Trần Văn Chánh
27/10/2014
MỞ ĐẦU
Đối tượng của bài viết này là chương
trình và sách giáo khoa miền Nam 1954-1975, tuy nhiên nếu không nhắc sơ lại
thời kỳ quá độ trong đó nền giáo dục Việt Nam chuyển từ cựu học sang tân học,
chúng ta sẽ khó theo dõi để nhận ra một cách rõ ràng những sự thay đổi cùng tên
gọi các cấp, lớp, ban học, cũng như nội dung cụ thể của các chương trình học
mới sau này.
Có thể nói, không kể thời kỳ Nho học
mà sự cáo chung được đánh dấu bằng khoa thi Hội cuối cùng ở Trung Kỳ vào tháng
4 năm Kỷ Mùi (1919), nền giáo dục hiện đại Việt Nam chỉ bắt đầu xuất hiện từ
đầu thế kỷ 20 khi người Pháp đã củng cố xong nền cai trị của họ tại Việt
Nam.
Lý do chấm dứt con đường học hành
thi cử truyền thống đã được vua Khải Định đưa ra trong lời phê tờ trình của Bộ
Học, trước khoa thi cuối cùng nêu trên: “Kỳ thi năm nay là khoa thi cuối cùng,
đường khoa cử từ đây dứt hẳn. Trẫm nghĩ rằng quy chế cựu học đã không còn đáp
ứng được điều mong muốn, trong khi con đường tương lai của tân học đang thênh
thang mở rộng trước mặt” (theo Khải Định chính yếu sơ tập).
Trước đó, kể từ Đạo dụ ngày
31/5/1906, chính phủ Bảo hộ Pháp được sự thỏa thuận của Nam triều ấn định nền
học chính mới thay dần cho nền giáo dục Nho học cũ, áp dụng ở Bắc Kỳ và Trung
Kỳ, theo đó chia làm ba bậc học:
(1) Ấu học gồm lớp
Đồng ấu (lớp Năm), lớp Dự bị (lớp Tư), lớp Sơ đẳng (lớp Ba). Chương trình học
gồm chữ Pháp và chữ Quốc ngữ; cuối bậc Ấu học (tức lớp Ba), học sinh phải qua
một kỳ thi để lấy bằng Sơ học Yếu lược (Primaire Élémentaire).
(2) Tiểu học gồm
lớp Nhì năm thứ nhứt (Cours Moyen 1ère année), lớp Nhì năm thứ
hai (Cours Moyen 2ème année), và lớp Nhứt (Cours Supérieur).
Chương trình học cũng gồm chữ Pháp và chữ Quốc ngữ; cuối cấp thi lấy bằng Tiểu
học Yếu lược, cũng gọi Sơ đẳng Tiểu học hay Sơ học Pháp Việt (Certificat d’Etude
Primaire Franco-Indigène, tương đương bằng Tiểu học sau này).
(3) Trung học, gồm hai
cấp/ ban Cao đẳng Tiểu học và Tú tài: (a) Cao đẳng Tiểu học học
đủ các môn Pháp văn, Toán, Lý, Hóa, Vạn vật (Sinh vật), Sử, Địa… tương tự
chương trình Pháp, gồm 4 năm: Nhất niên (1 ère année), Nhị niên (2 ème année),
Tam niên (3 ème année), Tứ niên (4 ème année). Tất cả đều dạy bằng tiếng Pháp,
trừ 2 môn Việt văn và Hán văn; (b) Tú tài(Enseignement secondaire,
tương đương Trung học Đệ nhị cấp hay cấp III sau này), thời gian học 3 năm
(tương tự 3 lớp bậc sau cùng của chương trình Trung học Pháp), chia làm 3 ban
Triết học/ Văn chương, Toán và Khoa học, với học trình gồm các lớp Đệ nhất niên
(1 ère année secondaire, tương đương lớp Đệ tam hay lớp 10 sau này), Đệ nhị niên
(2 ème année secondaire, tương đương lớp Đệ nhị hay lớp 11 sau này) và Đệ tam
niên (3 ème année secondaire, tương đương lớp Đệ nhất hay lớp 12 sau này). Cũng
dạy toàn bằng tiếng Pháp, trừ môn Việt văn và Triết học Trung Hoa. Kể từ Đệ
nhất niên đã bắt đầu phân ban gồm ban Khoa học (Sciences), ban Toán
(Mathématiques), ban Triết (Philosophie). Học sinh học xong Đệ nhị niên (tương
đương lớp Đệ nhị hay lớp 11 sau này) thi lấy bằng Tú tài I (hay Tú tài phần I),
nếu đậu mới được học năm cuối cùng (Đệ tam niên, tương đương lớp Đệ nhất hay
lớp 12 sau này) để thi lấy bằng Tú tài II (hay Tú tài toàn phần).
Riêng ở Nam Kỳ là xứ thuộc địa nên
nền học chính đều theo quy chế thuộc địa, chỉ có chương trình Pháp, nhưng ở vài
trường (như Chasseloup Laubat, Pétrus Ký… ở Sài Gòn) cũng có dạy thêm một số
giờ tiếng Việt.
Ở Bắc và Trung, hai chương trình
trung học Pháp và Pháp Việt nêu trên vẫn được áp dụng cho đến năm 1945 thì được
thay bằng chương trình toàn Việt (lấy tiếng Việt làm chuyển ngữ) ban hành trong
thời chính phủ Trần Trọng Kim bằng Dụ số 67 ngày 3/6/1945 do Hoàng đế Bảo Đại
ký và được thực thi ngay với khoa thi Tú tài niên khóa 1944-1945. Đây là chương
trình trung học Việt Nam đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt Nam hiện đại,
tham khảo từ chương trình Pháp, quen gọi Chương trình Trung học Hoàng Xuân Hãn,
vì do một nhóm giáo sư tâm huyết ở Hà Nội và Huế biên soạn cấp tốc chỉ trong
khoảng 10 ngày, dưới sự chủ trì, đôn đốc của Bộ trưởng Giáo dục và Mỹ thuật
Hoàng Xuân Hãn.
Riêng ở Nam, đến năm 1949, trong
thời kỳ Quốc gia Việt Nam dưới quyền Quốc trưởng Bảo Đại, chương trình cũ (Pháp
và Pháp Việt) mới được thay thế bằng chương trình Hoàng Xuân Hãn.
Đến tháng 9/1949, hai bộ Chương
trình Giáo dục Việt Nam mới dành cho bậc Tiểu học và bậc Trung học với một số
thay đổi từ chương trình Hoàng Xuân Hãn đã được ban hành chỉ cách nhau chừng
tuần lễ, dưới thời Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Phan Huy Quát, để áp dụng chung
trong những vùng thuộc Quốc gia Việt Nam kiểm soát. Được biết sau đó, cả hai bộ
chương trình này còn được cải cách thêm lần nữa vào năm 1953 dưới thời Bộ
trưởng Quốc gia Giáo dục Nguyễn Dương Đôn.
Vì vậy, để thấy được sự tiến triển
qua các thời kỳ của chương trình và sách giáo khoa Việt Nam giai đoạn
1954-1975, chúng ta không thể không xét qua một số bộ chương trình giáo dục cũ
nhưng có tính cơ sở như vừa nêu trên, trong đó có Chương trình Trung học Hoàng
Xuân Hãn 1945, và Chương trình Tiểu học 1949, vì những bộ chương trình Trung và
Tiểu khác về sau đều dựa theo 2 bộ chương trình này để từ đó chỉnh sửa và phát
triển thêm, với sự thay đổi gần như không đáng kể.
Hiện nay, mặc dù chỉ mới sau 40 năm
thay đổi, việc khảo sát/ nghiên cứu đầy đủ về chương trình và sách giáo khoa
miền Nam trước đây là một việc làm không dễ chút nào. Nguyên do vì các thư viện
cả tư nhân lẫn nhà nước đều ít có chỗ nào quan tâm lưu trữ loại tài liệu này
(kể cả Thư viện Quốc gia Hà Nội, Thư viện Tổng hợp TP HCM, Thư viện Khoa học Xã
hội TP HCM…), loại tài liệu mà người ta đơn giản cho rằng không còn cần dùng
đến nữa, nên sau ngày 30/4/1975 đã bị vô tình hủy bỏ hầu hết. Chúng tôi đã ráng
lùng sục, hỏi han khắp nơi vẫn chưa tìm đủ được tất cả những bộ chương trình
giáo dục đã được Bộ Quốc gia Giáo dục miền Nam in ra, còn về sách giáo khoa
phục vụ cho chương trình giảng dạy thì tuy cũng tương tự như vậy nhưng may mắn
lại được một số người yêu sách “hoài cổ” giữ được chút ít. Vì vậy, khi trình
bày bài viết này, đặc biệt ở phần chương trình giáo dục, có những chỗ chúng tôi
sẽ trích dẫn nguyên văn tài liệu cũ khá dài, không phải không biết ngại tốn
giấy mực, nhưng ngoài việc minh họa còn có ý phần nào giúp thế hệ trẻ và những
người nghiên cứu lịch sử giáo dục sau này có sẵn tài liệu tham khảo, khi cần
thì vẫn có thể trích dẫn lại được, mà không quá vất vả như khi chúng tôi phải
đi tìm chúng (ở những đoạn trích nguyên văn này, chúng tôi sẽ cho in bằng font
chữ khác với cỡ chữ nhỏ hơn bình thường, cho dễ phân biệt).
Phần mô tả nội dung cụ thể chương
trình học mỗi cấp lớp của hai bậc Trung, Tiểu học, cũng như sách giáo khoa
tương ứng, chúng tôi sẽ chỉ tập trung vào 3 môn Văn, Đạo đức/ Công dân giáo dục
(Tiểu học, Trung học hay cấp I, II) và Triết (Trung học Đệ nhị cấp hay cấp III)
vì nếu giới thiệu sang tất cả những môn khác sẽ quá mênh mông dài dòng, và vì
đây cũng là 3 môn học tiêu biểu cho thấy những nét đặc trưng của nền giáo dục
miền Nam 1954-1975 vốn dựa trên nền tảng triết lý giáo dục (hay những nguyên
tắc căn bản) gồm Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng. Về sách giáo khoa liên quan
các bộ môn trên, chúng tôi cũng lại xin chú trọng giới thiệu chi tiết hơn về sách
giáo khoa của bậc Tiểu học, vì quan niệm đây là bậc học phổ thông nền tảng có
tính đại chúng quyết định cho những bậc học tiếp sau.
Tuy chủ đề bài viết là chương trình
và sách giáo khoa miền Nam trước 1975, nhưng khi trình bày cho từng đề mục hữu
quan, chúng tôi không thể không nhắc qua những giai đoạn trước đó, vì nếu không
làm như vậy, sẽ không thể nhận ra được mối liên lạc nhân quả trong suốt dòng
mạch phát triển có tính kế thừa và liên tục. Chẳng hạn, nếu không nắm bắt sơ
qua nội dung các sách giáo khoa về Quốc văn, Luân lý của thời Trần Trọng Kim
trước đó thì sẽ không thể hiểu được lý do về nội dung hiện hữu của các sách
giáo khoa Quốc văn, Đạo đức, Công dân giáo dục về sau. Tương tự, tìm hiểu về
chương trình học của miền Nam trước 1975, như trên đã nói, chúng ta cũng không
thể không xét tới những bộ chương trình cũ đã được biên soạn trước, từ 1945.
Riêng về chương trình và sách giáo
khoa ở bậc Đại học, chúng tôi cũng xin nói lướt qua cho biết vậy thôi, đơn giản
chỉ vì Đại học miền Nam được quyền tự trị, về học vụ mỗi trường đại học tự lo
lấy, không có chương trình học quy định và cũng không bị Bộ Quốc gia Giáo dục
chi phối, chỉ đạo. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ xin lưu ý giới thiệu sơ qua chương
trình học và một số giáo trình thường được giảng dạy trong các trường Đại học
Sư phạm, vì quan niệm đây như bộ “máy cái” đào tạo giáo viên, có tác dụng rất
quan trọng đối với toàn bộ sự phát triển của nền giáo dục chung cả nước.
Hết phần 1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét