Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

Mua vui cùng câu đối Tết Con Gà (Đinh Dậu 2017)

Posted by adminbasam on 03/02/2017
Hà Sĩ Phu
2-2-2017
Ảnh: Hà Sỹ Phu
Ảnh: Hà Sĩ Phu
Tết Đinh Dậu 2017 năm nay, do điều kiện sức khỏe, xin lỡ hẹn cùng bạn đọc không thể ra mắt 16 câu đối Tết như thường lệ, tôi chỉ xin nhắc lại một chuyện vui về Tết Con Gà và nhân thể bàn cái thú giao lưu quanh Câu đối Tết để hầu chuyện bạn đọc trong mấy ngày đầu xuân.
A/ Câu đối đùa bỡn Tết Con Gà (đã đăng báo Phụ nữ số Tết 1993):
(Đúng ngày ông Táo chầu Giời năm Đinh Dậu này, như thể nhắc tôi năm nay chưa có Câu đối Tết, một ông bạn đã gửi cho tôi một đoạn trong Hồi ký của nhà báo Lê Phú Khải trong đó tác giả trích ngay một Câu đối của tôi về Tết Con Gà:
Thân tàn lại diễn trò con khỉ!
Dậu nát còn che đám cỏ gà!

Cảm ơn nhà báo LPK đã lưu trong trí nhớ câu đối ấy từ năm 1993, nhưng vận vào tình hình văn hóa-xã hội ta năm nay chắc cũng chẳng sai: cái THÂN (con Khỉ) càng già, càng tàn, thì càng diễn nhiều trò Con Khỉ cho thiên hạ bấm miệng mà cười (nhất là cười một vị lãnh đạo tối cao tuổi Khỉ), trong khi xã hội đã “nát đám cỏ gà” từ lâu.
Và tiện đây tôi xin nói rõ thêm: câu đối năm ấy đã đăng đàng hoàng trên báo Phụ nữ Tết Quý Dậu 1993, có lẽ bởi viết dưới dạng đùa bỡn như sau:
Nát đám cỏ gà!
(chuyện câu đối năm Khỉ sang năm Gà)
Lão THÂN già nhưng vẫn trăng hoa, ngồi kề mụ DẬU toan giở trò táy máy. Mụ gạt lão ra, choang cho một “vế” rất khó nhai, tưởng lão phải cứng họng:
– THÂN tàn, chưa hết trò con KHỈ !
Chẳng ngờ lão bợm ấy phá lên cười, rồi hấp háy con mắt đa tình, đối lại, giọng rất “nhả”:
– DẬU nát, còn che đám cỏ GÀ !
Mụ Dậu đã ở tuổi 49 (năm nay là năm tuổi của mụ), nam chinh bắc chiến đã nhiều, những “trò tay chân” thì mụ có coi là “cái đinh” gì, thế mà nghe mấy cái chữ nghĩa bầy hầy của lão, cái thẹn đã chết nghỉm trong mu từ lâu chẳng hiểu sao bỗng hồi sinh khiến mụ cứ rần rần đỏ mặt lên mới lạ chứ? Mụ nghĩ thầm trong bụng: Hóa ra chữ nghĩa mới là cái “trò con khỉ” tệ hại nhất, khéo không nó làm “nát đám cỏ gà” của mình thật chứ chẳng chơi! Nhưng chẳng phải tay vừa, đụng vào “đám cỏ gà” của mụ thì không thể thoát thân an toàn, mụ liền đon đả cười mà lẩy một câu thơ Hồ Xuân Hương rất đắt rằng: Vâng, cỏ gà,“cỏ gà lún phún leo… quanh mép” nhà ông đây này! Vừa nói mụ vừa lấy ngón tay dí vào mấy sợi ria quăn quanh mép lão Thân. Gậy ông đập lưng ông, Lão chỉ còn biết cười trừ trước một đòn thua không gỡ.
[Đăng báo Phụ nữ Xuân Quý Dậu 1993]
B/ Xuất đối và ứng đối với Hà Sĩ Phu trong mấy năm qua
Câu đối vừa là một nét văn hóa bình dân, cổ truyền, vừa là một thú chơi, chơi chữ. Là một thể thơ đúc gọn trong hai câu, nhưng luật đối nghiêm ngặt và có kịch tính, dù liên tưởng hay tả chân thì một câu đối hay vẫn phải “nổ” ra một mâu thuẫn gì đó hoặc bật ra một điều gì mới mẻ. Để đáp ứng tính súc tích như thế, câu đối cần sử dụng chữ đa nghĩa, đồng âm dị nghĩa, dùng chữ trong sách vở, điển tích.
Hai vế có thể từ cùng một tác giả hay hai tác giả với ý tứ cùng chiều hay đối lập. Trong trường hợp đối lập, câu đối là một cuộc chiến qua chữ nghĩa, vế đối “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” của Giang Văn Minh trước Hoàng đế Trung Hoa và vế đối “Thế Chiến quốc thế Xuân Thu, thời thế thế thời phải thế” của Ngô Thì Nhậm trước Đặng Trần Thường là những đối đáp tài giỏi và khí phách đã lưu trong lịch sử và cả hai tác giả vế đối đều làm cho đối thủ ôm hận đến mức phải mượn oai quyền trừng phạt mới hả. Dù trong hai vế đối đáp có bên chính bên tà chăng nữa thì cả hai vế ghép lại vẫn là một câu đối hay để truyền tụng. Ngược lại, nếu thấy quan điểm trái với vế xuất thì đừng nổi khùng, hãy dùng vế đối của mình để đối lại, nhưng phải đối sao cho xứng, câu đối cũng còn là một dạng bút chiến, thậm chí là cuộc đối đáp trai gái chọc ghẹo nhau, nhưng vẫn trên cái nền của một luật chơi trí tuệ và tao nhã, tinh tế của ngôn ngữ.
Hoa đào và cây quất vốn là hai cây cảnh ngày Tết, nhưng bối cảnh xã hội tham nhũng và phi văn hóa năm Con Gà khiến tôi phải cho “đào” và “quất” giữ cả hai chức năng, vẫn là danh từ, nhưng cũng vừa là động từ, bọn cậy quyền và cơ hội đang “đào” đang “quất” vào đất nước, nhân dân:
* KHỈ níu THÂN tàn “đào” đến Tết !
* GÀ chui DẬU thủng “quất” vào Xuân !
Những câu xuất đối của Hà Sĩ Phu trong ngày Tết cũng đã được nhiều bạn thơ khắp nơi hưởng ứng và cũng đã có nhiều vế ứng đối tài giỏi. Tuy chưa có điều kiện tập hợp đầy đủ cũng xin nêu một số ví dụ điển hình mà tôi biết được.
– Các vế ứng đối Tết năm 2000
Sôi nổi nhất là Tết Canh Dần năm 2000 mở đầu thiên niên kỷ. Hết KỶ Mão sang CANH Dần, HSP ra vế đối:
Trời đã sang CANH, đừng vị KỶ !
Vào thiên niên kỷ mới như đêm đã sang canh chờ rạng sáng, thôi thúc lòng người và mọi chế độ hãy vượt qua mọi tính toán vị kỷ để cùng chung xây hạnh phúc, thanh bình.
Vế xuất đối chơi 2 chữ trong “thập CAN” âm lịch đúng lúc giao thời của hai chữ KỶ-CANH nên bật ra ngắn gọn, đơn giản như một ước vọng hay một mệnh lệnh của lương tri nên quả thực kích thích bạn thơ ra nhiều câu ứng đối. Xin kể:
1) Đa số quý vị đối lại bằng các chữ trong thập Can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Và thập nhị Chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Ví dụ:
* Ông Từ Mai:
Đảng chưa bỏ GIÁP, khó duy TÂN !
hoặc:
Đảng mau bỏ GIÁP, gắng duy TÂN !
(Ý thức hệ Mác Lê hay tư tưởng HCM là áo GIÁP của Đảng; Quân đội, Công an cũng là giáp, còn nhiều áo giáp khác nữa… Đảng cứ lăm lăm những thứ ấy thì Chính trị chẳng đổi mới, mà kinh tế cũng khó đổi mới được, mọi lời hiến kế tâm huyết cũng đều bị bật ra thôi! Chui vào trong áo giáp là cố thủ trong vỏ ốc, cũng là vị kỷ! Vế đối có ý gắn bó tiếp nối với vế xuất. Chữ và nghĩa đều chỉnh).
* Bà Mỹ Lan:
Nước còn chẳng QUÝ, ích chi TÂN?
(Chưa quý trọng đất nước, đặt quyền lợi đất nước lên trên quyền lãnh đạo của Đảng thì đổi mới cũng chẳng ích gì).
* Ông Nguyễn M. Tùng:
Nước thay mấy GIÁP, vẫn cùng ÐINH !
(Một giáp là 12 năm, từ 1975 tới nay đã hai [ba] “giáp” có dư mà nước vẫn nghèo khổ! “Giáp” còn là vỏ bọc che chắn và nghĩa khác nữa).
* Vẫn ông Từ Mai:
Đảng ngưng chụp MÃO, chớ quen MÙI !
(Đảng đừng quen mui thấy mùi ăn mãi, hãy ngưng ngay trò chụp mũ gán tội cho người khác đi!)
* Ông Lê Nguyên Phương:
Nước còn ngăn DẬU, phải quên THÂN !
(Nước còn rào giậu ngăn sân thì muốn làm được điều tốt phải biết quên thân mình! Vượt giậu thì có khi bị gai chọc vào người!)
* Một vị ở CH Séc :
Đất tầm tri KỶ, mở canh TÂN !
(Ý nói qua cuộc Canh tân này, những người tri kỷ sẽ tìm thấy nhau).
* Bà Ðỗ thị Thuấn :
Đất còn quốc MẬU, sẽ cùng ÐINH !
(Còn ôm lấy Mậu dịch quốc doanh, thì dân còn khốn cùng).
2) Một vài vị có sáng kiến dùng lại hai chữ KỶ, CANH nhưng đổi chỗ để cho KỶ đối với CANH và ngược lại.
Ông Hồ Hiếu (trong nước):
Đảng còn ích KỶ, khổ tàn CANH !
Ông Nguyễn Gia Kiểng:
Đời thay thế KỶ, phải tân CANH !
3) Có vị lại dùng chữ nôm hoàn toàn, không nệ vào “điển tích” chữ Hán nữa. Đối lại cặp CANH -KỶ, thì dùng một cặp chữ nôm như ÐÓ-ÐÂY , RUỘT-GAN… hoặc hai chữ số.
* Ông Trần văn Lương :
Sĩ dù thắt RUỘT, vẫn bền GAN !
(Ông Hà Sĩ Phu và kẻ sĩ nói chung dẫu gặp gian khổ, gặp chuyện đau lòng vẫn bền gan vững chí).
* Bà Phạm Thị Phong Nhã:
Thời tuy chưa CHÍN, chớ ngồi KHÔNG !
Đây là vế đối khá đặc biệt. Mới đọc có người tưởng bà Phong Nhã không chú ý đối lại hai chữ CANH-KỶ. Nhưng không: Lấy hai con số, số 9 và số 0, trong 10 số đếm đầu tiên để đối với hai chữ của Thập Can, được lắm chứ! Ý tưởng này có phần mới mẻ. Nếu chú ý ta sẽ thấy các chữ mà những người khác thường dùng lấy trong Mười Can, Mười hai Chi, Bát quái… thì tuy là Chữ nhưng đều nằm trong một dãy Số, liên hệ tới những con số cả, thì sẽ thấy việc dùng Số để đối với Chữ cũng chẳng có gì là xa lạ! Mà hai con số này gợi nhớ đến năm 1999 có ba số 9, và năm 2000 có ba số 0, tức là đúng cái thực tế Tết Canh Thìn này. Kể cũng hơi cầu kỳ. Còn ý tứ thì khá hay: Tuy thời cơ chưa CHÍN , nhưng nếu bi quan ngồi KHÔNG thì thời cơ bao giờ đến được? Thời cơ nào mà chẳng cần tích cực chuẩn bị để đón: thời cơ của hạnh phúc lứa đôi, thời cơ của công việc, chứ có phải chỉ là chuyện thời cơ chính trị đâu nhỉ?
4) Riêng trong thập nhị Chi thì một số vị gọi tên thật của con giáp thay cho tên tượng trưng: Rồng hay Long thay cho Thìn, Mèo hay Mẹo hay Mẽo thay cho Mão, Khỉ thay cho Thân, Chó thay cho Tuất…
* Cháu Phạm Huy:
Đất chừ rất “CHÓ” , khó an THÂN !
(Chữ CHÓ dùng thay cho chữ TUẤT, kể ra thì dùng chữ kiểu này cũng hơi ép. Nhưng cũng tạm chấp nhận được. Và tuổi thanh niên mà đã thấu hiểu mặt trái của tình đời, có lòng ưu tư như vậy cũng hiếm có đấy).
5) Cũng nhiều vị lấy chữ trong bát quái: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Ðoài. Và ngũ âm: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ.
* Điển hình là mấy vế đối của Thiền sư Phi Dã:
Vận tuy xuống GIỐC, chớ bi THƯƠNG ! (chữ trong Ngũ cung)
Vẹm ăn quá TỐN, lại làm CÀN ! (chữ trong Bát quái)
Vế này thì quá hay. Đem Bát quái đối với Thập Can thì được quá đi rồi. Kẻ nào ăn TỐN của dân? Phương ngôn ta vẫn có câu: Ăn như vẹm! Nhưng từ khi có phong trào Việt minh thì hai chữ viết tắt VM cũng đọc là Vẹm. Ăn TỐN của dân thì đích là bọn tham nhũng mà thủ tướng Kiệt đã gọi là quốc nạn. Nhưng nếu cái ĂN của kẻ tham nhũng đã tai hại thì cái sự LÀM của nó còn tai hại hơn: làm CÀN! Càn liên tưởng đến càn rỡ, cắn càn! Trong ngôn ngữ Việt con Vẹm cũng gây hại song chưa phải là cái gì xấu lắm, nhưng con vật “cắn Càn” thì vẫn là điển hình cho những gì “phi nhân tính” nhất trên đời! Hãy gác cái nghĩa bóng mà chắc chắn có người rất thích, có người sửng cồ, nhưng phải nhận rằng vế đối này chữ nghĩa gắn bó, câu văn tự nhiên thanh thoát, tương xứng nhất với vế xuất đối.
Tác giả Thiền sư Phi Dã còn có một vế đối nữa mà nhà sư nói là để chia sẻ riêng với Hà Sĩ Phu:
Miệng vừa mở TÝ, họa vào THÂN !
(Mới lên tiếng một tý, chỉ là tiếng nói của người nghiên cứu lý luận, mà họa đã giáng xuống tấm thân của người trí thức không có gì để tự vệ!). Vế này cũng hay lắm, tuy về chữ nghĩa chưa được chỉnh bằng vế đối bên trên.
* Ông Sean Tang:
Đất bằng nổi CHẤN, phải sinh LY !
(Động đất, bão lụt miền Trung gây cảnh tử biệt sinh ly. Chấn, Ly là hai quẻ trong bát quái)
* Ông Lê Nguyên Phương còn có câu:
Nước còn gặp KHỐN, phải gian TRUÂN !
(Ðây là tên hai quẻ Trạch Thủy Khốn và Thủy Lôi Truân trong Kinh Dịch)
6) Rất tiếc tôi không có một sưu tập tương xứng về các vế đối trong nước. Vì không có điều kiện (!). Trong ngót 10 vế đối từ trong nước, thì ngoài vế đối của ông Hồ Hiếu (Đảng còn ích KỶ, khổ tàn CANH!), còn có sự tham gia của hai Ông Đồ.
Ông Đồ Ngang, dùng trọn cả năm chữ trong Ngũ Hành để tạo ra 4 vế đối như một bộ tranh tứ bình về Đất về Nước, về Dân, về Đảng như sau :
Đất còn lưu THỦY, khó nên KIM! (Lưu thủy là điệu nhạc cứ vòng đi vòng lại nhùng nhằng không bao giờ hết. “Nên kim” lấy ý từ câu Có công mài sắt có ngày nên kim. Khó nên kim là khó nên cơm cháo gì).
Đảng còn giữ MỘC, khó nên KIM ! (Mộc là vũ khí để che chắn, chống đỡ).
Dân chưa khai HỎA, khó thành KIM ! (Thái Bình suýt nữa khai HỎA, nhưng bị cái Lưu THỦY, cái MỘC, cái THỔ xúm vào làm tắt ngấm ngay!)
Nước đang giữ THỔ, bán thành KIM ! (Chú thích của tác giả: Thổ là đất. Cán bộ bây giờ không bán nước, chỉ bán đất thôi. Lấy đất làm vốn để hợp doanh với nước ngoài. Hoặc cấp đất cho nhau, bán đi một nửa là thừa tiền xây một vi-la. “Bán THỔ thành KIM” là bán đất lấy đôla ấy mà, lại nghĩa là một nửa đất biến thành tiền!). Chữ “bán” vừa là nôm vừa là Hán, vừa là một nửa vừa là mua bán, nhập nhằng thế cũng hay. Điều thú vị là theo luật tương sinh thì THỔ sinh KIM thật, thế thì nạn biến đất của dân thành Mỹ kim làm sao mà chống được!
Còn ông Đồ Cổ, theo quan điểm bảo thủ “Phi CỔ bất thành KIM”, nhưng ông làm nghề khai quật đồ CỔ nên ông đem nghề của mình ra đối lại với Hà Sĩ Phu như sau:
Đời không quật CỔ, khó thành KIM !
(Ý nói không coi trọng việc khai quật đồ cổ thì làm gì có ngày nay được, nhưng người không quen “nói tắt” như Đồ Cổ mà nghe chữ “quật cổ” chắc cũng giật mình: Không quật cổ xuống thì khó lòng mà thành tử tế, văn minh được).
Sau đó tôi lại được tin trong nuớc tạp chí Sông Hương số Tết có đăng một câu đối như sau :
Trời đã sang CANH, đừng vị KỶ !
Đất còn động CHẤN, hãy tinh KHÔN !
Ghi tên tác giả chung là Sĩ Phu-Nhật Hồng, Vế ứng đối này chữ nghĩa cũng hay, cũng có hàm ý, là của ông Đoàn Nhật Hồng, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục Lâm Đồng. “Đất còn động chấn” lấy từ thực tế năm ấy có nhiều trận động đất, và cũng là những chấn động chính trị-xã hội.
*
Mấy năm về sau tôi không theo dõi và ghi chép được đầy đủ những vế ứng đối của bè bạn, chỉ lưu trong trí nhớ được hai câu:
– Một vế ứng đối Tết 2014.
Tết Con Ngựa 2014 tôi có ra một vế đối thế này:
Đánh cho dân tộc tan hoang, trận đánh đẹp đáng ghi vào lịch sử
Có một cái tích là Đại tá công an Đỗ Hữu Ca chỉ huy một “trận đánh”, dùng cả quân đội lẫn công an, bố trí mọi thứ y như một trận đánh địch để đánh vào dân oan rồi tuyên bố đây là một trận đánh đẹp và đáng ghi vào sách. Tôi nhại luôn câu đó.
(Thật vậy, nói về chiến công của ĐCSVN thì hai cuộc đánh Pháp và đánh Mỹ vẫn có những điều cần phải bàn lại, đánh Trung Quốc thì đánh xong lại phải xin lỗi ở Thành Đô, là chiến công mà tự mình lại phủ định (và còn giấu như mèo…) nên trong tâm lý người dân tin vào Đảng có lẽ chẳng còn gì ghê gớm nữa, chỉ duy cái “chiến công” chua chát mà tôi cho là to lớn nhất của Đảng là đánh vào chính dân tộc Việt Nam, sử dụng triệt để những ưu điểm của dân tộc để đạt những kết quả nhưng rồi làm tiêu biến những ưu điểm ấy, biến một Dân tộc ôn hòa, nhân hậu, đang có tiềm năng phát triển lành mạnh thành một Dân tộc lai căng, chẳng giống ai, phát triển tràn lan hai mặt giả dối và bạo lực, đồng thời không dám bộc lộ lòng yêu nước trước nạn bành trướng của Tàu Cộng. Một dân tộc rất yêu nước, thế mà nay nói chuyện chống Tàu bành trướng, cứu nước cứ phải thì thầm riêng tư, chỉ sợ bị quy là phản động! Tóm lại, ai đã đánh cho dân tộc Việt Nam mất hết tất cả những truyền thống tốt đẹp đó? Trước đây Pháp tám mươi năm đô hộ không đồng hóa được Việt Nam, Tàu một nghìn năm đô hộ không làm mất được cái chất dân tộc Việt Nam, thế mà chỉ có mấy chục năm cai trị của Đảng Cộng sản là mất đến tận gốc! Tôi xin dùng lại chữ của ông Dương Trung Quốc là“chúng ta ngày nay đã bị mất gốc hoàn toàn”. Tôi cho rằng đánh được cho dân tộc Việt Nam mất gốc hoàn toàn thì đấy là “trận đánh đẹp nhất đáng ghi vào sử sách” theo cách nói của viên Công an Đỗ Hữu Ca).
Vế đối của tôi tưởng đã là nói thẳng, nhưng cái vế của người ứng đối cũng sắc sảo không kém. Đó là một nhân vật tên là Mai Xuân Hương, giới thiệu trên trang Ba Sàm, một trang chuyên về chính trị, kinh tế, ít đi vào văn học. Ông ấy đối rằng:
Tiêu vì chiêu bài giải phóng, lính đánh thuê sao gọi đấy anh hùng”
Tiêu tức là chết, chết vì cái chiêu bài giải phóng Miền Nam. Một cái Miền Bắc chưa văn minh, lại đánh vào Miền Nam là cái anh ở trong một hệ thống tuy còn là dân chủ sơ khai nhưng cũng là cái văn minh bình thường của thế giới, tóm lại là một nền văn minh kém lại đòi giải phóng một nền văn minh cao hơn. Chính vì thế mà chết, cho nên “Tiêu vì chiêu bài giải phóng”. Nửa thứ hai của vế đối này mới đặc biệt: “Lính đánh thuê sao gọi đấy anh hùng”. Lấy “lính đánh thuê” đối với “trận đánh đẹp“! Câu này muốn nói rằng mọi cuộc chiến tranh của ta chẳng qua là đánh thuê, đánh thuê cho Liên Xô, đánh thuê cho Trung Quốc. Chính ông Lê Duẩn đã công nhận rồi, ông ấy nói là ta đánh đây cũng là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc! Nhưng có một điều mà ít người nghĩ tới là cả dân tộc mình đánh thuê cho Đảng Cộng sản Việt Nam! Bỏ rất nhiều sinh mệnh, tài sản, công lao vào chiến tranh, để rồi sau đó chiến công, thành quả có cái gì là Đảng giữ hết chứ dân được gì đâu, được mấy cái ghế của 16 ông vua và một tập đoàn lợi ích nhóm! Tóm lại nhân dân là lính đánh thuê với giá rất rẻ cho Đảng. Mà đã gọi là lính đánh thuê, hy sinh trong ngộ nhận thì không thể gọi là anh hùng, thậm chí khó gọi là liệt sĩ dù cho sự hy sinh đó là phi thường, là rất đáng cảm phục! (đọc đầy đủ tại đây và tại đây ) .
Tóm lại, câu đối đáp năm ấy là:
* Đánh cho dân tộc tan hoang, trận đánh đẹp đáng ghi vào lịch sử!
Tiêu vì chiêu bài giải phóng, lính đánh thuê sao gọi đấy anh hùng?
– Một vế ứng đối Tết 2016
Năm nay nhân TBT Phú Trọng có câu ca ngợi “Bác Hồ” như sau: “Thời đại Hồ Chí Minh là một thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam” (http://vov.vn/chinh-tri/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-ky-niem-sinh-nhat-bac-401809.vov.
Rực rỡ nhất là thời đại Bác? Vâng, HSP tưởng tượng nếu Bút Tre sống lại biết đâu ông ấy có thể ngắt câu thế này:
RỰC RỠ NHẤT là THỜI…/ĐI BÁC !?
(chữ “thời đại” sẽ được Bút Tre ngắt ra thành thời… đại bác là thời dùng toàn súng ca-nông để choảng nhau)
Chỉ một ngày sau, nhạc sĩ Thanh Hiển, một người bạn của HSP đã gửi cho HSP một vế ứng đối như sau:
VẺ VANG THAY một GIẤC…/ HỒ !?
“Giấc mơ” là điều rất đẹp nhưng ngắt ra thành giấc… “mơ hồ”, một niềm tin mơ hồ, một chủ thuyết mơ hồ thì nguy lắm chứ vẻ vang gì? Chữ “rực rỡ” ( toàn vần r) đã mỉa mai thì “vẻ vang” (toàn vần v, với dấu hỏi và than cuối câu) cũng mỉa mai không kém, và lấy “GIẤC MƠ… HỒ” đối lại “THỜI ĐẠI… BÁC” thì thật tài tình.
Nhưng anh bạn tôi không gửi đăng ở đâu cả, vì chỉ gửi chơi chữ với nhau để mua vui ngày Tết mà thôi.
Vâng, nhân Tết Con Gà, xin điểm lại mấy câu ứng đối tuyệt cú… mèo của bạn thơ khắp nơi như vậy cũng chỉ để bạn đọc MUA VUI được dăm ba phút ngày xuân, lúc trà dư tửu hậu.
H.S.P.
Mồng ba Tết Đinh Dậu 2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét