Quốc chôn trong hố này.
Pháp lý quốc tế về đường biên giới ở Vị
Xuyên Hà Giang:
Đặng Tiểu Bình đặt tên cuộc chiến do phía
CHNDTH gây ra ở Vị Xuyên là “cuộc chiến phản công tự vệ” để chiếm lãnh thổ của
Việt Nam .
Họ lập luận rằng đường biên giới phân chia lãnh thổ Trung Quốc và Việt Nam
ở khu vực Vị Xuyên được xác định theo Công ước Pháp-Thanh ký năm 1887 và theo
Công ước bổ túc về biên giới giữa Pháp – Thanh ký năm 1895 là chạy theo đường
trung tuyến của Suối Thanh Thủy nên Trung Quốc phản công để
đưa đường biên giới hiện hữu trở về trung tuyến của Suối Thanh Thủy. Nhưng
tại Biên bản Pháp – Thanh phân giới số 3 ký kết sau đó vào ngày 13/6/1897,
thực hiện công trình phân giới cắm mốc biên giới thì đường biên giới là đường sống núi phân chia
lãnh vực Thanh Thủy thuộc tỉnh Hà Giang của Việt Nam và lãnh vực Mãng Cang
thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Đường biên giới này chính là đường biên giới
hiện hữu, nằm cách Suối Thanh Thủy khoảng 2,5 Km, đã được Sở Địa dư Đông Dương
xác định trên bản đồ tỉ lệ 1/100.000 và đã xuất bản vào những thập niên 30, 40,
50 của thế kỷ 20. Từ thời Pháp-Thanh, cột mốc biên giới đã được cắm theo bản đồ
này. Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn, từ Pháp gửi đăng trên BBC ngày
16/7/2016 cho biết hiện nay Công ước Pháp-Thanh 1887, Công ước
Pháp-Thanh bổ túc năm 1895 và Công ước Pháp-Thanh phân giới số 3 ngày 13/6/1897
đang được lưu giữ tại Trung tâm văn khố hải ngoại của Pháp ở Aix-en-Provence.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét