Lê Minh Nguyên
15-2-2017
Ảnh
minh họa. Nguồn: internet
Tin Thế Giới
1. Trung Quốc tiếp
tục đẩy mạnh trang bị vũ khí — Trung Quốc cảnh báo Hoa Kỳ về kế hoạch tuần tra
biển Đông
Trung Quốc tiếp tục
trang bị vũ khí với tốc độ nhanh hơn các nước khác, đến mức bắt kịp các nước
phương Tây. Đó là báo động của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS ở Luân
Đôn trong bản báo cáo thường niên vừa được công bố hôm qua, 14/02/2017.
Theo báo cáo của IISS,
trong năm qua, Bắc Kinh đã chi tiêu 145 tỷ đôla cho quốc phòng, thua xa Hoa Kỳ,
quốc gia có ngân sách quân sự nhiều gấp bốn lần, nhưng hơn hẳn Nga ( hạng ba
với 58,9 tỷ đôla ), Ả Rập Xê Út ( 56,9 tỷ đôla ), Anh Quốc ( 52,5 tỷ đôla ) và
Pháp ( 47,2 tỷ đôla ).
IISS nhắc lại rằng, từ
nhiều thập niên qua, Trung Quốc đã nỗ lực đầu tư vào khả năng quân sự của nước
này và kể từ năm 2012, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã vượt qua châu Âu. Từ
5 năm nay, ngân sách quân sự của nước này tăng đều đặn từ 5 đến 6% mỗi năm, và
nay chiếm đến 1 phần 3 tổng ngân sách quốc phòng của châu Á.
Trung Quốc trang bị vũ khí nhanh đến mức đến nay có thể coi như đã bắt kịp các nước phương Tây. Tính về trọng tải, hải quân Trung Quốc, được Bắc Kinh đầu tư rất nhiều trong những năm gần đây, nay đứng hàng thứ hai thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ.
Theo một chuyên gia
Pháp, trong vòng 4 năm, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng gần 80 chiến hạm. Một
hàng không mẫu hạm mới hoàn toàn do Trung Quốc chế tạo cũng được dự kiến hạ
thủy trong năm nay.
Trung Quốc thậm chí
đang phá vỡ thế thượng phong về công nghệ vũ khí của phương Tây qua việc thử
nghiệm các vũ khí rất tinh vi, từ phi cơ tàng hình, tên lửa hạt nhân mang nhiều
đầu đạn, máy bay không người lái siêu thanh. – RFI
***
Bộ Ngoại giao Trung
Quốc hôm thứ Tư 15 tháng 2 đưa ra cảnh báo Hoa Kỳ về việc Washington thách thức
chủ quyền lãnh hải của Bắc Kinh tại khu vực Biển Đông.
Hãng thông tấn Reuters
loan tin cho biết cảnh báo được đưa ra nhằm đáp trả thông tin nói Hoa Kỳ có kế
hoạch tuần tra mới ở các khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông.
Hôm Chủ Nhật, mạng
Navy Times trích phát biểu của các quan chức Hải quân và Bộ Tư Lệnh Thái Bình
Dương Hoa Kỳ rằng đang xem xét tiến hành những cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng
hải tại tuyến đường qua Biển Đông. Hoạt động này sẽ được nhóm tấn công thuộc
hàng không mẫu hạm Carl Vinson đảm nhận.
Phát ngôn viên Bộ
Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho hay căng thẳng ở Biển Đông đã được ổn định
do nỗ lực giải quyết giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á; đồng thời kêu gọi
các quốc gia bên ngoài khu vực, trong đó có Hoa Kỳ nên tôn trọng điều này.
Trong buổi họp báo
thường lệ diễn ra hôm Thứ Tư 15 tháng 2, ông Cảnh Sảng đề nghị Hoa Kỳ tốt hơn
là không nên có bất kỳ hành động nào mang tính thách thức chủ quyền và toàn vẹn
lãnh thổ của Trung Quốc.
Lần gần nhất, Hoa Kỳ
tiến hành chiến dịch tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông là vào tháng Mười năm
ngoái. Lúc đó tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Decatur tiến vào vùng biển
gần quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh hải. – RFA
2. Tân tổng thống
Mỹ tiếp thủ tướng Israel tại Nhà Trắng
Hôm nay 15/02/2017,
thủ tướng Israel tới Hoa Kỳ. Theo các nhà quan sát, cuộc hội kiến trực tiếp đầu
tiên giữa ông Benyamin Netanyahu và tân tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng sẽ là cơ
hội để lãnh đạo hai bên xác định đâu là các điểm đồng thuận có thể đạt được
trong hồ sơ Israel-Palestine.
Sau các tuyên bố ồn ào
ủng hộ Israel với một chính sách Trung Cận Đông mới hoàn toàn cắt đứt với di
sản Obama trong thời gian tranh cử, ông Donald Trump đã tỏ ra mềm mỏng hơn,
trong những tuần lễ đầu tiên cầm quyền, khi trực tiếp phê phán chính sách lấn
đất của Israel tại các vùng lãnh thổ của người Palestine, bị đánh giá là có hại
cho hòa bình. Tuy nhiên, trên thực tế cho đến nay, Nhà Trắng chưa công bố rõ
chính sách mới về vấn đề Israel-Palestine.
Thông tín viên
Anne-Capomaccio tường trình từ Washington ,
Trong những tháng gần
đây, khi nói về Israel, ông Donald Trump thường nhắc đến cái gọi là ‘‘những sai
lầm” của tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, như thỏa thuận hạt nhân với Iran
hay nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án chính sách xây dựng các khu định cư
của người Do Thái trên đất Palestine…. Ông Trump cũng hứa hẹn sẽ chuyển sứ quán
Hoa Kỳ về Jerusalem .
Barack Obama đã trả
lời đại thể là chính sách ngoại giao sẽ phải được thử thách qua thực tế, và cần
phải thận trọng trước những gì có thể dẫn đến các phản ứng dữ dội trên thực
địa.
Điều chắc chắn là cuộc
hội kiến giữa tổng thống Trump và thủ tướng Netaneyhu sẽ nồng ấm hơn so với
thời chính quyền tiền nhiệm. Phần còn lại không có gì là chắc chắn cả. Thỏa
thuận hạt nhân (với Iran) sẽ không bị phá bỏ, theo các phát biểu của bộ Quốc
Phòng và bộ Ngoại Giao Mỹ, chính sách xây dựng các khu định cư Do Thái bị coi
là ‘‘trở ngại’’ đối với hòa bình, và việc di chuyển đại sứ quán đã bị đình lại.
Donald Trump có thể
giao hồ sơ Israel
cho người con rể Jared Kushner, có bố là bạn thân của thủ tướng Israel
Netanyahu. Thế nhưng tân tổng thống Mỹ cũng phải chú ý cử tri rất bị chia rẽ
trong vấn đề này. Cộng đồng Do Thái có xu hướng ngả theo Dân Chủ hơn là Cộng
Hòa. Trong khi đó, theo một số thăm dò dư luận, người Mỹ ngày càng có xu thế
ủng hộ giải pháp hai nhà nước Israel
và Palestine .
Theo AFP, tối qua, vài
giờ trước cuộc hội kiến, một giới chức Nhà Trắng cho biết tổng thống Mỹ sẽ
không nhấn mạnh về giải pháp hai nhà nước, vốn được cộng đồng quốc tế coi là
nguyên tắc nền tảng cho hòa bình tại Trung Cận Đông, từ hàng chục năm nay, và
được tất cả các tổng thống Mỹ trước đây ủng hộ. Vẫn theo giới chức này, « hòa
bình là mục tiêu, nhưng giải pháp nào cho hòa bình, giải pháp hai nhà nước hay
giải pháp khác, đây là điều mà các bên lựa chọn », chứ không phải do áp đặt.
Phát biểu của giới
chức này ngay lập tức đã bị một thành viên ban lãnh đạo PLO của Palestine chỉ
trích là « vô trách nhiệm » và “không có giá trị”. – RFI
3. Hắc Hải: Máy bay
Nga áp sát tàu khu trục Mỹ
Nhiều máy bay quân sự
Nga áp sát một tàu khu trục hải quân Mỹ tại Hắc Hải trong ngày 10/2, những sự
cố mà giới chức Hoa Kỳ ngày 14/2 tố cáo là ‘không an toàn và không chuyên
nghiệp’ .
Bộ Quốc phòng Nga
khẳng định không hề xảy ra vụ việc nào như thế.
“Không có sự cố nào
như vậy trong ngày 10/2 liên quan đến các phản lực quân sự của Nga ở Hắc Hải
gần tàu khu trục Porter của Hải quân Mỹ,” các hãng thông tấn Nga dẫn lời người
phát ngôn Bộ Quốc phòng Igor Konashenkov tuyên bố.
Tuy nhiên, phát ngôn
nhân Bộ chỉ huy của Mỹ khu vực Châu Âu, Danny Hernandez, nêu ra 3 vụ việc liên
hệ tới máy bay Nga và tàu khu trục USS Porter Mỹ. Một vụ dính líu tới hai phản
lực Su-24, một vụ liên quan tới một chiếc Su-24 khác, và vụ thứ ba do chiếc
IL-38 thực hiện.
Ông Hernandez nói các
sự cố này rất đáng quan ngại vì có thể dẫn tới tai nạn hay một sự tính toán sai
lầm.
Sĩ quan chỉ huy tàu
Porter đánh giá hai sự cố liên quan tới các chiếc phản lực Su-24 của Nga là
không an toàn và thiếu chuyên nghiệp vì các máy bay này bay ở cao độ thấp với
vận tốc cao, còn chiếc IL-38 bay ở cao độ thấp rất bất thường.
Tháng tư năm ngoái, 2
máy bay chiến đấu của Nga từng áp sát tàu khu trục có tên lửa dẫn đường của Mỹ
trong vùng biển Baltic. – VOA
4. Nghị Viện Châu
Âu phê chuẩn thỏa thuận thương mại tự do với Canada
Trưa hôm nay
15/02/2017, Nghị Viện Châu Âu trong phiên họp toàn thể tại Strasbourg
đã bỏ phiếu thông qua hiệp định tự do thương mại (CETA) với Canada . Thỏa
thuận CETA vốn bị phản đối mạnh do lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đối với môi
trường và nông nghiệp châu Âu.
Theo AFP, thỏa thuận
CETA được thông qua với 408 phiếu thuận, 254 phiếu chống và 33 vắng mặt. Với
kết quả bỏ phiếu này, phần lớn thỏa thuận sẽ tạm thời có hiệu lực trong thời
gian trước mắt, trong lúc chờ được phê chuẩn bởi tất cả các nghị viện quốc gia
và cấp vùng (như vùng Wallonie, nói tiếng Pháp ở Bỉ) của Liên Hiệp Châu Âu.
Thời gian hoàn tất toàn bộ dự kiến sẽ kéo dài trong nhiều năm.
Các dân biểu cánh hữu,
theo đường lối tự do và đa số các dân biểu đảng xã hội ủng hộ thỏa thuận này.
Trong khi đó, thỏa thuận bị đảng Xanh, các đảng cực tả, cực hữu và một số dân
biểu xã hội phản đối.
Hàng trăm người đã
biểu tình tại Strasbourg ,
trước trụ sở Nghị Viện Châu Âu, sáng nay để phản đối, nhiều người ngăn chặn lối
vào Nghị Viện, khiến cuộc thảo luận bị chậm lại.
Một kiến nghị lấy chữ
ký phản đối CETA đã nhận được khoảng ba triệu rưỡi chữ ký ủng hộ.
Văn bản thỏa thuận
CETA đã được ký kết hồi tháng 10/2016, giữa chính phủ Canada và Liên Hiệp Châu Âu. Thỏa thuận
xóa đến 99% các sắc thuế được thủ tướng Canada ca ngợi là « một mẫu mực cho
các thỏa thuận thương mại tương lai ».
CETA được xem là cổ vũ
cho các hợp tác về xã hội, y tế và môi trường, nhưng cũng bị lên án là tạo điều
kiện dễ dãi cho các tập đoàn đa quốc gia. Một vấn đề được coi là không rõ ràng
khác trong thỏa thuận này là vai trò các tòa án trọng tài dân sự. – RFI
5. NATO lần đầu
tiên tiếp tân bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Hôm nay, 15/02/2017,
lần đầu tiên, Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO tiếp tân bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
James Mattis, với hy vọng sẽ giải tỏa những mơ hồ về sự can dự của Hoa Kỳ trong
khối NATO dưới thời tổng thống Donald Trump. Cuộc họp giữa 28 bộ trưởng Quốc
Phòng của Liên minh sẽ diễn ra trong hai ngày 15 và 16/02 tại Bruxelles.
Kể từ khi bất ngờ đắc
cử tổng thống Hoa Kỳ, ông Donald Trump đã liên tục gây ngạc nhiên cho châu Âu,
đồng minh lâu đời của Mỹ, qua những tuyên bố mang tính bảo hộ mậu dịch hoặc dân
tộc chủ nghĩa.
Vào giữa tháng Giêng,
nhà tỷ phú Mỹ đã gọi NATO là một tổ chức « lỗi thời », vì đã không lo chống
khủng bố. Trong thời gian vận động tranh cử, ông Trump cũng đã nhiều lần tuyên
bố muốn các đồng minh châu Âu gia tăng mức chi tiêu quân sự, mà ông cho là còn
quá thấp.
Hiện giờ, chỉ có 5
trong số 28 quốc gia thành viên NATO là dành ít nhất 2% GDP cho chi tiêu về
quốc phòng. Đây là mục tiêu mà NATO đòi các nước thành viên phải đạt được từ
đây đến năm 2024. Một số nước khác, như Pháp và Đức, thì muốn được linh động
hơn về mục tiêu nói trên, với lý do là họ đã phải chi tiêu rất nhiều cho các
chiến dịch quân sự ở bên ngoài, như tại vùng Sahel.
Theo hãng tin AFP, lần
đầu tiên gặp các đồng nhiệm châu Âu, ông James Mattis sẽ tập trung bàn về đóng
góp của các nước đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố thánh chiến, đặc
biệt là ở Trung Đông.
Việc « chia sẻ gánh
nặng » cũng là hồ sơ nổi cộm tại cuộc họp thượng đỉnh khối NATO vào cuối tháng
5 tại Bruxelles, lần này sẽ có sự tham dự của tổng thống Donald Trump. – RFI
6. G20 bàn cách
chống đói nghèo ở châu Phi
Các thành phần tham
gia Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi
hàng đầu (G20), sẽ bàn thảo cách thức chống đói nghèo ở Châu Phi, củng cố các
định chế chính phủ và sử dụng tốt hơn những tiềm năng của các quốc gia thuộc
lục địa đen.
Giới chức Văn phòng Bộ
Ngoại giao Đức cho biết vào đêm trước khi cuộc họp diễn ra tại Bonn .
Nước Đức từng được xem
là mong muốn cải thiện những điều kiện ở châu Phi và ngăn chặn làn sóng người
tị nạn kinh tế chạy trốn sang châu Âu ngày càng tăng.
Tin từ Reuters cho
biết Liên minh châu Âu cũng có biện pháp ngăn chặn làn sóng người nhập cư từ
châu Phi đang tăng lên sau khi có con số thống kê 181.000 người tị nạn vào Châu
Âu trong năm ngoái. Trong đó, khoảng 4.500 người được cho là đã chết khi băng
qua biển Địa Trung Hải bằng những chiếc thuyền mong manh.
Tân ngoại trưởng Hoa
Kỳ Rex Tillerson sẽ tham gia hội nghị cùng với các vị tương nhiệm Nga, Trung
Quốc. Trưởng đại diện ngoại giao EU, tổng thư ký Liên hiệp quốc và ngoại trưởng
các nước Hòa Lan, Na Uy, Singapore, Tây Ban Nha và Việt Nam cũng sẽ tham dự hội
nghị.’ – RFA
7. Trung Quốc: Gần
80 người chết do cúm gia cầm
Về tình hình dịch cúm
gia cầm H7N9 tại Trung Quốc, hôm nay cơ quan chức năng y tế của chính quyền Bắc
Kinh cho biết trong tháng qua có gần 80 nạn nhân thiệt mạng vì virus H7N9.
Số tử vong vì virus
cúm gia cầm H7N9 trong tháng giêng tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ trong những
năm trước. Tình trạng này khiến nhiều người lo ngại nguy cơ bùng phát dịch bệnh
trong mùa năm nay sẽ như vào năm 2002 lúc xảy ra dịch SARS- hội chứng viêm
đường hô hấp nguy cấp.
Mạng xã hội của Nhân
dân Nhật báo đưa ra cảnh báo đối với dân chúng Hoa Lục là phải tránh xa các chợ
buôn bán gia cầm vì rất rõ ràng gia cầm và phân của chúng là nguyên nhân lan
truyền virus H7N9.
Trước tình hình dịch
cúm gia cầm H7N9 diễn biến gây quan ngại như vừa nêu, giá gia cầm bị xuống đến
mức được cho là thấp nhất trong cả chục năm qua vào ngày hôm nay 15 tháng 2.
Trung Quốc chính thức
thông báo ca nhiễm virus cúm gia cầm H7N9 nơi người đầu tiên vào tháng 3 năm
2013.
Trung tâm Chính sách
và Nghiên cứu Dịch bệnh Truyền Nhiễm thuộc trường Đại học Minnesota, Hoa Kỳ vào
tuần rồi cho biết số ca nhiễm virus cúm gia cầm H7N9 nơi người tại Hoa Lục
trong mùa đông năm nay tính đến lúc này là ít nhất gần 250 trường hợp. Con số
mà Trung Quốc đưa ra là 320. – RFA
Tin Hoa Kỳ
8. Trump biết vụ
Flynn điện đàm với Nga ‘nhiều tuần trước’ — Trump phản bác cáo buộc về liên hệ với Nga —
Xuất hiện kêu gọi kỷ luật cố vấn của Tổng thống Trump
Tổng thống Mỹ Donald
Trump biết vụ việc cố vấn an ninh Michael Flynn gọi điện trao đổi với Nga nhiều
tuần trước, phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết.
Tổng thống được Bộ Tư
pháp báo cáo hồi cuối tháng 1/2017 rằng ông Flynn có thể đã lừa dối các quan
chức Mỹ và công chúng, ông Sean Spicer nói.
Ông Flynn phải từ chức
ba tuần sau do “lòng tin bị xói mòn”.
Các thành viên Đảng
Cộng hòa tham gia kêu gọi mở cuộc điều tra về những liên hệ của ông Flynn với
Nga.
Cũng có ghi nhận ông
Flynn bị FBI thẩm vấn trong những ngày đầu tiên ở cương vị cố vấn an ninh quốc
gia, theo truyền thông Mỹ.
Một ngày bận rộn của
chính quyền Trump:
Cơ quan Đạo đức Chính
phủ Mỹ kêu gọi Nhà Trắng điều tra cố vấn Kellyanne Conway về việc quảng bá sản phẩm giúp Ivanka
Trump
The New York Times
công bố dữ liệu các cuộc điện đàm cho thấy các thành viên chiến dịch tranh cử
của ông Trump, cũng như các cộng sự của ông “liên lạc liên tục với các viên
chức tình báo cấp cao Nga trong năm trước cuộc bầu cử”
Một quan chức đặt vấn
đề về các biện pháp an ninh tại khu nghỉ dưỡng của ông Trump ở Florida sau khi Facebook
của tổng thống đăng ảnh ông gọi điện trao đổi về Bắc Hàn
Tổng thống ký một sắc
lệnh hủy quy định buộc các công ty dầu mỏ và khí đốt phải tiết lộ các khoản
thanh toán nước ngoài
Ông Flynn từ chức vì
cáo buộc ông đã thảo luận các biện pháp trừng phạt của Mỹ với một phái viên Nga
trước khi ông Donald Trump nhậm chức.
Viên trung tướng đã
nghỉ hưu ban đầu bác bỏ việc đã thảo luận biện pháp trừng phạt với Đại sứ Nga
Sergei Kislyak, và Phó tổng thống Mike Pence công khai phủ nhận những cáo buộc
thay cho ông này.
Nếu các cáo buộc là
đúng, sẽ là bất hợp pháp cho ông Flynn khi thảo luận về vấn đề ngoại giao Mỹ
trong lúc chưa được bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia.
Cựu quyền Bộ trưởng Tư
pháp Sally Yates đã cảnh báo Nhà Trắng rằng ông Flynn có nguy cơ bị Nga tống
tiền hôm 26/1, ông Spicer nói.
Ông Trump, người đã
được báo cáo cùng ngày, đã kết luận rằng hành động của ông này không phạm pháp,
theo ông Spicer.
Nhà Trắng sau đó đánh
giá vụ việc và thẩm vấn ông Flynn nhiều lần trước khi đi đến kết luận tương tự
như ông Trump, ông Spicer nói thêm. Nhưng rồi sự tín nhiệm dành cho ông Flynn
đã không còn.
Trong lúc Trung tướng
đã nghỉ hưu Keith Kellogg được bổ nhiệm làm quyền cố vấn an ninh quốc gia, cựu
giám đốc CIA David Petraeus và Robert Harward, cựu phó tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung
ương Mỹ, cũng đang được cân nhắc cho vị trí này, các quan chức Nhà Trắng cho
hay. – BBC
***
Tổng thống Donald
Trump đã lên tiếng cực lực chỉ trích các nhân viên tình báo Mỹ cũng như báo chí
sau khi có nhiều báo đăng tin về liên hệ của ông và những người dưới quyền với
Nga.
Ông Trump cáo buộc Cơ
quan An ninh Quốc gia (NSA) và Cục Điều tra Liên bang (FBI) là cung cấp thông
tin cho báo chí mà không được phép.
Một số báo Mỹ nói các
cố vấn cao cấp của Trump thường xuyên liên lạc với quan chức Nga trong thời kỳ
vận động tranh cử.
Giới chức tình báo
trước đó cho hay họ tin là Nga đã tìm cách can thiệp một cách có lợi cho ông
Trump.
Thứ Năm 16/2, tân
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ có cuộc gặp chính thức đầu tiên với Ngoại
trưởng Nga Sergei Lavrov tại hội nghị G20 ở Bonn, Đức.
‘Rò rỉ’ thông tin
Các cáo buộc mới nhất
có thể sẽ làm bùng lên căng thẳng giữa ông tổng thống và cơ quan tình báo, vốn
đã từng ngùn ngụt trong đợt vận động tranh cử 2016, theo phóng viên BBC tại
Washington Gary O’Donoghue.
Chúng được đưa ra một
ngày sau khi cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn từ chức khi bị tố rằng ông
đã thảo luận lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ với Nga trước khi ông Trump nhậm chức.
Các thành viên cao cấp
của đảng Cộng hòa đã cùng tham gia kêu gọi điều tra quan hệ giữa ông Flynn và
phía Nga.
Ông Trump lên tiếng
phản bác NSA và FBI về điều mà ông gọi là ‘rò rỉ’ thông tin cho báo chí về liên
hệ với Nga.
Ông post trên mạng
Twitter: “Thông tin được giới an ninh (NSA and FBI?) cung cấp một cách bất hợp
pháp cho các tờ báo yếu kém @nytimes & @washingtonpost ,” he tweeted.
Trong một tweet khác,
ông lại nói rằng các thông tin đó là “tầm phào”, do các đối thủ thuộc phe Dân
chủ của ông mạo dựng.
“Cái chuyện tầm phào về
liên hệ với Nga này chỉ là một nỗ lực để giấu diếm những lỗi lầm mà phe thua
cuộc của Hillary Clinton dựng lên mà thôi.” – BBC
***
Tòa Bạch Ốc nên xem
xét kỷ luật cố vấn Kellyanne Conway của Tổng thống Donald Trump vì dường như bà
đã vi phạm quy định đạo đức chính phủ khi công khai ủng hộ những sản phẩm của
con gái Tổng thống, Văn phòng Đạo đức Chính phủ kêu gọi trong một thư ngỏ được
công bố hôm 14/2.
Lá thư đề ngày 13/2
gửi cho một giới chức hữu trách về các vấn đề đạo đức của Tòa Bạch Ốc yêu cầu
chính quyền của Tổng thống Donald Trump điều tra vụ việc và trong hai tuần phải
cung cấp kết luận, nêu cụ thể hình thức kỷ luật đối với bà Conway.
Bà Conway, người quản
lý chiến dịch tranh cử của ông Trump hiện là một cố vấn cao cấp, tuần trước
tuyên bố trên kênh Fox News rằng người Mỹ nên “mua đồ của Ivanka.” Bà phát biểu
như vậy sau khi nhà bán lẻ Nordstrom loan báo sẽ loại bỏ dòng sản phẩm mang
thương hiệu Ivanka Trump, con gái lớn của Tổng thống.
Những quy định đạo đức
của liên bang cấm nhân viên trong nhánh hành pháp sử dụng vị thế của mình để
ủng hộ các sản phẩm.
“Có lý do mạnh mẽ để
tin rằng bà Conway
đã vi phạm Chuẩn mực Hành xử và rằng những hành động kỷ luật là cần thiết,”
Giám đốc Văn phòng Đạo đức Chính phủ Walter Shaub viết trong thư.
Stefan Passantino,
quan chức đặc trách đạo đức của Tòa Bạch Ốc được nêu tên trong thư, từ chối
bình luận. Một phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc cũng không trả lời yêu cầu bình luận
của hãng tin Reuters.
Văn phòng đạo đức
không có quyền thực thi luật pháp. Họ có thể chính thức đề nghị xử lý kỷ luật
nếu Tòa Bạch Ốc không hành động, ông Shaub cho biết trong một lá thư riêng gửi
cho hai nhà lập pháp Mỹ muốn điều tra phát biểu của bà Conway.
Khuyến cáo của Văn
phòng này sẽ không mang tính ràng buộc, và tiến trình sẽ kéo dài đến cuối tháng
4 hoặc đầu tháng 5, ông Shaub nói. Nếu văn phòng đạo đức không chính thức đề
nghị kỷ luật thì sẽ tùy thuộc vào Tòa Bạch Ốc quyết định có bất cứ hành động
nào đối với bà Conway .
Phát ngôn viên Tòa
Bạch Ốc Sean Spicer hôm thứ Năm tuần trước nói rằng bà Conway đã được “tư vấn,”
nhưng ông Shaub cho biết Văn phòng Đạo đức Chính phủ vẫn chưa được thông báo về
bất kỳ bước khắc phục nào. – VOA
9. Ngành năng lượng
tái tạo trước sự nghi ngờ của TT Trump về biến đổi khí hậu
Một nhóm các thống đốc
của cả Ðảng Cộng hòa lẫn Ðảng Dân chủ muốn Tổng thống Donald Trump ủng hộ kế
hoạch phát triển năng lượng gió và mặt trời. Tổng thống Trump ủng hộ nhiên liệu
hóa thạch và dọa sẽ rút khỏi hiệp ước khí hậu Paris khiến ngành năng lượng tái tạo ở Mỹ lo
lắng cho tương lai của ngành này. Nhưng các chuyên gia nói rằng những công việc
làm được tạo ra trong ngành công nghiệp đang phát triển này sẽ chạy sang Trung
Quốc nếu Mỹ thôi hành động với mục tiêu giảm biến đổi khí hậu. Từ Sharon
Center, bang Ohio ,
thông tín viên Steve Baragona của đài VOA có bài tường trình chi tiết sau đây.
Công ty PT Tech ở
ngoại ô thành phố Cleveland , bang Ohio , chuyên chế tạo các
bộ phận lắp ráp cho thiết bị nặng đủ loại.
Ông Doug Heer, giám
đốc thương vụ bộ phận AeroTorque của PT Tech.
“Chúng tôi sản xuất mọi
thứ, từ bộ ly hợp cho tàu ngầm cho tới các máy móc khác nhau dùng trong ngành
khai thác khoáng sản và chế biến.”
Bang Ohio chỉ đứng thứ 26 trong trên bảng xếp
hạng sản xuất nang lượng gió của Mỹ hồi năm ngoái. Do đó, ông Herr nói rằng
người dân Ohio
có thể không biết năng lượng gió thực sự có mặt và góp vào nguồn cung ứng năng
lượng cho tiểu bang này.
“Mọi người nhìn quanh
và chỉ thấy rất ít quạt tua bin điện gió, và họ nghĩ rằng ‘ngành điện gió không
đáng kể ở Mỹ.’ Nhưng điều mà họ không nhận ra là có nhiều công ty chuyên chế
tạo các bộ phận lắp ráp cho ngành này, có những công ty chuyên chế tạo các bộ
phận ly hợp cho các thiết bị cơ khí như công ty chúng tôi.”
Nhu cầu mua sản phẩm
chuyên dụng do các công ty đó chế tạo đang tăng mạnh. Các nhà cung ứng năng
lượng trong 5 năm qua đã đưa năng lượng tái tạo vào sử dụng nhiều hơn năng
lượng từ nhiên liệu hóa thạch.
“Nói về sự phát triển
của ngành năng lượng tái tạo và nhất là ngành năng lượng gió, đó chính là một
trong những xu thế tạo ra công ăn việc làm trong nước. Đó chính là cơ hội
vàng.”
Nhưng “Kế hoạch ưu
tiên hàng đầu cho năng lượng Mỹ” của Tổng thống Trump ủng hộ dầu hỏa, khí đốt
và than đá, mà không đề cập đến năng lượng thay thế.
Ông Herr nói đó là một
thiếu sót.
“Nếu chúng ta không
tiến lên dẫn đầu xu thế phát triển năng lượng tái tạo cho tương lai, những công
việc làm đó sẽ chạy sang Trung Quốc. Những công việc làm đó sẽ di chuyển sang
Ấn Ðộ. Những nơi đó đã bắt đầu phát triển ngành năng lượng tái tạo.”
Năm trong nhóm 10 nhà
chế tạo tua bin gió và sáu công ty chế tạo tấm thu năng lượng mặt trời đứng đầu
thế giới là các công ty của Trung Quốc.
Ông Ranping Song,
chuyên gia Trung Quốc của Viện Nghiên cứu Nguồn lực Thế giới, cho biết Bắc Kinh
mạnh mẽ ủng hộ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.
“Trung Quốc xem đó
thực sự là những cơ hội vàng mang tính toàn cầu để xuất khẩu công nghệ xanh bởi
vì tất cả các nước đều muốn có.”
Ông Song nói thêm rằng
chính phủ Trung Quốc cũng đầu tư vào ngành năng lượng mặt trời và năng lượng
gió với mục đích làm sạch bầu không khí ô nhiễm độc hại ở nước này.
Hiện chưa rõ liệu Hoa
Kỳ có rút khỏi kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo hay không, mặc dù Tổng
thống Trump đã đưa ra những tranh luận về vấn đề này.
Ông Rick Perry, người
được Tổng thống Trump đề cử vào chức bộ trưởng năng lượng, đã mạnh mẽ nói về
thành tích năng lượng xanh của ông tại cuộc điều trần chuẩn thuận.
“Trong thời gian tôi
làm thống đốc, bang Texas của tôi đi đầu trong lãnh vực phát triển năng lượng
gió và hiện nay bang này đang sản xuất năng lượng gió nhiều hơn 7 nước khác,
xin lỗi 5 nước khác.”
Thêm vào đó, chi phí
sản xuất năng lượng gió đã giảm 41% kể từ năm 2008. Chi phí sản xuất năng lượng
mặt trời giảm 64%. Các ngành năng lượng này đang cạnh tranh về giá với năng
lượng sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch. Đó là lý do vì sao ông Doug Herr cảm
thấy tự tin cho tương lai của ngành này.
“Cho dù quý vị có tin
hay không tin vào chuyện trái đất ấm dần lên, khía cạnh kinh tế của của ngành
năng lượng tái tạo này sẽ thắng.”
Và điều đó có thể là
một chiến thắng cho ngành năng lượng gió, cho người lao động Mỹ và cho khí hậu.
– VOA
10. SpaceX phóng
thành công phi thuyền sau vụ nổ năm ngoái
Công ty thám hiểm
không gian SpaceX đã thực hiện vụ phóng thành công đầu tiên của mình kể từ sự
cố nổ phi thuyền trên bệ phóng vào tháng 9 năm ngoái.
SpaceX phóng phi
thuyền vào không gian hôm thứ Bảy từ Căn cứ Không quân Vandenberg, bang California , và cho đáp
thành công cơ cấu tầng thứ nhất xuống một xà lan ở Thái Bình Dương, một bước
quan trọng trong quá trình phát triển những cấu phần phi thuyền có thể tái sử
dụng được.
Công ty hy vọng sẽ
giảm chi phí du hành vũ trụ trong tương lai bằng cách phát triển một hệ thống
đáng tin cậy để thu hồi và tái sử dụng phi thuyền đã phóng cho những phi vụ
trong tương lai.
Phi thuyền Falcon 9
được phóng đi lúc 9 giờ 54 phút sáng giờ Thái Bình Dương, chở theo 10 vệ tinh
viễn thông để đưa vào quỹ đạo trước khi trở về Trái đất. Cơ cấu tầng đầu tiên
đáp xuống xà lan trên biển khoảng tám phút sau khi phóng.
Năm ngoái một phi
thuyền Falcon 9 phát nổ trên bệ phóng ở bang Florida trong một vụ thử nghiệm trước khi
bay. Các nhà điều tra xác định rằng ngăn chứa heli bị nổ bên trong một ngăn
chứa oxy lỏng và do đó gây ra vụ nổ.
Phi thuyền phóng đi
hôm thứ Bảy bao gồm những chỉnh sửa được thực hiện sau vụ tai nạn đó, bao gồm
một bình đựng heli được thiết kế lại. SpaceX cũng điều chỉnh những thủ tục tiếp
nhiên liệu để giảm tối đa nguy hiểm.
SpaceX dự kiến sẽ bắt
đầu vận chuyển phi hành gia Mỹ vào không gian vào năm sau. Họ cũng có kế hoạch
phóng tàu vũ trụ tới sao Hỏa vào năm sau. – VOA
11. Chính phủ Trump
tìm chiến thuật mới chống Trung Quốc giảm giá đồng Nguyên
Chính phủ của Tổng
thống Trump đang cân nhắc một chiến thuật mới để khích lệ Trung Quốc không hạ
giá đồng nhân dân tệ, nhưng theo cách làm thế nào để hai bên không trực diện
đối đầu nhau, theo tờ The Wall Street Journal dẫn lời các nhà hoạch định chính
sách cho hay.
Tờ báo này nói theo kế
hoạch mới, Bộ Tài chính Mỹ sẽ coi việc giảm giá hay thao túng đơn vị tiền tệ
của bất kỳ nước nào- không cần nêu đích danh Trung Quốc- như một trợ cấp không
được công bằng đối với Hoa Kỳ. Các công ty Mỹ trong trường hợp đó, có thể nộp
hồ sơ lên Bộ Thương mại để phản đối các trợ cấp bất công ấy, dù là của Trung
Quốc hay của bất kỳ nước nào khác toan tính thao túng đơn vị tiền tệ của họ
theo chiều hướng bất lợi cho phía Mỹ.
Các cuộc thảo luận này
là một phần trong chiến lược mới của tân Hội đồng Thương mại Quốc gia của chính
phủ Trump nhằm cân bằng mục tiêu vừa thách thức Trung Quốc về một số chính sách
của họ, trong khi cùng lúc, duy trì các quan hệ ổn định rộng lớn hơn với Bắc
Kinh.
Làm như thế sẽ giúp
chính quyền Tổng thống Trump né tránh – ít nhất là trong lúc này, tranh cãi với
Trung Quốc về liệu Bắc Kinh có thực sự thao túng đồng nhân dân tệ hay không.
Nếu đề nghị này được
thi hành thì có nghĩa là ông Trump đã xoa dịu phần nào những lời lẽ cường điệu
và cứng rắn trong thời gian vận động tranh cử, đe doạ tăng thuế quan để trừng
phạt Trung Quốc thao túng đồng nguyên, để giờ đây, chọn một hướng tiếp cận mềm
mỏng hơn đối với Bắc Kinh.
Thái độ hoà hoãn hơn
sẽ giúp lót đường cho các hành động chống những nước khác mà ông Trump và ê-kíp
của ông đã tố cáo là thao túng đơn vị tiền tệ của mình, trong số các nước này
có một số đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và nước Đức. Tuy nhiên đây là một động
thái có thể đẩy các nước đồng minh này vào chỗ muốn tiếp tay với Trung Quốc,
chống lại chính sách của chính phủ Trump.
Cục Dự trữ liên bang
Chính phủ tiền nhiệm
của Tổng Thống Obama đã quyết định không coi vấn đề liên quan tới đơn vị tiền
tệ như một trợ cấp vì e rằng làm như thế có thể vi phạm các quy định của Tổ
chức Thương Mại Thế giới, và khởi động các biện pháp tương tự chống hàng xuất
khẩu của Mỹ. Các nước khác có thể lập luận rằng các chính sách của Cục Dự trữ
Liên bang làm cho đôla Mỹ suy yếu hơn cũng được coi như một sự trợ cấp.
Trong một cuộc họp báo
chung với Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 10/2, ông Trump hứa rằng trong nay
mai sẽ san bằng “sân chơi” cho các đơn vị tiền tệ Mỹ, Trung Quốc và Nhật. Nhưng
ông không giải thích ông ngụ ý gì khi nói như vậy. Ông Abe đã phản bác lại rằng
nói Nhật Bản hạ giá đồng yên là sai sự thực.
Thủ Tướng Đức Angela
Merkel tháng trước cũng bác bỏ lời cáo buộc của ông Peter Navarro, người đứng
đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia, cho rằng thặng dư mậu dịch của nước này là
một dấu hiệu cho thấy giá trị đơn vị tiền tệ của Đức thấp hơn giá trị thực tế
của nó. Bà Merkel lưu ý rằng tỷ giá hối đoái là thuộc trách nhiệm của Ngân hàng
Trung ương Âu Châu, và chính phủ Đức từ lâu vẫn tôn trọng tính độc lập của ngân
hàng này.
Phúc trình về chính
sách tiền tệ Trung Quốc được đưa ra sau khi ông Trump gọi điện thoại cho Chủ
tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tuần trước và đồng ý tôn trọng chính sách “Một
Trung Quốc”, là chính sách đã là nền tảng của các quan hệ Mỹ-Trung từ những năm
của thập niên 1970. – VOA
Tin Việt Nam
12. Nghi phạm ám
sát Kim Jong Nam ‘mang giấy
thông hành Việt Nam ’ — Tướng Tô Lâm: ‘Công dân VN
không mang hộ chiếu giả’ — Các vụ ám sát và bắt cóc của Bắc Hàn ở nước ngoài —
Đằng sau cái chết của ông Kim Jong Nam , và phản ứng của Bắc Kinh
Một phụ nữ mang giấy
thông hành Việt Nam bị bắt
vì bị tình nghi ám sát ông Kim Jong Nam , anh trai cùng cha khác mẹ của
nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un. Theo tin từ nhà chức trách Malaysia .
Cảnh sát Hoàng gia Malaysia nói hôm 15/2 rằng người phụ nữ đã bị
giữ lại tại Nhà ga số 2 của Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur
và cô ta mang các giấy thông hành của Việt Nam . Theo các giấy tờ này, danh
tính của cô là Doan Thi Huong, sinh ngày 31/5/1988 ở Nam Định.
Người đứng đầu ngành
cảnh sát Malaysia Khalid Abu Baka nói Doan Thi Huong bị bắt vào sáng thứ Tư
(15/2), hai ngày sau vụ ám sát ông Kim Jong Nam . Trong một tuyên bố, Khalid cho
biết nghi phạm đã “được nhận dạng chắc chắn từ hình ảnh camera an ninh tại sân
bay và chỉ có một mình vào thời điểm bị bắt”.
VOA liên lạc với Vụ
Thông tin-Báo chí, Bộ Ngoại giao Việt Nam để tìm hiểu phản ứng. Một cán
bộ đề nghị không nêu tên cho biết “Bộ chưa có tuyên bố gì.”
VOA cũng đã liên lạc
với Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia
nhưng không có ai trả lời điện thoại.
Từ Việt Nam , Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng nhà chức trách
Việt Nam nên nhanh chóng hợp
tác với phía Malaysia
để làm rõ các thông tin.
Ông nói với VOA: “Cơ
quan ngoại giao của Việt Nam
tại Malaysia phải hợp tác
chặt chẽ với công an Malaysia
để xác định hộ chiếu này và người mang hộ chiếu này là thực sự thế nào, có phải
là hộ chiếu giả hay không. Ngay cả Bộ Công an Việt Nam, trong đó có Cục Xuất
nhập cảnh, phải làm việc ngay lập tức để xác định rằng cái người có hộ chiếu đó
là có nguồn gốc như thế nào. Ở Việt Nam cấp hộ chiếu là trên cơ sở
Chứng minh Nhân dân, đều có dấu vân tay. Họ cung cấp ngay cho Malaysia các tài liệu đó, để Malaysia xác định người bị bắt đấy đúng là người
đứng tên trong hộ chiếu của Việt Nam hay không.”
Luật sư Trần Vũ Hải
nhận định trong lúc chưa có sự phối hợp với nhà chức trách Việt Nam, nếu cảnh
sát chỉ căn cứ vào các giấy tờ thu được, điều đó chưa đủ để khẳng định nghi
phạm có phải là công dân Việt Nam hay không: “Nếu là các điệp viên chuyên
nghiệp, tôi muốn nói là người chuyên nghiệp, các điệp viên ám sát nói chung là
không có hộ chiếu thật. Nói chung là họ sẽ dùng các hộ chiếu khác để giống
mình. Ở giữa sân bay này họ đều biết rằng đều có nhận dạng, v.v… Nếu họ mà tẩu
thoát đi thì coi như là không ai biết họ là ai. Tôi nghĩ rằng rất là khó tin
đây là một người có hộ chiếu đúng như cảnh sát Malaysia đưa ra, mặc dù cũng có khả
là như vậy”.
Trong trường hợp nghi
phạm được xác định là công dân Việt Nam ,
Luật sư Hải cho rằng vì vụ việc xảy ra trên đất Malaysia
nên nhà chức trách nước này sẽ điều tra và xét xử, không có khả năng họ sẽ dẫn
độ nghi can về Việt Nam .
Phó Tổng thanh tra
Noor Rashid Ibrahim nói với hãng tin Reuters rằng “Cảnh sát đang truy tìm một
vài kẻ khác, tất cả đều là người nước ngoài”, song vị này không cho biết cụ thể
quốc tịch và giới tính của những người đó là gì. – VOA
***
Bộ Trưởng Bộ Công An
Việt Nam, tướng Tô Lâm, khẳng định với VOA Việt Ngữ, chưa nhận được thông tin
liên quan đến người phụ nữ mang giấy thông hành Việt Nam bị bắt vì bị tình nghi
ám sát anh trai lãnh tụ Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un.
Người đứng đầu ngành
công an còn khẳng định xác suất mang hộ chiếu giả đối với công dân Việt Nam là
“gần như không có.”
Vụ ám sát ông Kim Jong
Nam , anh trai cùng cha khác
mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, ngay tại phi trường quốc tế Kualar Lumpur , Malaysia , hôm 14/2 đang gây chấn
động dư luận thế giới.
Cảnh sát Malaysia hôm 15/2 bắt một phụ nữ mang giấy thông
hành Việt Nam bị tình nghi
là một trong những thủ phạm ra tay hạ sát ông Kim Jong Nam . Thông báo của cảnh sát Malaysia cho biết người phụ nữ này tên Doan Thi
Huong, sinh ngày 31/5/1988 tại Nam
Định.
Trả lời phỏng vấn của
VOA Việt Ngữ tối 15/2, Bộ Trưởng Công An, Tô Lâm, cho biết ông “chưa có thông
tin gì. Tôi chưa có thông tin gì về việc này”.
Trước đó hôm 14/2, các
nhà lập pháp Hàn Quốc dẫn lời cơ quan tình báo nước này nói họ tình nghi thủ
phạm giết ông Kim Jong Nam
là 2 nữ đặc vụ Bắc Triều Tiên. Reuters cũng dẫn nguồn tin từ chính phủ Hoa Kỳ
nghi kẻ ám sát anh trai ông Kim Jong Un là đặc vụ Bắc Triều Tiên.
Trong khi cảnh sát Malaysia đang tiếp tục truy tìm các tòng phạm
khác, một số người trong công luận đặt nghi vấn về việc có thể nữ nghi phạm bị
bắt mang giấy tờ thông hành, hộ chiếu giả của Việt Nam . Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng
Tô Lâm khẳng định: “Rất ít, gần như không có. Người đang ở Việt Nam thì rất ít, còn người Việt Nam ở nước ngoài thì tôi không quản
lý được”.
Khi VOA hỏi liệu có
thể có việc người làm công tác an ninh, tình báo tại Việt Nam mang giấy tờ giả
hay không, ông Tô Lâm trả lời: “Không có. Người làm công tác thì không bao giờ,
công việc nhà nước thì không bao giờ có hộ chiếu giả. Công dân Việt Nam
thì không có hộ chiếu giả”.
Ông Kim Jong Nam bị ám sát tại phi trường Kualar Lumpur khi
đang chờ chuyến bay đi đến Macau hôm 14/2. Một
nhà lập pháp Hàn Quốc nói nhiều khả năng ông Kim Jong Nam bị giết chết “bằng chất độc”.
Trong khi đó, đài truyền hình Chosun của Hàn Quốc nói nghi phạm là 2 nữ điệp
viên đã lên taxi tẩu thoát sau khi hạ sát ông Kim Jong Nam . – VOA
***
Kim Jong-nam, anh trai
cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Hàn đã bị giết ở Malaysia , cảnh sát địa phương cho
biết.
Một số phương tiện
truyền thông Nam Hàn đưa tin điệp viên của Bắc Hàn chịu trách nhiệm vụ này.
Nhưng không có bằng chứng nào được đưa ra.
Nhưng kể từ khi Kim Jong-un
lên nắm quyền, ông đã không hề hối hận trong việc hành quyết các quan chức bị
coi là mối đe dọa cho quyền lực của mình – trong vụ việc khét tiếng nhất trước
vụ này là việc xử tử Chang Song-thaek, người chú và cũng cố vấn cấp cao của
mình.
Và Bắc Hàn có bề dày
về lịch sử trong việc cử điệp viên ra nước ngoài để thực hiện các vụ ám sát,
tấn công và bắt cóc.
Dưới đây là năm ví dụ.
1) Đột nhập Dinh Tổng
thống Nam Hàn năm 1968
Một nhóm tinh nhuệ 31
người Bắc Hàn là lính biệt kích được lựa chọn cẩn thận để tới miền Nam với một nhiệm vụ đơn giản: thâm nhập vào Nhà
Xanh (dinh tổng thống Nam Hàn) và ám sát Tổng thống Park Chung-hee.
Trong khi đang lẩn
trốn ở vùng núi tại Seoul
họ đã bị một nhóm thường dân phát hiện nhưng quyết định rằng thay vì giết chết
những người này thì họ dạy cho những người đó về chủ nghĩa cộng sản và thả họ
với một cảnh báo không được nói cho bất cứ ai.
Đó là một sai lầm.
Cảnh sát và quân đội
đã được thông báo, nhưng các sát thủ Bắc Hàn đã thành công trong việc không bị
phát hiện. Họ đã vào thủ đô và mặc đồng phục quân đội Hàn Quốc và tới Dinh Tổng
thống và cải trang thành những người lính canh phòng ở đây.
Tại một trạm kiểm soát
cách dinh tổng thống 100m, họ đã bị hỏi và một cuộc đấu súng nổ ra. Nhiều người
trong số các biệt kích chạy trốn được nhưng hầu hết sau đó đã bị giết hoặc tự
sát khi họ cố quay lại miền Bắc. Một người bị bắt.
Hơn 90 người Nam Hàn
bị giết, trong đó có một nhóm đông người dân mà báo chí đưa tin là họ đang ngồi
trên xe bus.
2) Đánh bom ở Miến
Điện năm 1983
Âm mưu ám sát ở các
nước thứ ba, nếu điều này thực sự là những gì đã xảy ra tại Malaysia , là
không có gì mới cả.
Một quả bom được cài ở
Tượng đài Liệt sỹ ở Rangoon, khi đó là thủ đô của Miến Điện, đã phát nổ chỉ vài
phút trước khi Tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan đến đặt vòng hoa tưởng niệm
vào ngày 9/10.
Mười bảy quan chức Hàn
Quốc, bao gồm bốn bộ trưởng, đã bị giết hại. Bốn công dân Myanmar cũng chết. Xe của ông Chun
đã bị tới trễ do kẹt xe và ông may mắn thoát chết.
Ba điệp viên Bắc Hàn
đã tham gia vào vụ này và được cho kích hoạt một trong ba quả bom đầu sau khi
nghe âm thanh kèn binh mà nhầm tưởng đó là nhạc hiệu báo tổng thống đang tới.
Họ bỏ chạy khỏi hiện
trường nhưng một người thiệt mạng sau đó và hai người đã bị bắt.
3) Bắt cóc ở nước
ngoài, thập niên 1970-1980
Bắc Hàn đã thừa nhận
bắt cóc công dân Nhật Bản trong những năm 1970 và 1980 để đào tạo gián điệp về
phong tục và tiếng Nhật.
Một số bị các điệp
viên Bắc Hàn bắt cóc từ các khu vực ven biển ở Nhật Bản và một số người khác bị
bắt ở nước ngoài. Người trẻ nhất là nữ sinh 13 tuổi bị bắt cóc trên đường từ
trường về nhà vào năm 1977.
Bình Nhưỡng đã trả lại
năm trong số những người họ bắt cóc và nói có tám người đã chết. Nhật Bản không
tin rằng họ đã chết và nói có nhiều người hơn đã bị bắt cóc.
Người Nam Hàn cũng đã
bị bắt cóc – vụ lớn nhất là một đạo diễn phim và vợ là nữ diễn viên, bị bắt cóc
ở Hong Kong và bị đưa đến Bắc Hàn để họ có thể giúp Bình Nhưỡng xây dựng ngành
điện ảnh của mình.
4) Giết người ở Vladivostok năm 1996
Người ta ước tính hàng
ngàn người Bắc Hàn sống ở Nga và quan chức lãnh sự Nam Hàn Choi Duk-keun có
nhiệm vụ giám sát những người ở Vladivostok .
Người ta tìm thấy ông
bị đánh chết hồi tháng 10 năm 1996 và truyền thông Nam Hàn cho biết ông đã bị
giết để trả thù cho cái chết của 22 lính Bắc Hàn đi tàu ngầm bị mắc cạn trên
một bãi biển Nam Hàn trước đó một tháng.
5) Nhắm vào những
người đào tẩu
Đã có các âm mưu sát
hại những người Bắc Hàn đào tẩu. Năm ngoái, khi Phó đại sứ của Bắc Hàn tại Anh
đào tẩu, Nam Hàn cảnh báo về khả năng có ám sát trả thù và bắt cóc.
Cũng đã có một tiền
lệ. Khi Hwang Jang-yop, một chính trị gia cấp cao, đào thoát sang Nam Hàn vào
năm 1997, một người đào ngũ có tiếng, Yi Han-yong, bị bắn vào đầu bởi những kẻ
ám sát bị nghi là người Bắc Hàn. Ông là cháu trai của bà Song Hye-rim, chính là
người mẹ của Kim Jong-nam.
Mười ba năm sau, hai
quan chức quân sự của Bắc Hàn giả làm người đào ngũ bị bỏ tù ở Nam Hàn vì có âm
mưu giết ông Hwang những không thành. – BBC
***
Tin đồn lan truyền
rằng cái chết của ông Kim Jong Nam ,
anh cùng cha khác mẹ với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, đã được thực hiện theo
lệnh của các giới chức cao cấp tại Bình nhưỡng, và rất có thể, thừa lệnh của
chính ông Kim Jong Un.
Quyền Tổng thống Hàn
Quốc kiêm Thủ Tướng Hwang Kyo-ahn nói: “Nếu chứng minh được là cái chết của ông
Kim Jong Nam
là do chính quyền Bắc Hàn thực hiện, thì đây là một trường hợp cho thấy sự tàn
bạo và vô nhân đạo của chế độ Kim Jong Un.”
Ông Kim Jong Nam được
coi là một mối đe dọa đối với chế độ cai trị của người em khác mẹ vì những lời
chỉ trích bộc trực của ông đối với chính sách đàn áp và đường lối cai trị độc
tài ở trong nước, và bởi vì ông Kim Jong Nam là người ủng hộ các chính sách cải
cách sẽ nới lỏng quyền kiểm soát của nhà nước. Một lý do khác là bởi vì những
đồn đại cho rằng Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình mong muốn thấy ông Kim
Jong Nam
thay thế Kim Jong Un trong cương vị lãnh tụ Bắc Hàn.
Cơ quan tình báo Hàn
Quốc hôm thứ Tư (15/2) nói rằng ông Kim Jong Un đã công bố “mật lệnh quân sự”,
phải tuân thủ trong mọi trường hợp, là ám sát cho bằng được người anh cùng cha
khác mẹ. Vẫn theo nguồn tin này thì đã có một âm mưu ám sát ông Jong Nam
hồi năm 2012.
Ông Kim Jong Nam đã từng được Bắc Kinh bảo vệ và sống với
người vợ thứ nhì của ông tại Macau thuộc lãnh
thổ Trung Quốc.
Ông Ahn Chan-il, một
người đào tị từ Bắc Hàn và hiện là một nhà phân tích tại Viện Quốc tế nghiên
cứu các vấn đề Bắc Hàn, nói có phần chắc là các điệp viên Bắc Hàn, trà trộn
trong số đông đảo người lao động làm việc trong công nghiệp khai thác khoáng
sản và hầm mỏ ở Malaysia, đã được tin về kế hoạch du hành của ông Kim Jong Nam
và quyết định ra tay trong khi ông không được sự bảo vệ của Trung Quốc.
Ông Ahn Chan-il nói:
“Tôi tin rằng Bắc Hàn có thể đã cho đặc vụ trà trộn trong đám đông người lao
đông. Trong khi hai phụ nữ bị tình nghi là thành viên của cơ quan trinh sát, có
khả năng cao là ít nhất có hơn 10 người thuộc các cơ quan tình báo khác cũng có
liên quan tới sứ mạng này.”
Chính quyền Hàn Quốc
hôm thứ Tư (15/2) hối thúc tất cả những người đào tị Bắc Hàn hãy thận trọng đề
phòng và giữ an toàn bản thân.
Chế độ khủng bố
Nếu được chứng minh,
vụ ám sát người anh trai của lãnh tụ Kim Jong Un theo lệnh của nhà nước Bắc
Hàn, sẽ cô lập hoá hơn nữa giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng, vốn đã phải chật vật
xoay sở trong các điều kiện khắc nghiệt để tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân,
trong khi các vụ vi phạm nhân quyền diễn ra khắp nơi trong nước.
Viện An ninh Quốc gia
Hàn Quốc hồi tháng 12 năm 2016 tố cáo Kim Jong Un đã hạ lệnh hành quyết 340
người kể từ khi ông ta lên nắm quyền vào tháng 12 năm 2011. Năm 2013, Kim ra
lệnh tử hình chú của mình, ông Jang Song Thaek, từng được coi là người hướng
dẫn tinh thần cho Kim Jong Un, và từng là nhân vật quyền lực thứ nhì của Bắc
Hàn, về tội “phản bội”, theo Bình nhưỡng.
Giáo sư Carl Thayer thuộc
Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, nói cái chết của ông
Kim Jong Nam là thêm một chỉ dấu khác nữa về những lo âu chính trị ở Bắc Hàn.
Giáo sư Thayer: “Ngay
cả khi người anh của ông ta bị loại trừ, và rõ rệt là sẽ không bao giờ trở về
để thách thức ông ta, đây có thể là thêm một chỉ dấu về những sự lo âu của Kim
Jong Un.”
Trong nhiều ngày tới,
Bắc Hàn sẽ đánh dấu sinh nhật của lãnh tụ tiền nhiệm, ông Kim Jong Il, cha của
hai anh em cùng cha khác mẹ Kim Jong Nam và Kim Jong Un. Lễ lớn rơi vào ngày
thứ Năm tuần này (16/2) được gọi là “Ngày Sao Sáng”, sẽ có những màn trình diễn
trượt băng và bơi nghệ thuật, pháo bông và các cuộc tập họp đông đảo.
Phản ứng từ Trung Quốc
Bộ Ngoại giao Trung
Quốc hôm thứ Tư (15/2) cho hay họ đang theo sát các diễn tiến trong vụ này, và
lưu ý rằng nhà chức trách Malaysia
đang tiếp tục điều tra cái chết của ông Kim Jong Nam .
Giới học giả và truyền
thông nhà nước Trung Quốc không vội vàng đưa ra kết luận nào về cái chết của
ông Kim Jong Nam
trước khi cuộc điều tra kết thúc. Họ cũng tìm cách làm giảm tầm quan trọng của
những mối liên hệ giữa người anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong Un với Trung
Quốc.
Ông Vương Đông, một
nhà khoa học chính trị tại đại học Bắc Kinh, nói cái chết của ông Kim Jong Nam
sẽ không thay đổi bất cứ điều gì, ông nói rằng tất cả những thách thức trên bán
đảo Triều Tiên sẽ không tự nó biến mất.
Ông Vương nhận định:
“Những gì xảy ra cho ông Kim Jong Nam hôm qua chỉ là một tin giật gân cho các
tờ báo, tôi không tin là vụ này sẽ mang lại một thay đổi cơ bản, hoặc sẽ có tác
động đáng kể nào tới tình hình chính trị tại Bình Nhưỡng.”
Tuy nhiên, trên mạng,
cuộc thảo luận có vẻ bao quát hơn. Trong mấy năm trở lại đây, ông Kim Jong Un
càng ngày càng trở thành mục tiêu bị diễu cợt trên mạng Internet ở Trung Quốc,
giữa lúc các quan hệ giữa lãnh tụ của đất nước bị cô lập này với Bắc Kinh ngày
càng căng thẳng hơn.
Chủ tịch nước Trung
Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa gặp ông Kim Jong Un từ khi ông này lên nắm quyền, và
Kim Jong Un cũng chưa từng đi thăm Bắc Kinh, như cha ông đã làm trong quá khứ.
Nhà phân tích các vấn
đề Bắc Á, Giáo sư Justin Hastings của Đại học Sydney, nói Trung Quốc trước đây
đã răn đe là không được hãm hại ông Kim Jong Nam ngày nào mà ông còn ở trên
lãnh thổ Trung Quốc, kể cả tại Macau.
Giáo sư Hastings cho rằng việc ông Kim Jong Nam đi thăm Malaysia cung cấp một cơ hội cho
những kẻ chực sẵn, giết hại ông.
Trong cuộc phỏng vấn
dành cho Đài VOA, Giáo sư Hastings nói: “Không
mấy ngạc nhiên khi ông Kim Jong Nam
bị giết. Trước sau gì thì ông Kim Jong Un cũng tìm cách hãm hại ông. Còn về
thời điểm xảy ra chuyện này, thì đơn giản là đó là lúc thuận tiện để họ có thể
ra tay.” – VOA
13. Việt Nam cảnh
báo ứng dụng Pitu của Trung Quốc “thu thập thông tin lạ”
Một phần mềm giúp
người dùng điện thoại di động hóa thân thành các nhân vật trong lịch sử Trung
Quốc đang gây sốt ở Việt Nam, nhưng dân mạng được cảnh báo phải thận trọng vì
phần mềm này có khả năng thu thập thông tin cá nhân không liên quan của người
sử dụng nó.
Truyền thông trong
nước gần đây cảnh báo về phần mềm ứng dụng Pitu do công ty Công Nghệ Tencent
của Trung Quốc phát triển, có thể xâm hại đến quyền cá nhân và làm chủ nhân mất
quyền điều khiển điện thoại.
Trên trang mạng xã hội
Facebook, nhiều người đã tung lên các ảnh chân dung qua xử lý bởi Pitu để hóa
thân thành những nhân vật cổ trang trong lịch sử Trung Quốc. Theo VNExpress,
nhiều người dùng điện thoại ở Việt Nam đã dùng phần mềm Pitu để hóa
thân thành các nhân vật trong Tam Quốc. Người dùng chỉ cần chụp 1 bức hình
selfie, ảnh sẽ được bộ lọc mới nhất của Pitu biến thành các nhân vật chẳng hạn
như Tào Tháo, Lã Bố hay Điêu Thuyền.
Tam Quốc là một trong
những chuyện lịch sử của Trung Quốc được nhiều người Việt Nam đọc nhất và Tam Quốc Diễn Nghĩa của Trung
Quốc được chiếu nhiều trên truyền hình Việt Nam . Trước đây, Pitu từng gây sốt ở
Việt Nam
nhờ hiệu ứng trang điểm giống Võ Tắc Thiên hay búp bê trong ngày Giáng Sinh.
Theo mô tả của trang
web iTunes của Apple, Pitu là phần mềm miễn phí được tải nhiều nhất trên App
Store ở Trung Hoa lục địa, Hong Kong, Đài Loan, Macau và Malaysia . Ứng
dụng này hiện đang có phiên bản chạy trên cả iOS và Android.
Tuy nhiên, theo báo
chí trong nước, ứng dụng này khi được cài đặt sẽ yêu cầu quyền can thiệp vào
những thông tin có trong máy như quyền ghi âm, quyền đóng các ứng dụng khác và
quyền truy cập vào camera.
Thanh Niên Online đã
có bài viết “cảnh giác rò rỉ thông tin cá nhân với ứng dụng hóa trang của Trung
Quốc” trong khi VNExpress cho rằng “ứng dụng gây sốt của Trung Quốc thu thập
nhiều thông tin lạ.”
Báo chí trong nước
trích lời các chuyên gia về công nghệ thông tin cho rằng “chỉnh sửa ảnh thì
không cần quá nhiều thông tin như vậy.”
Phần mềm chỉnh sửa ảnh
Meitu, cũng của Trung Quốc, được tung ra trước đây cũng đòi truy xuất các thông
tin riêng tư tương tự.
Nhiều ứng dụng của
Trung Quốc được cho là vướng vào các nghi vấn tương tự. Tờ The Globe and Mail
trích một báo cáo trong năm 2016 cho biết hàng trăm nghìn người dùng điện thoại
Android có cài đặt các phần mềm ứng dụng đã lâm vào tình huống thông tin về địa
điểm và nhận dạng được gửi tới các máy chủ ở Trung Quốc.
Giám đốc điều hành
Công ty bảo mật Nam Trường Sơn nói với Thanh Niên rằng “nhiều người dùng
smartphone không cảnh giác trước những ứng dụng lạ và cứ cài đặt mà không đọc
kỹ các điều khoản khi cài.”
Diễn viên Ngọc Trinh
đã tung lên Facebook của mình hình ảnh hóa thân thành mỹ nữ và soái ca cổ trang
dùng ứng dụng Pitu, theo MotTheGioi.vn. Tuy nhiên trào lưu này không được một
số nghệ sỹ Việt Nam
hưởng ứng và thậm chí còn tẩy chay những người dùng avatar bằng các hình ảnh
hóa thân vào các nhân vật cổ trang Trung Quốc.
Diễn viên hài Hoài
Linh đã thông báo trên Facebook cá nhân là sẽ hủy kết bạn với những ai đăng ảnh
cổ trang Trung Quốc và khích lệ mọi người hãy hóa thân thành các nhân vật cổ
trang “khăn đóng, áo dài” theo truyền thống Việt Nam.
MC Phan Anh cũng lên
tiếng trên Facebook khi viết rằng mặc dù anh không “biết nó thu thập thông tin
gì? Liệu có dính virus hay mã độc gì không? Nhưng nói chung là chẳng ai lạ gì
độ thâm hiểm của nước lạ này nữa!” ý nói Trung Quốc. – VOA
14. Nguy cơ ‘chiến
tranh thương mại’ Việt-Mỹ?
Một viện nghiên cứu
chính sách có tiếng ở thủ đô Washington, Mỹ, hôm 14/2 đưa ra các đề xuất về
“chiến lược kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương” cho chính quyền của Tổng thống
Donald Trump, trong bối cảnh xuất hiện nhận định rằng Việt Nam có thể là mục
tiêu tiếp theo trong một cuộc chiến thương mại của Hoa Kỳ.
Việt Nam xuất hiện
nhiều lần trong văn bản tổng kết dài gần 50 trang về cuộc nghiên cứu trong hơn
một năm do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) khởi xướng, nhất
là liên quan tới các vấn đề như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP),
biển Đông và sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc hay Diễn đàn Hợp tác Kinh tế
châu Á – Thái Bình Dương (APEC).
Đề cập tới việc chính
quyền của ông Trump rút khỏi TPP, dù nhiều quốc gia, nhất là Việt Nam đặt nhiều
kỳ vọng vào những lợi ích mà hiệp định này sẽ mang lại, ông Jon Huntsman, cựu
Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, và là đồng chủ tịch ủy ban tiến hành cuộc nghiên cứu
của CSIS, vẫn cho rằng sẽ xuất hiện một mô hình nào đó của Hiệp định Đối tác
xuyên Thái Bình Dương.
Ông nói thêm: “Đối với
Hoa Kỳ, TPP mang ý nghĩa vượt quá cả một công cụ kinh tế. Nó cho thấy sự cam
kết chiến lược đối với khu vực [châu Á]. Nó có thể không hoàn hảo ngay lúc này,
nhưng về lâu dài, nó là công cụ thúc đẩy tăng trưởng. Tôi đoán rằng chính quyền
của Tổng thống Trump sẽ xem xét và đi tới việc tạo ra một cách thức trao đổi
kinh tế nào đó với khu vực. Có thể là một hình thái khác của TPP. Ông Trump sẽ
nghĩ ra một thứ gì đó”.
Trong cuộc tranh cử
hồi năm ngoái, ông Trump nhiều lần lên tiếng đả kích các hiệp định thương mại
tự do Mỹ đã ký kết như TPP, gây quan ngại cho nhiều nước, theo các nhà quan
sát.
Ứng viên của Đảng Cộng
hòa năm ngoái cũng chỉ trích các quốc gia như Việt Nam “đánh cắp” việc làm của
người Mỹ. Khi được hỏi liệu những tuyên bố cứng rắn như vậy tác động gì tới
quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, ông Murray Hiebert, Cố vấn Cấp cao và Phó Giám đốc
Chương trình Đông Nam Á của CSIS, nói rằng hiện “vẫn chưa rõ”.
Ông nói thêm: “Ông ấy
chưa nói lại việc đó kể từ khi nhậm chức. Một số tuyên bố đó nhằm mục đích kiếm
phiếu của các cử tri trong cuộc bầu cử. Tôi nghĩ rằng, nhìn chung, ông ấy đã
dịu giọng hơn nhiều. Tôi nghĩ rằng khi ông ấy hiểu rõ Việt Nam hơn, việc Việt
Nam là một khách hàng lớn mua các mặt hàng nông nghiệp, và chuyện Mỹ mua nhiều
thứ của Việt Nam như thủy sản, hàng may mặc mà Mỹ không còn sản xuất, ông ấy sẽ
thấy có nhiều cơ hội với Việt Nam. Tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở Việt Nam sẽ mua các mặt hàng tiêu dùng sản xuất tại
Mỹ. Chúng ta cần phải chờ đợi xem chính sách đối với Việt Nam như thế
nào”.
Việt Nam trong tầm
ngắm?
Nhận xét của nhà
nghiên cứu kỳ cựu này được đưa ra hai ngày sau khi hãng tin Bloomberg cho rằng
một số quốc gia châu Á như Việt Nam có thể trong tầm ngắm của Tổng thống Donald
Trump trong cuộc chiến thương mại sắp tới, và một trong các lý do là các nước
này hưởng thặng dư trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ.
Phát biểu tại Đại học
Stanford, Mỹ, tháng Chín năm 2016, Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông Ted Osius, nói
rằng các doanh nghiệp nước mình “đang kinh doanh ngày càng nhiều với Việt Nam
trong bối cảnh thương mại hai chiều hàng năm đã tăng từ 500 triệu đôla lên 45
tỷ đôla”.
Theo số liệu được Bộ
Công Thương công bố tháng trước, Việt Nam xuất sang Mỹ các sản phẩm trị giá hơn
38 tỷ đôla trong năm 2016, tăng 14% so với năm trước, và nhập từ Hoa Kỳ tổng
giá trị hàng hóa gần 9 tỷ đôla.
Theo Bloomberg, thặng
dư mậu dịch của Việt Nam với Mỹ chiếm khoảng 15% tổng sản lượng của nền kinh tế
Việt Nam, và xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng gấp đôi kể từ năm 2010 vì nhiều nhà máy
của Trung Quốc chuyển hướng sang Việt Nam vì nguồn nhân công rẻ.
Ngoài Việt Nam, hãng
này còn đăng danh sách các quốc gia châu Á khác mà Mỹ đang có thâm hụt thương
mại lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia…
Khi được hỏi về đánh
giá của hãng tin tài chính của Mỹ, nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại
Murray Hiebert nói: “Mỹ đúng là có thâm hụt mậu dịch thương mại lớn với Việt
Nam, nhưng đồng thời nó cũng là một trong những thị trường phát triển nhanh
nhất cho các mặt hàng của Mỹ ở châu Á. Những năm qua, khối lượng hàng hóa Việt
Nam mua của Mỹ đang gia tăng. Vậy nên, một khi Tổng thống Trump nắm được vai
trò của Việt Nam trong thương mại quốc tế, tôi không chắc là ông ấy sẽ nhắm mục
tiêu vào Việt Nam. Tôi nghĩ rằng ông ấy hiện quan ngại về các nước như Mexico và Trung Quốc hơn là Việt Nam vì thông
thương giữa Việt – Mỹ không quá lớn”.
Chuyên gia về quan hệ
quốc tế này cho rằng trong một vài tháng tới, ông “không nghĩ chính quyền của
Tổng thống Trump sẽ chú tâm tới Việt Nam”, mà “ông chủ” Nhà Trắng sẽ hướng tới
các quốc gia láng giềng, hay những nước lớn.
Ông Hiebert cho rằng
“mọi thứ vẫn còn quá sớm”, và rằng việc Việt Nam theo đuổi cách tiếp cận “chờ
xem” là điều “khôn ngoan”.
Nhà nghiên cứu này còn
cho biết rằng theo các nguồn tin, Việt Nam “rất muốn” ông Trump tới dự hội nghị
thượng đỉnh APEC ở Việt Nam, nhưng “chúng ta chưa biết ông ấy [Tổng thống
Trump] nghĩ gì về APEC”.
Về việc nhà lãnh đạo
Mỹ tham dự diễn đàn kinh tế này, ông Matthew Goodman, Cố vấn Cấp cao về Kinh tế
Châu Á tại CSIS, nói rằng với vị trí chủ tịch của APEC trong năm 2017, Việt Nam là một quốc
gia quan trọng về mặt chiến lược để hợp tác.
Ông nói thêm: “Chúng
tôi nghĩ rằng điều quan trọng là Tổng thống [Trump] nên tham dự hội nghị thượng
đỉnh các nhà lãnh đạo APEC tại Việt Nam, tận dụng diễn đàn này để thúc đẩy hợp
tác trong lĩnh vực kinh tế”.
Đại sứ Việt Nam tại
Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh thời gian qua nhiều lần bày tỏ hy vọng rằng ông Trump sẽ
tới thăm và tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái
Bình Dương vào cuối năm nay ở thành phố Đà Nẵng. – VOA
15. Ngưng cuộc tuần
hành khiếu kiện Formosa —
Đoàn người đi kiện Formosa
bị tấn công
Cuộc tuần hành đi nộp
đơn kiện Công ty Formosa
gây thảm họa môi trường do giáo dân xứ Song Ngọc bắt đầu từ hôm 14 tháng 2 được
ngưng lại trong ngày hôm nay 15 tháng 2.
Lý do được vị linh mục
quản xứ Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục cho biết là theo chỉ chị của bề trên
giáo phận Vinh yêu cầu giáo dân đi về và vị linh mục quản xứ cùng một số đại
diện đi nộp đơn tại tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh mà thôi.
Vào chiều ngày 15
tháng 2, linh mục Nguyễn Đình Thục cho Đài Á Châu Tự do biết như sau:
Buổi sáng hôm nay Đức
cha ngài gọi điện cho tôi và ngài khuyên tôi là đưa bà con giáo dân về rồi
chúng ta sẽ thực hiện việc khiếu kiện vào một dịp khác. Lúc đó tôi và một số bà
con giáo dân sẽ có đại diện của Tòa Giám mục đi nộp đơn kiện. Hôm nay chưa thực
hiện việc này và giáo dân họ đã về nhà vào sáng hôm nay chỉ còn một người đang
nằm bệnh viện từ ngày hôm qua và một người khác vào chiều hôm nay thấy rất đau
nên đã đến bệnh viện, tôi cũng chưa gọi lại nên chưa biết họ có cần nằm lại để
điều trị hay không.
Tin vừa nêu cũng được
những người tham gia trong đoàn người đi kiện ngày hôm qua xác nhận. Bên cạnh
đó, theo lời linh mục Nguyễn Đình Thục sau khi khỏe lại ông sẽ đến gặp đại diện
tỉnh Nghệ An là ông chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh; sau đó đi thăm các nạn nhân
đang điều trị trong bệnh viện do lực lượng chức năng đánh đập, hành hung vào
chiều hôm qua.
Sáng hôm qua 14/2,
chừng 1.000 người là giáo dân thuộc Giáo xứ Song Ngọc, giáo phận Vinh bắt đầu
hành trình đến Tòa án Nhân dân huyện Kỳ Anh nộp đơn khởi kiện công ty Hưng
nghiệp Formosa, đơn vị xả thải hóa chất gây thảm họa môi trường biển kể từ
tháng tư năm ngoái.
Cùng lúc lực lượng
công an, an ninh, cảnh sát cơ động cũng xuất hiện trên lộ trình bộ hành của
đoàn người khiếu kiện.
Các video clip và hình
ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy lực lượng công an đông đảo đã sử dụng
đến lựu đạn cay để trấn áp đoàn người. – RFA
***
Linh mục và ngư dân
trong đoàn hàng trăm người đi khiếu kiện Formosa cho VOA biết họ đã bị tấn công
“tàn nhẫn”, nhiều người “sống dở chết dở” khi đang trên đường, đi bộ đến Kỳ
Anh, tỉnh Hà Tĩnh, để nộp đơn kiện Formosa, công ty đã gây ra thảm họa ô nhiễm
môi trường ở vùng biển miền Trung, khiến người dân mất nguồn sinh kế.
Tin cho hay sau khi
các xe hợp đồng bị chính quyền ngăn cản, đoàn người từ 3 xã Quỳnh Ngọc, Sơn
Hải, Quỳnh Thọ tỉnh Nghệ An, đã quyết tâm đi bộ trên đoạn đường dài gần 200 km
để nộp đơn kiện. Tuy nhiên, họ đã bị tấn công khi đến xã Diễn Hồng, huyện Diễn
Châu, tỉnh Nghệ An.
Linh mục Nguyễn Đình
Thục, người dẫn đầu đoàn giáo dân là nạn nhân của Formosa , cho VOA biết:
“Cảnh sát cơ động,
cảnh sát giao thông và an ninh mặc thường phục đã tràn ra và tất cả khoảng mấy
trăm đến cả ngàn người tràn ra vây bắt tôi và đánh đập. Bà con giáo dân đến bảo
vệ tôi thì nó bắt những người làm truyền thông cho lên xe và chở đi. Mấy xe ô
tô của chúng tôi chở người, chở thực phẩm là nó câu đi hết”.
Một trong số những
người đi trong đoàn cho biết chỉ trong buổi chiều 14/2, đoàn đã bị tấn công đến
2 đợt.
“Có 2 giai đoạn bị
đánh đập. Lúc đầu tiên nó chận xe, ép người dân vào đường, rút chìa khóa xe
xong thì lôi người xuống đánh. 4-5 người mặc thường phục đánh xong rồi còng tay
ép đưa lên ô tô tải (xe thùng). Đó là lần đầu tiên. Nó cũng bắt khoảng gần 10
người. Bị ở đó xong thì nó ép dân vào một bãi đất rộng ở gần đấy. Lần hai là
lúc cao trào chúng giở trò ném đá. Nó mạo danh là người dân ném đá. Nhưng đó
không phải là người dân mà là công an ném đá để người dân hùa theo. Sau đó nó
ném lựu đạn. Dân bắt đầu hoảng loạn chạy. Chạy thì nó đuổi và nó đánh. Nó đánh
rất nhiều người bị thương”.
Những hình ảnh được
cập nhật liên tục trên mạng xã hội cho thấy nhiều người đã bị đánh với những
vết thương khá nặng, bị rách trán, bầm mắt, dập môi… Linh mục Nguyễn Đình Thục
cho biết thêm:
“Nó đuổi, nó bắt và nó
đánh đập tàn nhẫn. Nó đánh đập rất nhiều người bây giờ sống giở chết giở ngoài
bệnh viện. Rất nhiều người, khoảng vài ba chục người, đã bị đánh đập”.
Linh mục Nguyễn Đình
Thục cho biết hiện các nạn nhân đang được cấp cứu tại các bệnh viện, trạm xá
địa phương.
Giáo dân giáo xứ Song
Ngọc đa số làm nghề biển, nhiều người đã bị mất nguồn sinh kế kể từ khi xảy ra
ô nhiễm môi trường. Linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết kể từ khi ô nhiễm môi
trường xảy ra, rất nhiều gia đình trong giáo xứ đã phải bán cả tàu thuyền, là
gia sản và phương tiện kiếm sống duy nhất, để có thể trả nợ ngân hàng và đắp đổi
qua ngày. Nhưng chính quyền Việt Nam và công ty Formosa chỉ đền bù cho người
dân của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Sau khi đã gửi
đơn kiện với kê khai cụ thể thiệt hại mỗi hộ gia đình hồi năm ngoái, người dân
ở Nghệ An vẫn chưa được xem xét bồi thường.
Vợ của một ngư dân
tham gia trong đoàn đi kiện cho VOA biết:
“Chết sống gì chúng
tôi cũng phải đi để đòi lại sự thật, đòi họ đền bù cho chúng tôi, chứ chúng tôi
bị thiệt hại, chúng tôi không biết phải sống bằng nghề gì. Nếu họ có đánh đập,
chúng tôi chết vì sự thật, chúng tôi vẫn cứ sẵn sàng”.
Hiện đoàn người đi
kiện đang tạm nghỉ ở giáo xứ Đồng Tháp, thuộc xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu,
tỉnh Nghệ An. Trên đường đi kiện, họ được rất nhiều người dân, giáo xứ lân cận
ủng hộ, trợ giúp thức ăn, nước uống.
Trong khi truyền thông
lề trái và nhiều Facebooker liên tục đưa tin cập nhật tình hình, thì trên các
phương tiện truyền thông chính thống vẫn chưa có thông tin về sự kiện này.
VOA đã cố gắng liên
lạc với chính quyền địa phương để xác nhận thông tin nhưng không nhận được hồi
đáp. – VOA
16. Việt Nam ra qui
định mới cung cấp thông tin cho báo chí
Khi xảy ra các vấn đề
quan trọng có tác động lớn trong xã hội hoặc có nhiều nguồn dư luận đưa ra ý
kiến trái chiều nhau, không thuộc quản lý của cơ quan hành chính nhà nước thì
người phát ngôn được uỷ quyền phải cung cấp thông tin cho báo chí để định hướng
dư luận.
Đó là nội dung trong
Nghị định số 09/2017/NĐ-CP vừa được chính phủ ban hành và báo trong nước loan
tải ngày 15 tháng 2 năm 2017 .
Theo nghị định này,
người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là những người đứng
đầu cơ quan hành chính nhà nước. nếu vì lý do nào không thực hiện được thì uỷ
quyền cho cấp phó.
Cũng theo nội dung
trong nghị định, hình thức phát ngôn bao gồm tổ chức họp báo, đăng tải nội
dung, cung cấp thông tin trên cổng điện tử hoặc trang mạng xã hội chính thức
của cơ quan hành chính nhà nước.
Ngược lại các văn
phòng, cơ quan chính phủ có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho báo chí theo định
kỳ một tháng một lần.
Nghị định này có hiệu
lực từ ngày 30 tháng 3 năm 2017. – RFA
17. Dân biểu
Lowenthal: Sẽ tiếp tục thúc đẩy nhân quyền Việt Nam
Dân biểu Liên bang Hoa
Kỳ Alan Lowenthal vừa trở thành đồng chủ tịch Ủy ban Quốc hội về Việt Nam (Congressional Caucus on Vietnam ), theo
thông cáo báo chí từ văn phòng của ông ngày 10/2. Hai vị đồng chủ tịch khác là
Dân biểu Chris Smith và nữ Dân biểu Zoe Lofgren.
Ông Lowenthal đại diện
cho khu vực Little Saigon, thuộc địa hạt 47 tại miền Nam California, nơi có
cộng đồng người Mỹ gốc Việt đông nhất Hoa Kỳ.
Trong cuộc phỏng vấn
dành cho VOA Tiếng Việt ngày 14/2, dân biểu Lowenthal đã chia sẻ những ưu tiên
và dự định của ông trên cương vị mới nhằm thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam.
Ưu tiên tiếp tục thúc
đẩy nhân quyền
VOA: Thưa ông, là đồng
chủ tịch Ủy ban Quốc hội về Việt Nam , ông có những ưu tiên gì?
DB Lowenthal: Tôi muốn
tiếp tục những ưu tiên mà tôi đã đặt ra khi còn là thành viên của ủy ban dưới
sự lãnh đạo của các Dân biểu Zoe Lofgren, Loretta Sanchez trước đó, và Chris
Smith.
Và tôi nghĩ Hoa Kỳ
phải tiếp tục yêu cầu Việt Nam
tham gia các hoạt động bảo vệ quyền của các công dân của họ.
Nếu họ muốn có quan hệ
tốt đẹp hơn với Hoa Kỳ, tôi nghĩ chúng ta phải đề nghị họ bảo vệ quyền tôn giáo
của công dân, quyền của các blogger được bày tỏ bất đồng, các nhà hoạt động lao
động được đòi có công đoàn độc lập, các nhà môi trường được đòi bồi thường thật
sự cho thảm họa Formosa, Hòa thượng Thích Quảng Độ đang bị quản thúc được thực
hành tôn giáo.
Như vậy, có nhiều việc
chúng tôi muốn tiếp tục. Và điều tôi muốn làm trên cương vị là một trong những
đồng chủ tịch là duy trì việc ủy ban tập trung vào Việt Nam, và chúng tôi muốn
thấy những thay đổi to lớn về nhân quyền của các công dân Việt Nam.
VOA: Trong những năm
qua, ông đã có nhiều cuộc gặp gỡ, thảo luận với nhà chức trách Việt Nam . Ông đã đề
nghị họ đạt tiến bộ về những vấn đề gì, và họ hồi đáp ra sao?
DB Lowenthal: Tôi đã
đến Việt Nam, thách thức chính phủ Việt Nam rằng tôi sẽ không ủng hộ Hiệp định
Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam muốn tham gia trừ phi Việt Nam
có những thay đổi, thay đổi về nhân quyền, về môi trường.
Và chúng tôi sẽ tiếp
tục làm như vậy. Tôi nghĩ dưới thời chính quyền mới, Hiệp định TPP đã bị loại
bỏ. Nhưng tôi nghĩ trên bàn đàm phán sẽ là những hiệp định thương mại mà chúng
ta thảo ra với Việt Nam .
Và tôi thực sự muốn chính quyền này cổ võ cho nhân quyền cũng như các quyền
kinh tế của người Mỹ nếu như chúng ta có mối quan hệ thương mại, hay gia tăng
thương mại với Việt Nam .
Do vậy, tôi nghĩ hết
sức quan trọng phải làm công việc đó trong khuôn khổ của ủy ban.
VOA: Tân Tổng thống
Trump chưa trực tiếp đề cập đến nhân quyền trong các phát biểu, tuyên bố. Ông
có cho rằng như vậy chính quyền Trump thiếu quan tâm đến nhân quyền, và điều đó
ảnh hưởng ra sao đến nỗ lực của ông nhằm thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam ?
DB Lowenthal: Chúng
tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy nhân quyền. Chúng tôi thúc đẩy nhân quyền không phải
vì có một chính quyền nào đó nói nhân quyền là quan trọng. Chúng tôi ủng hộ
nhân quyền như là một nguyên tắc cơ bản của Mỹ, nguyên tắc đó cần phải là một
phần trong chính sách đối ngoại của chúng ta trên toàn thế giới.
Tôi biết rằng có nhiều
người Mỹ gốc Việt sinh ra ở Việt Nam
hay ở Mỹ. Nhiều người có gia đình vẫn ở Việt Nam . Có những gia đình đã đi di tản
và là một phần của cộng đồng Việt kiều. Họ thực sự muốn có quan hệ tốt với Việt
Nam .
Và thực sự là tùy thuộc vào việc chính quyền Việt Nam dừng các hoạt động đàn áp đối
với chính người dân của mình.
Và như vậy, chúng tôi
sẽ tiếp tục vận động chính quyền [Mỹ] hiện nay. Đúng như bạn nói, chính quyền
hiện nay chưa tập trung vào nhân quyền. Vai trò của chúng tôi là Ủy ban về Việt
Nam ở Quốc hội, với tư cách là một nhánh quyền lực ngang bằng với chính phủ,
thì Quốc hội muốn chính phủ làm việc về các vấn đề này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục
làm việc với chính phủ, với Ngoại trưởng và các vị khác để tập trung vào những
vấn đề rất quan trọng này, đảm bảo rằng nhân quyền trở thành một trong những
mục tiêu đối ngoại của Mỹ.
Đại sứ Osius ở vị trí
khó khăn
VOA: Nhiều nhà hoạt
động và nhiều người trong công chúng Việt Nam
bày tỏ thất vọng về Đại sứ Ted Osius vì cho rằng dường như ông thiếu nỗ lực
thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam .
Ông bình luận ra sao về điều này?
DB Lowenthal: Tôi nghĩ
ông Osius ở vào một vị trí khó khăn. Cá nhân tôi rất ủng hộ các hoạt động của
ông Osius là người mà tôi nghĩ đã cố gắng thúc đẩy cả phát triển kinh tế với
Việt Nam
lẫn nhân quyền.
Ông Osius đã thăm
Nghĩa trang Biên Hòa. Ông rất ý thức về việc chúng tôi mong muốn cung cấp trợ
giúp nhân đạo cho các thương phế binh Việt Nam Cộng hòa không thể đi Mỹ.
Có thể có một số quan
ngại từ các nhà hoạt động là Mỹ chưa làm đủ. Vai trò của chúng tôi trong Quốc
hội là tiếp tục thúc đẩy nhân quyền, bảo đảm rằng chính quyền hiện nay gửi ra
thông điệp là nhân quyền nằm trong số các ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi muốn đi
tiên phong làm việc đó theo cách thức lưỡng đảng.
Chính quyền chưa thực
sự trình bày về chính sách đối với Việt Nam . Do vậy, thực sự đó là trách
nhiệm của chúng tôi cần phải giúp đỡ chính quyền lập ra chính sách đó. Sau đó,
họ sẽ làm việc với đại sứ của họ, như là ông Osius, để thực thi chính sách.
Như vậy, lúc này, đó
là những gì ủy ban đang làm, đề ra một số định hướng, một số vấn đề mà chúng
tôi muốn chính quyền giải quyết.
VOA: Lúc này đang có
một cuộc biểu tình lớn ở Nghệ An liên quan đến Formosa . Những thông tin mới nhất
chúng tôi nhận được cho thấy những người biểu tình bị cảnh sát đánh đập. Ông có
thể nói gì về điều này? Ông có thông điệp gì dành cho họ?
DB Lowenthal: Chúng
tôi muốn nói chúng tôi biết rõ Việt Nam
đã phải hứng chịu một thảm họa môi trường to lớn do việc xả chất thải độc hại
trái phép của hãng thép Formosa
ở Hà Tĩnh, một công ty Đài Loan. Vụ này đã làm chết hàng triệu tôm cá, tàn phá
nền kinh tế và sinh kế địa phương.
Trong khi đó, chính
phủ Việt Nam
đã ứng phó chậm chạp, và đã từ chối điều tra xem ai chịu thiệt hại nặng nề
nhất. Cá nhân tôi cho rằng đó là một sai lầm lớn. Và tôi sẽ tiếp tục vận động
chính phủ Mỹ – thông qua chính sách của mình – đứng lên vì những người bị thiệt
hại nhiều do thảm họa môi trường này.
Luật Magnistky giúp
nhắm vào những kẻ vi phạm
VOA: Hồi tháng
12/2016, Luật Magnistky về trừng phạt những người vi phạm nhân quyền đã được
thông qua. Nhiều nhà hoạt động Việt Nam
đã hy vọng Mỹ sẽ sử dụng đạo luật này để lập danh sách các quan chức Việt Nam cần phải bị
trừng phạt. Ông và các dân biểu khác đã bắt đầu hành động về việc này chưa? Ông
nghĩ Luật Magnistky sẽ có tác động thế nào đến tình hình nhân quyền Việt Nam ?
DB Lowenthal: Có, nó
sẽ có tác động. Tôi nghĩ lúc này điều mà tôi hy vọng Quốc hội sẽ làm là sẽ nói
chuyện với chính quyền [Mỹ] về việc bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam, và sau đó sẽ
bắt đầu xem xét các công cụ mà chúng tôi có, như là đạo luật này, để nhắm mục
tiêu vào những ai vi phạm nhân quyền.
Như vậy, điều tôi thực
sự mong đợi là có một cuộc thảo luận toàn diện giữa chính quyền và các thành
viên Quốc hội, và các cộng đồng, những người thực sự muốn thấy Hoa Kỳ đóng vai
trò lãnh đạo trong việc bảo vệ các công dân Việt Nam khỏi những sự vi phạm nhân
quyền, quyền tôn giáo bởi chính phủ [Việt Nam]. Và đạo luật này sẽ có tiềm năng
giúp chúng tôi nhắm mục tiêu vào một số những kẻ vi phạm tồi tệ nhất.
Nhưng lúc này chúng
tôi cần đánh tiếng trước rằng Hoa Kỳ tiếp tục theo dõi Việt Nam, và quan hệ của
chúng tôi với Việt Nam trong tương lai sẽ tùy thuộc vào những thay đổi trong
hành xử của chính phủ Việt Nam đối với chính các công dân của mình thông qua
việc mang lại sự bảo vệ và các quyền, và không bỏ tù các công dân hay các tù
nhân lương tâm.
VOA: Xin cảm ơn dân
biểu Lowenthal đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này. – VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét